Phiên chợ của mẹ và Người đi tìm lá diêu bông

Thứ sáu - 04/03/2022 16:59
Nguyễn Văn Ngọc
Ảnh minh họa: ST
Ảnh minh họa: ST

        
                                                                       
              Ký ức về Mẹ
     
 Cứ mỗi lần về quê, con có dịp đi đến các chợ quê mà xưa mẹ từng đến: chợ Đình, chợ Quán, chợ Sơn, chợ Cầu. Hồi nhỏ, vào ngày chủ nhật, mẹ cho con ra chợ. Hầu như các chợ đều họp vào buổi sáng. Vẫn nhớ nơi mẹ ngồi ở các chợ. Chợ Sơn mở vào ngày lẻ âm lịch. Những tháng ngày gieo neo vất vả với miếng cơm manh áo. Chiến tranh phá hoại miền Bắc, rồi đi sơ tán cùng cha mẹ ngược lên vùng núi của huyện. Cuộc sống của gia đình trông nhờ vào đôi gánh của mẹ. Món hàng của mẹ mang ra chợ chẳng có gì ngoài mấy bó rau khoai, mớ khoai lang, rổ cà quê. Mẹ bán được đồng nào, mua bát gạo về cho đàn con  ăn học. Mùa đông, gió hun hút thổi dọc con đường dài ra phía chợ, cánh đồng. Mẹ gồng gánh đi sớm mỗi ban mai. Mái tóc mẹ, từng sợi bạc dần theo thời gian. Gió sương, mưa nắng cuộn vào tóc mẹ.  Nắng gió Lào hắt vào khuôn mặt, ngọn gió mùa lạnh hằn lên da nhăn nheo bọc lấy khuôn mặt gầy của mẹ. Bàn chân mẹ , bấm từng bước một trên lối đi đường trơn khi mưa xuống. Áo mẹ vá đi vá lại nhiều lần, bạc thếch hai bờ vai. Mẹ lủi thủi , tất bật công việc suốt tháng, suốt năm. Vất vả nhưng mẹ có bao giờ nói điều gì trước các con. Có nhiều lúc mẹ ngồi bần thần một mình khi bóng đêm đã về khuya. Đêm mùa đông chưa kịp đắp ấm mảnh chăn chiên thì trời đã bắt đầu sáng.  Mẹ lại lo toan công việc. Đàn con thơ vây bọc lấy mẹ, mẹ cười vui khi phát chút quà nhỏ cho từng đứa con mỗi lần ở chợ về.  Món quà mà đứa nào cũng thích, đó là con tò he làm bằng bột gạo, bột nếp.  Ngoài tấm bằng màu xanh, đỏ. Không gian nhà mẹ ngày xưa, trùm trong bóng tre xanh. Mùa hạ được nằm trên chiếc võng, khi trăng về những câu dân ca ví dặm xứ Nghệ lại da diết  vào lòng chúng con từ lời ru của mẹ.

Ngoài vài mớ rau trong vườn bán chợ, không đủ để trang trải chi tiêu. Mẹ lại nghĩ cách làm hàng xáo, nghĩa là đi chợ mua lúa về, xát ra thành gạo, đem bán  lấy đồng lời  để có gạo ăn, lại còn có cám để nuôi lợn. Con vẫn còn nhớ, hồi đó trong nhà có một cối xay lúa thủ công, một cối giã gạo, cần giã gạo bằng gỗ. Mẹ khoán riêng cho từng đứa, đứa xay lúa, đứa giã gạo. Đứa nào lớn hơn phải làm nhiều hơn. Hồi đó có hạt gạo thật vất vả, khó nhọc, chạy chợ mướt mồ hôi mẹ. Trên dáng gầy của mẹ, con vẫn nhớ mẹ có cái vòng bao bằng vải, mẹ cứ hay buộc quanh bụng. Con cứ tò mò mới hay biết vòng bao đó là  để mẹ đựng tiền lúc đi chợ. Tiền chỉ có mấy đồng bạc lẻ, ra chợ bữa nào chỉ lo ăn cho cả nhà trong ngày. Dường như các bà mẹ ngày xưa, đi chợ đều dùng vòng bao này. Mẹ thích vui, thích giao tiếp. Làng xóm còn hay nhắc chuyện mỗi lần đi chợ về mới đến đầu làng đã nghe thấy tiếng mẹ, tính mẹ xởi lởi,  luộc nồi khoai lang để giữa nhà, bảo con gọi mấy người hàng xóm tới cùng ăn. Khổ mà giàu tình nghĩa. Nghĩa ấy mẹ để lại cho chúng con bước tiếp quãng đường dài. Sáng đi chợ, chiều tranh thủ ra đồng cày cấy. Có nhiều hôm, con theo mẹ ra đồng bãi. Con cứ chạy lon ton theo luống cày của mẹ. Tắm mình trong không gian quê trên những cánh đồng thật thú vị. Con trâu nhẫn nại, cần mẫn, nó gồng sức để cày xong thửa ruộng lúc chiều sắp vãn. Dường như nó biết được những giọt mồ hôi của mẹ rơi trên những luống cày. Vì thế, nó cứ bước nhanh hơn trên luống cày. Thỉnh thoảng về quê, ngang qua cánh đồng phía sau nhà mẹ, con hình dung bóng dáng mẹ với chiếc nón đã chuyển màu, quai mòn dẹt và đôi  quang gánh quen thuộc ra đồng. Con tìm bóng dáng mẹ trên những lối cày xưa, nhặt những bông lúa chín còn sót lại trên cánh đồng mùa gặt, mùi thơm lúa chín đưa con về  sống lại ký ức. Mấy đồng tiền nhỏ và bát gạo ngày giáp hạt sao mà quí giá biết nhường nào. Hạt gạo, đồng tiền bào mòn cơ thể mẹ. Mẹ dành dụm chắt chiu trong những tháng ngày bơ phờ đói khổ. Những phiên chợ và cánh đồng của mẹ nuôi lớn chúng con từng ngày. Cánh đồng mẹ luân phiên gieo trồng bốn mùa. Đếm làm sao hết được bước chân mẹ ra đồng. Khi lụt lội, khi đồng khô, vùng đất thiên nhiên thật khắc nghiệt, bão mưa liên miên, mùa gió Lào thì nắng cháy kéo dài. Tình thương của mẹ phù sa năng lượng tinh thần cho con để đi đến bến đỗ bình yên của cuộc đời. Trong những giấc mơ đọng lại trong đời con là  giấc mơ về đôi quang gánh của mẹ. Mẹ đã đi về miền xa xứ, cõi hư không đã 16 năm, nhưng đôi gánh của mẹ cứ hiện về thăm thẳm trong lòng mỗi đứa con. Mẹ gánh chúng con đi đến những không gian đa chiều trong cuộc đời. Mẹ gánh nhọc nhằn trên vai, gánh cả nỗi buồn lúc vấp ngã trên đường đời của các con. Mẹ gánh cả ước mơ. Mẹ gói chúng con trong sâu thẳm tâm hồn.

Ngày giỗ mẹ đến rồi. Thời gian này đang căng dịch côvit. Chúng con ở xa không sao về quê, về lại mái nhà của mẹ. Ngày giỗ mẹ  con mường tượng hồn mẹ về nơi bậc cửa của ngôi nhà cha mẹ sinh thành các con. Mảnh đất, ngôi nhà này, vườn cây  của cha mẹ bây giờ thành của chung, chúng con tôn tạo, sửa sang lại. Thỉnh thoáng chúng con lại về đây, đứa ở xa, đứa ở gần tụ họp, đi trong màu xanh của  các loại cây trong vườn cây của cha mẹ để lại, vẫn nghe tiếng chim vọng đến cuối vườn.  Nhà thờ cha mẹ chúng con làm mới lại. Nén nhang trên bàn thờ mới đã cháy lên rồi. Hồn mẹ hiện về . rồi mẹ lại trở lại nơi khoảng trời mẹ yên nằm, gió cứ về xào xạc, mây trắng ở trên đầu, lặng im ngàn năm tuổi. Những người con ở xa quê xin được thắp nén hương trên bàn thờ vọng. Trước di ảnh mẹ, chúng con đứng lặng im mà không sao nói được nên lời, đứng lặng mà khóc nhiều mẹ ơi!

 

                      Người đi tìm lá diêu bông
                                                                       
Truyện ngắn
                  img20200506 15988700447741354722887

        Nhà Hoàng ở gần biển. Đêm nay, Hoàng và người yêu ra biển. Hai người bước thong thả dưới những cành dừa nhấp nhánh ánh trăng. Họ ngồi bên nhau trên phiến đá rộng, nhô lên ở vùng cát chạy dài trên bờ biển. Lâu lắm rồi, từ cái đêm cuối mùa đông Hoàng tìm gặp lại Nhung sau  ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nay Hoàng mới đưa người con gái ở thành phố về vùng quê miền Trung.  Biển thì thầm những câu chuyện tình lãng mạn, trăng đã dát vàng trên mặt biển. Sóng biển rì rào, từng đợt tung nhẹ vào phiến đá, mang theo âm thanh của một bản nhạc. Họ thả hồn cho nhau, neo vào nhau giữa hai làn môi những giọt tình nồng thắm lưu giữ bao mùa trăng trong trái tim đang đổ dồn vào từ hai phía. Bờ môi nhấp nhửng ánh trăng rơi. Họ không nói gì nhiều trong những phút giây đầu tiên ngồi trên phiến đá. Hoàng chỉ còn một cánh tay phải, ôm miết Nhung vào lòng, viên mãn như vầng trăng  của một đêm xưa tại trường Đại học Mỹ thuật. Đêm trăng tiễn  Hoàng lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Lúc đó, Hoàng đang là sinh viên, cũng như bao thanh niên khác trên các giảng trường Đại học, tiếng gọi nơi tiền tuyến thôi thúc họ. Biển như rộn lên vì những tiếng sóng về đêm vọng về ồn ào hơn. Hoàng hôn nhẹ lên đôi mắt Nhung. Đôi mắt nhìn ra cuộc đời. Đôi mắt hiền từ bao dung đã dành cho người lính suốt những năm tháng dài Hoàng đi dọc Trường Sơn đánh Mỹ. Đôi môi Hoàng miết lên đôi mắt Nhung. Người con gái dường như mất cân bằng, Nhung đưa hai vòng tay  ôm thật chặt Hoàng. Con sóng tình nồng nhiệt trong lòng người con gái dường như trôi miết , lặn vào lồng ngực người lính. Nhung từ từ bật áo ngực. Bản tính của người phụ nữ thật tự nhiên dường như được khơi nguồn từ trong sâu thẳm của tình yêu, nó như nụ mầm, đến giờ nở hoa vào đêm. Đêm tình nồng nàn của hai người trên phiến đá. Trăng diệu vợi trên mặt biển rồi từ từ buông về phía hai người. Đôi vú của người con gái khát khao lồ lộ dưới trăng vàng trên làn da trắng mịn sực nức mùi thơm. Hoàng hôn nhẹ nhàng lên hai bầu vú thanh nữ còn trinh nguyên, chìm trong miên man, ngập trong vẻ đẹp thần diệu của đôi ngọc ngà. Hoàng không muốn rời khuôn mặt ra khỏi lồng ngực đầy sức hút của Nhung. Gió biển thổi mơ màng đẩy vầng trăng lên cao hơn trên mặt biển. Đôi mắt từ hai phía nhìn nhau trìu mến, họ nói với nhau những kỷ niệm về một đêm trăng ở sân trường Đại học Mỹ thuật, Hoàng chia tay Nhung để lên đường vào miền Nam. Đêm ấy cứ xôn xao về lại trong ký ức. Thời khắc lúc đó, không gian đang tắm mình dưới ánh trăng bàng bạc, Hoàng đọc bài thơ  “ Lá Diêu Bông ” của thi sĩ Hoàng Cầm , giọng Hoàng đằm lại tha thiết trong những dòng thơ cuối :

                      “ Từ thưở ấy
                      Em cầm chiếc lá
                      Đi đầu non cuối bể
                      Gió quê vi vút gọi
                      Diêu Bông hời! ….
                          …….. ới Diêu Bông!.... ’’

      Rồi Hoàng kể cho Nhung nghe về chuyện tình của nhà thơ Hoàng Cầm và kể luôn câu chuyện cổ tích của loài hoa ấy :

    “ Nàng Ờm yêu da diết một chàng trai , bố mẹ nàng từ chối vì chê chàng quá nghèo. Hai người từ biệt làng, tìm một nơi mới, hễ đi đến đâu họ lại bắt cô gái về rồi cho người đánh chàng trai. Họ quyết định đi xa, đến làng Côn Thanh Hóa. Sau bao ngày chạy trốn trước sự truy sát của nhà gái, người chồng lâm bệnh mà chết, hóa ra ngọn núi, đau thương chồng, người con gái hóa thành ngọn núi nàng Ờm. Hai ngọn núi được hóa ra đó nằm cạnh nhau. Linh hồn của nàng biến thành cây bùa yêu.Vị trí cây bùa yêu mọc cheo leo nằm ngay giữa vách đá dựng đứng, bên dưới là hồ nước rộng, thông ra sông Mã. Cây bùa yêu sau này đổi tên thành lá Diêu Bông… Người dân vùng này thường nói : Ai nhìn thấy lá Diêu bông dưới trăng thì sẽ hạnh phúc cả đời…”.  Lúc ra về dưới trăng man mác, Nhung tặng Hoàng hộp màu vẽ và chủ động hôn  Hoàng thật lâu.

     Hoàng tham gia một số chiến dịch, đến năm 1972 mới vào thành cổ Quảng trị. Mặt trận thành Cổ Quảng Trị  năm 1972 thật khốc liệt. Hoàng có mặt ở đây ngay từ những ngày đầu khói lửa của vùng đất thép này. Có những khoảng khắc thật ngắn ngủi, tiếng súng, đạn pháo vơi dần và im bặt khi đêm chìm sâu hun hút. Hoàng đọc lại lá thư Nhung gửi cho anh dịp đang huấn luyện ngắn ngày để chuẩn bị vào chiến trường. Hộp bút màu và những dòng chữ của người yêu cứ thấp thoáng dưới ánh trăng muộn. Hồi ức đêm trăng xưa lại ùa về, những giây phút rung động của tình yêu đầu đời. Hoàng đặt nụ hôn lên đôi môi người con gái đang thời sinh viên. Hoàng chỉ nắm tay Nhung thật lâu, không dám nghĩ đến đặt khuôn mặt mình lên ngực người yêu. Dẫu sao trong khốc liệt của khói lửa, nếu mình có hy sinh thì nụ hôn đầu tiên đã lặn vào đời mình rồi. Thế là mình còn hạnh phúc hơn nhiều bạn bè cùng lứa ra trận, họ chưa có phút giây như mình thời ấy. Từ khi vào thành cổ Quảng Trị, Hoàng bặt tin tức Nhung. Hoàng tranh thủ những giây phút quí giá, vẽ lại dòng sông Thạch Hãn, dòng sông của huyền thoại lịch sử, hình ảnh đồng đội trong cuộc chiến hiện lên tươi nét trong bức tranh anh phác họa vội lúc ngừng nghỉ tiếng súng nơi thành cổ. Hồi đang sinh viên, Hoàng học rất giỏi. Nhung là người con gái sinh ra và lớn lên ở thành phố , đem lòng yêu mến chàng trai miền Trung xốc nổi, bộc trực, đam mê họa và thơ phú. Hai người cùng học một trường.  Những ngày nằm miết trong thành cổ, tham gia bao trận chiến, Hoàng chỉ bị thương nhẹ, may mà lửa đạn không thiêu hộp bút màu và lá thư của Nhung. Sau một thời gian, đơn vị Hoàng rút sang biên kia bờ sông Thạch Hãn, tiếp tục hành quân tham gia chiến đấu trên nhiều chiến dịch khác. Những bức ký họa của Hoàng được đơn vị gửi ra Bắc, tham gia triển lãm về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đang học ở trường,  lâu rồi Nhung không có tin tức gì về người yêu nơi chiến trường. Tình cờ, hôm sinh hoạt đoàn tại trường Đại học Mỹ thuật,  bạn bè chuyền tay nhau xem báo giới thiệu những bức tranh đạt giải của các họa sĩ quân đội. Nhung sung sướng quá khi thấy tên người yêu trong danh sách khen thưởng. Tình yêu, khát vọng lại về trong Nhung. Gặp lại người yêu qua những bức họa này, lòng Nhung tràn đầy hạnh phúc. Nhung hình dung bóng dáng của Hoàng đang về lại nơi sân trường thân yêu này, bóng dáng và tâm thế người yêu với giọng đọc thơ ấm áp, khoảng trời đó vẫn còn nguyên vẹn. Tốt nghiệp ra trường, Nhung về công tác tại  trung tâm  văn hóa của một tỉnh miền Trung. Ở hậu phương, lòng đam mê ngành họa đã giúp Nhung có nhiều thành công ban đầu. Nhung vẽ những bức tranh sinh hoạt, lao động,  chiến đấu của người dân hậu phương. Không khí tất cả vì tiền tuyến lúc bấy giờ cứ thôi thúc người họa sĩ. Những người lao động nghệ thuật đang cuốn hút bởi cuộc sống bề bộn những năm tháng  chiến tranh. Cùng với thơ ca, văn xuôi, âm nhạc,Mỹ thuât hội họa  đồng hành với người chiến sĩ nơi tiền tuyến miền Nam. Chiến trường miền Nam năm 1974-1975 diễn ra ngày một khẩn trương, quyết liệt. Cả nước đang dồn sức cho cuộc chiến đang ở giai đoạn đỉnh điểm, gần tới ngày thắng lợi hoàn toàn. Đơn vị của Hoàng nhập vào một cánh quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975. Mặt trận Xuân Lộc là vị trí phòng thủ trọng yếu của địch. Trong cuộc chiến đấu ở địa điểm Dầu Giây, Hoàng bị thương nặng, cánh tay trái  Hoàng bị quả đạn pháo của địch cướp mất. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Xuân Lộc kết thúc, cửa thép bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn bị phá bỏ hoàn toàn.

    Sau chiến tranh, Hoàng trở lại trường để học hết chương trình Đại học. Ngày đến trường đầu tiên, bao cảm xúc của người lính trở về đây trên giảng đường, thật hạnh phúc biết nhường nào. Thời gian nghỉ hè, Hoàng về quê Nhung sau bao ngày xa cách. Anh vẫn nhớ rõ con đường về nhà Nhung. Gia đình Nhung mừng lắm. Không ai ngờ tới, Hoàng lại được trở về , những ngày tháng dài trôi qua ở chiến trường không có tin tức gì. Sau ngày gặp lại gia đình, Hoàng biết thêm tình hình của Nhung, hiện công việc đã ổn định. Một ngày cuối mùa đông, Hoàng trở về nơi Nhung công tác. Đi dưới những con đường cuối mùa đông, gió se lạnh. Bao mùa đông rồi, Hoàng nếm trải trong khói lửa. Ở mặt trận chiến đấu, rét buốt tê tái nhưng người chiến sĩ biết đâu là rét nữa.  Đêm ngày quần nhau với địch, đồng đội sưởi ấm cho nhau bằng thương yêu đùm bọc. Về lại quê, Hoàng mới thấm thía cái lạnh giá của mùa đông ở vùng miền Trung này. Sắp về lại trong vòng tay người yêu rồi, Hoàng chộn rộn niềm vui, xen lẫn nỗi lo về thân phận người lính trở về  sau chiến tranh, với bóng dáng không còn nguyên vẹn  như trước , gặp lại người yêu,  Nhung có còn giữ được tình yêu của thưở ấy . Nhưng Hoàng vẫn tin ở tình yêu của Nhung. Hoàng không còn biết gió lạnh bọc lấy cơ thể mình mà chỉ nghĩ về tình yêu sẽ sưởi ấm cho Hoàng. 

      Phía trước, Nhung đang chờ. Hoàng dừng lại trước cơ quan Nhung. Những cành hoa rung rinh trước các lối đi vào trung tâm văn hóa trong làn gió chiều đông. Dừng lại ngắm sắc hoa, Hoàng như có thêm sức trẻ trỗi dậy trong lòng. Ở đây vẫn có loài hoa  nở về đêm. Loài hoa ấy cứ lặng yên dưới bầu trời mùa đông lãng đãng những đám mây thưa thớt, nó đang tranh thủ dung nạp thêm nhựa sống để có sức chuẩn bị xòe nở những nụ hoa chúm chím về đêm. Hoàng sửa lại quần áo,  vuốt mái tóc  còn vương  làn sương  mùa đông rơi từ trên cành cây khẳng khiu còn sót lại.

….. Đêm về rồi, hoàng hôn buông thả xuống vô vàn những giọt đêm cuối của mùa đông , phủ lên không gian nơi này màn đêm bàng bạc. Hai người ngồi trên ghế đá đặt dưới những hàng cây xanh. Đêm nay, đêm cuối tuần, mọi người về nhà, chỉ còn Nhung  và  hai cô thanh nữ ở lại phía ký túc . Hoàng nhìn thật lâu dáng hình của người yêu.  Nhung ôm choàng lấy Hoàng. Những cảm giác tình yêu trên cơ thể hai người được trở lại sau  thời gian dài xa cách. Nhung không còn sững sờ trước thân hình của người yêu. Nhung ngồi gọn trong lòng Hoàng. Hơi ấm tình yêu của Hoàng lan đều trên làn da trinh nữ . Nhung ngả đầu vào vòng tay phải của người yêu. Hoàng cúi xuống hôn miết lên khuôn mặt xinh tươi của Nhung. Đêm mùa đông đầu tiên gặp lại người yêu sau bao thời gian xa cách. Đêm tình nồng nàn của người lính trở về từ sau chiến tranh. Đêm cuối mùa đông dài lê thê cuốn tròn những sợi dây tình của những mùa trăng xưa về lại không gian phảng phất mùi hoa hướng dương từ ngoài cánh đồng hoa tỏa đến. Loài hoa luôn hướng về ánh mặt trời,  luôn khát khao đến tương lai.    

    Ra trường, Hoàng được ưu tiên về dạy môn Mỹ thuật ở trường sư phạm , mái trường cách nhà Hoàng không xa lắm. Đời Hoàng bắt đầu những tháng ngày trên bục giảng. Hoàng đi giữa hai niềm vui lớn . Trở lại trọn vẹn với tình yêu, một tình yêu được giữ gìn, cất giấu, tình yêu mà người con gái dành cho Hoàng, tưởng như đã tuột khỏi vòng tay tình yêu. Hoàng được làm người thầy, toại nguyện ước mơ của Hoàng từ xưa.

     Bình minh rải đều những giọt nắng đang nhấp nháy trên từng con sóng gợn lăn tăn. Sắp đến ngày Hoàng cưới Nhung. Sáng nay, hai người ra biển sớm nơi quê nhà của Hoàng. Họ lại ngồi  trên phiến đá dọc bờ cát chạy dài dưới nắng. Thỉnh thoảng, hai người lại rời phiến đá,  dắt nhau đi trên bãi biển. Phiến đá như rủ sóng vào thủ thỉ bao quanh. Nụ cười duyên của hai người  cứ dồn về cho nhau. Ánh mắt khát khao, đợi chờ đằm trong những cử chỉ vuốt ve âu yếm trên khuôn mặt hai người. Gió nhè nhẹ thổi  mái tóc thơm của Nhung ra phía trước biển.  Hoàng hôn lên mái tóc Nhung trước ánh bình minh đang đổ dồn  về phía hai người. Sáng nay, Hoàng đưa thêm giá vẽ tranh ra biển. Nhung ngồi một mình trên phiến đá. Hoàng ngắm nhìn Nhung thật kỹ và phác họa các đường nét trên dáng hình người yêu. Nhung nở những nụ cười thật tươi trước bình minh của biển, nụ cười thủy chung như đóa hoa cúc biển trải dài trên vùng cát khi mùa hạ về trên vùng biển quê nhà Hoàng. Nhung cứ để trạng thái tự nhiên để Hoàng vẽ thật dung chân dung  người yêu. Hoàn thiện xong bức ký họa, Hoàng vẫn cứ xem đi xem lại mãi hình ảnh người yêu. Gió biển xô từng đợt vào bờ. Trời cao và trong xanh lộng gió mùa hạ , trong xanh như màu xanh tình yêu của hai người. Hoàng bước về phía Nhung , cầm bức họa về người yêu , anh nở nụ cười thật trẻ trung, nụ cười mạn nguyện về tình yêu và nghệ thuật.:

     -  Anh tặng em bức tranh này. Trân quí tình yêu em  dành cho anh  suốt năm tháng dài  xa cách. Hoàng nhớ lại thời ở trường, Hoàng đọc bài thơ lá Diêu Bông của nhà thơ Hoàng Cầm trong giây phút chia tay Nhung để lên đường vào tuyến lửa miền Nam. Bài thơ thật đầy ý nghĩa cho những đôi lứa biết yêu nhau mặn nồng. Biết sống với tình yêu, biết đi đến tận cùng của tình yêu. Lá diêu bông là biểu tượng của tình yêu đi cùng năm tháng. Hoàng nói những lời tha thiết từ  trái tim :  Anh không tìm đâu được lá Diêu Bông. Anh chí có bức ký họa này, anh đã mang tình yêu của em đi đến những không gian rộng dài  của đất nước. Khi cuộc chiến đang khốc liệt, luôn có tình yêu của em ở bên mình. Tình yêu em, tình yêu đất nước, cuộc sống làm cho anh biết sống đẹp trước cuộc đời. Nhung ôm bức tranh vào lòng như ôm trọn tình yêu người lính, đôi mắt nhìn Hoàng đắm say, bóng hình hai người lại bọc vào nhau trong tiếng sóng  biển vỗ vào bờ tha thiết…
NVN.

 

 

 

Nguồn tin: Y Ban:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây