Những ngày bên xóm đạo

Thứ ba - 05/04/2022 19:40
Truyện của Trịnh Bá Sướng
Minh họa: ST
Minh họa: ST

      Ngày ấy, sau khi thoát khỏi chiến tranh, hắn gầy và yếu lắm, đáng lẽ được trở về hậu phương thân thương, nhưng hắn lại xin về đơn vị cũ, để cố gắng phấn đấu đạt được những gì mà hắn từng mơ tưởng. Hắn cứ nghĩ như nhà văn nào đó đã từng viết; Chiến tranh là con đường phản lực, để cho người linh leo lên bước thang danh vọng nhanh nhất. nhưng hắn đã nhầm, nhầm to là đằng khác, âu cũng là số phận. Về đơn vị, sức khỏe mới hồi phục nhưng những vết thương lại trỗi dậy, ốm đau lại tiếp tục hành hạ hắn, bắt hắn phải lên trạm phẫu Trung đoàn để điều trị và cắt nốt sợi chỉ còn sót lại ở vết thương liên sườn 5 và 6, thấu phổi trái mà Quân y vin 112 xử lý chưa hết, mất hơn một tháng trời chứ có đơn giản đâu.

Hắn còn nhớ, vào những ngày xuân năm 1973, khi hoàn thành chiến dich 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng trị năm 1972, toàn Sư đoàn, Trung đoàn hắn được rút ra Bắc để bảo vệ Thủ Đô và củng cố bổ xung quân. Đơn vị hắn đóng quân tại vùng xứ đạo toàn tòng tỉnh Hà tây, nhà hắn ở có hai ông bà già khoảng 50 tuổi, hiền lành, phúc hậu, sinh được hai trai, một gái. Anh cả 28 tuổi tên là Trang đã có hai con nhỏ, anh thứ hai tên là Liệu, hơn hắn 2 tuổi gì đó, mới cưới vợ chưa có con. Cô con gái út chưa chồng tên là Đào 17 tuổi, học hết cấp II vì điều kiện gia đình nên phải nghỉ học, cao lớn nhanh nhẹn da trắng xinh tươi. Sáng sớm khi chưa rõ mặt người, nhà nào cũng vậy, lại vội vã cùng nhau kéo đến nhà thờ để đọc kinh cầu nguyện xong mới về. Trong ngôi nhà 3 gian lợp ngói sạch sẽ, hai ông, bà nằm giường bên, còn hắn và hai thằng bạn nằm chung một giường bên này. Mấy hôm nay, hắn lại ốm, khúc khắc ho, lục đục cả đêm không ngủ được, những ngày này đơn vị học chính trị, làm dụng cụ để tập luyện quân sự. Còn hắn, vẫn nằm bẹp tại giường. Bên ngoài, mùa xuân đang tươi đẹp, trăm hoa đua nở, vẫn những tiếng chim ríu rít rộn lên gọi bạn, đan xen nhau như một bản tình ca không lời, bên những cành xoan hoa nở tím màu, cành bưởi hoa trắng đưa hương và rặng tre cạnh nhà đang vươn lên đón nắng xuân, sau những ngày ngủ đông lạnh lẽo. Nhưng hắn chẳng còn tâm trí đâu nữa, vì bệnh tật đang hoành hành thể xác hắn, y tá Đại đội ngày nào cũng đeo túi cứu thương đến thăm khám bệnh và cho vài viên thuốc ho, giảm đau. Bà chủ nhà thương tình hắn, nói với anh y tá là hắn đang ốm đau, mệt mỏi lắm, không biết lúc này hắn có còn nổi 40 cân cả quần áo không. Có lẽ chỉ còn mỗi nước da, hàm răng và nụ cười là vẫn trung thành ở lại với hắn, còn sức khỏe, sự nhanh nhẹn, tháo vát của tuổi trẻ hắn đã bay màu, bỏ hắn chạy mất dép tự bao giờ.

Nhà hắn ở bên bờ sông Đáy, cả làng làm nông nghiệp, ăn chia theo công điểm, riêng chỉ có một gia đình hắn ở là làm nghề chài lưới. Sáng nào cũng vây, hai đôi vợ chồng anh cả và anh hai lại chèo thuyền giăng lưới, quăng chài, khắp dòng sông xa gần, trưa đến được bao nhiêu lại mang về cân giao cho cửa hàng thực phẩm Huyện để lấy tiêu chuẩn đong gạo, theo sổ lương thực hàng tháng. Ông bố quắc thước, râu tóc đim sương, mạnh khỏe, chất phác, thỉnh thoảng vẫn đạp xe ra ngoài gặp các bạn già hoặc mỗi khi có việc. Còn bà mẹ ở nhà trông hai cháu cho con anh Trang cùng cô út Đào đan chài, tấm chài được treo lên xà nhà khi đã đan được khoảng 1 mét hình phễu rồi thì mấy người ngồi xung quanh trên giường cùng đan. Đã có hôm hắn được bà mẹ dạy cách học đan, được 5 vòng quay lại mở 1 vòng, cứ 15 mắt lưới lại mở 1 mắt lưới, tay trái cầm que khuôn lưới, tay phải cầm kim đan đưa hai lần, lần thứ nhất đưa từ dưới lên, lần thứ hai đưa từ trên xuống. Dây cước nhả ra tạo thành một mắt lưới, cứ thế lần theo vòng tròn vừa làm vừa trò chuyện, nghe tiếng đan nhìn tấm chài hình phễu rung rinh, quay lần lượt theo người đan vui lắm. Được cái hắn rất sáng dạ, khéo tay, bà mẹ chỉ hướng dẫn qua loa là hắn đan được ngay, hòa chung với không khí vui nhộn. Hắn vừa đan, vừa nói chuyện với hai mẹ con Đào, bà thăm hỏi về quê hương, gia đình hắn, và hắn kể chuyện những nơi đất lạ mà hắn đã bước chân qua.

 Hôm nay là ngày thứ hai hắn nằm bẹp tại giường, không ngồi dậy đan lưới được và cũng là ngày thứ hai có cô gái nhà bên tên là Tràn đến chơi, ngồi cùng đan với hai mẹ con Đào. Tràn hỏi chuyện Đào về hắn, rồi mạnh dạn mời hắn ngồi dậy uống nước. hắn mặc kệ vẫn nằm im giả vờ đang ngủ, Đào với Tràn nói chuyện gì với nhau mà cười khúc khích. Thấy vậy bà mẹ lên tiếng dẫn giải và khuyên khéo các con phải nói thế này; Anh ơi, mời anh dậy uống nước cho tỉnh táo, xong mời anh ăn cháo, hay ăn cơm quê em xem có ngon không, quê em có cơm dẻo, canh rau cải nấu cá rô, rau khoai nấu cua đồng, có cà pháo giòn ngon lắm, anh ơi, em mời anh cố gắng dậy đi…giọng mẹ ngọt ngào, nhẹ nhàng như dỗ dành hắn. Mới đầu Đào với Tràn còn e dè. ngại ngùng cười với nhau, sau thấy mẹ nói mấy lần, hai cô mới mạnh dạn nói theo, anh ơi, nhà anh ở đâu, có dòng sông và cây trái như quê em không, anh đã có ai hẹn hò chờ đợi hay nhận lời ai chưa. Mẹ nói trước hai cô cười và nói theo, nói nhiều lắm, như cô giáo dạy học sinh tập đọc ở lớp, hắn buồn cười và cảm động lắm, nhưng vẫn nằm im không dám cựa mạnh. Những lời nói đùa mà như thật, của ba người làm hắn rung cảm lắm, hắn thấy tỉnh táo khỏe mạnh hơn, yêu đời hơn, yêu những người dân xứ đạo nơi này.

Qua hai, ba ngày nẳm nghe ba người nói chuyện , hắn hồi phục rất nhanh, không  ăn cháo như mọi hôm nữa, trưa nay, như mọi ngày, đến bữa Tiểu đội lại cử nhau lên bếp Đại đội cách đó vài trăm mét mang cơm về, vì đơn vị chưa có nhà ăn tập thể nên ăn tại sân nhà hắn đang ở. Cũng hôm ấy nhà Đào có khách, gia đình làm cơm, có thịt lợn đậu rán canh rau cải nấu cá rô đồng, đến bữa ăn sáu anh em vừa ngồi xuống bưng bát cơm ngô lên, thì mẹ Đào trong nhà đi nhanh ra giằng lấy bát cơm ngô của hắn đang bưng trên tay và bảo;

     - Anh Vui đưa cho tôi bát cơm.

Hắn cùng cả bọn đang ngỡ ngàng, thì lát sau bà mẹ mang bát cơm trắng đầy thịt, đậu đưa cho hắn và nói;

      - Anh ăn đi.

Hắn bối rối đỏ mặt, ngây người nhìn bà mẹ và mấy anh em, bà đứng cạnh cứ giục hắn ăn đi anh đang mệt, hắn cảm động vô cùng, qua giây phút ngượng ngùng, hắn cảm ơn và cúi mặt ăn cho nhanh để đứng dậy…câu chuyện ấy rồi cũng lan ra đến Trung đội của hắn. Chả thế mà mấy hôm sau, hắn sang nhà thằng Bằng- bạn hắn đang ngồi đẽo lựu đạn gỗ, thủ pháo để tập chiến thuật , cách nhà hắn vài nhà. Khoảng 10 giờ hắn đang cùng mấy thằng vừa làm, vừa nói chuyện chợt có tiếng gọi:

       - Anh Vui ơi! về đây tôi bảo.

 Hắn ngẩng đầu lên, bà mẹ Đào đang bế cháu đứng cách hắn một khoảng không xa lắm, vừa gọi vừa vẫy tay nhấm nháy, hắn còn đang e ngại lưỡng lự thì thằng Bằng mỉm cười, lên tiếng liếc xéo hắn:

 
         - Kìa về đi mẹ cho ăn cơm nguội, về đi mẹ cho ăn khoai luộc.
        Hắn xấu hổ.
          -Con đang bận ạ
        Bà mẹ lại tiếp:
         - Hãy cứ về đây đã.

     Thấy bà mẹ nài nỉ, được đà bọn thằng Bằng lại cười giục về, vừa trêu tiếp bằng những câu tế nhị, hắn đỏ mặt rồi cũng theo lời mẹ, về nhà lại một lần nữa hắn được ấm bụng và cảm ơn bà mẹ.

Thời gian cứ êm đềm trôi đí sau những ngày xuân sắp cạn, có lẽ do cuộc sống, môi trường nơi đây phù hợp chăng, nên hắn hồi phục nhanh lắm, sắc thái đã trở lại. Dáng dấp thư sinh cùng những lời nói nhẹ nhàng khiêm tốn, dễ hòa mình với mọi người, được đồng đội  quý mến. Ngôi nhà hắn đang ở mỗi ngày lại có thêm những cô gái cùng xóm đến chơi với gia đình hắn nhiều hơn, Đào cùng các bạn nói chuyện rôm rả lắm, thỉnh thoảng cũng không quên đưa lời đùa vui vói hắn mỗi khi gặp măt. Hắn cũng mạnh dạn cười nói, đáp lại bằng những lời vô tư của tuổi trẻ không kém cạnh, cũng từ những lần gặp nhau thân thiện làm quen, mà hắn được biết thêm vài ba cô gái nữa, với những cái tên như Lan. Sâm, Bích, Đức… Hắn biết mình là người lính đã trải qua chiến tranh nên có giá lắm chứ, là sự ngưỡng mộ của những người dân quê hắn, cũng như những người dân hiền lành, chất phác bên xóm đạo thân quen

Trong gia đình, anh Trang là người hiểu biết nhất, ngoài giờ đi chài lưới về lại áo trắng quần xanh sơ vin, mái tóc óng mượt rất điển trai mến hắn lắm. Anh hay tâm sự, có hôm vừa tối anh cùng hắn ngồi cạnh nhau bên bờ sông, tiếng côn trùng kêu rỉ rả quanh đây, mặt sông lấp lánh ánh trăng bạc, tiếng cá quẫy ăn đêm nghe vui tai lắm, chuyện đang sôi nổi bỗng anh Trang nói;


        - Mai anh Vui lấy vợ ở đây đi
       Hắn ấp úng.
        - Không được đâu anh! ở đây đi đạo còn ngoài em thì không
       Anh nói;
        - Lấy thì theo đạo chứ có sao đâu.

Hắn đưa một vài lý do rồi lảng sang chuyện khác, hắn cũng khôn lắm biết khen dân bản xứ tốt bụng yêu thương, tạo mọi điều kiện cho đơn vị hắn đóng quân được tốt đẹp để hoàn thành nhiệm vụ. Đời lính nay đây mai đó nên chẳng dám ước mơ xa, hắn còn nói nhiều, nhiều nữa và cũng cảm ơn anh Trang và mẹ cùng gia đình đã chăm sóc hắn trong những ngày qua. Anh Trang cũng như thấu hiểu hắn, thông cảm cho hắn, hai anh em nói chuyện một lúc rồi đi vào nghỉ, mang theo hai dòng suy nghĩ khác nhau. Thực tế trong lòng hắn lúc này cũng giao động, muốn nghe theo lời anh Trang lấy vợ ở đây lắm, vì qua thời gian đóng quân ở nhà này, được gia đình chăm lo sức khỏe cho mình, được biết dân nơi đây hiền hậu bao dung, có tấm lòng nhân ái hắn ưng lắm. Nhưng bố hắn ở nhà thì tính rất nghiêm khắc thẳng tính và phong kiến lắm, không bao giờ muốn cho con cái lấy chồng, lấy vợ ngoài lũy tre làng, ông thường nói với các con từ khi hắn còn ở nhà, gần như cấm đoán các con, phải theo ông sắp xếp nên hắn cũng sợ lắm. Chính vì thế mà chị gái trên hắn, có nhiều anh bộ đội, Sỹ quan phòng không đơn vị tên lửa đóng quân ở quê hắn, đến làm quen và tìm hiểu, rồi xin phép gia đình, chị hắn cũng ưng lắm nhưng bố hắn dứt khoát không nghe nên đành chịu. Đôi lúc nhà tập trung đầy đủ sau bữa cơm tối, bố hắn lại giáo huấn, lại đọc các câu ca dao trong đó có câu: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta…cho cả nhà nghe.

Chiều chiều, khi tiếng chuông nhà thờ đã nổi vang khắp vùng xứ đạo, sau giờ ăn hắn lại cùng mấy anh em trong đơn vị, thong thả dạo bước dọc theo trục đường làng, buông những câu đùa vô tư với các cô gái trong làng xóm, và được đáp lại bằng những câu nói ẩn ý, với những nụ cười tươi cùng những ánh mắt luôn ngước nhìn lên trên trong sáng .

Đang quen dần với nếp sống sinh hoạt nơi đây, thì hắn và mọi người nhận được thông báo; ngày mai chuyển quân, đến nơi nào chưa biết, tin ấy lan ra nhanh lắm. Tối hôm ấy Đại đội sinh hoạt chỉ phổ biến qua loa và quán triệt, nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ trong công tác dân vận (Đi dân nhớ ở dân thương), để ngày mai chia tay bà con nơi đây được êm đẹp, rồi cho nghỉ sớm. Về nhà, hắn đã thấy anh Trang cùng gia đình và mấy cô bạn của Đào cùng Tràn, tụ tập đông đủ ngồi chơi bên ấm nước chè xanh, chào hỏi hắn về ngày mai chia tay, chuyển đi đâu, vùng nào có gần đây không, có nhớ dân nơi này không. Những câu hỏi dồn dập đổ lên đầu hắn, hắn ấp úng trả lời; việc nhà binh bí mật lắm, chưa biết đến nơi đâu và rất nhớ gia đình ta, có bố me, anh chị em trong nhà này đã giúp đỡ, tạo mọi điều kiện, chăm lo sức khỏe cho hắn trong những ngày qua. Những câu chuyện lúc sôi nổi, lúc trầm lắng miên man, lát sau những người cao niên đã đi nằm, để lại không gian tự nhiên cho lớp trẻ bọn hắn, dưới ánh trăng vàng yếu ớt ngày xuân còn rớt lại trước sân nhà, bọn hắn rôm rả hẳn lên, hát cho nhau nghe, hứng chí hòa mình vào cuộc vui, hắn nhìn Đào khe khẽ cất lên; Ngày xưa tôi có người yêu, rất đẹp ở bên xóm đạo, những buổi tan trường, mình thường gặp nhau, mơ ước ngày sau…Đào và mọi người im lặng nghe, nhìn hắn hát, mặc dù giọng hắn như vịt đực mới lớn, rồi cùng nhau hòa âm, đùa vui mãi tới khuya mới tan cuộc. Đêm hôm ấy, hắn nôn nao thao thức khi nghĩ về những ngày qua, từ buổi hắn đặt những bước chân đầu tiên về với gia đình, người thân, quê hương xứ xở, xóm đạo này sau khi thoát khỏi chiến tranh, những tình cảm chân thành, nét đẹp văn hóa, tình người sâu nặng. Đã xâm chiếm đầu óc hắn, đã gột rửa đi gần hết những bom đạn, đau thương chết chóc bi hùng, trong gần một năm qua đã dày vò tâm hồn hắn, hắn lâng lâng chìm vào giấc ngủ khi hai thằng bạn Huyên, Loát nằm kề bên đã ngáy tự bao giờ.

 Hôm sau, theo tiếng còi của anh Hoàng Tiến Bân, cán bộ Trung đội trưởng gọi tập trung quân, bịn rịn chia tay gia đình anh Trang và mấy người quen nhà bên, bà mẹ Đào bế cháu nhỏ cầm quạt nan phe phẩy, thỉnh thoảng lại quạt cho hắn, khi thấy mồ hôi lấm tấm trên trán hắn. Bắt tay từng người một và chào tạm biệt, chúc nhau chân cứng đá mềm, hẹn ngày gặp lại… Hắn xốc lại ba lô trên vai và bước theo đồng đội, được mấy bước chợt nghe tiếng gọi; Anh Vui, hắn sững người quay lại, thấy Đào đang bước vội đến bên hắn đỏ mặt ngập ngừng, nắm tay Đào bốn mắt nhìn nhau đăm đắm, đôi mắt trong đen sâu thăm thẳm của người con gái xóm đạo mọi ngày, nay long lanh ngấn lệ như hút hồn hắn, bần thần giây lát bất giác hắn lắc đầu thốt lên; Tiếc thật…rồi vội vã chạy theo hàng quân.
TBS

 

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây