VỊ NGỌT MUỘN MÀNG - Truyện ngắn

Thứ năm - 14/07/2022 09:26
Minh họa: Sưu tầm
Minh họa: Sưu tầm

                                                                                     Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thoa

      Hình ảnh những vòng hoa trắng lành lạnh cứ chập chờn ẩn hiện trong giấc ngủ, sau đám tang người bạn gái đồng cảnh với mình. Bà tưởng, cuộc đời bà rồi cũng như bạn, đến thế nào thì chắc cũng sẽ nguyên vẹn trả lại tạo hóa khi ra đi. Không, ông Tơ bà Nguyệt đã nhìn thấy bà. Họ quyết định bắt bà phải thay đổi, phải đi đúng quĩ đạo…
Cách đây bốn năm, lúc ông Khiêm 76 tuổi, ông đã tạo ra một sự kiện làm lu mờ vụ khủng bố Bi La Đen đánh sập tòa tháp đôi của Mỹ. Cả làng Thụy Hướng xôn xao, ngơ ngác bàng hoàng như vừa nghe tin Mỹ ném bom cầu Giẽ năm 1972. Ấy là nhân dịp tết các con ông tụ họp đông đủ ông Khiêm tuyên bố với các con ông sẽ cưới vợ. Giọng ông hùng hồn:
- Cổ nhân đã dậy: “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, “không có gì quí hơn độc lập tự do”! Tôi quyết định cưới bà Phạm Thị Thanh Nhàn vào đầu tháng sau. Ngày giờ tốt tôi đã xem, tinh thần vật chất tôi đã chuẩn bị, các anh các chị chỉ cần giúp tôi về mặt quan điểm thôi.
Sáu đứa con ông ngồi nghe đứa nào cũng tưởng mình vừa rơi từ cung trăng xuống. Đứa nào mặt mày cũng sững sờ như đang gặp trận động đất ngay dưới chân. Chúng nhìn nhau với vẻ mặt vừa buồn cười vừa lạ lẫm, vừa thấy khó xử. Anh con trưởng tên Bách Nhật buộc phải lên tiếng khi ánh mắt ông nhìn thẳng vào anh:
- Con thấy ông nói rất đúng. Mặc dù ông đã nhiều tuổi nhưng có người ở bên quan tâm chăm sóc, tâm sự chia sẻ lúc trái gió trở trời cũng là cần thiết. Qua đây mới tỏ rõ là sáu anh em chúng con chẳng hoàn thành được nghĩa vụ với ông. Không san sẻ được với ông lúc cô đơn vắng vẻ…
- Anh cứ nói vòng vo tam quốc thế làm gì?
Ông Khiêm tỏ vẻ sốt ruột. Mẹ các anh các chị khuất núi đã được mười năm chín tháng. Suốt thời gian ấy tôi phải gánh vác mọi việc mà lẽ ra là việc của bà ấy. Gà trống nuôi con rồi lại chăm cháu. Hàng chục đứa cháu vừa nội vừa ngoại rồi còn gì. Đến giờ bố cần được nghỉ ngơi một cách tự do. Bố cần có người trò chuyện để thay các anh các chị cơm cháo thuốc thang cho bố khi trái nắng trở trời…
Chị hai Hòa nghe hiểu sự tình liền hỏi:
- Thôi thì ông suy nghĩ như vậy cũng được nhưng ông đã tính kỹ chưa? Ông cưới vợ xong, ông sẽ đưa bà về ở với ai? Anh trưởng hay cậu ba, cậu năm? Chị em gái chúng con đã xuất giá nên không thể đưa ông bà về chung sống được con mong ông thông cảm.
Chị hai Hòa vừa nói xong thì cậu năm Bình vừa cười tủm tỉm vừa nói.
- Phải ở nhà anh trưởng thôi. Đất nhà hương hỏa của các cụ ở đấy cả.
Cậu ba Tăng bỗng đứng phắt dậy:
- Thật là chuyện hài hước con không chấp nhận. Con không thể để người làng nhìn vào mặt chúng con mà cười mỉa mai diễu cợt được. Ai đời gần tám mươi rồi còn đòi lấy vợ. Thử hỏi cả làng này, cả họ này có ai như thế không? Các anh chị em nào đồng ý thì ngồi mà bàn chuyện tổ chức và nuôi ông bà. Còn tôi, tôi chỉ nhận nuôi ông chứ không nhận nuôi bất cứ bà nào hết.
Vừa nói Tăng vừa xăm xăm định chạy ra ngoài. Cô út Phúc nghe chừng không tán thành ý kiến anh ba Tăng nên túm áo anh kéo lại:
- Anh nghĩ thế là cũ rồi. Bây giờ hiện đại phải tân tiến. Em xin giơ cả hai tay đồng ý. Còn việc ở nhà anh nào là do bố quyết định. Thế bà Nhàn là người như thế nào hả bố?
- Bà ấy là công nhân dệt đã nghỉ hưu, không chồng con. Tôi là giáo viên dậy vỡ lòng trước không có lương hưu vừa rồi nhà nước xét cũng được chút đỉnh gọi là. Nhưng các anh các chị khỏi lo chỗ ở cho tôi. Bà Nhàn có một căn nhà tập thể ở ngoài thị trấn.
Anh Bách Nhật hỏi cắt ngang:
- Thế bố có biết được tâm trạng anh em của bà ấy không?
- Theo bà ấy cho biết thì anh em bà ấy đã trưởng thành hết rồi, kiến giả nhất phận nên bà ấy có toàn quyền quyết định mọi việc riêng tư.
Anh Nhật liếc nhìn toàn bộ các em một lượt rồi nói như kết luận:
- Thế là xong, không phải bàn nữa. Ông đã tính toán chu đáo rồi. Anh em mình nên nhất trí quan điểm ủng hộ ông thực hiện ý nguyện.
Coi như cuộc đàm phán đã xong. Ông Khiêm về thị trấn gặp bà Nhàn nói rõ việc các con ông đã thống nhất. Một người phụ nữ đã chịu đến nước ngoài sáu mươi tuổi mà vẫn chưa lập gia đình thì còn đòi hỏi gì nữa. Gặp được người tốt góp gạo thổi cơm chung cho căn nhà đỡ lạnh lẽo lúc cuối đời, âu cũng là chuyện hợp lý ai lại dỗi hơi chế giễu, cười cợt làm gì. Cuộc hội ngộ của đôi bạn già được các con ông Khiêm vun vén như con thuyền đã tìm được bến đậu bình an.
Cũng nhờ ơn trời; Ơn ông Tơ bà Nguyệt khéo se duyên đã đưa ông xích lại gần bà, để ông bà cặp được bến bên nhau.
Chẳng là cậu Năm Bình lấy vợ người thị trấn Vân Đài. Vợ Bình mở quán hàng ăn uống, Bình phải lo chạy hàng cho vợ nên rất bận rộn. Khi vợ Bình sinh con. Thương con vất vả ông Khiêm khăn gói lên thị trấn ở nhà Bình trông nom các cháu và đỡ đần vợ chồng chúng nó. Bà Nhàn có căn hộ tập thể ở cách đó không xa. Bà lại quá nhàn nhã, chẳng có việc làm nên khi nhìn thấy ông Khiêm bế cháu, hát ru cho cháu ngủ bà vừa thèm muốn vừa ái ngại cho ông. Bà nghĩ: Ai lại đàn ông đàn ang mà ông làm đủ thứ việc nào giặt giũ, cơm nước, cháo lão vất vả hơn cả ô sin. Có hôm bà Nhàn nhìn thấy ông Khiêm mặc áo dính cả cứt trẻ con thì càng ái ngại. Bà mạnh dạn đến nói với vợ chồng Bình. Anh chị bán hàng vất vả thế nên thuê một người trông nom mấy đứa trẻ, vài năm nữa thôi chúng lớn thì sẽ nhàn nhã chứ cứ để ông nhà chăm nom chúng sao bằng đàn bà được. Bình vâng dạ qua loa rồi lại muốn bố mình làm mọi việc để không phải thuê mướn đỡ mất tiền, vả lại anh sợ người ngoài vào nhà mình sẽ gây xáo trộn phức tạp mà chẳng an toàn. Thực lòng ông Khiêm cũng không muốn vất vả thế nhưng chỉ vì con, vì cháu…
Một sớm mai ông Khiêm dậy nhóm bếp than giúp con đã thấy bà Nhàn thủng thẳng đi tập dưỡng sinh về. Bà hỏi ông Khiêm nhà có bán đồ ăn sáng không?
- Nếu bà cần thì tôi xin phục vụ.
Bà Nhàn ngồi lại cửa hàng và ăn cặp bánh dầy kẹp chả.
Ông Khiêm buông chuyện làm quà.
- Trông tướng bà nhàn hạ quá. Chắc cuộc đời bà chẳng có gì phải ước mong đâu nhỉ?
Bà Nhàn mỉm cười tưởng như ông Khiêm đã khía vào nỗi đau riêng của bà nên bà khẽ lắc đầu.
Tướng tinh của tôi là tướng con cua càng. Tôi có nỗi khổ riêng ông làm sao biết được.
Thực ra ông Khiêm có nghe loáng thoáng biết bà chưa có chồng con mặc dù đã ở tuổi nghỉ hưu vài năm. Căn phòng bà ở còn trống chếnh, chiếc giường vẫn lạnh lùng một nửa với chăn đơn gối chiếc. Mặc dù vậy, bà là người vô tư, gương mặt tròn đầy, tuổi tuy hơi cao nhưng với nhiều nét phúc hậu nom bà vẫn còn duyên lắm.
Bà nói với ông Khiêm:
- Tôi nghe cháu Bình nói: Bà nhà ta mất sớm nên gánh nặng gia đình đè cả lên vai ông…
- Vâng, khổ cho vợ chồng nó mở quán bán hàng mà vốn ít, phải lăn lộn nhiều. Thương các cháu mà tôi phải làm ô sin như vậy đấy. Hôm nọ nghe cháu Bình nói, bà gợi ý cho cháu thuê người giúp việc trông trẻ đỡ tôi. Tôi nói thật, cháu nó định nhờ bà giúp. Nó nhờ tôi mở lời với bà, nếu bà đồng ý thì thật may mắn cho tôi và các cháu.
Ngay hôm sau bà Nhàn sang nhận giúp đỡ. Chưa bàn soạn về công việc và mức lương như thế nào. Bà Nhàn đã nhanh nhẹn dắt đứa con lớn của Bình về nhà mình. Thế là trong nhà bà từ đây đã có tiếng trẻ cười đùa, quấy khóc, nũng nịu với tiếng dỗ dành, cưng nựng và hát ru của bà. Căn nhà của bà từ đấy ấm áp hẳn lên.
Hàng ngày từ sáng sớm bà Nhàn đã sang ẵm ngay đứa bé về nhà mình. Chừng một giờ sau thì ông Khiêm dắt thằng lớn đến kèm theo thức ăn trưa cho chúng. Chiều ông mới sang đón các cháu về giao cho con dâu. Có lần trao cháu bé cho ông không hiểu do vô tình hay hữu ý mà tay ông chạm vào ngực bà khi ông chìa tay đón cháu. Ông cảm nhận thấy điều gì đó ấm nóng từ bà truyền sang mình. Ông ngước nhìn bà thấy bà hai má đỏ ửng, mắt nhìn sang hướng khác rồi hai người nhìn nhau không nói gì, khe khẽ cười. Bà Nhàn khôn khéo nói to:
- Ông về cho cháu ngủ đi, trưa nó ngủ ít lắm!
- Vâng, cảm ơn bà!
Có lần, lúc trao cháu bé cho ông thì cháu tè ướt cả áo ông. Bà Nhàn vội vào lấy khăn lau áo cho ông. Bà còn cẩn thận lật áo ông lau chỗ bụng có thấm nước đái. Bà nói:
- Cái giống nước đái trẻ con để thấm vào da thịt dễ bị ghẻ lắm. Ông về phải tắm ngay đấy.
Cứ thế họ quan tâm tới nhau. Một hôm chờ mãi không thấy bà Nhàn sang, ông bế đứa nhỏ, dắt đứa lớn sang thì thấy bà vẫn nằm trên giường. Thấy ông đến bà gắng gượng dậy mở cửa và nói giọng khàn khàn:
- Hôm nay tôi không được khỏe ông ạ, sợ rằng không trông được các cháu nên…
- Không sao đâu bà ạ! Gỗ đá còn có lúc đổ mồ hôi nữa là người. Bà mệt thì cứ nghỉ để tôi trông các cháu.
Ông định dắt cháu quay về, bà giữ lại:
- Hay ông cứ để các cháu ở đây, tôi quen chúng rồi, vắng chúng cũng nhớ. Thỉnh thoảng ông qua đây đỡ tôi tí chút.
Ông về nói với các con. Bình bảo vợ nấu cho bà bát cháo. Cháo thịt có nhiều tía tô và hành do ông Khiêm đưa sang. Ông ý tứ đặt bát cháo xuống bàn bảo bà ăn luôn cho nóng rồi về ngay. Nhìn bát cháo đang bốc khói tỏa mùi thơm thơm bà Nhàn bỗng nhớ tới bát cháo hành của cô gì… trong phim “Làng Vũ Đại” bà đã xem khi còn làm ở xưởng dệt. Bưng bát cháo ăn vài thìa. Cháo nóng làm bà toát mồ hôi, bà cảm động và một luồng hơi ấm gia đình như mùi cháo hành đang thức dậy trong bà. Lâu nay sự cô đơn bà từng trải qua mấy chục năm đã thành chai sạn. Ăn một mình, ngủ một mình, nghĩ một mình, làm một mình, chơi cũng lững thững đi một mình. Căn nhà lặng lẽ, vắng vẻ cô đơn nhiều khi bà cảm thấy rờn rợn như chẳng phải nhà mình. Bà thấy cuộc đời tẻ nhạt và trôi đi thật chậm, thật chậm... Từ ngày có mấy đứa trẻ, ông Khiêm qua lại luôn như đánh thức, bà thèm muốn một cuộc sống gia đình. Bà thèm muốn một không khí ồn ào nhộn nhạo của ngôi nhà có già có trẻ. Bà muốn có người mắng mỏ mình khi mình làm điều gì sai sót. Và bà cũng muốn mắng lại ai đó. Muốn cãi nhau. Muốn tranh luận. Muốn bàn bạc, trao đổi những gì bà suy nghĩ về nhân tình thế thái… Nhưng lâu nay, nhất là từ khi bà nghỉ hưu bà mới thấy trống vắng đến lạ lùng. Bà đã dành một thời gian dài đi thăm thú bạn bè, đi lễ chùa, đi tham quan du lịch… nhưng bà vẫn cảm thấy có cái gì đó nó nhạt nhẽo, khô khan chẳng đọng lại trong bà một chút gì? Bà trách cuộc đời sao bất công với bà. Bà trách cái lũ đàn ông mù quáng không biết bà là người dồi dào tình cảm, khoáng đạt, chịu thương, chịu khó. Bà ghét họ, sao họ lại bỏ rơi bà. Tạo hóa bỏ quên bà mặc dù bà đã có những cống hiến đáng nể cho xã hội. Bà lao động hăng say luôn đạt danh hiệu: “Lao động tiên tiến” rồi “Chiến sĩ thi đua”, được kết nạp Đảng từ rất sớm. Đối với bà lúc ấy chỉ là công việc và công việc, năng suất chất lượng, ngoài ra không còn mối quan tâm nào khác. Bà từng tự hào hãnh diện khi nhận những bằng khen, giấy khen từ tay lãnh đạo về treo trên tường. Bà nguyện phấn đấu đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng. Bà đã quên mình cho sự nghiệp, đến lúc bà tỉnh ra nghĩ đến việc cần phải xây dựng gia đình thì ôi thôi đã quá muộn. Chẳng có người đàn ông nào gần gũi quan tâm đến bà nữa. Bà đã ở cái tuổi mà giờ này bằng tuổi bà người ta đã con đàn thậm chí có người đã có cháu chắt rồi. Bà giận mình, giận đời, giận tất cả. Bà tuyên bố cóc cần đời. Bà sống một mình càng độc lập tự do, chẳng bận tâm vướng víu gì. Ở một mình bà càng tự nhiên, thoải mái vô tư hết mực. Có hôm nhìn trời có cơn mưa bà chạy ra sân cất dọn vài thứ chưa kịp xong thì mưa đã đổ xuống ào ào làm ướt quần áo. Chạy vào nhà bà đóng cửa rồi lột hết tất cả áo quần, cả trong lẫn ngoài và tự ngắm mình trong gương. Bà thấy cặp bánh dầy của mình thật ngon vẫn trắng trẻo, cặp mông còn săn chắc, nhất là con bướm vàng của bà, của quý trời cho đã bao nhiêu năm nay nó vẫn chung thủy với bà. Bà chẳng cho ai mượn, ai vay hay ngắm nhìn, nghịch ngợm, sờ mó, sở hữu nó. Nhiều khi bà thấy bực mình vô cớ khi nghe kể chuyện có những đứa con gái sử dụng của quí một cách vô tội vạ thật lãng phí. Không những thế chúng còn dùng cả vào việc kinh doanh. Riêng bà, bà là người ki bo nhất. Có lẽ khi sang thế giới bên kia bà vẫn mang nó theo đi một cách vẹn nguyên, chắc gì đã có ai diễm phúc được biết về nó.
Xuân qua hè lại thoắt cái bà đã bước vào tuổi lục tuần. Tóc nhiều sợi trắng như sương sớm trên đỉnh núi. Bà bắt chước đi nhuộm vài lần nhưng bà cảm thấy càng nhuộm tóc bà càng nhanh trắng hơn. Và bà tự hỏi:
- Mình nhuộm cho ai nhìn?
- Nhuộm để làm gì?
Bà có cả một cái tủ gương để trang điểm phấn son nhưng chỉ dùng vài lần rồi thôi. Phấn son để đấy nhưng bà chẳng buồn trang điểm. Nhuộm tóc chẳng để làm gì nên bà cũng thôi không nhuộm nữa. Không nhuộm tóc, không phấn son cứ để vậy cho tự nhiên. Tóc bà giờ đã hai phần trắng thì bà lại muốn có gia đình hơn lúc nào hết. Bà muốn mình được trở thành người phụ nữ thật sự. Bà chỉ có một người để nghĩ tới, đó là ông Khiêm. Ông ấy trông còn tráng kiện và phong độ lắm chứ đâu teo tóp hóp má như những lão già khác. Mặt ông lúc nào cũng tươi nhuận hồng hào, dáng vẻ săn chắc của người năng hoạt động. Có lần bà mạnh dạn ướm hỏi ông:
- Ông cũng phải chăm sóc lấy mình chứ, con cái nó chỉ quan tâm khi mình ốm đau nằm bệt một chỗ thôi. Chúng đâu có biết người già cần những thứ gì?
Hiểu ý nghĩa câu nói của bà ông đáp:
- Tôi thấy mình còn khỏe lắm. Các con tôi nó bắt tôi phải luyện tập khí công dưỡng sinh để bảo vệ sức khỏe. Sức khỏe là vốn quí nhất cần phải biết sử dụng sao cho hợp lý.
Họ hầu như đã hiểu cả chỉ không tiện nói ra mà thôi…
Cái sự hiểu của họ chẳng cần phải nói nhiều nữa. Thông qua việc ông nói với các con và cả sáu anh em chúng đã đồng thuận bỏ phiếu cho ông rồi. Ngày ông về ở cùng với bà đã ấn định.
Tất nhiên trong cái ngày lành tháng tốt ấy thì buổi tối sẽ đầy ý nghĩa với cả hai người. Nhất là bà, họ như sống lại cái thời tuổi trẻ, đầy khao khát nhưng ở cấp độ tuổi già. Như ruộng khô hạn lâu ngày nay gặp cơn mưa rào thật thỏa thuê mát mẻ. Ông vẫn lúng túng hồi hộp như buổi đầu cởi áo cho người yêu. Bà thì chưa biết làm sao nên cứ lặng yên chờ đợi. Khi ông cởi cúc áo cho bà, bà thấy rộn rạo khắp người một cảm giác lâng lâng thật khó tả. Trong từng tế bào như có mạch nước ngầm đang âm ỉ chảy. Bà thầm nghĩ đêm nay mình mới được làm đàn bà phải cố hưởng thụ cho đã đời. Từ ý nghĩ của bà một âm thanh bay vụt ra.
- Anh ơi, hãy cho em hưởng cái quí giá của đêm tân hôn đi! Ông Khiêm thì tế nhị hơn, ông không xưng anh em mà nói:
- Mình yên tâm tôi sẽ cố gắng hết mình và ông bắt đầu khám phá thửa ruộng của mình. Nhưng thật lạ, ông như lạc vào rừng rậm nguyên sinh; Mảnh vườn hoang cỏ mọc lâu ngày đến mức ông chẳng tìm thấy cửa vào thiên thai ở đâu? Ông muốn tận tay khai thông mạch nước đào nguyên mà chưa được vì cỏ mọc dầy kín mít. Ông hì hụi tìm bới mãi rồi thì thào: “Sao rậm thế”, bà cấu vào lưng ông: “Ruộng không được cầy xới cỏ dại chả mọc ư”. Ông ngồi dậy bảo: “Bật đèn lên nhé” và ông bật công tắc. Ánh sáng chói lòa làm bà phải lấy tay che mặt như bị xấu hổ, hai chân bà khép lại. Ông tiến tới dạng hai chân bà ra quỳ xuống chuẩn bị cầy xới mảnh đất bỏ hoang lâu ngày đã khô cứng. Ông đã nhìn thấy cửa hang hé mở giữa vùng tóc tiên lằng nhằng. Ba lần cố gắng lùa đầu rùa vào hang mà không được. Mỗi lần ông cố thì bà lại nhăn mặt đưa tay giữ ông lại. Bà nói giọng van lơn pha chút nũng nịu:
- Từ từ thôi anh. Đừng làm em đau nhé.
Mãi vẫn chưa cầy vỡ được thửa ruộng, ông thấy nản, nghĩ bụng: Thế này trả trách chẳng có ai khám phá được bà. Lần thứ tư ông quyết làm cho hết mình. Đầu rùa đã vào được cửa hang nhưng nó không thể chui vào sâu được vì đất rắn quá. Nó bị đau, đất cũng bị đau. Đang hứng thú cầy hăng, con rùa không có đường lui nó cố gắng tiến sâu vào. Rồi phập một cái, không biết là con rùa mạnh hay đất đã có nước nhào dẻo mở ra nuốt nó ngập trong hang. Bây giờ thì trời đất chẳng là gì. Hai tấm thân già quấn chặt lấy nhau. Ông thì cố gắng cầy xới, bà cố gắng mở nước làm cho đất nhão, dễ cầy. Cứ thế họ nhịp nhàng làm việc thật cần mẫn cho đến khi có luồng nước mát chảy vào lạch đào nguyên làm bà bủn rủn hết người. Một công việc không có gì là lạ với ông, còn bà nó là một việc hoàn toàn mới mẻ. Bà tiếp nhận nó với cảm giác vừa lạ lùng khó hiểu xen lẫn chút hạnh phúc.
Bà hiểu ra muốn thực sự trở thành phụ nữ là như thế này đây. Cái mà bà khát khao, mong muốn cho đến giờ mới thành sự thực. Bà nằm duỗi thẳng chân tay lim dim mắt tận hưởng cái cảm giác vừa đau đau, ran rát lại vừa đê mê.Thế là từ nay bà đã được bình đẳng như những người đàn bà khác.
Tàn cuộc, người bị đau là bà. Người thua cuộc là bà. Người chiến thắng cũng là bà, vì sau đó ông phải nằm im như chết cho đến sáng. Mọi việc hậu chiến bà phải tự giải quyết. Bà thấy mình phải trả giá cho chiến thắng không phải là nhỏ khi bà thấy vài giọt nước đỏ sậm từ sâu trong lạch ứa ra. Bà thấy sót sót ở cửa lạch, sờ vào tay cũng nhuốm đỏ. Thì ra cửa lạch bị rách do cỏ dại cứa vào hay do đầu con rùa chà sát quá mạnh.
Hôm sau bà thấy đau nhức xương hông, bà bảo ông xoa bóp cho mình, ông làm theo, bà mạnh dạn hỏi:
- Anh còn mệt không?
Ông mỉm cười:
- Cũng mệt chứ, làm việc vất vả như thế cơ mà. Mình thấy thế nào?
Bà nghển đầu ngoái nhìn ông, tay bấm mạnh vào đùi ông:
- Em cũng bị đau hông một chút. Chắc tối nay sẽ bớt đau hơn…
Được hơn một tháng. Ông Khiêm thấy bà Nhàn có nhiều nét trầm tư. Bà thường lặng lẽ ngồi một mình ở nhà, ít nói. Hình như bà đang nghĩ đến việc gì đó lớn lao, hệ trọng. Thấy vậy ông hỏi:
- Bà làm sao vậy?
Bà nghiêm mặt trả lời làm ông ngỡ ngàng:
- Em muốn chúng mình đến Ủy ban nhân dân đăng ký kết hôn!
Ông Khiêm nhìn bà lúc lâu rồi khẽ nói:
- Cần gì phải thủ tục rườm rà, miễn mình sống tốt với nhau là được.
- Đành là thế. Nhưng em cứ thấy thế nào ấy.
- Thế nào là thế nào! Mình già rồi về ở với nhau, nương tựa vào nhau sống nốt đoạn cuối cuộc đời, chứ có lâu la gì cho cam.
- Nhưng em nghĩ, nếu không đăng ký thì chúng mình quan hệ bồ bịch à? Em không muốn để thiên hạ lấy mình ra đàm tiếu thì chán lắm, ông ạ. Chúng nó lại nói: Già rồi còn bồ bịch. Rõ là rởm đời!
Có vẻ ông cũng nhận ra cái điều trớ trêu ấy, ông hỏi:
- Ngoài việc tránh con mắt thiên hạ, việc đăng ký kết hôn còn có ý nghĩa gì?
- Ý nghĩa lắm chứ. Khi mình là vợ chồng hợp pháp thì mọi quan hệ, việc làm nó mới tự nhiên. Nhất là khi mình có sự cố về sức khỏe, tuổi tác, gia đình… Tiếng nói cũng có tác dụng đến các con của ông chứ.
Ông nghĩ cũng thấy đúng, quan hệ vợ chồng có đăng ký sẽ khác xa với vợ chồng tự về ở với nhau, mặc dù cả hai bên đã đồng thuận và con cháu họ hàng hưởng ứng. Nghĩ ngợi một lúc rồi ông nói:
- Để tôi trao đổi với các con xem ý tứ chúng ra sao.
Khi nào gặp gỡ bàn thảo việc này ông cho em dự với nhé.
Ông Khiêm nhìn bà rồi gật đầu:
- Được rồi, cuối tuần sau nhà có giỗ; Ông cụ thân sinh ra tôi, ta về bàn luôn thể.
Có lẽ chỉ có liên quan đến anh trưởng thôi, vì khi đăng ký kết hôn mà ông có mệnh hệ gì thì bà Nhàn cùng sáu đứa con ông sẽ là hàng thừa kế thứ nhất. Vấn đề phân chia tài sản theo thừa kế là rất phức tạp. Có biết bao chuyện đau xót xảy ra chỉ vì tý tài sản thừa kế. Nhiều gia đình, anh em cãi vã, đánh lộn, chém giết lẫn nhau chỉ vì chuyện đất đai, của cải chia nhau không công bằng. Nhưng nhà ông, ông đã rút kinh nghiệm từ thực tế, ông phân chia hết cho các con rồi. Con trai được nhà cửa, con gái được hồi môn. Duy có cái nhà ngói hiên tây mang tên ông, vợ chồng anh trai trưởng đang ở là tài sản lớn nhất mà ông dự định khi qua đời sẽ di chúc cho anh con trai trưởng Bách Nhật. Anh có trách nhiệm giữ bát hương thờ phụng ông bà tổ tiên. Ông có ý định chỉ bàn với anh con trưởng thôi để mọi việc đơn giản.
Nhận biết được chủ ý của ông Khiêm, anh trưởng Bách Nhật dự cảm thấy chuyện sẽ nghiêm trọng, anh có cơ mất quyền thừa kế cái nhà anh đang ở. Anh đem chuyện bàn với vợ và các em sao cho việc đăng ký kết hôn của ông bà không thực hiện được.
Sau bữa cơm giỗ cụ, mọi người ngồi quây quần uống nước và không khí trong nhà nóng dần lên khi ông Khiêm chủ động nêu vấn đề:
- Hiện tại bà Nhàn có nguyện vọng được đăng ký kết hôn cùng bố, để quan hệ của bố với bà ấy được hợp pháp, công khai, không phải thậm thụt, che giấu. Vậy ý kiến của các anh các chị như thế nào?
Chị dâu trưởng ôm bụng cười ngặt nghẽo. Anh Bách Nhật nói ngay:
- Đã thuận tình về ở với nhau, coi nhau như vợ chồng thì cần gì phải làm thủ tục cho phức tạp. Con thấy ông bà tính tình hợp nhau thế là hạnh phúc. Còn thiên hạ có cười thì hở mười cái răng. Kệ họ.
Các em thấy thế hùa theo:
- Đúng thế. Mặc xác thiên hạ. Việc nhà mình, mình quyết. Ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới!
Chị dâu trưởng vừa cười, vừa nói vẻ như diễu cợt:
- Con biết ngay mà! Cuối cùng cũng chỉ là vấn đề thừa kế tài sản mà thôi. Đăng ký, hợp pháp, mấu chốt là như thế.
Ông Khiêm nghe chừng khó xử, ông hướng sang bà Nhàn. Bà Nhàn có vẻ không hài lòng vì ý của bà đã bị hiểu sai. Bà nói:
- Các anh các chị đừng hiểu thế. Tôi có nhà, nhà nước phân hẳn hoi. Tôi đã ở đó mấy chục năm rồi. Tôi là người tử tế, không phải loại đầu đường xó chợ, mèo mả gà đồng. Không phải ông nhà ta có của cải giầu sang hay địa vị cao quý gì. Chúng tôi đến với nhau như thế nào thì các anh các chị đã biết. Tôi muốn đưa ra nguyện vọng được đăng ký kết hôn vì: Nó vừa hợp pháp luật, vừa để tôi với ông nhà sống bên nhau là trong sáng, tự nguyện và được pháp luật bảo vệ không ai có quyền xuyên tạc, đàm tiếu. Hơn nữa, quan hệ vợ chồng hợp pháp nó mới bình đẳng, mới tự nhiên. Tôi sẽ tự hào về việc chăm sóc chồng mình. Chia sẻ với một nửa của mình. Chứ con chăm cha không bằng bà chăm ông. Tôi không phải là ô sin, không phải người làm công, cũng không phải là vợ hờ hay bồ già. Chắc các anh các chị đã biết…
Bà ngừng lại chút xíu để thăm dò thái độ mọi người rồi bà nói tiếp:
- Danh có chính thì ngôn mới thuận. Nếu không có đăng ký kết hôn thì tôi chỉ là ô sin hay người giúp việc thôi. Vậy ai trả tiền công tôi chăm sóc ông nhà? Lại còn các cháu nhỏ con của anh Năm Bình nữa.
Câu hỏi của bà làm mọi người ớ ra, họ nhìn nhau mà không biết trả lời ra sao. Không khí bỗng chùng hẳn. Các con ông Khiêm buộc phải nghĩ ngợi. Cô Sáu Phúc chắc là đã nghĩ ra nói mà không thưa gửi gì hết:
- Đấy, cứ tưởng thích nhau là xong à? Còn khối chuyện phức tạp. Đã đăng ký là hợp pháp về trách nhiệm và quyền lợi. Ông thấy chưa… bây giờ không giải quyết dứt điểm cái đoạn này thì về sau lại không đánh nhau vỡ đầu mẻ trán ra à.
- Việc ai người nấy lo. Ba Tăng nói:
- Chú năm có con thì chi tiền trông con. Anh trưởng được hưởng thêm quyền thừa kế chủ yếu ngôi nhà của ông sau này thì chi tiền chăm ông.
Ba Tăng vừa dứt lời thì anh trưởng Bách Nhật đã vùng lên:
- Bố là bố chung. Các chú các cô làm ăn xa, rồi mua nhà mua đất ở nơi khác. Ở đâu ấm đấy. Có mỗi tôi ở nhà quê. Khi còn khỏe ông ở với các cô, các chú trông hết cháu nội đến cháu ngoại. Bây giờ bố với bà nhà đây, chủ yếu bố cùng bà trông cháu cho chú năm. Tôi tính, chú năm chịu một nửa, còn mấy anh em chịu một nửa. À, nếu như vậy thì xin bà cho biết tiền công mỗi tháng là bao nhiêu?
Em trai thứ năm cũng lên tiếng:
- Cháu nhà em cũng khá lớn rồi. Chỉ một vài tháng nữa cháu lớn đã vào lớp một còn cháu bé em cũng cho đi học lớp nhà trẻ, mẫu giáo thôi…
- Thế có nghĩa là không ai cần bố nữa. Đúng không. Hóa ra trẻ cậy cha còn già tôi cậy người dưng à? Ông Khiêm nói giọng đầy tự ái pha chút tủi thân:
Bà Nhàn thong thả nói:
- Nói có ông và các anh các chị đây. Tôi xin nói là tôi cần đăng ký kết hôn để sống đàng hoàng, quan hệ với nhau tình cảm hơn. Chắc các anh các chị đã biết, quan hệ vợ chồng khác với quan hệ người ở với chủ nhà chứ. Tôi xin cam đoan rằng, tôi còn sống ngày nào tôi được làm vợ ngày ấy. Còn khi chẳng may ông nhà có ra đi trước tôi, thì tôi vẫn ở nhà tôi. Tôi không cần thừa kế bất cứ thứ gì. Bởi vì tôi có thiếu gì đâu. Ở tuổi này tôi cũng chẳng cần phải sắm thêm bất cứ thứ gì…
Tất cả lặng im nghe nhưng có vẻ ngờ ngợ, bà Nhàn nói thêm:
- Còn nếu tôi đi trước ông thì tờ đăng ký kết hôn đó là cơ sở để ông thừa hưởng ngôi nhà gần bốn mươi mét vuông của tôi hoàn toàn hợp pháp.
Chị dâu trưởng tỏ vẻ hoan hỉ:
- Lời nói gió bay. Tốt nhất, nếu bà thực lòng thương yêu ông cháu như vậy thì xin bà cho vài chữ để làm bằng kẻo rồi…
Bị chạm lòng tự trọng bà Nhàn đứng phắt dậy:
- Nào, mang giấy bút ra đây!
 
Hà Nội, 2016

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây