Đọc lại Nguyễn Du - thơ Bằng Việt và lời bình...

Thứ ba - 19/07/2022 21:16
Nhà thơ Bằng Việt
Nhà thơ Bằng Việt

 Đọc lại Nguyễn Du
                                   Bằng Việt
 
                                 Nhất sinh từ phú tri vô ích
                                 Mãn giá cầm thư đồ tự ngu
                                 (Nguyễn Du)
 
Quá khuya, chợt thấy mình già,
Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời,
Một đời gọi mãi: “Người ơi..”
Một đời khát vọng, một đời bồng bênh!
Mê say là chuyện đã đành
Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau
Áo cơm se sắt mái đầu
Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn!
 
Rạc dài – chút phận văn chương
Cao sang nhòe lẫn tầm thường… ngẩn ngơ!

 
Lời bình của Linh Chi
   Đọc tập thơ Bằng Việt giai đoạn 1986-2016 và rồi tôi dừng lại ở bài thơ ấy, bài thơ được viết vào năm 1993.
   Một tập thơ viết cho cả một giai đoạn của đời nghệ sĩ, có những cung bậc thăng trầm của đời người khi tuổi đã già đi, chứng kiến những thăng trầm hay biến động lớn lao của xã hội như sự kiện tan rã của Liên bang Xô viết, quá trình cải cách mở cửa của Việt Nam. Những sự kiện ấy là xúc tác tạo ra sự thay đổi rất lớn trong suy nghĩ  của các giai tầng trong xã hội. Sự biến đổi về giá trị vật chất đã làm thay đổi tư duy của người đọc, thay đổi phong cách của người đại bộ phận người viết lớp sau, cũng như tác động trực tiếp tới nhân sinh quan và thế giới quan của tác giả. Dẫu vậy, như người ta từng nói, một anh hùng không chỉ thể hiện ở sự việc anh hùng mà còn thể hiện ở việc trải qua bao cay đắng, thất bại song vẫn không từ bỏ khí chất, không mất lòng tin ở công việc mình làm, vẫn tiếp tục con đường mà mình đã từng lựa chọn; và quả vậy, tôi đã thấy điều ấy ở ông, một nhà thơ với tâm hồn nghệ sĩ đích thực. Dù trải qua sóng gió, vẫn luôn giữ được phẩm cách của thi nhân, giữ được ngọn lửa của lãng mạn trong suốt cuộc đời hướng tới Chân – Thiện – Mỹ của mình.
Quá khuya, chợt thấy mình già
Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời 
  Có lúc nào đó, người ta say đắm trong sự nghiệp sáng tạo của mình và quên đi cả thời gian, quên đi tuổi tác. Nhưng rồi bất chợt một phút ngoảnh lại, người ta đã nhận ra rằng, thần thời gian đã để lại dấu ấn trên thân thể họ. Phút bất chợt ấy là lúc nhà thơ đọc lại Nguyễn Du khi đêm khuya, bài thơ “Mạn hứng” trong đó có hai câu thơ
Nhất sinh từ phú, tri vô ích
Mãn giá cầm thư, đồ tự ngu
     Nghĩa là
(Cả đời thơ phú, giờ mới thấy là vô ích
Đầy cả giá đàn sách, thấy mình thật ngu ngốc) 
(Thơ văn vô ích mà thôi
Sách đàn đầy giá thành người ngẩn ngơ)
   Đang thức, đang tỉnh táo mà chợt tỉnh giấc mộng, quá nửa cuộc đời đã đi qua, hóa ra mình đã già thật rồi. Ngoài kia cửa sổ mưa đang rơi trắng cả đất trời; Nhìn xa rồi lại nhìn gần, ngẫm lại nhân tình chua xót vần thơ..Tiếng gọi trong lòng cứ tự nhiên mà thốt ra như thế. .
Một đời gọi mãi, người ơi
Một đời khát vọng, một đời bồng bênh
 
Tiếng gọi từ sâu thẳm của sự lãng mạn đã theo suốt cả cuộc đời, mang đến bao nhiêu khát vọng. Nhà thơ đã bồng bềnh cùng sự lãng mạn ấy, theo đuổi sự nghiệp thơ phú, văn chương ấy cả cuộc đời mình. Và Nguyễn Du cũng thế, nhiều người viết khác, nhiều nhà thơ khác cũng thế, họ đã mang cả thể xác mình gửi gắm vào chốn tháp ngà, mang cả tâm hồn mình đặt vào những đám mây bát ngát trên bầu trời lãng mạn, không màng đến vật chất, quên đi cuộc sống hiện thực của chính bản thân mình. Khát vọng ấy nằm trên sự bồng bềnh của sự lãng mạn nhưng lại làm cho bản thân của thi nhân đứng trên cái vị trí thật bấp bênh của hiện thực,  đứng giữa sự khó khăn bo bíu của thế tục với những thứ rất đời vụn vặt của cơm áo gạo tiền. Từ ‘bồng bênh’ được dùng chính xác và đắt giá lắm!
 
Chợt nhớ tới bài thơ của Lý Hạ đời nhà Đường bên Trung Hoa, bài thơ Nam viên kì lục (Bài thơ số 6 về khu vườn phía Nam) 
 南園其六
尋章摘句老雕蟲
曉月當簾掛玉弓
不見年年遼海上
文章何處哭秋風
Nam viên kì 6
Tầm chương trích cú lão điêu trùng
Hiểu nguyệt đương liêm quải ngọc cung
Bất kiến niên niên Liêu hải thượng
Văn chương hà xứ khốc thu phong
Dịch nghĩa
Lọ mọ gọt rũa, tầm chương trích cú
Vén rèm ra đã thấy trăng buổi sớm mai trên trời như cánh cung ngọc
Há chẳng thấy hàng năm trên biển Liêu
Kẻ văn chương khóc gào cùng với gió thu
Dịch thơ  
                    Khu vườn phía nam – Bài số 6
Dùi mài thơ phú nghiệp long đong
Trăng muộn vén rèm ngỡ cánh cung
Bao năm trống rộn miền Liêu hải
Tủi phận văn chương, nát cõi lòng.
Tầm chương trích cú khổ công
Ngẩng lên trăng muộn gác song non đoài.
Biển Liêu lớp lớp sóng vùi
Phòng văn một góc, chạnh rơi giọt buồn
(Linh Chi dịch)
Lý Hạ thuở xưa cũng đã từng như thế. Một đêm khuya muộn lúc gần sáng, sau khi cần mẫn viết, đọc, thi nhân vén rèm ra và chợt thấy vầng trăng cuối tháng lúc ban mai đã treo trên đỉnh đầu như một cánh cung bằng ngọc. Chợt tự hỏi mình: ta đang làm gì thế này? Chả lẽ không thấy rằng giờ là thời biến động của xã hội, người ta coi trọng việc cướp bóc, coi trọng việc việc kinh thương, nào có ai màng tới văn chương, đẩy kẻ sĩ cùng đường chỉ có thể tự thương mình mà cất tiếng khóc khi gió mùa thu tới. Cái ý tự thương, tự trào ấy nào phải chỉ người thời nay mới có. Phàm đã mang cái nghiệp vào thân thì thi nhân đời nào cũng thế cả.
Bài thơ có tên “Đọc lại Nguyễn Du” nhưng không thấy bất kì nhân vật nào, bất kì một danh từ nào gợi nhắc đến Nguyễn Du trong suốt toàn bài mà chỉ có hai câu dẫn đề nhắc tới tên bậc thi hào năm xưa. Nhưng cái tâm tư ấy, mạch văn ấy thì giống lắm, Ví thử cụ Nguyễn có sống lại, chắc cũng bằng lòng mà rằng: Tôi cũng như anh, cũng là người cùng cảnh ngộ cả. Biết đâu cụ Nguyễn lại vì cái tình tri kỷ mà mời một chén thì sao, như Trọng Tạo khi nâng chén thơ mà mời cụ Nguyễn vậy.
 
Gã bán tơ sống lại
Mụ Tú Bà hồi sinh
Giật mình mình lại thương mình
Thương cây bút bị đòn roi bao đận...
(Uống rượu với Nguyễn Du - Trọng Tạo)
 
Một đời khát vọng, nhưng tự nhiên giật mình nhìn lại thấy thương chính bản thân mình. Cái cảm giác ấy nào phải của một người. Sự đồng cảm ấy có lẽ chỉ những hồn thơ chân chính mới cảm nhận được. Người ta đã đam mê, đã khát vọng; sự đam mê khát vọng ấy trở thành ngọn lửa đốt hết mọi dục vọng tầm thường để làm động lực đưa tài năng bay lên bằng đôi cánh của nàng thơ. Nếu không sống hết mình vì thơ, người ta sẽ không bao giờ có cảm giác ấy được.
 
Nhưng hỡi ôi
Mê say là chuyện đã đành
Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau
Tỉnh lại rồi, vẫn còn thảng thốt, mình đang tỉnh hay đang mơ? Chìm đắm trong mê say của lãng mạn, biết đâu khi tỉnh lại chợt bàng hoàng thấy rằng dường như sự thực phũ phàng quá, nhân tình thế thái phũ phàng quá, mình đang lạc loài giữa cuộc sống trần trụi đầy tính hiện thực của cuộc đời đương thế. Mưa đang trắng trời, nhưng tiếng thơ của người xưa chợt làm cho người nay tỉnh giấc, nhìn ra cái trắng xóa của làn mưa mà ngẫm đến sự bạc bẽo của thế tục, lạnh lẽo của nhân tình. Cái sự tỉnh ấy xảy ra lúc người ta đã già, con đường đã đi qua không có cơ hội trở lại được nữa.. Cái cảm giác ấy đâu chỉ mình Bằng Việt viết ra mà thôi đâu.
 
Sắc tài chi để trời ghen
Người đâu phải nước đánh phèn cho trong
Cói đời đâu cũng long đong
Văn chương bạc phận, má hồng vô duyên
Bời bời những cuộc đỏ đen
Chính trường sấp mặt, đồng tiền xoay ngang
Đặt chân lên đỉnh Thiên Đàn
Bốn bề mây trắng, thu vàng lá rơi
(Nguyễn Du – T.Giả Trần Nhuận Minh)
 
Thì ra những hồn thơ chân chính trên cõi đời này đâu cũng long đong cả. Như con yến dùng tinh huyết để xây tổ, như con tằm rút ruột để nhả tơ, thi nhân dùng cái tâm trong sáng của mình để dựng nên hồn cốt của thi ca, dùng dòng máu lãng mạn của mình để vẽ nên những áng mây trác tuyệt trên bầu trời của văn học, dùng sự thuần khiết của linh hồn mình để dệt nên chiếc áo của nàng thơ. Nhưng văn chương tự hồng nhan, bạc phận có lẽ là định mệnh. Cái tâm tinh khiết trong trắng ấy liệu còn có chỗ nào để đứng được trên một thế giới đầy đỏ đen, trên cả một chính trường đầy sự tráo trở và giữa một xã hội được ngự trị bởi đấng tối thượng: kim tiền! Thành thử, bước vào cõi thi ca ấy, xung quanh chỉ còn mây trắng bay, lá vàng rơi mà thôi. Tỉnh lại ư, hình như ta cô đơn quá, xa rời sự thực quá!! Bằng Việt đành chỉ thốt ra rằng
 
Thơ có còn tri kỉ nữa hay chăng
Đời đột biến mà thơ đi quá chậm
Đời hết sức thẳng thừng, thơ vòng vèo lẩn thẩn..
Đời trả giá hết mình, thơ khi nhớ khi quên
(Lại nghĩ về thơ – Bằng Việt) 
Hay đành tự an ủi mình rằng
                              
Thơ, đành chỉ: Mất – Còn – Hối – Tiếc
Đời: mãi một đi không về! 
(Khơi trong gạn đục  - Bằng Việt)
 
Cơm áo không đùa với khách thơ, lãng mạn là thế, song không thể không nhìn lại thực tại của cuộc sống xung quanh mình. Những sự thực hàng ngày trải qua, những khổ sở của cuộc sống hiện tại tự dưng như những bức ảnh hiện lên, từng chiếc, từng chiếc một. Se sắt là nỗi buồn, buồn trong cô đơn. Cái buồn ấy tự dưng như cơn gió lạnh tràn đến làm người ta choàng tỉnh. Những người thân thiết nhất coi mình như trụ cột, cần phải dựa vào mình mà mình đã không giúp đỡ được, họ thương đấy mà cũng chán nản lắm; những đồng nghiệp, những người cùng chí hướng với mình giờ đây phần lớn cùng cảnh ngộ cả, nhìn thấy mà buồn bã chua xót lắm.
Áo cơm se sắt mái đầu
Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn
Chả thế mà ngày trước, trong bài thơ “Oan nghiệt” Nguyễn Bính từng viết rằng 
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!
Hay Hàn Mặc Tử cũng từng thốt ra rằng
Trời hỡi làm sao cho khỏi đói
Gió trăng sẵn có làm sao ăn
Nào ai có thể mang cái sự lãng mạn, mang gió trăng kia biến thành cơm áo gạo tiền? Là mộng mà thôi, mộng mất thôi. Cái sự nghèo dường như ứng vào thành nghiệp, đã là thi sĩ của thương yêu thì cái vấn nạn áo cơm đã bám vào người ta như một kẻ thù truyền kiếp và dai dẳng.
Chợt nhớ tới một giai thoại rằng, có một ngày Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng bàn luận chuyện văn chương. Nguyễn Tuân mang nhà văn ra so sánh với con chó, Nguyên Hồng khóc rưng rức, cảm thấy rất bất mãn. Nguyễn Tuân nổi xung lên nói: “Tôi so sánh thế thì thiệt cho con chó chứ thiệt gì cho nhà văn mà phải khóc!” Dù chỉ là một mẩu chuyện trà dư tửu hậu, xong không khỏi có chút ngậm ngùi. Như là khi những người sống cùng trong khu tập thể của một nhà văn nổi tiếng than phiền về việc ông nuôi lợn, ông mới trả lời rằng: “Không phải nhà văn nuôi con lợn, là con lợn nuôi nhà văn. Các anh nói sai rồi”. Và ở đây, Bằng Việt dùng tiếp một từ khác, về tính chất có lẽ tương tự như cách Nguyễn Tuân so sánh nhà văn vậy.
Rạc dài – chút phận văn chương
Cao sang nhòe lẫn tầm thường… ngẩn ngơ!
 
Rạc dài – Từ ấy đau đớn lắm, buồn bã lắm. Câu này tổng kết lại cả đời văn, còn từ “rạc dài” lại là nội dung chính của cả bản tổng kết ấy. Long đong – lận đận’ có thể ai đó sẽ giải thích như thế. Nhưng nó còn tệ hơn thế, đó là từ chỉ hành động làm đĩ, đĩ rạc đĩ dài. Phận văn tủi hổ như thế, tự dưng đang từ thứ sang trọng của người đời trở thành một dạng mạt hạng của xã hội. Còn gì buồn bã hơn khi chợt nhận ra điều ấy. Giữa vàng thau lẫn lộn của cuộc đời, những điều lãng mạn cao siêu bay bổng tự dưng bị kéo tuột xuống trộn lẫn vào một đống nhơ nhớp của thực tại. Nhưng ‘nhà thơ không định đoạt được giá trị thơ mình, còn phải nhiều phen đánh vật cùng số phận’, Buồn quá, dù sẵn cầm đàn gẩy mãi tai trâu nỗi buồn càng lớn.. Những vần sang trọng ngày xưa đã ít đi, “thơ thời đại hậu sinh vừa sặc sỡ vừa buồn, nhiều sexy ít nghĩ về hạnh phúc”, và thế là cái cao sang đã bị nhòe vào cái tầm thường, lọt thỏm giữa những nhốn nháo của ngôn từ, không còn thấy đâu nữa. Lẽ nào chỉ còn nhớ: “Một người thì treo cổ, một người thì bắn súng vào đầu” khi tự hỏi rằng thơ còn gì hôm nay? Có lẽ rằng Bằng Việt phân vân lắm. Ngẫm lại cả đời mình, ngẫm lại những gì đã làm, buồn bã và cô đơn lắm.
Nhưng như ở trên đầu đã đề cập tới, kẻ anh hùng không chỉ bởi anh ta làm được những việc anh hùng, mà ngay cả khi thất bại cay đắng, bất đắc chí thì vẫn không từ bỏ hoài bão, khát vọng của mình, không mất đi niềm tin vào cuộc sống.
 
Nay lại ném câu thơ vào gió thổi
Tin – không tin!.. vẫn còn lại riêng mình
Còn lại tấm lòng mong manh dễ vỡ
Cát đã qua lò nay hóa thủy tinh
Và lòng tin ấy vẫn còn, trong suốt, mong manh, nhưng vẫn tồn tại, dù chỉ tồn tại cho riêng mình. Cái đích chân thiện mỹ không phải là thứ dùng để đánh đổi, niềm tin vào thi ca không phải là cái có thể mang ra coi thường. ‘Văn dĩ tải đạo’, cho dẫu nghèo túng thì cũng không để cho mình hèn hạ, tối tăm; vần thơ cũng không để cho loài người hèn hạ, tối tăm đi được.
 
Thơ càng sắc càng kiêu càng chớ màng bất tử
Miễn đừng để loài người hèn hạ tối tăm đi
(Thơ hay có cần phải chết – BV)
 
Xin dùng hai câu kết bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu để làm câu kết của bài viết này
Trải bao gió dập, sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha.
 
Tháng 7.2022
Linh Chi

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây