KHÁI NIỆM THU TRONG TÔI*
Thúy Bắc
Thu lướt vàng trên lá biếc
Đẹp và buồn
Nhìn dáng em bập bùng áo mỏng
Chợt nhớ thời bé bỏng
Tôi không lúc nào biết có mùa thu
Không lúc nào biết có mùa xuân
Chỉ thấy mùa đông dằng dặc
Rét run người rang cắn vào môi
Những chiều đông
Cóng buốt cô đơn
Dài mãi ra
Chưa kịp thấy hoa đào hồng, hoa bưởi trắng mùa xuân
Đã có những ngày hè cháy nắng
Mồ hôi mặn chat thấm qua môi
Tôi không có tuổi thơ bắt bướm hái hoa
Khái niệm có thu từ buổi sớm buồn
Người ra đi
Và tôi thì đợi chờ mãi mãi
Mùa thu đẹp và buồn trong tôi từ đó
Heo may gió
Tôi bang khuâng nếu kéo sợi thu dài
Giọt sương thu trên lá biếc ban mai
Lấp lánh như người còn trở lại
Thu trong tôi
Đẹp
Buồn
Rực vàng
Tê tái !
9/1998
* Thơ Thúy Bắc trong tập”Nỗi đau không lành”
Nhà xuất bản Phụ nữ -1990.
Nhà thơ Thúy Bắc - đứng giữa (1937-1996)
Lời bình của Trần Trung: ĐẸP BUỒN - NỖI KHẮC KHOẢI THU
Làm sao không khỏi nao lòng đến ngẩn ngơ khi mùa thu đến. Ấy là lẽ thường tình trong niềm khát khao và nuối tiếc của thi nhân tự bao đời. Bởi, bước đi của mùa thu nhẹ nhàng, nền nã tựa hồ bước chân duyên dáng, dịu dàng của thiếu nữ; Cũng còn bởi lẽ: thu là trong, là thanh. Là dịu nhẹ. Là huyền hồ quyến rũ. Bởi,thu chỉ có thể là thu mà không giống với bất kì mùa nào, trong chu trình năm tháng của tạo hóa.
Với Khái niệm thu trong tôi,bài thơ của Thúy Bắc được mang một cái tên, thoạt nghe ngỡ như duy lí này, té ra lại là một lối cảm nhận rất riêng của nhà thơ về mùa thu:Thu lướt vàng trên lá biếc/ Đẹp và buồn.
Thúy Bắc cảm nhận mùa thu từ sắc màu của ngoại cảnh, trong sự dịch chuyển nhẹ nhàng như hơi thở dìu dịu của gió thu. Chút nắng thu êm và sắc lá biếc mùa thu. Để từ đó,câu thơ thứ hai buông ra như một tiếng thầm thì- Đẹp và buồn.
Thực ra, hai câu thơ khơi nguồn cảm xúc tâm tình của Thúy Bắc mới gợi ra chút ấn tượng riêng, chứ chưa mấy chấn động. Song, chính từ cái khởi động ban đầu ấy,nỗi niềm riêng bất chợt bùng lên, đụng cựa và lên tiếng:
Nhìn dáng em bập bùng áo mỏng
Chợt nhớ thời bé bỏng
Tôi không lúc nào biết có mùa thu
Không lúc nào biết có mùa xuân
Chỉ thấy mùa đông dằng dặc
Một cái gì đó bất chợt mà lay thức-gợi lại một thời thơ trẻ, gợi những kỉ niệm khó quên một thời xa. Duyên cớ của tâm tư nằm ở câu thơ Nhìn dáng em bập bùng áo mỏng.Thì ra, cái chợt thấy từ một dáng vẻ, một tà áo thật trẻ, thật xinh, lại nhói quẫy lên cái Chợt nhớ. Nỗi chạnh lòng như luồng xung điện, chạy thẳng vào miền thẳm tâm tư. Nỗi chạnh lòng mang chất nữ tính của Thúy Bắc, khác niềm khát khao, tiếc nuối của các nam thi sĩ-kiểu như Vân Long:
Em như con gió thổi qua ngang
Trẻ đến làm đau cả lá vàng
(Vào thu- Vân Long)
Kiểu như Vũ Quần Phương:
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không
(Áo đỏ-Vũ Quần Phương)
Thúy Bắc nhìn sự trẻ trung, thanh tân mà chạnh buồn, chạnh nhớ. Bởi: Tôi không lúc nào biết có mùa thu/ Không lúc nào biết có mùa xuân/Chỉ thấy mùa đông dằng dặc.
Thật buồn. Thật xót xa khi điều Chỉ thấy trong Thúy Bắc, không dừng lại ở ý niệm chung mà, thấm thía, luồn lách, nhói buốt trong một chuỗi những hình ảnh thơ thốt ra từ niềm tâm tư kín thầm của một đời người con gái, một người đàn bà nặng nề phận bạc:
Chỉ thấy mùa đông dằng dặc
Rét run người răng cắn vào môi
Những chiều đông
Cóng buốt cô đơn
Những câu thơ buồn đau giá buốt này như tượng hình lên, như hiển hiện lên từng cặp tương phản của nỗi buồn đau có thật và sự chống trả lặng thầm của một thân phận Cóng buốt cô đơn…
Đến đây, bài thơ tâm tình của nhà thơ Thúy Bắc chuyển từ hoài niệm buồn sang một Khái-Niệm-Buồn; chuyển từ khái niệm ngoại giới (mùa thu) sang một khái niệm của lòng người, như tên bài thơ mà chị đã đặt –Khái niệm thu trong tôi:
Khái niệm có thu từ buổi sớm buồn
Người ra đi
Khái niệm thu đi ra từ lời tâm sự của nhà thơ. Khổ đau, mất mát, cô đơn-có rồi. Bây giờ lại thêm sự hẫng hụt, trống trải nữa-Người ra đi.
Trong tập thơ Nỗi đau không lành,người đọc như chợt rùng mình mà nhận ra điều xa xót này: Thúy Bắc đợi nhiều quá, khắc khoải trông chờ nhiều quá:
-Người ra đi và tôi thì đợi chờ mãi mãi
(Khái niệm thu trong tôi)
- Em vẫn đợi vẫn chờ
( Không đề)
-Mà hoàng hôn tím mãi
Trên vai em đợi người
( Hoàng hôn )
- Còn gì đâu em đợi
(Nếu)
Những câu thơ cuối trong Khái niệm thu trong tôi, nhà thơ như thốt lên những tiếng thơ ai oán, khắc khoải trong sự điệp lại, điệp mà không lặp:
Mùa thu đẹp và buồn trong tôi từ đó
Heo may gió
Rung đùa rỡn lá
Tôi bâng khuâng nếu kéo sợi thu dài
Giọt sương thu trên lá biếc sớm mai
Lấp lánh như người còn trở lại
Thu trong tôi
Đẹp
Buồn
Rực vàng
Tê tái !
Những câu thơ của Thúy Bắc như tâm sự gấp gáp, níu kéo thiết tha mà sao trống vắng, hoang hoải đến lạ lùng ! Mới hay, vẻ đẹp buồn lại song song, sóng đôi với vẻ Rực vàng tê tái của sắc lòng người thơ.
Câu thơ cuối cùng rơi, rơi dần từng con chữ như dứt dần ra trong mảnh thẳm tâm tư: Đẹp/Buồn/Rực vàng/Tê tái…
Thúy Bắc lặng lẽ ra đi ngày 12/9/1996-Ở Hà Nội-Giữa độ thu Đẹp và Buồn. Thương tiếc quá !...
Hà Nội 10/1996 - 8/2022.