Tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai, con đường từ trái tim đến trái tim

Thứ năm - 25/08/2022 14:54
Nhà văn Phùng Văn Khai - P. Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Nhà văn Phùng Văn Khai - P. Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

                                                                                               PGS.TS  Hỏa Diệu Thúy

 

Tiểu thuyết lịch sử là một cách hình dung về lịch sử, qua ngôn ngữ tiểu thuyết, lịch sử được tái hiện gắn với trạng thái đời sống sinh động nên vô cùng cuốn hút, hấp dẫn. Đọc lịch sử thông qua tiểu thuyết, phải chăng là cách hữu hiệu để lịch sử đến với mỗi người không chỉ bằng lý trí mà còn bằng cảm xúc. Viết truyện lịch sử đang trở thành trào lưu mạnh mẽ những năm gần đây ở Việt Nam. Lịch sử dân tộc bốn ngàn năm hào hùng là nguồn cảm hứng mãnh liệt và là kho dữ liệu vô giá với các nhà tiểu thuyết. Nhiều cây bút đã thành công ở thể loại này, trong đó phải kể tới 6 cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn quân đội Phùng Văn Khai.

Chỉ trong vòng bảy năm, 6 cuốn tiểu thuyết lịch sử ra mắt, cuốn nào cũng ngót nghét bốn, năm trăm trang và đều khiến người ta phải đọc một mạch: Phùng Vương (2015); Ngô Vương (2018); Nam đế Vạn Xuân (2020); Triệu Vương phục quốc (2020); Lý Đào Lang Vương (2021) và Lý Phật Tử định quốc (2021).

Phùng Văn Khai quả thật táo bạo khi chọn tái hiện các vương triều giai đoạn phục quốc thời kỳ Bắc thuộc với độ lùi lịch sử trên cả nghìn năm. Trong biên chép của Đại Việt sử ký toàn thư, giai đoạn này gọi là “Ngoại kỷ”[1]. Các triều đại ở giai đoạn này tại vị trong thời gian khá ngắn lại không được chính sử ghi chép nhiều, thậm chí chỉ được điểm nhắc mấy dòng ngắn ngủi trong các sách thông sử.

Vẫn biết, sức mạnh của tiểu thuyết là hư cấu, song, với thể tài lịch sử, không thể chỉ dùng lịch sử như “cái đinh” để “treo” những ý tưởng của người viết. Theo quan niệm của các cây bút đồng nhất quan điểm với chính sử thì “lịch sử” cần được tôn trọng và cần được huy động nhiều nhất có thể. Có thể nhận thấy, tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đi theo hướng này với mục đích đưa lịch sử gần hơn với độc giả, đồng thời góp phần làm nổi bật vị trí lịch sử và khí phách của các vị vua anh hùng thời kỳ đấu tranh giành quyền độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, tác giả sẽ phải đối diện với thách thức không nhỏ, lịch sử đã lùi xa: Tiền Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Đào Lang Vương, Phùng Vương, Tiền Ngô Vương thời kỳ Tiền - Hậu Lý đến Ngô Vương đã cách xa hiện tại trên một nghìn năm[2], dữ liệu lịch sử về các triều đại ấy vô cùng ít ỏi. Để có cơ sở gợi sức tưởng tượng, tác giả sẽ phải dày công tra cứu thông tin ở nhiều nguồn: Việt sử, Bắc sử, dã sử, truyện chí…, thêm nữa, còn phải tìm hiểu, nghiên cứu nhiều lĩnh vực liên quan, như: địa lý, văn hóa, tôn giáo, phong tục… để đảm bảo độ “tin cậy” của những tình tiết, chi tiết mang tính sử liệu. Có lẽ sức hút của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai đến từ sự chuẩn bị chu đáo của niềm say mê như là duyên “tiền định”. Đọc tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai, người đọc như được trở về với thời của cha ông, được “gặp gỡ” những nhân vật kiệt xuất cùng thời đại của họ trong không gian gần gũi và xúc động.

sk      Một số tập tiểu thuyết của nhà văn

Không gian chiến trận được đặt trong không gian đời sống khiến lịch sử hiện lên sống động, hấp dẫn:

Đây là điểm gây chú ý nhất khi đọc tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai, cũng là chỗ tác giả thể hiện được nhiều thế mạnh của ngòi bút: sức tưởng tượng mãnh liệt, kiến văn phong phú và khả năng tổ chức, kết cấu cốt truyện hợp lý. Điểm mờ lịch sử vừa là thử thách song cũng là đất dụng võ của tiểu thuyết, vấn đề là bản lĩnh nhà văn. Không gian trong 6 cuốn tiểu thuyết của Phùng Văn Khai gắn với nhiều địa danh, vùng miền. Hơn nữa, tác giả đã “dựng” lại lịch sử ở tính quá trình gắn với không gian thời đại, lịch sử không bị thoát ly khỏi đời sống, ở trong lòng đời sống, thể hiện logic đời sống, điều này đã tạo nên sức lôi cuốn của tác phẩm.

Những cuộc nổi dậy giành quyền độc lập, tự chủ trong 6 tiểu thuyết trên đều là những cuộc tập hợp sức mạnh liên kết giữa các vùng. Không gian “tụ nghĩa” luôn là không gian “mở” với những mối bang giao trên tinh thần huynh đệ, bằng hữu giữa các tộc trưởng, hào trưởng. Những cuộc khởi nghĩa thực sự là những cuộc kháng chiến toàn dân với đúng nghĩa xả thân tự nguyện. Hào kiệt các nơi nghe tin tụ nghĩa cùng với lương thảo, tài vật đặc thù của mỗi vùng. Cuộc khởi nghĩa khởi lên ở hương Cổ Pháp của Lý gia tộc thì các “họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái…” ở các vùng lân cận đều hưởng ứng. Triệu Quang Phục phục quốc ở căn cứ Dạ Trạch - Chu Diên thì các vùng “Câu Lậu, Sài Sơn, Thạch Xá, Đông Sàng, Âu Dương…” cũng rầm rộ hướng về. Phùng Hưng dựng cờ nghĩa ở Đường Lâm thì châu mục các vùng gần “Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Tân Hưng, Vũ Định, Lục Hải, Bình Văn, Phong Châu, Ái Châu”, xa như Hoan, Diễn cũng sẵn sàng cung cấp quân lương, ngựa voi trợ chiến v.v… Ấy là chưa kể các các trận đánh thuở xưa với những cuộc hành binh, dụng binh đặc trưng đã một đi không trở lại, như: lợi dụng địa hình hiểm yếu, vũ khí tự chế một cách thông minh, biến ảo, khai thác địa thế tự nhiên vào đánh trận, không gian “bày trận” rất rộng ở mọi vùng miền. Phùng Văn Khai đã tái hiện lại thực tiễn đa dạng ấy bằng bút pháp tả thực hấp dẫn.

Những trận đánh ở mọi địa hình: đầm lầy, núi cao, rừng thẳm, đường độc đạo, thượng đạo, trên sông hay cửa biển, đánh thành hay mật phục… với những vũ khí thời cổ đã được tác giả tái hiện trong không gian chiến trận. Chẳng hạn, cuộc chiến trên sông giữa quân Vạn Xuân và quân Trần Bá Tiên: “Chiến thuyền Vạn Xuân bất chấp làn đạn đá vẫn vun vút lao thẳng vào phía trong nơi ẩn hiện chiếc soái thuyền. Giữa hai làn đạn đá ầm ầm quật xuống, máu thịt binh tướng hai bên bật tung lên trời rơi lõm bõm khắp mặt biển” (Triệu Vương phục quốc). Thế mạnh của lực lượng “đặc công nước” mà cha ông sử dụng từ nghìn năm trước cũng được tái hiện lại: “…bóng những dũng sỹ cởi trần bôi trát khắp mình một loại dầu xanh sẫm màu nước biển. Trước khi biến vào lòng biển, các dũng sĩ uống cạn một bát mắm cá đặc sánh vừa để khí huyết lưu thông vừa chống nhiễm lạnh theo phong tục cổ truyền của dân miền biển” (Triệu Vương phục quốc). Những hình ảnh như thế này thật sự thuyết phục bạn đọc ở tính lo gic chính xác của chi tiết: “Ngay trước mũi thuyền chưa đầy trăm thước, một rừng chông khổng lồ đen ngòm mặt nước nhất tề chĩa lên khỏi làn sóng bạc cùng tiếng nước réo ồ ồ nơi ghềnh đá. Đám thuyền thám sát hoảng loạn với mái chèo toan chèo ngược lại lẩn tránh bãi cọc nhọn đã thấy phía trước, phía sau, hai bên bờ sông, vài chục thuyền nhỏ vun vút lao vào ba đội khinh thuyền. Không kịp trở tay, lại chẳng có cung tên, pháo hiệu, đám thuyền thám sát co cụm rồi phó mặc để nước xiết cuốn vào bãi cọc nhọn lởm khởm bây giờ càng lúc càng nhô cao trên mặt nước…” (Lý Đào Lang Vương).

Những kinh nghiệm đánh trận chỉ có từ ngàn năm trước được lồng vào các tình tiết, như: cách làm cơm nắm để đi đường xa, cách lấy nước trong thân tre luồng nếu nhỡ lạc rừng, lấy bọng ong trong ống bương, huấn luyện trâu tham gia đánh trận, cách trám thuyền để không bao giờ bị rò nước, cảnh bẫy voi rừng để phục cho đội tượng binh, những vũ khí tự chế thuở xưa (câu liêm, đinh ba ngạnh, giản hai lưỡi, trùy đeo xích sắt, mã tấu đánh sống chì, xà mâu chuôi đồng mũi xoắn, choòng sắt cán gỗ lim, búa gỗ bịt sắt, vuốt sắt bọc đồng, roi sắt, bi sắt, bè chuối, bèo tây, cành củi, cỏ khô, tre nứa, cọc gỗ, đạn đá…). Đặc biệt, những cuộc thư hùng, ác đấu một đối một giữa các mãnh tướng đôi bên cũng được miêu tả công phu, chi tiết, khiến sự kiện lịch sử trở nên sống động và lôi cuốn.

Có thể nói, tính lo gic của tình tiết, chi tiết được tổ chức chặt chẽ, hợp lý nhờ kết hợp thành công giữa chính sử với huyền sử, giữa thực tiễn khách quan và óc tưởng tượng phong phú, lịch sử đã được tái hiện sinh động và hào hùng. Vì vậy, đọc lịch sử mà cùng lúc được thụ hưởng nhiều khoái cảm: được trải nghiệm cùng lịch sử; được tiếp thêm năng lượng từ niềm tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất của cha ông, được cảm nhận về giá trị của văn chương v.v…  

Nhân vật được khắc họa bằng sự kết hợp linh hoạt các bút pháp:

Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai hướng đến xây dựng nhân vật chính là các bậc quân vương anh hùng, song, trong chính sử, các tên tuổi này được chạm khắc rất ít, nghĩa là tác giả chỉ được gợi ý từ một vài nhận xét chung về diện mạo và cá tính. Vậy, tác giả đã tìm giải pháp nào cho việc khắc họa chân dung nhân vật trong tiểu thuyết để vừa đáp ứng không xa rời chính sử lại vừa sinh động, hấp dẫn? Câu trả lời được tìm thấy đó là tác giả đã kết hợp nhiều bút pháp: ước lệ tượng trưng kết hợp với sử thi; với huyền ảo và “tả chân” một cách linh hoạt, điệu nghệ. Ước lệ tượng trưng - bút pháp nghệ thuật quen thuộc của văn chương trung đại để khắc họa nhân vật loại hình - kiểu nhân vật gắn với nguyên tắc thẩm mỹ ước lệ của thời đại. Các nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết Phùng Văn Khai, như: Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Lý Đào Lang Vương, Ngô Quyền, Lý Phật Tử… đều là những võ tướng cầm quân với tài thao lược. Thêm nữa, họ đều là những bậc quân vương khởi nghiệp (không do truyền ngôi), nên mang những tố chất hơn người: thông minh, chí lớn, nghị lực, quyết đoán và có khả năng hấp dẫn, quy tụ lòng người. Tựa vào những điểm chung này, tác giả đã phác họa chân dung những bậc quân vương anh hùng với bút pháp ước lệ tượng trưng mà vẫn đậm cá tính. Đây là chàng trai Lý Bí tuổi mới lớn: “Vóc người dong dỏng nhưng rắn chắc, thần thái cởi mở mà trang nghiêm, lại thấy có một cái bớt son khá lớn chính giữa lưng…” (Nam đế Vạn Xuân) và chàng thiếu niên ấy khi trưởng thành: “…phong thái của đấng quân trưởng một nước, dáng đi rồng cuộn hổ chầu, đôi mắt của bậc hiền minh có thần quang rực rỡ, miệng rộng mà vuông vức, tai lớn mà trang nghiêm, đến như các bậc Thuấn, Vũ bên Tàu cũng chỉ như thế mà thôi” (Nam đế Vạn Xuân). Hình ảnh công tử trưởng Phùng Hưng của Phùng gia trang: “Mới mười hai tuổi công tử đã ra dáng một thiếu niên với vóc dáng khỏe mạnh (…) Công tử nai nịt gọn gàng, dáng đi nhanh vững khác thường, đặc biệt là cặp mắt sáng lấp loáng như có thần khí” (Phùng Vương). Còn đây chân dung Lý Phật Tử khi là đô tướng dưới triều Vạn Xuân: “Bỗng trong hàng đô tướng, một vị tướng trẻ mình cao trên tám thước, mặt rộng mũi to, cằm vuông tai lớn, cặp mắt sáng như có thần khí ẩn chứa bên trong bước ra cất tiếng sang sảng nói…”; “Nhìn tráng sĩ trẻ văn võ tinh thông, dáng người rắn chắc, cặp mắt tinh anh nhưng điềm tĩnh, trong lòng Phùng trại chủ bỗng trào lên một tình cảm khác thường” (Triệu Vương phục quốc).

Người anh hùng không chỉ được hình dung thông qua bút pháp ước lệ tượng trưng kết hợp với sử thi mà còn kết hợp với bút pháp kỳ ảo. Yếu tố kỳ ảo làm tăng thêm sự “khác thường”, “phi thường” - một phương diện nhằm làm nổi bật sự phi phàm, hơn người của bậc anh hùng, thủ lĩnh. Chẳng hạn, họ có những dấu hiệu thể hiện “quý tướng”, như: trên người có nốt ruồi son, ánh mắt có thần nhãn, giọng nói sang sảng như chuông, dáng đi cuồn cuộn như hổ, khi sinh ra “trong nhà ngào ngạt hương thơm” v.v… và không chỉ bậc quân vương, các mãnh tướng giúp rập bên cạnh, cánh tay phải của các chủ tướng cũng được khắc họa đầy nội lực như vậy.

Bút pháp ước lệ tượng trưng kết hợp với sử thi và kỳ ảo đã giúp người đọc hình dung hình ảnh các bậc vương quân, võ tướng anh hùng một thời. Mặc dù được khắc họa bằng bút pháp ước lệ, song, người đọc cảm nhận thấy cốt lõi hiện thực, bởi, các chiến binh thủa xưa được rèn luyện trong môi trường tự nhiên hoang dã, từ trong môi trường sống đã rất khắc nghiệt. Trong sự chọn lọc tự nhiên ấy, họ nổi bật bởi tố chất “hơn người”. Thêm nữa, nhân vật anh hùng thường được khắc họa chủ yếu trên chiến trường, vì vậy, trong bối cảnh ấy, sức mạnh, tài năng, trí tuệ, khí phách của nhân vật cũng hiển lộ một cách rực rỡ nhất.

Tuy nhiên, chỉ khi được tái hiện ở chiều sâu nội tâm thì chân dung nhân vật mới thực sự sống động và lôi cuốn. Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đã làm được điều đó, tác giả đã vượt qua thử thách khi các nhân vật đã có khoảng cách rất xa về thời gian, cũng là khoảng cách vời vợi về không gian sinh hoạt, tập quán, tâm sinh lý. Có thể nhận thấy, tác giả đã dựa vào quy luật chung của tâm lý, cộng với sự hiểu biết khoa học về thể trạng con người để hình dung ra trạng thái, tâm lý nhân vật. Ví như chân dung Phùng Hưng thời điểm khởi binh mưu việc lớn, nhìn đàn chim bay, vị tướng trẻ ngẫm ngợi về vấn đề có tính cốt lõi của dựng nghiệp: “Đệ thấy không! Sở dĩ đàn chim kia có thể bay được nghìn dặm, vượt qua mọi mưa to gió lớn chính là ở chúng biết bay hợp nhau thành đàn thành đội. Một con chim lẻ chẳng thể vượt núi băng rừng. Một người dù tài giỏi đến đâu cũng không một mình làm thành việc lớn. Trăm nghìn cây cối mới góp lên cánh rừng đại ngàn. Nghìn vạn lạch khe miệt mài góp nước đêm ngày mới trở thành sông dài biển rộng” (Phùng Vương) v.v… Có thể nói, tác giả rất dụng tâm, công phu miêu tả nội tâm nhân vật bằng nhiều cách, đặc biệt là qua suy ngẫm nội tâm hoặc qua ngôn ngữ, hành vi, qua đó, tái hiện chân dung tâm hồn, tính cách nhân vật một cách thuyết phục.

Hiệu quả của cấu trúc chương hồi và sự kết hợp thỏa đáng các lớp ngôn từ với lối diễn đạt cổ xưa:

Việc sử dụng cấu trúc chương hồi, cách kết cấu cốt truyện đặc trưng của tiểu thuyết trung đại vừa đưa độc giả trở lại với không khí xưa, vừa giúp cho việc tổ chức các sự kiện lịch sử dày đặc, theo đó, độc giả có thể theo dõi lớp lang diễn tiến của cả một giai đoạn, thậm chí, một thời đại.

Mỗi tiểu thuyết dựng lại một giai đoạn lịch sử, thậm chí cả một vương triều, cho dù chỉ chọn lọc những sự kiện chính cũng rất phong phú và phức tạp. Thêm nữa, xu hướng đồng quan điểm với chính sử nên sức lôi cuốn chính là ở các sự kiện lịch sử, vì vậy, lựa chọn cấu trúc chương hồi sẽ giúp cho việc khai thác được nhiều nhất dung lượng sự kiện, mỗi chương hồi có cấu trúc tương đối độc lập và sẽ giúp tái hiện trọn vẹn các lớp lang diễn biến sự kiện. Người đọc được hưởng thụ một cách chi tiết các tình huống lịch sử như nó đang diễn ra.           

Để dựng lại không gian xưa, tác giả còn tìm tới một phương diện không thể thiếu, đó là sử dụng hợp lý lớp từ cổ và lối diễn đạt xưa. Đó là lý do khiến tác giả vận dụng các lớp từ cổ vào ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Có thể thấy, tác giả đã sử dụng thành công lớp từ xưng hô giữa các nhân vật, người đọc được dẫn vào không gian xưa một cách tự nhiên, “chứng kiến” sự giao tiếp qua ngôn ngữ của họ mà nhận thấy văn hóa sinh hoạt trong nếp sống, nếp ứng xử của cha ông một thời. Lớp từ quân sự, chiến trận một thời cũng được dùng trong miêu tả để gợi không gian lịch sử: trướng hổ, quân doanh, trấn nhậm, trị nhậm, hưu chiến (tạm ngưng), phò trợ, phân phó, xuất kỳ bất ý, quán thông đạo pháp, học nghệ, tích cốc phòng cơ, thượng du, hạ bạn v.v… Việc dùng những từ cổ một cách hợp lý góp phần dựng nên "nhịp điệu" của không gian xưa một cách rất tự nhiên, duyên dáng. Có thể nói, vốn từ cổ phong phú được sử dụng hợp lý cũng đã góp phần đưa lịch sử trở lại không gian, thời điểm mà nó thuộc về, lịch sử đã được tái hiện sống động từ nhiều phương diện của thể loại.

 Vẫn còn nhiều những yếu tố khác góp phần tạo nên sức hấp dẫn trong các pho tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai mà bài viết chưa đề cập. Người đọc sẽ tìm thấy cho mình những thích thú phù hợp với khẩu vị và chắc chắn sẽ không thất vọng.    

Trong xu thế các nhà văn hiện nay tìm về kho tư liệu vĩ đại của lịch sử dân tộc để tái hiện lại đời sống lịch sử dân tộc là điều rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Phùng Văn Khai - cây bút quân đội cũng đã và đang nỗ lực theo hướng ấy, và dường như đây là sự lựa chọn đúng. Chỉ trong thời gian rất ngắn, bảy năm mà liên tục 6 cuốn tiểu thuyết ra mắt mà cuốn nào cũng một mạch văn khoáng đạt, mạch lạc, sự kiện ăm ắp, dồi dào. Lịch sử đã được tái hiện trong chiều sâu của tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, giống nòi, truyền thống bất khuất, lòng căm giận tội ác quân xâm lược… Tất cả đã nuôi dưỡng, rèn đúc nên ý chí quật cường, tinh thần đoàn kết, tập hợp trí lực toàn dân cùng đánh đuổi quân xâm lược. Những điều ấy luôn là cội rễ để đất nước vững bền. 

  “Lịch sử không phải là ngọn lửa đã cháy xong”[3]. Ngọn lửa lịch sử luôn được giữ trong tim những tâm hồn Việt Nam và bất cứ khi nào, ngọn lửa ấy sẽ được khơi dậy, thắp lên theo cách mà mỗi người của dân tộc này muốn.

Như vậy, ngoài cách tiếp cận theo con đường của chính sử, lịch sử sẽ có thêm những cách tiếp cận khác, con đường của văn chương, nghệ thuật. Ở Việt Nam, con đường này chưa thật phong quang, rộng rãi, cũng chưa có nhiều những kinh nghiệm được đánh giá, đúc kết. Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là tiếp cận lịch sử bằng con đường của văn chương nghệ thuật luôn là cách tiếp cận ngắn nhất, nhanh nhất, bởi đó là con đường đi từ trái tim đến trái tim.

 

 

1 . Thời Bắc thuộc, Việt Nam được xem là một châu/ quận của Trung Quốc. Đại Việt sử ký toàn thư biên thành hai phần, phần “Ngoại kỷ”từ kỷ Hồng Bàng thị đến kỷ Ngô thị, nước ta bị xem là châu/ quận dưới sự cai trị của các thái thú, thứ sử được cắt cử từ phương Bắc xuống. Ở phần này, các nhà chép sử lấy tên các triều đại bên Trung Quốc làm mốc; phần "Bản kỷ" từ Nhà Đinh đến nhà Hậu Lê, gần 700 năm - thời kỳ độc lập, các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê thay nhau nối đời.

2. Nhà Tiền - Hậu Lý (544-602); Nhà Ngô (939-967)

3. Ý trong bài khai mạc Hội thảo khoa học quốc gia của nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương, “Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc” tổ chức tháng 7 năm 2019 tại trường đại học Hồng Đức, Thanh Hóa.

Nguồn tin: VP HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây