Hồn Việt và những giá trị nhân bản trong thơ Trần Quang Quý

Thứ hai - 12/09/2022 21:22
Trong thơ Trần Quang Quý, sự bao quát và chi tiết, sự kiên định và mỏng manh, sự trừu tượng và tính hiện thực cùng gây ảnh hưởng như nhau và khẳng định uy lực như nhau. Thơ Trần Quang Quý là những bài thơ vừa hiện đại, vừa phi thời gian, 100% nhân bản đồng thời 100% hồn Việt.
Từ trái sang: Các nhà thơ Trần Quang Quý, Nguyễn Phan Quế Mai và J.fossenbell
Từ trái sang: Các nhà thơ Trần Quang Quý, Nguyễn Phan Quế Mai và J.fossenbell

     
                                                                                                  NGUYỄN PHAN QUẾ MAI và J. FOSSENBELL


   
Vanvn- “Giọng thơ của Trần Quang Quý trầm bổng cùng gió qua những vòm lá. Nó không nao núng và biết được sức mạnh của chính mình. Nó tự cất lên tiếng hát: “Anh nguyên vẹn bằng trái tim không đổi khác/Em lại đến thế là anh lại hát/ Một nồng nàn vồng ngực tặng em đây” (Quà tặng). Những bài thơ của Trần Quang Quý làm cân bằng cánh đồng nơi loài người tồn tại bằng cách đặt lên trên cùng một mặt đất bình Vanvn- “Giọng thơ của Trần Quang Quý trầm bổng cùng gió qua những vòm lá. Nó đẳng tất cả những con người mà nó nắm bắt được – xấu xa và tốt đẹp, tàn tạ và kiêu hãnh, bị ruồng bỏ và đầy hy vọng”.

     Biết tin nhà thơ Trần Quang Quý đang phải trải qua những thử thách về sức khỏe, tôi lặng người ngồi đọc lại những bài thơ của anh. Tôi mong anh sẽ vượt qua bạo bệnh và tiếp tục sáng tác những vầng thơ hào sảng. Xin được giới thiệu bài viết của nhà thơ Jennifer Fossenbell vào năm 2009 về tài năng thơ Trần Quang Quý. (Nguyễn Phan Quế Mai)

    Có thể lắm, nếu Walt Whitman được sinh ra một thế kỷ rưỡi sau ngày sinh của ông, và ở địa điểm cách nơi ông sinh nửa vòng trái đất, ông sẽ viết những bài thơ rất giống thơ Trần Quang Quý. Giọng thơ của Trần Quang Quý trầm bổng cùng gió qua những vòm lá. Nó không nao núng và biết được sức mạnh của chính mình. Nó tự cất lên tiếng hát: “Anh nguyên vẹn bằng trái tim không đổi khác/Em lại đến thế là anh lại hát/ Một nồng nàn vồng ngực tặng em đây” (Quà tặng). Những bài thơ của Trần Quang Quý làm cân bằng cánh đồng nơi loài người tồn tại bằng cách đặt lên trên cùng một mặt đất bình đẳng tất cả những con người mà nó nắm bắt được – xấu xa và tốt đẹp, tàn tạ và kiêu hãnh, bị ruồng bỏ và đầy hy vọng. Giống như thơ của Whitman, đó là một hành động bình đẳng thông qua thơ ca. Vì thế, nhân phẩm và nỗi đau thẳm sâu của những người lao động có được sức sống, như thể những bài thơ “rỉ rả về những phận người quanh năm lấm láp”. Từ trong thơ của Trần Quang Quý, “chính khúc bi ca người cất lên”. Bằng những cách kể trên, thơ của Trần Quang Quý phảng phất vẻ cổ điển, nhưng không bao giờ dập khuôn, không bao giờ cứng nhắc.

     Có lẽ Trần Quang Quý được ban tặng tài năng của tầm nhìn tia X. Vì thế dường như đôi khi trong sức mạnh xuyên suốt của sự quan sát, thơ Trần Quang Quý vừa sát thực, vừa thăng hoa. Những vần thơ đưa độc giả qua những phong cảnh gợi cảm của trí tưởng tượng, thu hút tất cả mọi giác quan và mọi hình thức cảm quan: chờ đợi, hy vọng, yêu thương, nhung nhớ, hối hận và mất mát. Đôi mắt thấu đáo của Trần Quang Quý nắm bắt được hồn vía của cái xấu và vẻ đẹp – hình ảnh những dòng sông và những cánh rừng, những mặt người, những cánh đồng lúa, những con đường làng, những người phụ nữ và đàn ông nông thôn, và tập hợp những mảnh ghép lộn xộn của cuộc sống thành thị. Qua tập thơ Cánh đồng người, tập thơ song ngữ Việt – Anh của Trần Quang Quý, người đọc có thể tạm mượn đôi mắt của nhà thơ, để nhìn thấy được những gì ông nhìn thấy, từ vị trí nơi ông quan sát chúng.

Nhìn về phương diện sử học, thật diệu kì khi 35 năm có thể đem lại sự thay đổi lớn lao đến thế. Đối với thế hệ trẻ hiện nay, dường như thật khó để nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của sự thay đổi này. Chỉ cách đây một thế hệ, sự hợp tác giữa một nhà thơ Mỹ và hai nhà thơ sống ở Hà Nội để cho ra đời một tuyển tập thơ song ngữ là điều không thể nghĩ tới. Bây giờ, khi độc giả quốc tế và độc giả Mỹ cầm trên tay những bài thơ này, sự tiến bộ kỳ diệu đã và đang xảy ra sau năm 1975 sẽ tiếp diễn. Kỷ nguyên của xung đột dường như lùi thành những con sóng xa để nhường chỗ cho những khối nước văn hóa nhân loại vĩ đại hơn tìm đến và vỗ vào chân chúng ta. Nhưng chiến tranh đã hằn vào con người những vết sẹo mà chúng ta không thể và không muốn xóa nhòa, ít nhất một cách hoàn toàn. Dường như Trần Quang Quý gợi ý rằng, dù chiến tranh có thể thay đổi trí nhớ của con người, nó không thể thay đổi tâm hồn:

“Anh đây

Em đừng lạ và em đừng nhìn vậy

Nếu vết thương anh có thể trên mình

Anh nguyên vẹn bằng trái tim không đổi khác”

(Quà tặng)

Chiến tranh không thể vươn tay trở lại quá khứ và thay đổi nơi sinh, hoặc những điều tổ tiên chúng ta răn dạy. Chiến tranh là thời kỳ đen tối, để lại những dấu ấn không thể gột sạch trong tâm khảm rất nhiều người, từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng khi chúng ta nâng niu những bài thơ này trên lưỡi của mình, và trên tay mình, chúng ta hãy nhớ rằng trên thực tế, đã có sự hàn gắn giữa các quốc gia và những con người thiếu may mắn của các quốc gia đó. Minh chứng cho sự thật đó chính là thân thể của những bài thơ này, những bài thơ đầy vết sẹo, mạnh mẽ và tốt đẹp, nay được thay xiêm y bằng ngôn ngữ tiếng Anh.

Nhìn thế giới qua đôi mắt của Trần Quang Quý là chấp nhận sự tương phản với lòng khoan dung. Trần Quang Quý nắm bắt được những yếu tố của linh hồn con người gắn liền với đất nước, quê hương, ngôn ngữ, văn hóa cũng như những yếu tố không giới hạn bởi không gian và thời gian. Có những việc dường như phi lý được hội tụ một cách tự nhiên. Dường như những điều đã là hai mặt của một đồng xu đối với chúng ta, nhưng theo Trần Quang Quý, chúng là hai mặt tương phản của viên ngọc nhiều mặt. Trong thơ Trần Quang Quý, sự bao quát và chi tiết, sự kiên định và mỏng manh, sự trừu tượng và tính hiện thực cùng gây ảnh hưởng như nhau và khẳng định uy lực như nhau. Thơ Trần Quang Quý là những bài thơ vừa hiện đại, vừa phi thời gian, 100% nhân bản đồng thời 100% hồn Việt.

Trong một bài thơ, Trần Quang Quý đã xác nhận di sản của mình trong khi tiếp thu sự giao thoa văn hóa do cộng đồng quốc tế mang tới “đem cái Tây kia pha vào ta Việt/thế là thành văn hóa giao thoa” (Phố cổ). Chỉ bằng một chuỗi hình ảnh, tác giả đã bắt giữ được sự mâu thuẫn rõ nét trong quá trình hiện đại hóa của một đất nước vốn rất trân trọng di sản truyền thống: “Hy vọng được trộn với ny lông, giấy vụn, sắt gỉ và đồ hộp/Như thế họ đi mót lại những cánh đồng/Nơi chính họ đã từng bán rẻ” (Những phụ nữ quê vào thành phố). Trong thời điểm thế này, nhà thơ dường như đang đặt câu hỏi về cái giá phải trả cho sự phát triển. Dường như có lúc những con người đáng được trân trọng bởi nhân cách và đáng được đền ơn lại bị bán rẻ và bỏ mặc, để họ phải mót lại những đống rác của thành phố.

Trong những bài thơ về làng quê của Trần quang Quý, sự cô đơn và phẩm giá của việc làm lụng cực nhọc kiếm sống luôn luôn thao thức. Nó bền bỉ và cổ xưa như chính công việc đồng áng. Trong những nhân vật thơ của Trần Quang Quý – ông bà, cha mẹ, những người phụ nữ quê – những người đã bị lao động làm cho xiêu vẹo, chúng ta có được cái nhìn thoảng qua về gánh nặng không ơn huệ của sự sinh tồn nông thôn.

“Tôi đã mở cuộc đời ra

Trên lưỡi cày cha lầm lũi

Và sâu thẳm trong tôi một cánh đồng thiêng không mùa vụ”

(Cánh đồng)

Mặc dù thế, bức tranh tổng thể của những nhân vật này phác thảo lên một khung cảnh đồng nhất. Con người bị ràng buộc chặt chẽ với nhau bởi công việc và mồ hôi của họ “như hạt giống nối luống cày thế hệ”.

Quan hệ giữa con người và đất đai liên tục chiếm lĩnh thơ Trần Quang Quý. Cả hai, qua đôi mắt thơ của Trần Quang Quý, phải được hết sức trân trọng. Thế giới của con người và thế giới của đất đai cùng hòa quyện nhưng thực ra cũng đối kháng. Những bài thơ của Trần Quang Quý thường hỏi, nếu con người và đất đai đọ sức, ai sẽ chiến thắng? Và rồi câu trả lời vọng về, kiên định, rằng trong khi con người để lại những di sản quý báu, đất đai mạnh mẽ hơn chúng ta. Vì thế người nông dân phải chấp nhận số phận, “đành một ngày mục nát dưới kỷ nguyên của nấm” (Giấc mơ hình chiếc thớt). Trong sự hình thành của thế giới, cánh đồng trở thành chủ ngữ và người nông dân là vị ngữ, bị tác động: “tất cả đều hái gặt trên cánh đồng này/Và cánh đồng đã hái gặt họ” (Cánh đồng). Hình ảnh của một người mẹ không rõ mặt cũng xuất hiện như một dụng cụ cùn “Gió lạnh ngày đông thổi cùn lưng mẹ”. Rồi mẹ lại xuất hiện không gì rõ ràng hơn, ngoài một đôi tay và như một cái bóng “bao nhiêu trái ngọt bàn tay dâng hết/Bao nhiêu mùa hái gặt trên bóng mẹ gầy” (Hát gọi hạt giống).
 

     Thiên nhiên vừa là một ý tưởng trừu tượng, vừa là một chủ thể sống và thở trong thơ Trần Quang Quý. Những vần thơ tung tẩy tôn vinh sự huyền diệu của thế giới tự nhiên nơi con người đang sống. Vì thế dòng sông mênh mang, bất tận như người bạn trong một cuộc rượu “Nào rượu! Nào rượu! Ta với sông Đà/Nâng một chén nghìn sau còn chảy” (Với sông Đà) trong khi hạt gạo trở thành người bạn thân để người nông dân dốc bầu tâm sự về những ước vọng và sợ hãi sâu thẳm nhất của mình:

“Cựa mình, hạt ơi!…

Mà nghe mẹ thở nghẹn từng âu lo

Hãy mọc lên nào đừng im lặng thế

Kẻo mà hy vọng mãi là trong đất

Kẻo mùa hái gặt mãi là trong mơ…”

(Hát gọi hạt giống)

Trong các bài thơ về tình yêu, Trần Quang Quý cho ta sự trải nghiệm cuộc sống, cho ta phiêu lưu từ sầu muộn, khát khao, hạnh phúc, đến đau khổ, như chính cuộc đời của mỗi chúng ta. Ta cảm nhận bất chợt “mùa thu xa nhau mùa thu rất rộng”, để rồi “rót bao nhiêu thương nhớ cũng không đầy” (Mùa thu xa).

Người đời đã châm biếm rằng địa ngục đầy rẫy những kẻ dịch thơ. Nhưng những người yêu thơ biết rõ nhu cầu cần phải chuyển ngữ thơ, và việc chuyển ngữ này là một sự nỗ lực không hoàn mỹ. Điều đó giống như ngôn ngữ, và cũng giống như loài người vậy. Thơ Trần Quang Quý là những ghi nhận trạm trổ tinh xảo về sự không hoàn thiện cũng như sự lộng lẫy của loài người. Toàn bộ cỗ máy con người trong thế giới hiện đại len lỏi vào những câu thơ dào dạt, hùng vĩ, đa chiều của ông. Một khi bạn đã tiếp cận chúng, thơ Trần Quang Quý dường như đã luôn tồn tại. Và vì thế, bạn chợt không thể nào tưởng tượng được một phần của thế giới thơ ca không có thơ Trần Quang Quý. Chúng nhắc nhở chúng ta lý do loài người cần tới thơ ca, và tại sao con người chúng ta cần nhau. Thông điệp nhất quán của Trần Quang Quý bao trùm không gian và thời gian “xanh lên xanh lên niềm tin cỏ biếc/phiêu diêu dằng dặc cánh-đồng-người”.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI và J. FOSSENBELL

 

Nguồn tin: VanVn.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây