Tôi trân trọng tình cảm của Trần Trọng Giá, từ khi anh còn là chàng lính tuổi 20, gần nửa thế kỷ trước. Hồi ấy, trong vai một anh lính làm nhiệm vụ ở đảo xa, Giá đã nhớ mẹ cồn cào trong những ngày ngày Tết đến xuân về:
Đảo xa bung nở ngàn hoa
Mắt ai nháy để lệ nhoà mẹ quê
Sao con đi mãi không về?
Đó không chỉ là thơ, mà còn là thư, là tình cảm thiêng liêng mẫu tử. Bởi con thì ra giữ đảo, mẹ già ở nhà một mình. Còn cha của anh ngày xưa cũng đã từng đi dân công hoả tuyến lên mặt trận Điện Biên Phủ từ thời chống Pháp, nhiều vất vả gian lao:
Đã qua mấy chục năm trường
Cha đi về phía con đường gió mây
Sân nhà gốc khế còn đây
Mái đình cong bóng cha gầy con đâu?
Thời gian như nước qua cầu
Nhìn gương soi tóc trên đầu bạc phai
Xa cha bao tháng năm dài
Nay về thắp nén hương ngoài mộ xanh…
Hoá ra, sau ngày người cha lên chiến khu Việt Bắc, con trai cả hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, người cha đã thúc giục con trai thứ lên đường nhập ngũ, trả thù cho anh trai.
Ở hậu phương, cha mẹ của Giá chỉ còn “gốc khế sân nhà”, “mái đình cong” ngày hội làng xưa; nấm “mộ xanh” của cha và “mảnh gương soi tóc bạc”… Những chi tiết về “gia sản” của người mẹ già ấy, đã khiến anh thương xót bà cụ biết bao nhiêu.
Bây giờ thì anh lính Trần Trọng Giá năm xưa đã mang quân hàm Đại tá và cũng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Anh cho mình được quyền nghỉ ngơi và làm thơ dâng đời. Thơ Trần Trọng Giá có cả tâm tình của ba thế hệ: từ cha mẹ trong kháng chiến chống Pháp, đến anh trong kháng chiến chống Mỹ và các con trai, con gái đang kế tiếp truyền thống gia đình phục vụ trong Quân đội, góp phần xây dựng quê hương đất nước…
Sự giản dị, đằm thắm và yêu thương đã tạo nên những câu thơ, bài thơ chân thật trong tập sách này. Không chỉ có vậy, ta còn đọc được cả sự trầm tĩnh, đắm say, hóm hỉnh và cả đa tình trong thơ Trần Trọng Giá. Bởi vì điều đặc biệt là khá nhiều bài trong tập sách này là thơ tình! Có sao đâu, ai bảo tuổi “xế chiều” người ta không có quyền được yêu, cho dù đó chỉ là yêu trong mơ và trong tưởng tượng về “Nàng thơ” của riêng mình.
Vì yêu thương thì cần phải được mở ra như cả một khoảng trời, một vùng trời, dù có lúc nó có thể cần sự tinh tế trong từng khắc giây! Cho nên người đọc cần đồng cảm với sự thẳng thắn đầy “chất lính” trong thơ Trần Trọng Giá. Ta cũng nên yêu cách suy ngẫm và rung động của tác giả. Xin trích mấy câu anh đọc cho tôi nghe, không có trong tập này:
“Gửi em một chút buồn vàng
Để xa anh nhớ em càng nhiều hơn
Giỡn chơi thôi, xuân vẫn duyên
Buồn chi để luỵ nỗi niềm cỏ hoa”
(Giỡn chơi)
“Người xa hình bóng còn đây
Tưởng như hương tóc em bay thắm chiều”
(Lang thang)
Thật thú vị, khi Trần Trọng Giá không gọi “Ngày Velentine” là “Ngày lễ Tình Yêu”, mà trong thơ anh nó đã biến thành “Ngày lễ Tình Duyên”:
“Anh cần việc gấp vùng biên
Đành quên ngày lễ Tình Duyên mất rồi
Đừng hờn, đừng giận em ơi
Kẻo mưa xuân rắc khắp trời… ướt anh”.
(Ngày lễ Tình Duyên)
Thơ là cuộc đời. Được cùng những người thân yêu ôn lại cuộc đời mình bằng thơ như Trần Trọng Giá cũng là một hạnh phúc, không phải ai cũng dễ dàng có được!
Tròn hai năm trước, như một sự tình cờ, tôi đã bất ngờ được mời viết lời giới thiệu cho tập thơ đầu tay mang tên “Lặng Thầm” của Trần Trọng Giá. Năm nay, qua lời giới thiệu của Nhà thơ Đặng Vương Hưng (người sáng lập Cộng đồng mạng Lục bát Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ “Trái tim người lính”), tôi càng bất ngờ hơn, khi cầm trên tay tập “Gửi Lại Dòng Sông”, bản thảo đã hoàn chỉnh, dày dặn, với hơn 200 bài Lục bát, có khá nhiều bài đọc rất thích và đáng nhớ. Xin viết mấy dòng này, thay lời cuối sách và nồng nhiệt chúc mừng Trần Trọng Giá!
Hà Nội, tháng 8 năm 2022
Nhà thơ Trần Ninh Hồ
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ
Hội Nhà văn Việt Nam.