TRƯỚC BIỂN - thơ Phạm Ngọc Tâm Dung và lời bình ...

Thứ ba - 06/09/2022 19:39
Ảnh minh họa: ST
Ảnh minh họa: ST

TRƯỚC BIỂN  

      Phạm Ngọc Tâm Dung  
         

Em đang trước bao la biển Đông
Và bên kia đại dương là...nước Mỹ
Trời thì cao, biển rộng dài như thế
Vì có nhau nên em thấy rất gần.
 
Em biết rằng nơi ấy biển cũng xanh
Cũng vẫn ngư dân và con thuyền đánh cá
Bao ly kỳ về những hoang đảo lạ
Một thời ta mơ mộng cõi thần tiên...
 
Biển dâng dâng bờ vai sóng bình yên
Gió cũng thầm thì thơm như hơi thở
Khi mình nao nao tận cùng nỗi nhớ
Chẳng vực thẳm nào so được đâu anh.  
 
Biển yêu trời nên sóng cứ mãi xanh
Trời thương biển mà sinh ra con gió
Trước mênh mông, em mong manh bé nhỏ
Vì sao nào nghiêng ngả Thái Bình dương.  
 
Và ngày ngày trong giấc mơ em
Gần gũi lắm: biển Đông -nước Mỹ
Cái to lớn nằm trong điều giản dị
Có tình người đại dương bỗng... thành...ao...! 
 

           Mùa hè 2017  

     Lời bình của Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc :  

    Còn nhớ, đoàn chúng tôi cùng bảy “Thi nhân Miền cổ tích” về biển Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định giao lưu thơ cùng các thi sĩ Nam Định vào một ngày hè rực nắng và đầy gió.

Chiều mát, hơn chục anh chị em ra bờ ngắm sóng, trò chuyện và tìm thi hứng. Nhìn biển bát ngát, mênh mông, một thi nhân thốt lên: “Bên kia Thái Bình Dương là... nước Mỹ”

Mọi người cười vui cùng tán thưởng trước phát hiện... siêu việt đó. Và tôi quan sát thấy Tâm Dung mỉm cười, ánh mắt chị như đang bừng sáng. Rồi Tâm Dung lặng lẽ bỏ về trước và ngay tối hôm giao lưu thơ với các đơn vị bạn, chị đã có bài thơ “Trước biển” trình làng - bài thơ được thưởng tràng pháo tay dài nhất.

Vì cùng sinh hoạt một đơn vị nên chúng tôi khá hiểu về tâm tính của chị. Tâm Dung vốn ít nói và rất ít tham gia thảo luận hay chuyện phiếm nơi đông người, nhưng có thể nói chị là một phụ nữ sinh ra để mộng mơ. Những người phụ nữ mộng mơ khác với phụ nữ bình thường ở chỗ hay ước ao, hay giả tưởng. Chỉ cần chạm vào một cảnh vật nào đó là có thể có ngay những ước ao... khác người!

Chúng ta đã gặp không ít những ước muốn... kỳ lạ của Tâm Dung trong thơ: khi ước là hạt cơm, sợi bông, đám mây, hạt phù sa, cái bút chì, quả cau, quả sung, con cáy, giọt mồ hôi hay làn khói, thậm chí cả vết bùn chân mẹ… Và vì thế, chúng ta không còn mấy ngạc nhiên khi một câu nói vui cửa miệng của bạn văn cũng đủ làm rung lên ở chị tần số cao của cảm xúc (cũng có thể câu nói đã khơi ở chị một niềm riêng sâu thẳm nào đó chăng) để bài thơ có cớ mà ra đời:

Em đang trước bao la biển Đông
Và bên kia đại đương là nước Mỹ

Rồi vẫn bằng sự mộng mơ, tác giả liên tưởng ngay đến hình ảnh: một nơi xa xôi nào đó, tận bên kia bờ đại dương có anh đang ở, nhịp sống thường nhật bình dị: “biển cũng xanh” “cũng vẫn ngư dân” hiền lành chăm chỉ “và con thuyền đánh cá” giống như quê mình. Ước sao thì viết thế - một sự mặc định... rất ... Tâm Dung! Rồi rất nhanh! Tâm Dung lại nhắc “anh” - cũng là dẫn dụ bạn đọc trở lại với tuổi thơ trong trẻo, bởi những câu chuyện huyền thoại “ly kỳ về những hoang đảo lạ” “cõi thần tiên” của “một thời ta mơ mộng”. Ở đây, chị không nhắc đến nỗi nhớ mà chỉ gợi nhớ; Nhìn đâu, em cũng thấy bóng hình thương nhớ.

Thơ của Tâm Dung thuộc “tạng” chân mộc, không uốn éo hay đánh võng câu chữ, chị đi thẳng vào chủ ý:

Biển dâng dâng bờ vai sóng bình yên
Gió cũng thầm thì thơm như hơi thở
Khi mình nao nao tận cùng nỗi nhớ
Chẳng vực thẳm nào so được đâu anh
Câu thơ cứ giản đơn, hồn hậu, dịu dàng, thủ thỉ như lời nói thường của người đàn bà giàu vốn sống, đã yêu và có thể nàng ... đang yêu... Nhưng mà nói một cách khéo léo tài hoa, bằng một mối liên hệ, hòa quyện thần tình giữa tác giả với “nhân vật trữ tình” của chị là anh và biển khơi. Trong con mắt chị, biển cũng là “một người” đặc biệt mà: Bờ vai” của biển là... sóng,“Hơi thở” của biển là... gió.

Mọi sự đều có vẻ khoẻ đẹp tương đồng với người nhân vật trữ tình trong bài thơ, nhưng duy chỉ có “nao nao tận cùng nỗi nhớ”, là dù vực thẳm sâu nhất trái đất Thái Bình Dương cũng không “so được” với người!

Thì ra, thiên nhiên dù đẹp, dù hùng vĩ đến đâu mà không có tình người, không có tình yêu thì cũng vô hồn và cũng kém phần sâu thẳm...

Ca ngợi, trân trọng sự tuyệt vời của tình yêu bằng những câu thơ đẹp mà chân thật, hiền lành như thế, kể cũng đã mấy ai!

Viết đến đây, tôi lại nhớ lại buổi giao lưu thơ hôm ấy, ở vườn cau nhà anh Tuấn Phong. Sau khi chị Tâm Dung đọc xong bài thơ, một nhà thơ tên tuổi người Nam Định (Tôi muốn mượn lời vị khách để viện dẫn về sức hấp dẫn của câu thơ độc đáo của Tâm Dung), anh nói:

 Gió cũng thầm thì thơm như hơi thở

Trời ơi! Đọc câu thơ này, ai chưa yêu thì phải yêu ngay đi, yêu đi để biết mùi hơi thở của người mình yêu nó... thơm đến thế nào!

Và kết thúc lời phát biểu nhận xét của anh là tiếng vỗ tay như sấm!

Quả thế!

Khổ thơ với cách lựa chọn từ ngữ gợi tả “dâng dâng” “thì thầm” “thơm” “nao nao tận cùng” ... đặc biệt là biện pháp tu từ: nhân hóa và ẩn dụ... đã hoàn toàn thuyết phục người đọc, khi tác giả dụng tâm ca ngợi vẻ đẹp riêng trong sáng mà mê đắm của tình yêu lứa đôi, lồng trong vẻ đẹp chung của biển, của thiên nhiên, của sự sống con người.

Theo chỗ tôi, đây là khổ thơ hay nhất, và là “vực thẳm” sâu nhất của bài thơ.

Khổ thơ tiếp theo và khổ kết vẫn là sự phát triển mạch cảm xúc của tứ thơ, nó tạo nên sự cân đối hoàn chỉnh và ấn tương cho cả bài thơ - đặc biệt là sự so sánh thật táo bạo và cũng thật độc đáo của câu kết:

Có tình người đại dương bỗng thành... ao...!

Xa cách, nhớ thương có thể làm cho trái tim ta nhỏ máu, nhưng không làm cho người phụ nữ rên rỉ, than vãn hay gục ngã mà nó được huyền thoại hóa lên thành một vẻ đẹp của thi ca. Bài thơ đem lại thành công cho tác giả và niềm vui cho bao độc giả bằng sự chân thành, nhân hậu...

Tôi nghĩ: “Trước biển” là một bài thơ hay! Nó hay ở cái sự giản dị trong cái duyên dáng, trữ tình của một cây bút chắc tay; Sự mạnh mẽ trong cái dịu dàng nữ tính; Sự bé nhỏ riêng tư trong cái bao la của đất trời và sự sống... 

 

                                                          Mùa thu trên Bán đảo Linh Đàm, ngày 8-2022
                      Nguyễn Đình Bắc

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây