Những cây cầu nghệ sĩ

Thứ ba - 19/07/2022 21:01
Cầu tre ở biển Cồn Đen
Cầu tre ở biển Cồn Đen

                                                                 Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung

 

     Lần này là lần thứ ba, tôi đến với khu du lịch sinh thái biển Cồn Đen và lần nào tôi cũng đi cùng các Thi nhân Miền Cổ Tích.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên chạm mặt cây cầu tre huyền thoại, cảm giác thật khó tả. Tôi không thể ngờ được, ở một miền quê hoang sơ, xa nơi đô hội, con người lại có một sức sáng tạo nhường này. Cây cầu tre hơn sáu trăm nhịp, dài gần một cây số, vươn tít tắp ra phía Biển Đông. Đặt chân lên cầu, ta nghe dưới chân mình tiếng kẽo kẹt của nhịp bước, tiếng gió biển xôn xao và tiếng reo của những con sóng dồn từ khơi xa vào bờ khi nao nức, lúc trầm tư làm cho ta có cảm giác như lạc vào một thế giới vừa quen vừa lạ. Ta quen, bởi tiếng gió, tiếng sóng đã từng nghe từ thuở lọt lòng mẹ ở miền biển quê mình; Ta quen, bởi cây cầu này dù to lớn và dài hơn nhiều nhưng nó cũng giông giống như cây cầu bắc qua dòng Sông Sứ nhà ta, bằng những cây luồng, cây bương, bố đi mua từ tận rừng Tuyên Quang, thả bè về; Ta quen, bởi chiếc tay vịn được làm bằng cây tre hoá bạc thếch nắng mưa, ông ngoại chặt từ búi tre trồng nơi đầu ngõ; Ta quen, bởi cái mối lạt buộc chéo mà chú Dần đã phải mất nửa ngày để chọn cây tre đực bánh tẻ, rồi chẻ chẻ, vót vót cho nó mỏng tang, dẻo quýnh mà thành; Ta quen, bởi sau mỗi chiều chăn trâu, ta và “Thằng Cu Bình” thường thi nhau... chạy trên cầu, rồi ra đến quá giang thì nhún mình nhảy tòm xuống dòng Sứ mát lạnh như kem; Và ta vô cùng quen, bởi mẹ ta sau những chặng gánh nặng đường xa từ chợ Mèn Bóng, Mèn Chớp miền biểnTiền Hải trở về, người lại bước xiêu vẹo qua cầu. Dù giữa mùa đông, vạt áo vá nâu của mẹ vẫn loang lổ, chát mặn vệt mồ hôi muối...

Nhưng mà ta lạ lắm, khi nhìn ra tận khơi xa, ngoài kia là Biển Đông bao la, xa nữa là Thái Bình Dương mênh mông và tận bên bờ kia là... Châu Mỹ giàu có và hoa lệ...

Trên hành tinh xanh của chúng ta, hai phần ba là biển. Nói về sức mạnh của biển, của đại dương thì từ cổ chí kim không ai dám phủ nhận sự tuyệt vời cũng như sự kinh hoàng của nó. Và trong kho tàng văn chương của loài người, không thiếu những câu chuyện ly kỳ về sức mạnh biển khơi. Ấy vậy mà, một cây cầu mảnh mai thon thả, xinh đẹp và lãng mạn nhường kia... được bàn tay và trí óc của những “nghệ nhân”, vốn là những chàng diêm dân, ngư dân, nông dân, cùng những vật liệu giản dị của “cây nhà lá vườn”, vượt lên thử thách của sóng to, gió lớn mà trường tồn mãi với thời gian, làm cho tiếng lành đồn xa, hút hồn vía bao du khách! Năm nay, cây cầu lại được nối thêm một đoạn nữa. Cồn Lờ trước kia nằm cách chân cầu dăm chục mét về phía biển, nay nằm gọn dưới gầm cầu. Rồi đây, sang năm, lại sang năm nữa, cứ đà này, cây cầu điệu đà, độc đáo này sẽ lại vươn tới đâu...! Vừa đi vừa ngơ ngẩn nghĩ, nhóm chúng tôi đã đi hết con cầu. Nhìn lại Cồn Lờ vẫn nổi bập bềnh trên mặt nước, giống hệt như chiếc khăn của nàng Ngọc Nữ thuở nào bỏ lại nơi cửa biển này. Trước mặt chúng tôi là một “con đường tre” vài chục mét, rẽ phải. Một mái nhà sàn hoàn toàn bằng tre, lá, rộng dăm chục mét vuông, đứng trên những hàng cột chênh vênh nơi mặt biển. Đây là điểm dừng chân cho những du khách đã vượt qua một chặng đường khá dài trải nghiệm trên cầu Biển Đông. Đoàn chúng tôi ai cũng phấn khích. Kẻ dương máy ảnh bấm lia lịa về phía biển trời bao la ngờm ngợp sóng cồn, về phía đất liền với những ngôi nhà cao tầng màu trắng, hàng thông biếc xanh, phía Cồn Lờ thấp thoáng ẩn hiện như một vùng mây và sương...người lại bâng khuâng tưởng tượng ra cảnh Nàng Kiều của Cụ Nguyễn Du, trong lầu Ngưng Bích thuở nào, với bao tâm trạng “Buồn trông…” chua xót...

Một anh bạn nhà văn kéo tôi ra trước cửa nhà sàn, anh hết chỉ tay ra biển, rồi lại hướng cái nhìn vào đất liền, đột nhiên anh hỏi:

- Ơi nàng thơ! Nàng hãy nhìn xem cây cầu tre giống cái gì nào?

- Giống con rồng ạnh ạ. Tôi mau mắn đáp.

Anh mỉm cười, khẽ lắc đầu rồi thong thả nói: “Em có nghe thấy gì không”?

Để trả lời câu hỏi của anh, tôi nghiêng đầu lắng nghe. Ôi chao! Tiếng sóng biển khi ì oạp vỗ chân cầu lúc khoan, lúc nhặt, lúc lại hổn hển tựa hồ hơi thở của Tiên Cá khi nàng... đang yêu. Tất cả hòa cùng tiếng gió vi vút thổi qua miệng những ống tre của thân cầu, như những khúc tiêu, lúc gần, lúc xa, nửa như mơ màng, nửa như hiện hữu... tạo nên một bản nhạc huyền ảo, liêu trai... Tôi thốt lên: “Anh ơi! Một bản nhạc, một bản nhạc tuyệt mỹ của biển trời, đúng không anh!”. Anh đặt tay lên vai tôi rồi nhỏ nhẹ: “Cây cầu hệt như chiếc cần đàn. Một nhạc sỹ tài hoa, đã đặt nó ở đây, ở nơi đất trời và biển cả hòa quện cùng nhau để ngày đêm tấu lên khúc nhạc không lời tặng cho những kiếp cần lao”. Tôi lặng đi và tự chiêm nghiệm...!

Trong nhà sàn, nàng thơ đảm đang Vũ Cần cứ thoăn thoắt lấy đĩa giấy, cốc giấy, lạc rang, bánh và rượu để các nhà thơ kiêm “tửu đồ” cạn chén cùng thơ. Thế là rượu đòi thơ, thơ đòi rượu trong tiếng gió, tiếng sóng, tiếng nhạc của biển trời... níu lòng người thơ xích lại gần nhau hơn... Ai dám bảo rằng, đi du lịch, dã ngoại cứ nhất định phải đến những nơi sang trọng như “Rì sọt” mới là...đáng sống?

Xong chầu rượu, chúng tôi ào xuống biển. Nước ở đây không xanh vắt mắt mèo như ở những nơi khác. Phù sa của sông Trà Lý đã hoà nhập vào biển cả. Nước biển cũng nhạt hơn và có màu ánh vàng, cái màu mà tôi đã mê đắm gọi yêu là “Màu nắng” trong thơ:

“Biển ơi biển chẳng xanh trong

Cứ vương màu nắng cho lòng ta say”

(Biển Màu Nắng - Thơ Tâm Dung)

Chúng tôi hoà mình vào biển. Biển ôm chúng tôi vào lòng vỗ về, mơn man...

Hoàng hôn bắt đầu buông những sợi mây tím biếc phía chân trời. Gió cũng mạnh hơn, sóng cũng dồn dập dập và thao thiết hơn; Bản nhạc cầu tre vì thế cũng rộn ràng hơn. Màu sắc và âm thanh nước trời ấy cứ lâng lâng xâm chiếm cõi lòng tôi.

Trời sẫm dần, mặt biển đã bắt đầu chuyến từ màu tím nhạt sang màu xám, chỉ có sóng và gió là vẫn thủy chung với ca khúc muôn thuở của thủy thần.

Tạm biệt cây cầu Biển Đông, ngày mai đoàn chúng tôi lại được chiêm ngưỡng một cây cầu tương tự, nhưng không phải vươn dài trên Biển Đông mà được bắc xuyên qua một rừng cây thanh sạch và thơ mộng với lá, với hoa, với ong, với bướm, với hằng hà sa số nào còng nào cáy, nào cá nác, cá loi choi...Chắc chắn, chúng tôi sẽ lại được cảm nhận những điều kỳ thú trên cây cầu mang tâm hồn nghệ sỹ – cây cầu dành cho những “ước mơ”.

 

                                                                              Biển Cồn Đen ngày 2-7-2022

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây