Đồng đội ơi - thơ và lời bình

Thứ tư - 13/07/2022 07:49
Đinh Thiên Hương - Nhân đọc hai bài thơ về Đồng đội của Đỗ Trung Minh
Đồng đội ơi - thơ và lời bình
ĐỒNG ĐỘI
                               Thân tặng đồng đội của tôi, E 24 F10 QĐ3
                                            
  Nửa Thế kỉ đi qua
                                 vẫn khôn nguôi nỗi nhớ
Đồng đội tôi, người ở người về!
Điều có thể giờ thành không thể
Để giọt bốn mùa
                                trên mắt long lanh
 
Thời thanh xuân vắt qua chiến tranh
Đồng đội tôi là những người  ra trận
Gửi lại mộng mơ và hơi ấm bàn tay
Chiếc lá rơi trên vai mẹ hao gầy
 
Trường Sơn hoang sơ
                           núi dầm dề mưa
Trượt dốc chia nhau từng hạt muối
Rừng xòe tán mấy ngàn năm tuổi
Thổn thức  dấu chân học trò
                    mười tám đôi mươi
 
Con vắt lá bám ngang nụ cười
Bình thản  quệt ngang vệt máu
Qua trạm giao liên
                         đào bếp Hoàng Cầm
Tay sải vào đêm
                        lấy măng, nhặt củi
Dép cao su xiết mòn vách núi
Mắc võng qua vành trăng khuyết
                               đung đưa
 
Rét buốt từ xương là cơn sốt không chờ
Ủ ấm thâu đêm là vòng tay đồng đội
Mày mày tao tao là  câu thường gọi
Ngẩn ngơ nhớ nhà là lúc chiều buông
Thuộc lòng thơ nữ sĩ Xuân Hương
Tự đặt bài vè trêu nhau phát khóc
“Lính Hà Tây gọi tôm là tép
Phú Thọ kêu châu chấu cào cào
Ơ nơi nào rửa khoai cầu tõm?
Trai Hải Phòng “ dậm” cảng như ao…”
…Từ bao giờ, cứ thế để thương nhau!
 
Những tên đất không thể quên
                                   Đắc Tô, Tân Cảnh,
Đường 14 làng Te, Đắc Rơ Cót, Kon Tum
chốt đỉnh cao Sáu không một, Sáu mười lăm
bom xuyên pháo chùm
                                    đất tơi thành bột
Thôi mày vào hầm,
                                   để tao ra phía trước
Chiều chỉ còn mắt ướt chiếc ba lô
 
Nửa Thế kỉ đi qua khôn nguôi nỗi nhớ
Đồng đội tôi người ở, người về!
   Đỗ Trung Minh
 Hải Phòng, 30-4- 2000
 
 
Viết đùa Đồng đội
 
Đã từng lửa đạn chiến trường
Khoét núi ngủ hầm, đợi tiến công
Cơm nắm đeo bên chùm lựu đạn
Nâng súng xiết cò thét xung phong
 
Áo trận giờ nhàu nắng quê hương
Hạt lúa củ khoai cõng bão dông
Cơm áo không đùa người lính cũ
Giáp hạt, ba lô lại ấm lưng
 
Kiếm việc học nghề thời buổi khó
Nhớ ít quên nhiều. Đời dửng dưng
Nửa túi đồ nghề bơm với vá
Dăm ba ngàn lẻ giắt vào lưng
 
Ngả xuống, lột ngoài, móc bên trong
Xiêu xiêu mái quán chẳng ngăn phòng
Nhớp nháp hai tay xoa lại dập
Hì hụi lưng khom, vật vã lòng
 
Đồng đội gặp nhau cười tuế tóa
Vẫn ấm lòng nhau ngụm nước trong
Vẫn làm miễn phí người khốn khó
Vẫn chưa thỏa được  những ước mong
 
                                Đỗ Trung Minh
                                         3/2021
 
                            ĐỒNG ĐỘI ƠI…!
                            (Nhân đọc hai bài thơ về Đồng đội của Đỗ Trung Minh)
                                                                               Đinh Thiên Hương
                                                                                Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học
 
               Với người lính, sau khi giã biệt quê hương và gia đình vào cuộc trường chinh, phía trước họ là quân thù, chỉ có nổ súng tấn công. Xung quanh họ, không có tình cảm nào thân thiết, gắn bó keo sơn hơn tình đồng đội ! Đồng đội “nhường cơm sẻ áo”, ủ ấm cho nhau, truyền cho nhau những kinh nghiệm sinh tồn và chiến đấu. Đồng đội thay người ruột thịt chăm chút cho mình lúc “nước đắng cơm hôi”, nhường nhau sự sống, che chắn “hòn tên mũi đạn”, khiêng vác lúc thương vong, cúi tìm từng mảnh thi thể khi “xương tan thịt nát” và nghẹn ngào tiễn đưa ta, về với ngàn mây trắng bay… Cho nên, không phải ngẫu nhiên, khi mấy cuộc kháng chiến chống chọi ngoan cường và chiến thắng vẻ vang đủ các loại kẻ thù gần xa, dù đã lui về quá khứ hàng mấy chục thập niên rồi, nhưng tình đồng chí, đồng đội trong văn chương một thời đánh giặc, vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận và thật sự xúc động, thiêng liêng !
               Với nhà thơ Đỗ Trung Minh, được biết trước khi là thầy giáo, là cán bộ trải qua nhiều chức vụ ở những môi trường công tác khác nhau, anh đã từng là người lính “xếp bút nghiên”, cùng trang lứa và đồng đội đi như trảy hội vào chiến trường “Người đi không thấy mặt người / Chỉ nghe ríu rít tiếng cười tuổi xuân” (Thơ Tố Hữu). Cho nên, sẽ không bất ngờ khi được đọc 2 bài thơ của anh về đồng đội, bài : “Đồng đội”“Viết đùa đồng đội”.
               Vẫn biết, thơ chỉ hay khi có tình cảm rất sâu và rất thật lòng. Nhưng nếu không có tài chữ nghĩa, thì những cung bậc cảm xúc kia cũng chẳng thể “đi từ trái tim lên miệng”, để con tim nhịp đập cùng con tim, tiếng lòng đi tìm gặp tiếng lòng… Ấy thế mà, đọc hai bài thơ trên của tác giả, ta lại rất ít bắt gặp tài nghệ ngôn từ, dường như không có nhiều thi ảnh lấp lánh ánh sắc, thơ thới, bay bổng lãng mạn…Những câu thơ tựa như lời kể chuyện, viết cứ nhẹ như không, nhiều khi còn tếu táo. Nhưng sao càng đọc càng nghẹn ngào, nước mắt cứ chực chờ khôn khuây : Để giọt bốn mùa trên mắt long lanh(…) Thôi mày vào hầm / để tao ra phía trước / Chiều chỉ còn mắt ướt chiếc ba lô  (Đồng đội). Ở một bài thơ khác, khi kết thúc chiến tranh, người lính trở lại với đời thường : Nửa túi đồ nghề bơm với vá / Dăm ba ngàn lẻ dắt vào lưng…Thì ra, có loại thơ cuốn hút người ta ở cái chất hào hoa của ý tình, hình nhạc. Nhưng cũng có loại thơ, làm mê đắm bạn đọc, càng đọc càng trĩu lòng, càng chất chứa những trăn trở ưu tư, bởi sự chân thật và những hình ảnh thơ ngồn ngộn chất liệu đời sống, mà nếu không sống thật từ trong cái mạch nguồn ấy, không thể làm lay động và xúc động lòng người được như thế. Cho nên, cũng không dễ nói loại thơ nào tài hoa hơn… Hai bài thơ về tình đồng đội của Đỗ Trung Minh thuộc loại thơ thứ hai, góp phần làm nên cái chất giọng của bản sắc nghệ thuật nhà thơ !
               Nói chung là như thế. Nhưng ở từng bài, do văn cảnh khác nhau, tác giả đã tạo ra những tứ thơ và lối diễn đạt độc đáo, khác biệt.
               Ở bài “Đồng đội”, mở đầu và kết thúc, đều có mấy dòng thơ : Nửa thế kỷ đi qua / vẫn không nguôi nỗi nhớ / Đồng đội tôi, người ở người về…Đó là phép điệp ngữ, “chịu lỗ về thông tin, nhưng rất lãi về giá trị biểu cảm”. Nó là nốt nhạc lòng vút lên mà nhấn nhá, luyến láy và day dứt, về một cảnh huống và nỗi niềm bùi ngùi xót xa…Nó mở đầu và khép chặt bài thơ lại, để cất giấu và chất chứa đầy ắp ở trong đó, những kỉ niệm của tình đồng đội thời chiến binh. Bài thơ như một vật liệu nổ, càng dồn nén bao nhiêu, càng có sức công phá bấy nhiêu khi bật mở…Và, quả đúng là như vậy ! Trừ mấy câu mở đầu và kết thúc như đã nói, người lính đang sống với cả một trời kỉ niệm tươi ròng, chạm đến đâu như đều chạm vào máu thịt.
                Ở đó tuổi thanh xuân vắt qua chiến tranh, phải gửi lại những mộng mơ và hơi ấm bàn tay của thời trai trẻ, nhưng vẫn nhớ thương quay quắt Chiếc lá rơi trên vai mẹ hao gầy. Họ bước vào cuộc trường chinh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhưng có phải lúc nào cũng hừng hực khúc tráng ca ?! Trên con đường hành quân, hát bài ca ra trận, người lính phải đương đầu với biết bao gian khó, hiểm nguy. Đó là nơi hoang sơ núi dầm dề mưa / Trượt dốc chia nhau từng hạt muối / Rừng xòe tán mấy ngàn năm tuổi / Thổn thức bước chân học trò mười tám, đôi mươi. Vì không cần và không thể giấu giếm được, cho nên nhà thơ đã chọn lối kể bình thản qua những hình ảnh thơ rất gợi cảm và mới mẻ, mà nếu không từng trải và không sống thật lòng với tình đồng đội giữa những gian truân, thì không có được những cảm thức ấy. Ở đây, có những ngôn từ thơ sởn hết da gà. Không phải là trăm ngàn con vắt trên mặt đất, hươ hươ những cái vòi tăm, tìm hơi dấu chân người, mà là những Con vắt lá như có đôi mắt thần, chực chờ rồi co mình buông lơi, bám ngang nụ cười người lính. Lại có kỷ niệm vất vả về cái lần tập kết ở trạm giao liên, không phải ban ngày : Tay sải vào đêm lấy măng, nhặt củi. Và nhớ nhất : Rét buốt từ xương là cơn sốt không ngờ / Ủ ấm thâu đêm là vòng tay đồng đội. Rồi những địa danh tiền tiêu, cứ điểm…,những nơi Bom xuyên, pháo chùm / đất tơi thành bột, lại là nơi đồng đội nhường nhau sự sống - nhường nhau thứ trân quý nhất trên đời, giành về phần mình chết chóc, hiểm nguy : Thôi mày vào hầm / để tao ra phía trước / Chiều chỉ còn mắt ướt chiếc ba lô… Đây là một sự thật nghiệt ngã, không có sự thật nào đắng cay hơn thế nữa. Lệ đã nhòa, nhìn bạn giờ, chỉ còn lại chiếc ba lô…Nhưng tình đồng đội là thế đấy, bảo sao chả thân thương, thiêng liêng và trân quý nhường này.
                Để vượt lên trên những gian khổ, khốc liệt và cả chết chóc thương đau đó, người lính như có phép lạ tinh thần. Đồng thời với tình đồng đội nhường nhịn sẻ chia, keo sơn gắn bó, còn có cảm xúc thơ thới lãng mạn – nhất là với những sinh viên mặc áo lính và chất hóm hỉnh, hài hước, tếu táo vui đùa. Nó thuộc về nhãn quan, nhân sinh quan đầy chất lính ! Không có nó, không có niềm tươi vui lạc quan, coi gian nguy “nhẹ tựa lông hồng”.
               Có lẽ thế, mà ta bắt gặp trong bài “Đồng đội” những chi tiết thơ Bình thản quệt ngang vệt máu, hình ảnh hoán dụ và nói quá Dép cao su xiết mòn vách núi, và rất đẹp qua hình ảnh tình tứ, thơ mộng Mắc võng qua vành trăng khuyết đung đưa. Lại nữa, là những câu chuyện vui, không hiếm lần cãi cọ Tự đặt bài vè trêu nhau phát khóc / Lính Hà Tây gọi tôm là tép / Phú Thọ kêu châu chấu cào cào / Ở nơi nào rửa khoai cầu tõm / Trai Hải Phòng “dậm” cảng như ao. Tất cả những đùa vui tếu táo ấy, không chỉ là nụ cười vui nhộn, mà là sự tập hợp, chứng tỏ sức sống, nghị lực vượt lên muôn trùng những cam go và thắt chặt hơn tình đồng đội Tự bao giờ cứ thế để thương nhau.
               Cũng như thế, trong bài “Viết đùa đồng đội”, nhà thơ Đỗ Trung Minh thêm lần nữa có câu thơ như nét vẽ về người lính Cơm nắm đeo bên chùm lựu đạn. Một sự thật tếu táo mà xót xa. Vật sát thương bên cạnh miếng ăn và miếng sống. Tự nhiên thôi mà cảm nghĩ cứ nghẹn ngào…Ở bài thơ này, tác giả không nhìn người lính hát khúc khải hoàn như người hùng chiến trận. Họ là những người “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, và đằng sau ánh hào quang là những phận người bé nhỏ.
               Hàng vạn người trở về được quê nhà, nhưng lại đối diện với biết bao nhiêu đói nghèo, lo toan, túng bấn. Phận người, nào ai có giống ai. Đã quen với súng ống, khói lửa chiến trường, giờ hóa ra lại ngỡ ngàng và vụng về trước muôn kế mưu sinh, nhất là khi “mật ít ruồi nhiều”. Bao nhiêu người lính trận xưa, như hạt mưa rơi nơi rãnh cày, tha thủi nơi đầu đường góc chợ, mải miết trên dặm xa kiếm sống Cơm áo không đùa người lính cũ / Giáp hạt ba lô lại ấm lưng. Có người, chọn được cái nghề sửa xe lương thiện mà nghèo, được  nhà thơ thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ rất mực tình người Nửa túi đồ nghề bơm với vá / Dăm ba ngàn lẻ giắt vào lưng. Nhưng liền ngay sau đó, lại là những vần thơ nghịch ngợm, tếu táo như thuở nào, mong sớm vơi đi cảnh ngộ và nỗi niềm. Đó là những động từ đậm chất phồn thực, nhưng thật như sự thật vốn thế của nghề nghiệp Ngả xuống, lột ngoài, móc bên trong / Xiêu xiêu mái quán chẳng ngăn phòng / Nhớp nháp hai tay xoa và dập / Hì hụi lưng khom vật vã lòng.
                Cười vui, đó là chất lính. Và còn thật là lính hơn nữa, bởi cái nụ cười Đồng đội gặp nhau cười tuế tóa / Vẫn ấm lòng bên ngụm nước trong. Bài thơ kết lại bằng hai dòng thơ thật nhân văn, thật lính, thật Người : Vẫn làm miễn phí người khốn khó / Vẫn chưa thỏa được những ước mong.
                Thơ ca về người lính và tình đồng đội sẽ không bao giờ vơi cạn khi những kí ức về chiến trận vẫn còn. Hiện thực và cảm xúc ấy luôn sống động và luôn đòi được thể hiện ra bằng những tác phẩm nghệ thuật, trong đó có thơ ca. Nhà thơ Đỗ Trung Minh đã góp một tứ thơ và những hình ảnh thơ hay, mang dấu ấn riêng của mình vào nguồn đề tài chung ấy. Họ là những đồng đội được trở về, hay những người “sống mãi tuổi đôi mươi”, thì hãy tin đi : họ vẫn giữ nguyên tình đồng đội và là một phần đời của mỗi chúng ta, của nhà thơ mỗi lần thổn thức Đồng đội tôi, người ở người về…                                                         ĐTH

Nguồn tin: HNV:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây