Một góc thu Hà Nội

Thứ bảy - 30/07/2022 07:36
Ảnh minh họa: ST
Ảnh minh họa: ST

                                                       Tản văn của Nguyễn Thị Ngọc Hà                       

             Nơi anh sinh, cách nơi tôi đang sống không xa lắm, chỉ cần ngược  triền đê sông Hồng thêm một khúc lượn là tới. Hồi trẻ dại, tôi thường ra doi đất tận bãi ngô ngoài đồng bãi để ngóng con thuyền có cánh buồm như trong thần thoại. Tôi chờ từ khi cánh buồm chỉ như một đốm trắng lấp lóa trong nắng sớm ở phía làng anh,  cho đến khi con thuyền ghé vào bến chợ hoa làng tôi. Tôi cứ mường tượng, sẽ thấy những nhân vật như trong trong truyện cổ tích bước ra từ sau cánh buồm ấy...
       Đến bây giờ tôi vẫn không tự lý giải nổi, vì sao sau ngày giải phóng Miền Nam, anh lại định cư ở trong thành phố Sài Gòn. Phải chăng, vì anh đã nợ ân tình với cô y tá tiền phương kia.  Ai, hoặc ai, tôi không trách. Riêng anh lẽ nào nỡ bỏ cả triền sông bên thành phố phồn hậu, đầy ắp kỉ niệm thuở thiếu thời của mình, bỏ lại người thiếu nữ đã ước mơ anh là chàng hoàng tử trên con thuyền có cánh buồm trắng năm xưa. Có lẽ nào anh đã quên hết. Một lần tôi hỏi, anh chỉ trả lời ngắn gọn với giọng trầm buồn. Anh rất yêu quê mình. Sau đó chỉ im lặng. Một sự im lặng mà ngoài anh, chỉ có tôi mới hiểu được, bởi tôi đã xuyên suốt sự im lặng ấy.
        Mùa thu nào anh cũng về thăm quê. Anh hẹn năm nay sẽ về sớm hơn để cùng tôi tung tẩy, ôn lại tất cả kỉ niệm về những năm tháng tuổi trẻ đầy khó khăn nhưng cũng đầy lãng mạn trong lòng Hà Nội. Chắc mùa thu gắn với anh nhiều kỉ niệm khó quên, nên đọc những đoản văn, những truyện kí của anh viết về quê mình, tôi cứ nao nao buồn theo dòng hoài niệm ấy. Ngược về những năm tháng thuở thiếu thời, lật lớp lớp mưa nắng đã hóa rêu phong loang lổ trên từng bức tường, từng mái ngói thân quen, rồi lại quay về với hiện tại. Hình như tôi đã chạm phải những hạt sương li ti trong kí ức sâu thẳm của một đời người. Của một thời.
       Bãi pháo phòng không và những điểm trực chiến trên đê của dân quận tự vệ hồi chống Mỹ, bây giờ đã san sát nhưng ngôi nhà nhà tầng thấp tầng cao. Từ trên tầng thượng của một chung cư nhìn xuống các đường ngang phố dọc  giao nhau, chẳng khác gì mặt sàng đan long mốt long đôi.
       Bây giờ đây không chỉ có cầu Long Biên và các chiếc cầu đã có từ trước và sau chiến tranh chống Mỹ. Những chiếc cầu mới nhiều làn xe đã và đang bắc qua sông Hồng, nối các tuyến đường mọi miền vào trung tâm thành phố.  Hà Nội là Thủ đô hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kình trầm mặc của thăng Long xưa.
         Không thể nào quên ngày tôi và anh lthời là nam thanh nữ tú.
        Ngoài lớp lớp thanh niên của nhà máy điện Yên Phụ ngày ấy đã ra tiền tuyến, còn ở lại sản xuất và trực chiến là các anh chị tự vệ, cũng như chúng tôi là dân quân địa phương. Người ra mặt trận trực tiếp chiến đấu, người ở lại hậu phương đều khóac súng trên vai, sao vuông trên mũ. Phái mạnh, độc nhất hai màu quần xanh áo trắng, phái đẹp, độc nhất quần lụa đen áo trắng. Đấy là những ngày đại lễ, còn những lúc đi trực chiến, các anh chị công nhân đồng phục quần áo xanh công nhân, nữ dân quân địa phương thì quần đen áo màu xanh cỏ úa.
     Lớp trẻ bây giờ khỏe đẹp. Đẹp về hình thể lẫn trang phục. Nhìn chúng ríu ran qua ngõ, trong tôi không thể quên một thời của tôi và anh, đã mãi mãi đẹp trong huyền thoại.
 
                                                               *
 
        Kí ức chầm chậm đưa tôi về đầm sen làng mình. Sen vào mùa đang rộ. Những bông sen có tên; sen bách diệp, dân làng tôi vẫn gọi là sen trăm cánh đang tỏa hương thanh tao thơm dịu mát cả một vùng trời. Bông sen này to nặng hơn bất cứ sen ở nơi nào khác, bởi cuốn lấy đài hoa đến nhụy hoa dày là lớp lớp cánh hồng đến thắm từ trong ra ngoài. Đấy là niềm kiêu hãnh của làng Tây Hồ. Chỉ có sen ở làng Tây Hồ bên hồ Dâm Đàm xưa, nay là Hồ Tây mới đủ nhụy đủ hương để ướp chè tiến vua, chúa suốt từ ngàn năm trước. Nghề ướp trà sen đã truyền qua các thế hệ vẫn  tồn tại đến hôm nay.
   Dạo ấy, anh đến học ướp trà sen từ bà nội tôi, nhưng chưa thành nghề anh đã nhập ngũ.
      Hồ Tây mênh mông giữa đất trời mà vẫn khiêm nhường dưới cái nắng thu óng ả như tơ nõn. Tôi nhớ lại, mỗi khi thay ca trực chiến, anh cùng mấy chàng trai nữa bơi ra xa mò trai, đem về để mẹ tôi nấu cho cả lũ một nồi cháo trai thơm ngậy hành răm. Ăn xong chỉ riêng anh, bà tôi gọi lên nhà trên cho nhấm nháp trà sen. Có mấy đứa con gái đồng lứa với tôi, đứa nào cũng thầm phải lòng anh, nhưng những người bạn trai  của anh khẳng định; rất khoát nó sẽ làm rể làng thôn Đầm Trị.  Mọi ánh mắt đổ về khiến hai má tôi chín lựng.
                                                                 *
 
      Hôm nay lang thang dưới chiều cuối thu, gió lật lá chao nghiêng. Từng chiếc lá đang chuyển  sang đông xoắn vặn trong gió chẳng khác gì vàng thoi giát mỏng. Từ đường Thanh Niên gió xô từng lớp lớp sóng ngược về phía tây thành phố. Những lớp sóng thật bình thường mỗi khi gió đông nam tràn về, nhưng chiều nay sóng gió như cố tình gợn lên trong tôi những kỉ niệm khó quên.
      Bây giờ quanh hồ đã kè, từng đoạn đã gắn tên đường  tên phố. Xen bên nhiều loại cây hoa khác rực rỡ  đặc trưng cho mùa thu Hà Nội, vẫn từng rặng liễu thả bóng mình lả lơi xuống mặt nước xanh thăm thẳm. Nắng phai dần trong màn sương, đang buông chùng quanh từng đôi trai gái, tay trong tay sánh bước bên nhau. Họ hồn nhiên ngây ngất những nụ hôn đến chếnh choáng cả chiều.
        Các bạn trẻ hôm nay thật hạnh phúc. Thời chúng tôi, yêu đến mềm ruột gan vẫn chỉ dám ém lại trong tim mình. Nụ hôn trao nhau cũng vụng trộm vội vàng.
        Mua mấy bông sen trên chiếc thuyền thúng vừa cập bờ Đầm Trị. Áp môi thơm lên  những cánh hoa mềm mỏng dịu mát. Tôi tự hỏi. Giữa nhịp sống náo nhiêt tại thành phố nắng mưa bất chợt dưới những cung đường lá hát như reo trong nắng, khi mưa là dòng sông uốn quanh.(*.)  đẹp từ ngoài đời đẹp vào ca khúc ấy.  Chẳng biết chiều nay,  anh có cảm nhận được hương thơm thanh khiết này từ một góc thu Hà Nội ./.
 
 (*) Lời trong ca khúc  Em còn nhớ hay em đã quên của 
   Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 N.T.N.H

                                                                                         

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây