1- Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay thuộc Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi. Đời vua Trần Anh Tông, ông có công đánh dẹp giặc và sau đó được cử đi sứ sang đáp lễ nhà Nguyên. Ông làm quan đến chức Thượng thư. Cuộc đời 80 tuổi của ông, ông đã dành trọn cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển đất nước của triều đại nhà Trần anh hùng (1225 – 1400). Lúc giặc giã nổi lên ở phương Nam, phương Bắc thì ông cầm quân đánh giặc và lập công. Lúc Nho học giành vị trí mới trong việc quản lí đất nước và chấp chính ở triều đình thì ông cùng Trương Hán Siêu soạn “Hoàng triều đại điển” và bộ “Hình thư”. Lúc đất nước cần người hiền tài làm công tác ngoại giao thì ông có mặt trong Sứ đoàn. Đối nội hay đối ngoại, việc văn hay việc võ ông đều làm trọn bằng tình yêu đất nước của bậc cao minh. Trên cái nền của lòng yêu nước trong sáng và một nhân cách cao quý, một tài năng văn hóa ấy mà hình thành hồn thơ Nguyễn Trung Ngạn vừa cao sang vừa mộc mạc, đằm thắm, chân tình.. Đọc “Giới Hiên thi tập “ của ông bạn đọc bao thế hệ thấy yêu quý hơn quê hương xứ sở nông tang và con người Việt Nam hơn. “Hứng trở về” (Quy hứng) là một tác phẩm trữ tình. Ở vị trí cao sang của một sứ thần, tuy sống giữa gấm hoa giữa chốn phồn hoa đô hội, nhưng ông vẫn gửi hồn về chốn quê nhà. Tình yêu quê hương xứ sở, niềm tự hào dân tộc có những biểu hiện giản dị, mộc mạc mà cảm động sâu xa trong lòng người. “Hứng trở về” (Quy hứng) thuộc loại thơ tứ tuyệt Đường luật, nằm trong “Giới Hiên thi tập” được Nguyễn Trung Ngạn viết khi đi sứ sang đất Giang Nam – Trung Quốc, một miền đất ở phía Nam sông Trường Giang, nơi phồn hoa đô hội, nay là ba tỉnh Giang Tô, An Huy và Giang Tây. Cùng thời gian ở đất Giang Nam, ông viết nhiều bài thơ nổi tiếng như “Giang ôn dịch”, “Tư quy” . . .
2- Bài Quy hứng mở ra với hai câu đối nhau: “Lão tang diệp lạc tàm phương tận Tảo đạo hoa hương giải chính phì” “Tàm phương tận. . .” hiểu là “tằm nhả hết tơ”; “tận”: hết; “phương tận”: nhả hết tơ. “Tảo đạo”: lúa sớm; “giải: con cua; “giải chính phì”: lúc cua béo nhất. Hai câu thơ có thể dịch nghĩa như sau: “ Cây dâu già lá rụng, tằm đã nhả hết tơ Khi lúa sớm đầy hương, cũng là lúc cua béo nhất” Đầy ắp trong hai câu thơ là không khí, cảnh sắc thôn làng Việt Nam, xứ sở nông tang. Không cần nhiều, chỉ cần bốn chi tiết chọn lọc tinh túy (Cây dâu già rụng lá, con tằm chín nhả hết tơ, hương lúa sớm tỏa thơm đồng quê, cua đồng đến độ béo nhất), tác giả đã gợi lên được cuộc sống của thôn làng Việt Nam thanh bình, yên ấm. Ngày ông ra đi, không biết có ai tiễn trong lớp lớp ruộng dâu xanh, người đi kẻ ở cùng ngoái lại lưu luyến, bâng khuâng, bịn rịn? Hôm nay đâu còn nương dâu mướt xanh, đã mấy mùa qua đắp đổi, nương dâu đã già, lá vàng đã rụng rơi, kẻ li hương “đã lâu nay chưa thể được về”. Bắc cầu qua không gian và thời gian là da diết nỗi nhớ và một sắc vàng tưởng tượng, sắc vàng ấm no quen thuộc đến nao lòng. Lá dâu vàng rụng cũng là lúc con tằm nhả hết tơ vàng óng; lúa sớm đưa hương gợi lên sắc vàng óng ả của đồng lúa chín; cua đồng vào độ béo nhất gợi lên bát canh thiên lí cua đồng vàng mỡ màng ngọt ngào. Đâu đó trong không gian xóm ngõ, dưới mái tranh có tiếng thoi gieo lách cách dệt vải, dệt lụa. Không khí thôn làng đất Việt thật “Ấm” và “No”, vui tươi, rộn ràng, đầm ấm, yên vui khiến sứ thần Nguyễn Trung Ngạn không bồn chồn nhớ quê sao được. Khát khao trở về dâng ngập tâm hồn ông. Trong một bài thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, chữ viết là chữ Hán, nhưng bên trong lại là một hồn thơ với những rung động trữ tình, sâu lắng, đằm thắm rất đỗi Việt Nam dang thổn thức, khắc khoải mong ngày hồi hương. Cặp đối trong hai câu thơ đầu hòa quyện vào nhau (không đối lập) hoàn chỉnh một tâm trạng, một nỗi lòng, một khát khao. Thi liệu là những sự vật gần gũi, quen thuộc, đơn sơ, mộc mạc thể hiện sự gắn bó yêu thương của tác giả đối với quê nhà, gợi ta nhớ đến khúc ca dao quen thuộc: “Anh đi, anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” Với hai câu kết, nhân vật trữ tình trực tiếp xuất hiện bày tỏ cảm xúc và thái độ bằng một phép so sánh: “Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo, Giang Nam tuy lạc bất như quy”. (Nghe nói ở nhà dẫu nghèo vẫn tốt, Đất Giang Nam tuy vui, cũng chắng bằng về nhà) Câu thơ trên là một khẳng định:”nghèo vẫn tốt”. Một nghịch lí. Có ai thích nghèo đâu! Trong tiếng Việt “nghèo” thường đi với “hèn”, “nghèo “thường đi với “khổ”. Nghèo hèn, nghèo khổ là nỗi buồn tủi của kiếp người. Thì ra cái nghèo đâu có dễ hiểu ! Vị Sứ thần Nguyễn Trung Ngạn nhân cách cao cả, bản lĩnh vững vàng khẳng định “Nghe nói ở nhà dẫu nghèo vẫn tốt”. Đó là phẩm chất, là nhân cách cao quý mà con người ngàn năm mơ ước: “Phú quý bất năng dâm Bần tiện bất năng di Uy vũ bất năng khuất” Nghĩa là: “ Giàu sang không làm điều xằng bậy Nghèo khó không thể thay đổi Sức mạnh bạo tàn không khuất phục” Tấm lòng thủy chung son sắt với quê hương đất nước thật đáng quý, ngàn vàng không đổi được. Nhà thơ làm phép so sánh: “đất Giang Nam tuy vui, cũng chẳng bằng về nhà” Giang Nam phồn hoa đô hội nhưng là nơi đất khách quê người”. Quê hương mỗi người chỉ một” quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của ta, ở trong ta chứ không phải ở ngoài chúng ta. Cho nên ta về với quê nhà như máu chảy về tim. Bài thơ “hứng trở về” (Quy hứng) cách thế kỷ XXI của chúng ta xa lắm, nhưng tư tưởng và tình cảm yêu nước dạt dào, nồng ấm trong bài thơ vẫn mãi mãi như dòng máu thắm đỏ chảy trong huyết quản mỗi người dân đất Việt. Bản dịch thơ sau đây ngõ hầu có thể giúp cho độc giả dễ thuộc, dễ nhớ bài thơ quý giá này: “Dâu già lá rụng, tằm vừa chín, Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê. Nghe nói quê nhà nghèo, vẫn tốt Dẫu vui đất khách chẳng bằng về !”
Thăng Long đất cũ yêu thương – ngày 28/12/2021. ĐTN