Sáng 24/5/2023, tại Thành phố Huế đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác phối hợp hoạt động giữa Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế và Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh.
Tới dự lễ ký kết có ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; ông Hoàng Khánh Hùng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế; Đại diện lãnh đạo Hội VHNT của Thành phố Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh cùng đông đảo các văn nghệ sĩ đến từ 3 thành phố.
Phát biểu tại lễ ký kết, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, cách đây 63 năm, vào ngày 8/10/1960, tại Hà Nội, Lễ kết nghĩa giữa 3 thành phố lớn là Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã diễn ra trong không khí nồng ấm tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Kể từ đó cho đến nay, trong mỗi bước phát triển của mỗi vùng miền đều ít nhiều có sự giao thoa, cố kết và lan tỏa của ba thành phố. Trong bối cảnh đó, các thế hệ văn nghệ sĩ và nhân dân đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn hóa của ba vùng đất từ ngàn xưa cho đến nay.
Nhằm tiếp nối truyền thống kết nghĩa của ba thành phố “Hà Nội - Huế - Sài Gòn, là cây một cội, là con một nhà” đồng thời để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới và phát triển của đất nước cũng như sự phát triển chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội từ đó từng bước nâng cao chất lượng sáng tạo quảng bá VHNT cho các hội viên của 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh, 3 bên cùng thống nhất ký kết các nội dung hoạt động hợp tác trao đổi.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa cho đại diện 3 Hội trong Lễ ký kết.
Các đại biểu về dự buổi Lễ và Hội thảo.
Ký kết hợp tác hoạt động giữa Hội VHNT Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Hội VHNT của 3 thành phố sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động liên quan đến VHNT trong đó ưu tiên tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực VHNT; Thúc đẩy các chương trình nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT; Hỗ trợ thúc đẩy các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị VHNT; Hỗ trợ thúc đẩy các chương trình số hóa liên quan đến VHNT, xây dựng công nghiệp văn hóa - VHNT cho từng vùng đất.
Theo kế hoạch hợp tác, hằng năm các hội sẽ thay phiên nhau đăng cai tổ chức các chương trình phối hợp hoạt động VHNT.
Trước mắt, năm 2023, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Lễ ký kết giữa các Hội VHNT của 3 thành phố kết nghĩa và tổ chức Hội thảo “Giá trị VHNT Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh trong dòng chảy VHNT Việt Nam”.
Năm 2024, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội sẽ đăng cai tổ chức chương trình phối hợp hoạt động VHNT. Năm 2025, Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh đăng cai chương trình phối hợp hoạt động VHNT với nội dung liên quan đến 50 năm thống nhất đất nước (1975 - 2025). Những năm tiếp theo các hoạt động hợp tác sẽ xoay vòng theo trình tự: Thừa Thiên Huế - Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.
NSND Trần Quốc Chiêm tặng quà lưu niệm của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại lễ ký kết, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa 3 Hội VHNT của 3 thành phố. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, sáng kiến tổ chức hoạt động hợp tác này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ VHNT của các tổ chức chính trị nghề nghiệp, là sự cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ...
Ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến hợp tác, phối hợp này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ sự tin tưởng và hi vọng, từ việc ký kết hợp tác này các văn nghệ sĩ của Hà Nội – Huế - TP Hồ Chí Minh sẽ đoàn kết, sáng tạo có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức sáng tạo VHNT của công chúng./.
“Trong khuôn khổ của lễ ký kết 3 Hội VHNT của Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - TP.HCM trong dòng chảy VHNT Việt Nam”. Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo góp phần làm sáng tỏ những vấn đề chung về VHNT của ba thành phố nói riêng, cả nước nói chung trong đó tập trung vào 3 nội dung: Sức sống tinh thần kết nghĩa của ba thành phố đại diện ba miền Bắc - Trung - Nam từ trong lịch sử, và đặc biệt là từ tháng 10/1960 đến nay; Những vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về VHNT trong tình hình mới.
Thụy Phương • 24/05/2023
Ảnh: Nguyễn Văn Toản- Hội NS Ảnh NTHN.
Tính tất yếu lịch sử:
Văn học Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh trong dòng chảy văn học Việt Nam thực sự là vấn đề có tầm khái quát quá lớn mà chúng ta sẽ phải tổ chức nghiên cứu rất công phu mới có thể tiếp cận, đánh giá về giá trị ấy - bao gồm thành tựu và giai đoạn lịch sử.
Nếu chưa tính văn chương của cả thời kỳ phong kiến thì chọn năm 1943, bản Đề cương văn hóa Việt Nam là mốc khởi điểm quan trọng nhất, xác định quan điểm và hướng sáng tạo mới về văn hóa văn nghệ, trong đó nội dung về văn học nghệ thuật là vấn đề hết sức quan trọng của Đề cương. Theo đó, ngay trong các văn kiện, sách báo của Đảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng lúc bấy giờ đều nhất quán khẳng định giá trị tư tưởng, quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của Đề cương văn hóa, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa, văn học cách mạng ở Việt Nam. Cũng từ ngọn cờ này mà ngay sau chiến thắng Điện Biên phủ, từ năm 1955 đến 1958 chúng ta đã bác bỏ luận điệu, quan điểm hữu khuynh của nhóm Nhân văn - giai phẩm, đưa văn học Việt Nam hoàn toàn chuyển sang bước tiến mới. Giới trí thức, văn nghệ sĩ phấn đấu, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Như vậy, chính từ Đề cương văn hóa Việt Nam, chúng ta đã khẳng định được điểm xuất phát của dòng chảy văn học nghệ thuật xuyên suốt từ ngày đầu của chính quyền cách mạng nước ta. Một dòng chảy duy nhất đúng, và tất nhiên từ Hà Nội đến Huế và Sài Gòn là ba trung tâm văn hóa điển hình của cả nước với lực lượng văn nghệ sĩ lan tỏa và phát triển, nơi tựu chung, kế thừa bản sắc văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng cho đến ngày nay.
Thật vậy, trong suốt thời kỳ nền văn chương cách mạng Việt Nam, giới văn nghệ sĩ - chiến sĩ của hai cuộc chiến lớn chống Pháp và Mỹ đã để lại cho chúng ta và cho nhân loại một thành tựu tác phẩm văn học, nghệ thuật tới mức vô giá về tính sáng tạo và giá trị tư tưởng nhân văn. Trước hết họ xuất thân là những trí thức ở Thủ đô hay từ giới thanh niên, sinh viên yêu nước từ các trường trung cao cấp ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và một số thành phố khác tình nguyện trên mọi mặt trận: chiến đấu trên chiến trường và sản xuất phục vụ chiến đấu. Sáng tạo tác phẩm của họ có thể nói, như đã khẳng định về quy mô, tầm vóc hay là tạo nên diện mạo chính thống của nền văn học cách mạng Việt Nam.
Thống nhất đất nước, chặng đường xây dựng trật tự xã hội mới - định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu phải đổi mới quản lý về mọi mặt, nhất là việc xây dựng con người mới để hội nhập và tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến. Đây cũng là thời kỳ có một mốc son về văn hóa hết sức quan trọng, đó là từ năm 2000 đến 2010 Hà Nội và cả nước Kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với lực lượng văn nghệ sĩ, đây cũng chính là dịp chúng ta tự hào nhìn lại văn chương của các bậc tiền bối suốt ngàn năm tạo dựng một nền văn hiến - hào sảng, lừng lững về chiến cuộc, vận nước, thời thế và dân sinh; đĩnh đạc, tài hoa về bút pháp…Chúng ta nhìn lại văn chương của một thời các nhà văn chiến sĩ đầy nghĩa khí dấn thân trong cuộc chiến đánh giặc Pháp và Mỹ thỏa sức hùng tráng, đậm đà, tươi tắn và trẻ trung của lý tưởng…Và trên cơ sở ấy, thế hệ các nhà văn của thời kỳ đổi mới chúng ta phát huy, tiếp nối mạch nguồn, tạo dòng chảy văn chương với những sáng tạo hết sức mới mẻ và sinh động, đa sắc, đa chiều.
Cũng vào thời điểm này, năm 1998 BCH Trung ương ban hành NQ 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 10 năm sau là Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Có thể coi đây là hai Nghị quyết phát triển Đề cương văn hóa VN trong bối cảnh đổi mới toàn diện đất nước, trình độ dân trí của nhân dân ta từng bước được nâng cao, nhu cầu văn hoá ngày càng phong phú, đa dạng, các phương tiện truyền bá ngày càng hiện đại, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước phát triển mới, có những biến đổi sâu sắc và yêu cầu tiếp cận cách mạng công nghệ và hội nhập quốc tế. Những thành tựu to lớn và những tồn tại, yếu kém mà Nghị quyết 23-NQ/TW chỉ ra đều là những mặt mạnh và mặt còn yếu của tổ chức và lực lượng văn nghệ sĩ của cả Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh cũng như ở nhiều các tỉnh, thành phố trong cả nước. Và 15 năm qua, chúng ta đang tiếp tục phấn đấu, đổi mới sáng tạo tác phẩm trên tinh thần ảnh hưởng lớn từ nội dung của Nghị quyết nói trên. Nói riêng về mặt lực lượng, các nhà văn sống và sáng tác ở Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh đều là lực lượng nòng cốt của nhà văn cả nước, họ cùng một chí hướng, cùng một khát vọng cống hiến, lao động hết mình, làm nên những thành tựu đáng trân trọng về nội dung, về thể loại, những bước đi đầy sáng tạo trong tiến trình vận động, đổi mới văn học nước nhà.
Những đóng góp của Hà Nội trong dòng chảy văn chương Việt:
Hà Nội với vị thế của Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế và đặc biệt là văn hóa nên có lợi thế lớn nhất cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung. Ngược lại, cũng từ đó mà giới văn nghệ sĩ Thủ đô lại tự nhận thấy trách nhiệm cao cả của mình. Về văn chương, trước hết lớp các nhà văn Hà Nội được cùng sống trên thế đất địa linh văn kiệt, trực tiếp thừa hưởng vốn văn hóa truyền thống kết tinh từ sáng tạo của ngàn xưa. Văn học cũng xuất phát từ đấy. Văn chương thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn với: Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Lý Thái Tông, Lý Thường Kiệt, Lê Văn Hưu, Trần Nhân Tông, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Phan Phu Tiên, Lê Thánh Tông, và sau nữa là Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Quang Bích, Bà huyện Thanh Quan, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều và nhóm tác giả Ngô Thì... Họ là những người đặt nền móng cho chủ nghĩa nhân văn. Sang đầu Thế kỷ XX, nhất là sau 1930,văn chương nguồn cội Thăng Long với bản chất nhân văn càng nở rộ, một loạt báo chí với trình độ học thuật và nghệ thuật khá cao ra đời như Đông dương tạp chí - Nguyễn Văn Vĩnh chủ bút, Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh…Các bộ tiểu thuyết và thơ của Phạm Duy Tốn, Đặng Trần Phất, Tản Đà, Tương Phố và Vũ Đình Long…Xin được lưu tâm với giai đoạn những năm 30-50, nghị luận văn chương tạo mâu thuẫn kéo dài nổ ra trên báo chí, có sự hô ứng vang vọng với Huế và Sài Gòn, tạo không khí sôi động của đời sống văn học nhưng có ý nghĩa lớn trong việc định hướng thúc đẩy sự phát triển của văn chương hiện đại. Đó là cuộc đấu tranh nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh…Rồi một Phong trào mới lại nở rộ với thơ, ký, phóng sự và truyện của các nhà văn tài ba - một thay đổi lớn về vần điệu và kiến trúc của văn chương mang nặng tính hiện thực và phê phán. Hàng loạt tập truyện và tiểu thuyết của các nhà văn điển hình: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Cao và Tô Hoài; kịch của Vũ Đình Long và Nguyễn Huy Tưởng...Một đội ngũ sáng tác nổi tiếng tài hoa, sống và viết gắn chặt với phố cổ Hà Nội là Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Cầm, Đinh Hùng, Thâm Tâm, Lan Khai, Trần Huyền Trân, Đoàn Phú Thứ và Nguyễn Bính. Hầu như họ xuất phát từ nhóm Tự Lực văn đoàn, rồi sang Nhân văn giai phẩm, họ có phương tiện báo chí chung là Phong Hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ bảy, Tao đàn, và tờ báo Chủ nhật…( Cũng khoảng thời gian này, tờ Phụ nữ tân văn ở Huế giới thiệu thơ Phan Khôi, kéo theo hàng loạt các cây bút khác, ở Sài Gòn những tác phẩm văn học quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Nguyễn Trọng Quản được in ra).
*
* *
Thế hệ văn nghệ sĩ thời đai Hồ Chí Minh - dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng - đã nhanh chóng phát triển thành đội ngũ. Họ trưởng thành từ trong lòng cuộc đấu tranh cách mạng, đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, lao động xây dựng quê hương đất nước, họ thấm nhuần đạo đức truyền thống văn hóa nên họ vững tin cùng nhau sáng tạo một diện mạo mới mẻ, đa chiều, đa dạng, giàu cảm xúc trong mỗi tác phẩm.
Về đội ngũ nhà văn, Hà Nội có đặc điểm trội hơn các tỉnh thành khác, có tới 250/700 nhà văn đồng thời là hội viên hội Trung ương, lại cùng địa bàn sống và viết cũng như gần gũi với nhiều cơ quan báo chí và NXB nên sáng tạo của họ, về mặt nào đó cũng chiếm ưu thế trong dòng chảy văn chương của cả nước. Với khoảng 50 năm thành lập Hội và sau 15 năm thực hiện NQ 23 - NQ/TW, Nhà văn Hà Nội đã luôn xứng đáng với vai trò tuyên truyền, sáng tạo trong mặt trận văn hóa, văn nghệ của Đảng. Những con chim đầu đàn đóng góp trí tuệ và công sức từ trước 1965 (Mỹ đánh ra miền Bắc) là hội viên Hà Nội như: Nhà văn Tô Hoài, Vũ Cao, Hồ Phương, Vũ Bão, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trần Thiết, Vũ Quần Phương, Lữ Huy Nguyên, Quang Huy, Vương Trọng, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Đức Mậu, Khuất Quang Thụy, Ngô Văn Phú, Vân Long và Phan Thị Thanh Nhàn, khi ấy Nguyễn Mỹ, Nguyễn Trọng Định và một số nhà văn chiến sĩ khác chưa kịp tham gia với Hội. Lượng tác phẩm của thời kỳ chống Mỹ có gía trị lớn, chúng tôi không tiện liệt kê ở đây…Bước sang những năm 2010, Thành phố phát động cuộc vận động sáng tác Thăng long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, một loạt tác phẩm nghiên cứu và sáng tác về văn hóa truyền thống, văn học sử tạo thành bộ lớn như: Nắng Kinh thành của nhà văn Siêu Hải, Tiểu thuyết về 8 triều vua nhà Lý của Hoàng Quốc Hải, Bộ tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Vằng vặc sao Khuê và 14 bộ tiểu thuyết dã sử của Hoàng Công Khanh...Các Nhà văn này đều được giải thưởng văn học cấp Trung ương, giải VHNT của Thủ đô Hà Nội, Giải thưởng Bùi Xuân Phái và các giải văn chương khác. Kế đó là nhiều các cây bút đổi mới, cho ra đời hàng loạt các tác phẩm phản ánh công cuộc lao động xây dựng đất nước, các tác phẩm tôn vinh văn hóa và xây dựng con người mới XHCN. Nhiều tác phẩm có giá trị, được giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam và giải nhà văn Hà Nội của các nhà văn: Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Y Ban, Tô Hải Vân và Nguyễn Huy Thiệp, … Đồng hành với lực lượng sáng tác là đội ngũ nghiên cứu phê bình văn học. Giữ vị trí chủ đạo là các hội viên làm việc tại Viện Văn học và Đại học KHXH và nhân văn quốc gia. Kế tiếp thế hệ Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phong Lê, Trần Đình Sử…là Chu Văn Sơn, Nguyễn Hữu Sơn, Tôn Phương lan, Trần Đăng Suyền, Lưu Khánh Thơ, Trương Đăng Dung, Mã Giang Lân, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Ngọc Thiện, Phạm Khải, Văn Giá và Lê Thành Nghị…Họ kiên định trong quan điểm văn học với sứ mệnh thực tế cuộc sống, họ coi trọng học thuật, sắc sảo, nhanh nhạy với trách nhiệm và bản năng tạo hướng thể hiện cái mới, cái đích đến của tác phẩm.Theo Gs, Ts Trần Đăng Suyền thì: văn học sau 1975 đã tạo thành trục quan điểm chính thống trong tiến trình đấu tranh, xây dựng một nền văn học gắn liền với đạo đức và nhân cách con người… được tiếp nối như một cách minh chứng qua một số tác giả đã để lại dấu ấn về tầm tư tưởng và phong cách nghệ thuật trở thành những tượng đài văn chương. Sáng tác của họ đã ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống tinh thần của nhân dân ta trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ nhất.
Nhân đây, chúng ta cần ghi nhận thêm hiện tượng từ một số nhà văn đã thể hiện thành công khi có sự tương tác Hà Nội với Tp.Hồ Chí Minh và Huế, xác định được sự nghiệp riêng và đóng góp chung. Ví như với âm nhạc thì nổi bật là Trần Tiến, Dương Thụ và Phú Quang thì bên cạnh đó là các nhà văn Nhật Tuấn, Mạnh Tuấn, Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Thị Minh Thái…từ Hà Nội vào, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo và Lê Thị Mây… từ Huế ra, họ đã như những cây giống về miền đất mới, thích hợp và nhanh chóng vượt lên. Và, đây cũng là biểu hiện của một sự tìm hướng đổi mới thích hợp với nhu cầu cảm thụ mới.
Văn học là sáng tạo. Sáng tạo cũng có nghĩa là nó thích hợp với cái mới, để tồn tại và thúc đẩy cái mới phát triển. Chính vì thế có thể nói, từ sau 1975 một đội ngũ các nhà văn đã tự ý thức được hướng tất yếu của đời sống hiện đại và theo đó là nhu cầu bạn đọc. Nhiều nhà văn tự làm mới mình dẫu vẫn là những sự kiện và quan hệ đã trôi đi hay chỉ là trong ký ức. Nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết Thân phận của tình yêu 1987 (Sau đổi thành Nỗi buồn chiến tranh) và Lê Minh Khuê với tập truyện ngắn Một chiều xa thành phố 1987, họ bước ra từ cuộc chiến chống Mỹ, khởi đầu cho hệ ý thức văn chương là sự sáng tạo không ngừng nghỉ của mỗi cá nhân. Tiếp đó là hàng loạt các nhà văn đổi mới mạnh mẽ và họ đã chiếm thị phần quan trọng về ảnh hưởng của văn chương với công chúng như: Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Dương Kiều Minh, Võ Thị Xuân Hà, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Việt Hà và Vi Thùy Linh v.v.. Nổi trội lên trong dịp thi viết về bảo vệ biển đảo là Nguyễn Phan Quế Mai và Nguyễn Việt Chiến… Tương ứng thời kỳ khá dài này là ở Thừa Thiên Huế từ sau 1986, tiếp nối các tên tuổi tạo bề dày diện mạo văn học như: Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Hồng Nhu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Trần Hoàng Phố, Xuân Hoàng, Lê Văn Ngăn, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khắc Thạch, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh và Phạm Tấn Hầu …là các nhà văn mang phong cách mới hẳn như: Nguyễn Xuân Hoàng, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Hồ Thế Hà, Văn Cầm Hải, Nhụy Nguyên, Đông Hà, Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Châu Thu Hà, Lưu Ly, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vũ Trường Giang, Lê Minh Phong, Phan Tuấn Anh, Meggie Phạm...Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn thành lập mới trên ba mươi năm qua, song Hội đã nhanh chóng hội tụ và thu hút được đông đảo các nhà văn địa phương và cả nước tham gia, thúc đẩy sự phát triển của văn học thành phố nói riêng, cả nước nói chung. Theo đánh gía tại buổi Lễ kỷ niệm 30 năm Hội thì cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được coi là một trong hai trung tâm văn học lớn nhất của nước. Tiếp nối thế hệ các nhà văn tạo nên tên tuổi lớp trước như: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao, Võ Trần Nhã, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng,Trần Nhật Thu, Trúc Chi… và sau năm 1975 như: Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Trung Quân, Phạm Sỹ Sáu, Phan Triều Hải, Thu Nguyệt, Hoàng Đình Quang, Lý Lan, Thanh Nguyên, Trương Nam Hương, Phạm Thị Ngọc Liên, Khánh Chi, Bích Ngân, Cao Xuân Sơn...đến một thế hệ các nhà văn trẻ tạo trào lưu sáng tạo mới như: Nguyễn Danh Lam, Tiến Đạt, Ly Hoàng Ly, Lê Thiếu Nhơn, Phan Hoàng, Phan Trung Thành, Liêm Trinh, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Tiến Đạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Thu Phương, Phan Hồn Nhiên, Phan Trung Thành, Nguyễn Thị, Trần Lê Sơn Ý và Yến Linh v.v..
Trở lại với một số hiện tượng nhà văn ở Hà Nội bộc lộ rõ nhất khuynh hướng đổi mới sáng tác, đã và đang chiếm vị thế trong công chúng và trên diễn đàn văn chương. Về văn, nếu trước đó, Bảo Ninh tạo ấn tượng mới thì Nguyễn Huy Thiệp tạo bước bứt phá rõ nét. Có người ví Nguyễn Huy Thiệp tựa Vũ Trọng Phụng trước kia, song ông là sản phẩm của thời đổi mới. Với truyện ngắn, có thể xếp Nguyễn Huy Thiệp bên cạnh Nam Cao. Phong cách Nguyễn Huy Thiệp thực sự biến hóa, một hiện thực khắc nghiệt với những xung đột được đẩy đến cao trào, đẩy đến kỳ ảo. Theo Nhà văn Nguyễn Bình Phương thì Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn gần như là quan trọng số một từ sau đổi mới. Còn nhà phê bình La Khắc Hòa nhận định: “Nguyễn Minh Châu mở đường đổi mới văn học Việt Nam sau 1975, Nguyễn Huy Thiệp là người đầu tiên tạo ra bước ngoặt quan trọng của đổi mới. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã nhận định rằng, một mình Nguyễn Huy Thiệp không làm nên được diện mạo của nền văn học Việt Nam sau 1975 đến nay, nhưng một mình ông lại có thể đào xới lên nhiều vấn đề thuộc về bản chất văn học, tạo nên sức bật khỏi ảnh hưởng văn học trước 1975, từ đó đưa văn học Việt Nam sau 1975 đi xa hơn, vững vàng hơn trên hành trình đổi mới văn học dân tộc, hòa nhập vào biển cả văn học hiện đại của thế giới” -(Tạp chí Mặt trận 3/2021).
Nhà văn Hồ Anh Thái - từng là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (2 khóa) được xem như một hiện tượng văn chương của thế hệ văn nhân thời hậu chiến. Một lối viết hiện thực chen lẫn huyền ảo đã tạo nên phong cách ông, nó luôn có sức hấp dẫn, lôi cuốn khiến bạn đọc ngưỡng mộ lối văn chương “tháp ngà” của ông. Bên cạnh đó là Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, viết theo một tiết tấu khá nhanh, kết cấu làm người ta cảm thấy như một khối ru bích hoặc như một mê cung hình xoáy ốc - một kiểu thu hút khá liên tục và lạ lẫm. Về chuyện của con gái người hát rong, Hà nói: “bối cảnh và nhân vật đều thật ở Huế quê tôi…nhưng không phải là một phép cộng đơn giản những mảnh ghép rời rạc ngoài đời của con người nhà văn để tạo thành câu chuyện. Nếu không có sự sáng tạo thì không thể có văn chương” v.v..
Về thơ thời kỳ này thì Nhà văn Nguyễn Quang Thiều như một điển hình về khát vọng cách tân, mới và mạnh mẽ. Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Bên cạnh đó, ông còn là chủ biên của nhiều tờ báo khác có tiếng tăm trong làng truyền thông đại chúng ở Việt Nam. “Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, với Sự mất ngủ của lửa (NXB Lao động, 1992)- những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, ông đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt”- (Tienphong.com). Gần đây, trên diễn đàn chúng ta còn thấy xuất hiện một Nguyễn Linh Khiếu với sứ mệnh tạo bước ngoặt trong đổi mới. Ba tập thơ và nhất là 2 tập trường ca của Nguyễn Linh Khiếu: Phồn sinh và Hoa Linh Thảo (NXB Hội Nhà văn, 2018- 21) đã thu hút nhiều bài viết nghiên cứu, chủ yếu nhận diện và phân tích xuất phát từ những ảnh tượng biểu trưng thông qua bề mặt ngôn từ. Một mạch ngầm, hay một chất nền, kiến lập nên tư tưởng triết lý phồn sinh trong thơ anh - một bản thể thơ dẫn đến nhiều biểu tượng trong thơ, thông qua minh định cấu trúc vận hành…Trường ca của Nguyễn Linh Khiếu mang theo những nỗ lực vượt qua những quy ước của trường ca tính sử thi truyền thống -(Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Quân). Một lối viết hàng ngàn trang thơ mà không cần dấu chấm(.) phảy(,) nào cả. Hình thức diễn tả thơ, thơ văn xuôi kiểu này, ta cũng thấy khá nhiều trong khoảng chục năm gần đây. Tuy nhiên, ở Nguyễn Linh khiếu thì câu chữ nối nhau, chuyền tải một hàm lượng sinh khí đồi dào, tạo thành một dòng chảy không ngớt.
Tính tất yếu của xu hướng công nghệ mạng thông tin điện tử và hội nhập quốc tế đã nhanh chóng gia tăng nhu cầu tiếp cận văn hóa và hướng cảm thụ của công chúng, bạn đọc. Một số cây bút thật trẻ đã phản ứng nhanh, tạo cho mình một hướng sáng tác và phương pháp cấu trúc tưởng tượng, lạ lẫm, nhiều khi họ tìm đến một cõi ảo, một đời thực trong mơ…Có thể sau Phạm Duy Nghĩa với Người bay trong gió xanh (NXB Hội Nhà văn 2022) - Giải thưởng Hội Nhà văn HN 2022 - đã ngấm ngầm chiếu giấc mơ của mình lên lối viết, còn là: Huyền Trang với Tại sao tôi yêu, Nhật Phi với Người ngủ thuê và Đức Anh với Nhân sinh kép…Họ như đang tìm một lối tiếp cận công chúng theo hướng giáp lại gần hơn với văn học nước ngoài, bắt đầu tạo một dòng chảy mới lạ từ CM công nghệ 4.0.
Khẳng định giá trị chính yếu trong dòng chảy văn học nước nhà:
Cho đến hôm nay, chúng ta có thể khẳng định, văn chương Hà Nội từ ngày thành lập Nước, đã đồng hành cùng Dân tộc - dù phải trải qua các cuộc chiến tranh lớn chống giặc ngoại xâm cũng như tự lực, tự cường xây dựng xã hội mới cũng không kém phần cam go, song trước hết văn chương vẫn tiếp nối của mạch nguồn hào khí văn hóa Thăng Long và vì thế, nó giữ vững bản chất xuyên suốt của dòng chảy, trong đó, bước tiếp nối cơ bản là từ Đề cương Văn hóa Việt Nam.
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế là ba Thành phố có đội ngũ các văn nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng có số lượng đông nhất cả nước. Về cơ bản, họ cũng là đội ngũ có dung lượng tác phẩm chiếm vị trí lớn, làm nên màu sắc rực rỡ, chủ đạo trong toàn bộ số lượng sáng tác tạo dòng chảy văn học và nghệ thuật cả nước nói chung. Song từ đó, chúng ta khẳng định rằng, giá trị của dòng chảy văn chương chính là động lực sáng tạo làm nên sự sống của văn chương. Họ đã và đang làm điều ấy.
Nếu được nói thêm, chúng ta có thể đánh giá sau mảng lớn văn chương Hà Nội-Huế-Sài Gòn còn có một hình thức nữa là văn chương 5 vùng kinh đô. Thực tế từ sau năm 2000, hình thức kết nối Phú Thọ-Hà Nội-Ninh Bình- Thanh Hóa-Huế đã thúc đẩy, làm mau hơn những tố chất mới trong sáng tác của hội viên các hội. Cộng với bề dày và sức sống động của Văn nghệ Hải Phòng đầy cá tính từ truyền thống đến hiện đại của giao thương cửa biển, cũng tạo thêm một nhánh góp sức cho dòng chảy chủ đạo được khẳng định nói trên.
Cuối cùng, chúng ta ghi nhận về sự cống hiến của các nhà văn ba Thành phố lớn - chính là nơi tập trung về số lượng giải thưởng cao nhất cả nước. Chỉ tính với các Nhà văn hội viên của Hội đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước thì Hà Nội là 40, TP. Hồ Chí Minh là 25 và Huế khoảng 20, chiếm đa số trong tổng số toàn thể hội viên Nhà văn Việt Nam được trao giải. Như vậy cũng có nghĩa là giá trị và dung lượng tác phẩm của họ chiếm vị trí trung tâm kiến tạo, làm nên diện mạo nền văn chương cách mạng nước ta.
Nguồn tin: VP Hội
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn