Tôi biết Vũ Minh Huệ từ ngày chị học lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khoá IX. Và biết vợ chồng nhà thơ đã từng có thời gian dài sinh sống, làm việc tại cộng hoà liên bang Đức
Là người có phong cách trẻ trung, năng động, sáng tạo, dễ hòa đồng. Chân thành cởi mở, có trách nhiệm với gia đình và bạn bè… Ngoài mê văn học, am hiểu về hội hoạ, thưởng thức âm nhạc, chị là người đam mê sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.
Là người quảng giao, với các điểm mạnh của mình, khi về nước chị đã có mối quan hệ rộng rãi với một số đại sứ quán như Hy Lạp, Síp, Bulgaria…
Và Công ty Cổ phần Đầu tư Liên Kết Việt gọi tắt là Công ty Vietlink do chị là chủ tịch đã được thành lập nhằm:
Tham gia bảo tồn lưu trữ, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
Kết nối, xúc tiến thương mại Việt Nam - Châu Âu
Cầu nối làm thủ tục cho mọi gia đình người Việt có nhu cầu định cư, sở hữu Golden visa và sở hữu nhà, biệt thự ven biển lâu dài tại một số nước châu Âu: Síp, Bun, Hy Lạp...
Đây cũng là công việc đang rất thành công của chị hiện nay.
Trong lĩnh vực văn chương, ngoài các tác phẩm in chung thì nhà thơ Vũ Minh Huệ còn có 2 cuốn thơ : “Dám yêu lần cuối”; “Con tim không đậy nắp” và tùy bút “Ngài Đại sứ”
Có lẽ do có thời gian dài định cư ở nước ngoài, đọc và thấm đẫm văn chương từ nền văn minh Châu Âu nên văn, thơ của chị rất tự do, phong cách mới mẻ, mạnh mẽ, phóng khoáng. Chị viết nhiều nội dung, thể loại, nhưng thơ tự do vẫn là thế mạnh của tác giả.
Khám phá trên cánh đồng ngôn ngữ bất tận trong thơ Vũ Minh Huệ tìm thấy sự trẻ trung, có cá tính rất riêng với phong cách này ít lẫn với bất cứ nhà thơ nữ nào.
Đọc thơ của tác giả nhiều lúc như dẫn dụ dắt ta vào mê cung, những lối mơ hồ, mộng du huyền ảo bất tận, trong bao nhiêu giấc mơ cũng khác lạ chẳng giống ai của chị như:
…” Dù biết mình không phải là chim/ Vẫn muốn bay/ Tôi muốn bơi, dù biết mình không phải cá/ Tôi bám vào đáy sông mơ bơi/ Bơi về phía mặt trời, bay trong lòng biển cả”
Và vẫn trong bài “ Tôi là người bình thường “ cảm thấy khát khao tự do trong vòng quay của tiến hoá tác giả viết:
…” Có ai trong đời không một lần muốn thoát/ Thoát khỏi điều bình thường, thoát khỏi điều vĩ đại/ Thoát khỏi vòng quay làm xây xẩm mặt mày…?/ Tôi bám vào đáy sông sâu bay về phía mặt trời/ Nhìn trái đất và mặt trăng/ Thấy kẻ muốn thoát khỏi mặt trời, kẻ muốn vùng ra tránh xa trái đất…/ Và vướng vào một vòng quay khác…”…
Trong “Con tim không đậy nắp” của Vũ Minh Huệ còn đọc được từ những “Tiếng mèo gào trong đêm”.
Đối với nhà thơ chủ đề lúc này không còn quan trọng nữa, chẳng cần phải tìm đâu xa. Trong đêm khuya tĩnh lặng nghe tiếng mèo gào mà liên tưởng để so sánh với chính mình như một cuộc đối thoại, một tâm sự thật thú vị:
…” Mày kêu gì?/ Mày muốn gì/ Mà sao kêu gào mãi/ Đêm là đêm của mày/ Đêm là đêm của tao/ Là đêm chung tất cả/ Sao mày kêu/ Cứ gào lên mãi thế…/ Tiếng mèo đập vào đêm vắng lặng./ Trằn trọc. Trằn trọc…”.
Hãy soi vào tâm trạng và cùng đọc suy nghĩ của người thơ thấy chị đã đồng cảm cả với tiếng mèo khi liên tưởng đến những đêm trằn trọc không ngủ được của chính mình:
“ Chẳng có tiếng mày thì trằn trọc vẫn bên tao/ Chẳng có tiếng mày thì tao vẫn thế…”…
Thử chu du với chị đến thế giới quỷ quái để cùng khám phá trong bài: “Thành Ma”. Chỉ nghe dòng thơ liêu trai này thôi cũng làm cho người yếu bóng vía khi màn đêm buông phải rùng mình rợn tóc gáy…
Dưới ánh sáng của đêm/ Những linh hồn thức dậy/ Từ trong lau sậy trồi ra/ Có tiếng nỉ non/ Có tiếng thét gào./ Đêm tối/ Náo nhiệt hơn với tiếng tru của sói/ Kìa con mắt đỏ dưới vầng trăng máu/ Thành ma./ Nếu một ngày ta biến thành ma/ Giấc mơ kia sẽ không còn ẩn náu…/ Ta đi vào đêm. Ta ẩn vào đêm/ Sẽ ngạo nghễ giữa ánh trăng rằm mà thách thức…”.
Trong tập ”Con tim không đậy nắp”. Còn nhiều bài viết về chủ đề ma quái như: “Bóng ma đêm - Mơ tôi tìm tôi giữa vầng trăng máu - Mộng du - Đêm trăng - Trên đỉnh mùa đông vv…”.
Cũng trong tập này với: “Bức hoạ khoả thân” từ góc nhìn rất nghệ sĩ để cho nhà thơ có cảm xúc thăng hoa qua lăng kính của mình bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Mới chỉ đọc qua tên bài tưởng chừng được đọc các ngôn ngữ phồn thực nhưng không.
Chị lột tả lên được vẻ đẹp thuần khiết như một tòa thiên nhiên tạo hoá đã ưu ái ban tặng cho phụ nữ. Thông qua tâm hồn và cây cọ của hoạ sĩ, những mảng màu tối sáng, tươi tắn bức hoạ đã trở nên hoàn mỹ:
…” Người hoạ sĩ thả hồn vào cây cọ/ Những sắc màu trào dâng lặng lẽ/ Người đàn bà…/ Nàng là hiện thân của đất, của trời, của vũ trụ…/ Trong ánh sáng thiên thần”.
Hay bài: “Bước chân trên những phím đàn” Chỉ có tâm hồn đa cảm, với cảm xúc của nhà thơ mới cảm nhận được những âm thanh mơ màng khi bước trên những phím đàn ấy, mới nghe được điều kỳ diệu của hiện tại và quá khứ như:
…” Có tiếng xạc xào của gió/ Tiếng cồn cào biển cả/ Thấy trong tiếng nhạc ngân nga/ Có tiếng vọng hồng hoang kiếp trước…”.
Với tâm hồn mộng mị, phiêu du giàu biểu cảm, hình ảnh, lang thang mãi trong cõi mộng. Vũ Minh Huệ cũng khác người khi “Rong chơi vào cõi mơ hồ” nhà thơ viết:
“Đêm chẻ gió ngồi đan gối mộng/ Rắc nắng vàng lên hôn lễ chiêm bao/ Chiều thả tóc kéo mây làm áo cưới/ Hớt cả sương đêm để đính vào…”
* Trong tập thơ “Dám yêu lần cuối”
Chủ đề thơ tình, mạnh mẽ, tình cảm nóng bỏng, tả cảnh vật chỉ là vin vào cái cớ để nhớ anh là thật cho đỡ lộ, đỡ thẹn mà thôi…
Qua bài thơ lục bát. “Tròng trành em anh” tác giả thể hiện:
“…Ô kìa/ Trông những giọt sương/ Long lanh ánh mắt môi hường nở hoa/ Má hồng/ Như phấn vừa thoa/ Bỗng dưng có giọt lệ nhoà. Nhớ anh…”
Trong chiến tranh khi người phụ nữ đang tuổi dậy thì hay tuổi tái xuân. Đêm nhớ chồng cứ vào ra, ngóng chờ không biết phải làm sao, để bớt đi cái cảm giác nhung nhớ rất bản ngã, bằng cách đổ lúa vào cối, xay suốt đêm cho quên đi thèm muốn xác thịt rất đời thường ấy.
Còn nhà thơ Vũ Minh Huệ khi nhớ cứ tự cào cấu mình đến bỏng rát cả thịt da mãnh liệt như thế cũng không phải là hiếm gặp:
…”Nhớ anh trời chẳng còn xanh/ Mây giăng tím sậm, gió thành phong ba/ Nhớ anh bỏng rát thịt da…”
Ngoài viết thơ, đam mê kinh doanh, chị còn viết văn. Tôi đọc cuốn tùy bút “Ngài đại sứ” được in thành 2 ngôn ngữ, tiếng Hy Lạp và Tiếng Việt thấy được nội lực trong bút pháp, cách quan sát, lý lẽ uyên bác sắc sảo, cách nhìn nhận của chị rất phong phú, đa dạng.
Tác giả đã định hình chuyển hoá cảm nhận của mình qua mỗi bức tranh triển lãm tại Hà Nội của “Ngài Đại sứ” thành ngôn ngữ gần gũi qua từng gam màu, từng nét vẽ trong tranh được chị khắc họa thuyết phục được bạn đọc. Thành công của Vũ Minh Huệ được các đồng nghiệp của ngài Đại sứ Hy Lạp Nikos D.Kanellos và giới nghệ thuật hội hoạ đón nhận, đánh giá rất cao.
Tuy nhiên trong thơ Vũ Minh Huệ nếu như được đầu tư công phu, chắt lọc, tu từ kỹ càng, kiệm lời và mạnh dạn bỏ bớt những từ không cần thiết trong một số bài viết. Chắc chắn sẽ thuyết phục tôi và bạn đọc nhiều hơn…Trong khuôn khổ bài viết và thời gian của buổi tọa đàm có hạn, những khám phá trong 2 tập thơ và tập tùy bút, chỉ như lát cắt mỏng chưa nói lên được gì nhiều về những tác phẩm này của Vũ Minh Huệ.
Xin dành phần còn lại cho các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình văn học, và bạn đọc ưu ái thẩm định, đánh giá cho tác phẩm đã góp mặt như một luồng gió mới mẻ trong nền văn học hôm nay.