Văn Hậu
Xóm Quan Hoa xưa là khu vực địa đầu trị trấn Cầu Giấy thuộc xã Yên Hòa (tên nôm Kẻ Cót) thời Lê thuộc phủ Quốc Oai, thị trấn Sơn Tây. Năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức, Hà Nội. Xã Yên Hòa có Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết (gọi Cót Thượng, Cót Hạ). Về sau thôn Thượng gọi là An Hòa thuộc huyện Hoàn Long, Hà Đông. Năm 1942 thuộc ngoại thành Hà Nội. Năm 1949 thuộc Liên xã Song Yên. Từ năm 1956 gọi là xã Yên Hòa. Ngày 13-10-1982, xóm Quan Hoa được cắt về thị trấn cầu Giấy. Tháng 9-1997 một phần của đất thị trấn cùng toàn bộ thôn Tiền xã Dịch Vọng lập thành phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy. Quan Hoa nổi tiếng với nghề làm giấy moi, giấy bản, quạt thóc, giấy làm pháo, dệt lĩnh lụa:
Nhắn ai trẩy chợ kinh thành
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về
Khoảng 1936-1945, giữa xóm có trường tư thục Quan Hoa “Quan Hoa học đường” do cụ giáo Nguyễn Văn Mai (1909-1978) làm hiệu trưởng. Trường mở từ lớp Năm đến lớp nhất, ngày học hai buổi. Dịp hội làng, cụ giáo Mai vẫn tổ chức cho môn sinh xem chèo “Lưu Bình Dương Lễ”, tuồng “Quan Công thất thủ Hạ Bì”. Nhớ tiết thầy dạy bài thơ “Mẹ” của La Phông Ten, nhà thơ Pháp:
- Đang đêm con ngủ
Ai cuối xuống bế con
Con mỉm cười khi con thức dậy
Chính là người mẹ bé nhỏ của con
Một số môn sinh từng học thầy: TS Nguyễn Xuân Dục ngành sinh vật biển, TS Nguyễn Văn Trạch ngành Mỏ Địa chất, nhà nghiên cứu VHGD Đỗ Thỉnh, Nguyễn Hữu Thành (HP Đại học Văn Hóa), nhiều người là chiến sĩ thi đua, tổ trưởng xuất sắc, xã viên tiên tiến như: Nguyễn Quang Diệu, Nguyễn Hồ...
Tên trường học là tên xóm mà cũng là tên một Hương sư có đức, có tài từng mở trường dạy học ở đây. Bia trong xóm còn ghi: Cụ là Nguyễn Đình Thịnh, giám sinh Quốc Tử Giám, Đỗ Hướng cống hiệu là “Lạc Thiên Tiên sinh”. Cụ Thịnh là người cuối cùng thi đỗ Tam trường làm quan Huấn Đạo phủ Lâm Thao sau được bổ nhiệm làm Tri huyện Hoa Khê (một trong năm đơn vị của phủ Lâm Thao) đời vua Lê Cảnh Hưng 1740-1786. Sau đó xin về trí sĩ, cụ Quan Hoa Khê về ở đất Cót Thượng mở trường dạy học. Khi cụ mất, các môn sinh lập bia xây mộ. Dân xóm lấy tên Quan Huyện Hoa Khê đặt tên xóm, sau đổi tên tắt là “Quan Hoa”. Ngày giỗ hàng năm của cụ là 25-3 âm lịch. Các môn sinh của Quan Hoa học đường (trước 1945) còn làm lễ, hưởng phần lợi tức 3 sào ruộng do thầy để lại tới họp mặt bên bệ Quan Hoa. Ngày nay bà con trong xóm bỏ công sức, tiền của để tôn tạo miếu đường, bên ngôi mộ. Khu di tích vẫn còn bệ tế, cột cao 2,5m. Tấm bia hai mặt ,chữ Hán từ thời Hậu Lê ghi rõ về gia đình thầy giáo và các môn sinh ưu tú có công xây dựng khu tưởng niệm. Cớ câu đối ghi ở Lăng mộ, bản dịch:
Danh mộ Tiếng thơm trời cho tuổi.
Xã văn quý trọng đất lưu truyền.
Cố chủ nhiệm Vương Tiến CLB thơ Ban Mai từng ca ngợi danh thơm cụ :
Lập công đầu nâng cao dân tri
Mở lớp trường được dân quý dân yêu
Khắp một vùng tấp nập sớm chiều
Trò chăm học thầy miệt mài dậy dỗ
Nhớ ơn thây dân xây khuôn viên bia mộ
Mấy trăm năm vẫn hương khói không quên
“Quan Hoa học đường” mang tên người thầy từng ở Hoa Khê có nghĩa dòng suối hoa mang hương thơm của đạo đức, nhân ái. Tên tuổi của thầy lại trở thành tên đất một xóm, tên trường Mầm non, Tiểu học, tên phố Quan Hoa bên dòng sông Tô.
Văn Hậu
Hội VNDG Hà Nội