ĐOÀN HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI ĐI THỰC TẾ

Thứ bảy - 03/06/2023 12:23
Đoàn làm lề dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ Trung đoàn Tây tiến
Đoàn làm lề dâng hương tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ Trung đoàn Tây tiến

   

    ĐOÀN HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI ĐI THỰC TẾ TẠI MỘC CHÂU - SƠN LA

     Thực hiện chương trình công tác năm 2023, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức một đoàn nhà văn hội viên đi thực tế sáng tác tại Mộc Châu - Sơn La trong 3 ngày: 30, 31/5 và 01/6/2023.

  Đoàn gồm 40 nhà văn, thơ, lý luận phê bình và dịch văn học thuộc 4 Chi hội: I, II, Khu vực Hà Đông - Sơn Tây và Bắc Sông Hồng.

   Với chiều dài tuyến đường từ Hà Nội đi khoảng trên 200 km, đường có nhiều đèo dốc phải vượt qua; khuôn khổ thời gian thì có hạn mà nhu cầu tìm hiểu thực tế lại nhiều nên Đoàn đã xác định cố gắng tận dụng, huy động mọi khả năng của cá nhân và tập thể để hoàn thành nhiệm vụ ở mức tối đa.

   Chuyến đi hoàn toàn chìm trong những ngày thời tiết nắng gắt, nhiệt độ khu vực lên tới 38 - 40 độ C. Đoàn đã vượt dốc lên tận khuôn viên Nhà truyền thống Trung đoàn Tây tiến (Trung đoàn 52) năm xưa - nơi tạo dựng thành mô hình dựa trên ý tưởng các địa danh nêu trong Bài thơ Tây tiến của cố Nhà thơ Quang Dũng - một chiến sĩ của Trung đoàn 52 anh hùng. Thêm một lần, chúng ta đọc Tây tiến, hiểu nội dung bài thơ, hiểu về Trung đoàn và về thắng lợi của mũi tiến công đánh về miền tây cũng như cục diện toàn chiến dịch đánh Pháp mang tính hữu nghị hai dân tộc Việt - Lào.

z4391536796995 a130f2170dddd825e1d97dff2268efcb
 Kỷ niệm bên Nhà truyền thống Trung đoàn

     Tiếp đó, Đoàn trở về khu cư dân sinh sống và canh tác vùng sâu phía chân núi từ Thị trấn Nông trường đến Thị trấn Huyện. Nơi đây, người dân chuyên trồng các loại cây ăn quả như mận, đào, xoài cóc và cam…theo phương pháp, tiêu chuẩn mới, tạo và sử dụng phân bón hữu cơ, không dùng phân và các loại thuốc hóa học trừ sâu đồng thời giảm thiểu các chất thải nhựa, túi nilon…Cũng gần với Thị trấn,  Huyện đã tận dụng một số thác nước, suối và đồi cây xanh để tạo thành các điểm vừa khám phá cảnh quan (như rừng thông, thác dải yếm, cầu kính, thung lũng hoa và chợ quê), vừa vui chơi, trải nghiệm, nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch. Tại đây, Đoàn đã cùng liên kết, tổ chức giao lưu văn hóa dân tộc và sinh hoạt thơ ca nhằm tăng cường hiểu biết về địa lý, lịch sử và tập tục truyền thống các địa phương, miền vùng, nhất là khu vực bản người Thái, Mông và Dao…

    IMG 1732 (1)
     Chụp ảnh kỷ niệm tại một điểm du lịch của Huyện.

     Kết thúc chuyến đi, anh chị em nhà văn phấn khởi với những hiểu biết thu nhận từ thực tế và chắc chắn nó sẽ bổ trợ thêm cho quá trình tư duy sáng tạo, nhất là đối với những sáng tác trực tiếp của mỗi cá nhân, phản ánh về sức sống mới của Mộc Châu - Sơn La, hình ảnh tươi tắn của miền vùng Tây bắc Tổ quốc chúng ta. Anh chị em thể hiện sự tâm huyết và mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các chuyến dã ngoại bổ ích như chuyến đi này.

PV.



    Thơ

 

XANH MỘC CHÂU

Nguyệt Vũ

 

Kìa, nắng lung linh qua vòm lá
Ngỡ má em hồng trong nắng mai
Nào đâu mận tím Sơn La đó
Đang độ vào mùa ngọt, giòn tan

Vào vườn hái mận đeo gùi nhỏ
Nghe chim chích chích giữa vòm cây
Lung linh nắng nhỏ đang nhảy nhót
Trên má em hường hương nắng thơm

Theo gái H'Mông đi trẩy mận
Nắng cười trong mắt tím môi thơm
Hương đồng gió nội say say thế
Lữ khách mải vui quên lối về

Này ơ, về xuôi mang theo nhé
Tiếng chim chích chích giữa vòm cây
Nắng hè đổ lửa giòn tan mận
Gió núi vi vu mướt mướt chè

Này ơ, về xuôi mang theo nhé
Ánh mắt em cười xanh Mộc Châu.

 
 

VỚI MỘC CHÂU

Thanh Ứng
 

Cùng em đến với Mộc Châu
Ngỡ như cái thuở ban đầu thân quen

Ngược đường số 6 đi lên
Sông Đà xưa đã ở bên ta rồi
 
Nhà cao, cầu lớn , mặc người
Bến đò ngày ấy vẫn ngời nghĩa nhân
Lại về với Ngã ba Chăm
Mái trường sư phạm những năm miệt mài
 
Qua bao đường rộng, dốc dài
Xe đưa ta gặp đất trời Mộc Châu
Ngỡ như đã hiểu lòng nhau
Cũng sông Hò Hẹn, cũng cầu Tình Yêu
 
Thác Dải Yếm trắng trong chiều
Rừng thông tím chứa bao điều hằng mong
Thành tâm dâng nén hương lòng
Thương người Tây Tiến đi không trở về
 
Tuổi già được chút đam mê
Đùa vui vườn mận, thỏa thê vít cành
Ước về cái thuở "Em-Anh"
Hóa thân đào mận...tỏ tình...
được chăng?...
 
Mộc Châu về ...lại bâng khuâng...

 
 
CÙNG EM LÊN MỘC CHÂU
Trần Trọng Giá
 
Mùa hè xa thành phố
Cùng em lên Mộc Châu
Quên ồn ào náo nhiệt
Thảo nguyên xanh một màu.
 
Đổi vải reo vui hát
Giữa đất lành Trường Khoa
Lẫn hương thầm ngào ngạt
Níu chân người phương xa.
 
Trải dài như tấm thảm
Đồng cỏ xanh bao la
Các hoa hậu bò sữa
Đùa vui khi chiều tà.
 
Tôi say giữa đại ngàn
Đồi chè tràn gió mát
Cô gái Thái xinh tươi
Tay hái chè miệng hát.
 
Thác Dải Yếm ngày đêm
Ầm ào ru tiếng nhạc
Du khách nào chẳng say
Giữa rì rầm thông hát.
 
Lên Mộc Châu hôm nay
Mận đang mùa chín rộ
Mở hội thi giữa mùa
Tím chiều còn vương nhớ…
 

x

 
ĐÔI MẮT MỘC CHÂU
 
Bắt đầu mùa cày ải
Mẹ chưa xuống đồng ruộng loang lổ chân chim
Nắng Sơn La găm vào da thịt
Gió Lào vắt cạn cả  lặng im
 
Cánh phượng cháy dần miền kỷ niệm
Mưa đầu mùa khóc trên mắt bằng lăng
Nắng nhảy nhót lên vai người cửa chợ
Đốt cháy tôi bằng ánh mắt Mộc Châu
 
Má hây hây nhuốm đỏ trời biên giới
Chập chùng núi chập chùng mây
Đường Tây Tiến lên tận cổng trời
Nghe bước chân Pha Luông
 
Mận ửng chín  như tình người Sơn La
Chua ngọt đủ níu lữ hành dừng bước
Suối Dải Yếm vắt ngang trời thua được
Ai vắt hồn tôi nghiêng chiều bình nguyên
 
Em bán niềm vui để mua vui
Giấu tôi vào tháng sáu ngậm ngùi
Tôi khoác mầu xanh Em về phố
Hoàng hôn loãng dần ta chìm vào đôi mắt Mộc Châu.
 
 

c

 
 
Mình hẹn nhau về thăm đất Mộc Châu
Ghé vườn mận đang vào mùa trĩu quả
Cùng khám phá một miền đất lạ
Cảnh thiên nhiên thơ mộng đến nao lòng
 
Những đồi chè xanh ngút ngát mênh mông
Thác Dải Yếm hút hồn bao lữ thứ
Thăm di tích đã lưu danh trang sử
Thuở kiêu hùng - "Tây Tiến " hào hoa
 
Cùng tìm về giữa bát ngát mùa hoa
Trên cao nguyên ngợp hương đồng gió nội
Thông Bản Áng vi vu gieo nắng mới
Đêm giao lưu thơ nhạc đậm nghĩa tình
 
Ta bồng bềnh trong mờ ảo lung linh
Giọng thơ em ngọt ngào say nốt nhạc
Tiếng hát ngân mãi bổng trầm man mác
Phím tơ lòng hòa giai điệu thiết tha
 
Em dịu dàng trong dáng điệu kiêu sa
Anh bỗng thấy con tim mình thổn thức
Vầng trăng khuya cũng ngẩn ngơ nao nức
Say vần thơ xướng họa đến không lời
 
Hồn núi rừng cứ dìu dặt chơi vơi...
 
 
           t
            
 
 
Lên Tây Bắc nhớ "quân xanh màu lá"
Bóng "đoàn binh không mọc tóc" thuở nào
"Khúc độc hành gầm lên sông Mã"
Trong khói hương, dạ thấy nao nao...
 
"Tây tiến người đi không hẹn trước"
"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Mộc Châu hương nếp theo chân bước
Biên cương khuất bóng với khói sương...
 
Ơn bao chiến sĩ "mồ viễn xứ"
Để có hôm nay non nước bền
Lòng thành gửi quyện trong hương khói
Tây Bắc dậy mùa nắng mới lên.
 
 
        
 
 
Chênh vênh chênh vênh núi
Nắng vàng như mật ong
Chiều bẻ cong nỗi nhớ
Mộc Châu xanh yêu thương
 
Ấm tình người Tây Bắc
Lưu luyến những cung đường
Cúc bạc em sóng sánh
Thác Dải Yếm bỏ bùa
 
Rừng thông chiều đốt lửa
Cháy rực một tình yêu
Rượu cần tay em vít
Say trong đêm tự tình
 
Khèn môi ai réo rắt
Vấp vào em say rồi.


h

 
 
 
Con đường ngoằn ngoèo
Qua dốc Cun nhẹ như làn sương khói
Đèo cứ ngủ, gió cứ reo
Tam giác mạch mé sườn đồi rưng rức tím
Hạ đang tràn trên đồi chè xanh
Hoa cải vàng đỏng đảnh trong hốc đá lưng chừng đèo Tây Bắc
 
Trượt đồi em gái Cao Lan váy xòe thổ cẩm
Nụ cười tươi răng em thật trắng
Em lẫn giữa luống chè thẳng tắp trên nương
 
Chàng trai núi ơi!
Anh gọi gì mà vang rừng núi
Ngọt tiếng khèn môi gọi mùa yêu mùa bắt vợ
 
Vốc một vốc Mộc Châu
Tải xuống thung ngàn vạn cây mận quả
Hãnh diện vị núi
Kiêu sa hương đồi
ửng đỏ trời Tây Bắc
 
Vốc anh vào em
Thác Dải Yếm tuôn trào những mành sữa
Mình mơ nhau cầu kính tình yêu
Đưa anh qua cánh đồng cỏ voi
Đàn bò sữa tung tăng gặm tinh mơ Tây Bắc
Dâu tây chín đỏ
Ngọt em ngọt cả Sơn La
 
 
 
 
 
Chiều về, mua được mận ngon
Xe dừng ngang dốc, nắng còn trên cao
Hỏi em vườn ở nơi nào
Ở lưng chừng núi, lối vào cheo leo
Bản Mông qua suối, lên đèo
Tiếng khèn gọi bạn trăng treo đầu hồi
 
Gùi mận hết cả mồ hôi
Quả to, quả nhỏ vậy thôi anh à
Chút quà, quà của đường xa
“Của đồng, công nén” mới là mận ngon
 
Ngọt, mềm, tim tím thắm son  
Mộc Châu ơi!
Liệu có còn...
Đâu hơn?

         
           z4394938662362 a7ed1b9c05affbdd2eb8b573967bee42
              Đoàn Nhà văn dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ Trung đoàn Tây tiến năm xưa

                     

ĐẾN KHU TRUYỀN THỐNG TRUNG ĐOÀN TÂY TIẾN

      Thanh Bảo Nguyên

          S áng ngày 31/5/2023, trong chuyến đi thực tế, Đoàn nhà văn của Hội Nhà văn Hà Nội đã tới thăm Khu di tích Quốc gia - địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến. Khu di tích nằm ở địa thế đẹp, được thiết kế độc đáo, nơi đây là “Địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, là điểm “ Về nguồn” đầy ý nghĩa đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam cũng như du khách gần xa khi đến với cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Đoàn chúng tôi được thuyết minh viên khu di tích Quốc gia - Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến cho biết, trung đoàn 52 Tây Tiến được thành lập vào năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào bảo vệ vững chắc vùng biên giới của Tổ quốc. Chiến sỹ của đoàn Tây Tiến phần đông là học sinh, sinh viên Hà Nội đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, họ rời tay bút, rời mái trường thân yêu, tự nguyện ghi tên, cầm súng ra chiến trường. Địa bàn hoạt động của đoàn Tây Tiến khá rộng, chủ yếu là các tỉnh vùng cao Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa…, chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tháng 6/1949, Trung đoàn 52 Tây Tiến đổi tên thành Trung đoàn 12 thuộc Liên khu III. Đến năm 1951, khi Sư đoàn 320 được thành lập, Trung đoàn Tây Tiến trở thành một trong ba Trung đoàn của Sư đoàn này. Trong kháng chiến chống Pháp, đoàn quân Tây Tiến đã vượt qua mọi khó khăn về điều kiện chiến đấu, địa hình, lập nên nhiều chiến công vang dội. Trung đoàn đã vinh dự được tặng cờ Quyết chiến, quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được mang tên truyền thống đoàn Đông Biên. Trung đoàn được tặng 8 Huân chương Quân công và 218 huân chương các loại.

Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng vào năm 2006 tại đồi Nà Bó, tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, Sơn La và được trùng tu, tôn tạo vào tháng 3/2015, Khu di tích Quốc gia - Địa điểm lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được Bộ VHTTDL công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2016.  Khu di tích được thiết kế dựa theo ý tưởng của bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng (một chiến sỹ của Trung đoàn). Với diện tích 5.000 m2, quần thể khu di tích gồm 7 hạng mục như khu nhà truyền thống, 5 bức phù điêu, đài tưởng niệm, Bia ghi danh chiến sỹ Tây Tiến, khu hoài niệm, đài vọng tưởng. Mỗi hạng mục trong khu di tích là một câu chuyện, một kỷ niệm, một chiến công gắn với đoàn quân Tây Tiến.

Đoàn nhà văn của Hội nhà văn Hà Nội theo sự hướng dẫn của thuyết minh viên, điểm đến đầu tiên là nhà truyền thống được thiết kế theo kiểu nhà sàn dân tộc Tây Bắc. Không gian trưng bày chia thành 3 phần: Không gian “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, không gian “Tây Tiến một thời và mãi mãi” giới thiệu hình ảnh và các kỷ vật của Trung đoàn Tây Tiến xưa và nay tiêu biểu như đèn, áo trấn thủ, giấy chứng minh của nhà thơ Quang Dũng, không gian “Tây Tiến hào hùng và tài hoa” tái hiện lại hình ảnh của người lính Tây Tiến năm xưa, tiêu biểu là những sáng tác trong những năm tháng kháng chiến gian khổ với nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian: Bức tranh “Nuôi giấu thương binh” của họa sỹ Quang Thọ, chân dung nhạc sỹ Doãn Quang Thái tác giả của các khúc “Vì nhân dân quên mình”, tượng bán thân của nhà thơ Quang Dũng cùng bài thơ "Tây Tiến"

Rời nhà truyền thống, đoàn chúng tôi đi theo 52 bậc đá là tên gọi của Trung đoàn 52, bậc đá được thiết kế có đoạn thẳng vút, có đoạn uốn lượn tượng trưng cho chặng đường hành quân của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa với những dốc cao, vực sâu vô cùng hiểm trở. Năm bức phù điêu được thiết kế xung quanh quần thể ghi lại những câu chuyện cảm động về chiến công của Trung đoàn Tây Tiến. Đài tưởng niệm  nằm ở vị trí cao nhất của quần thể được thiết kế hình cụm lưỡi lê, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung đoàn Tây Tiến.

Đoàn đã dâng hương tưởng niệm những chiến sĩ quả cảm, hy sinh bảo vệ Tỏi Quốc lúc tuổi mới đôi mươi, ai ai trong đoàn cũng ngập tràn cảm xúc, mắt ngân ngấn lệ.

Phía trước đài tưởng niệm là hai biểu tượng gắn liền với chặng hành quân của Trung đoàn 52 Tây Tiến, đó là Thạt Luông - biểu tưởng của văn hóa, tinh thần của các bộ tộc Lào gửi tặng Trung đoàn Tây Tiến và hoa lau - loài cây rừng gắn với chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến tạo nên một không gian thơ mộng, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc. Nằm không xa Đài tưởng niệm, Nhà bia ghi danh được thiết kế theo kiến trúc “Khải Hoàn môn”, đây là biểu tượng cho những chiến công cũng như những ước vọng về ngày chiến thắng.

Phía trước Đài tưởng niệm là không gian của Khu hoài niệm, đài vọng tưởng được thiết kế khá đặc biệt với sự bao bọc cửa kính trong suốt, mở ra một không gian thoáng đãng. Từ đây,  có thể quan sát không gian của núi rừng Tây Bắc thơ mộng, huyền bí và đầy bí ẩn cùng toàn cảnh thị trấn Mộc Châu. Đứng trên đài cao ngắm núi rừng Tây Bắc, trong lòng tôi hoài niệm về Trung đoàn Tây Tiến với những chàng trai Hà thành hào hoa, lãng mạn mà vô cùng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân vì đất nước.
TBN


 

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây