Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư và Phạm Thanh Khương - hành trình sáng tạo

Thứ tư - 18/10/2023 08:23
Sáng ngày 12/10/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm xuất sắc năm 2023 với chủ đề “Sáng tạo văn chương của hai nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư và Phạm Thanh Khương”. Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, hội viên.
Nhà văn Phạm Thanh Khương (thứ 3 từ phải sang) và nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư (người ôm hoa) chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn văn.
Nhà văn Phạm Thanh Khương (thứ 3 từ phải sang) và nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư (người ôm hoa) chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn văn.

Yến Ly • 12/10/2023 16:40


    Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà văn Y Ban cho biết, nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1984. Năm 1986, bà đã có truyện in trên tạp chí Văn nghệ quân đội và 1 năm sau đó đã đoạt giải Ba cuộc thi viết truyện ngắn trên tạp chí này. Bà là nguyên Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
 

1

­­­­Buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, hội viên.

    Còn nhà văn Phạm Thanh Khương, vốn xuất thân là sĩ quan biên phòng từ Học viện biên phòng, cũng đã đoạt giải Ba truyện ngắn trong cuộc thì trên Văn nghệ quân đội giai đoạn 1989 - 1990. Ông đến với văn chương từ các cuộc thi và đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác. Ông là nguyên Phó Tổng biên tập báo Biên phòng. Hơn ba mươi năm qua, cả hai nhà văn đều là những cây viết bền bỉ, không mệt mỏi ở các lĩnh vực tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết và có nhiều tác phẩm đã xuất bản.

Buổi tọa đàm đã giới thiệu tập truyện ngắn Bản tình ca mê đắm của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư và cuốn tiểu thuyết Gã điên và ngõ thiên đường của nhà văn Phạm Thanh Khương. Tại đây, nhiều nhà văn, nhà phê bình đã có những đánh giá, chia sẻ về hai tác phẩm.

Bản tình ca mê đắm là tập truyện ngắn gồm 13 tác phẩm. Trong đó, có 2 truyện ngắn viết về đề tài xây dựng hình ảnh lực lượng công an nhân dân, còn lại là những lát cắt mô tả đời sống thị dân.
 

3,21

Cuốn sách "Gã điên và ngõ thiên đường" và "Bản tình ca mê đắm".

Phát biểu về tác phẩm Bản tình ca mê đắm, nhà văn Văn Chinh cho rằng: Khiêm tốn chân thành trước mọi nguyên vật liệu của nghệ thuật là đặc tính thứ nhất của văn phong Nguyễn Thị Anh Thư. Điều thứ hai, bà tả cái đẹp vốn có của Hà Nội xưa hay nay dù bối cảnh nào cũng đều rất đích đáng và tài tình.

Đến với tọa đàm từ Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh bày tỏ sự thích thú khi bị cuốn vào từng ô cửa sổ mở ra những tầng lớp thị dân ở đô thị trong Bản tình ca mê đắm. “Tập truyện ngắn cho thấy tác giả vừa giàu vốn sống vừa tinh tế. Đằng sau sự duyên dáng và lôi cuốn của từng câu chuyện, là sự biến động của xã hội và thời cuộc. Có những điều lớn lao ẩn trong những điều nhỏ bé giản đơn. Nguyễn Thị Anh Thư đã vận dụng cái kỳ ảo, tiếng cười trào phúng - dù bông đùa suồng sã hoặc châm biếm mỉa mai - nhưng đằng sau đó là nước mắt, là những những câu chuyện bi hài đáng suy ngẫm”, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh nhận định.

Gã điên và ngõ thiên đường là câu chuyện với đề tài nóng hổi rất thời sự đó là quy hoạch đất đai và những dự án. Trong ngõ chung ấy là nhiều câu chuyện cười ra nước mắt, nhiều mưu toan và cả những phận người…

Theo nhà văn Đinh Đức Cần, Gã điên và ngõ thiên đường gây sự tò mò ngay ở tên sách. Và Phạm Thanh Khương đã chọn một đề tài khó, đang nóng, thậm chí “hơi liều mạng” - đó là vấn đề đất đai - một vấn đề nóng bỏng xảy ra trên toàn quốc trong những năm gần đây. Dù tiểu thuyết không tập trung xây dựng một nhân vật chính nào cả nhưng tác giả đã làm bật lên những thân phận con người thông qua hiện thực xã hội gai góc. Bằng vốn sống thực tế phong phú và mổ xẻ vấn đề một cách sâu sắc, tác giả mang đến câu chuyện vừa chân thật, hiện thực lại vừa nhân văn.

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên nhận định "Gã điên và ngõ thiên đường là một cuốn tiểu thuyết mang tính phản biện xã hội cao và rất đáng để đọc. Với thể thức giễu nhại càng làm cho tính giải trí của nó cao rõ nét hơn, khiến người đọc dễ dàng tiếp nhận tác phẩm”.

Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư và nhà văn Phạm Thanh Khương xúc động trước những chia sẻ của bạn bè văn chương trong buổi tọa đàm. Những nhận định, đánh giá và cảm nhận của các văn nghệ sĩ về hai tác phẩm góp mặt trong tọa đàm đều là những tình cảm đáng quý đối với hai nhà văn.

Chúc mừng sự thành công của tọa đàm, nhà văn Y Ban tổng kết: Qua các tham luận, chia sẻ trong tọa đàm, cho thấy cả hai nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư và Phạm Thanh Khương đều có những thủ pháp riêng trong sáng tác. Và quan trọng, đó là sự nắm bắt rất nhanh bức tranh xã hội để đưa vào tác phẩm của mình một cách duyên dáng và lôi cuốn người đọc. Dù viết với phong cách, đề tài gì, các tác phẩm đều hướng tới tính nhân văn, đó là sự thành công của hai nhà văn./.
Y.L


 

     VIẾT KHÔNG DỪNG LẠI ĐƯỢC

       Nhà văn Lê Minh Tý                                                                                                

      Nhà văn Phạm Thanh Khương sinh năm 1959, quê ở Kiến xương,Thái Bình, là sinh viên khóa 2, hệ 5 năm Học viện Biên phòng, ra trường năm 1983. Đã kinh qua nhiều cương vị công tác: Làm cán bộ chính trị tại Học viện rồi làm Phó Tổng biên tập Báo Biên phòng, sau này làm Phó phòng Tuyên huấn bộ đội biên phòng. Sự nghiệp văn chương của anh có bước phát triển dài và gặt hái được những thành công đáng kể. Về nghỉ hưu, anh mang quân hàm Đại tá. Hiện là Hội viên Hội Nhà văn VN và Hội viện Hội Nhà văn HN. Thời gian đương chức, anh được giao làm Công tác Đảng- Công tác chính trị (CTĐ- CTCT).Từ những năm 2004 (Khoảng 20 năm kể từ khi ra trường). Vốn yêu thích lại sẵn có năng khiếu văn chương từ hồi còn trên ghế nhà trường,mặt khác, trong quá trình công tác cũng lại do duyên nghề đưa đẩy nên anh đã sáng tác và cho ra đời truyện ngắn đầu tay. Thế là, từ ấy công tác chính trị và văn chương cứ hòa quyện, đan xen vào nhau. Ngay những ngày đó, anh đã viết văn, làm thơ, còn để phục vụ cho công việc. Rồi gần như thành thói quen, ban đầu là  cây bút sau này là bàn phím, ngày ngày anh cứ viết, viết liên tục viết miệt mài và đều đặn. Kết quả sự lao động sáng tạo của anh đã sớm đã đơm hoa kết trái. Mà như người đồng nghiệp đã nhận xét về sự trưởng thành đó: “Phạm Thanh Khương dựng danh được hơn 10 năm mà đã tạo cho mình chỗ đứng trong làng văn chương khá vững vàng và đầy triển vọng sáng sủa.( Nhất là khi nhận giải: Cây bút Vàng của Bộ CA trao tặng)”

Gần 40 năm tại ngũ, nhất là khi về nghỉ hưu (năm 2018) anh càng dành nhiều công sức, thời giờ hơn cho sáng tác thơ, văn. Ngoài ra, trong ngày anh còn dành chút thời gian cho thú vui câu cá thư giãn, rồi đi giao lưu văn chương với bạn bè, hội lớp, hội đồng ngũ và cũng là dịp tìm về những kí ức, cảm xúc, gây men cho những dự kiến mới.  Anh đang làm việc với sự sáng tạo của một sĩ quan, nhà văn, anh em văn chương chúng tôi ghi nhận và rất khâm phục: Một nhà văn mẫn nghề, luôn khát khao cống hiến. Hiện anh và gia đình đang ở Quận Long Biên, TP Hà Nội... Nhiều lần đến chơi thăm và nhờ việc, tôi thấy tinh thần làm việc của anh mà nể trọng, chẳng khác chi sự cần mẫn của những con ong chăm chỉ tìm hoa kiếm mật; miệt mài trau truốt chắp từng con chữ lên những trang viết của mình. Viết là niềm vui cũng là sự “khổ cực” của anh: Anh viết “ Như chưa bao giờ được viết”….điều này, chính anh cũng tự sự trong tác phẩm. Đó là, khi có ông bạn hàng xóm mang ấm trà ngon đến để nhâm nhi, không thấy anh ngẩng lên tiếp khách, khiến anh bạn phải nặng lời: “ Viết lấy được à?” Ừ “viết lấy được, viết cho chết”. Chỉ trong 2 năm, anh viết 2 cuốn tiểu thuyết có độ dày 200 và 300 trang. Say nghề trong từng con chữ, say sưa lao động với cảm xúc đầy hứng thú và trách nhiệm. Phạm Thanh Khương viết và cũng thành công ở nhiều thể loại. Từ truyện ngắn, tản văn, báo chí, thơ, tùy bút, rồi đến tiểu thuyết.  Anh đã cho ra mắt 5 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết và 2 tập thơ. Quá trình lao động nhẫn nại, hứng thú, Nhà văn đã giành về cho bản thân những thành quả với nhiều giải thưởng danh giá. Đó là, được Hội Nhà văn VN , Hội Nhà văn HN, các bộ, ngành TW tặng thưởng, đến 18 giải văn học và báo chí (Từ các giải: nhất, nhì, ba, khuyến khích ) ấn tượng nhất là giải Cây bút vàng của Bộ Công An tặng năm 2020, với tập truyện ngắn : Thợ Rập.

Riêng tôi, rất ấn tượng với 2 tập: Giáp mặt - NXB CAND, năm 2020 và Gã điên và ggõ Thiên đường - NXB Hội Nhà văn, năm 2021.

Là bạn đọc và thường xuyên quan tâm đến lĩnh vực văn chương, tôi nhận thấy: Nhà văn, Nhà thơ Phạm Thanh Khương có phong cách, sở thích rất riêng. Làm chính trị thì luôn lắng nghe, giảng giải ôn tồn; lời nói việc làm gương mẫu, tính tình sởi lởi, tận tình chu đáo, văn bản, báo cáo theo nề nếp dưới - trên…Đặc tính, phong cách này đã đọng lại trong anh khá nhiều năm. Khi sang làm công tác Báo chí, Biên tập tin bài  lại chu cẩn từng câu chữ, trau truốt văn phong, ngữ nghĩa phong phú và tính chính xác của sự việc và hiện tượng. Khi đã gia nhập hai Hội chuyên nghiệp, anh tự mình cho sự viết “phải khác” yêu cầu, chất lượng phải khác. Bởi thế, trong các tác phẩm của anh, kể cả văn cũng như thơ rất phong phú và giàu trí tưởng tượng lại pha chút khôi hài, tếu táo; Phong cách và tư duy sáng tác luôn có sự bứt phá, pha chút táo bạo. Ví như, trong việc đặt tên các nhân vật trong tiểu thuyết, điển hình là tiểu thuyết: Gã điên và Ngõ thiên đường nói lên điều đó. Cách đặt tên nhân vật, anh không chú trọng dùng những từ mĩ miều, hào hoa phong nhã, mà thường đặt tên cho các cái tên dông dài ngồ ngộ…Càng đọc càng nhận thấy anh sở hữu một mô tuýp riêng với lối tư duy hoàn toàn khác, không chấp nhận theo lối mòn … Ý tưởng, chi tiết xung đột, kịch tính, làm người đọc cứ lật hết chương nọ sang chương kia, đọc không chán. Ngôn từ trong truyện rất dung dị, đời thường, hài hước, dí dỏm, ngôn ngữ độc lạ, gây ấn tượng sâu. Cả 2 tập tiểu thuyết Gã điên và Ngõ thiên đường của anh đều những chất liệu, mạch văn đó khiến người đọc ghét cay ghét đắng nhân vật phản diện. Còn vui thì thật vui, buồn thì thật là buồn và cười thì cười ra nước mắt.

Cuốn tiểu thuyết GIÁP MẶT dày 200 trang, gồm 13 chương nói về cuộc chiến đấu chống tội phạm buôn bán ma túy trên biên giới- Vùng đồng bào dân tộc, rất cam go, quyết liệt và đầy gian khổ hi sinh của lực lượng BP và CA nơi vùng cao biên giới Phù Sai La Leng. Tiểu thuyết đã được giải nhì viết về ANTQ do Bộ CA phát động và trao giải năm 2020. Đây là tiểu thuyết có tiếng vang trong làng văn học.

Chương nào cũng nhiều sự vật sự việc và các tuyến nhân vật chằng chịt sâu chuỗi nhau. Là cán bộ BP lâu năm lại từng trải trên các tuyến vùng cao biên giới nên khi nói về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới. Nhà văn đã khái quát thực trạng kinh tế- xã hội vùng này rất xác thực, mang tính thuyết phục “Cơn lốc ma túy làm cho nhiều nơi, nhiều địa phương rất phức tạp về chính trị- ANTT. Nạn cướp trộm cắp, giết, hiếp người tăng vọt. Từ những phức tạp rối rắm nhậy cảm về tội phạm buôn bán tàng trữ chất ma túy gây ra, mà việc đấu tranh chống lại loại tội phạm này cũng rất gay go quyết liệt có hi sinh đổ máu. Hậu quả của nạn buôn bán ma túy sẽ làm cho một số gia đình lưu tán, thù hằn lẫn nhau; đồng thời cũng xuất hiện tội phạm giết người cùng các tội phạm khác gia tăng. Tất cả đều được tác giả nêu lên rất chi tiết, cặn kẽ, từ đó giúp đề ra biện pháp ngăn chặn, chống chọi với chúng. Tính phức tạp và tiềm ẩn sự ác liệt trong cuộc đấu tranh này được tác giả nêu lên: “ Ổ nhóm này phải có từ 40-50 tay súng, Hiện tại số vũ khí là bao nhiêu., loại gì ta còn chưa nắm được. Loại tiểu liên cá nhân ,như AK thì đã rõ còn các loại khác và mức độ sát thương ra sao thì ta chưa biết hết. Khả năng chúng phòng thủ thế nào ta cũng chưa biết. Vì vậy ta phải xác định tốt tư tưởng cho anh em và chuẩn bị cách đánh cho sát hợp mới mong có thắng lợi”. Khi nói về thủ đoạn của gái làm tiền thì ngôn ngữ dung dị, dí dỏm và sắc lẹm: “Con cáo chết vì da, con gà chết vì gáy. Miệng thị Hiền nói như cười, ánh mắt sắc như lưỡi kiếm lúa, xiên vào sâu trong ngực. Mũi dao ấy từ từ nhấn sâu vào trong, ngọt lịm mà không hề biết, theo sống dao, những tia máu trào ra…”

Tác phẩm đã cho người đọc cách nhìn tổng quan về cuộc đấu trang vô cùng gian nan và quyết liệt của lực lượng chống tội ma túy. Cũng từ đây cho ta một bài học cảnh giác, đồng thời đề xuất được với Đảng, Nhà nước, Quân đội phải luôn quan tâm đến lực lượng, cũng như chính sách tốt đối với vùng đồng bào dân tộc ở biên giới - nơi còn nhiều khó khăn, hạn hạn chế các mặt. Đây là cuộc giáp mặt chứ không phải là đối mặt. ( Lời tác giả)

          Ở cuốn tiểu thuyết: Gã điên và ngõ thiên đường có 21 chương với gần 300 trang. Anh viết với phương pháp “ Giễu nhại”- Ý của Nhà Phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên. Từ tên truyện đến kết cấu, hình tượng nhân vật rất dí dỏm và hài hước.

Anh viết trong thời gian 6 tháng tại Trại sáng tác Đà Lạt - tháng 10/ 2020 ( Xuất bản năm 2021). Anh viết liền một mạch về các vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay, thật nóng hổi, nhạy cảm, tế nhị. Tại buổi Tọa đàm, Nhà Phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên và Nhà văn Đinh Đức Cần đã đánh giá khá sâu sắc. Tác phẩm viết bằng cảm xúc tự đáy lòng, các chi tiết hiện thực xã hội qua lăng kính thật đa sắc, đa chiều. Truyện nhiều vấn đề bức xúc trộn lẫn khôi hài mà thấm tháp thi vị cuộc đời.

       Đọc văn của Tác giả Phạm Thanh Khương cho ta cái nhìn nhân văn bởi những sự kiện anh nêu lên luôn gắn với đời sồng hiện thực xã hội hiện nay (Ví như giải quyết vấn nạn buôn bán các chất ma túy và chống bọn tội phạm này là vô cùng cam go, quyết liệt có hi sinh, đổ máu; đến việc giải quyết các mối quan hệ các tuyến nhân vật ở Gã điên và ngõ thiên đường. Cuộc sống thực được văn học hóa là mục đích để Phạm Thanh Khương lí giải về sự phức tạp của cuộc sống đời thường xoay quanh mối quan hệ về đất đai và nhà ở. Đọc qua các chương cuốn tiểu thuyết, mỗi chương có kết cấu và nội dung riêng biệt và liên hệ với các tuyến nhân vật rất chặt chẽ. Tất cả xoay quanh trục dẫn để đi đến làm nổi bật, đồng thời lí giải và hầu như nêu ra giải pháp giải quyết cho những vấn đề được nêu lên trong truyện.

          Thay cho lời kết, xin trích dẫn lời chia sẻ của nhà văn Đỗ Xuân Thu, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Phú thọ trên trang cá nhân của ông  như sau:  “Tầng tầng lớp lớp chi tiết cứ dần dần bóc ra để cho cốt lõi câu chuyện hiện dần lên. Mặc dù chương 1 đã biết dự án khôi phục, tu bổ, tôn tạo ngôi đền rồi, nhưng càng đọc, tôi càng ớ ra. Chuyện giả dự án, phân lô bán nền, chuyện ông bạn Vàng có cái bụng bẩn luôn nhăm nhe chiếm đất hàng xóm. Chuyện đặc khu, chuyện niềm tin…tất cả được nhà văn cài cắm, phản ánh, vạch ra rất thâm sâu, ý nhị. Thì ra là như thế. Đâu còn là chuyện Gã điên và Ngõ cụt nữa? Thế mới tài. Chịu cái tài, cái giỏi của nhà văn Phạm Thanh Khương. Ông Trưởng ban quản lí chị em ở chợ Vồ với sê ri dài những câu chuyện hài hước cười ra nước mắt.”

 L.M.T - 10/2023

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây