Nghệ thuật dịch thơ

Thứ sáu - 08/12/2023 07:42
Sáng 6/12, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Tọa đàm văn học dịch với chủ đề: “Nghệ thuật thơ dịch xuôi”. Với sự tham gia của nhiều dịch giả, nhà văn, nhà thơ như Thuý Toàn, Bằng Việt, Lê Bá Thự, Hà Phạm Phú,… những trao đổi tại tọa đàm đã gợi mở ra nhiều khía cạnh về nghệ thuật dịch.
Nghệ thuật dịch thơ

     
      Câu chữ trong thơ là nghệ thuật, là màu sắc đặc trưng của từng tác giả vậy nên dịch thơ là một việc làm phức tạp và không hề dễ, phải dịch làm sao để có thể chuyển tải hết cái hay, cái đẹp của nguyên tác là điều được rất nhiều dịch giả quan tâm.

Tại tọa đàm, chia sẻ về việc dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt, dịch giả Lê Bá Thự cho biết: “Dịch thơ nước ngoài sang tiếng Việt rất khó, xét cho cùng bài thơ dịch nào cũng có cái được và cái mất, chẳng thể toàn bích. Tuỳ theo cái đích nhằm tới của mình mà người dịch chọn thể thơ tiếng Việt thích hợp nhất, hiệu quả nhất để chuyển ngữ. Chọn phương pháp dịch là quan điểm hệ trọng khi dịch một bài thơ”.

2

Các nhà văn, dịch giả chủ trì tọa đàm

Nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học dịch, trong đó có dịch thơ, đối với đời sống xã hội và văn học nước nhà, nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự cho rằng, khi dịch thơ thì người dịch phải biết “liệu cơm gắp mắm”, phải nắm được hồn cốt, nội dung, bút pháp, phong cách, thể loại, nhịp điệu, nhạc điệu của bài thơ nguyên tác, để lựa chọn thể thơ hiệu quả nhất, đắc địa nhất cho bản dịch tiếng Việt của mình.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chỉ ra một cách dịch đã được các dịch giả có tên tuổi ở nước ta quen sử dụng xưa nay và cũng đã phần nào thuyết phục được công chúng là việc chuyển hoá các bài thơ nước ngoài thành thơ Việt thuần chất, khi tận dụng ngay các thể thơ Việt truyền thống, ví dụ như lục bát, song thất lục bát.

Nhà thơ chia sẻ, theo kinh nghiệm phong phú của các bậc đi trước, khi dịch ông thường chú ý đến những áng thơ đậm phong vị dân gian, sau đó gắng chuyển ngữ sang thể lục bát hoặc song thất lục bát Việt. Chẳng hạn, khi dịch bài thơ Nga của M.Lermontov “Bài ca ru con Côdắc”, ông “hào hứng” đưa những câu ru con của bà mẹ Côdắc vào thơ song thất lục bát và cảm thấy nó tự nhiên, phù hợp với cả cách nói, cả âm điệu, tiết tấu.

Hay khi dịch một bài thơ gần với giọng ru con của nhà thơ lớn Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ), nhà thơ lại bị “ám ảnh” bởi cái giọng tâm tình, điềm đạm, lặng lẽ của một người cha đang đau đớn, đang phải kiềm chế khi phải sống lưu vong, nhắn gửi về cho đứa con trai nhỏ đang ở quê nhà. Như một cách tự nhiên, ông lại nhờ cậy đến thể lục bát Việt Nam và cho rằng để thể thơ ấy đi cùng với bài thơ là thích hợp.

Bằng kinh nghiệm tận dụng những thể thơ truyền thống khi dịch thơ và đề cao khả năng chuyển ngữ của các thể thơ truyền thống Việt nhà thơ Bằng Việt đưa ra nhận định: “Thể thơ truyền thống Việt, mà tiêu biểu là thể lục bát và song thất lục bát, sẵn sàng đủ sức chuyển tải và đồng hành được với rất nhiều tâm trạng và cảm xúc của các nhà thơ nước ngoài, thậm chí có thể đi song hành với họ qua nhiều thế kỷ thi ca”.

Theo ông, trong hiện nay, với nhiều “tạng thơ” đa dạng, khác biệt nhau, nếu nó vẫn mang chất thơ đích thực, hồn thơ đích thực, thì chúng ta có thể tin rằng, các thể thơ truyền thống Việt, (nổi bật là lục bát và song thất lục bát ), luôn đủ tiềm năng dung nạp nó, đủ chỗ cho nó ký thác mọi điều, và hoàn toàn không bỏ lỡ cơ hội chắp cánh cho nó bay cao bay xa hơn, với đủ niềm hứng khởi kỳ diệu của các khoảnh khắc thăng hoa, mà phương Tây vẫn gọi là “inspiration”, còn phương Đông thì đã phiên âm từ ngữ ấy một cách cũng rất hóm hỉnh, là “yên sĩ phi lý thuần”!


4

Các đại biểu văn nghệ sĩ, dịch giả về dự buổi tọa đàm

Nhà văn Hà Phạm Phú, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình dịch thơ. Theo ông: “Dịch thơ là một quá trình tái tạo - sáng tạo lại”, vì vậy, việc dịch tốt các bài thơ không phải là một việc dễ dàng cho nên cần nắm bắt và chú ý những điểm như:

Đọc kỹ bài thơ gốc, thấu hiểu quan niệm nghệ thuật, thông điệp của tác giả. Cần phải hiểu và nắm vững bối cảnh xã hội, kinh nghiệm sống của tác giả để tạo nên sắc thái cho bản dịch.

Bản dịch phải được dịch sang thể thơ, số từ trong câu thơ được dịch về cơ bản phải bằng nhau. Cố gắng giữ được vần điệu (nhạc điệu) để duy trì sức hấp dẫn của thơ. Đảm bảo mọi từ đều chính xác. Mỗi chữ trong bài thơ gốc phải được dịch trọn vẹn, không nên để sót hoặc lược bỏ trong bản dịch.

Dịch thơ cần ngắn gọn và súc tích. Không tùy tiện sử dụng trí tưởng tượng chủ quan của mình, không nên vượt quá giới hạn nào đó khiến thơ dịch đi chệch khỏi ý định ban đầu của tác giả.

Bản dịch phải rõ ràng, ngắn gọn, tránh dùng từ cổ, không thông dụng. Bản dịch phải được sửa lại và trau chuốt nhiều lần để mang lại vẻ duyên dáng văn chương. Đọc nhiều sách và mở rộng kiến thức. Khi dịch thuật, bạn nên đọc nhiều sách liên quan và tận dụng tối đa kiến thức sâu rộng của mình.

Và theo nhà văn Hà Phạm Phú, một điều cần thiết không kém đó là phải học hỏi phương pháp dịch thuật của những người đi trước.

3

Dịch giả Thuý Toàn, một trong những dịch giả hàng đầu của Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến đó, ông cho rằng để việc dịch thuật có kết quả cần nhờ vào kinh nghiệm của những người đi trước và bạn bè. Không phải cứ dịch càng nhiều càng tốt mà cần phải chọn cái phù hợp với mình và cần phải tìm ra một quan niệm về dịch thuật cho riêng
mình.
Dịch giả Thúy Toàn

Bài và ảnh: Huyền Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây