HỒN BIỂN

Thứ sáu - 09/06/2023 14:31
Ảnh minh họa: ST
Ảnh minh họa: ST
                                                                           Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung
                                                                          ( Thân yêu tặng các Thi Nhân Miền Cổ Tích)

Chẳng hiểu sao, khi đứng trước biển bao la, thưởng ngoạn làn gió khoẻ khoắn, phóng đãng, tôi lại có một mặc định: hình như thứ gió này mang... “tính nam” thì phải!

Không ai biết, gió biển xuất phát từ đâu, đã đi qua bao độ dặm dài. Chỉ biết, nó không những trong veo mát lành mà còn mang theo những cốt, những hồn tinh túy, được đại dương mênh mông rút từ con tim, gan ruột mà hào phóng ban phát cho đất liền; Ấy là nơi những hoang đảo san hô xinh đẹp, bốn mùa rực rỡ tươi hồng, xứ sở của những câu chuyện huyền thoại, đẹp như chốn bồng lai; Ấy là nơi, những mỏ ngọc ngà châu báu, mà ngày xửa ngày xưa có người con trai nghèo, nhờ con chim lạ, ân tình mà hốt đầy cả túi ba gang; Ấy là những nơi, hun hút rốn vực thẳm - chốn thâm cung của vua Thủy Tề oai linh, của những nàng tiên cá lộng lẫy, huyền bí, cùng muôn loài thủy thần, thủy quái và vạn vạn, ức ức “hiền dân” điệp điệp trùng trùng; Ấy là nơi, ghi dấu những chiến tích chinh phục đại dương của loài người, từ con mảng thô sơ của người cổ đại, những con thuyền nan, thuyền gỗ, buồm trắng, buồm nâu rong ruổi, đến những con tàu, những hạm đội hùng mạnh coi đại dương bao la chỉ như cái... “ao làng”!

Hơi thở và trái tim thiết tha yêu biển muôn đời của các bậc thánh thần, của cả những người đàn ông dũng cảm được gửi vào với gió. Có lẽ vì thế mà ở vùng ven biển, cảnh vật và con người cũng khác với những miền đất khác đó chăng! Chất bồi sa và thứ gió... “đàn ông” từ biển cả phóng khoáng, mặn mòi, lặn vào hạt gạo, hạt lạc làm cho chúng bùi hơn, thơm hơn; Lặn vào cây trái, rau cỏ, khiến chúng ngọt hơn, mềm hơn; Và nhất là lặn vào má, vào đôi mắt của người con gái vùng biển đôi nét duyên thầm, làm cho ai đó chết mê, chết mệt bởi cái độ giòn giòn, mìn mịn của làn da, cùng đôi mắt trong veo biết nói thay lời...

Nhà tôi khá gần biển, từ làng tôi ra chân sóng chỉ cách vài giờ đi bộ. Những chiều hè xa nhà, tôi thường hay trèo lên sân thượng mà vời vợi ngóng về phía đông, rồi bùi ngùi nhận ra, trong tâm hồn mình, có một khoảng dành riêng cho biển.

Tôi nhớ tới ngày hè năm ấy, bọn nhóc xóm tôi rủ nhau xuống biển Đồng Châu đón bình minh. Mặt trời ở biển mọc sớm hơn mọi nơi nên phải cơm đùm, cơm nắm đi thật sớm. Đứng trên bờ thông reo, lần đầu tiên nhìn biển bao la, xa tít tắp, tưởng như vô tận, tôi từ ngỡ ngàng, run sợ rồi sung sướng tột cùng. Chúng tôi lao xuống bờ cát. Những con sóng phơn phớt hồng đuổi nhau tung bọt trắng. Dưới chân tôi líu ríu vài chú còng gió giơ đôi càng đỏ chót tinh nghịch, khi mình giơ tay vồ thì nó biến nhanh như... gió.

Tôi lại nhớ một buổi bình minh hôm ấy, cũng trên vạt biến này, tôi bắt gặp một đôi trẻ về biển đón bình minh. Người con gái đẹp như tiên với đôi chân nõn nà để trần, bước êm như mơ, trên cát mịn. Mái tóc em trải bồng bềnh như sóng, tiếng em cười giòn hòa vào thứ gió “đàn ông” dễ mến lạ kỳ. Hai người trẻ tuổi khoác tay nhau, rượt đuổi nhau như hệt hai đứa trẻ. Con sóng đùa làm cho em ướt váy. Cùng lúc đó, mặt trời ngọt như trái hồng tháng tám cũng vừa tầm, nhú qua cánh sóng. Tôi bỗng thấy mình như trẻ lại. Tôi nao nao với nỗi nhớ ngày nào của tuổi hoa niên...

Bình minh rực rỡ dát vàng trên biển. Đôi vầng mây lấp lánh như vừa bay ra từ chốn tiên, cuốn lấy mặt trời làm thành một bức phông nền cho đôi ngọc nữ tiên đồng...

Tôi vội đưa máy ảnh, chụp lén tấm hình khi một con sóng tinh nghịch tung mình “nhấn chìm” hai kẻ “dám” dỡn mặt thần Hà Bá mà...hôn nhau! Tôi đặt tên tấm hình đó là “Bình minh tình yêu”!

Đứng trước biển, tôi rất hay trộm nghĩ:

- Nếu giời cho, tôi được là một... hoạ sĩ, hay là một... nhà thơ, và tôi vinh hạnh được ai đó “đặt hàng” vẽ hay làm một khúc thơ miêu tả hồn vía của một cảnh biển độc đáo, thì thay vì mô tả cảnh biển đông vui, nhộn nhịp, rặt những trai thanh, gái lịch, đẹp ngọc ngà như thánh, như tiên giáng trần xuống tắm; Trên bờ biển là những hàng dừa đẹp như mơ toả bóng; Dăm chiếc ô đủ sắc màu che những hàng ghế, nằm sóng soài lãng mạn, bên mép nước; Xa xa là những Rì sọt sang trọng cùng những chiếc ô tô đắt tiền... tôi nhất định sẽ “vẽ” hay “làm thơ” về cảnh...biển đêm!

Có lần, tôi và nhóm bạn tâm giao về với biển vào đêm trăng. Ngồi bên kè đá của biển Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định, nhìn những chòm sao trời lóng lánh như sà xuống mặt sóng. Biển tím thẫm màu huyền nhung. Những con sóng ven bờ, vay ánh sáng của trăng mà tô cho mình một hình hài kỳ ảo. Những ánh đèn thấp thoáng, xa xa của vài đoàn tàu cá, hay tàu tuần tra của bộ đôi biên phòng, cũng làm giảm bớt được đôi chút, nỗi buồn từ âm thanh rầu rầu, cô đơn và sâu thẳm từng đợt của sóng vỗ bờ; Những sợi gió khát bờ, rất mỏng và mềm, mang ngai ngái hồn rong rêu... thoa sực nức mùi biển lên tóc, lên áo... khiến cho ai đó trong chúng tôi phải ngất ngây, hít hà mà thốt lên:

- Biển khác với phố phường ở cái vị này đây!

Đêm sâu hơn, tiếng nhạc từ phía phố biển cũng bớt hơn. Bờ kè đá đã vãn người hóng mát. Xa xa vài cặp trai gái đi chơi về khuya, dìu nhau trong lặng lẽ. Gần chỗ chúng tôi, có một người đàn ông đang ôm cây đàn ghi ta. Anh vừa đàn vừa hát. Anh thả hết hồn vía vào phím đàn, lời ca, đủ cho mình và sẻ chia với biển.

Trời ơi! Lời ca hay và buồn đến nao lòng. Tôi nhớ ra rồi, đây cũng là bài ca mà tôi yêu thích, một thời - đã một thời, nó là... “của tôi”!


t
   Bên bờ biển Thịnh Long, Hải Hậu, Nam Định.
 

Vô thức, tôi nhẩm theo lời của bài ca nổi tiếng “Chỉ còn biển thôi” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thẩm:

“Biển ơi, ơi biển xanh rờn

Ta buồn, sao lại sóng còn đùa vui

Bỏ ta, nàng lấy chồng rồi

Bỏ ta, nàng lại theo người đằng xa...”

Trăng càng khuya, cảnh biển càng ẩn chứa một nỗi buồn bảng lảng, mông lung, khiến người ta rất muốn nhớ về một ai đó, nói một câu gì đó hoạc giả viết được một điều gì đó cho lòng vơi bớt xốn xang...

Tôi về phòng, nhắn tin cho người bạn thân, kể về cuộc chơi biển với nhóm Thi Nhân Miền Cổ Tích. Bạn tôi “đòi” tôi gửi tặng những vần thơ... nóng hổi. Tôi hăm hở mở máy, cơ hồ viết cho mình, cho bạn được dăm ba vần thơ ghi lại cảm xúc này.

Nhưng có lẽ, con chữ chật hẹp, khiêm nhường, bé nhỏ nơi tôi, trở nên yếu ớt trước cái mênh mông, vĩ đại, phóng đãng của biển khơi chăng! Để sâu thẳm trong tôi, lúc này, hơn lúc nào hết, tôi có cảm giác như thấy mình mắc nợ với hồn biển.

7-6-2023. PNTD



 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây