PHẢNG PHẤT VỚI THI PHẨM HÀN MẶC TỬ ?

Thứ sáu - 07/07/2023 19:40
Ảnh: ST
Ảnh: ST
Nguyễn Thị Hoàng
Nguyên GV Trường ĐH Sư phạm


Về thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh đã viết trong "Thi nhân Việt Nam":
" Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói. Một trời tình ái mới dựng lên đâu đây....
Vườn thơ của Người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh".
Trong tập "Máu hận và cuồng điên", Hoài Thanh viết:
"... Trăng, toàn trăng, Một ánh trăng gắt gao, ghê tởm, linh động như một người hay đúng hơn như một yêu tinh. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mặc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng rú ghê người...
Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được...
Một tác phẩm như thế.... nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn".
Trong thi ca của ngàn năm Thăng Long, Hàn Mặc Tử có ba bài thơ tuyệt hay: "Mùa xuân chín", "Bẽn lẽn"... nhưng nổi tiếng nhất là bài:


ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?


Nói về “Đây thôn Vĩ Dạ” (1938) của Hàn Mặc Tử, được viết theo thi pháp của dòng thơ tượng trưng hiện đại châu Âu - Từ thuyết “tương ứng cảm quan” do Charles Baudelaire (1821-1867), nhà thơ Pháp bậc thầy khởi xướng.
Thơ diễn tả theo phương pháp loại suy qua quan hệ tương đồng giữa hai sự vật, thể hiện mọi sự vật bằng biểu tượng. Nghĩa là: giữa vật này với vật khác, giữa con người - cuộc sống với thiên nhiên, đều có thể thay thế nhau bằng biểu tượng. Phản ảnh một cách tương ứng dựa vào cảm thụ từ các giác quan (gọi là cảm quan), hay từ trong tâm linh... nên ngôn ngữ thi ca nhiều khi mang tính ảo.
Những hình ảnh tượng trưng theo thuyết “tương ứng cảm quan” đã xuyên suốt bài thơ của thi nhân - Thuộc trong ít bài thơ hay nhất thế kỷ XX. Sở dĩ thi phẩm được đánh giá tầm vóc cao như thế, chính vì tính chất tượng trưng ảo huyền của nó - Như Chế Lan Viên từng có suy lý về thơ rằng:
Bên kia bờ hư ảo - Bờ thơ
(trích Di cảo)
Xin phân tích vài nét để làm rõ những yếu tố tượng trưng của bài thơ:

  KHỔ THƠ ĐẦU Bắt đầu vào thơ, thi nhân nhớ lại lời của Hoàng Cúc (người thôn nữ mà Người đã yêu):

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Tiếp đến cảnh quê được hiện lên: Đó là cảnh thôn hương của nàng, như " nắng hàng cau", "vườn ai mướt xanh như ngọc"… Tất cả từ trong hồi ức Người. Đến câu thơ cuối của khổ:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Cảnh ở đây không còn thuần túy chỉ là hồi ức nữa? Hình ảnh thơ qua tư duy thi nhân đã chứa ý nghĩa tượng trưng bên trong: “lá trúc” biểu tượng về làng quê, “mặt chữ điền” tượng trưng cho khuôn mặt người đàn ông, theo cách nói cổ của người Phương Đông - Ý câu thơ: Thôn Vĩ giờ đây với thi nhân đã hoàn toàn cách biệt (che ngang), không còn gần gũi được như xưa - Nghĩa là, giữa ông và nàng đã hoàn toàn xa cách.

Vậy là, cũng bằng hình ảnh tượng trưng nhưng cảnh thơ ôm bọc cả tâm tư, thế giới nội tâm ở bên trong: Con người, cuộc đời với tình yêu? Tất cả đã bị “cắt ngang”... Chính nhờ những yếu tố tượng trưng sâu xa ấy, tầm vóc thơ càng thêm cao và hay.
  KHỔ THƠ HAI - Nói về duyên phận giữa thi nhân với nàng Hoàng Cúc, chỉ là tình yêu đơn phương của thi nhân. Giờ đây Người lại lâm bệnh hiểm nghèo, tình càng bẽ bàng, hẩm hiu - Hàn Mặc Tử đã sử dụng hình ảnh thiên nhiên làm tượng trưng để diễn tả nỗi lòng:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...

Nghĩa là: Em đi đường em, anh đường anh... Duyên phận của đôi ta hết rồi, chỉ đến thế thôi. Lòng thi nhân buồn rầu ví như dòng nước trôi lặng lờ… hay những bông hoa bắp phật phờ lay bên sông - Hình ảnh thơ tượng trưng mà chứa chất nỗi tình.
   KHỔ THƠ CUỐI - Hai câu thơ kết:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

“ sương khói mờ nhân ảnh” vừa là cảnh thực nơi thi nhân đang sống heo hút, khói sương… để chữa bệnh ở Gành Ráng, Qui Nhơn bên bờ biển Đông – Đồng thời cũng là hình ảnh tượng trưng về thân phận của Người lúc này: “ nhân ảnh mịt mờ như sương khói” – Tâm trạng thi nhân rơi vào nỗi xót xa, trước sự lãng quên của người đời. Sau đó Người buông ra một câu hỏi:

Ai biết tình ai có đậm đà?

Liệu nàng còn nhớ đến ta không? Bài thơ kết ở đó. Thơ giàu cảm xúc, ai oán mà chứa chan đằm thắm, thấm đầy lệ.
Sở dĩ “Đây thôn Vĩ Dạ” trở thành một áng thi nổi tiếng và được đánh giá cao vậy? Chính do nghệ thuật tinh hoa như thế! Ngôn ngữ, hình tượng thơ kết hợp nhuần nhuyễn trong thi pháp của dòng thơ tượng trưng “tương ứng cảm quan” mà tôi vừa nói trên.


 

NGƯỜI ĐÀN BÀ TRẮNG
                               Phạm Ngọc Thái


                                 Người đàn bà đi trong mưa rơi
                                Chứa một trời thầm như hoa vậy

                                     (Tặng Bích Đào)


Chiếc mũ trắng mềm em đội bầu trời
Khóm mây trắng bay nghiêng trôi trên tóc
Đôi mắt em đong những áng mây
Người đàn bà trắng!

Em đi - về... chao những hàng cây
Hồ gió thổi lệch vành mũ đội
Thấm đẫm mình em cả thềm nắng gội
Xoã ngang vai mái hất tơi bời

Nỗi niềm thao thức
Những đêm trăng nước...
Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai
Người đàn bà ai mà định nghĩa?

Đường xưa đó về đây, em ơi!
Những con đường đã đầy xác lá rơi
Xác ve, xác gió và xác của mưa

Em không biến thành đá để hoá Vọng Phu
Anh cũng không làm chàng Trương Chi
suốt đời chèo sông vắng
Ta không đi theo Con Đường Lông Ngỗng Trắng
Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau!

Vết thương lòng không dễ đã lành đâu
Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
Khúc thơ tình anh lại viết về em
Người đàn bà ngậm cả vầng trăng...


(Trích trong tập 64 BÀI THƠ HAY, Nxb Hồng Đức 2020)

Bình luận về “Người đàn bà trắng”, nhà nghiên cứu văn học Trần Đức – Nguyên - CB Viện Ngôn ngữ và Văn hóa dân gian, đã viết:

Người Đàn Bà Trắng là một bài thơ tình hay, điển hình, viết theo thi pháp của dòng thơ tượng trưng hiện đại Châu Âu. Những yếu tố thơ tượng trưng xuyên suốt khắp bài…”.
Tôi xin tập trung phân tích cho rõ nét thi pháp thơ tượng trưng của thi phẩm "Người đàn bà trắng", để thấy mối tương đồng với thi pháp thơ tượng trưng trong bài "Đây thôn Vĩ Dạ" Của Hàn Mặc Tử.
    KHỔ THƠ ĐẦU - Khắc họa chân dung "Người đàn bà trắng" (Tác giả gọi em "người đàn bà", thực ra khi đó em vẫn là một thiếu nữ), anh đã lấy những hình ảnh của vũ trụ qua cảm xúc để miêu tả: Đôi mắt em đong những áng mây, huyền thẳm… Em đi, chiếc mũ vải trắng mềm đội lệch... mây trắng vờn bay trên mái tóc, v.v… Tất cả hình hài nàng đều được tả qua ấn tượng của nhà thơ.
Điểm ở thi đàn xưa nay - Thi nhân Bích Khê tả ánh mắt của nàng mỹ nữ trong bài thơ “Tranh lõa thể” nổi tiếng: Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường.
Xuân Diệu thì mô tả: Mắt em thăm thẳm như màu gió.
 Đều là những hình ảnh tượng trưng.
    CÁC KHỔ THƠ SAU - Hình ảnh người thiếu nữ hiện lên trong khung cảnh thiên nhiên rực rỡ: Em đi chao cả những hàng cây bên hồ; gió và nắng tắm lên tấm thân em; mái tóc xoã ngang vai… Tả cảnh nhưng tình thơ rất gợi cảm.
Giờ đây trên con đường đã qua, bồi hồi trong ký ức... Nhà thơ chỉ còn nghe thấy tiếng gió táp, mưa sa - Thiên nhiên trở nên hoang dã trong qui luật bụi cát của thời gian: Đã đầy xác lá, xác ve... cùng xác gió, xác mưa trôi…
Khúc tình xưa êm đềm sống lại, trong tiếng gọi vọng của thi nhân:
Đường xưa đó về đây, em ơi!
Diễn tả về tố chất người đàn bà trong nàng, hình ảnh thơ được cách điệu:
Chùm trinh em hát: Đấy chỗ thiên thai
Người đàn bà ai mà định nghĩa?

Biểu tượng mô tả tuy ảo, trừu tượng nhưng gợi cảm, xoáy vào trong cảm thức người đọc: Đúng là người đàn bà không thể nào định nghĩa được ?... Trong vũ trụ cũng như cuộc sống con người. Khái niệm thơ mở ra cả một thế giới về đàn bà. Khó có nhà thơ nào tả về người đàn bà sâu xa được như thế.
   KHỔ THƠ NĂM - Triết lý về cuộc sống và tình yêu. Thơ được viết như đời: Dù mối tình tan vỡ làm cho cả hai trái tim đều đau đớn. Vì sao tan vỡ thì ta không biết? Nhưng:

... Em không thể trở thành hòn Vọng Phu mà hóa đá - Anh cũng không đầy mình làm cái anh chàng Trương Chi tương tư nàng Mỵ Nương mà chết... Hoặc chung tình như nàng Mỵ Châu, chàng Trọng Thủy, nhảy xuống biển tự tử...

Thần tượng thì đẹp, nhưng "cuộc sống và tình yêu" trở nên bi đát quá. Họ vẫn phải sống và tồn tại, dù suốt cuộc đời:
Dẫu hình hài khắc mãi tim nhau
Khác với các tình thơ khác khi miêu tả sự chung thủy của mối tình, là thế !... Tuy vậy, cũng không làm cho ý nghĩa trong tình yêu của họ xấu đi.
KHỔ THƠ CUỐI Nhà thơ khắc khoải nhớ về người thiếu nữ xưa? Hình ảnh thiên nhiên đã được nhân cách hóa:
Những đêm sao buồn, những đêm gió khát
Hình ảnh “sao buồn, gió khát” đều mang ý nghĩa của thơ tượng trưng. Cuối cùng bài thơ đã được kết thúc bằng một câu hình tượng đẹp nhất về Nàng:
Người đàn bà ngậm cả vầng trăng
Chữ “ngậm” mang màu sắc thơ siêu thực: “ngậm cả vầng trăng” - Một thiên tạo đang nép trong tấm thân người đàn bà… hay chính nàng là một vầng trăng !?
“Người đàn bà trắng” là một thiên tình ca về "tình yêu và đàn bà" rất mẫu mực của nhà thơ Phạm Ngọc Thái, viết theo thi pháp thơ tượng trưng thật hay!
Tính chất tượng trưng giữa ảo và thực này trong bài thơ “Người đàn bà trắng”, như tôi đã phân tích trên, cũng là thi pháp thơ tượng trưng của Hàn Mặc Tử - Thực ra, thi nhân họ Hàn chính là thần tượng thi ca của Phạm Ngọc Thái. Anh đã chịu ảnh hưởng về hình tượng tư duy thơ của ông khá nhiều. Không ít độc giả và các văn sĩ đã phát biểu rằng: Phạm Ngọc Thái là một phiên bản của thi nhân Hàn Mặc Tử. Đọc trong bài thơ "Khóc Hàn Mặc Tử" được in ở tập "64 bài thơ hay" của anh thì rõ:
Ngồi đọc Tử, tim vỡ toang máu đỏ
Tôi khóc biển, khóc trời xanh, khóc gió...

Hay là:
Tử có nghe! Thơ Người tôi viết tiếp
Cúi lậy không gian cả tám phương

Chính bài thơ "Người đàn bà trắng" đã chịu ảnh hưởng về thi pháp tượng trưng từ những bài thơ hay điển hình như "Đây thôn Vĩ Dạ" hay "Mùa xuân chín” của thi nhân họ Hàn. Ngoài Hàn Mặc Tử, anh còn chịu ảnh hưởng cả tính triết lý của thơ Chế Lan Viên - Đối với các thi nhân nước ngoài, anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất về giọng điệu thi ca của nhà thơ thiên tài Nga vĩ đại Pushkin, qua bản dịch của Thúy Toàn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây