Đinh Thiên Hương
Lục bát là thể thơ thuần Việt, có tự xa xưa. Dù ở đâu đó, cũng lác đác có thể loại tương tự, nhưng lục bát và những biến thể đa dạng của nó, vẫn được xem là “quốc hồn, quốc túy”, làm nên bản sắc và góp phần khẳng định giá trị văn hóa, văn học Việt Nam. Lục bát xưa tồn tại qua các thể thức: hát, ru, ngâm và nói. Bởi thế, làm thơ lục bát thì dễ, nhưng để có thơ lục bát hay, nhờ lục bát mà thành danh, nhờ thơ lục bát mà đóng được cái“dấu nhật ấn” để đời, thì không hề dễ. Lục bát và những biến thể của nó trong ca dao-dân ca phải có muôn người và trải qua bao đời gọt rũa, tu chỉnh, sàng sảy mới đọng lại được những mảy vàng lấp lánh như hôm nay.
Cho nên, với tư cách cá nhân, nhà thơ muốn sáng tác được thơ lục bát hay, thì phải có những nỗ lực và bứt phá rất lớn. Trong những người cầm bút như thế hôm nay, “ông đồ Nghệ” Nguyễn Lâm Cẩn (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) là một trong số không nhiều, có gia tài thơ lục bát đáng nể phục cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhà thơ thành công ở nhiều thể loại, nhưng dường như lục bát mới là phần tâm đắc, máu thịt. Tôi có cảm giác ông đang làm cho thể thơ lục bát truyền thống thêm hay. Cái hay ấy trước hết nằm ở chỗ, nhà thơ đã không ngừng mở rộng phạm vi đề tài, dồn nén tư tưởng-cảm xúc, nhiều khi rất mới mẻ và khác lạ, so với thơ lục bát của (người cùng thời. Từ khuôn thước cố định 6/8, ông có những bài thơ trữ tình, tự sự, hoặc kết hợp cả hai và ngày càng in đậm cá tính sáng tạo, bản lĩnh nghệ thuật Nguyễn Lâm Cẩn. Trong đó có những thi đề “thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.
Đến nay (tháng 7 /2023), ông đã có 14 tập thơ qua các nhà xuất bản. Và trong các tập thơ ấy, thơ lục bát vẫn chiếm đa phần. Ngay từ năm 2015, nhà thơ lựa chọn lấy 92 bài, 168 trang, in riêng thành tập “Lục bát Nguyễn Lâm Cẩn”, đọc đã thú vị lắm rồi. Ấy là còn chưa kể rất nhiều các bài lục bát “trong kho”, được giới thiệu trên trang mạng cá nhân của ông. Tổng số có tới hàng ngàn bài lục bát.
Ở đây có mấy câu hỏi cần được đặt ra. Trước hết, vì sao Nguyễn Lâm Cẩn nói riêng và các tác giả thơ lục bát Việt Nam đương đại nói chung, lại phải nới dài câu chữ và mở rộng phạm vi đề tài? Phải chăng, đó là dấu ấn sản phẩm của cá nhân. Giờ đã có nhiều phương tiện và cách thức lưu trữ, lưu truyền; không chỉ có một phương thức duy nhất là truyền khẩu, phải hết sức cô đúc ngắn gọn, để cộng đồng ứng dụng khi diễn xướng và lưu giữ cho muôn mai như xưa nữa. Thống kê cho thấy, 2/3 số các bài lục bát của Nguyễn Lâm Cẩn có trên 10 cặp 6/8 trở lên - nhất là những bài về sau này. (Xin lưu ý, chúng tôi dùng thuật ngữ “cặp”, chứ không phải là “dòng”, là “câu”. Điều đó có liên quan tới việc thể nghiệm ngắt nhịp và tách dòng của tác giả, sẽ được trình bày dưới đây. Tuy nhiên cũng phải nói Nguyễn Lâm Cẩn lại là một trong những tác giả tích cực nhất quay trở lại với loại thơ lục bát ngắn, 2 hoặc 4 dòng rất cổ truyền và cũng rất thành công). Còn có lý do khác nữa khiến nhà thơ phá vỡ lối bố cục công thức, khuôn thước chật hẹp là vì, cuộc sống hiện đại muôn mầu, nhân sinh đa sắc điệu. Nhận thức và cảm xúc con người cũng vì thế mà đa dạng, phong phú hơn. Mỗi bài thơ lục bát bây giờ không phải là một “phiến đoạn tình cảm” mà là một “phức điệu tâm hồn”, dạt dào tuôn chảy. Người nghệ vì thế phải đáp ứng đòi hỏi của thực tế, phải thực hiện nghĩa vụ công dân và chức năng xã hội của thi ca, như một lẽ đương nhiên:“Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh /Không chỉ ơ hời mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan / Đóng bài thơ như cái cọc vào đời / Để chống nước trôi xuôi…”(Chế Lan Viên). Lại nữa, sự phá vỡ phép tắc câu chữ đã cố định hóa trong thể lục bát, còn tùy thuộc rất nhiều vào khả năng khám phá, phát hiện và cảm thức của nhà thơ, không “có bột”, sao “gột nên hồ”. Nói ví như một đề tài về cụ Nguyễn Tiên Điền, mà Nguyễn Lâm Cẩn có hàng chục bài, bài nào cũng như chưa dừng chưa dứt những suy cảm, ưu tư. Nội chỉ gọi Nguyễn Du, mà nhà thơ có tới 2 bài “Nguyễn Du ơi”, “Tố Như ơi”, nhưng bài thì “Nghìn năm sau Tố Như ơi / Vẫn dư nước mắt khóc đời trầm luân”, bài thì “Hoe hoe giọt lệ lưng tròng / Hai trăm năm khóc đau lòng cố nhân”. Tác giả thức “Đêm trên quê Nguyễn Du”, “Đứng trước mộ Nguyễn Du”, trò chuyện “Với cụ Tố Như”, nửa đêm thấy Nguyễn Du ngồi như tượng “trước trang viết Truyện Kiều”:“Ông ngồi / Như nát / Như tan /Ai đem đày giữa trần gian kiếp người?/ Bút lông quệt máu còn tươi / Đêm đen gằn một tiếng cười / Rồi câm!”. Nhà thơ suy ngẫm rất sâu và hay về “Chữ Ông để lại”: “Trăm năm trong cõi nhân sinh / Nguyễn Du để lại chữ Tình…rồi đi”. Tưởng khám phá, đúc kết thế đã là khá đủ đầy, nào ngờ nhà thơ lại vô cùng tài hoa, sáng tạo và sâu sắc sự đời, tri âm tri kỉ, khi nối khúc từ chương với người xưa qua bài: “Kiều đánh đàn tạ ơn Nguyễn Du”, “Sợi lòng còn một dây tơ / Tạ ơn tri ngộ bây giờ là đây / Ôm đàn lựa phím so dây / Nhỏ to, cao thấp, khi đầy khi vơi / Như chim rụng tiếng giữa trời / Như trăng lẻ bóng chơi vơi cuối làng / Như thuyền trôi giữa tràng giang / Như đêm thanh vắng hàng hàng liễu buông”…Lại nói thêm và rất nhanh về đề tài rượu trong thơ lục bát của Nguyễn Lâm Cẩn. Đây là thú vui ẩm thực của bao người và muôn đời. Nhưng qua mạch cảm hứng trữ tình của 59 bài trong tập “Rượu thi nhân”, thì thấy không bài nào lặp ý tứ, câu chữ. Bài thơ nào cũng càng ngẫm càng hay và đầy dư vị. Thử hỏi trong chúng ta đã mấy ai làm được như thế…Lảy ra một đôi dẫn chứng, vừa để giải thích cho một lý do, vừa để thấy bút lực dồi dào, khả năng bất tận trong việc khám phá - phát hiện đề tài, sở trường tạo thi tứ, khơi mạch thi hứng tuôn trào và công phu“thôi-xao”của nhà thơ trên cánh đồng câu chữ.
Tiếp theo, cần trả lời câu hỏi: nhà thơ tập trung mở rộng phạm vi đề tài nào trong nghiệp thơ lục bát của mình? Vẫn biết, con người ta tồn tại trong tổng hòa các mối quan hệ. Nhìn chung, đó là mối quan hệ với thiên nhiên - môi trường sống, với gia đình, với xã hội và với…chính mình. Tư tưởng và cá tính sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, thể hiện trong những mối quan hệ và đề tài tưởng như muôn thuở ấy. Nhưng bằng tài năng và tất cả sức mạnh nghệ thuật, người cầm bút vẫn có những phát hiện mới mẻ (ít nhất cũng có cách nói mới mẻ) và có thể sẽ diễn tả được những điều chân thực nhất, bản chất nhất, được xem là đặc trưng của thời đại. Và nhờ thế, tác phẩm sẽ sống mãi với thời gian.
Xét theo định hướng cảm thức ấy, thấy thơ lục bát Nguyễn Lâm Cẩn rất tập trung mở rộng và thành công ở một số đề tài cụ thể. Ông thương yêu, trân quý và tự hào về gia đình, về dòng họ nội ngoại của mình. Rất nhiều nhân vật trữ tình trong gia đình, được khắc tạc qua những vần lục bát của ông.
Ông đặc biệt thương quê, gắn bó với quê hương “mặn nhút, chua cà”. Mặc dù một “thời của thánh thần” có những con người cụ thể trên quê hương ấy, đã tạo nên những trận “cuồng phong”, hằn lên vết thương lòng, oan khiên cùng cực và đau khổ khó nguôi ngoai…Gần đây, ông đã lại rất thành công và tài hoa qua những chuyến thực tế sáng tác. Mỗi chuyến đi về, đều để lại dấu ấn bằng một tập thơ mà cán bộ, nhân dân mỗi địa phương vô cùng trân trọng đón nhận, họ xin bỏ tiền in ấn rất nhanh hàng ngàn bản mỗi tập, để quảng bá và lưu giữ như bảo vật văn hóa-nghệ thuật của địa phương mình. “Lâm Bình nơi tôi đến”, “Mường La ngẫu hứng”, mỗi tập thơ như một vụ “thâm canh”, rất bội thu và tập nào cũng có nhiều bài lục bát, với nhiều trạng huống và tâm cảnh. Đây là niềm vinh dự hiếm có xưa nay đối với một nhà thơ - nhất là giữa cái thời “bội thực”:“Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”.
Với thầy cô và bạn bè, qua thơ lục bát thấy Nguyên Lâm Cẩn trước sau vẹn một chữ Tình giầu đạo lý. Nhà thơ luôn kính quý đạo đức nhân cách của mỗi người thầy - những người đã thực sự là tấm gương sáng thôi thúc ông chọn con đường nối gót, để suốt đời tận tụy chở những chuyến đò đầy vượt sông, đưa các em ra biển lớn…Thế mới hay, dẫu khoa học - công nghệ phát triển đến đâu, song tấm gương nhân cách và năng lực sư phạm của ông thầy bằng xương thịt vẫn không thể thay thế được. Hãy tin vào điều đó, qua những bài thơ, câu thơ ông viết về những người thầy đích thực là thầy: “Trời còn đây / Đất còn đây / Trong con còn một người thầy / Thầy ơi”, “Chân con vẹt đất trăm nơi / Thấm mưa nát đất / Thấm trời nắng chang / Lời thầy canh cánh con mang / Cho dù bị gậy lang thang chợ đời” (về thầy Nguyễn Thúc Chuyên); “Đời con đội nắng dầm mưa / Đạo thầy cho vẫn như vừa đâu đây”(về thầy Phạm Bá)…
Tuy nhiên, độc đáo nhất, thành công nhất của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn trong việc làm mới, mở rộng phạm vi đề tài, là chất chứa trong thơ lục bát của mình biết bao những rung ngân, nỗi niềm và cảm khái thời thế. Càng về sau, thơ lục bát của ông càng trĩu nặng ưu tư, bởi nỗi đau đời, những đồng cảm chia sẻ, những phát hiện và suy cảm mới mẻ về thế thái nhân tình. Qua mấy tập “Rượu thi nhân”, “Ngưỡng vọng”, “Khoảng lặng”, “Lời cha dặn” và không ít bài trên trang cá nhân, nhà thơ trở đi trở lại với khái niệm kiếp người và nỗi thống khổ của Nhân dân với muôn vàn cảnh ngộ và nguyên do. Ông đặc biệt quan tâm tới những oan khiên, éo le ngang trái và cay đắng nghiệt ngã của những tên tuổi từng là trí thức, văn nhân, có danh phận, phẩm hàm, từng có công lao cống hiến…nhưng bị biến thiên“dâu bể, mưa dập gió vùi”. Qua mạch suy cảm trữ tình trong những bài lục bát của nhà thơ, vẫn thấy những tên tuổi ấy sáng lên vẻ đẹp tinh thần cao quý của con người: nhân ái, bao dung, can trường, trung thực, tin yêu tự do, sống có nghĩa khí, nhân cách và tài năng. Có những con người, những sự kiện lịch sử trước thời “mở cửa”, bị né tránh, thậm chí cấm kị như “Học giả Phạm Quỳnh”, triết gia Trần Đức Thảo, TS.Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Cầm, Văn Cao, Hữu Loan, những câu chuyện oan sai trong cải cách ruộng đất của gia đình, đất nước và chuyện lũ quan tham…đều thấy hiện lên trong nhiều vần thơ lục bát đẫm nước mắt, đầy xót xa, và giầu chất triết luận. Điều đó chứng tỏ nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn không chỉ mở rộng phạm vi đề tài mà còn đưa vào thơ lục bát những đúc kết triết lý, những câu chuyện đời, những ngẫm ngợi nhân sinh thế sự. Đó là những bài lục bát vốn đa phần có gốc gác trữ tình trong ca dao-dân ca, từng được ông cha ta dệt thành truyện thơ tuyệt tác (Truyện Kiều, Lục Vân Tiên…). Nay Nguyễn Lâm Cẩn vừa tiếp thu vừa sáng tạo, khiến nhiều bài thơ của ông, chỉ ngắn vài chục dòng, thậm chỉ chỉ là những khổ thơ lục bát đan xen trong những bài thơ tự do, mà dồn nén, chất chứa bao nhiêu sự đời, bao nhiêu nỗi niềm tâm trạng, bao nhiêu bi kịch chung và riêng. Có những bi kịch xảy ra vào lúc chuyển giao quyền lực của lịch sử, vừa tạo nên những sự kiện long trời lở đất vừa như một trò đùa tếu táo của lịch sử, làm cho thân phận con người, như “Cái quay búng sẵn lên trời / Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, (Nguyễn Gia Thiều - “Cung oán ngâm khúc”). Rất nhiều những thân phận, những câu chuyện đời ấy, đều có sức lan tỏa và bùng nổ trong lục bát Nguyễn Lâm Cẩn…
Nguyễn Lâm Cẩn khiến cho thơ lục bát hay, không chỉ ở việc mở rộng bố cục, kết cấu và phạm vi đề tài, chứa đựng tư tưởng và cảm xúc mới, mà còn rất tinh tế, tài hoa về chữ nghĩa, hình ảnh và vần nhịp. Riêng vấn đề này thôi, đã có thể phải nâng tầm thành một chuyên luận độc lập, công phu và phong phú. Chỉ qua một tập thơ, nhưng nhà nghiên cứu phê bình Đặng Văn Sinh đã có nhận xét tinh và đúng: “Lục bát Nguyễn Lâm Cẩn không có từ thừa, từ đệm mà luôn đạt tới sự hoàn chỉnh tối đa. Nhưng kỹ thuật gieo vần mới là điều khiến thiên hạ ngả mũ vái chào”. Cũng theo Đặng Văn Sinh, vần trong thơ lục bát Nguyễn Lâm Cẩn luôn là “chính vận”, “bàng vận chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ”. Những vần này đã khiến cho“bài thơ trở nên nuột nà, hơi thơ trở nên liền mạch, tạo nên cấu trúc bền vững như một cơ thể cường tráng nhằm chuyển tải thông điệp nghệ thuật”.
Vì đã có người đề cập, hoặc chúng tôi thấy cần phải công phu, kỹ lưỡng hơn trong khảo cứu, nên ở đây, chỉ xin nói về việc ngắt nhịp, tách dòng lục bát của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn. Đó là những thể nghiệm làm mới sáng tạo và táo bạo, khá thành công của nhà thơ, so với nhiều người đương thời.
Trong sáng tác thơ, thậm chí có người còn nói, thơ có thể không vần, nhưng không nhịp - đố thành thơ! Nhịp điệu sinh hoạt, vận động của sự vật, hiện tượng và nhất là nhịp lòng -nhịp tâm trạng, cảm xúc sẽ chi phối để tạo nên nhịp thơ. Có thể xem nhịp thơ, như một dạng thức ngôn từ đặc biệt, một thứ âm thanh không lời, nhưng có giá trị biểu đạt và biểu cảm tuyệt vời. Cường độ, trường độ của các âm vần, thanh điệu và nhịp mạch của tâm trạng, cảm xúc; ý nghĩa của các dấu câu trong những trường hợp nào đó, góp phần làm nên nhịp điệu thơ, giúp nhà thơ hoặc người đọc có cách ngắt nhịp, cách dòng thích hợp. Và nó chính là nhạc điệu trong thơ - là chất nhạc lòng, vừa có giá trị thông tin vừa có ý nghĩa thẩm mĩ. P.Êluya nói:“Thơ ca trước tiên là ngôn từ cất thành tiếng hát(…), ngôn ngữ hát lên, ở nó tràn đầy hi vọng, ngay cả khi nó hát những điều thất vọng”, là với ý nghĩa như vậy.
Ngắt nhịp, ngắt dòng, vẫy vùng kiểu gì, trong mỗi cặp lục bát cũng chỉ có 14 tiếng mà thôi. Dân gian xưa; những thi nhân tài hoa dùng dòng thơ 6 tiếng để Việt hóa thơ Đường, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm; các nhà thơ bác học hữu danh hay khuyết danh tiếp liền sau đó - mà đỉnh cao là danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du; các đại diện cuối cùng của văn chương Trung đại như Nguyễn Khuyến, Tú Xương; cái gạch nối giữa hai bờ thơ cũ - mới: Tản Đà; rồi đến các nhà Thơ Mới thuộc phạm trù văn học hiện đại…đều nỗ lực và có nhiều sáng tạo ngắt nhịp thơ lục bát, làm cho câu / dòng thơ tiếng ta, không chỉ đa thanh điệu mà còn đa nhịp điệu, biến hóa khôn cùng.
Đến lượt mình, Nguyễn Lâm Cẩn đã rất ý thức làm mới thơ lục bát, bằng một trong những cách, là ngắt nhịp - cách dòng! Về phương diện này, chính tác giả cũng có bài“Trao đổi về việc làm mới thơ lục bát”. Đấy là những tâm sự và trao đổi vừa có giá trị học thuật vừa có ý nghĩa nghề nghiệp. Chúng tôi tôn trọng ý kiến và kinh nghiệm của nhà thơ. Nhưng nhân đây, xin được nói thêm đôi lời khẳng định.
Trước hết, qua thống kê về cách làm này mới thấy, tùy theo nội dung hiện thực và trạng huống mà Nguyễn Lâm Cẩn vừa tuân theo nhịp điệu phổ biến truyền thống của thể thơ là sự cân đối, hài hòa; lại vừa phá vỡ nó, nhằm tạo ra nhiều loại nhịp, bằng cách thêm tiếng - thêm chữ (chủ yếu thêm vào dòng 8 tiếng như ca dao-dân ca cổ truyền) và ngắt dòng thơ. Ông rất ý thức tạo ra những chuẩn mực mới về nhịp điệu của thể thơ này, khiến chúng ta nhìn vào dòng thơ, bài thơ thấy khác về diện mạo, chính xác về nội dung biểu đạt và tăng cường về giá trị biểu cảm.
Việc làm này của Nguyễn Lâm Cẩn có tính toán, cân đong, chứ không tùy tiện, khiên cưỡng, như nhiều người đã cắt nát nhịp thơ và dòng thơ. Chỉ khi cần phải làm rõ ý tưởng, khắc họa sâu đậm, nhấn nhá,…nhằm tạo ra những ám ảnh, âm vang, tăng thêm lớp nghĩa và sắc thái biểu cảm, nhà thơ mới sử dụng cách này. Bởi thế, đổi mới cách ngắt nhịp - ngắt dòng của ông luôn đảm bảo sự thống nhất, gắn bó giữa nội dung và hình thức, duy trì mối liên kết nội tại của kết cấu, bằng những bố cục khác nhau nhờ nhịp điệu. Có thể giở bất kì tập thơ nào, đọc bất kì bài lục bát nào có cách ngắt nhịp-ngắt dòng này của ông, cũng thấy điều đó. “Mơ hầu rượu Tản Đà” là một ví dụ: “Xin hầu cụ uống say sưa / Trời cao / Nắng! / Phận thấp / Mưa! / Xá đời!.../ Uống cho cô độc thành đôi / Đau thì dốc cạn / Buồn trôi vào lòng”. Không nhắc lại hoàn toàn lời thơ tự thán của người con Núi Tản-Sông Đà, nhưng bằng cách ngắt nhịp-ngắt dòng, Nguyễn Lâm Cẩn vừa diễn tả hớp rượu ngắc ngứ bi phẫn, vừa ngầm đồng cảm và thán phục cái Ngông bất cần của thi nhân. Đến Ghềnh Ráng, nhà thơ dùng cặp 6/8 của lục bát, nhưng tách ra thành 6 dòng thơ, có dòng chỉ một tiếng:“Sóng Ghềnh / Vỗ / Đập / Xô / Va…/ Trăng xanh vỡ vụn trong tà áo xuân”, thì mỗi tiếng, mỗi dòng thơ ấy là một trạng thái của tạo vật gợi sự dữ dằn, chát chúa. Nó tương phản với nhip điệu và hình ảnh thơ rất đặc trưng, đầy nội cảm của thi sỹ họ Hàn trong dòng 8 tiếng. Nó gợi tả một phận người yểu mệnh, lắm truân chuyên, đầy bất hạnh, rất đỗi thương tâm…
Xưa nay trong thơ ca nói chung, thơ lục bát nói riêng, việc ngắt nhịp-tách dòng có một phần tùy thuộc vào năng lực cảm thụ, thẩm thấu mạch ngầm văn bản thơ của độc giả. Thành ra, cũng có đúng có sai, có hợp lý hợp tình, nhưng nhiều khi cũng vô lối, khiên cưỡng. Tự ngắt nhịp-cách dòng một cách có chủ đích, rốt ráo như Nguyễn Lâm Cẩn và nhiều người cầm bút hiện nay, tuy không để cho độc giả một phần “đất trống” cộng hưởng, nhưng nó tránh được sự tùy tiện của người đọc người nghe. Nó thể hiện và khẳng định dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo và bản lĩnh nghệ thuật. Đồng thời, nó lại như một cách “mách bảo ngầm”về ý đồ tư tưởng-nghệ thuật của tác giả. Rất nhiều những bài thơ như: “Mẹ”, “Nỗi niềm”, “Mơ hầu rượu cụ Tản Đà”,“Trước Phật đài Lý Vạn Hạnh”, Nguyễn Du trước trang viết Truyện Kiều”, “Về làm chi”, “Gặp ông”…,nhờ có cách tự chủ ngắt nhịp-cách dòng mà vừa tạo được những dư ba, vừa có thể tránh đi sự suy diễn sai lạc.
Từ tất cả những điều đã nói trên đây, có thể thấy ý này: một trong những việc làm thể hiện rõ nhất, tài hoa nhất để làm mới, cách tân thơ lục bát bây giờ là thay nhịp điệu, tìm cách ngắt nhịp-tách dòng, sao cho thật hay về ý nghĩa, bền chặt, liền mạch về kết cấu, tăng cường được giá trị biểu đạt, biểu cảm. Về phương diện này, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn đã công phu, kiên trì và sáng tạo, đạt được những thành tựu đáng trân trọng và khẳng định.
Để viết được những bài thơ lục bát như chính tác giả đã nói: “Thơ hay như nón không quai / Bão nào hất nổi ra ngoài thời gian”, Nguyễn Lâm Cẩn không chỉ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo đổi mới, mà còn rất có ý thức chắt lọc, vận dụng những giá trị truyền thống, giữ cho thơ lục bát luôn phảng phất cái hương đồng gió nội, cái phong vị và hồn cốt của ca dao-dân ca. Cá tính sáng tạo đến đâu, bác học, chuyên nghiệp đến đâu, nhưng thơ lục bát của ông cũng vương vấn cái chất mộc mạc, “chân quê” đó. Thật khó có thể diễn tả cái “phảng phất” kia, để nó trở nên hữu hình, dễ cầm, dễ nắm. Chỉ biết rằng, từ ngàn đời nay, những “Lời quê chắp nhặt dông dài”, lại là “điệu tâm hồn dân tộc”. Có người nói, đó là “mã vạch” đầy tính khu biệt. Tôi thì mượn lời của Trần Đăng Khoa để nói rằng, nó như con cuốc vậy, “Mấy ai trông thấy vóc dáng của nó - nhưng tiếng nó, cái hồn của nó kêu lên ở bất cứ đâu thì ta cũng nhận ra”(*). Thiếu đi cái “phong vị” ấy, thơ lục bát khó “trường thọ”, khó đi vào lòng người.
Thơ lục bát Nguyễn Lâm Cẩn có lối tạo tứ, cấu trúc-bố cục, thi ảnh, ngôn từ, motip nghệ thuật, các biện pháp tu từ…rất ca dao, rất dân gian. Nhờ thế mà nó mẫn cảm, biến hóa linh hoạt, trong trẻo, tinh tế, duyên dáng, lưu loát và đậm chất nhân văn - kể cả khi triết luận, triết lý. Cho nên, ngay cả khi nhà thơ dùng tư liệu, công cụ của cộng đồng, cũng lấp lánh tài hoa riêng.
Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn có một đời thơ nhiều thành tựu và ông vẫn còn sung mãn lắm. Ông tiếp nối nhiều cây bút thơ lục bát nổi tiếng ở Hải Phòng, ở Việt Nam thời đương đại, có nhiều kì công khám phá, sáng tạo, làm mới. Giữa bao nhiêu sự nhàm lặp, quen thuộc, thơ lục bát Nguyễn Lâm Cẩn vẫn có cái hay riêng và làm cho thơ lục bát nước nhà thêm cái hay chung. Ông có nhiều bài, bằng tất cả sức mạnh nghệ thuật của thơ lục bát, đã diễn tả được những gì tươi ròng của cuộc sống và trăm nỗi trăn trở ưu tư của cả một đời chiêm nghiệm. Đó sẽ là những bài thơ lục bát mà bụi thời gian không thể xóa nhòa.
(*). Trần Đăng Khoa: “Từ ngọn lúa sinh ra”, Báo Văn nghệ số 39 / 1983.
Đ. T. H