TẢN MẠN TRĂNG THỨC MƯỜI BẢY

Thứ bảy - 08/07/2023 08:44

Nhà thơ Lê Thị Mây

Nhà thơ Lê Thị Mây
Thật khó lòng quên chuyến đi thực tế vào vùng nam Bến Hải. Đông Hà được giải phóng sau hiệp định Paris năm 1972. Vào dịp ấy tôi cũng đã có một chuyến đi vào Vĩnh Linh gặp được hai cô ruột đang ở nhà của anh Chính chị Mai. Lúc cô tôi ra Quảng Bình thăm gia đình tôi, lúc tôi mới năm sáu tuổi. Nay đang sức vóc tuổi đôi mươi, biết gánh trên vai bổn phận, chí trai, yêu nước thương nòi, dám hy sinh khi Tổ quốc lâm nguy...
 
An Hoa
 
Lịch dương, tính theo mặt trời mọc lặn hàng ngày. Lịch âm, tính theo trăng tròn khuyết. trăng đêm mười ba đã tính đêm trăng rằm. Trăng rằm, tính từ đêm mười ba, mười bốn, mười lăm. Đêm mười sáu trăng đầy viên mãn. Trăng mười bảy gầy khuyết.
Tuần trăng nào cũng thế, sau trăng mười bảy trời đất trở mưa gió mây vẩy cá, báo hiệu mưa gió rầm rề. Kể từ “trăng mồng chín nín trấu” là những đêm “trăng thức, trăng sáng ngần vậy, đẹp ngần vậy làm sao mà ngủ được. Trong chuỗi chín đêm trăng huyền diệu ấy, sao tôi lại yêu đêm thức trăng mười bảy nhỉ? Một thói quen đã thành định tính cảm thức thi ca.
...Tức vào cung “Tôi rất yêu trăng. Trăng Mười bảy…”. Định mệnh ở cung, số 17. Ngước lên bầu trời, trăng mười bảy là cung trăng khuyết, cho đến đêm ba mươi!
Nhớ bao điều tưởng đã lãng quên.
Xa Huế một tiếng còi tàu, xa Quảng Bình một tiếng còi tàu, ký ức chợt thức dậy, hay bị đánh thức mọi nẻo nhớ thương, đi mãi mà chưa đến cơ trở về...
Tôi vui và rất mừng. Mừng nhiều lẽ. Nhưng vui, là sau hơn 30 năm tôi được gặp lại Lương Xuân Đoàn... Chúng tôi cùng được sống, bình an sau hàng chục năm bom đạn, chiến tranh khốc liệt.
 
Bao vui buồn, bao ngày tháng đã trôi qua…
Đợt rút cán bộ văn hóa văn nghệ địa phương về Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương có hai nhà văn. Chu Văn Mười, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng. Nhà Văn Đổ Kim Cuông, không rõ giữ chức gì ở Ban Tuyên giáo Khánh Hoà, phu nhân là hiệu trưởng trường Sư Phạm. Và tôi, khăn gói, sách vỡ nhẹ tênh từ Quảng Trị.
Một khắc nhớ nhung, một thoáng gợi kỷ niệm tựa thảng thốt bắt gặp một bông hoa không thể hái. Người thơ, làm thơ, đâu phải là chuyện đặt cược, lao thân vào một cuộc chơi. Ai có lở nói vậy, cốt để tự hài. Không thể là một cuộc chơi mà là một sự dấn thân tận hiến! Cánh đồng hoa của đời người, cánh đồng hoa hồn thơ bao bọc, lan tỏa không chỉ riêng một ai, mà tất tật mọi số phận đều có và tưới tắm màu mỡ góp hương cho đời.
Điều thốt lên tự lòng và mạch phản ánh hiện thực cuộc sống, mang tính chuyên nghiệp, chính dòng văn chương nước nhà có nhòe khuất, có giao thoa? Con đường thơ, đấy con đường số phận. Chợt hiểu và cả không hiểu được gì cái đích phải đến. Đích đến không vị danh, có thể thành danh. Vị danh, hư danh, hỏng. Trời đất thương mà không ban tặng, không cho không và cả không dung sự kiểm nhã...
 Văn nhân vốn “nghiện thức khuya”, không tốt cho sức khỏe.
Mỗi bước đi, bước nào cũng bập bênh. Bay bỗng lên trời xanh và bập xuống, may còn chạm được mặt đất. Biết yên lành, có thể buông bút, nghỉ ngơi lấy sức cho chặng đường tiếp sau.
Người thơ ai cùng phải trăn trở tự chọn con đường riêng ở đầu mũi chân. Mũi chân đo đất. Con chữ đo trang giấy, đo cái bóng của hàng cây ơn nghĩa của đời. Ngày nắng có bóng. Ngày mưa có giông lốc gây gãy đổ, bật gốc.
 Có hai giọng thơ. Thơ dễ thuộc và thơ đọc để nghĩ ngợi. Có bạn thơ trẻ, yêu thơ lục bát, nhận xét; “thơ chị chữ cầu kỳ khó đọc”. Nhớ mãi. Biết ơn lời nói thật lòng! Có một lẽ, khi cảm xúc thơ đến, chìm sâu vào cõi chỉ riêng chạm đến mà thốt lên. Một chân trời, một không gian ảo, hệt có một lực hút nào đó nhấc khỏi mặt đất. Cứ cho mộng du. Tứ thơ, ý thơ vốn như những đốm lửa, cố, đuổi bắt càng say, càng bập bênh. Vậy nên lửa lập lòe ở đầu bút mà ứa mực tự hồn, mà tự lòng chảy xiết một tốc độ không thể lặp lại lần thứ hai, đi qua lần thứ hai. Những giây khắc lạ lùng ấy, phương ngữ tự thủa ấu thơ quê kiểng trỗi dậy. Đồng thời như thể, có thể nhìn thấy đủ, trọn tứ thơ, từng mặt chữ. Qua cơn ngẩu hứng, cảm hứng, nếu dở ra sửa cho du dương, xuôi tai, tôi tránh làm thế, sợ sẽ mất ý, tứ ban đầu. Cái khó ở chỗ ấy.
Nói những chặng là vì, mỗi chặng đi có những bài học gom trải nghiệm, hình thành nên phong thái giọng điệu riêng. Nếu mãi chú tâm đến việc tìm tứ, chọn sự ẩn tứ, nghiêng về sự ngẫm ngợi, trăn trở bên trong thái quá sẽ ra một thứ thơ lạnh lẻo hoặc khô cứng làm mệt người đọc, khó nhớ, khó thuộc. Thường tình, thiên hạ đọc thơ lại rất yêu thích việc thuộc thơ ngay lần đọc đầu tiên, để còn “truyền khẩu” với người thân.
Nhà thơ Dương Tử Giang, nhà thơ Xích Bích hy sinh tháng 6-1968. Ba tháng sau mới tôi được chuyển về Hội. Nhà thơ Xuân Hoàng phân công và dặn dò việc sắp xếp lại các tài liệu, bản thảo của nhà thơ Dương Tử Giang (1911 - 1968), đợi có dịp sẽ chuyển cho gia đình. Phòng làm việc của nhà thơ Dương Tử Giang, ở ngôi nhà ngói xinh xinh bên mé đồi, cạnh sở Bưu Điện. Phòng văn vẫn y nguyên bàn ghế. Các tệp bản thảo của nhà thơ còn đầy ắp trong tủ tài liệu. Tôi sắp xếp các tài liệu rất cẩn trọng. Lật dở từng trang, lòng xúc động, tựa trong hồn có thầm thĩ lời khấn nguyện...
Thuở nhỏ, lúc đang học lớp năm ở trường Đào Duy Từ bên kia sông Nhật Lệ, qua đò, thi thoảng đi cùng chuyến đò với nhà thơ Giang Tử Giang, nhưng không biết bác ấy là nhà thơ và thơ ca đang còn ngoài suy nghĩ của tôi. Kiểm, con gái út của nhà thơ học trên tôi một lớp. Chị Hạnh con cả, người mảnh khảnh, học trên mấy lớp, cùng tốp các chị con gái xinh đẹp, chăm học của xứ cát bên này sông Nhật Lệ. Đọc từng trang bản thảo của nhà thơ Dương Tử Giang thấm hiểu sự nhọc nhằn của nghề văn từ những dòng dập xóa, những từ mốc nối dọc lề giấy... như có tiếng thầm thì, có ánh mắt đau đáu từ vết thương bom của Bác Dương Tử Giang!!!
Nhà thơ Xích Bích (15.6.1938 - 15.6.1968), thầy giáo dạy văn cũng vừa hy sinh. Nửa tập thơ “Hoa bí vàng” chỉ 16 bài, (in chung cùng nhà thơ Dương Tử Giang, 1970), muôn vẻ đời sống được gợi, tả, độc đáo, lâng lâng, cùng một niềm đau đến nghẹn thở. Nhà thơ Trần Nhật Thu thường đọc bài thơ Hoa bí vàng của nhà thơ Xích Bích, giọng mềm mại, ấm áp đầy ngưỡng vọng tiếc thương.
 
Hoa bí vàng ơi
Sao hoa rạng rỡ môi cười
Anh đi xa qua mấy lần trái đỏ
Một sáng mai, vàng thương nhớ, khôn nguôi”.
 
***

Giang                     
                              Nhà thơ, nhà báo Dương Tử Giang,

downloaddownload (1)
                                     Nhà thơ  Xuân Quỳnh và Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

 
Truyện ngắn, bút ký và thơ là đều thể loại xung kích của tờ Văn nghệ Quảng bình tuyến lửa, vốn trạm dừng chân, đi ra đi vào của nhiều đoàn văn nghệ sĩ danh tiếng của cả nước. Vào đến đây, các đoàn nhà văn đi chiến trường thường chia nhỏ, bám lá cành ngụy trang, dấu gậy các binh đoàn ra trận, thâm nhập khói lửa chiến trường, bằng sức bút đầy trách nhiệm với cánh lính xẻ dọc Trường Sơn, vì miền Nam ruột thịt. Chính vì thế, Hội văn nghệ Quảng Bình trở thành nôi văn học lý tưởng cho việc tự học nghề văn, đam mê văn chương. Mãi sau này nó vẫn còn ảnh hưởng lớn trên những chặng đường thơ sắp tới của nhiều bạn viết trẻ.
Ở cung sắp đầy giáp tuổi thứ hai, có nhiều bài thơ lục bát tôi thuộc nằm lòng, thường lẩm nhẩm đọc cho chính mình nghe. Đấy là bài về viết về mẹ – Mẹ, và bài thơ Bích La Đông...
Có điều, các bài thơ, mỗi bài thơ thường được viết vào lúc khuya khắt về sáng, rồi gấp quên vào sách vỡ. Hoặc có gửi đến các báo, nếu không được in, xem nhu trôi tuột, mất hút!!!
 
***
Thử hình dung sẽ có bốn chặng đường sẽ đi. Có thể là thế này: 1965-1975. Từ 1976-1979, 1980-1989, 1991-1999 và vv...
Những dòng này khởi viết là đầu chặng đường thứ hai. Viết và bỏ lững. Bút ký cũng không phải. Hồi ký càng không dám. Tản mạn hay tản văn? Cứ nhẩy cóc, nhớ đâu ghi đấy, ghi vậy, cốt không để đầu rỗng, trôi quên kỷ niệm, ký ức. Có khi quên bẵng cả tháng, vài tháng, vài năm. Nhớ ra, tìm thấy thì ghi tiếp điều no chuyện kia...
 Ký ức, mỗi chặng đường một khúc nước sâu, một mùa thơ, mùa trăng, mùa hoa. Con thuyền trăng đầu tháng, mỗi tháng huyền ảo, phiêu diêu làm giàu trí tưởng tượng. Mỗi khúc nước sâu cho sự trải nghiệm, đúc rút từng bài học nho nhỏ và kiếm tìm cái mới khi đang dồi dào sức trẻ. Dù ở ngưỡng tuổi nào, từ Kỷ Sửu, tới Kỷ Sửu chẳng hạn, tròn năm vòng năm con giáp sẽ thế nào nhỉ?
Đang giáp tuổi thứ hai, sẽ đầy giáp tuổi thứ ba, lòng vốn vui phơi phới lại vừa nặng trĩu lo âu và cũng nặng vai chuyện thường ngày ở huyện. Ấy chuyện tem phiếu thời bao cấp. Xếp hàng. Mua được cá, thịt, gạo muối chín mười anh em trong cơ quan Hội cùng vui ra mặt, được bữa tươi. Nhất là vào dịp tết, lễ, dịp có khách văn, bạn văn từ Hà Nội vào. May sao những ngày sơ tán. Ở vùng đồi Nghĩa Ninh, ở cạnh Sở Bưu điện, có bếp ăn tập thể các tem phiếu được chuyển cho Ban quản lý bếp ăn bưu điện.
Dạo ấy, chị Xuân Quỳnh và chị Ý Nhi được Nhà xuất bản Tác phẩm mới của Hội Nhà văn có chuyến đi thực tế tuyến lửa Quàng Bình. Tôi nhớ một chuyện vui. Sau một bữa ăn trưa, chị Xuân Quỳnh nháy mắt cười rồi cầm về một đôi đũa mới tinh tươm. Về phòng văn của Hội, chị nhờ nhà văn Hoài An chuốt đôi đũa cho thành đôi kim đan rất đẹp. Từ Hà Nội, chị Xuân Quỳnh có mang theo có mang theo các cuộn len đan áo cho con trai nhỏ. Trưa hôm sau, chị Quỳnh, Mỹ Dạ, và tôi đến bếp ăn ngồi một bàn có cửa sổ nhìn ra vùng đồi tím ngát hoa mua chen lẫn hoa rành rành, nói đôi câu chuyện về thơ phú, vừa đợi cơm. Sau bữa ăn, sắp đứng dậy ra về thì anh T. người quan lý bếp ăn đến. Anh nói rụt rèn, giọng bắc âm rất trong, đầy trìu mến, và tặng chị Quỳnh hai đôi que đan, một đôi nhỏ, một đôi lớn hơn một chút.
Ba chị em bối rối, cảm động và đầy ngạc nhiên...
...
Tên tuổi ứng với mỗi phận người.
Cái thời khắc với bước chân đầu đời văn chương ấy, có sự trốn tìm lựa chọn một bút danh. Đôi khi tự ngẩm ngợi một chút. Tuyết Bông. Một bông hoa trắng và lạnh. Hoa nhài? Hoa nhài, hoa trong các chuyện liêu trai. Trắng, lạnh, tôi hình dung tới bông tuyết trong các tiểu thuyết Người khốn khổ của Victor Hugo.
Bông tuyết. Lạnh và bay. Được tự, do phiêu đãng cùng với bầu trời không gì ràng buộc nổi. Một niềm tự do đầy thú vị. Mây, đám mây, làn mây, chân mây vốn tự bầu trời sinh ra. Vốn tự do và lang thang, không chịu bất kỳ một sự khuôn định nào. Nhưng đã là một phận người, khuôn định pháp luật là tối thượng.
Bon bon. Tốt. Đúng... (theo nghĩa tiếng Pháp). Mãi khi  làm hồ sơ trung cấp và hồ sơ TNXP mới trở lại tên Bông, tên do bà mụ ở nhà thương Đồng Hới đặt cho, có đệm chữ Tuyết. Mẹ tôi nói, chữ Tuyết cũng là do bà đỡ đặt cho, ghi nhận cái đẹp của làn da thủa mới chào đời. Về sau nữa, trưởng thành và qua nhiều trải nghiệm, tôi có thêm tên hiệu Tâm An và tên chữ An Hoa. Phạm thị Tuyết Bông, bỏ thị , bỏ bông, lấy hoa thành bút danh Phạm Tuyết Hoa, thuận tai hơn. Nhưng bút danh Lê Thị Mây, gọi lên đúng chân dung tôi, không sai một ly. Dù là thế... Nhưng, ôi thôi, loạn tên, loạn bút danh là điên thơ, điên bút rồi...
Có những tập sách tôi tham gia viết, cứ mỗi bài, một bút danh, đành tặc lưỡi, bởi nhà sách tránh điều, một tác giả mà có đến năm bảy bài viết...!!!
Thơ phú thành danh và hư danh. Hư danh hay thành danh, ứng với cơ trời, số phận. Sự thiên phú, tự lòng thốt lên là bậc thánh thơ. Nghiệp thơ, thi sĩ nào cũng trăn trở và khiêm tốn tin rằng, bài thơ hay nhất vẫn là bài thơ chưa được viết ra. Những dấu chân chưa có trên những con đường. Những bông hoa, những mùa hoa chưa nở, chưa kịp nở. Cánh đồng hoa ở phương trời nào nhỉ? Giặc lái Mỹ đang leo thang ném bom hủy diệt làng mạc, cầu cống, thành phố. Bốn phương trời quê hương xáp mặt chiến tranh!
 
***
Tâm tính tôi vốn hợp mùa thu, có mưa chiều và mưa đêm. Đến được mùa thu phải chạy bộ qua mùa hè trên cát bỏng. Mùa hè cuối năm học cấp hai tôi nhận được giấy gọi của Thị Đoàn Đồng Hới nhập quân đi gọi Thanh niên xung phong, thuộc đơn vị Thị Đoàn Đồng Hới.
Sau này qua báo chí, tôi biết được thông tin, vào những năm tháng “... trong khí thế sục sôi chống Mỹ cứu nước phong trào thanh niên ba sẵn sàng của Thủ đô Hà Nội, chỉ sau 20 ngày chỉ thị 71/TTg—CN của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành, ngày 11/7/1965, Thành Đoàn Hà Nội đã thành lập được đội Thanh niên xung phong đầu tiên của cả nước gồm 7 đại đội, với 1.500 cán bộ, đội viên từ trên 4.000 lá đơn tình nguyện... Và Thành Đoàn Hải Phòng cũng thành lập được 10 đại đội; sau đó gộp thành Đội N41 Hà Nội – Hải Phòng. Sau nữa, Hà Nội được tách riêng để thành lập Đội Thanh niên xung phong 43, hoạt động ở địa bàn của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.… …
Gần 30 năm sau, vào ngày 27/3/1993 thủ trưởng đơn vị Nguyễn Xuân Chàm đã ghi (chứng thực) ở hồ sơ thương binh, đôi khi đọc, thột giật mình nhận, đấy là một ‘‘mốc thời gian vàng’’ của số phận.
.......
‘‘Tôi: Nguyễn Xuân Chàm, hiện là Giám đốc Sở Thủy sản Tỉnh Quảng Bình, chứng nhận:
Năm 1965, tôi là Bí thư Thị Đoàn Thị xã Đồng Hới, người sáng lập ra đơn vị Thanh niên xung phong Thị xã Đồng Hới đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Giữa lúc đang huấn luyện, trong một chuyến đi công tác, ngày 28 tháng 9 năm 1965, trên đường từ đơn vị về trực báo với Thị Đoàn, lúc 10 giờ đêm, cô Phạm Thị Tuyết Bông, A phó A Bảo Ninh, bị máy bay AD6 đánh vào bến đò Lũy Thầy, cô Bông bị thương ở hàm và mặt phải đi điều trị một thời gian. Cùng biết việc này có anh Hoàng Viết Nghi đang còn sống ở Hà Thôn, xã Bảo Ninh...’’
Ngày tôi bị thương, tính theo lích âm, tức ngày  mồng bốn tháng 9 âm lịch. Máy bay Mỹ ném toạ độ ban đêm, lúc ấy áng chừng chín mười giờ, trăng mồng bốn đã biến mất khỏi bầu trời.
 
Một lần từ Huế ra Quảng Bình, đi đò về Bảo Ninh, cùng chuyến đò với anh nguyễn Văn Đắc, anh hỏi tôi đã làm chế độ thương tật chưa. Anh vừa hỏi, vừa thúc giục tôi nên làm, cần làm. Anh bảo “Đấy là đóng góp thời trẻ.. Tớ đã làm rồi. Cánh tay phải của tớ teo nhỏ. Mảnh ở phổi thì không gắp ra được”.
Mấy năm sau, anh qua đời ở tuổi ngoài ba mươi. Kính bạn học cùng lớp, vợ anh ấy, một nách góa bụa nuôi các con thơ dại!
...
Tự ngày nhập quân, bước chân vào đội ngũ TNXP, tôi đâu dám mơ tưởng tới một tương lai văn nghiệp đang chờ đón vẫy gọi. Sau trận bom tọa độ ban đêm của chiếc AD6, tự lòng, tự tâm, tự hồn ứng một sự vọng dội, rung bật: chưa đến con đường sao máu tôi đã đổ... và 38 năm sau cái sự vọng dội, rung bật ấy trở thành những câu thơ mở đầu của trường ca Lửa mùa hong áo với hình ảnh lắc nhịp của trái tim chị Luống, lồng ngực chị mảnh bom lớn lia qua, vỡ hoác dưới ánh đèn dù pháo sáng...
Đặc biệt trong chuyến đi trở về đường mòn Hồ Chí Minh do Bộ Giao Thông tổ chức vào đầu tháng chín năm 1989, nối dài miên man những ngẩm ngợi về hòa bình và chiến tranh.
Năm tháng trôi qua. Nhớ gì quên gì? Và đặt bàn chân đi ngược trở về miền ký ức, ở cung trọn năm giáp tuổi, ngỡ ngàng trước bao ngõ ngách nhớ, quên, nhiều nhòe lẫn, tựa có được cuốn phim tư liệu, không phải của chính mình, cần chuẩn qua hậu kỳ cho sáng tỏ.
Tôi nhớ, ngày hôm ấy, tôi ra khỏi nhà từ phố Đội Cấn lúc bảy giờ. Đến văn phòng Bộ đã thấy nhà báo Lê Quang Trang. phụ trách Tuần báo Nhân dân cuối tuần đã có mặt. Nhà văn Lê Quang Trang Anh là phu quân của nhà thơ Trần ihị Thắng, anh chị định cư Sài Gòn đã gần 20 năm, là một cặp đôi văn chương hoàn hảo, danh tiếng…
Đoàn đi gồm có bốn vị. Xe lăn bánh, ra khỏi sân Bộ Giao Thông lúc 9 giờ sáng, lái xe là anh Hiệp. Tiễn đoàn có anh Lưu Phó văn phòng Bộ. Đi cùng đoàn, có đồng chí Minh phụ trách công tác tuyên truyền của Bộ, vừa từ ở Huế ra. Vậy chỉ còn thiếu nhạc sĩ Văn Dung. Xe đi từ Bộ Giao thông, sẽ đón nhạc sĩ Văn Dung, cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà riêng ở đường Giải Phóng.
Người thứ tư là tôi. Được tuyển chọn vào đoàn, tôi rất bất ngờ và xúc động, vì tận đáy sâu của tâm hồn được thỏa ước. Thỏa ước nhưng lòng có vương vấn một điều, chưa thốt gọi thành tên được.
11 giờ trưa đến Thanh Hóa. Đường mòn Hồ Chí Minh, hay gọi theo lính là đường Trường Sơn, được kể từ Thanh Hóa, Bắc miền Trung, qua các địa phận: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... vào sâu đến Tây Ninh, Nam Bộ...
...Vào đến xứ Thanh, Giám đốc sở Giao thông tiếp. Mọi câu chuyện mọi chủ đề đều đặt bàn chân đi ngược thời gian. Dọc đường vào Thanh tôi vừa lắng nghe mọi người nói chuyện rổm rả, vừa lẩm nhẩm:
Mọi bước chân xin lòng trở lại/ Mà nào tôi chưa được đến bao giờ/ Giờ hân hoan sải cánh trở về./ Trường Sơn ơi, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây muôn dặm../ Một chốn xin về thương nhớ núi cùng sông.
Lái xe Hiệp và phó văn phòng Bộ trở về Hà Nội.
Chiều, đoàn được làm việc trực tiếp với anh Luyến Giám đốc và anh Ngữ Phó giám đốc Sở Giao Thông Thanh Hóa. Một tấm bản đồ tỉnh Thanh được treo lên trang trọng. Anh Luyến giọng Thanh trầm ấm gợi một niềm ký ức bừng dậy. Bắc Thanh Hóa giáp Ninh Bình, Hòa Bình và Sơn La. Toàn tỉnh có 27 huyện, thị, và thành phố, gồm 624 xã, là một tỉnh có dân số đông nhất cả nước. Sau khi giới thiệu tổng quan về ngành giao thông của anh Luyến, anh Ngữ giới thiệu trình bày tiếp về cung đường Trường Sơn bắt đầu từ tỉnh Thanh.
Ngày 21-5-1965, Chính phủ ra chỉ thị 71 cho phép tỉnh Thanh hóa tuyển đội Thanh niên xung phong...
...
Các anh cho biết, tháng 12 tới Sở Giao Thông Thanh Hóa sẽ được đón danh hiệu đơn vị Anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cùng đợt với thành phố Gài Gòn và Sở Giao Thông tỉnh Nghệ An. Ba tỉnh Thanh Nghệ Tỉnh, đều xứng danh oanh liệt …
Trước hôm lên đường, được biết, năm bảy hôm sau nữa, mới sẽ từ xứ Thanh vào tiếp xứ Nghệ. Đấy là lịch trình từ Bộ Giao Thông vạch ra cho đoàn, chuyến đi trở lại Trường Sơn qua năm tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế trong vòng non một tháng...
Không hiểu sao, tôi không gọi Thanh Hóa và Nghệ An, mà quen gọi “xứ”. Xứ nọ, xứ kia trong cách gọi dân gian đầy ắp sự trìu mến và đầy ắp cá tính vùng miền được truyền khẩu, nghe thuần tai từ nhỏ. Sau chuyến trở về đường Trường Sơn, tôi giành thời gian đọc lại hai cuốn sổ ghi chép và tìm tư liệu, ấp ủ một dự định, thay việc viết một bài báo hoặc một bút ký, tôi chuyển hướng sẽ viết trường ca. Trường ca Lửa mùa hong áo, cách ba bốn năm sau chuyến đi, được ra đời. Có sách, hai cuốn đầu tiên tôi mang tặng là tặng Bộ Giao Thông và Ban chấp hành Trung ương đoàn, trụ sở ở phố Quang Trung…
Ở chương 15, chương Tóc của trường ca Lửa mùa hong áo, bi hùng, bi thiết đến cháy ruột gan...
...
Rồi tóc
Sau trận bom
Em Phượng
Em Ngân không còn tiếng gọi
Em Phượng
Em Ngân
Khuất tiếng nói
...
Lai quần đánh giặc còn trong cỏ
Rồi tóc trong cỏ hiện xanh nguyên...
...
Rồi tóc
Rồi tóc
Sau trận bom
Trên cây cụt ngon treo như bão
Lai quần trong cỏ nhặc nấc lên
...
Rồi tóc
Rồi tóc
Xanh mềm với tóc em
Binh đoàn điệp điệp mùa nước chảy
Mẹ búi qua ghềnh khóc qua đêm!
!!!
Sau khi trường ca Lửa mùa hong áo được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, tôi thường đọc đi đọc lại chương này trong nỗi nhớ tựa khắc khẳm vào tâm hồn câu chuyện tiểu đội Thanh niên xung phong của chị Phượng, bị bom tọa độ đánh trúng hầm. Chị Phượng Người Hà Nội. Một đơn vị nữ thanh niên xung phong người Hà Nội? Có phải tiểu đội chị Phượng thuộc Đội Thanh niên xung phong 41 của Thanh đoàn Thủ Đô, được thành lập vào mùa thu 1965, cùng thời điểm tôi nhận được giấy gọi nhập quân Thanh niên xung phong thuộc Thành đoàn Đồng Hới.
*
Con đường số phận gắn với thơ đã qua 50 con trăng rằm. Mỗi con trăng thức ngủ với cây bút gỗ. Nếu nói về phương tiện, đã chuyển cây bút máy bơm mực hồng hà. Mực tím nghiêng sâu vào mé ký ức tuổi thơ.
Từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành, dằng dặc sang đốt trải nghiệm mạch lực cầm bút, lập ngôn cứ chìm khuất lớp lớp dấu chân. Lớp lớp điệu thức lục bát Nguyễn Du:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khóe là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trong thấy mà đau đớn lòng
 
Bói Kiều, dở đúng trang nào, chỉ đúng dòng nào lẫy ra mà vận vào thân đã thành một nhu cầu tâm linh vào dịp tết, cốt tự ngẫm xem, đoán định xem cụ Nguyễn Du cho quẻ, hên, may thế nào, hay cụ có nhắc nhở nên thế nọ hay thế kia không... ?
 
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
...
...!!!
Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời cách đây gần 200. Gần hai trăm năm đủ cho sự cảm, ngấm, nâng, bốc say, hiện đại ngôn ngữ thành văn của dân tộc, kể từ đầu thế kỷ 19 chảy một dòng trong, lắng qua thế kỷ 20, nay chạm ngõ, đầu ngõ thế kỷ 21. Câu chuyện này tôi đâu dám khơi mạch bàn sâu; chỉ bày tỏ sự rung động, cảm thức vần điệu, nhạc lòng khi đọc Kiều... mỗi lần đọc lại Kiều. Tủ sách của tôi có đến chín mười đầu sách về cụ Nguyễn Du và Kiều. Quý nhất là cuốn Thơ Quốc âm Nguyễn Du của anh Nguyễn Thạch Giang khảo cứu và chú giải, tặng., cùng cuốn Đoạn trường Tâm Thanh nhà thơ Bằng Việt tặng.
Mỗi thi nhân văn sĩ có một mạch cảm xúc, tâm hồn lục bát, đằm sâu, dễ là sớm ảnh hướng hơi hướng lục bát Nguyễn Du qua đọc Kiều, thuộc Kiều, nghe ru Kiều, có đến chín mười phần từ trong bụng mẹ... Nôi, võng và ru Kiều, chao, đẩy, hà hỡi, hà ru là không gian khởi nguồn hình thành, vun đắp tầm hồn con trẻ.
 
***
Chuyến nghỉ phép, đi tàu dọc dài nửa đất nước về sau đọng sâu vào ký ức tỏa cảm xúc cho thơ. Thơ viết về Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đèo Ngang (mà vỉa địa chất mằm dọc)... Ôi con đèo nằm ngửa nhớ trăng mà nghe sóng vỗ thi ca suốt dọc dài đất nước
Vào những năm đầu bảy mươi (1973-1974) đang theo lớp bồi dưỡng viết văn trẻ, bấy giờ cái ô mạch cảm xúc ấy lan tỏa, bật rung nhiều cảm hứng, ngẩu hứng. Những năm tháng tuổi đã băm băm, tôi viết nhiều bài thơ về mẹ, từ những kỷ niệm được ủ kín. Hình ảnh mẹ, tâm tư mẹ, kỷ niệm về mẹ luôn gắn với non sông đất nước, Tổ quốc. Rồi tôi luôn ao ước sẽ có một lúc, cơ trời đến, tôi sẽ làm một tuyển thơ về mẹ. Cho đến nay sắp đến trăm năm ngày sinh của mẹ liệu tôi có làm được không? Cái thời tuổi đôi mươi, rồi tuổi băm băm, ra Hà Nội học lần thứ hai tôi càng thêm ngưỡng mộ, kính trọng nhiều nhà thơ, nhà văn thế hệ kháng chiến chống Pháp được mời về thỉnh giảng. Các thầy, có thầy là những  quan văn, tận lòng vì sự nghiệp văn chương. Có thể kể, nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Chính Hữu. Thầy, nhà thơ nguyễn Xuân sanh và nhà văn Nguyên Hồng là Hiệu trưởng và Hiệu Phó trường Viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam là những tấm gương lao động nghề văn mẫu mực, noi gương qua tác phẩm thành văn vừa noi gương qua tiếp xúc hằng ngày qua các cua giảng...
Cua giảng của thầy Nguyễn Đình Thi hút hồn học viên, một sự lan tỏa, một sự thổi hồn, đẳng cấp và siêu đẵng, vào trang chữ, vào cua giáo áng và số phận đường trường văn chương của mỗi học viên, sánh như một chuyện thần tiên không diễn tả được. Nhất là đối với riêng tôi.
Noi theo, ngẩm ngợi theo các bậc tiền bối, các lớp anh chị nhiều thế hệ trước ngoài niềm yêu mến kính trọng khi đọc trực tiếp văn bản tác phẩm tôi luôn tự nhủ cố noi theo nhưng nhớ tránh không lặp lại, làm các F’, dẫm vết.
Học hành để trưởng thành, có vốn dắt lưng. Việc học, tự học thôi thúc năng nổ đi thực tế sáng tác tự bao giờ không biết đã thành nhu cầu tự thân.

Tại buổi leefkyr niệm 60 năm Hội VHNT Quảng bình Một số nhà văn của Hội VHNT Quảng Bình

 
Trong làng báo Quảng Bình, tôi chơi thân với bạn gái .X. phóng viên báo tỉnh. Em là hoa khôi của báo. Xinh tươi và có giọng ca vàng. Sắp vào mùa đông năm 1972, em giành thời gian về đêm đan cho bà và các em gái trong gia đình. Một hôm, em giục tôi mua tấm chăn lên Trung Quốc, bày cho tôi cách tháo rồi đan cho tôi một chiếc đẹp hết ý, nhưng phải đợi vài ba tuần mới đan xong. Kỳ ấy, “cả làng” đua mua chăn len Trung Quốc, tháo lấy len đan áo. Tôi đồng ý với em rồi cùng cười khúc khích.
Đột ngột tin chiến sự sôi sục. Miền Nam đánh lớn, Mỹ leo thang ném bom dữ dội. Các cơ quan ban ngành từ nơi sơ tán trở về thị trấn Cộn từ mùa hè 1968, nay gấp rút chuyển sơ tán mới...
Bom đánh dữ Cầu Bốn, trên đường 15, nhà tôi ở cạnh cầu, cạnh đường, tôi đã đón mẹ tôi về ở cơ quan Hội gần hai tuần rồi. Anh Cả tôi thấy không ổn, không tiện, giục tôi đưa mẹ về Nhân Trạch. Chị và các cháu nhỏ đang sơ tán ở đấy.
Trước khi đi chuyến công tác cùng Trần Nhật Thu, tôi đèo mẹ tôi bằng xe đạp tư Đống Hới ra Nhan Trạch, quê ngoại của chị dâu cả.
Khi đi qua cầu Ba Dốc, bên trái lề đường còn thi thể một cán bộ giao thông nằm đắp chiếu. Bà con đi đường cho biết, đêm qua chúng tọa độ cầu. Mẹ tôi ngồi sau xe ôm riết lưng tôi, vòng tay mẹ run run. Trống ngực mẹ áp sau lưng tôi đập nhịp lo âu và thương xót người xấu số. Khi qua ngầm tôi đỡ mẹ xuống đi bộ, ống quần hai mẹ con ướt lướt thướt. Bữa đầu tháng, em gái út thì theo anh trai ra Hải Phòng. Em trai kế trên em gái út, đang học lớp ba thì đi K8, sơ tán, có lẽ ra Nam Định. Chiều xế, trở về cơ quan lòng tôi yên tâm được năm bảy phần.
Ngày hôm sau, Trần Nhật Thu cùng tôi phóng xe đạp bạt mạng theo đường quốc lộ, rẽ đường lên hướng tây huyện Bố, huyện Tuyên, tây Quảng Binhg, thực hiện chuyến công tác viết bài vừa tiền trạm tìm nhà dân cho cơ quan sơ tán. Địa điểm sơ tán gần nơi sơ tán của Báo Quảng Bình. Và tôi vội tìm thăm em .X. khi chiều muộn. Em hỏi, chị và anh Nhật Thu đi chuyến cống tác có lâu không ? Tôi chưa trả lời, em đã vội ướm thử tấm áo len cho tôi. Hai chị em vui, cùng cười khúc khích. Giây khắc sau em cất tiếng hát rất trong. Ngưng hát, em thì thầm kể cho nghe câu chuyện cảm động của em và bảo anh ấy (bạn trai của em) rất thích nghe em hát bài hát này. Đấy là bài hát về Đây với đường tàu.
Đâu ngờ trong hồn còn vọng thức tiếng hát của em X., ngay đêm ấy, cái đêm định mệnh ấy, một trận ném bom đêm, giặc lái Mỹ đã đánh đáo trúng hầm Báo Quảng Bình, căn hầm duy nhất mà em X. đang lui cui một mình viết bài báo chủ đề nóng. Lúc bấy giờ nhà thơ Nhật Thu và tôi cũng vừa trao đổi xong về việc  “viết bài nóng”, đồng thời thống nhất việc tiền trạm tìm nhà dân làm trụ sở cho cơ quan Hội sơ tán.
Sau này, buồn thương, nhớ em đến thắt lòng, tôi thường hát Về đây với đường tàu, như một chuỗi lời cầu khấn em trong nước mắt. Em kém tôi hai tuổi. Tôi có bài thơ tặng em gái T.X.
 
Thanh xuân yêu bạn Thanh Xuân
Bạn xinh, giọng hát trong ngân thiết tha
 
Khéo tay đan áo cho bà
Sợi len đan kết tháng ba tháng mười
 
Bốn mùa khúc khích tiếng cười
Bạn yêu theo chữ cuối trời đạn bom
 
B.52 tọa độ trúng hầm
Máu loang trang báo đầm đìa cơn mưa
 
Tâm nhang một nén quỳ thưa
Bình yên đất nước bạn vừa đâu đây !
 
***

Khai mạc triển lãm những dấu mốc lịch sử Quảng trị
                    Khai mạc triển lãm: Quảng Trị - những dấu ấn lịch sử...

 
Thật khó lòng quên chuyến đi thực tế vào vùng nam Bến Hải. Đông Hà được giải phóng sau hiệp định Paris năm 1972. Vào dịp ấy tôi cũng đã có một chuyến đi vào Vĩnh Linh gặp được hai cô ruột đang ở nhà của anh Chính chị Mai. Lúc cô tôi ra Quảng Bình thăm gia đình tôi, lúc tôi mới năm sáu tuổi. Nay đang sức vóc tuổi đôi mươi, biết gánh trên vai bổn phận, chí trai, yêu nước thương nòi, dám hy sinh khi Tổ quốc lâm nguy. Ngẫm ngợi thế tựa khơi được nguồn cảm xúc mạch chìm mà cháy bỏng, mà miệng núi lửa cho tập thơ Thời trẻ của anh, tôi đang ấp ủ.
Sau lớp học lần thứ nhất ở Hà Nội về, thủ trưởng Xuân Hoàng duyệt cho tôi được một chuyến đi thực tế với giấy giới thiệu “phóng viên đi thực tế chiến trường Quảng Trị”. Một cơ may. Lần đi này tôi có thể về được An Mô quê nội. Tháng tới, tính theo âm lịch: Tháng bảy nước nhảy lên bờ. Đang con trăng nửa vành tháng sáu. Mưa lũ, các ngã đường sẽ hố trâu, hố voi, hố bom đỏ quạch. Qua rằm sẽ mưa lũ. Các cụ xưa có câu Mưa tháng sáu máu rồng, mong cho lúa được tưới tắm, được mùa. Nhưng lũ sớm sẽ mất lúa.
Trước khi thực hiện chuyến đi, đêm tôi thường thức trắng, rất bồn chồn. Ban đêm, bom đánh phá đường Mười vọng dội ì ầm cho đến sáng rạng đất mới ngơi đôi chút. Tôi chuẩn bị bao lô cho chuyến đi gọn nhẹ, về tinh thần đầy mãn nguyện vì được cầm trong tay giấy giới thiệu đi thực tế tại chiến trường Quảng trị. Thị xã Đông Hà vốn là một thị trấn trại lính, nay được giải phóng, lên thị xã, cách vài cây số, vùng Cùa là thủ phủ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.
...

0 Untitled Scanned 05 jpg
 
      Từ Cửa Việt tôi đón chuyến đò dọc lên Đông Hà. Một chuyến đò dọc đầy cảm hứng, thu nạp năng lượng, âm vang khôn nguôi chất trữ tình cách mạng. Thật may mắn, lúc này, tại Trà Liên, sát nách sân bay Ái Tử hoang phế, ngồn ngợp giây thép gai đang có trại sáng tác của quân đoàn 2 vừa mở. Biết tin thế tôi rất mừng. Đây là một dịp may được gặp nhiều tác giả tôi đã được đọc thơ và nghe rất nhiều chuyện kể thú vị về các anh, những cây bút xông pha vào trận đầu mà trưởng thành trong lửa đạn chiến trường, về dự trại...
Tôi không nán ở lâu trại sáng tác của Quân đoàn 2. Bởi ngày tôi đến, mưa dầm dề, lại nữa ngày hôm sau tôi phải trở ra Đông Hà, rồi đi lộn trở vào, lội qua sân bay Ái Tử, tìm về quê Nội. Trà Liên là bến sông trao trả tù binh (chiến sĩ ta) sau Hiệp định Paris. Quân đoàn chọn địa điểm mở trại, đầy ý nghĩa. Khu nhà đón tiếp tranh vách đất dựng lên để đón tiếp chiến sĩ ta được trao trả được giữ gìn rất cẩn mật, cẩn trọng. Trong mưa, những giọt nước từ mái tranh nhỏ xuống thật bồi hồi, rỏ miên nam vào tâm hồn, lay thức cây bút gỗ. Trong chuyến đi thực tế này, tôi được nghe kể rất nhiều về các trận đánh lớn: Khe Sanh (1968), Thành cổ Quảng Trị (1972). Tập thơ Thời trẻ của anh, được nung nấu, ủ muồi từ đấy. Mãi đến năm 2001 mới được xuất bản.
 
***
 Rời trại sáng tác quân đoàn 2, tôi không kịp trở ra Đông Hà nửa mà lội bộ, đạp đường tìm về quê nội An Mô, về cả quê ngoại xóm Trà, bên bờ sông Vĩnh Định đến Bích La Đông vùng quê sầm uất này là  quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn, sát nách Thành Cổ Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị, nơi đã diễn ra 82 ngày đêm đỏ lửa chiến trường, đang là vùng giáp ranh, chiến sự đang rất nóng, đầy ắp tư liệu chiến sự cần được phản ánh. Theo bố trí của nhà thơ Lương An, đang Trưởng Ty Văn hóa Quảng Trị, cho tôi được đi cùng chị Lê Hoài Nam, phóng viên của đài Giải phóng thuộc khu Trị Thiên thường trú tại Đông Hà, vào tuyến chốt chợ Sãi. Nhóm đi được một đơn vị bộ đội đang đóng chốt giáp ranh này đưa đi sâu vào đất Triệu Thành, vùng chốt cắm hai ngọn cờ. Một cờ giải phóng và một cờ Nguỵ quyền Sài Gòn. Có những chặng hào cạn, khi hai chúng tôi xuất hiện, đằng sau là các đồng chí bộ đội súng ống nghiêm cẩn. Bên kia chốt đối phương, lính cố ngoi lên nhìn và họ cũng đầy súng ống...
Dọc đường hào, chỉ có vài đoạn nhô hẳn nửa người, hoặc đi vượt lên dọc mặt đê, dù đi rất nhanh và trời đang nhoạng tối, nhưng vẫn bị lộ giới tính khi đối phương chăm chắm quan sát. Hoài Nam đang có chương trình binh vận tối nay, không hiểu vì lý do gì đột ngột hoản. Chốt bên kia, lúa chín rủ ngợp đồng không người gặt hái. Du kích làng tôi bảo, trong lúa, vịt đẻ trứng trắng đồng chẳng ai lượm, ai ăn. Nghe, vậy và tận mắt thấy, đau quặn ruột, khóc âm thầm một mình, mà căm lũ giặc, căm hận chiến tranh đế quốc Mỹ gây nên chết chóc, làng nước tan nát, nỗi đau chia cắt ngậm mãi vết thương chưa lành. Vết thương chồng vết thương. Chiến tranh chồng chiến tranh. Bởi tiếp sau ngày miền Nam hoàn toàn giải non sông thư về một giải, chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc tiếp xẩy ra, kéo dài đến nhức nhối.
Sau đây là bài thơ tôi viết tặng em Hường, khi tổ du kích của Triệu Long, quê nội của tôi, đưa tôi và chị Hoài Nam đi từ làng An Mô, qua làng Bích Khê lên tuyến chốt chợ Sãi. Khi qua Bích khê, cô Hòa, em ruột chú Tuân, lấy chồng ở đây, đang có mặt trong đội du kích của Bích Khê. Nghe tôi tự giới thiệu là cháu O Hội An Mô, em reo hân hoan cho biết “Cháu Hường có mặt trong tổ du kích đưa chị từ làng nội lên đây đó chị”...
Các bài thơ: Em Hường, Thưa dì bề trên… Dưới đây bài thơ Thưa dì, bài thơ em Hường tóc dài:
 
Chốt cài răng lược dì ơi
Bên ta bên địch một trời Việt Nam
 
Con trai dì súng cầm tay bên ấy
Con trai dì súng chúc đầu bên ấy
 
Dì vượt phòng tuyến sang thăm con
Vịt bầy đẻ trứng trắng đồng chợ Sãi
 
Vịt hoang đẻ trứng trắng đồng chợ Sãi
Con trai dì chúc súng ôm mẹ già
 
Bên ta bên địch một trời Việt Nam
Lũ vịt đồng dể trứng trắng đồng chợ Sãi…
 
Em Hường tóc dài
 
Tóc em dài lối sông Vĩnh Định
Tóc em mượt dài lối sông du kích
 
Đừng búi cao em nhé Hường ơi
Để tóc chảy thành núi sông Tổ quốc
 
Ôi muôn con sông tóc dài Việt Nam
Ấp úng e ấp bao điều quê kiểng
 
Viên đạn bay lên trời báo động
Máu xương tan đỏ thắm non sông
 
Chị cùng em ròng ròng nước mắt
Thả tóc dài không búi lên cao
 
Sông mãi chảy tình yêu Tổ quốc
Liền Bắc liềm Nam tìn sông núi ngàn năm
 
Trong nắng xế chiều, cánh đồng Triệu Thành lúa chín vàng rực. Các em du kích mặt mày buồn xo, giọng xót xa nói:  lúa chín rủ, thơm ngát như vậy mà chẳng nhà nào đi gặt. “Lũ vịt nhà thành lũ vịt đồng hoang, đẻ trứng trắng đồng. Thương lắm”.
 
Lũ vịt con sẽ được ra đời
Trong đạn bom chúng kêu ạc ạc
Trong đạn bom chúng kêu lạc lạc
Bao chết chóc bao nhiêu tội ác
Cờ hòa bình xanh đỏ giải phóng quân.
 
Non sông ta liền một giải Bắc Nam
Quê mẹ
Quê cha
Mong ngày sum họp
Sông Thạch Hãn xanh mà mây trời tóc bạc
 
***
Không có nhiều thời gian ở lâu trại sáng tác của Quân đoàn 2. Bởi ngày hôm sau tôi đã có chương trình lên Trạm phẩu thuật của Quân đoàn 2.
Trước mặt làng Trà Liên là bến sông trao trả tù binh sau Hiệp định Pari. Bến đò Trà Liên bên tả ngạn sông Thạch Hãn. Chếch về nam bên bờ hữu ngạn là làng An Mô, có bến đò sang Ái Tử. Hai bờ tả, hữu ở cung sông này, thuộc hạ nguồn sông Thạch Hãn vốn là một triền sông phù sa màu mỡ. Mùa hè nước sông xanh chảy từ bến khúc quanh Thành cổ Quảng Trị, từ ngã ba Vĩnh Định về ngã Ba Gia Độ xanh vời thăm thắm sóng. Những trưa mùa  hè gió lào thổi hùn hùn, sóng thẳm thành sóng dữ. Đang tháng bảy nước nhảy lên bờ, sông xanh đã chuyển màu phù sa sau cơn lũ đầu mưa và mưa thu dầm dề từ chiều hôm đến rạng sáng mới ngơi.

download (1)Xuân

                                                          Nhà thơ Xuân Hoàng và Nhà thơ Lý Hoài Xuân (Quảng Bình)
 
Người tôi gặp đầu tiên là Lý Hoài Xuân đồng hương Quảng Bình. Em đưa tôi đến các phòng văn cửa đang khép hờ để làm quen, nghe thơ phú của nhau, rất vui. Qua Lý Hoài Xuân, tôi biết Nguyễn Quang Tính cũng dự trại của Quân đoàn. Tiếc, hôm tôi tới đến trại viết, không gặp em, không biết em đã viết gì nhiều chưa ? Truyện, kỷ niệm chiến sĩ và thơ ? Sau này, đơn vị em trở ra Bắc an dưỡng, đóng quan ở nông trường Phú Quý. Với đỗi đường không xa em Tính và em Hiển nhiều lần về trụ sở Hội Văn nghệ Quảng Bình.
Dưới đây nhà những câu ghi vội ở sổ tay:
 
Bến đò
và những ngôi nhà tranh
những giọt nước rỏ đều
đầy tay tôi hứng
          đầy tay gọt bình yên
hòa bình
 
cây bút
cây súng
dòng mực chảy và máu
sông đầu nguồn phù sa
cửa sông
hồn đất reo biển cả
con sóng từ những giọt nước mái tranh
muôn năm hòa bình
đầy tay tôi hứng giọt ngâu mưa sum họp...

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây