Nghe tin Bác mất - thơ Phạm Thông và lời bình...

Chủ nhật - 14/05/2023 19:11

Nhà thơ Phạm Thông - thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Nhà thơ Phạm Thông - thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
 
NGHE TIN BÁC MẤT

                                 
Phạm Thông
 
Giữa Trường Sơn nghe tin Bác mất
Núi sông này quặn thắt nỗi đau
Tháng chín miền Trung mưa giăng lối
Đường hành quân ra trận lệ nhòa
 
Chúng con nghĩ mai ngày thống nhất
Bác vào thăm Đất Quảng kiên cường
Dân cùng Đảng bao năm kháng chiến
Giữ ảnh Người trong mỗi trái tim
 
Dưới hầm sâu, giữa lòng địch hậu
Nơi lao tù, trước lúc hiểm nguy
Chúng con khẽ gọi thầm tên Bác
Thắp niềm tin soi sáng lối đi
 
Chúng con ước mai ngày thống nhất
Về Thủ đô được đến Ba Đình
Thấy dáng Người sau cuộc trường chinh
Vẫn khoẻ mạnh thanh cao bình thản
 
Hôm nay hành quân ra mặt trận
Lòng rưng rưng mà chân bước dồn
Giữa hoang vu đoàn quân dừng lại
Lặng nhìn nhau lên đỉnh chon von
 
Chúng con trẻ và tim rất khoẻ
Tìm đâu ra dẫu một nén hương
Giữa đại ngàn nghe chim nức nở
Hoa chuối rừng đỏ nỗi tiếc thương
 
Hướng về Bắc đoàn quân qùi lạy
Trường Sơn như lá đổ trơ cây
Đã mất rồi Cha già dân tộc
Thác gào lên núi cũng chuyển lay
 
Phía xa xa ì ầm pháo giặc
Bác Hồ ơi! Xin Bác yên lòng
Lý tưởng Người luôn mãi sáng trong
Nhằm phía quân thù chúng con tiến bước.
 

          Lời bình của Nhà văn Võ Văn Thọ

         NGHE TIN BÁC MẤT của Nhà thơ Phạm Thông - Là bài thơ hay, xúc động, bài thơ gửi trọn tấm lòng của Phạm Thông cũng là tấm lòng của hàng triệu triệu người con thân yêu của đất nước Việt Nam đối với sự đi xa của Bác - Vị cha già, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam - suốt cuộc đời Bác đã chiến đấu và cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chính vì vậy, Bác là người Việt Nam đẹp nhất: “ Tháp mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Bảo Định Giang).

Bác đi xa là sự mất mát không gì có thể so sánh được của toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam cũng như tất cả người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đối với Bác. Chính từ sự xúc động dâng lên đến đỉnh điểm của sự tiếc thương vô hạn đối với Người, nên Phạm Thông - một người lính, người con của quê hương Quảng Nam trên tuyến đầu đánh Mỹ, đã thốt lên nghi nghe được tin Người đã đi vào cõi vĩnh hằng: Giữa Trường Sơn nghe tin Bác mất/ Núi sông này quặn thắt nỗi đau. Bác mất vào ngày 2-9 năm 1969 (hưởng thọ 79 tuổi), được tin này như “sét đánh”, cả núi sông cũng như mọi người con thân yêu của Bác trên mọi miền đất nước… đều đau thương “quặn thắt nỗi đau”. Không có nỗi đau, sự bi thương nào lớn hơn khi nghe tin Bác mất; với Phạm Thông cũng như tất cả những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đều nức nở, tiếc thương trước hình bóng của Người: Tháng chín miền Trung mưa giăng lối/ Đường hành quân ra trận lệ nhòa. Những người con thân yêu đã khóc và những giọt nước mắt nóng hổi ấy làm sao có thể nguôi ngoi được tình cảm của mình trước hình ảnh Người cha già dân tộc đã vĩnh viễn đi vào giấc ngủ nghìn thu…

Tác giả, cũng như bao nhiêu người con thân yêu của đất nước đã tin tưởng vào tương lai tất thắng do Bác Hồ lãnh đạo toàn Đảng ta, nhân dân ta. Vậy mà Người lại đột ngột ra đi khi miền Nam chưa hoàn toàn giải phóng, để tình cảm của chúng con dâng tràn nỗi nhớ; những người con của cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng chưa kịp báo đáp công ơn trời - biển với Bác Hồ! Chúng con nghĩ mai ngày thống nhất/ Bác vào thăm Đất Quảng kiên cường… Và trong mỗi trái tim con người hình ảnh Bác Hồ thật gần gũi kính yêu: Giữ ảnh Người trong mỗi trái tim.

Đúng như vậy, niềm tin yêu kính trọng, tiếc thương vô hạn đối với Bác Hồ đã được tác giả viết lên rất chân thật, mộc mạc nhưng sâu lắng, hình ảnh cảm động: Dưới hầm sâu, giữa lòng địch hậu/ Nơi lao tù, trước lúc hiểm nguy/ Chúng con khẽ gọi thầm tên Bác/ Thắp niềm tin soi sáng lối đi.

Sự mong mỏi của tác giả cũng chính là sự mong muốn của hàng triệu người con Việt Nam chưa một lần được gặp Bác - con người bình thường nhưng vĩ đại. Cái vĩ đại lớn lao ấy càng không phải Người là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng… Mà bởi chính Bác là người Việt Nam dành tất cả tình thương cho con người, “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ…”(Tố Hữu). Chính vì vậy mà tác giả đã nghẹn ngào viết trong xúc động: Chúng con ước mai ngày thống nhất/ Về Thủ đô được đến Ba Đình/ Thấy dáng Người sau cuộc trường chinh/ Vẫn khoẻ mạnh thanh cao bình thản.

Sự cống hiến, hy sinh hạnh phúc cá nhân của Người cho dân tộc Việt Nam là quá lớn. Người từng nói: “…Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”, chính vì hoài bão lớn lao ấy mà Người đã rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, từng bôn ba khắp thế giới để tìm ra con đường cứu nước, đưa dân tộc ta, nhân dân ta thoát ra khỏi đêm trường nô lệ, đưa đất nước ta đến ngày độc lập, hòa bình. Nguyên cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Bác: “ Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách, lương tâm của thời đại”. Còn đây, tác giả là người cảm nhận sâu sắc điều đó nên mới viết lên được bài thơ hay, làm lay động lòng người, với những câu thơ đầy tâm huyết: Hôm nay hành quân ra mặt trận/ Lòng rưng rưng mà chân bước dồn/ Giữa hoang vu đoàn quân dừng lại/ Lặng nhìn nhau lên đỉnh chon von.

Những người lính trên đường ra mặt trận, trên đường Trường Sơn không có lễ vật gì để tổ chức Tang lễ cho Bác, họ chỉ có cái tâm, tình thương hướng về Bác với tấm lòng tôn kính: “…Tìm đâu ra dẫu một nén hương”. Cho ta thấy cái khốc liệt cuộc chiến, sự mất mát quá lớn bởi chiến tranh gây ra. Và hình ảnh cảm động trong thơ anh: Giữa đại ngàn nghe chim nức nở/ Hoa chuối rừng đỏ nỗi tiếc thương. Tôi có cảm nhận đây là hai câu thơ hay nhất, bởi sự xúc động dồn nén trong tác giả đã dâng trào, nên tác giả đã cảm nhận được không những con người mà cả thiên nhiên, cảnh vật…cũng như dừng lại để tiếc thương về Bác Hồ. Và ta liên tưởng đến niềm tiếc thương đã được Nhà thơ Tố Hữu viết về Bác lúc Người đi xa: “Đã ngừng đập một trái tim/ Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng/ Niềm đau vô tận thời gian…”.

Tình cảm của con người, thiên nhiên như hòa vào là một trước sự đi xa của Người được tái hiện trong thơ anh: Trường Sơn như lá đổ trơ cây…/ Thác gào lên núi cũng chuyển lay. Và khổ thơ kết của bài thơ là lời khẳng định của tác giả của hàng triệu con người đang cầm súng, chiến đấu cho lý tưởng cao cả của Người, biến đau thương thành hành động, Nhà thơ Phạm Thông đã thay chúng con xin hứa với Bác Hồ và nguyện với lòng mình trước anh linh của Bác: Bác Hồ ơi! Xin Bác yên lòng/ Lý tưởng Người luôn mãi sáng trong/ Nhằm phía quân thù chúng con tiến bước. Thật cảm động, tự hào khi có những người lính, người con cháu của Người đã viết lên bài thơ thật gần gũi, mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm sâu lắng viết về Bác Hồ với cả con tim và tâm thức.

“NGHE TIN BÁC MẤT” đã có sức lan tỏa rộng bởi chất thơ và tấm lòng của người con Quảng Nam nói riêng đối với Bác Hồ. Xin Cảm ơn - Nhà thơ Phạm Thông đã nó hộ lòng người, anh đã dành tình cảm trong sáng đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc, mà suối cuộc đời anh đã trung thành, thủy chung với lý tưởng cao cả đó. Tôi thật sự xúc động khi được nghe và được đọc thơ anh đặc biệt là những vần thơ anh viết về Bác Hồ kính yêu!

 

Ghi chú: Nhà văn Phạm Thông hiện Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, là tác giả của các tập thơ: Lời của cát (2000), Xin giữ chút tình (2009); bút ký, truyện ký: Cát đỏ (2010), Ám ảnh vùng Đông (2011), Tam Kỳ thời lửa đạn (2012), Những bình thường lấp lánh (2014), Quế Sơn-Đất và người kiên trung (2015), Núi Thành-Đất và người kiên trung, Núi Chúa - Hòn Rơm (2018), Con của biển (2021)...

 

VVT.5/2023

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây