Cơn mưa rào giờ ngọ

Thứ năm - 04/05/2023 08:47
Minh họa của Báo Phụ nữ (ST)
Minh họa của Báo Phụ nữ (ST)

Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Vượng

       I
       
Trong mục "Lời mời kết bạn" của fb, tôi nhận ra một gương mặt nữ khá quen mặc dù, tên nàng thì lạ hoắc, cái tên đó không gợi cho tôi một thoáng ký ức nào... Chỉ có đôi mắt xênh xếch kiểu Á Đông kia như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn truyền một dòng năng lượng mạnh mẽ để buộc tôi phải ngược dòng thời gian mà tìm kiếm...
-Ta với nhà ngươi đã gặp nhau ở chiến trường những năm tháng ác liệt nhất đấy!
Đôi mắt ấy như thách thức ta vậy!
                            *
                         *    *
     Đường 15 L, Quảng Trị cuối mùa mưa 1972. Từ khi cao điểm 367 lọt vào tay địch, cả đơn vị pháo nòng dài 130 ly chúng tôi xẹp như con gián khi nằm lọt thỏm trong vòng vây tứ bề của địch. Đã hơn một tuần nay không làm gì được vì mưa. Số anh em luồn sâu rút về tập trung ở chỉ huy sở tăng vọt kéo theo cuộc "khủng hoảng lương thực". Đúng là "miệng ăn, núi lở". Số gạo vay tạm bên đơn vị công binh đóng kế bên kia núi cũng đã cạn đến hạt cuối cùng rồi.

Khi cả căn hầm chỉ huy sở đang trầm xuống vì tin thất thiệt thì chuông điện thoại như làm mọi người bừng tỉnh. Từ đầu dây bên kia tiếng cậu quản lý báo lên: -Có một đoàn nhà văn, nhà báo đi ngang muốn xin trú nhờ đơn vị, ngày mai họ đi tiếp vào Thừa Thiên... Cuối tin là thông báo đặc biệt, trong đoàn có hai nữ phóng viên chiến trường. Ngày mai họ muốn gặp gỡ một số gương mặt tiêu biểu của đơn vị để viết tin gửi về toà soạn ngoài Hà Nội...

Lão Sếnh đại đội phó lúc này là người có quyền quyết định cao nhất ở đây. Lão nhìn thẳng vào mặt tôi khi đó đang gò lưng đạp cái máy xạc bình ắc quy cho máy bộ đàm 15W.
-Cậu và thằng Kiên bên hữu tuyến đưa nhau xuống trận địa vét gạo mang về đãi khách!
Tôi và thằng Kiên đứng thẳng người:
-Rõ!
Tôi và Kiên, mỗi đứa mang theo một khẩu AK báng gập với đầy đủ cơ số đạn hai băng kẹp chéo nhau lên đường. Mấy hôm nay, tin tình báo từ "mặt trận" cho hay địch tăng cường tung thám báo vào khu vực để nắm tình hình và uy hiếp ta nên phải hết sức cảnh giác! Lão Sếnh đã gọi điện xuống thu gom gạo nên chúng tôi xuống trận địa là chỉ có việc mang gạo về. Ở dưới trận địa thực phẩm xanh khá dồi rào. Mùa mưa nên măng tre nứa khá nhiều, hoa chuối cũng không thiếu nên sẵn sàng san sẻ cho chỉ huy sở lúc khó khăn này. Tôi và Kiên vác trên vai bao gạo 25 ký, lại gùi thêm rau hoa chuối rừng và măng đã muối chua, vậy là mỹ mãn rồi. Cả hai nhanh chóng ngược về chỉ huy sở ở trên lưng chừng núi cách trận địa chừng 2 km.

Về đến chỉ huy sở cũng đã thấy đoàn khách bốn người, hai người nam và hai người nữ. Họ đang ngồi hàn huyên trong căn hầm của bộ phận nuôi quân nửa chìm nửa nổi. Tôi ở lại bếp để phụ giúp việc cơm nước tiếp khách luôn.

Đã lâu rồi không nhìn thấy bóng dáng cô gái nào nên cả sở chỉ huy của chúng tôi bỗng rộn ràng hẳn lên, hầu như mọi người đều quên hết những hiểm nguy đang trực chờ...

II
Cô phóng viên chiến trướng ấy tên Ngọ, đầy đủ là Lê Thị Ngọ. Vậy là nàng kém tôi 2 tuổi nên tôi mạnh dạn gọi nàng là em cho nhanh. Thời gian ở nơi chiến địa này không cho phép dài dòng được.

Lão Sếnh trước khi phân công chúng tôi trông coi "báu vật" này đã gọi riêng chúng tôi ra dặn dò chặn đầu trước:
-Các ông nhớ các ông là lính trinh sát- kế toán, là bộ phận có tri thức nhất của đại đội nên các ông phải hành xử hết sức gương mẫu đấy! Ông nào vượt qua giới hạn là coi chừng, tôi sẽ không tha cho đâu!
Cả bọn lí nhí: -Thủ trưởng cứ yên tâm.
Cả sở chỉ huy đại đội chỉ có vài chiếc hầm chữ A cho từng bộ phận: Vô tuyến, Hữu tuyến, Trinh sát- Kế toán và nuôi quân. Cán bộ chỉ huy đại đội ăn ngủ luôn tại hầm chỉ huy trung tâm bởi vậy không thể có nơi nào giành cho khách cả. Đành chia mỗi bộ phận chịu trách nhiệm lo chỗ ngủ cho một vị khách. Bộ phận Trinh sát-Kế toán được ưu tiên ngủ cùng cô phóng viên trẻ đẹp nhất trong đoàn.

Tuần trước, sở chỉ huy của chúng tôi bị máy bay Mỹ tấn công do hôm đó mưa to, củi nấu cơm ướt quá nên khói um tùm bao trùm cả một khu vực. Máy bay trinh sát OV-10 phát hiện liền gọi máy bay ném bom từ hạm đội ngoài biển vào tấn công hòng xoá sổ chúng tôi. Sau trận bom quang cảnh tan nát hết, rất may không ai hề hấn gì. Căn hầm của lính trinh sát khá vững chắc bị một quả bom nổ gần làm cho xiêu vẹo đi nhưng về cơ bản vẫn ổn. Đây là nơi lính trận được nghỉ ngơi sau những trận đánh nên nó được chúng tôi chăm chút khá kỹ, bên trong được đầu tư rất bắt mắt. Góc trong cùng là một thư viện nhỏ, nơi có những cuốn sách gối đầu của lính như Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Mảnh trăng cuối rừng... mang vào từ miền Bắc. Ngoài ra còn có những sách của các tác giả miền Nam nổi tiếng khi ấy mà lính trinh sát thu lượm được dưới đồng bằng. Nhà văn Duyên Anh, với tác phẩm đầu tay "Hoa Thiên Lý", "Thằng Côn", "Thằng Vũ", "Con Lý"... Còn nữ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng với tác phẩm nổi tiếng "Vòng tay học trò", "Cuộc tình trong ngục thất", "Tuần trăng mật mầu xanh"... Có cả những bức tranh bán nude cũng được gom về đây để giải sầu... Tất cả được che lấp bằng một tấm dù pháo sáng hòng che mắt lão Chất vẩu chính trị viên đại đội luôn rình rập lính tráng.
Phía ngoài cùng ở cửa ra vào là giá súng AK báng gập- loại súng của Tiệp chỉ trang bị cho lính Trinh sát làm nhiệm vụ luồn sâu.

Ngọ là cô gái đang học dở năm 2 khoa Văn Tổng Hợp thì nhập ngũ theo hình thức viết đơn tình nguyện lúc bấy giờ. Cô được huấn luyện để trở thành phóng viên chiến trường và bổ sung ngay vào mặt trận. Các bài viết của cô được gửi về Hà Nội, phát trên trương trình văn nghệ "Nhịp đập chiến trường" dành cho binh sỹ.
-Anh lấy giúp Ngọ một gùi nước được không? Nàng nhỏ nhẹ nhưng đầy uy lực sai khiến.
-Được chứ, chuyện nhỏ mà! Tôi tỏ ra chiều khách.
Phụ nữ khổ vậy đấy. Hàng ngày họ phải vệ sinh thân thể. Chẳng bù cho cánh con trai, cả tuần không nhúng nước, người lúc nào cũng bốc mùi thum thủm.

Trời đã xẩm tối, đường mòn xuống suối hơi bị dốc. Tôi cầm theo chiếc đèn pin để dọi lối đi. Vục nhanh giữa dòng nước đang mùa mưa đục nhờ nhờ đầy một ba lô có lót túi nilon bao gạo rồi gùi về hầm. Bây giờ mới là lúc khó khăn nhất đây, biết cho cô phóng viên ẩn nấp vào đâu mà tắm rửa bây giờ?
Đang ngần ngại thì có tiếng thằng Thiện khẩn khoản:
-Ông cho tôi bổ mắt chút nhé! Tôi xin ông đấy...

Thiện là sinh viên năm 3 Trường Mỏ-Địa chất ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Con trai Hà Nội phố nên lãng mạn và luôn có thiên hướng không chịu kìm nén nhục dục, họ sống hồn nhiên và bản năng như những gì vốn có của con người... Thiện đã có người yêu vài năm nay nên chẳng còn lạ lẫm gì hình ảnh người thiếu nữ khoả thân nữa. Nhưng chính điều ấy lại làm hắn yếu đuối nhất trong số bọn lính trinh sát còn đang chay tịnh như tôi.
Nhìn khuân mặt đau khổ của Thiện tôi buông một câu vu vơ:

-Tôi không biết chuyện gì nha, tuỳ ông!

Hắn hiểu ý lẩn nhanh vào bụi cây rừng đang chìm dần trong bóng tối.

Ngọ tắm khá lâu vẫn chưa xong. Tôi hỏi vọng vào khoảng tối:
-Sao lâu vậy đồng chí?
-Ôi...mấy ngày nay em không được tắm rồi. Muốn nhanh mà không nhanh nổi vì người bẩn quá... Anh gắng chờ nhé, em sợ bóng tối lắm đấy.
-Ừ... không sao. Nhưng chú ý rắn rết nhiều đấy nhé!
-Vâng, đồng chí khỏi lo. Em quen rồi...

Ngọ tắm xong, hong cho tóc khô rồi chui luôn vào hầm nằm. Tôi bật cái đèn ắc quy cho nàng đọc sách và ngắm nghía căn hầm của chúng tôi.

Thằng Thiên vẫn chưa quay trở lại. Tôi đâm lo lắng, không biết nó làm gì ở ngoài rừng mà mãi vẫn ở ngoài ấy nhỉ? Tôi mang cái đèn pin đã bịt kín chỉ để lọt sáng bằng hạt đỗ rọi vào khoảng tối để ra hiệu cho nó về. Từ trong bóng tối lúc này đã sậm lại, nó vọt ra chỗ tôi đứng, người ướt sũng mồ hôi, đầu tóc rối mù, hơi thở gấp gáp... Nó rên lên bên tai tôi:

-Đẹp mê hồn! Hơn hẳn con bồ của tao mày ạ. Hi hi...

Tôi nói như ra lệnh:
-Mày xuống suối tắm đi, nhanh lên cho tao xuống tắm. Đêm nay không thể để cho vị khách đặc biệt này mất ngủ vì cái mùi thum thủm kinh niên này được. Nó kéo cái quần đùi bà bô đang phơi ở cửa hầm lao luôn xuống suối. Tôi chờ Thiện tắm xong thì tôi xuống tắm.
Tôi chui vào hầm kiểm tra thì thấy cô bé Ngọ đang lục lọi giá sách của chúng tôi với một dáng vẻ vô cùng ngưỡng mộ...
Tôi lấy bộ quần áo sạch trong góc hầm và lao vội xuống suối khi thấy thằng Thiện xuất hiện ở cửa hầm.

  III

    Thiện vẫn đợi tôi tắm, hắn ngồi trên khúc gỗ kê làm ghế bên ngoài cửa hầm. Nhìn thấy hắn tôi hỏi luôn:

-Ông làm gì lúc nãy mà lâu vậy? Tôi lo cho ông quá!

-Có gì mà lo? Không dấu diếm gì ông, nhìn ngắm thân hình ấy đẹp đến mức tôi không kiềm chế được, tôi tự xử luôn rồi... Hắn mỉm cười rất thật thà. Lính trận, sống chết trong gang tấc, chúng tôi chẳng dấu nhau điều gì... Tôi mỉm cười như chia sẻ cùng hắn!

Quả thật trong chiến tranh, chuyện sinh lý của binh sỹ là vấn đề đau đầu của các cấp chỉ huy. Lính mới đang độ tuổi ăn tuổi lớn, háo hức khám phá điều mới lạ của giới tính nơi cơ thể mình. Lính cũ thì như lũ trâu điên bị kìm hãm lâu ngày nên thường có xu hướng phá chuồng, làm bậy khi có thể... Tuy nhiên việc đó trong đội quân "sinh ra từ nhân dân" thì nghiêm cấm tuyệt đối. Chỉ khi cơ thể đòi hỏi quá thì hoặc tự nó giải thoát khỏi cơ thể hoặc phải tự giải quyết bằng tay mà không cần khai báo...

Đã có một vài chuyện xẩy ra trong đơn vị cấp Trung đoàn khi tiếp nhận khoảng chục bộ đội nữ làm cấp dưỡng (anh nuôi) ở Trung đoàn bộ. Kết quả là cán bộ quản lý thì bị kỷ luật vì tòm tem với nữ chiến sỹ khi họ ngủ chung hầm. Nữ chiến sỹ thì phải chuyển ra hậu cứ để sinh nở vì cái thai đã quá lớn và cũng vì ở mặt trận không có bác sỹ chuyên ngành sản khoa... Nhưng biết sao, chuyện muôn thủa của con người là vậy, dù cho ai cũng hiểu nếp xưa cha ông đã dạy là "nam nữ thụ thụ bất thân".

Tôi cảm thông với Thiện khi lý trí của cậu mềm yếu trước vẻ đẹp thánh thiện của một người con gái xuất hiện đột ngột nơi chiến trận ác liệt này.

Ngoài trời bắt đầu mưa nặng hạt. Thấy chúng tôi vào hầm, Ngọ ngồi nhổm dậy, thu mình ngay bên cạnh giá sách. Nàng nói:
-Ôi... ở giữa nơi bom đạn ác liệt này mà các anh vẫn duy trì cuộc sống quý tộc vậy sao? Nàng thốt lên với vẻ hết sức ngạc nhiên khi chứng kiến cuộc sống tinh thần của những người lính trận.

Ngồi dựa lưng vào vách hầm, tôi giải thích cho nàng rằng:

-Bọn anh là lính pháo binh cơ giới, đi đâu cũng có xe mang vác đồ nên không mệt nhọc gì. Cứ gói chặt trong bọc nilon rồi dúi vào thùng xe là nó mang cho mình tận nơi. Chỉ trừ khi xe bị bom pháo đánh trúng thì mới mất hết mọi thứ thôi, kể cả con người...

-Em phải tranh thủ đọc hết cuốn "Vòng tay học trò" đêm nay vì ngày mai đoàn em phải rời đây rồi.

-Anh nghĩ em nên ngủ cho lại sức để ngày mai đi tiếp. Cuốn sách này em mang theo mà đọc. Ở đây bọn anh cũng đã đọc hết rồi.

-Ôi, thế thì cảm ơn anh quá. Cuốn này khi còn học trong trường, em nhớ bị giới văn học phía Bắc lên án dữ dội lắm đây. Các anh đọc thì thấy thế nào? Nàng hỏi như một cách kiểm tra độ thẩm thấu văn  chương của chúng tôi vậy. Rồi nàng nói một mạch:

-Quả thực bộ máy tuyên truyền của miền Bắc cũng kinh thật đấy. Học sinh làm gì có sách đọc mà dám phát biểu chính kiến của mình. Tất cả chỉ một phía,  giáo viên nói theo sách giáo khoa và theo giáo án nên học sinh chỉ biết mang máng rằng loại sách này là sách dâm ô, đồi truỵ, là bộ mặt văn hoá của miền Nam "dưới ách áp bức của Mỹ-Nguỵ" Ngay cái tên sách đã nói lên tất cả sự bất bình thường của tình yêu rồi. Một người phụ nữ lớn tuổi, một cô giáo mà lại... yêu một người ít tuổi, học trò của mình thì quả là không biết nên nói thế nào...

Anh đồng ý với nhận xét của em. Nhưng khi đã là tình yêu trai gái thì khoảng cách về tuổi tác đâu còn là vấn đề nữa, người đàn ông lớn tuổi cũng có thể yêu người con gái nhỏ tuổi hơn mình và ngược lại chứ?

-Vâng em biết điều ấy. Dưới thời phong kiến, chuyện gả bán, tảo hôn là chuyện bình thường... nhưng chuyện xẩy ra trong giới giáo chức nề nếp thì đây là câu chuyện phá lệ ạ...

Tất nhiên là vậy nhưng em hãy xem bối cảnh của câu chuyện để mình có cái nhìn đồng cảm với họ nhé!

Đây, hãy đọc một đoạn nữ văn sỹ ấy đã viết, tôi cầm cuốn truyện và đọc cho nàng nghe:

"Mỗi ngày vui là một chiếc lá vàng rơi rụng. Vì Trâm đã chán ngán, đã mệt mỏi, đã lìa xa nửa con đường lang bạt đó. Đã bỏ cái thành phố hai mặt sống và chết, mê và chán, xấu và tốt đó. Nàng bỏ đi như một từ khước. Và như một lẩn trốn. Từ khước những thú vui buông thả đưa tới lỡ lầm cay đắng, đưa tới những trống không dằng dặc tủi hờn. Lẩn trốn những đòi hỏi xôn xao của chính mình, của một bản chất sôi nổi thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ bến..."

Con người ở thể chế chính trị nào cũng vậy, đều có những nhu cầu vật chất và tinh thần như nhau cả. Làm sao mà phê phán, lên án họ được?

Thiện ngồi ngoài cửa hầm nói vọng vào:
-Cô phóng viên ơi, anh bạn tôi có ước mơ trở thành nhà văn sau khi giải ngũ đó. Hai người nói chuyện có vẻ hợp cạ đấy nhỉ?
Chúng tôi cùng cười vì ý nghĩ ngộ nghĩnh đó của Thiện.

Có tiếng lão Sếnh ngoài cửa hầm. Giờ này lão đột xuất đi kiểm tra. Lão nói vọng vào:

-Tắt đèn đi ngủ nhé các đồng chí...

-Rõ...Thủ trưởng!

Khác với mọi hôm giờ này chúng tôi chỉ mặc đồ lót, đêm nay tôi và Thiện vẫn đóng nguyên bộ quân phục trên người, phải tỏ ra thật nghiêm túc không thì mang tiếng chết.

Ngọ cũng vậy, nàng vẫn đóng bộ quân phục nhưng đã không còn mang cái nịt vú quân trang cứng nhắc, nhọn hoắt mầu cỏ úa mà quân đội trang bị cho các nữ quân nhân nữa, theo thói quen, nàng muốn thả lỏng bộ ngực khi đi ngủ... Ngực nàng không to nhưng khá đầy đặn, nhìn thoáng đã thấy cái khe mầu trắng sữa lộ ra sau ve cổ để lỏng khá bắt mắt...

Căn hầm rộng thường cho bốn anh em trong phân đội trinh sát-kế toán ngủ. Sáng nay hai trinh sát lên đài quan sát, chỉ còn tôi và Thiện ở bộ phận kế toán nên căn hầm khá thoải mái để đón vị khách đặc biệt này.

Ngọ vẫn muốn tranh thủ đọc sách nên dùng mảnh bìa che sáng cho ngọn đèn và tập trung vào cuốn truyện. Tôi và Thiện nằm hai bên cánh, Ngọ nằm lọt ở giữa, chúng tôi tráo đầu với Ngọ, đầu chúng tôi quay ra phía cửa hầm, mỗi người cuốn một cái vỏ chăn như con ốc chui vào cái vỏ, vậy là ổn, không ai đụng chạm ai cả, an toàn tuyệt đối...

Thiện mệt nên ngủ ngay tức thì. Tôi vẫn thao thức chưa ngủ được. Có cái gì đó là lạ len lỏi trong đầu óc tôi. Ý nghĩ cứ mung lung, chẳng chuyện gì ra chuyện gì cho đến khi cơ thể đã giã rời, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết...

Bỗng có tiếng máy bay nghe rất nặng, tôi chồm người dậy và hét to:

-B52!

Ngọ vẫn chong đèn đọc sách. Tôi với tay ấn nút công tắc tắt ánh sáng đèn xong quay lại lay Thiện:

-Dậy ngay, B52 kìa!

Chúng tôi ngồi nép vào nhau, rúi rụi trong góc hầm, nín thở chờ bom nổ. Một loạt bom nổ ùng ục rất gần, ánh chớp xanh cắt ngang căn hầm tối, trong khoảng khắc ấy có thể nhìn rõ gương mặt đang sợ hãi của nhau... Thiện ngồi phía ngoài, hai tay chắp lại vái liên tục, miệng hắn lẩm bẩm: Nam mô a di đà... Nam mô a di đà Phật... Mỗi đợt bom thả xuống, căn hầm rung lắc như muốn vỡ ra, sụp xuống. Đất cát lọt qua lớp nilon phủ và các tấm ván gỗ nắp thùng đạn rơi rào rào lên đầu, lên cổ chúng tôi.

Bằng phản xạ tự nhiên, Ngọ ôm chặt ngang lưng tôi, thì thào, đứt quãng:
-Anh ơi...em sợ...lần đầu...em gặp...B52...

Tôi động viên Ngọ:

-Yên tâm, loạt đầu không trúng thì không sao, các loạt sau sẽ xa dần đấy.

Quả thực như vậy. Ném bom của máy bay B52 là hình thức ném bom theo toạ độ. Mục tiêu được lập trình bằng máy tính điện tử từ trước. Đội hình ném bom gồm có 3 máy bay bay cùng nhau. Bom được dải xuống lần lượt từng chiếc một. Trận tập kích kéo dài chừng 20 phút thì kết thúc. Không nghe thấy tiếng kêu cứu ở xung quanh, cũng chẳng nghe 3 tiếng súng AK bắn cấp cứu theo quy định. Vậy là không có người chết hay bị thương trong vụ oanh tạc rồi.

Mọi cái trở lại yên ắng, mùi khói bom vẫn bao trùm lên một không gian rộng lớn, tôi nhẩy vọt ra ngoài gọi vọng về hầm chỉ huy:

-Có ai bị sao không?

Lão Sếnh cũng đã có mặt ngoài căn hầm chỉ huy, nói vọng sang tôi:

-May quá bom toàn nổ bên phía sườn núi phía Tây nên không ai việc gì.

 -Lại phí bom rồi... ngủ thôi thủ trưởng ơi... Tôi nói vọng sang hầm chỉ huy.

Đã quá nửa đêm rồi, chúng tôi lại lăn ra ngủ tiếp. Ngọ đã dừng đọc và nằm nghĩ miên man, thi thoảng trở người qua lại.

Tôi nhanh chóng chìm vào giấc mơ... mình đang lang thang trong một cánh rừng đầy hương hoa, có tiếng chim hót nữa... Và đặc biệt có mùi cỏ rất thơm mà lần đầu tôi được biết. Tôi hấp tấp hít hà cái mùi thơm ấy vì chỉ sợ nó biến mất...

Quả thực giấc mơ chỉ thoảng qua trong phút chốc làm tôi giật mình tỉnh giấc. Lúc này Ngọ đã nằm lọt thỏm trong lòng tôi, mặt nàng úp vào ngực tôi, tóc nàng vừa đặt ngang tầm mũi tôi. Ôi...thì ra cái mùi ấy. Mà cũng chẳng hiểu sao tấm vỏ chăn lúc này đã cuốn chặt hai đứa với nhau như không muốn cho chúng tôi rời ra nữa... Tôi hơi sững sờ thì nghe nàng nói rất nhỏ:

-Anh làm ơn, em không tài nào ngủ được đêm nay!

Tôi ôm chặt nàng vào lòng mình. Cảm giác mềm ấm làm tôi run lên. Tôi hiểu rằng, phụ nữ luôn yếu mềm, nhất là ở hoàn cảnh đạn bom lộn nhộn này, họ cần một sự hỗ trợ mạnh mẽ và đáng tin ở người đàn ông hơn lúc nào hết. Chúng tôi nằm như vậy cho tới khi nàng thở đều và chìm trong giấc ngủ sâu.

Bên cạnh, Thiện vẫn như ở một thế giới riêng của hắn. Cuộc tự giải thoát lúc chập tối làm hắn mệt chăng? Hắn vẫn ngủ say như chết rồi vậy.

Cho đến khi con tắc kè từ cái cây bị bom phạt cụt ngọn phía trước hầm cất tiếng chào bình minh:

-Bắt cô trói cột... cắc kè...
-Bắt cô trói cột... cắc kè...

Làm tôi tỉnh hẳn giấc ngủ, tôi nói khẽ vào tai Ngọ khi nàng còn đang mơ màng:

-Em ngủ nữa đi, anh dạy trước đây. Lão Sếnh đi kiểm tra đấy!

-Em cũng dậy luôn đây. Em muốn viết một chút. Nàng nói.

Rồi Ngọ bật công tắc ngọn đèn chiếu sáng, vẫn dùng miếng bìa che sáng cho Thiện ngủ. Nàng lấy cuốn sổ ghi chép ra hý hoáy ghi ghi chép chép liên hồi... Lát sau nàng ra khỏi hầm làm vệ sinh cá nhân,
Ngọ ra khỏi căn hầm xiêu vẹo vì trận bom B52 đêm qua khi ánh sáng ban mai đã tràn ngập. Lúc này nàng mới cảm nhận sự tàn phá khủng khiếp của trận bom đêm qua. Cây cối bị chặt gẫy bởi mảnh bom lấp đầy dòng chảy của con suối phía dưới sở chỉ huy. Sức công phá của nó làm cho cả một vạt rừng với những cây to cao đổ vật xuống. Em đi qua tôi khi đó đang dọn dẹp đống cành cây để tạo đường đi, nàng dúi cào tay tôi một mảnh giấy nhỏ xé ra từ cuốn lịch bỏ túi. Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ:
"Gặp nhau giữa chốn đạn bom ấy
Một đêm bom rơi một đêm tình...
Mong cho năm tháng bình yên lại
Để mối tình này mãi không phai..."
(Ghi chú * Hoà bình, nhớ tìm em trên con đường nhỏ phía sau chợ Nghệ, Sơn Tây!. Yêu Anh!).

Sau khi đã cơm nước xong, đoàn nhà báo bốn người chuẩn bị lên đường di chuyển vào Thừa Thiên, mỗi người mang theo một vắt cơm nắm ăn với mắm tôm khô TQ.
Sáng đó mưa rào khá to và kéo dài như muốn xoá đi tất cả dấu vết của trận oanh kích B52. Hơn thế nữa, cơn mưa như muốn ngăn cản lại bước chân người nữ quân nhân mới chớm yêu ấy... không muốn họ phải xa nhau trong nước mắt như vậy. Nhìn dòng sông Mỹ Chánh cuồn cuộn chảy mà ái ngại cho em- thân gái dặm trường...
Phải chăng, ông Trời đã khóc thay cho nỗi lòng chúng tôi?
Tôi chia tay em trong lưu luyến, bồi hồi,
nhìn em nước mắt lưng tròng mà lòng tôi đau thắt lại...Thôi, hẹn gặp nhau trong khúc ca khải hoàn nhé!

*
Trở lại câu chuyện kết bạn phây búc lúc ban đầu. Người gửi lời kết bạn với tôi chính là cô em gái của Ngọ. Em tên Mùi, kém chị Ngọ một tuổi. Hai chị em giống nhau như hai giọt nước, nhất là đôi mắt hơi xênh xếch nhìn rất cương trực. Khi tôi hỏi thăm thì được em Mùi cho biết, chị Ngọ em đã hy sinh ở Quảng Nam tháng 3-1975 khi ta tấn công giải phóng thành phố Đà Nẵng. Nhà em sau đó chuyển về quê bố em ở Hà Nội. Phần mộ chị Ngọ em hiện vẫn nằm ở nghĩa trang liệt sỹ thành phố Đà Nẵng anh ạ. 

Vậy là mọi mong chờ như sụp đổ dưới chân tôi. Bao năm tìm kiếm, bao nhiêu cố gắng của tôi sau chiến tranh đã trở nên vô nghĩa là vậy.
Ngọ ơi, xót thương em vô cùng!
Nhớ mãi cơn mưa rào giờ ngọ năm nao!

NXV. NYC.29.4.23



 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây