MÙA XUÂN TRONG TINH HOA THƠ CA MỘT THỜI

Chủ nhật - 23/04/2023 10:21
BBT nhavanhanoi nhận được tập bài giới thiệu Thơ về mùa Xuân của các tác giả nổi tiếng trong nước thời hiện đại. Tập bài viết khá dày dặn, công phu và lý thú của Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Đặng Tương Như. Chúng tôi xin trích đăng tải thành nhiều kỳ. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ảnh ST từ @quytran
Ảnh ST từ @quytran
   
MÙA XUÂN TRONG TINH HOA THƠ CA MỘT THỜI
“… Thơ là người Thư ký trung thành của những Trái tim”.
                                                                               (Du Blly)
    Có nhà Nghiên cứu văn học đã viết rằng : “Thơ ca phải chịu ơn mùa thu hay mùa thu phải chịu ơn thơ ca? Làm sao mà nói được ! Chỉ biết rằng, trong bốn mùa, xem ra thơ thiên vị với mùa thu hơn cả, và mùa thu cũng ban tặng cho thi nhân nhiều áng thơ ca hơn hẳn các mùa. Có phải vì mối giao tình ấy mà người xưa đã có một câu châm ngôn thâm thúy : “Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người”
  (Chu Văn Sơn- “Tinh hoa thơ mới - Thẩm bình và suy ngẫm” Nxb GD Hà Nội .1999 . tr 27).
  Khi viết những dòng nhận định trên, tác giả đã nghi vấn : “Có thể còn ai đó hoài nghi cái chân lý này của người xưa”. “Hoài nghi” là phẩm chất cần có để con người sáng suốt khám phá và phát minh khoa học, khẳng định chân lý và thẩm định những giá trị văn hóa, nghệ thuật. Người xưa cũng cho rằng Văn chương “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, cho nên dù “mùa thu cũng ban tặng cho thi nhân nhiều áng thơ ca hơn hẳn các mùa” thì đừng chỉ căn cứ vào số lượng áp đảo ấy mà đánh giá thấp giá trị vun đắp tâm hồn con người của những áng tinh hoa thơ ca mùa xuân một thời.
  Nếu người xưa đã có một câu châm ngôn thâm thúy : “Thu là thơ của đất trời, thơ là thu của lòng người”, thì ta cũng có thể khẳng định : “Xuân là thơ của đất trời, thơ là xuân của lòng người”, đó là “Xuân lòng” của muôn  đời thi sĩ Việt Nam :
                      “Xuân trong sáng, xuân thơm, xuân ríu rít
                        Nhưng xuân đâu tươi đẹp không xuân lòng ?”
                    (Tố Hữu - “Xuân lòng” -  xuân 1938  - “TỪ ẤY”)
        “…THƠ là người Thư ký trung thành của những Trài tim”,  Du Blly đã nói thế. Hãy xem Trái tim của các Thi sĩ một thời vàng son trên thi đàn rung lên thần hứng trước Mùa Xuân đất Việt như thế nào.
                                               
                             I. THƠ MÙA XUÂN
              CỦA NGUYỄN BÍNH VÀ ANH THƠ

  Nguyen Binh

 
I.- NGUYỄN BÍNH (1918 -1966) là nhà thơ viết thơ xuân nhiều nhất và hay nhất của phong trào Thơ Mới.

  Trong “Khúc nhạc xuân”, viết năm 1940, khi mới 22 tuổi, Nguyễn Bính đã tiên đoán số mệnh của mình :
                   “Tôi viết thơ này gửi cố nhân
                     Năm mới tháng giêng mồng một tết
                     Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”
  Thi sĩ thiên tài ấy đã từ thế đúng khi “Đã thấy xuân về với gió đông” với 48 tuổi đời và 35 tuổi làm thơ. Ông để lại cho muôn đời những vần thơ xuân của một đấng tài hoa, tài tử, với “Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân” như ông ước nguyện. Thơ xuân, cũng là thơ tình của Nguyễn Bính đậm đà bản sắc dân tộc và đại chúng nhất, và còn gì khoa học hơn là khoa học về tâm hồn, văn hóa dân tộc mình tiềm ẩn, vơi đầy trong thơ ông. Thơ Nguyễn Bính nói chung và lĩnh vực thơ tình mùa xuân nói riêng, có số lượng bạn đọc đông đảo nhất từ nơi thị thành đến chốn thôn quê. Từ trí thức, học giả, đến người không biết chữ, những nam thanh nữ tú và các cụ già đều thuộc lòng và truyền khẩu thơ Nguyễn Bính một thời. Khi hay tin ông từ thế, một cô lái đò, “cô Thoa, gục mặt lên mái chèo, tiếng lạc đi : “Giá chết được thì cháu chết thay để Bác ấy sống, Bác ấy làm thơ”. . . (Dẫn theo Chu Văn “Nhớ Nguyễn Bính” – 1985). Đài vinh quang của Nguyễn Bính được dựng tạc trong lòng độc giả Việt Nam đã bao lâu nay là như thế.
    Trong một lần trò chuyện cùng tri kỷ Đức Trấn, Nguyễn Bính nói : “Tôi chủ trương thơ Việt viết cho người Việt, trước hết phải mang sắc thái và phong cách Việt, do đó giản dị là điều cốt lõi. Giản dị đây không đồng nghĩa với dễ dãi, tầm thường. Mới đây trên tờ “Tin Mới”, ông Thượng Sĩ nào đó phê phán và chê Nguyễn Bính “làm vè” chứ không phải làm thơ. Vâng, nếu cho là “vè” cũng cứ được đi, miễn là được quốc dân đồng bào chấp nhận và truyền khẩu. Thơ ông là tiếng lòng phát đi từ trái tim mình, nhất thiết phải tới  trái tim người khác. Nếu trái tim người khác hờ hững thì dù là “tiếng lòng” của mình chăng nữa cũng không phải là THƠ” (Theo Hoàng Tấn – trích Hồi ký “Nguyễn Bính - một vì sao”). Cũng theo Đức Trấn, bài thơ “Chân quê” “là bản Tuyên ngôn của Nguyễn Bính đấy, tuyên ngôn chống lại các kiểu thơ lai căng, Âu hóa tới mức lộ liễu :
              “Hoa chanh nở giữa vườn chanh
           Thầy u mình với chúng mình chân quê”
    Là nhà thơ chân quê ta hãy viết thơ theo kiểu chân quê cho người dân nước mình”. Và Nguyễn Bính đã làm thơ như thế.
1.-  Đọc bài thơ “Mùa xuân xanh” (1937) bạn đọc thấy mở ra đất trời mùa xuân thân thuộc của quê mình :
                    “Mùa xuân là cả một mùa xanh
                      Giời ở trên cao, lá ở cành
                      Lúa ở đồng tôi và lúa ở
                      Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

                      Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
                      Tôi đợi người yêu đến tự tình
                      Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
                      Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.”
  “Mùa xuân xanh” cũng như phần lớn thơ Nguyễn Bính là những tiếng thơ vào loại trong trẻo nhất của thi đàn Thơ mới 1930 – 1945. Cái “Tôi” trong thơ ông vô cùng trữ tình thắm thiết và là sự hòa hợp diệu kỳ giữa cái “Tôi-nội cảm” và cái “Tôi-ngoại cảm”. Từ mùa xuân xanh của giời đất, cỏ cây hoa lá chốn hương thôn mà dẫn vào “tự tình” với nhịp đập hồi hộp của con tim yêu đương tuổi thanh xuân. Đọc bài thơ ngắn gọn hai khổ tám dòng mà ta như “Nghe con chim hót trong lồng tim xanh” với những luyến láy, vắt dòng tự nhiên, tạo nên âm hưởng réo rắt, dìu dặt của “Khúc nhạc xuân”. Điệp từ, điệp ngữ : “Giời ở” . . . “lá ở”. . . “lúa ở” . . . “và lúa ở” . . . tạo nên điệp khúc trong bản giao hưởng mầu xanh. Hai từ “xanh” ở cuối câu mở bài và câu kết bài thể hiện thần hứng thanh xuân trong lòng thi sĩ ; “xanh . . . xanh”, gói gọn bài thơ, và cũng gợi mở ra sức sống trẻ trung vô cùng của quê hương mình.
   Nguyễn Du xưa kia thấy xuân xanh từ mặt đất xanh lên chân trời: “Cỏ non xanh tận chân trời”; Hàn Mặc Tử cùng thời với Nguyễn Bính cũng thấy “Sóng cỏ xanh tươi rợn tới trời”; còn Nguyễn Bính lại đi từ xanh của “Giời ở trên cao” dần xuống xanh ở mặt đất để rồi dẫn vào rạo rực thanh xuân của lòng người. Cái “Tôi – nội cảm” của thi sĩ hiện lên rõ nét ở câu thơ “Lúa ở đồng nàng và lúa ở đồng anh”. “Nàng” và “anh” đã cùng chung cánh đồng “Lúa thì con gái mượt như nhung”; cỏ thì “nằm trên mộ đợi thanh minh”, còn “Tôi” thì “đợi người yêu đến tự tình”. Hồn cốt thơ xuân của Nguyễn Bính chính là tình yêu đắm say đang dậy thì xuân của con người chốn hương thôn, nơi giếng nước gốc đa, mái đình. “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam . tr 315). Chính “cái thắt lưng xanh” của thôn nữ trong mùa xuân cứ vướng vít tơ tình trong lòng bạn đọc thơ của Nguyễn Bính bấy lâu nay:
                       “Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
                         Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.”
  “Cái thắt lưng xanh” ở eo thon của thôn nữ là cái “Bắt đầu” của tình tứ mùa xuân, của lòng trai một thời mà “tôi nhận thấy” để rồi “từ ánh mắt tới trái tim” rung lên niềm bồi hồi, xao xuyến tình quê.
  2.- Bài thơ “Xuân về” (1937).
                      “Đã thấy xuân về với gió đông
                        Với trên mầu má gái chưa chồng
                        Bên kia hàng xóm cô hàng xóm
                        Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

                        Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
                        Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe
                        Lá nõn nhành non ai tráng bạc
                        Gió về từng trận gió bay đi.

                        Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
                        Lúa thì con gái mượt như nhung
                        Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
                        Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

                       Trên đường cát mịn một đôi cô
                       Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
                       Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
                       Tay lần tràng hạt miệng nam mô.
  Bài thơ “Xuân về” được Nguyễn Bính viết năm 1937, lúc ông ở tuổi 19 thanh xuân, thật sự vui tươi với cảnh sắc thiên nhiên, làng xóm, con người quê hương, và được diễn đạt thật giản dị. Bài thơ như là lời chúc tết truyền thống quen thuộc của dân mình : Phúc – Lộc – Thọ.
 “ PHÚC” hiển hiện với hình ảnh “gái chưa chồng” má ửng hồng trong làn gió đông. Không có tình yêu thì không có hạnh phúc. Không có đàn bà thì không có tình yêu, và xuân về cũng vô vị. Cô hàng xóm với “đôi mắt trong” như chứa cả một trời xuân tràn ngập hạnh phúc đang cận kề. Hạnh phúc sinh sôi nẩy nở trong hình ảnh “Từng đàn con trẻ chạy xun xoe” trong nắng sáng trời xuân: “Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe”.
  “LỘC” với “lá nõn nhành non”, “Lúa thì con gái mượt như nhung”, và ”Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng”.
  “THỌ” với hình ảnh “một đôi cô”, “Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa”, mà viễn cảnh của họ là ”Gậy trúc dắt bà già tóc bạc-Tay lần tràng hạt miệng nam mô”.
  Mỗi độ “Xuân về”, lời chúc “PHÚC – LỘC – THỌ” đâu  chỉ là cầu mong của riêng Nguyễn Bính cách đây 86 năm, mà tự cổ chí kim, người dân nước Việt còn mong muốn gì hơn thế. Thần hứng sáng tạo của Nguyễn Bính là ở người quê, nếp quê, cảnh quê, việc quê, tình quê. Từ hồn quê ấy mà ông tìm ra những dáng vẻ riêng biệt, gợi lên những điều mới mẻ, lay động hồn ta, thức dậy những xúc cảm từ lâu đã ngủ trong lòng ta.
 3.- Bài thơ “Mưa xuân” được viết năm 1936, khi Nguyễn Bính chớm vào tuổi 18, cùng “nhân vật” cô gái “trong khung cửi – Lòng trẻ còn như cây lụa trắng”. Chàng thi sĩ “chân quê” ấy chưa “đa đoan nhuốm bụi kinh thành”, hồn quê vẫn sáng trong như lụa bạch. “Mưa xuân” của chàng là thứ mưa thấm sâu tình yêu thuở ban đầu còn đơn phương nhưng là ngọc ngà không chút tì vết trong trái tim thiếu nữ thanh tân chốn hương thôn đất Việt. Tình yêu mộc mạc ấy như thứ rượu nồng chưa uống đã say. Mới chỉ là “Năm tao bẩy tuyết anh hò hẹn”, thế mà “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng” trong lòng em, đổ vỡ cả một giấc mộng tình ! Thơ tình mùa xuân với giọng kể của Nguyễn Bính giống như một cuốn truyện thơ hay mà bạn đọc chẳng khi nào muốn có trang cuối. Hình thức tự tình rất có duyên và đầy chất mơ mộng, cả tác giả và “nhân vật trữ tình” đắm đuối trong men say tình ái với những e lệ, rụt rè, mong đợi, hi vọng và cả hụt hẫng . . . Gái có thì, hội chèo làng Đặng mỗi xuân chỉ có một, mà “Xuân đã cạn ngày” rồi “Bao giờ em mới gặp anh đây? ”. Không chỉ một lần, mà nhiều lần trong thơ của Nguyễn Bính day dứt nghi vấn này:
                 “Bao giờ bến mới gặp đò ?
             Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
                                                 (Tương tư)
  Tình yêu trong “Mưa xuân” âm thầm, kín đáo ”Tình em lặng kín như tơ buồng tằm” (“Đêm cuối cùng”), thiếu nữ “Lòng thấy giăng tơ một mối tình”, mới thấy “Hình như hai má em bừng đỏ - Có lẽ là em nghĩ đến anh”. Cái “Hình như”, “Có lẽ” mới chỉ là phán đoán, tưởng tượng, thế mà trinh nữ thôn quê đã biết bao tin tưởng, hy vọng : “Thế nào anh ấy chẳng sang xem”.
  Bài thơ có tựa đề là “Mưa xuân”. Mưa xuân như một bản nhạc nhẹ êm dịu, ngọt ngào những tâm tình với nhiều cung bậc cảm xúc. Lần theo làn mưa xuân lúc nao nức, mong chờ, ước mong, lúc mến thương tìm kiếm, khi hụt hẫng, tủi buồn thân phận, lầm lụi lạnh lùng đơn côi với canh khuya . . . Nguyễn Bính đã tạo nên một không gian nghệ thuật gần gũi, bình dị, thân thuộc với người dân Việt để diễn tả một cách vi tế tâm trạng của nhân vật trữ tình trong quá trình vận động, biến đổi. Kết cấu của bài thơ chặt chẽ mà rất tự nhiên. Bài thơ viết theo thể thất ngôn trường thiên, gồm 40 câu, chia đều cho 10 khổ, đã có năm lần nhà thơ nhắc đến mưa xuân nhưng không hề đơn điệu nhàm chán, vì mỗi lần làn mưa xuân mang theo một sắc thái diễn biến tâm trạng khác nhau theo dòng chảy thời gian.
  Ban đầu là hồi tưởng “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”, hồi tưởng một khoảnh khắc vàng ngọc của đời thiếu nữ thần tiên, nao nức trong niềm vui “phơi phới”  khi lần đầu ‘Lòng thấy giăng tơ một mối tình”. Mưa xuân thành xôn xao cõi lòng trong thầm kín.
  Thứ đến là “Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh”. Từ “chấm” được điệp trong một câu thơ thật tinh tế, thật nhẹ nhàng, dịu ngọt, trìu mến đã biến cái “lạnh” của làn mưa xuân thành cái “ấm” trong lòng người thiếu nữ lúc chớm yêu.
  Tiếp theo là “Mưa xuân” chỉ là làn “Mưa bụi nên em không ướt áo”. Từ là người “con gái trong khung cửi”, bây giờ người thiếu nữ đã lần đầu bước đi dưới mưa xuân êm đềm tìm đến người yêu để tự tình. Trời rắc “mưa bụi”, trời dậy thì xuân, và em dậy thì tình yêu. Trời giăng mưa xuân, còn người thanh nữ dệt lụa cũng “giăng tơ một mối tình”. Cái đồng điệu, hòa hợp giữa xuân của giời đất và lòng người tuối thanh xuân thật diệu kỳ.
    Lần thứ tư “Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt”, là một bước ngoặt trong giấc mộng tình ái “Khi mơ những tiếc khi tàn. Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không”. Không còn là “mưa bụi “ nữa , mà mưa xuân đã thành “mưa nặng hạt”, trĩu nặng trong lòng những tủi phận, tủi duyên của thiếu nữ, đầy lạnh lùng, tối tăm vây bủa trên đường về trong bẽ bàng.
   Cộng hưởng với “mưa nặng hạt” là “Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay”. “Ngại bay”, không hẳn đã ngớt mưa mà vì có người lỗi hẹn hò, để có người “Chờ mãi anh sang anh chẳng sang” . Lần đầu “Năm tao bẩy tuyết anh hò hẹn”, mà nỡ lỗi hẹn làm uổng phí cả một mùa xuân, uổng phí cả một thì xuân của trinh nữ. Chữ “tín” thiêng liêng trong tình yêu đã bị làn mưa xuân nặng hạt phũ phàng vùi dập, cả màu tím hoa xoan quê mùa cũng “đã nát dưới chân giày” kể gì thủy chung nữa.
  Lòng người “con gái trong khung cửi” đã một lần bị tổn thương. Lời an ủi của mẹ chẳng thể hàn gắn vết thương lòng. Tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả nhưng cũng không bao giờ xoa dịu được lòng con gái khi bị phụ tình. Không biết mùa xuân năm sau, khi hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ, cô gái trong khung cửi kia còn có lại cảm xúc phơi phới xuân tình ban đầu như “Buổi ấy” nữa không ! ? Câu nghi vấn “Anh ạ ! Mùa xuân đã cạn ngày- Bao giờ em mới gặp anh đây ? ” nhỏ nhẹ, thì thầm mà chính là bi kịch “nhỡ nhàng” trong lòng thiếu nữ thanh tân, một lời thầm trách độ lượng nhưng thấm thía xót xa.
                                               *
 4 -  THƠ XUÂN của Nguyễn Bính thật phong phú, dồi dào, đa dạng ý tứ, cảm xúc. Riêng trong “Tuyển tập Nguyễn Bính” (NXB Văn học, 1986) đã có tới hai chuc bài thơ xuân. Ta có thể nghe tiếng reo vui chào đón xuân ”Đây cả mùa xuân đã đến rồi”; thấy mùa xuân – thiếu nữ “Với trên màu má gái chưa chồng”; đắm đuối với “Mùa xuân xanh”, với “Xuân đem mong nhớ trở về” trên bến đò quê; rồi có “cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng” hụt hẫng, và những tiếc nuối :
               “Uống đi ! Em uống cho say
           Để trong mơ sống những ngày xuân qua.
                                                            (Rượu xuân. 1941)
        Cho đến khi Nguyễn Bính rời thôn hương, mải mê “đi dan díu với kinh thành” ông thảng thốt tiếc nuối “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến – Sao chẳng về đây, chẳng ở đây”. Trong tháng năm phiêu bạt giang hồ, tết đến xuân về, Nguyễn Bính mượn chén tiêu sầu, nhưng “Chén rượu tha hương  ! Trời ! Đắng lắm !”,  “Chị ơi ! Tết đến em mua rượu – Em uống cho say thật não nùng”.
  Cách mạng thành công, Nguyễn Bính hòa nhập vào nhịp sống hào hùng của dân tộc, và nguồn thơ Xuân của ông trở lại vẻ thanh xuân, trong trẻo vốn sẵn có. “Mưa xuân” thuở trước “Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt – Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya” , thì “Mưa xuân” bây giờ đầm ấm, sum vầy :
                       “Nào ai nhìn rõ thấy mưa xuân
                         Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
                         Bươm bướm cứ bay không ướt cánh
                         Người đi trẩy hội tóc phơi trần.”
  Về với đất Bắc rồi, ông lại nhớ xuân miền Nam :
                         “Bốn đường tàu chạy mưa xuân ấm
                           Triệu lá cờ bay gió tết lành
                           Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
                           Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
                                              (Xuân nhớ miền Nam)
  Trước sau thơ xuân của Nguyễn Bính vẫn là một nguồn chân tâm, chân cảm, rung động lòng người Việt bền lâu, là tài sản tinh thần quý báu “di tạo hóa” góp vào tình yêu con người, tình yêu đất nước quê hương Việt Nam mình.


 Anh Thơ

  II.- ANH THƠ (1921- 2005) với bài thơ CHIỀU XUÂN.
  Nếu Nguyễn Bính được giải khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn năm 1937 với tập thơ “Tâm hồn tôi”, thì Anh Thơ được giải thưởng khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn năm 1939 với tập thơ “Bức tranh quê”.
  Anh Thơ đến với thơ rất sớm (năm lên 18) như tìm con đường tự giải thoát khỏi cuộc sống tù túng, buồn tẻ và khẳng định giá trị của người phụ nữ trong xã hội đương thời.
  Bài thơ “Chiều xuân” được rút từ “Bức tranh quê”, tập thơ đầu tay của Anh Thơ gồm 41 bài, viết về cảnh nông thôn bình dị, quen thuộc. Một số bài trong tập thơ làm xúc động lòng người đọc bởi những nét vẽ chân thực, tinh tế thấm đượm tình quê đằm thắm và có chút tâm sự bâng khuâng, u buồn  của “cái tôi” Thơ mới.

                               CHIỀU XUÂN
                Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,                      
                Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi ;
                Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng,
                 Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

                Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
                Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ ;
                Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
                Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

                Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
                Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
                Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
                Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
                                     (Bức tranh quê - 1941)

  “Chiều xuân” được viết theo lối thơ 8 chữ, cả bài thơ ba khổ, mười hai dòng, đủ sức họa nên bức tranh “Chiều xuân” với những hình ảnh, chi tiết rất tiêu biểu cho cảnh chiều xuân nơi đồng quê Bắc Bộ nước ta. Một bức tranh quê buồn mà đẹp.
  “Chiều xuân” của nữ sĩ là một nhóm tranh gồm ba bức cổ họa, có chung cái nền mưa xuân đổ bụi êm êm, mờ mờ. Mỗi bức tranh lại có bố cục, đường nét và mảng khối, với những hòa sắc riêng. 
   Bức tranh xuân thứ nhất gồm có bến đò, dòng sông, con thuyền, quán tranh, chòm hoa xoan tím ; trừ có hoa xoan rụng và nước sông lặng lẽ trôi là hai nét động, còn lại là tĩnh, tất cả “đứng im lìm trong vắng lặng”. Bức tranh xuân vắng bóng con người.
  Bức tranh xuân thứ hai tả cảnh chiều xuân trên thân đê đồng nội gồm cỏ non tràn biếc thân đê, có mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió xuân, có đàn sáo và lũ trâu bò cắm cúi gặm cỏ. Nét động có nhiều hơn : cỏ “tràn” biếc; đàn sáo “sà” xuống “mổ vu vơ”; trâu bò thong thả “cúi ăn mưa”; mấy cánh bướm “rập rờn trôi” . . . nhưng tất cả những động thái đó cũng chỉ tăng thêm nét tĩnh cho không gian chiều xuân. Bức tranh vẫn vắng bóng con người và những hoạt động với tư cách là chủ thể của mùa xuân.
  Bức tranh thứ ba tả cảnh đồng lúa xuân mới thật sự có sinh khí, một sức sống thanh xuân tưng bừng thức dậy, xôn xao cả chiều xuân. Đồng lúa xanh rờn và ướt lặng này chính là lúa chuẩn bị ra đòng. Trong màu xanh mênh mông của đồng lúa có hứa hẹn một mùa vàng, có niềm hi vọng ấm no. Đột xuất trên cái nền “xanh rờn” của lúa thì con gái là sắc trắng của cánh cò non “chốc chốc vụt bay ra”, cánh cò con chưa đủ sức “bay lả rập rờn” trên đồng lúa xuân, nhưng cũng có sức phá vỡ cái bằng lặng của không gian chiều xuân, làm cho không gian có hơi ấm của sự sinh sôi nẩy nở. Cái sắc trắng của cánh cò, cái động thái “chốc chốc vụt bay ra” rất bất ngờ của lũ cò con đủ để “Làm giật mình một cô nàng yếm thắm”. Con người xuất hiện giữa sự sống trẻ trung, bản thân con người cũng tràn đầy sức sống : mầu xanh của lúa thì con gái, màu trắng của cánh cò non, màu đỏ của yếm thắm được đặt trong một khuôn tranh đối chọi mà hòa hợp với nhau biết bao nhiêu. Bức tranh chiều xuân trên cánh đồng lúa ấm áp sự sống ở mức độ đẹp nhất. Nếu thiếu đi cái màu “xanh rờn và ướt lặng” của lúa, sắc trắng của cánh cò, mầu thắm đỏ của yếm thắm và cái “giật mình” ngơ ngác của thôn nữ thanh tân thì mất hết cả cảnh quê, đời quê, nếp quê và cả hồn quê nữa.
  “Chiều xuân” là bức tranh quê đẹp trong tình quê đằm thắm, dịu dàng. Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tâm trí người ngắm bức tranh “Chiều xuân” này chính là hình ảnh thiếu nữ yếm thắm đang “Cúi cuốc cào cỏ ruộng mới ra hoa”. Đó là hình ảnh của con người một nắng hai sương mà mỗi khi xa quê bao giờ ta cũng nhớ thương.

(Còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây