VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ TỪ MỘT GÓC NHÌN THI CA

Thứ tư - 08/03/2023 07:25
Tranh minh họa: Sưu tầm
Tranh minh họa: Sưu tầm

 P.Gs,Ts. Trần Thị Trâm

Cùng với tình yêu, vẻ đẹp của người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo của thi ca, nhạc, họa. Dường như những tác phẩm hay nhất trong lịch sử nhân loại đều dành để ngợi ca phái đẹp.

Nguồn cảm hứng về nửa thế giới dịu dàng không bao giờ vơi cạn và thi ca thuộc đề tài vịnh mĩ nhân mãi mãi không ngừng bung nở đa thanh, đa sắc, giàu có cả về số lượng và chất lượng. Trên thực tế, cùng với lịch sử, phái đẹp không ngừng vận động và biến đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện, còn mỗi thi nhân lại có cách tiếp cận đối tượng rất khác nhau.

 Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu ba giai phẩm có cùng điểm nhìn về vẻ đẹp của giai nhân, bí quyết làm nên quyền lực mềm của người phụ nữ và phần nào thấy được sự vận động của dòng mạch thi ca về phái đẹp.

Đó là: bài ca dao (thơ dân gian): Em như trái khế vườn chùa/ Ai đi qua cửa Phật thấy của chua chẳng thèm;  Người đẹp của nhà thơ Lò Ngân Sủn và Thiên Thần của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Vượt qua sự băng hoại của thời gian, chúng đã trở thành những câu thơ trong trí nhớ con người.

Em như trái khế vườn chùa
Ai đi qua cửa Phật thấy của chua chẳng thèm
Câu hát dân gian đọc lên vừa quen vừa lạ, vừa có vẻ rất phổ biến nhưng vẫn không kém phần độc đáo. Quen vì giống như hệ thống những bài ca nói về thân phận người đàn bà Việt thời Phong kiến, nó cũng thuộc dòng lục bát, (thể loại chiếm tới hơn 95% trong ca dao), cũng sử dụng biện pháp so sánh, cũng bắt đầu bằng cụm từ Em như, (Thân em như):
- Em như cái chổi đầu hè
 Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
- Thân em như thể con tằm
Xe tơ kéo kén quanh năm còn gì
- Em như con kiến tỉ ti
 Uống ăn là mấy mà đi kiếm mồi
- Em như cái cọc bờ rào
 Mọt thời anh đổi cớ sao anh buồn
- Em như con hạc đầu đình
Muốn bay không cất nổi mình mà bay

Đó là những khúc hát than thân, là lời tự hát ai oán được cất lên từ những người đàn bà phải sống trong bầu khí quyển ngột ngạt như cái ao tù của chế độ nam quyền hà khắc. Như mặt trăng suốt đời tỏa sáng vì người khác, họ âm thầm sống kiếp hoa dại, giống như những đồ vật nhỏ mọn, khốn khổ, tồi tàn: chiếc chổi đầu hè, chiếc nón mê tàn, cái giếng giữa đàng, hạt mưa sa chung chiêng vô định… Hay những con vật tội nghiệp: thân tằm suốt đời xe tơ kéo kén, con kiến tỉ ti quanh năm lầm lũi kiếm mồi… Dù có lúc ý thức được giá trị của mình, họ đã ước mơ về một loài chim cao quý nhưng chú hạc kia vẫn chỉ là thứ hạc thờ nên muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Nhìn vẻ bề ngoài bài ca dao Em như trái khế vườn chùa… có vẻ như đại đồng tiểu dị  song tinh thần mà dân gian gửi gắm vào đó hoàn toàn khác biệt. Bởi trái khế chua quê mùa rẻ rúng, dễ kiếm dễ tìm nhưng lại  làm bất kỳ ai cũng có cảm giác ứa nước miếng khát thèm. Sự xuất hiện của trái khế nơi  không gian vườn chùa (Chùa là nơi thờ phật, đạo Phật là diệt dục) đã khiến nhiều kẻ bước chân đến chốn tôn nghiêm này không sao chế ngự được dục vọng. Nhưng muốn mà khó lòng hái được bởi của Bụt mất một đền mười. Mà thói đời, con người ta chỉ khát khao những gì còn thiếu. Tiểu tiết này tưởng nhỏ nhưng phát huy tác dụng thật lớn, nó làm cho vị thế của Em  được tôn vinh, giá trị của Em  được khẳng định,  bài ca dao mang dáng vẻ một bài hát than thân đã trở thành khúc hát ngợi ca vẻ đẹp phồn thực của người gái quê mộc mạc. Là hậu duệ của nàng Màu , người con gái vô danh mang vẻ đẹp của thứ của chua dân dã có được một quyền năng lớn, đã làm cho dường như đức Phật trên chùa cũng phải động phàm tâm , đã đánh thức những tế bào đã ngủ yên thức dậy, thậm chí đã khiến những kẻ nhất tâm xa lánh cõi trần mà đường tu không trót. Rồi để diễn tả làn sóng tình ào ạt như nước vỡ bờ không gì ngăn cản nổi của mày râu trước cái duyên mặn mòi của nàng thôn nữ, tác giả dân gian đã linh hoạt cho câu ca lục bát biến thể (6/10): Ai đi qua cửa Phật thấy của chua chẳng thèm. Sự phá cách đắc địa của vế sau câu lục bát đã góp phần tạo nên một tứ thơ mới lạ. Mới lạ đến nỗi, mãi cuối thế kỷ hai mươi khi nó xuất hiện trong câu thơ Lê Đạt: Ai xui em đẹp em xinh/Ba lần con thiến gáy Trần Mạnh Hảo vẫn coi đấy là thứ thơ hũ nút không ai hiểu được.

Cùng chung đề tài, cùng chung quan niệm nghệ thuật: Cái đẹp nằm trong cái giản dị nhưng Người đẹp của Lò Ngân Sủn lại tỏa ra một từ trường, một sức nóng rất riêng. Bài thơ được coi là một đền thơ mới, thậm chí một thứ bảo bối, một giáo khoa thơ trong lòng bạn yêu thơ. Chưng cất hồn vía của núi rừng Tây Bắc, tiếp nhận trọn vẹn sự thông tuệ và minh triết dân gian, Lò Ngân Sủn đã có được những thi tứ độc đáo, mỗi câu thơ của anh không khác gì những thành ngữ chân thật, ngắn gọn mà vô cùng hàm súc.

Bài thơ thu hút bạn đọc ngay từ lời đề từ, được viết bằng một câu dân ca Giáy: Ai vẽ tên em bằng ánh sáng/Ai vẽ hình em bằng ánh trăng. Nương theo mạch cảm xúc ấy, thi nhân đã viết một cách hết sức tự nhiên:

Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào thấy mát

Lời thơ mộc mạc như câu nói, như cách cảm, cách nghĩ hàng ngày của đồng bào dân tộc nhưng lại đạt đến chân lý, cao siêu, vì cái đẹp bao giờ cũng là sự gặp gỡ giữa hai đối cực. Bức họa mĩ nhân bằng ngôn từ được phác thảo với làn da trắng nõn, mịn màng, lấp lánh như tuyết- một khối tuyết bốc lửa, đầy mời gọi. Sự ấm áp, tỏa sáng ấy chỉ có được từ một thân thể non tơ, tràn đầy sức sống, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn. Và ở người xinh ấy ấy, chắc hẳn cái tỉnh tình tinh cũng giòn, hứa hẹn niềm hạnh phúc tột đỉnh cho những ai có duyên kỳ ngộ. Những câu thơ tiếp theo làm bạn đọc không khỏi kinh ngạc: té ra cái ý tưởng cao siêu, bí ẩn của Đốt về sức mạnh của cái đẹp: Cái đẹp có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh, cứu rỗi con người lại có thể được người đàn ông dân tộc Giáy trong lúc thăng hoa bất ngờ thổ lộ một cách thật thà, quê kiểng mà vô cùng thuyết phục:

 Người không khát - thấy người đẹp cũng khát
Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết gặp người đẹp
Lại không muốn chết nữa

Linh giác đặc biệt của người làm thơ có chân tài đã biến những quan sát từ cuộc đời trở nên chói sáng, rõ ràng sex mà tao nhã không hề sex. Bằng phương pháp quy nạp, những chiêm nghiệm đã nhanh chóng hóa thân vào thơ làm cho Người đẹp trở nên đặc sắc, đã đóng dấu cái tên Lò Ngân Sủn vào bản đồ thơ ca đất Việt.

Nếu Lò Ngân Sủn vẽ bức tranh người đẹp bằng một ngôn ngữ mộc mạc mang hơi thở của núi rừng thì Thiên thần của nhà thơ đa tài Nguyễn Trọng Tạo nghiêng về sự uyên bác, mang tính khái quát cao của dòng văn chương bác học. Chỉ bằng một chữ sao, ông đã làm bạn đọc sửng sốt, đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác:

 Em mười chín tuổi ngàn năm trước
Sao đến bây giờ mới hai mươi
Môi mềm, ngực nõn, vòng tay xiết

Với thi nhân, thời gian nghệ thuật (trong Thiên thần) được đo đếm bằng đơn vị thiên niên kỷ (Một cái chớp mắt đã ngàn năm trôi - Đồng dao cho người lớn). Vượt xa tuổi đời lý tưởng mà con người ao ước (trăm năm), Em được tính bằng tuổi của những Thiên thần. Bởi vẻ đẹp của Em chỉ được sánh với Thiên thần: Môi mềm, ngực nõn, vòng tay xiết. Làn môi ấy là làn môi thiên thần, bầu ngực ấy là bầu ngực Thiên thần, vòng tay là vòng tay xiết của Thiên thần… Tất cả đã toát lên một sức sống cuồn cuộn, trào dâng. Quả là “ý tại ngôn ngoại”, dù không dùng chữ đẹp, chữ xinh mà Em của Nguyễn Trọng Tạo vẫn hiện lên ở trạng thái thật tuyệt vời, quyến rũ, nồng nàn, tràn trề sức sống, gợi cảm, gợi tình, khiến bất kỳ ai trong đám mày râu (đặc biệt là cánh thi nhân có trái tim mẫn cảm) đều đồng loạt tan chẩy “Anh là đá tảng cũng tan thôi”. Đó đâu chỉ là cuộc tình thoáng qua mà mãi mãi khắc cốt ghi xương, bởi thứ bùa ngải em giăng ra từ đôi môi mềm, bộ ngực nõn, vòng tay xiết đã làm cho đến trời xanh kia cũng mê mẩn đến lú lẫn mù lòa:

Cứ tưởng một lần cho đỡ khát
Nào ngờ bùa ngải lú trời xanh.

Trong cơn mê lú lạ lùng ấy, người tài tử chập chờn nửa mê, nửa tỉnh, nửa lú nửa khôn, bỗng xuất thần biến cái vô lý thành cái có lý của trái tim, để Em trẻ mãi không già, mãi mãi tuổi hai mươi. Đó là một sự độc sáng để tạo nên một áng thơ tuyệt tác. Nhờ thế, cái đẹp đã được bất tử hóa, vĩnh cửu hóa, còn người đẹp đã được xuân hóa nên mãi mãi xuân thì:

Em mười chín tuổi ngàn năm trước
Sao đến bây giờ mới hai mươi…
Ngàn sau gặp lại em hai mốt
Môi, ngực, vòng eo vẫn thiên thần

Ba bài thơ làm ở những thời điểm rất khác nhau nhưng có lẽ đều là ánh nhìn của người tài tử về vẻ đẹp của những giai nhân họ may mắn thoáng gặp rồi đắm say và lưu giữ mãi dư âm dư ảnh. Vẫn biết, mỗi thời đại, mỗi cá tính sáng tạo lại có góc tiếp cận đối tượng từ một góc nhìn riêng và sự huyền diệu của nghệ thuật đã phát hiện thêm  những vẻ  đẹp của phái đẹp. Mà bài thơ dân gian Em như trái khế vườn chùa, Người đẹp (Lò Ngân Sủn), Thiên thần (Nguyễn Trọng Tạo) là những tác phẩm có những đóng góp không nhỏ trong việc phát hiện ra vẻ đẹp khác lạ, tìm ra bí quyết tạo nên quyền lực mềm của phái đẹp, khẳng định sức mạnh to lớn của cái đẹp; đồng thời cũng thể hiện khát khao vĩnh cửu hóa cái đẹp, nhắc nhở mọi người biết trân trọng cái đẹp và phái đẹp bởi “Người đẹp chính là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những nghệ sĩ chúng tôi.”(Nhạc sĩ Phó Đức Phương ).

                                           

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây