Truyện ngắn của Mai Thế Xuân Thắng
Gió chuyển. Khí lạnh se se rải lên muôn vật. Chừng như vùng đất vốn đầy nắng này cũng muốn chia những cơn gió mùa đông thổi về từ phương Bắc xa xôi. Trời bệnh. Sắc màu nhợt nhạt. Mới hơn bốn giờ chiều mà chỉ còn những ráng vàng le lói. Hoàng hôn bảng lảng. Tàng cây ven đường rung mạnh hơn thường lệ. Mấy chú cu đất lích chích lẩn mình trong kẽ lá. Từ trong căn phòng bảo vệ, Trường rướn cái bụng nặng nề qườ tay châm thuốc, hít một hơi thật sâu, rồi lặng lờ thả hồn theo làn khói dần tan. Kí ức chầm chậm quay về.
Ngày ấy, khi theo cha mẹ di cư vào Bù Rinh, Trường mới chưa đầy mười tuổi. Rời xa quê hương thân yêu, nơi có dòng sông Cầu hiền hòa, thơ mộng; mái đình cổ kính thâm nghiêm; ngôi trường thân quen và đám bạn tinh nghịch từng gắn bó cùng nhau bao kỉ niệm vui buồn. Trường đâu biết rằng từ đó bắt đầu đoạn đời đầy thăng trầm của mình. Mảnh đất mới xa lạ. Bốn bề chỉ rặt một màu xanh um của những cánh rừng bạt ngàn. Những con đường bé tẹo, ngoằn ngoèo bốc đầy bụi đỏ. Những con người cũng hoàn toàn xa lạ : lam lũ, đen nhẻm, tóc xoăn. Ấn tượng nhất trong trái tim non tơ của Trường khi đó là họ đều cầm theo một con dao quắm và trên miệng ai cũng phì phèo khói thuốc, vừa đi vừa nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ riêng mà Trường không thể hiểu.
Những năm đầu lặng lẽ trôi, Trường vừa đi học vừa phụ giúp gia đình trong giai đoạn đầy khốn khó. Cái khốn khó của cả xã hội không riêng gì nhà ai. Trường lớn dần lên mỗi ngày trong đói nghèo. Mười tám tuổi, học hết lớp chín, đã thành một chàng trai. Cái nắng, cái gió của xứ sở vùng biên đã nhuộm làn da Trường đen cháy, tóc cũng xoăn nhẹ lên hình như để hòa nhập với những người bạn Stiêng cùng ấp. Mà cũng lạ. Đói, thiếu ăn nhưng cơ thể của Trường lại phát tướng, ục ịch.
Trường quyết định đi lính. Sau ba năm, ra quân rồi xin vào xã đội. Một thanh niên mới lớn được rèn luyện trong môi trường quân ngũ mang theo nhiều hoài bão lớn lao. Trường hăm hở làm việc. Phấn đấu kết nạp Đảng rồi học bổ túc văn hóa hoàn thành chương trình cấp ba. Trong thời kì xã hội trọng bằng cấp, Trường cũng chạy đua theo những lời hứa có cánh của tổ chức. Thật lạ. Chỉ trong năm năm, Trường đã học xong không chỉ một mà bảy cái bằng trung cấp. Nào là lí luận chính trị, quân sự, luật, văn hóa, ...Có thể nói Trường có nhiều bằng cấp nhất huyện biên viễn Bù Rinh. Nhưng chức vụ chỉ là Xã đội phó.
Lim dim đôi mắt mí rưỡi, đốt thêm điếu ba số. Chợt có tiếng xe máy trờ tới, người bảo vệ già ca đêm vào gác phía trong. Hôm nay chủ nhật, công nhân lại được nghỉ bù Tết Dương lịch nên chỉ có hai người gác. Trường hững hờ kéo dây barie. Bỏ mặc nụ cười nhiệt tình của người đồng nghiệp, tiếp tục thả mình theo kí ức miên man.
Nỗi day dứt lớn nhất trong suốt khoảng thời gian đằng đẵng vừa qua là người vợ tào khang đã gắn bó suốt hơn hai mươi năm. Vợ Trường, cùng quê quan họ theo gia đình vào lập nghiệp miệt biên thùy Bù Rinh. Chốn rừng rú hoang vu nổi tiếng với những ám ảnh về cú mổ đoạt mệnh của loài rắn chàm quạp hay những ổ sốt rét rừng khủng khiếp. Mà lạ. Là nông dân thứ thiệt, ngoài cái sức như trâu cày, thị lại có làn da trắng hồng đẹp đến lạ, khuôn mặt thanh tú, dáng người cao ráo, thon thả và ấn tượng nhất là đôi mắt thăm thẳm, luôn biết cười. Duy chỉ có đôi bàn tay có vẻ xù xì vì biết bao công việc nặng nhọc trĩu xuống.
Ông bà mình nói con gái thắt đáy lưng ong là tướng vượng phu ích tử. Qủa cũng có thế thật. Nhưng được cái nọ thì mất cái kia, không cái gì thập mĩ vẹn toàn được. Chị ta cũng rất khéo léo công việc gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái. Mặc dù vẫn phải hằng ngày dầu dãi ngoài vườn rẫy, hết việc này đến việc nọ. Từ cuốc hố trồng tiêu, cắm cọc, giăng kẽm, phun thuốc, ... Những công việc tưởng chỉ người đàn ông khỏe mạnh mới làm được đều do một tay chị. Bởi Trường từ khi đi lính về, lấy vợ rồi đi học, cái học ma ra tông năm năm bảy bằng trung cấp ấy còn thời gian đâu để mà phụ giúp. Cũng vì vậy Trường sinh lười. Suốt ngày đóng thùng lên xã, cuối tuần xuống Đồng An học. Tội cái, nói là vậy nhưng vị trí không phẩm hàm như Trường và cái học ểnh ương ấy thì chỉ đến cho có chứ làm gì, học được cái chi. Rảnh đàn đúm cà phê tán dóc, rồi lại cờ tướng, đánh phỏm, nhậu. Khổ nỗi cứ ngỡ cái việc đang làm danh giá lắm thực ra chức xã đội phó không nằm trong biên chế cán bộ cấp xã ấy chỉ có tiền phụ cấp. Mà phụ cấp thì có bao nhiêu. Trường vẫn nhớ mỗi cuối tuần đi Đồng An lại ngửa tay xin vợ. Đa phần nhà hết tiền, người vợ tảo tần ấy lại đi vay mượn. Ê mặt, lúc có lúc không. Nhưng dầu ít nhiều vẫn phải có để cho chồng lên đường. Trong cái đuôi mắt biết cười ấy le lói chút hào quang tương lai.
Mà lại gợi đến sự nhậu. Dường như chợt tỉnh, Trường uể oải đứng dậy lấy can rượu. Cái thứ nước lạ đời không thể thiếu giữa cuộc trần ai nhất là với những gã thất chí như Trường. Một li cối đầy có mu sau khi đã hớp một cái cũng dài như hơi thuốc sau nửa ngày chưa được đụng tới vì nghiêm lệnh của tay giám đốc mới chuyển về. Lục lọi tìm bịch đậu phộng hôm qua thằng cu Sơn mang đến. Căn phòng bảo vệ một công ti lưng lửng trong khu công nghiệp này, cũng đâu có rộng rãi gì. Năm mươi giây, Trường cũng tìm ra. Tợp thêm miếng rượu, bõm bẽm vài hạt đậu, thứ rượu Gò Đen nổi tiếng của xứ Long An đã làm Trường phấn chấn hơn. Ngoài kia, trước căn phòng và tiền sảnh công ti, đèn đã bừng sáng.
Sau khi hoàn thành một mớ bằng cấp trong cái túng bấn của cuộc sống nhờ sự tảo tần, thu vén của vợ và cũng xen vào đó là sự ấm ức, bực bội vì những lời hứa nhạt như nước ốc của mấy vị lãnh đạo. Nào con văn hóa sắp chuyển về xã khác theo chồng, tay văn phòng gần về hưu, … rồi thằng xã đội trưởng nó làm cũng nhiều năm không biết chuyển đi đâu, gã địa chính nhũng nhiễu muốn gạt đi nhưng anh nó lại vừa trúng chủ tịch huyện, … Đủ thứ lí do. Vẫn chỉ là cái vị trí xã đội phó tháng hơn triệu phụ cấp không đủ uống cà phê. Kiếm thêm họa chăng là bớt xén chút tiền ăn của anh em du kích nhưng cũng khó vì cái thằng trưởng nó mới có quyền kí. Chỉ còn cố gắng nhắm vào mấy đứa con nhà khá giả sợ nghĩa vụ quân sự. Cái khoản này xem ra cũng đỡ. Bọn công tử bột, học trường ít, học quán xá, game, những cái vớ vẩn kệch cỡm thì nhiều đâu có đứa nào muốn đi bộ đội. Sang năm đến tuổi thì năm nay đã khoanh vùng, chấm sổ rồi tới tận nhà tỉ tê kiểu tiếp thị. Vậy là khối đứa nhờ anh, nhờ chú. Cũng chỉ đủ được khoản đi đám. Rõ khổ, cái tước bé ti hi mà lắm người quen. Lại cái, kinh tế hồi đó cũng đỡ, tiêu tăng giá chóng mặt. Dân tình bày ra đủ trò, đủ cớ để mời như muốn bù lại sự khốn khó thuở trước. Nào ma chay, cưới hỏi, đầy tháng, sinh nhật, giỗ chạp, khai trương, nhà mới,…Thôi thì đủ. Sướng miệng nhưng tiền đâu. Bé Hoa, cu Sơn thì mỗi ngày một lớn, tiền ăn tiền học đủ thứ. Tất cả đều dựa vào cái sức vóc trâu đất của vợ cày ải mãi sao.
Thế là Trường không còn mơ mộng gì nữa, công danh sự nghiệp đành gác lại chờ thời. Mỗi ngày ra xã chỉ điểm danh rồi trốn. Nhưng thói chỉ tay năm ngón đã quen, Trường đâu có giúp gì công việc cho vợ. Nhưng tính toán. Cái khoảnh vườn bố mẹ chia cho khi lấy vợ nằm trên trục đường liên ấp cũng chả nhiều nhặn gì. Chỉ được mấy sào. Trường quyết định bán rồi vào sâu trong khu gần lòng hồ Soc Phu Miêng mua đất. Tính ra được gần mẫu và đủ dựng cái nhà tạm. Khi ấy giá tiêu rất cao, nhà nhà đổ xô phá điều, cao su móc đất trồng tiêu. Nhanh nhạy chớp thời cơ, Trường vay mượn mua máy múc.
Những ngày đầu đã đem đến niềm vui lớn cho gia đình Trường. Trừ chi phí, con Kobel đem về vài triệu đồng, bằng cả vài tháng phụ cấp xã đội. Ngỡ vận tốt đã đến, Trường quyết định làm lớn, vay mượn tám mươi, một trăm phần trăm, góp ngày, ...mượn tất. Hai cái, ba cái rồi bảy cái, tất cả đều mượn. Theo cách nghĩ có áp dụng lí thuyết kinh tế học mà những bảy cái bằng nửa vời cung cấp, Trường tính chỉ hai năm sẽ trả hết nợ gốc, lãi nguyên bảy cái Kobel. Đại phú còn gì. Mà quả thực hơn năm đầu vô cùng thuận lợi, tiền vào như nước. Góp ngày hai mươi triệu chứ ba mươi triệu cũng vô tư. Tiền bạc rủng rỉnh, Trường mua ngay con Hyundai bán tải vi vu đi nhận hợp đồng rồi la cà cà phê, nhậu nhẹt. Khổ người vật vã như con tịnh đen bước ra từ cái bán tải hầm hố nhìn oai ra phết. Lại thêm dáng đi mà vì cái quần sáu túi lúc nào cũng căng phồng cộng cái bụng bự quá cỡ cứ bơi bơi như con vịt xiêm lúc gạ gẫm bạn tình cũng làm khối kẻ ngước mắt trầm trồ. Đúng là đời lên hương.
Rồi mua nhà mặt tiền, căn nhà hai lầu của ông chủ chợ lắm kẻ mơ. Ả vợ cũng bắt đầu thể hiện. Nào váy đầm, giày dép, xăng đan, phụ kiện, ... Phố Bù Rinh không thoả cái đỏm dáng của bà chủ đang vào độ phất. Phải đi Thành phố. Lộc phát, Trường cũng chả tiếc gì vợ. Mười lần về thành phố thì cũng năm lần Trường cho vợ đi cùng. Cứ ném bà ấy vào đại siêu thị xong việc quay lại đón về, tài khoản vơi đi vài chục chai cũng chả thèm quan tâm. Vì vậy, cái da trắng hồng lại càng thêm hồng, cái mắt biết cười lại càng thêm lúng liếng. Đôi bàn tay chai sạn ngày nào giờ nõn nượt, thon dài. Bộ móng luôn được tỉa tót cẩn thận và vẽ lên khi thì những vành trăng khuyết, lúc là mấy ngôi sao cô đơn. Mái tóc chân phương luôn cột hất ngược lên như cái cổ quạ ngày nào giờ cũng luôn được tân trang lại. Bồng bềnh, lả lướt. Ả như cô bé lọ lem sau một đêm thoát thai thành quý bà kiều diễm.
Bé Hoa đang học lớp mười, cũng học đòi bố mẹ. Xin tiền mua sắm đủ thứ rồi đàn đúm bạn bè chểnh mảng việc học. Trường quyết định cho nghỉ, đi học nghề làm đẹp. Vẫn là cái cách nghĩ mà Trường luôn nói áp dụng lí thuyết này nọ. Kinh tế mỗi ngày một phát triển, khi đủ cái ăn, cái mặc người ta sẽ nghĩ đến cái chơi, cái đẹp. Điều này thì đúng. Và rồi cô bé học trò hôm nào nay đã thành bà chủ một shop Nails lớn nhất nửa phía bắc huyện Bù Rinh.
Thằng cu Sơn nhẳng nhớt, gầy teo bây giờ cũng xởn hơn vừa do cái dậy thì bên trong cơ thể thúc đẩy phát tiết vừa do những lốc sữa Ensure mắc tiền mà chỉ vài năm trước có nằm mơ cũng không có. Đi học xúng xính đồ hàng hiệu lại thêm quả đầu nửa nảy hoe vàng trông chĩnh chọe ra phết. Nhất là mỗi khi gặp thằng Tèo con nhà xã đội trưởng Tắc học trên nó một lớp thì cái mặt nó vênh lên đáng ghét.
Sự đời ghen ăn tức ở, mấy tay xã xầm xì việc Trường hay rời nhiệm sở làm việc riêng. Đang lúc say tiền, Trường quyết định bỏ luôn. Nhổ toẹt cái chức ti hi đã đeo bám gần hai mươi năm với bao hoài bão, khát vọng tuổi trẻ. Mớ bằng cấp giấy kia đánh đổi bằng bao nhiêu chuyến đi về Đồng An - Bù Rinh và bám đầy mồ hôi, công sức của vợ, Trường bỏ hết. Công việc làm ăn vẫn tốt đẹp. Trường mua thêm gần hai mẫu đất đầu tư trồng tiêu. Bốn ngàn trụ tiêu, ngót hai tỉ bạc cả đất. Lại vẫn bài tính mà như Trường nói có lí luận trường lớp, ba năm sau được thu chí ít cũng chục tấn. Giá gần hai trăm một kí, trừ chi phí mỗi năm hòm hòm cũng đút túi tiền tỉ. Cộng với dòng tiền chủ lực từ bảy con Kobel. Qúa ấm. Từ đó Trường tự cho mình được hưởng những lạc thú của một đại gia mới nổi như một cách để bù đắp nửa quãng đời cơ hàn trước đây. Những cuộc nhậu tăng dần cường độ, tăng dần chất khoái. Sẵn xe, Trường thường kéo cả đám bạn bè về thị trấn có khi xuống cả Đồng An, thậm chí thành phố Hồ Chí Minh gần hai trăm cây số cũng không làm Trường ngần ngại. Mà mỗi khi nhậu là phải có tay vịn, không phải một mà hai, Trường hay huênh hoang vậy với đúng chất đàn ông. Của đáng tội, nói cho oai thôi chứ cái khoản ấy Trường đâu có ham hố gì. Cái của nhà hơn hớn ra đấy, lại đang độ hồi xuân, Trường cũng mấy khi ngó ngàng.
Món cờ tướng khoái khẩu đã từng làm nên tên tuổi của Trường ở mấy sới làng tưởng đã ngủ yên sau vài năm lặn lộn mưu sinh lại trỗi dậy. Mà đâu phải thường. Trường tổ chức giải đấu với giải thưởng cho chức vô địch những hai mươi triệu đồng. Trong khi giải do tỉnh tổ chức, phần thưởng chỉ năm triệu. Vì vậy cao thủ võ lâm các xứ lũ lượt kéo về. Dịp đó thị tứ nhỏ vùng biên chộn rộn hẳn. Khổ cái kiếp cờ quạt, cao thủ chân chính thì ít mà cao thủ gạo thì nhiều vì nếu không độ, suốt ngày chúi mũi vào bàn cờ thì lấy gì sống. Mà đã độ phải gài. Nghiễm nhiên Trường là con gà mập mà đại đa các cao thủ đều muốn thịt. Trình cờ của Trường cũng nổi tiếng đấy nhưng chỉ dừng ở cấp xã thì mấy cao thủ từng tham gia các cấp tuyển bắt lúc nào chả được.
Nhưng Trường đâu có nghĩ vậy. Ban đầu ra độ cà phê chấp ba nước ăn qua ăn lại. Huề. Lai rai chút, chúng khen cho mấy câu. Trường khoái chí lắm, thầm nghĩ mình cũng đâu phải tay vừa chỉ cần luyện thêm chút xíu là ngang cơ với mấy tay tuyển này rồi. Không khéo cố chút nữa lại được gọi thi quốc gia chứ chả chơi. Rồi chúng gạ độ tiền. Một chai một bàn. Ăn thua gì, chơi ngay. Hôm đầu chúng thua một bàn. Trường lại càng khoái. Không phải vì thắng triệu bạc mà quan trọng khắc vào cái bản thể tự phụ của Trường rằng rõ là mình không kém. Rồi lên hai chai. Vẫn thắng. Năm chai ngang ngang. Mười chai bắt đầu thua. Mỗi ngày thua nhõn một bàn. Rõ bực. Trường vò đầu bứt tai ấm ức nếu mình cố chút xíu, lỡ có mỗi một nước, đã hơn nó con ngựa rồi, … Và cứ vậy gần như đều ngày thua cũng chỉ một hai bàn. Chả bõ bèn gì. Bảy con voi sắt vẫn đang cạp đất ăn tiền. Tiêu đang lên xanh.
Đến kì Word Cup 2014, Trường mua cái ti vi LED Sony 55 in sang thuộc loại nhất lúc bấy giờ về rủ anh em đến vừa nhậu vừa xem cho đã. Mà xem bóng phải có tí độ mới vui. Ban đầu chỉ thùng bia sau thùng tiền. Độ trên mạng mới đẳng cấp. Thời buổi 4.0, các trang cá độ trên mạng thiếu gì. Trường tự lập một trang đại lí Bong88 nướng tiền vào đó. Rồi lúc cờ khi bóng, còn đâu thời gian lo công việc. Nhiều lúc vợ nhằn, Trường cười hềnh hệch nghêu ngao: “ Làm trai phải biết tổ tôm. Uống trà chính Thái ngâm nôm Thúy Kiều”. Trường giao đội máy múc cho thằng Tư, một lái máy mà Trường rất tin tưởng vì nghĩ nó hiền lành, thật thà, nhanh nhẹn. Vườn tiêu thì lắp hệ thống tưới tự động, thuê cặp vợ chồng dưới miền Tây lên trông, vợ thi thoảng chạy qua lại. Thế là ổn. Bé Hoa cũng đã có gia đình. Chồng Hoa trông hiền lành, khỏe mạnh chỉ cái gia thế hơi nghèo. Có hề chi.
Hớp nốt hơi rượu, Trường lại nghiêng can châm thêm và loạng quạng đứng dậy kiếm gói Hảo hảo nhai sống. Ngoài kia, gió thổi càng mạnh. Và hình như lất phất những hạt mưa. Mưa xuân hay mưa trái mùa. Mặc. Trường tiếp tục chìm vào dĩ vãng.
Mộng đẹp đâu có dài mãi được. Những biến cố bắt đầu tới. Đầu tiên là cái trò cờ bạc, ban bóng chết tiệt của Trường. Có ngày cúng hết mấy chục chai. Nhiều hôm thua những bàn cờ lãng xẹt, say máu đêm đến phóng luôn cả trăm chai vào bóng tính gỡ. Mà càng thua càng cay, càng gỡ càng lún. Trường đã cảm thấy lạnh lưng.
Thằng chồng bé Hoa, sau ngày cưới, Trường thuê cho nó cái cửa hàng mặt chợ mở sop thời trang. Sau thời gian đầu ngoan ngoãn bán buôn lại dở chứng. Mà cái chứng cờ bạc không biết có phải học đòi theo lão bố vợ phó đại gia lởm. Nó gom tiền hàng rồi nhảy qua casino đánh bạc. Ở cái xứ giáp biên này, có khẩu là cư dân biên giới thì chuyện sang Cao Miên cũng dễ như đi chợ. Đất nước mà trước đây vài chục năm, đồng thời gian lúc Trường theo gia đình li hương, còn tan hoang vì hậu quả của lũ phát xít cuồng bạo nhất lịch sử loài người Pol Pot - Ieng Sari gây ra, chế độ mới đã mở toang cánh cửa, du nhập cả những điều mà ở Việt Nam gọi là tệ nạn vì mục tiêu tất cả để Cam pu chia phát triển. Ca si nô chủ yếu của các ông chủ maphia Trung Quốc mọc lên như nấm. Mà lạ chúng đa phần nằm dọc biên giới Việt Nam. Quả thật thâm độc, chúng muốn nhăm nhe khai thác thị trường trăm triệu dân Việt mà có những nét đẹp văn hóa nhiều khi đã bị biến tướng thành trò đỏ đen, cờ bạc. Toàn bịp bợm sao ăn nổi, thua trắng túi. Chúng lại còn cho vay mấy chục ngàn USD để chơi tiếp vì bọn chân rết đã báo cho lũ chủ về gia thế nhà vợ nó. Bấm bụng gom tiền nhà lúc này chả còn bao nhiêu không đủ, lại phải vay lãi thêm để chuộc thằng rể trời đánh sau nhiều cuộc gọi lúc đêm khuya dọa cắt gân chân nó của bọn quỷ bên kia biên. Về tới nhà, Trường cho nó một cái bạt tai trời giáng. Rồi chính Trường cũng muốn dùng bàn tay hộ pháp còn lại tự xử vào cái bản mặt hợm dị của mình.
Đâu đã hết, đoạn này thằng Tư liên tục báo máy hỏng. Hỏng là đúng còn gì nữa. Máy móc cũng có thời hạn sử dụng, muốn kéo dài thời hạn thì phải bảo dưỡng, duy tu đều đặn, định kì và phải biết giữ gìn bảo vệ. Còn bảy con voi chiến, vốn khi mua đã là máy cũ, Trường bỏ mặc cho người lạ để chạy theo những đam mê u muội thì sao lại chẳng hỏng.
Tác giả Mai Thế Xuân Thắng
Nhưng những điều đó chả là gì. Nhàn cư vi bất thiện. Ả vợ thường xuyên vắng nhà. Nửa buổi, một ngày, chỉ để lại dòng tin ngắn ngủi. Em đi làm đẹp. Kệ. Trường vẫn chúi múi vào bàn cờ, dán mắt vào màn hình, quăng quật theo từng đường bóng. Đến hôm đêm muộn vẫn chưa thấy ả về, Trường mới hơi rùng mình, ánh mắt thảng chút âu lo. Chờ suốt đêm vẫn không thấy, Trường chột dạ nghĩ tới chuyện chẳng lành. Đêm nặng nề trôi. Thiếp đi lúc nào không hay. Đến khi bừng tỉnh, nhìn lên đồng hồ đã chín giờ sáng. Qườ quạng điện thoại. Trường thở phào khi thấy tin nhắn của vợ. Định bụng không thèm đọc chờ ả về la một trận cho hả cái tức. Vùng dậy tính đi ăn sáng. Nhưng lại quay lại bung tin nhắn ra đọc. Từng con chữ lần lượt hiện lên : “ Anh, em xin lỗi để anh và hai con lo lắng. Nhưng em có nỗi khổ tâm. Anh biết cái cơ thể đàn bà em nó luôn hừng hực, khát khao yêu đương như Hỏa diệm sơn luôn rực cháy, thiêu đốt cõi lòng. Em biết anh cũng yêu thương em nhưng sự yêu thương của anh không làm thỏa mãn được em. Đã vậy, gần đây anh lại còn hững hờ bỏ mặc để chạy theo những trò đen đỏ. Em luôn phải đối diện với sự thèm khát dày vò. Em đã cố gắng dùng lí trí đè nén nó xuống, chôn chặt nó lại để làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ người vợ, người mẹ. Nhưng không được nữa rồi. Dục vọng thấp hèn đã làm em hư đốn, kéo em xuống vũng bùn nhơ tội lỗi. Em đã chạy theo điều mà mình luôn thấy thiếu thốn, khao khát bấy nay. Em không cầu xin anh tha thứ. Em tự nguyện dứt áo ra đi không điều kiện. Hãy quên em đi. Ngàn vạn lần cầu mong anh và hai con của chúng ta sớm vượt qua biến cố này. Em là kẻ đốn mạt. Nhưng trong trái tim em, anh và hai con là mãi mãi...”.
Đọc những con chữ mà thấy cơ thể như bị ngàn vạn mũi ong bò vẽ chích vào. Đau đớn, chua xót, phẫn nộ, ghê tởm, uất hận. Trường phát điên. Bản ngã đàn ông bùng dậy. Trường như con Becgie bị xích lâu ngày chợt phát hiện bạn tình. Lồng lộn, điên đú. Trường lao lên tường giật tung cái ảnh cưới có bộ mặt biết cười, cái má lúm đồng tiền chết tiệt ấy giục xuống tan tành. Trường đá văng cánh cửa tủ, cấu xé, vò nát tất cả đồ đoàn của cái ả lăng loàn, phản bội. Chưa hả giận, Trường lao xuống tầng trệt vớ lấy chốt cửa đập nát cái SH mà mới mấy tháng trước kỉ niệm hai mươi năm ngày cưới, Trường đã phải nhờ người đặt mua từ thành phố tặng vợ. Nát tan, Trường ngồi thở dốc, rồi lại mở tủ bật bia dội vào miệng. Hết lon này qua lon khác. Không đã, Trường mở chum rượu ngũ xà bên hộc tủ đã ngâm ba năm chưa đụng tới nghiêng qua nốc như ngày tập lăn lê trên thao trường giữa mùa nắng lửa. Một lúc nằm vật xuống nền như con heo lúc người ta chọc hết tiết. Ngấm rượu, Trường ngủ tít. Khi tỉnh dậy, Trường thấy mình đang ở một nơi xa lạ, xung quanh trong tầm mắt là lủ khủ chai lọ dây dợ. Thì ra Trường bệnh. Sau trận rượu hộc tốc Trường say rồi xuất huyết bao tử. Thằng cu Sơn hôm đấy đi đá banh giao lưu chiều muộn mới về thấy bố nằm thẳng đượt, lay mãi chả thấy thưa. Sơn sợ hãi la lối, mấy người hàng xóm vội qua gọi xe đưa Trường đi cấp cứu. Đã ba ngày, truyền nước, truyền dịch.
Trường thở dài ngao ngán, sao không để cho hắn chết luôn đi cho đỡ rầu, đỡ nhục. Đôi mắt cang cường chợt ừng ựng nước. Dáng thằng Sơn thấp thoáng. Nhìn nó, Trường chợt thấy vững tâm. Nuốt cục sầu khỏi cổ, Trường ngẫm nghĩ đúng là cũng có lỗi của mình thật. Giá như, Trường không vùi đầu vào bóng ban, cờ bạc. Giá như Trường chăm lo công việc như những ngày đầu mua máy. Giá như Trường quan tâm đến vợ hơn. Giá như, giá như,… Thằng Sơn thất thểu xách lốc sữa Ensuare vào, nhìn thấy Trường đã tỉnh, nó nhoẻn cái miệng méo xẹo, rồi lao tới ôm Trường. Nó đã biết hết mọi chuyện, nghẹn ngào : Con thương bố. Cái thằng mười sáu tuổi, chỉ biết ăn chơi, học hành thì gọi là. Vậy mà lại biết bỏ qua cả nỗi buồn vắng mẹ, quan tâm đến bố nó như thế. Trường thấy ấm áp. Ôm chặt lấy con, tự hứa sẽ vượt qua nỗi đau này.
Mấy hôm sau, bệnh thuyên giảm, Trường nung nấu suy nghĩ. Phải bán mấy con voi sắt vì nó đã quá đát dù biết giờ bán như hàng thanh lí, chả hơn sắt vụn là bao. Trường tính thời điểm này phải dùng quân tướng tinh nhuệ mới chiến thắng được. Mua nhiều Trường cũng chẳng còn mơ mộng nữa. Hai cái. Phải hai cái. Một để thằng Tư lính ruột lái kèm thằng rể bởi nó tính toán không khéo, không hợp buôn bán. Một tạm thời thuê lái rồi mai mốt thằng Sơn sẽ ôm chứ học hành kiểu như nó, lớp mười mà chả thuộc nổi nửa vế hằng đẳng thức thì vật vờ hết mười hai, lấy cái bằng trung học phổ thông cho có thôi chứ chả để làm gì.
Xuất viện, Trường hộc tốc về thành phố tìm mối bán mua. Bảy cái kì kèo tất cả một tỉ. Hai cái Komatsu hàng mới, xịn hơn bốn tỉ, công ty hỗ trợ trả góp bảy mươi phần trăm trong ba năm. Thiếu chút ít không sao. Trường quyết định đặt cọc. Bảy con voi sắt gắn bó hơn bốn năm, đem lại vinh quang và tủi nhục cho Trường lần lượt được kéo đi. Khổ cái, một tỉ thu được lại phải trả mất hơn ba trăm vụ chuộc thằng rể vì người ta đòi. Thiếu gần sáu trăm, Trường đi vay. Nhưng nghiệt thay, lúc đủ vợ chồng vay sao cũng được, giờ còn một mình, lại mang tiếng cờ bạc, chỗ quen lắm cũng chỉ hứa vài chục. Trường bán luôn con bán tải, mà đồ cũ bán lại, lỗ chỏng chơ. Vẫn thiếu năm trăm. Rẫy thì là đất xâm canh lâm trường nên chỉ có sổ xanh ít giá trị, nhà lại vì chủ chợ còn vướng thủ tục nên cũng không tách được sổ hồng. Hôm đi Đồng An đến chỗ thằng bạn thân mượn tiền không được, về chợt thấy mấy tờ quảng cáo dán trên cột điện. Lãi cắt cổ nhưng cực chẳng đã. Với lại Trường nghĩ đang mùa khô, dân đua nhau móc đất đợi mưa xuống trồng tiêu giống như những mùa trước; vườn tiêu nhà cũng đã chính vụ và sai quả, chỉ ít tháng nữa thu hoạch. Tặc lưỡi lấy năm trăm về.
Ngặt nỗi, khi hoàn thành các loại hồ sơ thủ tục, xe xuất xưởng cũng là lúc tiêu bắt đầu lao giá. Nửa tháng tụt về chỉ còn chưa tới trăm nghìn một kí. Kể ra với giá đó dân tiêu vẫn có lời nhưng ám ảnh về một thời chặt tiêu trồng cao su vẫn chưa nguôi. Dân bắt đầu khựng lại. Hai con xe hùng dũng kéo về đã trọn tháng mà vẫn còn mới tinh dẫu không cần lau rửa.
Mảnh trăng thượng huyền chênh chếch trên vạt rừng cao su xa thẳm. Ánh sáng bàng bạc xuyên qua màn sương hòa cùng ánh điện chiếu vào khuôn mặt nhàu nhĩ của Trường. Thêm một hớp thật sâu, hình ảnh mấy gã vằn vện, tay dao, tay kiếm hung hăng xông vào đạp tung cánh cửa nhà, ghì đầu Trường ép kí vào giấy sang nhượng cháy lên trong men rượu. Hai tay siết chặt uất ức. Hết sạch. Vòng xoáy nợ nần đã cuốn đi tất cả. Không có việc làm, hai con xe to chảng trở thành hai đống nợ khổng lồ. Lại nữa, hai khu rẫy gần sáu ngàn nọc tiêu đang trĩu quả chờ đến ngày thu hoạch bỗng nhiên héo úa, quả non rải đầy quanh gốc như ai đó vốc trong bao ra phơi. Bệnh chết nhanh - ung thư giai đoạn cuối của tiêu không cách nào chữa được. Mỗi tháng vị chi cả gốc lãi sòm sem trăm triệu, lại thêm cái nợ cắt cổ từ năm trăm triệu của bọn xã hội đen, Trường xoay đủ cách vẫn không thể nào thoát ra nổi. Bán xe, bán luôn cả hai mảnh rẫy cũng chưa đủ tiền bù lỗ. Năm trăm triệu đã nảy lên thành ba tỉ vì lãi mẹ, lãi con. Anh em cũng khó khăn, bạn bè lẩn tránh. Thói đời mấy ai chơi với kẻ thất thế. Giữa lúc quẫn bách, nhận được điện của bé Hoa. Tiêu rớt giá, dân còn đâu tiền mà làm đẹp. Vợ chồng nó đã chuyển xuống Bình Dương mấy tháng trước. Cũng chẳng còn bấu víu vào đâu, hai cha con Trường xuống theo. Thằng Sơn đi công nhân còn Trường xin vào làm bảo vệ.
Thấm thoát năm năm lặng lẽ trôi. Vợ chồng bé Hoa đã ổn định, thằng rể trời đánh giờ biết tu chí làm ăn, yêu thương vợ con. Cu Sơn cũng ngoan, chịu khó và hay nhất là nó không sa vào cờ bạc như cha. Trường đã năm mươi, nửa dốc đời nghiêng xuôi, mái đầu điểm màu sương khói, cơ thể bắt đầu thấy mỏi. Nhiều lúc cô đơn nhưng cũng vì cái đó không ham nên cũng đỡ. Chẳng mơ mộng gì nữa, công việc nhẹ nhàng, ngày ba lưng cơm, nửa gói thuốc, đôi li cà phê, tối vài xị đế ngẫm đời, thế là xong. Giờ chỉ chờ thằng Sơn lấy vợ là an phận già. Có điều, lâu lâu, lúc trời đất chuyển mùa, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về như hôm nay, vết thương lòng không thể nào yên ngủ. Mảnh đất Bù Rinh đầy hào quang lẫn bóng tối và hình ảnh người vợ phụ bạc lại hiện về cấu xé trái tim côi.
MTXT. Sg 1/2023
Nguồn tin: HNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn