XUÂN CHỢT THỨC

Thứ ba - 17/01/2023 14:39
Xuân chợt thức trong tôi, mỗi dịp giáp Tết trở về quê cha mẹ. Tôi ngơ ngẩn hàng giờ, ngắm nhìn những cây bưởi, cây cam, cây ổi, cây trứng gà trong vườn mẹ. Lẫn trong đám lá sạm già là lúc lỉu những quả đỏ ối, vàng ươm, trắng xanh, mịn màng thơm tho, ngon mắt như màu má người gái nhà quê đang độ xuân thì, chưa biết mùi son phấn.
Ảnh minh họa: ST
Ảnh minh họa: ST

                                                   Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung

    Xuân chợt thức trong những hạt mưa mới mẻ, bồng bềnh, bay là là, mờ ảo như khói, như sương trong suốt, mà vi diệu quá đỗi!

Giọt nước mắt ấm áp, tinh khôi của nhà giời ấy, thoa nhè nhẹ trên mặt lá, tẩy cho kỳ hết những hạt sạn bụi của mùa đông kết lại. Chòm lá cây vừa được tắm gội sạnh sẽ, như mỏng ra, như mềm ra, mướt xanh và ưỡn cong hứng những sợi nằng non thật mỏng, và cũng thật trong để tạo ra chất diệp lục bổ dưỡng mà nuôi những chồi non đang cựa quậy trong lòng mình, tựa như bụng bầu của người mẹ trẻ lần đầu hoài thai.

Xuân chợt thức trong làn gió bấc ghé đông. Cái anh chàng gió Đông Bắc đầu gấu hung hăng, quái tính, hay châm chọc, đi đến đâu làm cho người ta run cầm cập vì sợ hãi đến đấy, đã được nàng xuân cảm hóa. Chàng gió bỗng trở nên nhẹ nhàng, chải chuốt dễ mến. Gió điệu đà rung nhẹ những hàng cây, để cho những chiếc cành khẽ đòng đưa, để cho những chiếc lá chạm vào nhau, thì thầm trò chuyện rồi bất chợt say sưa quấn lại với nhau, làm cho không gian tạo nên những khúc nhạc rì rào muôn thuở của họ nhà cây, ru các chồi xanh nhúc nhích vươn mình. Gió bay la đà trên mặt Hồ Tây, ghẹo cho những con sóng khúc khích cười, chọc những cô cá, những cậu cá hứng chí nhảy cỡn lên, khoe ánh bạc long lanh mà quyến rũ bạn tình chờ mùa tháng ba sinh đẻ. Gió cũng luồn lách, lượn lờ như cá cảnh tại những khu người ta trồng hoa Tết, rau Tết ở vùng Nhật Tân và ven Sông Hồng, ở những dãy hàng hoa bạt ngàn trăm hồng nghìn tía. Gió khe khẽ ghé sát từng bông hoa, từng nhụy hoa, đa tình cuốn vào mình một chút hương trinh thơm nức nở, để rồi hào phóng chia đều cho cả không gian Hà Thành thứ mùi hương ngất ngây, chỉ vương vấn trong những ngày giáp Tết.

Xuân chợt thức trong tôi với những kỷ niệm một thời tuổi trẻ. Ấy là mùa xuân năm nào, một bé gái là tôi, má đỏ như gấc chín, thẹn thò khi được một đàn anh lớp  trên khen “xinh”; Ấy là một ngày, đi đón xuân cùng “Người ấy”. Hai kẻ si tình đưa nhau đi trong sương lạnh. Nhìn những hạt nước nhỏ li ti đậu trên hàng my tôi, anh đọc tôi nghe câu thơ của ai đã viết về “mắt xuân lấp lánh”. Nhớ, không gian hôm ấy sao mà thanh sạch thế, nó thanh sạch không một hạt bụi nào như mối tình đầu lưu luyến và đắm say. Chúng tôi cứ đi trong vô định, hòa vào xuân, rồi tự hoá mình thành... “Chúa Xuân” của... riêng mình!

Xuân chợt thức trong tôi, mỗi dịp giáp Tết trở về quê cha mẹ. Tôi ngơ ngẩn hàng giờ, ngắm nhìn những cây bưởi, cây cam, cây ổi, cây trứng gà trong vườn mẹ. Lẫn trong đám lá sạm già là lúc lỉu những quả đỏ ối, vàng ươm, trắng xanh, mịn màng thơm tho, ngon mắt như màu má người gái nhà quê đang độ xuân thì, chưa biết mùi son phấn. Ngắm nhìn những cánh đồng rau màu xanh mướt, lan mùi ngan ngát; Những cánh mạ non xanh đang chờ cấy ruộng gần, ruộng xa; Những dòng Sông Sứ, Sông Lụ có cầu ao bằng đá, có tiếng gà gáy vọng lại từ phía bên sông, xa xa là bãi bờ hoang vắng... mà lòng tôi thầm cất lên tiếng gọi thân thương: Mẹ của con ơi! Ở đâu, trên những chốn đồng sâu heo hút gió lạnh này, trong kỳ Giêng Hai rét đài, rét lộc, in dấu chân trần run rẩy, xiêu vẹo của mẹ, của cha!

Và anh! Đâu rồi anh của em, những tháng ngày khốn khó ấy! Người con trai nghèo đã lần mò nơi bờ sông, bãi sú nào, giữa cái giá lạnh đêm sâu, để đánh bắt lấy lưng giỏ cáy, giỏ cua, để chiều đông trở về trên lưng trâu với bó cỏ bơi cắt tận bên kia sông.

Rồi Xuân chợt thức trong tôi, ở chốn thị thành, nơi ngôi nhà trong ngõ vắng có “mảnh vườn” nhỏ trên sân thượng, cứ tầm cuối tháng Chạp đến giữa tháng Giêng có vợ chồng con chim lạ, cất tiếng hót thật thanh vào mỗi buổi mai; Nơi có cành đào tươi rói trong phòng khách, trên ban thờ tổ tiên bày mứt Tết, bánh chưng, mâm ngũ quả và cả vài chai rượu ngoại sang trọng, vài thức quả lạ đẹp như trong tranh, chả biết chúng đến từ xứ sở nào!

Xuân cũng chợt thức, bởi một sở thích âm thầm của tôi chả mấy giống ai: Là những khi, tôi muốn dành cho mình một khoảng lặng để ngắm phố, ngắm những dòng người, dòng xe hối hả lại qua. Quan sát nét mặt, dáng đi, trang phục của từng người để tìm ra những nét tương đồng với tính cách và số phận... Tôi ngắm và thích mê mẩn một chị bán hoa đào, nước da rám nắng, bàn chân không tất, lam lũ chai sần, sở hữu nụ cười rạng rỡ. Ngắm những nụ hoa đào lấm tấm như sương mai, trên cành đào không mấy to tát, nhưng thật thanh mảnh, thật xinh mà chị cầm trên tay. Dù nhà đã có khá đủ hoa, tôi vẫn chọn cho mình một cành đào nho nhỏ, có lộc lá, nụ hoa đầy xuân sắc để lấy may và để lấy duyên cùng chị hàng. Cầm cành hoa đào trên tay, tôi tha thẩn đi bộ, hòa vào dòng người, dòng xuân Thủ Đô đang tuôn chảy...

Đúng là Tết, chỉ vui nhất trong thời kỳ chuẩn bị.

Có lần tôi đã được nghe ai đó ví von thế này: Không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết ta, cứ giống như thể lúc các nhà làm phim, đang dàn cảnh ở phim trường, chuẩn bị đạo cụ, bố trí vai diễn... với bao nhiêu tích cực, khát vọng cho bộ phim tâm huyết họ sắp sửa thực hiện vậy!

Mà phải rồi, bất luận sự kiện gì, khi ta đang chuẩn bị mà không vui? mà không nao nức và ngập tràn hy vọng?

Tôi ngây ngất ngắm những toà hàng hoa có cửa kính, lộng lẫy với sự góp mặt của không biết bao nhiêu loài, đến từ muôn phương, trong muôn vẻ thơm tho, muôn vẻ sắc màu như chốn bồng lai. Trong ồn ào náo nhiệt, tôi nghe lỏm được lời nhận xét một khách hàng trong giới sành chơi: “Thế giới hoa tươi năm nay, ở đây nhiều loại đẹp... “dã man” và giá cả cũng... “dã man”!

Chiều càng muộn, khách càng đông với thật nhiều gương mặt. Kẻ qua, người lại giống hệt những đàn ong. Một xe sang của “ong chúa” xuất hiện, với tư thế đĩnh đạc, chỉ quan tâm đến sự vừa mắt, còn giá cả là “chuyện nhỏ”. Vài ba xe vừa vừa của các con “ong mật” và đại đa số là dân “ong thợ”, “ong đeo kính” và “ong muỗi”, “kiến gió”... Người mua cũng lắm, người chỉ ngắm cũng nhiều. Có người tiêu cả tiền trăm, bạc tỷ, có kẻ chỉ dăm bảy chục nghìn, mà vẫn đẹp, vẫn hỷ hả, vui! Tôi quan sát một người đàn ông trung niên khá lịch lãm - chắc anh ấy không thuộc diện thiếu tiền! Sau một hồi ngắm nghía, chọn kỹ càng, người ấy mua cho mình một chậu cúc đại đóa. Những bông cúc màu vàng rực rỡ, sang trọng mà rất đỗi nền nã, dịu dàng, ngự trị trên nền lá xanh như ngọc, nằm trong một chiếc chậu cũng màu xanh. Tôi lại có sự liên hệ ngay đến lời trần tình của một người bạn đồng nghiệp, khi anh cùng mua hoa cúc với tôi:

- Chả dấu gì chị, loài hoa này với tôi thiêng liêng lắm, nó... giọng anh nghẹn lại và anh đột ngột ngưng lời:

- Thôi, khi nào có thời gian, tôi kế chị nghe!

Và rồi tôi cũng không tiện hỏi thêm anh lần nào nữa, về câu chuyện ly kỳ của những bông hoa cúc.

Nhiều khi tôi cứ hay nghĩ ngợi mông lung. Có lúc tôi xót xa rằng, sẽ vô cùng thiệt thòi cho những người sống ở các vùng có khí hậu cực đoan như các miền Cực Bắc, Cực Nam hay vùng xích đạo, sa mạc... của trái đất. Ở đó, nơi thì quanh năm chìm nghỉm trong mùa đông băng tuyết bao phủ, nơi lại đối mặt với cái nóng nung người, với mưa bão dữ dội, hay cam chịu cảnh khô hạn đói nước, gió cát mênh mông... mọi sinh hoạt bình thường sẽ ra sao! Chứ chưa nói gì đến sự thụ hưởng vẻ đẹp kiều diễm và lãng mạn của mùa xuân. Và tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc!

x Tác giả Phạm Ngọc Tâm Dung

    Hôm nay là 23 tháng Chạp, trên bầu trời của xứ ta, hiền lành và dịu dàng nhường kia, là tiếng đôi chim nhạn chiu chít gọi nhau, trong chiều xuân, như gọi về cội nguồn, hiển hiện trên bàn thờ tổ tiên, bên mâm cỗ hương khói, làm cho lòng người ta thêm ấm áp, xích lại mà gắn bó cùng nhau. Ta không quên nhắc đến những người đang xa nhà, những chiến sĩ vì dân, vì nước mà hy sinh bản thân, đang ngày đêm gồng mình trong gió sương nơi miền biên ải, hải đảo. Ta nhớ đến những gì đã qua, mơ tới một năm an vui, khởi sắc.

Sự “đáo hạn” thời gian của Ông Bà Giời thật có lý và thú vị biết bao!

Tôi ước sao cho mình biết làm thơ!

Và ngay lúc này đây, từ sâu thẳm nơi tôi, bỗng rung lên những nốt nhạc vui tươi mà tôi đã mến, đã thương từ khi còn khá trẻ, bài: “Mùa xuân đầu tiên” của cố Nhạc sĩ Văn Cao:

“Dìu dặt mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông...”

 

                                                                             Chiều 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần. PNTD

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây