P.Gs,Ts, Nhà văn Vũ Nho
Thu Lâm xuất hiện liên tục trên văn đàn những năm gần đây. Tác giả đã trình làng ba tập truyện ngắn Say nắng, Nước mắt đàn ông, Vũ điệu tình yêu, tiểu thuyết Dạ khúc, gây được tiếng vang, và bây giờ là tiểu thuyết mới Những người tôi yêu. Một bút lực sung mãn và mạnh mẽ.
Thu Lâm là cây bút chuyên viết về cuộc sống hôn nhân và gia đình. Tất cả các nhân vật của tác giả đều là những trí thức trong nước hoặc được học tập ở nước ngoài. Họ yêu nhau, lấy nhau, có cuộc sống hạnh phúc hoặc nửa đường đứt gánh, hoang mang, đau khổ kiếm tìm bến đỗ mới. Riêng tiểu thuyết Dạ khúc, cũng có chuyện tình yêu, nhưng nhà văn dành nói về chữa bệnh trẻ tự kỉ, một chủ đề còn ít người viết quan tâm.
Với Những người tôi yêu, vẫn là đề tài hôn nhân và gia đình, tuy cũ như trái đất, nhưng không bao giờ nhàm, bởi vì mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận cá nhân có một con đường riêng đi đến tình yêu, hôn nhân. Cuộc sống đời thường với bao lo toan, vất vả, nhất là trong thời kinh tế thị trường nhiều cám dỗ, nhiều áp lực, liệu tình yêu có vững bền, hạnh phúc gia đình có chắc chắn? Ngoài vấn đề cơ bản đó, trong tiểu thuyết mới này, tác giả còn muốn nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979. Thông qua nhân vật chính là Dũng, con trai liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh đó. Anh đã trở lại nơi chiến đấu của cha mình, gặp lại đồng đội cũ của ông và lấy một nắm đất nơi ông ngã xuống mang về quê đặt bên mộ mẹ.
Tiểu thuyết khá đơn giản về cốt truyện. Tất cả xoay quanh nhân mấy vật chính : Dũng – Nga, ông Đặng Lâm bà Thu Quỳnh - bố mẹ Nga; bà Lý mẹ Dũng; ông Dủng cùng vợ là bà Lụa - bố mẹ Liên.
Dũng là con liệt sĩ, gia đình nghèo. Nga là con nhà gia giáo trung lưu từ nước ngoài về. Họ học phổ thông với nhau. Dũng nghịch ngợm luôn tìm cách trêu cô bạn là Nga ngố, Nga ngọng. Tình cờ họ cùng vào Đại học báo chí. Rồi Dũng si mê Nga, tìm mọi cách chinh phục Nga. Nga từ chỗ ghét, thông cảm, thương Dũng rồi yêu và lấy Dũng. Họ có một con trai kháu khỉnh. Dũng được bạn giúp đỡ có cửa hàng ảnh. Biến cố xảy ra khi Dũng không kìm nén được bản năng, bị Nga bắt quả trang ăn vụng với người mẫu ảnh “nuy”. Nga kiên quyết li dị dù ai can ngăn cũng không được. Nga vào thành phố Hồ Chí Minh và làm lại cuộc đời với Trí Đức kém cô hai tuổi. Dũng cố níu kéo hạnh phúc đã đổ vỡ, nhưng không thành. Mẹ Dũng mất, anh lên biên giới phía Bắc tìm mộ bố. Gặp Liên, hai người “rổ rá cạp lại”. Dũng đưa Liên về Hà Nội. Một biến cố xảy ra làm Liên bị sang chấn tâm lí. Cô trở lại quê hương. Dũng cũng từ bỏ thành phố chuyển hẳn lên quê vợ. Và anh nổi tiếng nhờ nghệ thuật chụp ảnh mà anh làm từ nhỏ, lại được học hành bài bản.
Ở đây, tác giả chú trọng cặp nhân vật chính Dũng – Nga. Họ bất chấp sự chênh lệch về hoàn cảnh để đến với nhau. Dũng chăm chỉ nhanh nhẹn. Nga tháo vát, quyết đoán. Họ đã có một bé trai Tuấn Tú. Cuộc đời tưởng phơi phới đi lên. Chỉ vì sai lầm của Dũng mà tai họa đã giáng xuống. Họ “hết duyên”. Tuy vậy sự chia tay của họ là cuộc chia tay có văn hóa. Nga tôn trọng Dũng, cho phép anh thăm con. Còn gửi thuốc thang cho mẹ chồng. Khi bà mất, Nga cùng con trai từ trong Nam bay ra, lo tang ma chu đáo. Tác giả còn khắc họa cặp vợ chồng Đặng Lâm – Thu Quỳnh, những người trí thức, hiểu biết, độ lượng, tôn trọng con cái. Bà Lý, mẹ Dũng, người phụ nữ vợ liệt sĩ hi sinh cả đời vì chồng con, sống tình nghĩa với bà con khu tập thể. Ông Dủng và bà Lụa, cặp vợ chồng người cựu chiến binh ở biên giới vùng cao mến khách. Và Liên, một “bông hoa rừng” được cả dáng cả da. Có những con người chỉ xuất hiện thấp thoáng như vợ chồng Bình Minh, ông Hải - trưởng phòng văn hóa huyện ngoại thành, cô Thắm, con nuôi của bà Lý – Tất cả dù vị trí xã hội và số phận khác nhau, nhưng họ đều là những người tốt, đều đáng được mến yêu, tôn trọng. Phải chăng, vì âm hưởng chủ yếu là ngợi ca những con người đứng đắn, hiền lành, tốt bụng, nên tác giả nới đặt tên tiểu thuyết là “ Những người tôi yêu” ?
Trong tiểu thuyết mới này, ngoài chỗ mạnh là phân tích tâm lí nhân vật, những vướng mắc, những sự cố đã làm cho nhân vật đến với nhau rồi chia tay, đặc biệt là sự dằn vặt, hối hận của Dũng khi nông nổi phản ứng “cấp trên”, khi không kìm nén được bản thân, sa đà trước người mẫu chụp “nuy” ( khỏa thân) trong dáng “ Vườn Cổ tích”, sự tuyệt vọng khi không níu kéo được Nga, đã buông thả với cô em nuôi là Thắm. Ngòi bút của tác giả thể hiện sự tinh tế, sâu sắc. Việc xử lí một số pha “nóng” trong quan hệ tình dục được miêu tả một cách chừng mực, đủ thể hiện bản năng trong con người trẻ, khỏe, khao khát sống trong những tình huống si mê, cuồng nhiệt, thất vọng não nề…
Trong “ Dạ khúc” viết về một “thần đồng “ âm nhạc bị tự kỉ, tác giả đã nghiên cứu kĩ các bản nhạc của những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới. Rồi miêu tả âm nhạc đã thức tỉnh, đã làm hồi sinh và xoa dịu những trạng thái tâm lí phức tạp của người tự kỉ. Đó là những trang viết khá thành công. Trong tiểu thuyết mới này, để viết về nhân vật Dũng, một chú bé chụp ảnh dạo, qua trường báo chí, có năng khiếu nghệ sĩ về ảnh, tác giả cũng đã dùng nhiều hiểu biết về ảnh phong cảnh, ảnh chân dung, ảnh khỏa thân. Đặc biệt là khi Dũng theo xe lên tỉnh biên giới phía Bắc tìm mộ cha. Những bức ảnh được miêu tả góc chụp, ánh sáng, bố cục khá độc đáo và hấp dẫn. Nhà văn đã phân tích như một chuyên gia bình luận ảnh sành điệu:
“Cô sơn nữ đứng giữa cánh đồng hoa tam giác mạch. Những bông hoa nhỏ bé nhẹ nhàng lung linh trước gió, màu trắng tinh khôi xen màu phơn phớt tím của loài hoa làm nền cho cô gái có thân hình mềm mại với eo thon nhỏ trong bộ váy áo màu xanh chàm. Cổ áo cao hai phân để lộ chiếc cổ dài thon nhỏ với nước da trắng ngần. Chiếc vòng bạc trắng nơi ngực và vòng eo thắt dây xà tích nổi bật trên nền áo chàm như dấu ấn của thủa trinh trắng. Khuôn mặt trái xoan nghiêng nghiêng sang phải nhìn theo cánh tay mềm mại duỗi hờ, bàn tay trắng muốt búp măng đậu vào cánh hoa như muốn ngỏ lời kết bạn. Cánh tay trái buông xuôi khẽ mở dọc theo thân mình, bàn tay ngửa nhẹ nâng như đang chào đón một điều bất chợt.
Còn nữa, điều tuyệt diệu trên khuôn mặt thánh thiện, đôi môi thắm tươi hé nở nụ cười, đôi mắt nhìn xa xăm với hàng mi dàycong vút, vài sợi tóc loà xoà xuống vầng trán trắng mịn nổi bật dưới vành khăn vấn mầu đen khoanh tròn trên mái đầu duyên dáng.
Phía sau xa kia tiếp đến là một khóm tre cao um tùm tốt tươi một màu xanh mướt. Cao hơn chút nữa là một ngọn núi cao xanh thẫm vươn lên bàu trời. Bên cạnh ngọn cao nhất là những đỉnh núi thấp hơn, nhấp nhô đan xen nhau chạy dài xa tít tắp”.
Dù không sống ở miền núi nhiều, nhưng chắc chắn các chuyến tham quan, du lịch và những điều tích lũy gián tiếp qua sách vở, phim ảnh cũng làm cho những trang văn miêu tả về miền núi của tác giả sinh động, mượt mà, thấm đẫm chất thơ.
Tuy không phải là chủ đề chính, nhưng tác giả cũng muốn nhắn gửi đến bạn đọc về cuộc chiến tháng 2 năm 1979 với bọn bành trướng Bắc Kinh. Nhân dân Trung Quốc rất hữu nghị với nhân dân Việt Nam từ bao đời. Nhưng những kẻ cầm quyền chóp bu đã gây ra cuộc chiến tranh 1979 gieo bao nhiêu tang tóc cho nhân dân biên giới. Cuộc hành trình tìm mộ bố của Dũng đã nhắc lại, khắc ghi sự hi sinh dũng cảm của một trong các chiến sĩ quân đội ta, liệt sĩ Trần Mạnh Hùng. Lời dặn Dũng của ông Hạnh, bạn chiến đấu của bố Dũng, cũng là một lời dặn cho nhiều thế hệ : “ Cháu không bao giờ được quên mối thù này. Đây là cuộc chiến tranh với đầy đủ bản chất tàn ác của chúng. Bọn Tàu thực sự là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta, bản chất đó không bao giờ thay đổi. Kẻ hàng xóm hung hăng nham hiểm không bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Cháu hãy khắc cốt ghi tâm những điều đó”.
Một điều tôi muốn nói thêm là Thu Lâm rất quan tâm sửa chữa tác phẩm của mình sau khi đã xin ý kiến bạn bè. Có chỗ viết lại, cố chỗ viết thêm, có đoạn bị cắt bỏ hẳn, có đoạn đổi thoại được bổ sung thêm. Cả những câu nói tiếng Tày Nùng để thêm màu sắc địa phương cũng được cân nhắc. Một tinh thần làm việc nghiêm túc và say mê!
Cũng giống như kết thúc của tiểu thuyết “ Dạ khúc”. Tác giả kết thúc tiểu thuyết này “có hậu” như truyện cổ tích !
Huy Khôi , người học sau Dũng, từng là “fan hâm mộ” nhận ra Dũng trong cuộc trao giải ảnh nghệ thuật. Rồi nhà báo lên thăm Dũng ở nơi sơn cước mà anh định cư theo sáng kiến chuyển vùng của ông Hải. Vợ chồng Dũng Liên sống hạnh phúc, là nhân vật nổi tiếng ở huyện vùng cao.
Có thể khẳng định tiểu thuyết “ Những người tôi yêu” là một thành công mới, rất đáng ghi nhận của cây bút Thu Lâm. Bằng các tác phẩm của mình, chị đã chinh phục bạn đọc và chững chạc bước vào văn đàn không chỉ của Thủ Đô Hà Nội, mà còn là văn đàn của cả nước!
Hà Nội, 10/9/2021