Nguyễn Đại Duẫn
(Quảng Bình)
Thần Đinh - điểm đến hấp dẫn và kỳ thú
Bút ký
Mọi người đều bảo, đầu xuân đi núi Thần Đinh để cầu tài, cầu lộc. Không biết điều đó có đúng không nhưng thấy mọi người đi rất đông, hào hứng lắm. Hàng năm nơi đây thu hút rất nhiều khách đến du lịch từ nhiều nơi, có cả du khách ngoại tỉnh đến vãn cảnh. Du khách đến Chùa ngoài ngắm cảnh non xanh nước biếc còn để chiêm bái và cầu nguyện những điều may mắn, bình an với người thân của mình.
Chiếc xe bon bon đưa chúng tôi lên đường trong dòng người lũ lượt về núi Thần Đinh. Những đồi cây bạch đàn, tràm hoa vàng dần xuất hiện để lại phía sau là những ngôi nhà tầng ngói đỏ thắm như báo hiệu cho chúng tôi biết sắp đến nơi. Trước mắt chúng tôi núi Thần Đinh đang sừng sững như bức trường thành lảng bảng trong sương sớm. Từng đoàn người tứ xứ cũng đã tìm về, mua bán tấp nập, chuẩn bị các đồ dùng thiết yếu cho hành trình lên đỉnh núi.
Núi Thần Đinh thuộc xã Trường Xuân, cách đường 15A khoảng 3km về hướng Tây. Được biết, núi Thần Đinh cao 405m so với mặt nước biển. Leo lên 1.300 bậc đá mất chừng 45 phút sẽ đến chùa Non (chùa Kim Phong). Ở đây có bia đá lập vào thời Minh Mạng. Phía phải cửa chùa có giếng nước trong vắt, mát ngọt được gọi là giếng Tiên. Bên trái cách vài chục mét là động Chùa Hang. Núi Thần Đinh là ngọn núi đá tách dãi Trường Sơn ra đồng bằng ven biển nên nó dễ nhận thấy. Núi Thần Đinh là thắng cảnh tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất huyện Quảng Ninh nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Giữa muôn trùng núi đá là khu rừng nguyên sinh, nơi đây còn giữ được những vẻ đẹp hoang sơ với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Ngoài tên gọi Thần Đinh, tại địa phương ngọn núi này còn được gọi với các tên khác như núi Chùa Non hay núi Bất Nghĩa. Tương truyền rằng:”Ngày xưa trên ngọn núi Thần Đinh có ngôi chùa tên là Kim Phong Cổ Tự, người dân ở đây hay còn gọi là chùa Non. Năm 1470, khi nhà vua Lê Thánh Tông kinh lý vào phía Nam, đi qua núi Thần Đinh, thấy núi quay khác hướng so với các núi khác nên nhà vua cho lính đánh tượng trưng ở dưới chân núi trị tội bất nghĩa”. Có thể tên núi Bất Nghĩa có từ đó chăng? Không chỉ ngự trị ngay bên dòng sông Đại Giang hiền hòa mà núi Thần Đinh còn nằm trong vùng đất thiêng thường được người dân ví là: “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa Phật”.
Tôi cùng các thành viên gia đình hào hứng cất bước. Đằng sau lưng những tiếng nói cười rộn ràng bao nhiêu người thì phía trước những tiếng thở phì phò, những giọt mồ hôi đẫm hết áo của dòng người đang leo dốc, dù buổi sáng sương đang còn giăng giăng. Leo được khoảng ba trăm bậc mắt mũi như hoa lên, mồ hôi túa ra chảy dài trên gò má, cay cay nơi mi mắt. Cái áo khoác vội cởi ra. Cái chân nặng nề hơn dù không mang vác gì, trong lúc đứa cháu lăng xăng chạy, từng bốn năm bậc ngoái đầu lại: “Cố lên ông”. Càng lên cao không khí càng ôn hòa, mát mẻ. Khi ông mặt trời ló dạng, quang cảnh nơi đây trở nên mờ ảo hơn bởi những lớp sương la đà bò trên vạt áo, những tia nắng chiếu trên từng tán lá còn đọng lại những giọt sương long lanh. Dòng người đi lên đi xuống lao xao, nhường lối. Lời động viên của người đi xuống, tiếng hỏi trong hơi thở của người đi lên cứ rộn ràng như đi trẩy hội. Rồi chúng tôi cũng đến được nơi ngôi chùa cổ để làm lễ.
Núi Thần Đinh - Ảnh ST
Chùa Non xưa tọa lạc trên đỉnh núi Thần Đinh được xây dựng từ thời xa xưa. Trải qua một thời gian dài, những tác động của thiên nhiên, của chiến tranh đã làm di tích chùa Non chỉ còn sót lại một ngôi miếu nhỏ lợp mái ngói hình vảy cá nằm trên một vùng đất bằng phẳng, các bệ thờ và tường bị tróc lở vôi vữa, rêu bám xung quanh. Tại đây du khách có thể thắp hương và cầu nguyện.
Người đông, kẻ thì sắp đồ lễ, hương hoa, người bái lạy cầu lộc, cầu tài. Khói đốt vàng mã, khói hương quyện lẫn sương sớm, chui rúc vào các cành cây trong rừng rậm làm cho không khí càng ngày càng có vẻ ngột ngạt.
Khi mọi người đã hành lễ xong, tôi tách ra đi một vòng ngắm nhìn cảnh vật nơi đây. Núi Thần Đinh còn tồn tại một hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Nơi đây, nhiều loại gỗ quý như Lim, Táu, Gõ, Huỵnh, Vàng tâm… đang sinh trưởng và phát triển. Những loài cây bụi quấn quýt thân gỗ vươn lên từ cây này sang cây khác tạo nên những cánh võng đung đưa. Những loại cây nguyên thủy như quyết, tảo, thiên tuế,… xòe tán chen chúc nhau. Rừng nguyên sinh đang được bảo vệ nên cây cối tầng tầng lớp lớp xanh tươi. Tôi đến một cái hang lớn gọi là Chùa Hang. Trước hang, có động Chuông, động Trống do thạch nhũ trong động rũ xuống tạo thành, khi gõ vào âm thanh ngân lên như tiếng chuông, tiếng trống rền vang. Cửa hang hẹp, phải nghiêng người mới vào được bên trong, dùng đèn pin có thể quan sát được cảnh vật. Đó là những phiến đá như tấm phản, bên trên có nhiều hòn to nhỏ, ta cứ tưởng tượng như có hình ông Phật, ông tiên hiển hiện. Trần hang có vô số thạch nhũ rũ xuống tạo nên muôn hình vạn trạng, một kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đi xuống thêm 300 bậc thang là đến được giếng Tiên. Người cầm chai, người xách can lấy nước đông đúc. Gọi là giếng nhưng thực chất nó chỉ là một hộc đá nhỏ. Điều đặc biệt, nước ở đây không bao giờ cạn kể cả vào những năm khô hạn nhất thì giếng Tiên vẫn đầy nước. Nước trong vắt và mát lạnh. Nhiều người truyền nhau, khi ta dùng nước để rửa mặt hay uống vào sẽ mang lại nhiều may mắn. Có thể lắm nên mọi người mới chen chân lấy nước?
Tôi đi theo một lối nhỏ, men theo những hàng cây cổ thụ trèo lên gần đỉnh núi để được ngắm nhìn thỏa thích. Từ trên đỉnh nhìn xuống, phong cảnh thiên nhiên hữu tình hiện ra, có thể bao quát được vùng đất huyện Quảng Ninh. Phóng tầm mắt có thể thấy những tòa nhà tầng cao ngói mới của thị trấn Quán Hàu. Nghiêng về phía Đông là những cột điện gió với những cánh quạt khổng lồ đang cựa mình. Nhìn lùi lại là vùng đồng bằng rộng lớn có dòng sông Đại Giang đang hiền hòa xuôi dòng dưới cầu Long Đại. Dòng sông như dải lụa xanh uốn lượn quanh sườn núi tạo nên hồn quê ngọt ngào tạc nên bức tranh thủy mặc. Con đường Hồ Chí Minh như con rắn khổng lồ cùng song hành chiếc cầu đường sắt và chiếc cầu đường bộ hiện đại vắt ngang như cần cẩu nối đôi bờ Nam – Bắc. Nhìn xuống phía gần chân núi, sông Rào Trù, Rào Đá lúc ẩn, lúc hiện trong làn khói của hơi nước tỏa ra, len vào những rặng cây xanh, tạo nên khung cảnh thật tuyệt đẹp làm say đắm lòng người.
Khi ánh nắng đã xiên qua kẻ lá tạo nên những tia sáng làm cho đỉnh núi như tỏa ánh hào quang nơi chốn bồng lai của cõi tiên, Phật. Tôi cùng theo dòng người đi xuống. Càng xế, cái nắng làm cho không khí càng oi, nhưng dòng người lên xuống vẫn không ngớt .
Tuy mồ hôi còn nhễ nhại, nhưng nhịp thở cũng đã trở lại bình thường, cả gia đình ngồi nghỉ dưới tán cây cổ thụ tỏa bóng. Vừa uống nước, vừa cảm nhận về chuyến du xuân. Ai cũng tấm tắc cảnh đẹp hùng vĩ của mảnh đất thiêng Chùa Non và cùng nhau chụp hình để lưu lại cho riêng mình những khoảnh khắc tuyệt diệu được trải nghiệm nơi này. Núi Thần Đinh không chỉ là điểm du lịch gắn với các giá trị tín ngưỡng linh thiêng mà nơi đây còn địa danh ghi dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông cần được tìm hiểu?
Giữa những bộn bề của cuộc sống sinh nhai, ta được hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên như thế này làm cho ta thấy thảnh thơi, thư giản sau những ngày lao động vất vả. Đến với Chùa Non là đến với không gian lý tưởng còn gì tuyệt vời hơn. Nếu ai đã một lần đến đây thì không thể không đến lần nữa để cảm nhận hết những nét đẹp hoang sơ đầy huyền bí nơi núi non này.
Rất mong việc đầu tư, quy hoạch, trùng tu di tích Chùa Kim Phong và thắng cảnh núi Thần Đinh sớm được hoàn thành, để nhân dân huyện nhà nói riêng cũng như du khách Quảng Bình và du khách thập phương nói chung có thêm một địa chỉ văn hóa tâm linh để cùng về hành hương, chiêm bái và thưởng ngoạn. Để Thần Đinh thật sự là điểm đến hấp dẫn và kỳ thú.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên
Thơ
VỊ TƯỚNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI
(Hướng tới kỷ niệm 100 ngày sinh vị tướng Đồng Sỹ Nguyên)
Đường Trường Sơn chân Người in dấu
Cùng chúng con vang khúc hát quân hành
Nơi tuyến lửa Cổng Trời, Khe Ve, La Trọng….
Hình bóng Người còn dấu ấn thời gian.
Đồng Sỹ Nguyên -Tên Người tỏa sáng
Những cung đường, những mạch máu dọc ngang
Đường Trường Sơn con đường huyền thoại
Con đường máu xương giải phóng miền Nam.
Người ra đi - Trời Quảng Bình nức nở mưa ngàn
Khóc tiễn đưa vị tướng già trong ngậm ngùi thương nhớ
Người ra đi nhưng hình bóng Người còn đó
Trong lòng dân
Trong triệu trái tim người lính Trường Sơn!
KÝ ỨC GIÊNG HAI
Giêng hai của mẹ
Là bát canh cua đồng nấu với rau lang
Giấu dưới đáy nồi cơm ít hơn khoai sắn
Là tấm áo khê nồng giọt mồ hôi chát mặn
Là bát cơm úp phần con sau buổi tan trường
Mẹ góp nhặt từ yêu thương
Thành từng đồng học phí
Mẹ giấu giêng hai vào nụ cười
Sợ con đổi ý
Bỏ học
San bớt giêng hai.
Giêng hai của mẹ
Là bàn tay mốc meo lượm từng gộc củi
Mẹ nhen hồng bếp lửa
Con ê a ngồi nhặt từng con chữ
Nhen lên niềm ước vọng tương lai
Con lớn lên từ củ sắn củ khoai
Từ giọt mồ hôi
trong chiếc gàu múc lên
bằng những niềm tin của mẹ…
Cho con dâng lên bàn thờ mẹ một bát giêng hai
Hương gạo thơm quyện mùi mưa nắng
Nồi cơm đầy tựa hồ mây trắng
Con ngậm ngùi
Ký ức giêng hai.
RA GIÊNG
Ra Giêng anh hẹn cùng em
Về thăm quê ngoại về xem hội làng
Sân Đình khoan, hụi nhịp nhàng
Mượt mà làn điệu hò khoan quê nhà
Áo dài, nón lá thướt tha
Nồng thơm hương lúa mặn mà đồng chiêm
Giọng em trong trẻo dịu hiền
Duyên ơi cái má đồng tiền bồ quân
Chọi gà, đấu vật, múa lân
Làng quê còn đậm nét xuân ngập tràn
Cánh đu đôi lứa mơ màng
Áo hồng, quần lĩnh rộn ràng niềm vui
Môi hồng em nở nụ cười
Ánh mắt như đã gửi lời trao duyên
Vui xuân quê ngoại cùng em
Tình xuân kết mối tơ duyên mặn nồng.