Mấy cảm nhận về bài thơ Chạm vào tháng tư của Trần Kim Ngọc

Thứ hai - 08/05/2023 10:42
Anh minh họa: ST
Anh minh họa: ST

                                                               

                                                                                                        Đinh Thiên Hương

 

CHẠM VÀO THÁNG TƯ
 

Tháng tư rồi đó khúc giao mùa
Nắng nhạt luênh loang lúc giữa trưa
Rơi rớt chút xuân đầu ngọn lá
Dùng dằng hạ tới nắng như vừa
Cuối mùa hoa gạo còn vương lối
Đầu vụ loa kèn đã vội đua
Trước ngõ dập dềnh giàn hoa tím
Ngoài sân phấp phới khóm hồng thưa
Tháng tư nhè nhẹ trườn qua phố
Phố cũng nghiêng nghiêng đón chuyển mùa.

                                          Trần Kim Ngọc

  
      Đã là thi sĩ không ai không có những rung ngân, những cảm xúc trước thiên nhiên và giao hòa cùng cảnh vật. Đó là một trong những phẩm chất của hồn thơ. Chị Trần Kim Ngọc có thể được mệnh danh là tác giả của những khúc đoản ca rất hay về mùa màng và cảnh vật, nói như TS- NT Nguyễn Đình Nguộc - người viết lời giới thiệu cho tập thơ Mấy Độ Thu Vàng thì đó là " Tình thơ đầy ắp bốn mùa"

Ở bài thơ này, tôi chỉ muốn nói riêng đến tài câu chữ của nhà thơ. Đó là dùng từ láy của thi sỹ. Chao ôi, trong kho tàng từ vựng tiếng ta, nếu thiếu đi vốn liếng từ láy thì từ thuở cha ông đến chúng ta bây giờ biết lấy gì mà cảm nhận và diễn tả những thanh âm, sắc điệu, hình hài và tâm trạng... Nên nhớ, dùng từ láy không phải là biện pháp tu từ, nó là khả năng vận dụng ngôn ngữ, là lấy chất liệu từ kho tàng tự vựng toàn dân cho những ngữ cảnh cụ thể của người sáng tác. Người viết có tài là người biết dùng từ láy đúng chỗ, cao tay và diệu nghệ, hơn nữa thì góp phần sáng tạo thêm những từ láy mới, góp cho kho từ vựng cộng đồng.

Bài Chạm Vào Tháng Tư có 10 dòng thơ thì đã có tới 7 từ láy được sử dụng( nắng nhạt luênh loang, rơi rớt chút xuân, dùng dằng hạ tới, trước ngõ dập dềnh, ngoài sân phấp phới, nhè nhẹ trườn, nghiêng nghiêng đón). Có thể nói là dầy đặc những từ láy toàn phần và bộ phận( xét về cấu tạo), những từ láy tượng hình và biểu thị cảm xúc( xét về ngữ nghĩa). Trong đó từ" luênh loang" vốn ít dùng trong ngôn ngữ nhật dụng, nhưng đặt trong câu thơ" Nắng nhạt luênh loang lúc giữa trưa" thì thật là đắc địa vì gợi tả, gợi cảm. Nó rõ là cái nắng tháng tư, sau mấy tháng ròng buốt giá, gió bấc mưa phùn, giờ đến giữa trưa mới có chút nắng mới. Nó còn là nắng ốm, vừa uể oải, vừa nhạt mờ luễnh loãng, luênh loang, chưa chang chang chói gắt. Tả như thế là chuẩn xác và gợi cảm- gợi hình. Cũng như thế cuối bài thơ các từ láy" nhè nhẹ, nghiêng nghiêng" vốn rất thông thường, nhưng khi đặt nó trong hai dòng thơ kết:" Tháng tư nhè nhẹ trườn qua phố / Phố cùng nghiêng nghiêng đón chuyển mùa" thì ngôn từ, hình ảnh trở nên linh hoạt, cụng cựa sống động- hữu cảnh, hữu tình. Mùa màng-thời tiết với phố thị- nhân sinh bỗng thành một cặp tương hỗ giao cảm giao hòa, tạo ra luồng sinh khí mới, gợi sự phồn thực mà ý nhị của khúc hoan ca, hòa điệu giữa đất trời cùng con người và tạo vật. Nó thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu sự sống của một hồn thơ

Người ta nói, văn học là nghệ thuật của ngôn từ, ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học. Thứ chất liệu và công cụ ấy rất quan trọng để phân biệt văn học với các loại hình nghệ thuật khác. Từ ngôn ngữ đời thường trong kho từ vựng của cộng đồng, người nghệ sỹ phải rất công phu và tài hoa chưng cất, chọn lọc từ hàng ngàn tấn nguyên liệu để lấy vài gam uranium ngôn từ nghệ thuật nhằm để diễn tả thật chuẩn xác và gợi cảm cái bên ngoài của tạo vật vừa để biểu cảm cái tinh tế, cái vi diệu của nội tâm. Công cuộc" thôi- xao" ấy của người nghệ sỹ trên cánh đồng câu chữ thật khó nhọc tựa nông phu nhưng sướng vui bất tận bởi mùa vàng bội thu. Với cây bút Trần Kim Ngọc, tôi đã thấy: tài ngôn ngữ thể hiện được đặc điểm tư duy nghệ thuật, vừa có tính trực giác vừa có tính riêng biệt, độc đáo của chị- của một hồn thơ.

ĐTH

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây