NHỮNG LỜI NÓI THẦM ĐÁNG YÊU TỪ MỘT THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT NGỘ NGHĨNH, TRONG TRẺO

Thứ bảy - 29/04/2023 23:08
PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh:
Nhân đọc LÊN TRỜI HÁI SAO, Tập thơ thiếu nhi của Đỗ Toàn Diện - NXB Hội Nhà văn, 2023
NHỮNG LỜI NÓI THẦM ĐÁNG YÊU TỪ MỘT THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT NGỘ NGHĨNH, TRONG TRẺO
     
     Sáng tác được một tác phẩm văn học hay đã khó, viết được một tác phẩm hay cho trẻ thơ còn khó gấp nhiều lần, Đỗ Toàn Diện đã làm được điều đó với tập thơ “Lên trời hái sao” Khi viết cho trẻ thơ điều khó nhất cho mỗi tác giả là phải xây dựng được một thế giới nghệ thuật ngộ nghĩnh, đáng yêu, theo “Đôi mắt”, “Cách nói” hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ. Qua thế giới nghệ thuật có tính đặc thù ấy, những bài học giáo dục được ẩn dấu kín đáo, truyền tải nhẹ nhàng, phù hợp với trẻ thơ. Trong tập thơ “Lên trời hái sao”, tác giả đã đạt được những tiêu chí kể trên, khi mang lại cho các em một “Món quà” thơ ca thật đẹp, xúc động, giàu ý nghĩa nhân văn.
Có rất nhiều phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật đặc sắc trong tập thơ này, trong khuôn khổ một bài viết, tôi chỉ tập trung vào hai vấn đề làm mình say mê nhất mà thôi.

 1.Những bài học giáo dục nhẹ nhàng được gửi gắm trong một thế giới nghệ thuật ngộ nghĩnh, đáng yêu.
 
 Trong một thế giới được tác giả “Vẽ” bằng ngôn từ thật trong trẻo, các em thơ là nhân vật trung tâm đang ngắm nhìn thế giới, đặt ra bao câu hỏi mang “Tư duy trẻ thơ” mà người lớn không dễ trả lời. Và trả lời bằng cách nhìn, cách hiểu, cách nói của trẻ thơ mới thuyết phục được các em. Từ đó mới có thể lồng ghép những bài học giáo dục về lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, tinh thần học tập say mê… Bài thơ “Tai thỏ” đã gửi tới các em một thông điệp về lòng trung thực, không được nói dối qua các hình tượng nghệ thuật rất đáng yêu.
Một tối lên giường ngủ
Tai thỏ bỗng dài thêm
Khóc lu bù cả đêm
Tai cũng không ngắn lại (…)
… Mẹ ơi con ngờ nghệch
Nên lừa dối bạn gà
Tai mới dài thêm ra
Các em nhỏ bỗng băn khoăn: - Vì sao con Dơi lại ngủ khi treo ngược trên cành cây? Thì đây, tác giả đã trả lời trong bài thơ “Dơi con ngủ”
Em ngủ nằm giường
Dơi ngủ treo ngược
Này Dơi nhỏ ơi
Ngủ klhông nằm giường
Nếu bị chóng mặt
Làm sao tới trường?
Chỉ có trẻ thơ mới nghĩ và nói theo cách đáng yêu đến thế! Chỉ có nhà thơ nào giữ được Đôi mắt “Xanh nõn” nhìn cuộc sống mới viết được những vần thơ làm trẻ em thích thú bởi thấy mình trong đó.
Về hiện tượng đồng âm khác nghĩa của Tiếng Việt, Đỗ Toàn Diện cũng có cách lí giải thật ngộ nghĩnh. Đó là con Ngựa và Cá Ngựa trong bài “Cá ngựa”.
Con thì sống dưới nước
Con lại sống trên bờ
Cá có cùng mặt ngựa
Nhưng chẳng hí bao giờ…
Hay con chuồn chuồn và con Cá chuồn trong bài “Cá chuồn”
Cá chuồn gặp chuồn chuồn
Cả hai bên cùng liếc
Đó là bài học về ý thức gắn bó máu thịt với cội nguồn, với quê hương đất nước:
Chúng tôi loài cá hồi
Luôn nhớ về nguồn cội
(Cá Hồi kể chuyện)
Đó là bài học yêu lao động, việc làm dù lớn hay nhỏ nếu có ích đều cao quý như nhau:
Chú chim gõ kiến
Đi khắp đó đây
Chữa bệnh cho cây
Chuyên làm việc thiện
(Chim gõ kiến)
Có một cách lí giải về Trăng độc đáo, ngây thơ, chưa xuất hiện trong bất cứ thi phẩm nào:
Trăng nghịch ngợm leo núi
Trượt chân ngã sứt môi
Trở thành vầng trăng khuyết
Như diều treo lưng trời.
(Trăng sứt môi)
Còn rất nhiều ví dụ như thế trong các bài “Chị ơi em xin lỗi”; “Viên Tẩy”; “Chim cánh cụt”; “Cầu vồng”… Đỗ Toàn Diện đã “Vẽ” và lí giải thế giới theo cách của trẻ thơ và tái hiện thế giới như những bài thơ này đã/sẽ làm trẻ thơ thích thú, yêu mến, rồi tiếp nhận các bài học giáo dục một cách tự nhiên, tự nguyện nhất. Đây chính là mong muốn khó thực hiện nhất của các tác giả khi viết cho thiếu nhi.
 
   2. Hình ảnh quê hương, đất nước và con người trong cái nhìn nghệ thuật song hành hai ánh mắt trẻ thơ - người lớn!
 
Có thể tạm phân chia thế giới nghệ thuật trong tập thơ “Lên trời hái sao” làm hai phần: - Một phần dành cho các loài vật, đồ vật gần gũi thân thuộc được trẻ thơ yêu mến như: thỏ, gà, bò, cá, viên tẩy… Một phần là hình ảnh quê hương, đất nước với bao địa danh hoặc là thắng cảnh (“Cảnh đẹp SaPa”, “Hà Giang”, “Mía Kim Tân”…) hoặc là địa danh ghi dấu ấn lịch sử - văn hóa (“Viếng nghĩa trang Đồng Lộc”, “Thành nhà Hồ”….). Cùng với những bức tranh thiên nhiên và bức tranh xã hội ấy hình ảnh những con người thân thương của trẻ thơ cũng đã được khắc hoạ thật xúc động. Ở phần thứ hai này, trong cái nhìn nghệ thuật có sự giao thoa cách nhìn - cách nói vừa trẻ thơ vừa của tác giả. Vì thế, chất “Non tơ” có vơi hụt ít nhiều so với phần thứ nhất nhưng vẫn có tác dụng định hướng cho các em những giá trị thuộc về Chân Thiện Mĩ cần được bồi đắp cho thế hệ “Măng Non” này.
Đó là các bài thơ “Đẹp lớp đẹp trường”; “Kể chuyện quê em”; “Giọt mồ hôi”; “Thư viện trường em”; “Cô cũng là mẹ”; “Mùa hè thương mẹ”; “Viếng nghĩa trang Đồng Lộc”; “Tam Đảo”….
Đó là bức tranh rừng núi sống động, được khắc họa theo cảm nhận của trẻ thơ.
Suối ngàn cũng đã thức
Chim thánh thót gọi bầy
Lá rừng dang tay vẫy
Khỉ chuyền cành đu dây…
(Khúc nhạc rừng)
Trong bài thơ “Bố ở ngoài đảo xa”, hình ảnh người bố là bộ đội hiện lên thật đẹp đẽ, rắn rỏi trong đôi mắt em thơ:
Bố em là bộ đội
Canh giữ ngoài đảo xa
Hai bàn tay rám nắng
Săn chắc như cột nhà (…)
… Ngày mai bố hết phép
Bố bảo “biển gọi rồi”
Con chăm ngoan học giỏi
Bố luôn gần con thôi.
Như ở phần thứ hai này, hai bài thơ hay nhất có lẽ là bài “Lên trời hái sao” và “Mắt vườn”. Bài thơ “Lên trời hái sao” như một gạch nối kì diệu giữa hai phần của tập thơ: - Khung cảnh thiên nhiên ở nông thôn được “Cảm” và “Tả” bằng đôi mắt vừa trẻ thơ vừa người lớn, ngộ nghĩnh và đáng yêu biết bao? Tình yêu quê hương xứ sở như những giọt mưa ngọt lành chảy mát trong câu chữ.
Tiếng chim vót nhọn xuyên trời
Họ hàng cóc nhái gom lời gọi mưa
Nắng vàng rót mật xuống trưa
Sáo diều vi vút đong đưa gọi mời
Cánh diều uống gió no rồi
Bao nhiêu truyền thuyết góp lời ca dao
Chuồn chuồn uống cạn hồ ao
Cá rô nhảy hái ngàn sao ngang trời
Bẹp đầu Trê nằm nghỉ ngơi
Chày thương bạn nước mắt vơi lại đầy
Ốc sên với mảnh lại đầy trăng gầy
Ngàn sao lấp lánh đong đầy tuổi thơ
(Lên trời hái sao)
Đây là một bài thơ lục bát hay dành cho trẻ thơ, xứng đáng xuất hiện trong các sách giáo khoa dành cho cấp tiểu học.
Bài thơ hay thứ hai tôi muốn nhắc đến là bài “Mắt vườn”
Những con mắt thong thả
Từ nứa luồng bước ra
Mắt của những quả na
Quả già, mắt mở to
Quả bé, mắt ti hi
Mắt của những cây mía
Cứ tăm tắp thẳng hàng
Mắt của lũy tre làng
Thức để ru gió ngủ
Mất dứa cứ lủ khủ
Nhiều ơi.. quá là nhiều
Riêng có mỗi con diều
Là chỉ có hai mắt
Mắt giọt sương trong vắt
Long lanh thật đáng yêu.
Phải có tài quan sát tinh tế, có tình yêu thương thắm thiết dành cho trẻ thơ, cho thiên nhiên và cuộc sống quanh ta mới có thể viết được những vần thơ trong vắt như thế.
Nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã có nhiều tác phẩm thành công viết cho trẻ thơ với tập thơ “Lên trời hái sao” này, tôi vẫn bắt gặp vẹn nguyên một trái tim thi sĩ tràn dầy tình yêu thương dành cho con trẻ cho quê hương đất nước. Không có tình yêu thương ấy, không thể viết được những vần thơ trong veo, ngọt lành như thế. Bên cạnh đó, bút pháp nghệ thuật có sự đổi mới ngày một tươi xanh hơn. Mừng vui trước sự thành công tập thơ “Lên trời hái sao” của Đỗ Toàn Diện, tôi thêm tin tưởng và chờ đợi những sáng tác mới của anh dành cho lứa tuổi “Thần tiên” này./.
NĐH

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây