MÙA XUÂN TRONG TINH HOA THƠ CA MỘT THỜI
“Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim”
- Du Blly
( Tiếp theo kỳ trước)
Bài: Nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Tương Như
PHẦN II
THƠ XUÂN CỦA HÀN MẶC TỬ
XUÂN DIỆU VÀ CHẾ LAN VIÊN
III. HÀN MẶC TỬ (1912 – 1940) với MÙA XUÂN CHÍN.
Hàn Mặc Tử có 28 tuổi đời và 12 tuối làm thơ, là Thi sĩ hoạn nạn nơi trần thế, nhưng ông là một tài năng thi ca độc đáo và có sức sáng tạo mãnh liệt nhất trong phong trào Thơ mới.
Trong đoản khúc văn xuôi “THƠ”, Hàn Mặc Tử viết :
“Tôi làm thơ ?
= Nghĩa là tôi yếu đuối quá ! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật.
Và cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên.
Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi !”
Trong phong trào Thơ mới 1930 – 1945 “Vũ Hoàng Chương có dụng ý muốn say để mà làm thơ” (Hoài Thanh – “Thi nhân Việt Nam” . NXB Hà Nội – 1988- tr.324); còn Hàn Mặc Tử “điên” để làm thơ, ông có tập “Thơ điên” và sinh thời ông “đã nguyền với Chúa sẽ không bao giờ cho xuất bản Thơ điên”. Phải chăng ông e ngại độc giả khó cảm thông với nỗi lòng ông kí thác trong “Thơ điên”. Nhưng rồi ông quả quyết : “Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi.” “Tiếng lòng” của thi sĩ không gì ngăn cản nổi muôn đời vẫn là nỗi khát khao tìm đến tri âm, tri kỉ, như Bá Nha cần đến Chung Tử Kỳ. “Rượu nồng rót chén hoa hiên - Những người tư lự tìm hiền gặp nhau”. (ĐTN) . . .
Trong mùa xuân của Tổ quốc muôn đời, ta hãy đến với “tiếng lòng” của Thi sĩ hoạn nạn nơi trần thế qua kiệt tác “Mùa xuân chín”, hi vọng “THƠ là người thư ký trung thành cũa những trái tim” để xem “Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy - Như chực xuân về thổ lộ ra” trong thơ của ông (“Cô gái đồng trinh” - “Người mới, số 28-12-1940).
MÙA XUÂN CHÍN
Trong làn nắng ửng : khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi . . .
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây . . .
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây . . .
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ?
Bài thơ mở đầu bằng “làn nắng ửng” với “bóng xuân sang”, xuân dậy thì ; và kết bài với “nắng chang chang” cho ta biết xuân đã chín, đã hết thì xuân, “xuân đã cạn ngày”, xuân đã mãn. Bài thơ bốn khổ, mười sáu dòng, mới đọc tưởng đơn giản, nhưng thật ra, giống như nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, bài thơ này thật không dễ hiểu theo lôgic thông thường. Nó không đơn thuần là một bài thơ tả cảnh mùa xuân. Giữa câu này với các câu khác, giữa khổ thơ nọ với khổ thơ kia có cảm giác đứt đoạn như chẳng liên hệ gì với nhau. Muốn hiểu Hàn Mặc Tử gửi gấm tâm tình gì trong “Mùa xuân chín” phải tìm sâu trong mạch cảm xúc, trong toàn khối ý tứ, vì cái “Tôi” của ông là cái “Tôi - nội cảm”, một cái “Tôi – nội cảm” mãnh liệt khác thường như trong tuyên ngôn “THƠ” ông đã bộc bạch. Trong bài thơ “Mùa xuân chín” các hình ảnh thơ gắn kết trong một nỗi niềm đang vận động theo chiều cảm xúc.
Ba khổ thơ đầu là nỗi lòng rạo rực dậy thì xuân. Cái làn “nắng ửng” kia phải chăng là “màu má gái chưa chồng” khi “nắng ửng” và làn gió đông làm “khói mơ tan”, làm dậy xuân tình trong lòng trinh nữ ? Tác giả không dùng chữ “nắng hửng”, mà dùng chữ “nắng ửng”, vì từ này gợi lên đôi má ửng hồng của thiếu nữ dậy thì. Thiếu nữ rạo rực dậy thì “Từ khi má đỏ hây hây” (Bài thơ “Duyên muộn”). “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử bắt đầu lên mầu sắc dục. Ngay cả mái gianh chân quê khiêm nhường, đầy thương cảm phận nghèo cũng dậy lên vẻ tình tứ : “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Cái sắc “lấm tấm vàng” trên xiêm y của nàng xuân chỉ có thể lóng lánh trong cảm xúc của thi sĩ lãng mạn. Ta còn thấy “lấm tấm vàng” trong bài thơ “Ngủ với trăng” : “Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ - Đầy mình lốm đốm những hào quang”. Xuân tình mang mẻ đã nâng những cái bình dị nhất lên tầm của Cái Đẹp, và đó là đặc trưng nổi bật nhất của chủ nghĩa lãng mạn. Bạn đọc hẳn còn nhớ làn mưa xuân bình dị của Nguyễn Bính “phơi phới bay” trong lòng chớm yêu của thôn nữ, và hoa xoan tím màu nhà quê thành “lớp lớp” “vơi đầy” rạo rực trong lòng cô ? Trong “Mùa xuân chín”, người đọc bắt đầu nhận ra hình ảnh thiếu nữ mùa xuân với “tà áo biếc”, sắc màu tà áo “xanh như ngọc” như sắc màu xanh mướt ở vườn tình Vĩ Dạ buổi ban đầu trong sáng, đắm say. Thêm nữa, làn gió xuân đa tình trở nên tinh quái, ranh mãnh “sột soạt” như muốn lật giở “tà áo biếc” để . . . ? ! Hàn Mặc Tử không nói gì thêm nữa, mà chỉ lên trời cho ta thấy “Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”. Thật tinh tế cái cách ỡm ờ này ! Câu thơ bẻ làm đôi với một dấu chấm đặt ở giữa, đẩy tình xuân lên tầng cao để lan tỏa. Xuân đã có trọn hình dáng kiều diễm, đã in “bóng”, tỏa “bóng” xuân sắc xuống muôn nơi. Cỏ không phải “nằm trên mộ đợi thanh minh” mà sống động xuân tình, dào dạt thành những đợt sóng tình “gợn tới trời”. “Sóng tình dường đã xiêu xiêu – Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” (Nguyễn Du – “Truyện Kiều”). Xuân đã cất lên tình ca “Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Từ giàn thiên lí tình xuân đã dâng lên trên đồi, rồi lên “lưng chừng núi” : “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi”, và phiêu diêu “như lời của nước mây”. Con người và mùa xuân của đất trời, sông núi đã hòa ca, cùng nhau lên tiếng hát, cùng rạo rực, “hổn hển”, cùng “thầm thĩ” nhỏ to, dìu dặt cung thanh cung trầm “Với ai ngồi dưới trúc”.
Tưởng như thế đã là tột đỉnh tình xuân, tình yêu và hạnh phúc viên mãn “Nghe ra ý vị và thơ ngây . . .”, và tâm tình “Mùa xuân chín” có thể kết thúc ở cao trào này, cũng thỏa mãn độc giả quen một truyện thơ tình kết thúc có hậu.
Nhưng không, thơ của Hàn Mặc Tử xuất hiện nét đứt gẫy quen thuộc mà các nhà nghiên cứu Văn học gọi là hiện tượng “cóc nhảy”. Hàn Mặc Tử đã đi một bước rất dài trong thơ ca : ông đi từ thơ cổ điển đến đỉnh cao của thơ lãng mạn hiện đại. Trong thơ cổ điển, các bậc tiền bối thường có sự chuẩn bị thần tình cho câu chữ trước gọi câu chữ sau xuất hiện. Hàn Mặc Tử đã chuẩn bị cho “xuân chín” từ lúc “xuân xanh” ở khổ thơ thứ hai :
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
Câu thơ của Hàn Mặc Tử, khúc hát của bao cô thôn nữ đồng ca với tiếng thơ não nùng của Nguyễn Bính :
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi.
(Lỡ bước sang ngang)
Và đồng điệu với tiếng lòng lắm “lí sự” của Xuân Diệu :
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
(Vội vàng)
Cảm hứng tiếc “xuân thì” tràn ngập trong thơ lãng mạn đương thời, mà cảm hứng ấy trong Hàn Mặc Tử vẫn là riêng biệt, độc đáo. Khổ thơ thứ ba là bước “cóc nhảy” của Hàn Mặc Tử, cái bước nhảy chuyển hẳn tình điệu của bài thơ, từ rạo rực, ngất ngây khi xuân dậy thì với “làn nắng ửng”, đến xuân chín dần, và thật chín, rồi đột ngột gắt gao chuyển sang cái “nắng chang chang” trong nỗi “bâng khuâng sực nhớ” của vị “khách xa”. Thật hẫng hụt. “Mùa xuân chín” nghĩa là xuân chấm dứt để chuyển sang mùa hạ, quãng đời thanh xuân của thiếu nữ cũng chấm dứt ở đó. Không gian chuyển đổi, thời gian cũng chuyển đổi theo, từ hiện tại xuân thì bỗng lùi về quá khứ xa ngái với hoài niệm.
Bài thơ kết lại bằng một câu hỏi, không có âm vọng trả lời. Chỉ còn gánh thóc, gánh nặng cơm áo thường nhật, gánh nặng giang sơn nhà chồng đè lên vai người thiếu nữ mùa xuân nào:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ?
“Đời người ngắn tựa gang tay”, mà tuổi xuân của người con gái còn ngắn đến chừng nào: “Cái tuổi nó đuổi xuân đi”, “Cái già sồng sộc nó thì theo sau”. Không chịu nổi sự thật nghiệt ngã ấy, Hàn Mặc Tử đã muồn bỏ cả nghiệp bút mực:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ.
(Em lấy chồng)
“Em” thì hết “ước mơ”, còn thi sĩ đa tình thì hết “thơ” ! Đến Nguyễn Bính vốn “chân quê” mộc mạc cũng phải thở than cùng Hàn Mặc Tử :
Thế là tan một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng!
(Lỡ bước sang ngang)
Nguyễn Bính lấy thời điểm “Lỡ bước sang ngang” của người con gái, Hàn Mặc Tử chọn lúc “Mùa xuân chín” của thôn nữ để tiếc xuân, để buồn chung cho mọi kiếp người ngắn ngủi trên thế gian này. Đến Thơ mới nói chung, thơ của Hàn Mặc Tử nói riêng, thì quyền sống riêng tư của con người mới thật sự được đặt ra và ý thức về cái ngắn ngủi của tuổi trẻ và xuân thì mới trở nên nhức nhối trong những vần “Thơ điên”. Đó là những tiếng thơ giầu chất nhân văn đáng trân quý và giữ gìn trong Bảo tàng THƠ Việt Nam.
Hàn Mặc Tử đã tự hỏi : “Tôi làm thơ ? ”, và ông tự khẳng định : “Và cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên”. Có nhà Phê bình Văn học đã cho rằng hai bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mùa xuân chín” được đưa vào “Thơ điên” nhưng thật trong trẻo, không chút nào là “Hồn điên”cả. Khách quan, không nên hiểu thô thiển “Máu cuồng. Hồn điên” là một chứng bệnh mà là một hồn thơ vô cùng mãnh liệt của Hàn Mặc Tử. Cảm xúc mãnh liệt ở đỉnh điểm đều được coi là “điên” : sướng phát điên, “lòng cuồng điên vì nhớ” (ca từ “Hoài cảm” của Cung Tiến), giận phát điên thành ra “điên tiết”, “ba máu sáu cơn” nổi lên; điên vì tình . . . “Cái Tôi” của Hàn Mặc Tử là một cái “Tôi- nội cảm” vô cùng mãnh liệt lúc nào cũng ngây ngất yêu đời, yêu người, khát khao Cái Đẹp, hòa nhập vào muôn người để mà thương xót cho cả kiếp người.
IV. THƠ XUÂN CỦA XUÂN DIỆU (1916 – 1985)
Xuân Diệu là Thi sĩ của mùa Xuân, Tuổi trẻ và Tình yêu, với một hồn thơ luôn khát khao giao cảm với đời. Với chàng thi sĩ hào hoa này “Kể chi mùa, thời tiết với niên hoa – Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng”. Ông có bài thơ “Xuân không mùa” :
1. XUÂN KHÔNG MÙA
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm
Mấy cành xanh, năm bẩy sắc yêu yêu
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ
Xuân là lúc gió về không định trước
Đông sang lạnh, bỗng một hôm trở ngược
Mây bay đi để hở một khung trời
Thế là xuân. Ngày chỉ ấm hơi hơi
Như được nắm một bàn tay son sẻ . . .
Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa thu, khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng
Nếu lá úa trên cành bàng không rụng
Mà hoa thưa ửng máu quá ngày thường
Nếu vườn nào cây nhãn bỗng ra hương
Là xuân đó. Tôi đợi chờ chi nữa !
Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa
Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta
Khi những em gặp gỡ giữa đường qua
Ngừng mắt lại, để trao cười bỡ ngỡ.
Ấy là máu báo tin lòng sắp nở,
Thêm một phen, tuy đã mấy lần tàn
Ấy là hồn giăng rộng khắp không gian
Để đánh lưới những duyên hờ mới mẻ
Ấy những cánh chuyển trong lòng nhẹ nhẹ
Nghe xôn xao rờn rợn đến hay hay . . .
Ấy là thư hồi hộp đón trong tay
Ấy dư âm giọng nói đã lâu ngày
Một sớm tím bỗng dịu dàng đồng vọng.
Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa ?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa
Tình không tuổi và xuân không ngày tháng !
(Gửi hương cho gió - 1945)
Ba mươi bẩy câu thơ thể tám chữ chỉ để gói gọn một ý :“Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng”, “Kể chi mùa, thời tiết, với với niên hoa – Tình không tuổi và xuân không ngày tháng”. Có cần rậm lời như thế để nói một điều giản dị rằng xuân vĩnh viễn trong lòng người ? Nhưng như thế mới là Xuân Diệu. Một Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), hội tụ đầy đủ những phẩm chất của thơ mới. Ông là nhà thơ của niềm giao cảm hết mình giữa con người với con người, giữa con người với đất trời, vũ trụ và một phát hiện về niềm hạnh phúc tuyệt vời mà cuộc sống trần thế này đã ban phát cho hết thảy mọi người.
Từ trong mẫn cảm của con tim bồng bột, nồng nàn tha thiết yêu mà ông thấy “Xuân ở giữa mùa đông”, “Giữa mùa hè”, “Giữa mùa thu” . . . nghĩa là “Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta”. Khi nào ta thấy lòng vui phơi phới thì là xuân tưng bừng giữa lòng ta đó :”Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng”. Cho nên trong bài thơ có tới ba lần Xuân Diệu chỉ ra “Thế là Xuân”, “Là xuân đó”. Ông tập hợp tất cả những biến thái của thiên nhiên để trải vào các dòng thơ như những nốt nhạc trên khuông nhạc, biến nó thành bản tổng phổ của giao hưởng mùa xuân. Người đọc thấy trong “Xuân không mùa” một ít nắng, vài làn mây mỏng, mấy cành xanh, tiếng chim hót ra thơ, một khung trời, cây nhãn ra hương,, những em trao nụ cười bỡ ngỡ . . . tất cả “dịu dàng đồng vọng” “không chỉ ở mùa xuân ba tháng” mà trở thành mùa xuân vĩnh hằng nằm ngoài thời gian. Mùa xuân như thế chỉ có trong lòng người. Xuân Diệu đã lấy lòng người để chuẩn chỉ mùa xuân, chính lòng người làm nên mùa xuân. Đó là một quan điểm mỹ học, quan niệm nhân sinh rất mới mẻ, đầy chất nhân bản mà chỉ đến Xuân Diệu mới hiện hình trong thơ ca. Xuân chính là sự sống tươi trẻ, đầy say mê, nồng ấm của con người, là sản phẩm của trái tim, trí tuệ thi sĩ.
Nhưng bài thơ không hề khuôn cứng trong luận lý khô khan, cứng nhắc. Lí trí của lí trí chỉ là một sự ngu ngốc, lí trí của trái tim mới là sự sáng suốt. Tất cả những triết luận của Xuân Diệu được diễn tả bằng những hình ảnh thơ giầu chất biểu cảm, cho nên tiếng lòng phát đi từ trái tim ông đã rung động đến trái tim bạn đọc, nhất là các ban trẻ. Thơ Xuân Diệu giầu nhạc điệu, tuôn chẩy dào dạt, các ý tưởng cứ cuồn cuộn lôi cuốn nhau tuôn vào vô cùng của “Tình không tuổi và xuân không ngày tháng” đầy sức thuyết phục.
2. VỘI VÀNG
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần :
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt . . .
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa . . .
Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn ;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
_ Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
(Thơ thơ -1938)
Toàn bộ tư tưởng, cảm xúc của thi sĩ gói gọn trong hai chữ “Vội vàng” và tuôn trào cùng Mùa Xuân-Tình yêu-“Thời Trẻ của nhân gian”. Trong bài thơ, ông nhắc tới tám lần từ “Xuân”, ông nghe “khúc tình si”, rồi “say cánh bướm với tình yêu”, khát khao “no nê thanh sắc của thời tươi”. . . Khi viết bài thơ này, Xuân Diệu còn rất trẻ, mới 22 tuổi, mà “Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng”. Lúc bắt đầu ý thức được “cái tôi” “là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”, cũng là lúc nhà thơ cảm nhận sâu sắc sự hữu hạn của đời người trước sự trôi chảy của thời gian. Cảm thức thời gian đó không phải của riêng Xuân Diệu, nhưng cách ứng xử với nó mới thật là Xuân Diệu. Giống như các thi sĩ tiền bối rất nhậy cảm với sự phai tàn của cái Đẹp trước thời gian khắc nghiệt, Xuân Diệu rất lo sợ mỗi ngày trôi đi sẽ mang theo bao hương sắc của cuộc sống, mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu trên thế gian này. Thơ Xuân Diệu vì thế đau đáu một nỗi niềm muốn ôm trọn, muốn níu giữ mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu. Ông muốn chạy đua với thời gian, tự giục giã mình và tất cả mọi người “Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ”. “Vội vàng” đây có thể coi là một triết lí sống, một cách ứng xử riêng với mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu của Xuân Diệu.
Bài thơ bắt đầu bằng lời tự bạch :
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Ngay cách bộc bạch này đã cho thấy cái mới lạ của Xuân Diệu. Ước muốn làm những điều không thể hẳn đã có từ xưa nhưng “cái Tôi” chưa bao giờ trực diện bộc lộ “Tôi muốn . . . Tôi muốn . . .” như ở đây. Và cái ý muốn hết sức táo bạo, làm thay Tạo Hóa, lại có một lí do rất nên thơ :”tắt nắng”cho “màu dừng nhạt”, “buộc gió” cho “hương đừng bay đi” ! Chính Xuân Diệu cũng biết rằng “làm sao cầm giữ được mùi hương”, nhưng vẫn không nguôi ao ước, có lẽ màu sắc và hương thơm, trong cảm nhận của nhà thơ, đó là cuộc sống đang hiện hữu. Vì gắn bó với cuộc đời, hiểu được mỗi giây phút tồn tại trên đời là vô cùng quý giá mà nhà thơ nảy sinh ao ước làm vĩnh viễn những cái đẹp quá mong manh : ánh sáng và hương thơm. Bốn câu thơ ngắn gọn (5 chữ) giản dị như lời nói bình thường trở nên thật lãng mạn bởi ý tưởng độc đáo của nhà thơ.
Đoan thơ kế tiếp dường như diễn giải cho rõ hơn ý tưởng trên. Những câu thơ năm chứ dừng lại, nhường cho những dòng thơ tám chữ liền mạch chuyên chở dòng cảm xúc đang cuồn cuộn dâng trào. Đoạn thơ như những thước phim đồng hiện vẽ ra cảnh Thiên đường trần gian : nào là “ong bướm . . . tuần tháng mật”, “hoa của đồng nội xanh rì”, “lá của cành tơ phơ phất”, “yến anh . . . khúc tình si” . . . Đó là tất cả những gì đang nảy lộc đâm chồi, đang đơm hoa kết trái, là sự sống ở dạng kết tinh, rực rỡ và phồn thực. Thi nhân đã quy tụ vào thơ một cõi trần dậy xuân thì đang dào dạt nhựa sống. Không có lí gì mà con người lại không khao khát, không gắn bó với một cõi sống đẹp đẽ như vậy. Ở đây, Xuân Diệu đã đem vào thơ một quan niệm nhân sinh mới mẻ. Khác với một số nhà thơ cùng thời tìm cách lên tiên để thoát li cõi đời trần tục, Xuân Diệu tìm thấy thiên đường của mình ngay trong thế gian này. Những hình ảnh thiên nhiên tươi trẻ, những câu thơ bắt dòng liền mạch như quấn quýt vào nhau hòa nhịp với sự ạt ào tuôn chảy, thắm thiết của tình thơ. Và mạch thơ đã lôi theo nó cả những hình ảnh lạ lùng, có vẻ hơi “Tây” : “ánh sáng chớp hàng mi”, “thần Vui hằng gõ cửa”. Nhưng người đọc hình như bỏ qua điều đó, bởi họ nhận vào tâm trí mình cả một khối thống nhất, tương giao giữa màu sắc, âm thanh, ánh sáng . . . kết tụ thành một cao trào cảm xúc : “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Thơ Việt Nam chưa bao giờ có cách cảm nhận này, nó chỉ có thể là sự thăng hoa của Thơ mới : sự say đắm đến mức nhìn thiên nhiên cũng thấy rạo rực trong mình một tình yêu đôi lứa. Từ câu thơ này, có nhà nghiên cứu đã phát hiện ra quan niệm mỹ học của Xuân Diệu : lấy cái đẹp của con người làm chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên, một thứ chuẩn mực chưa bao giờ có trong thơ xưa. Người ta còn có thể thấy ở câu thơ này cả sự tình tứ và tính sắc dục, một đặc điểm của thi pháp Xuân Diệu.
Chia sẻ với mọi người cái rạo rực trong lòng mình, nhà thơ cũng đồng thời truyền cả nỗi lo âu muôn thuở của thế nhân : mùa xuân rồi sẽ qua, tuổi trẻ rồi cũng hết, con người rồi sẽ mất ! Tâm hồn quá nhậy cảm với cái hữu hạn của đời người đã khiến nhà thơ phập phồng nỗi lo sợ ngay trong khi đắm say giao hòa cùng vạn vật:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Dấu chấm câu giữa dòng thơ đã làm ngưng lại mạch cảm xúc đang ào ạt. Từ sự miêu tả say sưa, liệt kê dồn dập, đoạn thơ lắng lại, chuyển sang giọng triết luận :
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Hình ảnh đã nhường chỗ cho luận lí. Cả một thế giới muôn màu rực rỡ được phô diễn ở trên, xét theo mạch luận lí, chỉ là tạo những hình ảnh tương phản mạnh mẽ với cái lụi tàn. Sự lặp lại cấu trúc câu với các cặp tương ứng : “đương tới” – “đương qua”; “còn non” – “sẽ già”; “xuân hết” – “tôi cũng mất” . . . như muốn nhấn mạnh những điều tất yếu, có tính quy luật của tự nhiên, cái mà con người không cách gì xoay chuyển được. Và mạch triết luận lại khơi gợi nguồn cảm xúc. Càng say đắm bao nhiêu, càng tiếc nuối bấy nhiêu!
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời . . .
Nhà thơ nhận thấy một nghịch lí : thiên nhiên, mùa xuân vẫn tuần hoàn mà sự sống của mỗi con người thì một đi không trở lại. Mùa xuân có thể qua mau, nhưng mỗi năm lại có một mùa xuân mới. Còn tuổi trẻ, mùa xuân của mỗi đời người thì vô cùng ngắn ngủi và chẳng thể “hai lần thắm lại”. Con người những muốn kéo cho dài “thời trẻ của nhân gian” nhưng “lượng trời cứ chật” ! Nỗi bâng khuâng, tiếc nuối ám ảnh cái nhìn vạn vật của nhà thơ : đâu đâu cũng chỉ thấy dấu hiệu của “độ phai tàn sắp sửa”. Sự sống ở đây không còn vẻ rực rỡ xuân thì của cái nhìn trực cảm nữa mà hiện ra dưới hình thức khác, dưới sự cảm nhận mang màu triết lí :
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt . . .
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Vẫn là Xuân Diệu mới mẻ trong những cảm nhận khác biệt trong sự chuyển kênh của các giác quan để thấy “mùi thâng năm . . . rớm vị chia phôi”, “sông núi . . . than thầm”, “con gió xinh thì thào” . . . nhưng giọng thơ không còn cái náo nức như ở đoạn trên mà có gì như chùng hẳn xuống, kết lại với lời than đầy tiếc nuối : “Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa . . .”
Mạch triết luận của bài thơ vừa chấm dứt, người đọc đã bị cuốn ngay vào những cảm xúc ở đoạn tiếp theo :
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn ;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu . . .
Chữ “tôi” ở đoạn mở đầu đã rất tự nhiên chuyển thành chữ “ta” ở đoạn cuối. Dường như có sự đồng thuận mặc nhiên nào đó mà cảm xúc của “cái tôi” bỗng hòa nhập vào “cái ta” rộng mở. Nhịp thơ sau một hồi ngưng đọng lại như hối hả, gấp gáp hơn để chuyển tải cả một dòng cảm xúc say sưa, ào ạt. Những “ôm”, “riết”, “say”, “hôn”, “chếnh choáng”, “đã đầy” . . . những động thái say đắm của tình yêu đã được huy động hết mức để diễn tả tận độ cao trào cảm xúc. Và cũng chính ở đoạn cuối này, cái mới mẻ, riêng biệt của Xuân Diệu càng bộc lộ rõ hơn. Có cảm tưởng như thi nhân không chỉ giục giã “Mau đi thôi !” mà còn vội vàng hơn ai hết, hăm hở lao vào ôm ghì lấy sự sống, một sự sống “mơn mởn”, “mây đưa”, “gió lượn”, “cánh bướm”, “tình yêu” . . . lại cảnh thiên đường trần gian được tái hiện. Và cái khao khát ở đây mới thật lạ lùng, đúng là cái khao khát vô cùng lãng mạn của thi nhân : muốn thâu vào mình sắc hương, nhụy mật của cuộc đời để tận hưởng cảm giác “chếnh choáng mùi thơm”, “đã đầy ánh sáng”, “no nê thanh sắc” không chỉ bằng cái “hôn” mà còn mạnh gấp ngàn lần :
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
Muốn “cắn” vào “xuân” là một ước muốn phi lí về mặt hiện thực nhưng lại được chấp nhận trong thơ, nó cho thấy sự mãnh liệt của cảm xúc và nét độc đáo trong cách biểu hiện của nhà thơ.
V. CHẾ LAN VIÊN (1920 – 1989) với XUÂN
Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ lờn của Thi đàn hiện đai Việt Nam. Ông là một nhà thơ không yên ổn, không yên ổn trong trăn trở sáng tác của mình, mang đến cả sự không yên ổn cho Thi đàn.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chế Lan Viên ở trong nhóm các nhà thơ Bình Định, cùng Trường thơ Loạn (Thơ Điên) với Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Bích Khê . . . Lời tựa do Chế Lan Viên tự viết cho tập thơ “Điêu tàn” (1937) được coi là Tuyên ngôn của nhóm thơ ấy. Thơ Chế Lan Viên thời “Điêu tàn” là sự chối bỏ cuộc đời hiện hữu để đi tìm về thế giới siêu hình với những hình ảnh kinh dị và có xu hướng đi vào thần bí.
Trong “Điêu tàn”, Chế Lan Viên chối bỏ cuộc đời hiện hữu và chối bỏ cả mùa xuân.
XUÂN
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu;
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
-Với tôi tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau !
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng ?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang !
Ai biết hồn tôi say mộng ảo,
Ý thu góp lại cản tình xuân ?
Có một người nghèo không biết Tết,
Mang lì chiếc áo độ thu tàn !
Có đứa trẻ thơ không biết khóc,
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran !
Chao ôi ! Mong nhớ ! Ôi mong nhớ,
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
(Điêu tàn - 1937)
Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, khi nói đến Chế lan Viên và tập thơ “Điêu tàn”, ông Hoài Thanh đã phải thốt lên : “Quyển “Điêu tàn” đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Kinh dị vì “Nó dựng lên một thế giới đầy sọ dừa, xương, máu, cùng yêu ma”. (tr.199-200). Ông viết tập thơ này khi lên 17 và là học trò năm thứ 3 trường Trung học Quy Nhơn. Người cùng năm sinh với Chế Lan Viên (năm 1920) là Tố Hữu, khi đọc “Điêu tàn” đã có lời nhắn gửi :
Thi sĩ hỡi ! Đi tìm chi vơ vẩn
Trong hồn già đã chết những yêu ma ?
. . .
Hãy cắt đứt những dây đàn ca hát
Những sắc tàn vị nhạt của ngày qua
Nâng đón lấy màu xanh hương bát ngát
Của ngày mai muôn thuở với muôn hoa.
(Tháp đổ - Tháng 3-1938,
đề tặng tác giả “Điêu tàn”)
Cùng lứa tuổi thanh xuân 17, 18 mà thi hứng của họ đối nghịch biết bao ! Tố Hữu sống trong hiện tại tăm tối, đau thương của đất nước, của dân tộc mà vẫn hướng tới mùa xuân tương lai tươi sáng :
- Hỡi người bạn ! Vui lên đi ! Ất Dậu
Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công
Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông
Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng
Ai cản được những đàn chim quyết thắng
Sắp về đây tắm nắng xuân hồng ?
(Xuân đến - 1945)
Còn Chế Lan Viên lúc ấy đang sống trong Trường thơ Loạn (Thơ điên) với quan niệm : “Thi sĩ không phải là người, nó là người Mơ, người Say, người Điên”. “Người Mơ, người Say, người Điên” ấy đang sống trong cõi âm với yêu ma, không “chờ”, chẳng “đợi”, chẳng náo nức đón xuân cõi dương thế, vì “đem chi xuân lại gợi thêm sầu ?”. Chàng thi sĩ học trò 17 tuổi ấy hạ bút viết đôi câu thơ đầy khinh bạc :
- Với tôi tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau !
Với nỗi khổ đau vô biên, mà chẳng hiểu nỗi đau ấy có cội nguồn từ đâu, chàng trai tuổi hoa niên ấy muốn dựng một chiến lũy để chống lại Tạo Hóa vĩ đại, để “cản tình xuân” :
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng ?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang !
Đọc thơ “Xuân” của Chế Lan Viên, tác giả “Thi nhân Việt Nam” sửng sốt : “Ý muốn ngông cuồng, ngộ nghĩnh ? Trong cái ngộ nghĩnh, cái ngông cuồng ấy tôi còn thấy một sức mạnh phi thường. Chắn một luồng gió, chắn một dòng sông, chắn những đợt sóng hung hăng ngoài biển cả, nhưng mà “chắn nẻo xuân sang !” Sao người ta lại có thể nghĩ được như thế ?”
Chính nhà thơ cũng nhận ra rằng chiến lũy “ngông cuồng” đươc xây bằng “những lá vàng”, “muôn cánh rã” mùa thu trước chỉ là sản phẩm của “người Say” , “say mộng ảo” :
Ai biết hồn tôi say mộng ảo,
Ý thu góp lại cản tình xuân ?
Chối bỏ cuộc sống hiện hữu, chối bỏ mùa xuân sẽ rơi vào bế tắc để chết vĩnh viễn cùng mùa thu tàn, mùa thu chết :
Có một người nghèo không biết Tết,
Mang lì chiếc áo độ thu tàn !
Có đứa trẻ thơ không biết khóc,
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran !
Dù nghèo đến mấy, người Việt Nam hiền lành mình vẫn mừng xuân, đón Tết. Đến như Cụ Nguyễn Khuyến bậc Tam nguyên khi về Vườn Bùi chốn cũ chẳng may đôi mắt lòa vẫn vui đón xuân :
Tối ba mươi nghe pháo nổ đùng, ờ ờ Tết
Sáng mồng một chạm nêu cái cộc, á à xuân !
Và cụ Tú Xương dẫu nghèo vẫn vui đón Tết :
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo,
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu . .
Người dân ta có câu ví “Vui như Tết”. Hà cớ sao Chế Lan Viên “xuân lại gợi thêm sầu”, và “không biết Tết” ? Tết đến, già trẻ, gái trai đều xúng xính trong manh áo mới, cớ sao có người vẫn “Mang lì chiếc áo độ thu tản” ? Đã là trẻ thơ, bé thơ nào mà chẳng cất tiếng khóc chào đời, Bà Mụ dạy cho biết cười trong giấc ngủ thần tiên, “đứa trẻ thơ không biết khóc” là đứa trẻ không có tuổi thơ, hoặc giả là đứa trẻ không được làm người, yểu mệnh lúc chưa được sinh ra. Và kẻ “Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran !” thì đúng là tiếng cười của kẻ “Điên” vô tình, vô nghĩa. Và cái tất yếu sẽ đến với tâm trạng của “người Mơ, người Say, người Điên” đang đi vào thế giới siêu hình, thần bí ấy là nỗi cô đơn, lạc lõng:
Chao ôi ! Mong nhớ ! Ôi mong nhớ
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.
Để lí giải tâm trạng thi ca của “Điêu tàn”, gạn đục khơi trong những nhà nghiên cứu, phê bình văn học có thể nghĩ rằng nó có thể mang lại những giá trị ở chiều sâu thẳm của niềm bi thiết, nói lên nỗi đớn đau của người dân nô lệ, một khát vọng thoát khỏi vòng u hận. Nhưng e rằng nghĩ như vậy có khiên cưỡng và sa vào xã hội hóa dung tục văn chương không ? Chúng ta không nên làm Luật sư biện hộ cho những gì hiện hữu trong “Xuân” của “Điêu tàn” !
( Còn nữa )