Tọa đàm: Nguyễn Linh Khiếu: từ “Chùm mơ tiên cảm”…
Chủ nhật - 30/04/2023 10:57
Ngày 25/4/2023, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Nguyễn Linh Khiếu từ “Chùm mơ tiên cảm”. Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và triết học cùng bạn bè văn chương đã tới dự và luận bàn sôi nổi. Kỷ yếu tọa đàm cho thấy, 4 năm qua (2019 - 2022) đã có hơn 40 bài viết về thơ và trường ca của Nguyễn Linh Khiếu đã được công bố trên các báo và tạp chí. Nhavanhanoi.vn xin giới thiệu Báo cáo đề dẫn tọa đàm của nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá cùng bạn đọc.
Nguyễn Linh Khiếu: từ “Chùm mơ tiên cảm”…
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, PGS.TS Triết học, sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, hiện là Ủy viên Ban chấp hành, Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội nhà văn Hà Nội. Các giải thưởng : Giải C thơ báo Văn nghệ năm 1995, Giải A thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2010. Các tác phẩm văn chương đã xuất bản: Chùm mơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), Hoa linh (2000), Dọc sông Hồng (in chung, 2002), Sa hồng (2018), Phồn sinh (2018), Beijing - lá phong vàng (2018), Dòng thiêng (2019), Hoa linh thảo (2021). ***
1. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là một tác giả thơ có số phận, hiểu theo nghĩa ở trong hành trình thơ, xuất bản thơ, tiếp nhận thơ. Sau năm 2000, năm tập thơ Hoa Linh ra đời, người ta thấy anh thưa vắng xuất hiện, không thấy công bố thêm tập thơ nào nữa, mặc dù có in đôi chùm thưa thớt. Cũng lại thấy anh không quần tam tụ ngũ trong các chiếu thơ, sinh hoạt thơ nhiều. Có người bảo anh bận thực hành công việc của một PGS.TS ngành triết học. Có người lại bảo chắc anh đã cạn vốn. Người thiện tâm thì bảo anh đang tích lũy, đang ấp ủ để định ngày bùng nổ… Thôi thì mỗi người một ý. Ai ngờ sau khoảng 18 năm, năm 2018, anh cho ra mắt tập Phồn sinh trường ca dài hơn 13.000 đơn vị câu thơ, hơn 136 ngàn chữ, với 710 trang in khổ 16cm x 24cm. Quả là một hiện tượng chưa từng thấy… Ngay sau đó, việc phát hành tập trường ca không mấy suôn sẻ vì những lý do này khác. Thấy bảo có công lệnh này nọ gì đó. Thật ra cũng không thấy có một công văn cụ thể công khai nào bắt dừng phát hành. Rất tù mù… Cuối cùng thì sách vẫn đến với bạn đọc rộng rãi theo cái cách của nó. Chưa hết. Một vài nơi có ý định tiến hành tọa đàm khoa học về tập Trường ca này, hoặc mở rộng ra là về thơ Nguyễn Linh Khiếu nói chung, cũng vì những lý do mù mờ này khác, nên tọa đàm cũng không được diễn ra… Ấy là chưa nói đến một vụ truyền thông lùm xùm chung quanh về cái chữ “Phồn sinh” (có phải là đặc quyền đặc hiệu của Nguyễn Linh Khiếu không) cũng khiến dư luận cũng phải chú ý băn khoăn, nhưng không thấy tác giả nói gì… Tất cả những điều nói trên, tuy chưa đến nỗi gọi là cái án văn chương, nhưng nó cũng cho thấy độ phức tạp của tác phẩm Phồn sinh và của chính tác giả Nguyễn Linh Khiếu là câu chuyện có thật. Cái làm nên uy tín của một nhà thơ chủ yếu là tác phẩm. Chỉ có tác phẩm mới đóng dấu triện cho danh hiệu nhà thơ của anh ta. Cùng với Phồn sinh, Nguyễn Linh Khiếu cho ra mắt Sa hồng (2018), Beijing - lá phong vàng (2018); ngay năm sau (2019) xuất bản Dòng thiêng và năm 2021 lại thêm tập trường ca Hoa linh thảo mà độ dày cũng bằng suýt soát ½ Phồn sinh. 2. Hiện trong tay tôi có 42 bài viết, cả tiểu luận cả bài báo truyền thông về thơ Nguyễn Linh Khiếu tính từ 2019 đến 2022 do tác giả Phồn sinh sưu tập (trong số này chưa thấy các bài viết về thơ Nguyễn Linh Khiếu thời gian trước 2019). Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho biết, tập kỷ yếu (có tính lâm thời này) là một tuyển từ khoảng trên 50 bài, trong đó có gần 40 bài đã đăng trên các báo in hoặc các trang báo mạng chính thống, có địa chỉ và tư cách pháp nhân rõ ràng. Xin có một phân loại nhỏ. Nếu căn cứ vào đối tượng mà bài viết đề cập đến, có số lượng như sau: - Về tác giả Nguyễn Linh Khiếu: 10 bài - Về Trường ca Phồn sinh: 21 bài - Về Dòng thiêng: 3 bài - Về Trường ca Hoa linh thảo: 3 bài - Về Sa hồng: 2 bài. - Về Beijing - lá phong vàng: 1 bài Nếu căn cứ vào hướng tiếp cận và các vấn đề đặt ra trong bài viết, về cơ bản, chúng tôi thấy có mấy hướng tiếp cận chính: - Tiếp cận triết học - Tiếp cận văn hóa học - Tiếp cận phân tâm học - Tiếp cận thể loại thơ/trường ca, trong đó có tiếp cận ngôn ngữ thơ - Tiếp cận báo chí, truyền thông. Dưới đây là tóm tắt một số kết quả nghiên cứu chính theo hướng phân loại thứ 2 để các nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình, các cử tọa tiện theo dõi và tham góp ý kiến. Thứ nhất, trong nghiên cứu phê bình văn học (NCPBVH), tính đến thời điểm này có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, và mỗi cách tiếp cận sẽ mang đến những kết quả khác nhau; chúng không loại trừ nhau mà chỉ bổ sung cho nhau, làm giàu có cho nhau mà thôi. Tác phẩm như một văn bản tiềm năng, mỗi nhà NCPB bằng sự hiểu biết, quan niệm, thị hiếu, vốn sống, kinh nghiệm triết- mỹ và văn hóa sẽ lựa chọn cách tiếp cận riêng, từ đó đưa ra những cách đọc, cách giải mã, các kết quả riêng. Với trường hợp thơ Nguyễn Linh Khiếu, chủ yếu thông qua Phồn sinh và Hoa linh thảo, một số tác giả đọc chúng dưới nhãn quan triết học. TS. triết học Nguyễn Văn Vịnh cho rằng Phồn sinh là một diễn giải về “bản năng gốc” ở con người, trước hết là con người tác giả; là sự tiếp nhận, tổng hợp và kết tinh từ một người am hiểu triết học, có thể từ văn hóa truyền thống dân gian Việt, từ Hindu giáo, từ Phân tâm học S.Freud để biểu đạt một thứ “Phồn sinh giáo”. TS. triết học Hồ Bá Thâm, trong tiểu luận “Gợi mở một triết học Phồn sinh” bắt đầu đi từ sự phân tách các khía cạnh vấn đề triết học trong trường ca này, đã đi đến khẳng định: “Triết học phồn sinh như thế dù có phảng phất của triết học hiện sinh hay triết học đời sống hay triết lý dân gian phồn thực, hay tinh thần biện chứng - lịch sử - nhân văn nhưng nó rất khác biệt, có tính tổng tích hợp cao, nếu có thể nói như vậy, sẽ có chỗ đứng riêng trong kho tàng triết học và minh triết”; “Đam mê sáng tạo Phồn sinh về mặt thi ca, chắc Nguyễn Linh Khiếu cũng đã khai mở, gợi ý một triết học Phồn sinh, đạo học Phồn sinh theo tinh thần chủ nghĩa nhân văn mới”. Thứ hai, từ tiếp cận văn hóa học, hoặc có kết hợp với phân tâm học, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện, phân tích, khái quát một số ý tưởng thú vị. Nhà NCPB Đỗ Lai Thúy bắt đầu từ sự lý giải về cái tên Linh Khiếu/ Khiếu Linh do cha mẹ, ông ngoại đặt cho tác giả, cho đến việc hân hưởng một sinh thái nơi chốn quê hương…, sự ra đời của một loạt tập/bài thơ có yếu tố “Linh” là hoàn toàn không ngẫu nhiên; rằng trường ca Việt Nam chủ yếu mang yếu tố sử thi, đến Nguyễn Linh Khiếu mang yếu tố linh, trữ tình, đây là “một bước phát triển khác, một khúc rẽ của trường ca Việt. Và chính đây là chỗ đóng góp riêng của Nguyễn Linh Khiếu cho thơ Việt đương đại”; rằng thơ/ tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu mang “một phong cách thơ dài rộng, thơ ngây nhưng sâu sắc”; và “Triết học về sự sống của văn hóa Việt Nam nói chung và của thơ Nguyễn Linh Khiếu nói riêng sẽ hoàn chỉnh hơn nếu đối trọng với triết học về sự sống có triết học về sự chết”… Hướng tiếp cận này cũng thấy ở bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân trong tiểu luận “Tìm một la bàn giải mã thơ Nguyễn Linh Khiếu”. Ở đây, anh đưa ra mô hình “cấu trúc vận hành” thơ Nguyễn Linh Khiếu, đặc biệt ở Phồn sinh, đó là “Mô hình ấu dục - nhục dục - tri dục”, đến tri dục chính là ý chí vươn tới/ khát vọng bảo vệ/tìm kiếm giá trị sống với những giá trị cao nhất là tự do, dân chủ, sự thật. Cùng tiếp cận theo hướng này, cũng cần kể đến các tiểu luận của nhà NCPB Hoàng Thụy Anh “Phồn sinh và nguyên lý truyền sinh” và TS. Đỗ Thị Thu Thủy vơi tiểu luận: “Phồn sinh - những cơn mê mảng chữ”. Hoàng Thụy Anh phân tích và cắt nghĩa nguyên lý gốc chi phối tư duy nghệ thuật của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, thông qua sự phân rã chủ thể trữ tình, tình yêu sinh thái vĩnh hằng, hình tượng sông Hồng, tình dục để khẳng định mạnh mẽ, nồng nhiệt nguyên lý truyền sinh. Đỗ Thị Thu Thủy đi sâu vào cơ chế của giấc mơ, của những cơn mê sảng chữ đã tạo nên một trường ca mang chiều sâu của tư tưởng triết học và sự độc đáo của ngôn từ. Hướng tiếp cận Phân tâm học tập trung ở một số bài nghiên cứu của các tác giả PGS.TS Hoàng Thị Huế và Trần Thị Quỳnh Trang với các tiểu luận: “Biểu tượng đất và nước trong trường ca Phồn sinh”, “Huyền thoại về sự sống trong trường ca Phồn sinh”; Hà Linh với “Huyền thoại nước trong tập thơ Dòng thiêng của Nguyễn Linh Khiếu”. Dựa trên các khái niệm “vô thức tập thể”, “cổ mẫu”, các tiểu luận đi sâu vào cơ chế tạo sinh các hình tượng tiêu biểu trong trường ca này, từ đó khẳng định vẻ đẹp, sự độc đáo, chiều sâu của tác phẩm. Thứ ba, ở hướng tiếp cận thể loại thơ/trường ca, theo đó nghiên cứu ngôn ngữ thơ như một chủ đề nhánh hoặc độc lập, có các tác giả Lê Nam Linh với tiểu luận: “Ngôn ngữ nghệ thuật trong tập thơ Dòng thiêng”, Đỗ Thị Lan Huệ “Hoa linh thảo, một diện mạo mới trong tư duy ngôn ngữ thơ của Nguyễn Linh Khiếu”. Có tác giả hướng đến cấu trúc nghệ thuật thể loại như trong tiểu luận “Thơ Việt Nam hiện đại - dấu ấn của những đột phá về cấu trúc” của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy. Các tiểu luận này đã sử dụng thao tác thống kê, phân loại, so sánh, khái quát nên một số đặc sắc ngôn ngữ thơ trong các tác phẩm Nguyễn Linh Khiếu, khẳng định nhà thơ có một bảng từ vựng riêng, một thứ ngôn ngữ vừa có chất tươi ròng sự sống lại vừa có cả những khái niệm mang tính triết học đầy tính sáng tạo… Thứ tư, hướng tiếp cận tổng quan, phối hợp một số góc nhìn khác nhau từ thi pháp thể loại, văn hóa, diễn ngôn, tiêu biểu là tiểu luận “Nguyễn Linh Khiếu, Nếu ta có một nắm đất” của nhà NCPB Nguyễn Đức Tùng. Anh cho rằng thơ Nguyễn Linh Khiếu là “dòng thơ trữ tình mới”, “dày đặc chữ, đó là một thi pháp rậm rạp (macro), bao gồm những câu thơ tự do và thơ văn xuôi”, “sử dụng các câu thơ dài và nghệ thuật trùng điệp”, “Một trong những đặc tính của thơ Nguyễn Linh Khiếu là kết hợp giữa một mặt không ngừng tra hỏi đời sống, niềm tin, một mặt thơ là bài ca hát lên về cuộc đời, tính chuẩn mực của giá trị”, “Thơ Nguyễn Linh Khiếu tiến về minh triết (…), minh triết trữ tình”… Đây là một bài viết có tính bao quát, phát hiện và đặt ra một số vấn đề đích đáng, tinh tế, mang giá trị gợi dẫn. Không kể các bài viết truyền thông - báo chí mang tính chất ấn tượng, cảm tính, chủ yếu chỉ chỗ, giới thiệu, quảng bá góp phần lan tỏa cá tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu; nhìn chung các nghiên cứu phê bình về thơ Nguyễn Linh Khiếu đã có được một số kết quả bước đầu như trên rất đáng ghi nhận.
Một vài gợi dẫn trong Tọa đàm và không chỉ Tọa đàm Thứ nhất, thể loại trường ca của ta đã có một lịch sử khá dài và có nhiều thành tựu. Thể loại bao giờ cũng có đời sống của nó, mang tính lịch sử, không đứng yên, luôn biến đổi, tuy vẫn giữ cốt lõi của nó. Trường ca Nguyễn Linh Khiếu có những tiếp nối và khác biệt như thế nào? Thứ hai, có một thi pháp thơ Nguyễn Linh Khiếu, từ quan niệm đến thế giới nghệ thuật, đến các phương thức, phương tiện biểu hiện độc đáo; thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Linh Khiếu vừa nhất quán vừa đa dạng như thế nào? Nó vừa chụm, mang mẫu số chung lại vừa đa dạng trong biểu hiện… Thứ ba, thể thơ trong các sáng tạo của Nguyễn Linh Khiếu, có phải kết hợp giữa thơ tự do và thơ văn xuôi không? Sự kết hợp ấy diễn ra như thế nào, và hiệu quả ra sao? Thứ tư, nên triển khai thêm tiếp cận theo hướng diễn ngôn, văn hóa học văn học, xã hội học văn học, phê bình sinh thái, tiếp nhận văn học, lao động nhà văn… Tất cả những hướng tiếp cận đa dạng đó đã thấy phần nào trong một số tiểu luận của Tọa đàm này, tuy nhiên mới đang còn là những tiếng nói ban đầu. Tác phẩm văn học chỉ có thể tìm thấy được ý nghĩa đa dạng, sâu sắc và tinh tế của nó khi được tiếp nhận, được “đọc”, được đối thoại thực thụ. Chúng tôi trân trọng đón nhận các ý kiến tham gia vào cuộc Tọa đàm này. Hy vọng cuộc Tọa đàm sẽ có chất lượng chuyên môn như mong đợi!