THƠ LỤC BÁT và LỜI BÌNH

Thứ tư - 06/09/2023 19:37
Minh họa: ST
Minh họa: ST

          Cùng bạn đọc:

Câu lạc bộ Thơ lục bát Hà Nội đã được thành lập từ năm 2011, bao gồm nhiều Câu lạc bộ Thơ lục bát các quận, huyện và người yêu thơ lục bát trên địa bàn Thủ đô; có nhiều bạn thơ các tỉnh, thành phố bạn liên kết tham gia. Hội viên của CLB có nhiều người là Hội viên Hội nhà văn Hà Nội, Hội nhà văn Việt Nam.

Với tinh thần tích cực nhằm liên hiệp các CLB thơ lục bát Việt Nam, giữ gìn và phát huy giá trị đặc sắc mang tính truyền thống dân tộc của Thơ lục bát, CLB đã phát động sáng tác, tuyển in 8 tập Thơ lục bát Việt Nam, trong đó có sự góp mặt của nhiều cây bút thành danh trên cả nước; CLB còn có hàng trăm tác phẩm thơ in chung, in riêng khác, do Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép. Trong những năm vừa qua, CLB đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu thơ trên nhiều quận huyện thuộc Hà Nội và các tỉnh bạn; Tổ chức thi thơ, dựng quán thơ… có chất lượng khá tốt. Đầu năm 2023, CLB đã tổ chức thành công cuộc thi Thơ tình lục bát, có tác giả từ 24 tỉnh, thành tham dự, đã thành công tốt đẹp.

Nguyện vọng của các Hội viên CLB là không ngừng nâng cao chất lượng sáng tác Thơ lục bát, mong muốn được các nhà văn, nhà thơ cùng bạn đọc gần xa thẩm bình, góp ý xây dựng để các Hội viên được học tập, tiếp thu.

 Xin trân trọng giới thiệu Trang tlục bát của CLB Thơ lục bát Hà Nội:
  BBT

 

 

                   Ngô Nguyên Ngần (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
O ẢNH
 
Còn đò đã cập bến sông
Mà sao không thấy bóng hồng trên khoang
Bờ nghiêng vò võ hôn hoàng
Ngả màu nhum bạc tóc hàng liễu xanh
Cuộc mừng đón đợi không thành
Cảnh quen hóa lạ trói mình chặt thêm
Ngàn sao mệt mỏi trời đêm
Khuyết tròn trôi cuộc đời thêm từng ngày
Bảo rằng tại chuyển đò đầy
Chậm chân lỡ một bước gầy chửa qua
Dõi tìm về chốn xưa xa
Chỉ còn ảo ảnh vương tà áo bay
 
       Lời bình của Đỗ Nguyễn
Ngô Nguyên Ngần là thi sĩ có tài trong việc dùng Lục bát để viết thơ tình. Trong mười tập thơ của anh không ít bài thơ tình lục bát rất thành công. Bài thơ "Ảo ảnh" để lại trong lòng người đọc cảm giác xa xót nhẹ nhàng mà ám ảnh. Bờ nghiêng vò võ hôn hoàng
Ngả màu nhuộm trắng tóc hàng liễu xanh
 Tác giả không dùng đến chữ "yêu" hay chữ "tình", hoặc giả một hình ảnh tả thực nào đó về tình yêu, mà sao vẫn thấy một cảm giác bâng khuâng, một sự trống vắng đích thực của tình yêu, trong một "cuộc đợi" vô hình, vô cớ...để buồn! Lối tả mà như không tả về tình yêu, có sức khắc họa rõ nét thấm thía đến thế!
Có phải đó là một nét tài hoa của thi sĩ chăng?                                  
 
                                       Đoàn trọng Phụ
 
TẢN MẠN TÂY HỒ
 
Sâm Cầm vắng bóng từ lâu
Sóng miên man khúc nhạc sầu thuở xưa
Chuông chùa văng vẳng xa đưa
Gió lay cành liễu, - ai vừa qua đây?...
 
Một chiều thu ấy lá bay
Hương sen trong tóc ướp say tình người
Nụ hôn trao giữa mây trời
Để rồi xa vắng, để rồi…trầm ngâm…
 
Bây giờ tóc đã hoa râm
Vẫn còn vương chút hương thầm ngày xưa
Vẫn còn thương áo ướt mưa
Hồ thu, lối cũ vẫn đưa đường về…
 
 
                                   Hà Hưng (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
SÔNG TÔ
 
Sông Tô đêm vắng thở dài
Dăm chùm sao lẻ
đan cài đáy sông
Hình như Cống Mọc kén chồng
Duyên xuyên đường Láng
khiến lòng ngẩn ngơ...
Thương dòng nước biếc ngày xưa
Nhớ tay sào nối
Cập bờ thuyền trôi
Thẫn thờ nhặt ánh sao rơi
Ngàn xưa thao thức sông trôi dật dờ.
Thương cây cầu vượt mộng mơ
Cống xưa-Cầu Mới
ai giờ lãng quên?
Người về mắt thức đêm đêm
Có thương một khúc
trôi êm kiếp người.
 
 
                                   Đào Bích Chiêm
 
                                                            SẮC THU
 
Thu sang lộng lẫy sắc vàng
Để ai say đắm mơ màng sắc thu
Vàng mơ màu lá phiêu du
Trời xanh rót mật, ong vù ngỡ hoa
Đón đưa ngọn gió vườn nhà
Lá rơi rơi, sắc vàng pha chân trời
Mây đùa cùng gió rong chơi
Chiều tà nắng rọi vàng phơi mặt hồ
Rừng thu trải lá hong tơ
Nhẹ nhàng chân nhón hồn thơ lại gần
Trăng thu vàng rượi trong ngần
Giát vàng hoa lá, góc sân, mái nhà
Lạc vào cõi mộng bao la
Ơi mùa thu để hồn ta say nồng !
 
 
                         Vũ Thị Minh Thu (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
                                                              VAY
 
Hỏi vay chút nắng của trời
Chút mưa của đất, chút lời của thơ
Vay xưa - một chút ngu ngơ
Và nay - vay chút dại khờ tuổi hoa
Tình cờ mây trắng lượn qua
Vay luôn một chút cho xa hóa gần
Đôi bờ một dải sông Ngân
Ngưu Lang - Chức Nữ âm thầm đợi nhau
Vay nỗi nhớ - Vay niềm đau
Vay ân tình cũ nặng sâu trong lòng
Vay em một chút má hồng
Ngàn năm sau trả ... nợ lòng còn mang.
                               
 
 
                          Đỗ Như Trác
 
TỔ QUỐC
 
Việt Nam - Dân tộc - Đồng bào
“ Người trong một nước ” trải bao nhiêu đời
Đời thường, kiếm sống muôn nơi
Gặp cơn nguy khốn người người ghé vai
Đồng lòng chống chọi thiên tai
Đuổi quân cướp nước - gái trai anh hùng
Tình nhà nghĩa nước thuỷ chung
Dựng xây xã hội - non sông thái bình
Việt Nam độc lập - văn minh
Dân cường nước thịnh, anh linh Tiên Rồng
Địa linh sinh khí núi sông
Thiên niên tạo tán tương đồng âm dương
Luyện rèn bản lĩnh quật cường
Đập tan xâm lược Bắc phương đời đời !
Tổ Quốc trong anh, trong tôi !
 
 
 
 
 
Nguyễn Thị Điệp (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
   RƯỢU THU
                       
 Hương thu vời vợi đất  trời
Tình thu
 Như rót  rượu mời tri âm
Chén này
Trở lại tuổi xuân
Chạm thôi
Môi đã  bần thần
Lạ chưa
Chén này
Hoà giọt nắng ,mưa
Giọt thương, giọt nhớ , giọt chừa đớn  đau
Chén này
Rửa sạch như lau
Bụi đời và những  nhĩ nhàu thời gian
Rượu  thu...
Dốc cạn lại tràn...
Nồng nàn...
 Say  giữa mênh mang đất trời !

NT Đ

 

          Lời bình của Phong Thanh

 

…Có trong thơ Nguyễn Thị Điệp nhiều dòng nặng trữu suy tư, trăn trở như thế. Ẩn dụ thơ đã hoà tan vào tâm sự bộn bề kí ức, chẳng những không êm đềm, mà còn đầy tiếc nuối! Ngắt dòng lục bát tạo nhịp, như một cách tân, nhưng có lẽ, chủ ý của tác giả không nhằm để cách tân, mà để bày tỏ cảm xúc nghẹn ngào thổn thức trong con tim thiếu phụ vơi đầy trắc ẩn: “Chén này- Hoà giọt nắng mưa. Giọt thương, giọt nhớ, giọt chừa đớn đau…”

Thơ Nguyễn Thị Điệp thôi miên người đọc bằng những dòng như vậy!

                                                                       

 

                           Trần Thị Kim Phượng
 
                                                                                    CỎ DẠI
 
Không người chăm sóc yêu thương
Mà xanh suốt những nẻo đường lạ chưa?
 
Giãi dầu dông bão nắng mưa
Bám vào đất mẹ bốn mùa sinh sôi
 
Nhọc nhằn kiếp cỏ người ơi
Tìm đâu cho được một lời tri âm
 
Phũ phàng là những bàn chân
Vô tình vô cảm bao lần lại qua
 
Dập vùi tơi tả nụ hoa
Vươn từ nhàu nát để mà hồi sinh
 
Qua đêm tàn đến bình minh
Cỏ buồn cam chịu phận mình nhỏ nhoi
 
Xanh xao mắt lá nhìn trời
Gửi vào thăm thẳm đầy vơi nỗi niềm…
 

     Lời bình của Thiên Hương

     Ức Trai xưa đã từng cay đắng thốt lên “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”. Đấy là nỗi đau của một anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới, nhưng lại bị thời suy, thói tệ đẩy vào bước đường cùng, nhận thảm án vụ Lệ Chi viên…Câu thơ và những hình ảnh thơ đầy chất triết lý trên kia là hiểu xuôi. Rất đúng nghĩa, khi thấy cái đẹp thường bị dập vùi, tàn úa, chịu sự phũ phàng bởi quy luật nghiệt ngã của thời gian. Còn cái hoang dã, man dại lại nhiều khi lấn át đi mà tươi tốt tồn tại, dai dẳng.

     Nhưng nếu hiểu ngược lại và nhìn nhận, đánh giá sâu hơn ở một phương diện khác, giác độ khác, thì cỏ dại cứ gì đã xấu: “Không người chăm sóc yêu thương / Mà xanh suốt những nẻo đường lạ chưa?” Loài cây hoang dại ấy cùng vạn vật trên thế gian này, dường như đều có linh, có số phận. Cái hay và niềm xúc động từ bài thơ, là tác giả đã nhân hóa toàn phần loài cỏ dại, để nó có dáng vẻ, tính cách và thân kiếp của con người nơi dương thế. Một hệ thống dầy đặc những ngôn từ, hình ảnh đã góp phần đắc lực, giúp người cầm bút tái hiện cả một đời của cỏ dại. Cũng giãi dầu, nhọc nhằn kiếp cỏ, phũ phàng bàn chân; cũng bị vô tình vô cảm; cũng bị “Dập vùi tơi tả nụ hoa / Vươn từ nhàu nát để mà hồi sinh”.

     Thì hóa ra, kiếp cỏ phải chăng cũng là kiếp người – những kiếp người lam lũ , khốn khó nơi cõi tạm, nếu ta chịu nhìn sâu xa hơn và có những góc độ khác nhau mà đánh giá. Đừng định kiến, đổ riệt, vấy oan cho những kiếp cỏ dại “Xanh xao mắt lá nhìn trời / Gửi vào thăm thẳm đầy vơi nỗi niềm”. Thành ra, Nam Cao sống mãi khi ông khuyến nghị một cách nhìn: chao ôi, những người quanh ta, nếu ta không để ý mà tìm và hiểu, ta sẽ chẳng thấy gì cho ta thương và không thể nào thương được!

    

 

Đỗ Trung Minh (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
ĐÊM HÀNG DƯƠNG
                                        
Nhẹ thôi em, lựa bàn chân
Dưới kia  bao lớp người nằm, còn đau!
Vết đòn thù vẫn hằn sâu
                                        Vệt máu xưa
             nhuộm thẫm màu thời gian
Qua bao gió chướng mưa đan
Muộn mằn, về với hai hàng xót xa
Sương đêm nghiêng xuống nhạt nhoà
Ảo mờ giọng khấn gần xa,
                                            khẽ khàng
Lung linh những giọt nến vàng
Chắp tay vái, giữa khói nhang ân tình
                                          Người đi
               gọi dậy bình minh
                                         Lúc nằm xuống,
                      vẫn quanh mình là đêm!
Nắm tay còng xích còn nguyên
                                       Hồn người bất diệt,
                          Linh thiêng tượng đài!
Biển xanh cho tháng năm dài
Máu loang để sợi nắng mai huy hoàng!
Dẫu cho ngàn nén tâm nhang
Cũng không đi hết nẻo đường tri ân
                                          Nhẹ thôi em!
                  Lựa bàn chân
                                       Ngọn nến khuya
                 sáng nhọc nhằn bước sau
Hàng bia nhỏ, chữ phai màu
Ghi sao hết được lòng đau hỡi người!
Dẫu Ai mãi tuổi đôi mươi
Người dâng hương cõng nét đời già nua
 
Trập trùng sóng vỗ bốn mùa
Lời ru đất mẹ, còn chưa hết buồn.
 
                                Côn Đảo, tháng 6/2023
 

       Lời bình của Khánh Phú   

     Thơ văn về mảnh đất Côn Đảo linh thiêng, có giá trị văn hóa – lịch sử và cảnh quan kì vĩ vào bậc nhất nước ta, đã rất nhiều. Nhưng bài thơ “Đêm Côn Đảo” vẫn có một hướng đi riêng. Cảm xúc và cách thức diễn tả nhói vào nỗi đau tâm linh, niềm thương tiếc, kính phục và tri ân vô hạn vô hồi trước những chiến sỹ tử tù, nối nhau ngã xuống cho đất nước hòa bình; non sông tự do, độc lập.

     Nhà thơ chọn một thời gian nghệ thuật, phù hợp với tập tục viếng mộ đêm ở Côn Đảo. Thời khắc giao thoa, giao hòa âm dương ấy, trong “lung linh những ngọn nến vàng”, rất gợi một không gian tâm linh, vừa bí ẩn “ảo mờ” vừa huyền nhiệm.

     Có tới 2 lần, nhà thơ nhắc nhở: “Nhẹ thôi em, lựa bàn chân / Dưới kia bao lớp người nằm còn đau (…) / Nhẹ thôi em lựa bàn chân”. Nào biết lựa sao đây, khi mỗi mét đất nơi này vùi thây mấy tầng xương thịt tử tù, khiến cho mỗi bước ta đi, mỗi ánh mắt ta nhìn, mỗi lần bàn tay ta chạm phải, đều nhoi nhói một niềm đau. Thành kính tiếc thương và tri ân họ, vì họ là những người xuyên đêm đánh thức mặt trời và chấp nhận: “Người đi gọi dậy bình minh / Lúc nằm xuống vẫn quanh mình là đêm”. Câu thơ là cách nói mới, đa nghĩa và nhiều gợi cảm, là một trong những câu thơ - hình ảnh thơ, hay nhất cả bài.

     Bài thơ “Đêm Hàng Dương” có những suy tưởng rộng và sâu, với nhiều câu chữ thơ đa ảnh, đa tình.

 

 

                                       Chu Tiến
 
BIỂN CHIỀU NAY
                          
Cùng em ra biển chiều nay
Biển khơi nước cả chân mây xa mờ
Trùng trùng con sóng vỗ bờ
Đôi ta bơi giữa thực mơ biển chiều
Buồn vui nếm trải đã nhiều
Bao nhiêu năm với bấy nhiêu hẹn hò
Yêu nhau từ bấy đến giờ
Chiều nay mới cập được bờ biển xanh
Em ơi cùng nắm tay anh
Để ta tắm với mong manh biển trời
Mặn mòi nước biển người ơi
Tóc ngang vai của em tôi bồng bềnh
Ta bơi cùng với biển lành
Tay trong tay giữ ngày xanh của đời
Bao la với biển với trời
Cho ta say trọn một thời thanh xuân
 
 
                         Ngô Đình Ngọ
 
                                        TÔI ĐI TÌM MỘ CHÂN TÔI
 
Đường quê lõm vết chân tròn
Bao năm gót nạng đã mòn vẹt đi
Biên cương cỏ mọc xanh rì
Một chân vùi đất, nấm thì vô danh
Trường Sơn hằn bước cha anh
Máu đào, xương trắng đắp thành núi sông
Vọng Phu còn có con bồng
Lưng còng tựa bóng mẹ trông con về
Chiến chinh xao xác làng quê
Nghe tiền tuyến gọi đâu nề tử sinh
Dẫu về chẳng vẹn dáng hình
Còn hơn bao mộ bạn mình lạnh hương
Đã xa khói súng chiến trường
Mà sao vẫn nhói vết thương sẹo đời
Tôi đi tìm mộ chân tôi
Mai kia nằm xuống đủ đôi chân gầy !
 
 
Trần Kim Ngọc (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
HÌNH NHƯ ĐÃ THU
 
Hình như thu đã vừa sang
Trời xanh ngăn ngắt, nắng vàng nhẹ buông
Vườn ai quả thị thơm hương
Xe hoa khoe sắc dọc đường sớm nay
Trái na mở mắt thơ ngây
Bên nia hồng đỏ, cây cay hồng bì
Đất trời chưng cất giọt quê
Trong hương cốm mới đi về đầu ô
Trung thu trăng đã gọi mùa
Đèn lồng rực phố đu đưa chào mời
Tiếng thu như tiếng lòng tôi
Bâng khuâng xao xuyến tìm lời cho thơ
 
 
 
 
                    Trần Quang Nghị
 
                                          HOÀI NIỆM ANH EM
 
Gặp người dẫn cháu đi chơi
Má nhăn vẫn nở nụ cười thân quen
Anh ơi còn nhớ tới em?
Cái thời tuổi trẻ ? chắc quên nhau rồi?
 
Trời ơi! Tôi vẫn là tôi
Mà sao trí nhớ đã tồi lắm sao?!
Nhớ ai giọng nói ngọt ngào
Miệng cười hấp dẫn thấm vào tim tôi.
 
Trải qua sáu chúc năm trời
Về hưu tiếc mãi cái thời thành xuân
Nhớ rồi! đúng thật Thủy Vân
Cái tên mây nước trong ngần thiết tha.
 
Một thời cô giáo hiền hòa
Một thời nổi tiếng danh ca công đoàn
Đã từng em hát anh đàn
Hòa chung âm hưởng âm vang một thời.
 
Giờ đây vọng tiếng à ơi
Giọng bà ru cháu ngời ngời chứa chan
‘Cháu ơi cháu ngủ cho ngoan
Để ba mẹ cháu lo toan việc nhà.
Cháu ơi! Cháu ngủ với bà
Bà còn suy nghĩ đường xa nẻo gần’.
 
Tiếc thay cái tuổi thanh xuân
Tiếng bà tiếng cụ xa dần tiếng anh
Đâu còn giọng nói thanh thanh
Dâu con hai tiếng ‘ anh em’ ngọt ngào.
 

 

                    Nguyễn Thị Vân Nga (Hội viên Nhà văn Hà Nội)

 

THĂM LẠI ĐIỆN BIÊN

                                                           

Điện Biên thăm lại nơi này

Rưng rưng nghèn nghẹn dâng đầy lòng ta

 

Líu lo chim ríu rít ca

Trời xuân rực rỡ chan hòa nắng tươi

Hoa ban nở trắng lưng đồi

Bước chân du khách bồi hồi, lạ chưa?

 

Một vùng trận mạc năm xưa

Nghe từ lòng đất, như vừa quân reo

Bước chân rung chuyển núi đèo

Hầm ngang hào dọc, dài theo chiến trường

 

Điện Biên vang dậy núi sông

Sử hồng mãi mãi ghi công những ngày…

 

Xưa làm hồn vía giặc bay

Ngày nay vùng đất đổi thay đã nhiều

Tượng đài kỳ vĩ bao nhiêu

Ta say đứng giữa một chiều Điện Biên.

 

 

 

                                        Ngô Cẩm Thúy
 
NHỚ MẸ
 
Ngày này, thưa mẹ mỗi năm
Mâm cơm chén rượu với năm bông hồng
Nghe như chớp giật đằng đông
Khoảng trời trĩu nặng nỗi lòng quặn đau
 
Trầu xanh xanh cả trái cau
Con thèm được nhặt bã trầu mẹ ơi
Vắn dài giọt lệ đầy vơi
Mẹ giờ đã trở thành người cổ xưa
 
Còn đây  những nắng cùng mưa
Tảo tần, tất tả sớm trưa trên đường
Cả đời ngập nắng, gió , sương
Mẹ gầy nên cả khói hương cũng gầy
 
Mẹ ơi  cứ đến ngày này
Mắt nhòa …nhìn  khói hương bay lên trời

 
                                   Nguyễn Dưỡng
 
BÓNG TRE
 
Cong cành tróc đốt tre ơi
Ngậm sương cháy nắng không dời mầm măng
Bí bầu có giáo có giằng
Mà tre ưỡn ngực quanh làng chắn giông
Chiều chiều bóng ngả sang đồng
Em ngơi nón trắng đợi trông ai về
Mõ tre trâu gõ lối quê
Lá reo gọi cánh cò về đậu vai
Chắn mây tưới nước đồng khoai
Người làng héo sữa ngậm vài đêm sương
Chiều nay thôn ngõ lên phường
Tìm đâu tre hát trắng đường tắm mưa
Lưng còng uốn dáng tre xưa
Lá xòa nón mẹ bao mùa đợi con .
 
 
                 Đào Văn Liên (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
VỀ THĂM CHA MẸ CHIỀU NAY
 
Về thăm cha mẹ chiều nay
Sắc Thu nhạt nắng heo may gió cài
Bồi hồi nhớ những sớm mai
Con đi đến lớp khoe bài líu lo.
 
Nhớ xưa lối ngõ quanh co
Cơm thơm gạo mới cá kho mẹ vần
Nhớ cùng bạn thuở chân trần
Chạy trên miền đất vọng ngân sáo diều.
 
Xa quê năm tháng phiêu diêu
Khát khao tiếng mẹ mắng yêu dặn dò
Nhớ đàn em nhỏ đùa nô
Mải chơi mẹ phạt ngây ngô giãi bày.
 
Về thăm cha mẹ hôm nay
Nơi mà hai mộ tháng ngày lặng im
Chắp tay quỳ gọi con tìm
Lặng thầm trong tiếng con tim nghẹn ngào.
 
 
 
    Lời bình của Đỗ Trác
 
Một buổi chiều thu, con về thăm viếng mộ cha mẹ. Chắp tay quỳ gối
trước anh linh cha mẹ, “ con tim nghẹn ngào ” của con trào lên bao niềm thương
nỗi nhớ một thời tuổi thơ “ chân đất, đầu trần ” “ chạy trên miền đất vọng ngân
sáo diều ”. Bây giờ, sau nhiều năm tháng xa quê, xa cha mẹ, con vẫn hằng: “
Khát khao tiếng mẹ mắng yêu dặn dò ”.
Đó là hình ảnh trung tâm của bài thơ - Hình ảnh tiếng lòng con thành thực
khiến người đọc cảm động và dễ tự liên hệ với bản thân mình. Thành công của
bài thơ trước hết là khắc hoạ rõ nét hình ảnh trung tâm đó.
                                                                         
 
 
 
               Chu Bá Thanh
 
CHỢ CHIỀU
 
Mời anh bát rượu một hơi,
Chợ chiều Thắng Cố, Cổng Trời liêu xiêu.
Xoè chung ô với người yêu
Men say dìu dịu… bóng chiều dần buông…
Lửa vàng nhuộm ánh trăng suông
Vờn đôi mái tóc, thơm hương rượu nồng.
Đượm trong tí tách than hồng,
Âm vang khúc nhạc tơ lòng đắm say…
Chợ chiều, em đợi bấy nay
Mai phiên chợ chính. Chợ này dành em…
 
 
                       Nguyễn Bích Nền
 
VỚT CÂU LỤC BÁT
 
Vớt câu lục bát lên cầu
Vời trông quê mẹ một mầu non tơ
Vẫn đây khúc hát ầu ơ
Mảnh mai dáng mẹ bên bờ tre xanh
 
Vẫn đây hũ mắm vại hành
Đong mồ hôi mẹ bên vành nôi thơm
Vẫn đây mái rạ ổ rơm
Nuôi ta khôn lớn với cơm rau cà
 
Vẫn đây còng tấm lưng bà
Cõng ta lẫm chẫm đi ra đi vào
Vẫn đây vầng trán cao cao
Cha trao mơ ước khắc vào tuổi thơ
 
Tóc giờ đã điểm hoa mơ
Vớt câu lục bát… thả bờ sông quê .
 
 

                          Mai Thị Chung
 
MẸ TÔI
 
Cháo rau từng bữa nào hay
Từ bàn tay mẹ hao gày nhúm nhăn
Nóng hun quạt mát con nằm
Mồ hôi phần mẹ đẫm khăn vải cầm
Đông hàn buốt thấu mưa thâm
Tấm chăn đắp mỏng mẹ phần các con
Một đời xoay ủ vuông tròn
Con khôn lớn đổi héo hon tuổi già
Rộng thương chỉ có mẹ ta
Trả bao hiếu thảo…
Mới là…
Đủ đây
 
 
      Lời bình của Điển Nhã
 
“ Mẹ Tôi ” của Mai Thị Chung là một bài thơ về đề tài tình mẫu tử. Bài
thơ ngắn gọn, chỉ có 5 cặp lục bát. Vậy mà tác giả đã dành 9 dòng thơ để biểu
đạt tình mẹ dành cho con; dòng thơ kết bài thơ là câu hỏi về đạo đức làm con,
bổn phận làm con báo hiếu mẹ cha. Logic ý - tình khá phù hợp với cảm hứng
tiếp nhận của độc giả khiến độc giả dễ đồng tình. Chín dòng thơ về tình mẹ dành
cho con xoay quanh công lao dưỡng dục của mẹ, chủ yếu là những hy sinh, chịu
đựng mà mẹ tự nguyện chấp nhận để con được no, ấm lớn khôn. Cách biểu đạt
tự nhiên; từ ngữ, hình ảnh thơ dung dị mà người đọc vẫn cảm nhận rõ tình mẹ
được nâng tầm kích cỡ trong các phạm vi không gian, thời gian: từ “ cháo rau
từng bữa ”, đến “ Nóng hun ”, đến “ Đông hàn ”. Trong mỗi hoàn cảnh ấy, mẹ
đều có cách chăm lo chu đáo tròn đầy cho con. Bởi vậy câu thơ:
 
Một đời xoay ủ vuông tròn
Con khôn lớn đổi héo hon tuổi già
 
Chính là một cách nhìn nhận, đánh giá tình mẹ, công lao của mẹ thật thấm
thía mà rất riêng của Mai Thị Chung. Đó cũng là cơ sở tư tưởng, tình cảm dẫn
đến câu hỏi kết bài. Và đó cũng là câu hỏi tác giả đặt ra cho tất cả chúng ta về
đạo làm con - đạo làm người.
Đọc bài thơ, tôi cứ nghĩ, khi viết bài thơ này tác giả đã, đang là một người
mẹ. Và nếu đúng thế thì bài thơ còn có ý nghĩa là sự tự ý thức về bổn phận làm
mẹ, đạo làm mẹ của lớp những người kế tục thiên chức những thế hệ trước để
viết tiếp những trang truyền thống phụ nữ Việt Nam.
 
 
                   Nguyễn Việt Hằng (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
KÝ ỨC THÁNG BA
 
Lúa xanh mơn mởn đồng làng
Gió từ đâu cứ lang thang vỗ về
Mộc Miên* rắc đỏ triền đê
Con đường xưa ấy miền quê một thời
Đừng về người ở, người ơi
Câu dân ca ấy cứ vời vợi xanh
Thoảng thơm hương bưởi, hương chanh
Gói vào kỷ niệm theo anh lên đường
Dùng dằng lọn tóc còn vương
Áo nâu bịn rịn dặm trường theo nhau…
Quê hương vẫn đó nhịp cầu
Thời gian nay đã bạc màu thời gian
Người thì nay đã sang ngang
Còn tôi , tôi vẫn mơ màng…
Tháng ba
 
Chú thích : Mộc Miên: Hoa Gạo
 
 
 
                      Hoàng Kim Liên
 
SÓC SƠN QUÊ TÔI
 
Mời người trở lại quê tôi
Cùng lên thăm đỉnh Núi Đôi ngày nào
Chuyện tình du kích ngọt ngào
Chưa tròn nhưng mãi đi vào thơ ca .
 
Xa xa những bụi đằng ngà
Dấu chân Thánh Gióng xông pha lưu truyền
Xưa dòng Như nguyệt hịch tuyên
Lời thiêng núi Sóc vẳng nguyên bao đời.
 
Quê hương luộn rộn tiếng cười
Nông thôn đổi mới nơi nơi vui mừng
Làng là phố… đẹp vô cùng
Những khu công nghiệp không ngừng mở mang.
 
Đường quê mở rộng thênh thang
Quê hương đổi mới … ngỡ ngàng bạn xa.
 
 
                             Nguyễn Khoái (Hội viên Nhà văn Hà Nội)
 
CỦ CHI
 
Theo em xuống một đường hầm
Tối như đặc quánh
Thì thầm gọi đi
Hầm ngang, hầm dọc chữ chi
Hầm nào đưa tiễn người đi, không về
Những làng hầm nối liền kề
Ai người xưa trẻ đã về xa xăm
Còn đây là bếp Hoàng Cầm
Khói là là sát vách hầm mà tan
Cứ thậm thịch, cứ ríu ran
Lớp vừa tan học, cười vang cuối hào
Bỗng nghe tăng rú, bom gào
Tầng đời
Tầng đất máu trào, xương tan
Ơi miền đất đỏ ba zan
Cứ nguyên sinh thuở hồng hoang cánh rừng
Vai tròn, cây súng ngập ngừng
Mặt trời trong đất
Bập bùng Củ Chi
 
 
 
                         Nguyễn Hữu Quách
 
ĐỒNG ĐỘI TÔI
 
Sư đoàn còn mấy nữa đâu
Tóc xanh nay đã trắng phau cả rồi
Lòng còn đau đáu bạn ơi
Trường Sơn bom đạn một thời bên nhau
Chiến tranh nay đã qua lâu
Thời gian lắng mãi nỗi đau nghĩa tình
Nhớ bao đồng đội hy sinh
Ngẫm thời bom đạn chúng mình vận may
Khải hoàn lính trận chia tay
Thương người nằm lại nơi này cỏ hoa
Bạn về đồng ruộng quê nhà
Lúa ngô khoai sắn thật thà nông dân
Mưu sinh muôn nẻo xa gần
Quê hương đất nước xoay vần dựng xây
Mừng vui xum họp hôm nay
Vẹn nguyên kỷ niệm tháng ngày bên nhau
Nắng mưa áo lính phai mầu
Nghĩa tình đồng đội trước sau vẹn toàn
 

    Lời bình của Đỗ Như Trác

Là một cựu chiến binh từng trải qua 5 - 6 “ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ”; Vào chiến trường trực tiếp cầm súng chiến đấu cho đến ngày Giải phóng Việt Nam,… nay được đọc bài thơ của Nguyễn Hữu Quách, tôi hình dung ngay ra cảnh tượng những người lính cùng sư đoàn năm xưa, có cơ hội gặp nhau cùng nhau ôn lại “ một thời bên nhau ” trong chiến tranh bom đạn, càng thăm hỏi nhau cuộc sống hiện tại của mỗi người. Có bao nhiêu để nói… Nhưng nói gì thì nói họ đã không bao giờ quên nhắc tới những đồng đội còn “ nằm lại nơi cỏ hoa ” nào đó mãi mãi không về: “ Thời gian lắng mãi nỗi đau nghĩa tình ”. Với người lính, “ Nghĩa tình đồng đội ” là tất cả, là trên hết. Đúng như Nguyễn Hữu Quách đã khẳng định:

“ Nắng mưa áo lính phai màu
Nghĩa tình đồng đội trước sau vẹn toàn ”.
Vậy là đủ rồi! Thiết nghĩ không cần nói gì thêm. “ Đồng đội tôi ” vốn là những
 người không thích nhiều lời.
                                                                                   

 

 

                        Nguyễn Đình Khảo
 
VU LAN NHỚ MẸ
 
Hàng cây lá thả nhẹ  đưa
Có nghe tiếng chạm thu vừa chợt reo
Mẹ ru xưa mái tranh nghèo
Nuôi con khôn lớn vuợt đèo hành quân .
 
Vu lan báo hiếu mỗi lần
Cài bông hồng trắng Mẫu -Thân thấu lòng
Lục bình hoa huệ thong dong
Chân nhang thấu nẻo cong cong ...ngõ trời .
 
"Nhân sinh sống một kiếp người "
Âm dương cách biệt ,còn lời Mẹ ru
À ơi ...cái lẽ nhân từ
"Rách thơm ,lành sạch " chân tu đường đời
 
Đồng xa cấy lúa cõng trời
Nâu sòng áo vá nụ cười chắt chiu
Khoai bùi ,sắn ngọt ,tép diu
Gừng cay muối mặn nâng niu chữ tòng
 
Đêm trăng tát nuớc gầu sòng
Khi mùa  giáp hạt mót đồng hạt rơi
Móc cua bắt ốc Mẹ ơi
Thơm mùi rơm rạ dâng đời huơng quê
 
Thu gầy ngóng Mẹ chân đê
Hanh hao cái nắng tái tê ...vỡ oà !
 
Ngày 17/08/2023 .
 
     Lời bình của Như Đỗ
 
Mấy lần đọc “ Vu Lan nhớ mẹ ” của Nguyễn Đình Khảo không rõ vì sao
trước mắt tôi cứ hiển hiện hình ảnh hai người mẹ: một người mẹ tư tưởng, tình
cảm và một người mẹ chân quê, lao động tảo tần. Người mẹ tư tưởng, tình cảm
là người đại diện cho lớp những người phụ nữ xưa tiếp thu nền giáo lý: tứ đức,
tam tòng. Hơn thế, người mẹ của Nguyễn Đình Khảo còn là người mẹ Việt Nam
tiếp nối truyền thống dân tộc: “ Gừng cay muối mặn nâng niu chữ tòng ”. Đó là
nhận thức tư tưởng hay triết lý sống của mẹ ? Trong nỗi nhớ mẹ, tác giả gọi đó
là: “ Nhân sinh sống một kiếp người ”. Tư tưởng ấy thấm vào mẹ biến thành sức
mạnh, thành tình yêu thương giúp mẹ vượt lên những gian khó trong cuộc sống
lao động kiếm sống, nuôi con. Hình ảnh người mẹ lao động “ nâu sòng áo vá ”
đi cấy lúa “ cõng trời ” là một hình ảnh đẹp, hiếm thấy trong văn thơ đương đại.
Hai người mẹ ấy quyện trong nỗi nhớ của nhà thơ trong tiết Vu Lan tháng Bảy.
Có thể xem bài thơ như mâm lễ, như nén tâm nhang báo hiếu của tác giả - người
con kính dâng lên mẹ ! Cảm động biết chừng nào.
                                                                                   
 
 
                    Nguyễn Phú Hải
 
THẦY GIÁO GIÀ VÀ HỌC TRÒ XƯA
 
Lẽ thường: Già phải về hưu
Sâu trong tâm tưởng vẫn lưu luyến trường
Dẫu là về với đời thường
Không vương bụi phấn vẫn thương yêu trò.
 
Bốn mươi năm chẳng so đo
Chắt chiu trí thức chăm lo trồng người
Trò bao thế hệ vào đời
Trưởng thành trở lại thăm người thầy xưa.
 
Thầy trò óc bạc nắng mưa
Cùng ôn chuyện cũ như vừa mới qua
Trò kính cẩn dâng tặng hoa
Thầy vui đón nhận món quà tri ân.
 
 

              Phong Thanh (Hội viên Nhà văn Hà Nội)

THẢN NHIÊN VẠT CỎ

(Đọc bài thơ Nàng Xuân của Nhà thơ Ngô Nguyên Ngần)

Trong hàng trăm tác phẩm thơ của Nhà thơ Ngô Nguyên Ngần, người đọc có thể nhận ra một phong cách nghệ thuật đã định hình và rất thống nhất, đó là sự dung dị, gần gũi và tự nhiên, như hơi thở của cuộc sống, như nhịp đập của con tim và như cặp cánh của bầy chim tung bay giữa trời xanh, về viễn xứ.

Trong số đó,  “Nàng Xuân”  không phải là bài thơ dài, thậm chí chỉ như một cánh hoa nhỏ, dễ bị lãng quên, nhưng khi đọc, nó để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc:
Nàng Xuân
Thản nhiên vạt cỏ xanh mềm
Nàng Xuân bẽn lẽn bên thềm vừa sang
Đào bông sắc thắm rộn ràng
Gót hài lãng đãng mơ màng cùng xuân
 
Ở đoản thi với bốn dòng lục bát này, ba dòng đầu dành để tả xuân. Chữ “Nàng Xuân” ở dòng thứ hai không phải để chỉ người mà là chỉ mùa. Bài thơ không xuất hiện các nghệ thuật ngôn từ thường thấy trong thi ca như lối ví von, lối điệp ngữ, lối ẩn dụ… Hình tượng thơ, chữ nghĩa giản dị đến thành thật, không hề thấy cao đàm khoát luận. Lời thơ nhẹ nhàng như tiếng nói thầm thì, chỉ dành cho riêng mình, một mình. Đọc lần đầu, dễ có cảm nhận đây chỉ là mấy câu thơ vui, thấy gì viết vậy. Thật ra, thi ca không chấp nhận sự sơ sài, nhạt nhẽo, không chấp nhận sự hờ hững, vô tình.

Đây là một biểu đạt thơ độc đáo, vừa tao nhã lại vừa sâu sắc.

Khi tả Xuân, người ta hay nói đến nụ, đến hoa, đến hương sắc của thời khắc mở đầu cho năm mới. Ở đây tác giả gửi đến ta “vạt cỏ xanh mềm” ? Nguyễn Trãi có câu thơ  “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi”, ngoài ý nghĩa nhân tình thế thái xót xa của thời “Lệ Chi viên”, còn là một triết lý sâu xa về sự sinh tồn, trường tồn. Hoa đẹp, đương nhiên, ai cũng thấy. Nhưng không phải ai cũng thấy vẻ đẹp của “vạt cỏ xanh mềm”. Với vẻ đẹp của cỏ, Nguyễn Du đã từng thốt lên: “Cỏ non xanh rợn chân trời” (Truyện Kiều).

 Hoa nở có mùa, còn cỏ thì bất chấp mùa, bất chấp thổ nhưỡng, sống mạnh mẽ quanh năm. Sự sinh sôi nẩy nở của cỏ khiến chúng ta kinh ngạc. Một tướng giỏi của ta, trước pháp trường quân thù, từng nói: “Bao giờ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây!”.  Đó là sức sống quật cường của cả một dân tộc. Vì thế, nói đến Xuân, tác giả cho ta một cảm nhận rất mới, rất lạ. Đó là cảm nhận về sức sống và vẻ đẹp tự nhiên của “vạt cỏ xanh mềm”, tạo ra một cảm giác tự tại và một nội lực căng tràn. Chú ý rằng trong Nàng Xuân, “cỏ  xanh mềm” là loại cỏ mới nhú, non tơ, trẻ trung rất gợi cảm.  Phải chăng, thi sỹ muốn nói đến nhựa xuân, một sức sống tiềm tàng, rạo rực mãnh liệt, cội nguồn của tình yêu đôi lứa!

Tả xuân, người ta thường nói đến môi hồng, mắt biếc, tiếng cười giọng nói, lời chúc tụng râm ran…Còn ở đây “Nàng Xuân bẽn lẽn” với “gót hài lãng đãng mơ màng”?  Hình như có một cõi xuân riêng trong một mùa xuân đầy hương sắc? Tác giả đã khéo léo tả xuân đúng với hồn cốt của nét đẹp ban mai: “Nàng Xuân bẽn lẽn bên thềm vừa sang”. Nét đẹp ấy ẩn sâu trong duyên dáng, thùy mị, trong cảm giác mới mẻ, e lệ “bên thềm vừa sang”. Đây là phút thanh bình đầu tiên sau cuộc giao mùa dữ dội giữa tiết Đông tê tái trụi trơ với tiết Xuân rạo rực động cựa nơi chồi non, nụ biếc, giục giã sinh sôi. Tác giả đã mượn nét đẹp thiếu nữ, vẻ e ấp thơ ngây, thẹn thùng bẽn lẽn để tả hồn xuân phút ban đầu, thật tinh tế và thú vị.

 Hình tượng Xuân ở đây không mới. “ Nàng Xuân”, hay “Nàng Thơ” vẫn thường được mượn một vẻ đẹp thiếu nữ  để tả sự thanh khiết, tao nhã nhằm hướng tới một cái đẹp hoàn mĩ theo cách ngưỡng vọng. Nhưng ở dòng thơ cuối, nét đẹp thiếu nữ ấy lại được đặc tả bằng Gót hài lãng đãng mơ màng. “Gót hài” là một hình ảnh tuy ước lệ nhưng đã xuất hiện một thiếu nữ thực thụ.

 Dòng  thơ liền trên ta bắt gặp “Đào bông sắc thắm rộn ràng”. Tả xuân thì phải có đào, mai, dĩ nhiên rồi, đây cũng là một ước lệ. Nhưng có liên hệ gì không, giữa “Đào bông” và “Gót hài”. Trong hình ảnh ước lệ tả người đẹp, người ta thường dùng hình ảnh gót hoa, gót sen, thậm chí gót tiên. Lối trùng ngẫu được dùng ở đây kéo sát hình tượng Nàng Xuân – Người Xuân với mùa xuân thiên tạo.  Các từ trạng thái “lãng đãng mơ màng” gợi nhớ tiết Thanh minh năm nào, khi Thúy Kiều lạc giữa “Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”, lúc “dập dìu tài tử giai nhân” và là lúc nàng nhận ra “người trong mơ” Kim Trọng!

 Hình tượng thơ vì thế sinh động và rất gợi cảm.

Đọc Nàng Xuân và suy ngẫm, càng thấy một bút pháp thơ tinh tế, đạt đến độ nhuần nhị trong cách sử dụng vần điệu câu từ, trả thơ về với sự giản dị, thuần khiết, nhẹ nhàng dễ thấm sâu vào lòng người.

Và, chúng ta lại gặp ở đây một hồn thơ thư thái, an bình tựa “thản nhiên vạt cỏ”.

 

  Thanh minh Tân Sửu 2021
    P.T

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây