TUYỂN THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM - Tập 9, TRONG NGÀY VUI LỚN

Thứ hai - 19/08/2024 09:20
TUYỂN THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM - Tập 9, TRONG NGÀY VUI LỚN



Nhà phê bình văn học Đinh Thiên Hương

         Trải hàng thập kỉ, tuyển “Thơ Lục bát Việt Nam”, kể cả khi dịch giã ngút trời, vẫn cứ đều đặn 2, 3 năm một lần, lại có thêm đứa con tinh thần mới. Đến nay là tuyển tập thứ 9, ra đời trong niềm vui lớn. Nó như dấu mốc sang trang, cho phiên bản mới.

   Vì rằng từ nay, việc ra tuyển thơ này cùng lúc có sự đồng hành, sự trợ sức của Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội và Hội Kiều học Việt Nam, thông qua Liên hiệp các Câu lạc bộ thơ Lục bát Việt Nam, với đại diện của nhiều tỉnh thành, vùng miền trong cả nước. Điều đó chứng tỏ không gian sinh tồn của thể thơ lục bát luôn luôn trong phạm vi quốc gia. Nó trở thành lời để nói, điệu để ngâm, ca từ để hát; khiến cho trái tim tìm gặp trái tim, tiếng lòng giao cảm với tiếng lòng. Nó là mạch chảy có sức sống bất tận, góp phần làm nên bản sắc thể loại, bản sắc văn hóa thuần Việt, được nhân dân cả nước trải bao đời gìn giữ và phát triển. Những người làm thơ Lục bát bấy lâu nay vẫn ao ước có một tổ chức đầy đủ tính pháp lý và có uy tín đứng ra tập hợp lực lượng để nghiên cứu, sáng tạo, bảo tồn và phát huy, để thể loại thơ ca này trở thành quốc thi và có thể tiến xa hơn nữa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, như một số quốc gia khác từng có những thể loại văn học được công nhận như thế. Có như thế, đỉnh cao Truyện Kiều của đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du càng chói sáng! Cho nên việc Liên hiệp các CLB Thơ Lục bát Việt Nam ra đời, trực thuộc Hội Kiều học Việt Nam, không chỉ có thêm một tổ chức chỉ đạo và bảo trợ, mà còn thể hiện một tầm nhìn chiến lược hữu lý, nhân duyên và hữu tình.

   Có phải vì thế mà Liên hiệp vừa mới ra đời, tuyển tập thơ Lục bát Việt Nam tập 9 này, lãnh thêm một trách nhiệm, một vinh dự lớn, là món quà rất ý nghĩa chào mừng Đại hội lần thứ III Hội Kiều học VN, khóa 2023 – 2028. Với tính chất và yêu cầu ấy mà bố cục của Tuyển tập thơ Lục bát VN tập 9 cũng có 2 phần, vừa tách bạch vừa đan xen.

   Trước hết tuyển tập có nhiều tác phẩm dành viết về Nguyễn Du và Truyên Kiều.

   Trong đó mở đầu tuyển tập có bài “Truyện Kiều” với tiếng Việt và thể thơ Lục bát trong trong thơ Việt” của GS Phong Lê. Mạch cảm hứng chi phối tư tưởng xuyên suốt tiểu luận này là tình yêu và niềm tự hào về tiếng Việt. Từ đó GS trân quý mọi sản phẩm, mà tổ tiên ngàn đời nay đã chế tác từ công cụ tiếng Việt. Đó là lời ăn tiếng nói, lời ca tiếng hát thường nhật để trao đổi tư tưởng, tình cảm, khắc ghi những hiểu biết về vũ trụ và nhân sinh, là những vần điệu ca dao - dân ca trác việt; là những đỉnh cao thi ca làm nên một thời đại văn chương, mà các tác giả là những người đã “dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ là tấm lụa đã hứng vong hồn những thể hệ đã qua”. Không có cái nền tiếng Việt và thể thơ Lục bát thuần Việt thì không có thiên tài Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”. Nhưng cũng chính Nguyễn Du và “Truyện Kiều” đã làm rạng rỡ tiếng Việt, chuyển hóa tinh hoa tiếng Việt và thể thơ Lục bát trong một di sản văn hóa cho nhân loại. Cho nên, GS vui mừng xem việc Liên hiệp các CLB thơ Lục bát Việt Nam với nhiều chục CLB thành viên trong cả nước “vừa mới tổ chức long trọng Lễ gia nhập đại gia đình Hội Kiều học vào ngày 27 tháng 9 năm 2023” là một sự kiện, là mối lương duyên “trong sự hội nhập và phát triển của hai tổ chức, như máu của máu, thịt của thịt; vì nói tới hồn cốt, tinh hoa của dân tộc thì đó chính là kho tàng có bề dầy nhiều nghìn năm của ca dao lục bát và hơn 200 năm “Truyện Kiều” như là sự kết tinh trọn vẹn của lục bát ca dao Việt…”

   Tiếp sau đó, ở cuối tuyển tập có 6 tiểu luận công phu và thú vị, đề cập đến những vấn đề khác nhau của tài năng Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, cùng các kinh nghiệm chuyển ngữ thơ nước ngoài sang thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát và kinh nghiệm giảng dạy một trích đoạn “Truyện Kiều”.

   Thơ ca lấy cảm hứng từ Nguyễn Du và “Truyện Kiều” trong tuyển tập nàỳ có 49 bài rất hay của tác giả khắp 3 miền đất nước. Dù là chuyên nghiệp đã thành danh hay là không chuyên, nhưng dường như cứ chạm tới Nguyễn Tiên sinh, thì dù là địa danh Nghi Xuân, Tiên Điền, núi Hồng, sông Lam, bến Giang Đình, tiết Thanh minh, hay trước nấm mộ của Người, trước những nhân vật, những chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm của thiên tài…hậu thế bao giờ cũng dạt dào thi hứng. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Du và Truyện Kiều đã ăn sâu vào máu thịt và luôn là niềm tự hào của Nhân dân. Thiên tài và kiệt tác không có tuổi. Ở mỗi thời và mỗi người đều có thể tìm thấy trong cái ổn định vinh quang của quá khứ, niềm cảm hứng sáng tạo mới, khởi động một chu trình sáng tạo bất tận. Đánh giá những bài thơ dù được nhắc tới hay không nhắc tới trong mảng đề tài này, là phải đặt trong niềm vui hân hoan đó mà trân quý công sức và tài năng của mỗi người cầm bút. Ở đây tôi chỉ có đôi lời điểm xuyết theo một hệ thống rất chủ quan. Với 32 dòng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong bài “Ru em Thúy Kiều”đã mượn lời ru để khi thì “chiêu tuyết” cho Kiều “À ơi đêm ấy qua rồi / Thịt da em lại ngời ngời thịt da”; khi thì đồng cảm nỗi thương đau cùng nàng “Tú Bà trợn mắt quất roi / Nghìn câu lục bát sau rồi còn đau”. Nhà thơ Ngô Nguyên Ngần thì thác lời cô em Thúy Vân, hóa thân vào nhân vật mà xót thương và trân quý cho khúc ruột mềm của tình tỷ muội: “Xót thương thân chị đọa đầy / Mà em chẳng thể một tay đỡ đần / Mảnh trăng xa, tiếng nấc gần / Ngậm ngùi đời chị trôi dần ngày xanh”. Lấy cảm hứng từ Truyện Kiều, nhưng là một chi tiết nghệ thuật trong cái “tài đành họa hai” của giai nhân Thúy Kiều, nhà thơ Trần Nguyên Thạch đã có bài “Liên khúc đàn Kiều” thật tài hoa. Thấu tận niềm vui thì ít, nỗi đau thì nhiều qua 4 lần Kiều đánh đàn được Nguyễn Du trực tiếp mô tả, tác giả vừa gợi vừa bình bằng thơ mỗi cảnh huống Kiều lẩy dây, bấm phím. Tôi xin chọn mấy câu thơ hay nhất trong bài thơ của anh. Đó là tiếng đàn của Kiều sau sự biến “Từ công chết đứng. Sơn hà tan hoang”: “Khúc đàn tràn những lâm li / Dây thì nhỏ máu, ngón thì giọt rơi / Câu thơ tuyệt bút trên đời / Phổ trong đàn ấy. Đau lời nước non”. Nhà thơ Vương Trọng, đồng thời cũng là nhà Kiều học tài ba ở bài “Trăng trong Kiều”, đã dõi theo trong kiệt tác của Tố Như những vầng trăng thiên nhiên - vầng trăng tâm cảnh, từng ám ảnh bao vui buồn của đời một người phụ nữ chưa thoát nạn nọ đã lại gặp nạn kia. Để rồi nhà thơ có một nhận xét chung thật thú vị và lay động: “Trăng trời khi tỏ khi mờ / Trăng Kiều tròn, khuyết – bao giờ cũng trong / Như nàng nước đẩy theo dòng / Mà nguồn trinh bạch giữ lòng vẹn nguyên / Trăng, người hội ngộ bao phen / Nỗi niềm trần thế thấu lên cõi trời”.Trong mạch cảm hứng từ Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn vốn rất có tài trong việc tạo tứ, đã hình dung ra cảnh tượng “Nguyễn Du trước trang trang viết Truyện Kiều”. Và thi sĩ đã đồng cảm trước tấm lòng của nhà nhân đạo vĩ đại: “Ông ngồi như nát, như tan / Ai đem đày giữa trần gian kiếp người!? / Bút lông quệt máu còn tươi / Đêm đen gằn một tiếng cười rồi câm”.

   Trên kia là đôi lời về những bài văn xuôi và thơ về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Giờ xin nói về thơ lục bát ở mọi miền đất nước trong tuyển tập này, với vô vàn đề tài, cảm hứng khác nhau. Nếu con người là tổng hòa của các mối quan hệ: quan hệ với thiên nhiên – môi trường tồn tại, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội và quan hệ với chính mình – tức là độc thoại, đàm tâm (qua hàng chục các mối quan hệ cụ thể, ràng rịt), thì thơ ca trong tuyển tập này bao quát đủ đầy. Cũng nói ngay rằng: chưa có lần nào như ra tuyển tập lần này. Vì có chính danh Liên hiệp các Câu lạc bộ thơ Lục bát Việt Nam chủ trì, nên lực lượng sáng tác tham gia đông đảo, hùng hậu, trải suốt từ chót mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái. Sắc màu vùng miền đậm đà sâu sắc, thống nhất mà đa dạng. Thành phần xã hội cũng phong phú chưa từng có: đủ cả quan chức, thường dân, từ tướng tá tới binh nhì, nông thôn tới thành thị, miền xuôi và miền ngược, đất liền và hải đảo, đương nhiệm và hưu trí, già và trẻ, nữ và nam…Một cuộc điểm danh và tổng duyệt đội ngũ điệp trùng. Hễ thực lòng yêu thơ Lục bát thuần Việt và có thơ hay là nằm trong danh sách tuyển chọn. Chưa bao giờ, tuyển tập lại thu hút  sự quan tâm và đóng góp bài vở của rất đông Hội viên Hội NV VN và Hội viên các tỉnh thành đến thế. Nói như Nguyễn Thị Mộng Hương (Đà Nẵng): “Giục lòng thức tỉnh cơn say / Vịn câu lục bát qua ngày để vui”. Cho nên, tôi tâm đắc và biết ơn hơn chục bài thơ (cũng của ngần ấy tác giả) dành suy cảm về thể thơ Lục bát, coi đó như là tinh hoa sáng tạo văn hóa ngàn đời để lại cho muôn mai.

   Theo sắc điệu của tình thơ lai láng vơi đầy ấy, tôi có  đôi lời cảm nhận về mấy nhóm  đề tài, trong các mối quan hệ vừa nêu.

   Trước hết là tình cảm đối với không gian thiên nhiên và làng quê, đất nước. Đây là mạch cảm xúc phức điệu và khá phong phú về số lượng trong tuyển tập. Cũng phải thôi, vì  cây có cội, người có quê. Cho nên, phù sa nuôi đồng lúa xanh, khiến cho người quê “Người lành hòn đất cũng lành / Cả đời khoai sắn, dưa hành, cà tương / Chết vùi gốc lúa che xương / Sống lăn lóc ruộng chiếu giường rạ rơm / Cuốc cầy chẳng quản thiệt hơn / Gội mưa tắm nắng, hạt cơm vẫn gầy”(Nguyễn Đức Bình – Tiếng cỏ đêm). Yêu quê, ơn quê, cho nên “Cả đời ta chỉ ước mong / Hồn quê hiện mãi trong lòng hậu sinh” (Phạm Vũ Biên – “Hồn quê”). Chớ xem ước ao trên đây là tầm phào, dị thường và thỏn mỏn. Khi cuộc sống đô thị đang như cái đõ ong ồn ào đầy hấp dẫn với muôn kế mưu sinh và niềm vui lập thân, lập nghiệp, lập gia đình…nơi xứ người ngày càng phổ biến, thì mong sao cháu con ta vẫn giữ lấy lề, nương về nguồn cội. Đấy mới là yêu nước, yêu quê; hội nhập mà không hòa tan! Trong mạch cảm xúc tình quê, tôi rất trân quý chùm bài: “Quê nhà” của Nguyễn An, “Quê” của Nguyễn Việt Bắc, “Trông nắng trông mưa” của Nguyễn Thúy Hòa, “Về quê đi chợ” của Nguyễn Đình Thái và Nguyễn Ngọc Tung với bài “Về làng”. Các tác giả có chung mạch cảm xúc về quê nghèo, mà ấm áp tình thân trong họ ngoài làng. Mấy mươi năm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi thay đã nhiều, nhưng nỗi niềm trông trời, trông nắng, trông mưa vẫn chưa đổi thay là mấy: “Nắng phơi nứt nẻ ruộng bờ / Đon mạ mẹ cấy cháy khô nát lòng / Lũ về hoang rách cánh đồng / Bão xoay ngang dọc, nhọc lòng chở che” (Nguyễn Thúy Hòa). Trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa, rất tiếc là giá trị vật chất và thiết chế văn hóa – đạo đức xã hội chưa tương thích, hài hòa, nên nhiều khi cái cũ chưa hoàn toàn mất đi, cái mới chưa thật sự định hình và lan tỏa. Thế là sinh ra dở khóc dở cười; thế là chơi vơi nỗi buồn, xót tiếc: “Về làng chẳng thấy làng đâu / Bờ tre bụi chuối rủ nhau phương nào? / Nhà tầng ai bít trăng sao / Sáng ra gà gáy nơi nao vọng về? / Làng nay nửa phố nửa quê / Bao nhiêu nhà ống đem về đua chen / Cổng cao ra đóng vào then / Xóm giềng tối lửa tắt đèn còn chăng?/ Về làng tìm lại tháng năm / Nhà em đã phố tuy gần mà xa / Cửa hàng cửa hiệu tại nhà / Nhà không số, phố vẫn là không tên”(Nguyễn Ngọc Tung).

   Trong mối quan hệ tình cảm gia đình, tôi nhận thấy tình cảm của cha mẹ với con cái và ngược lại của con cái với các đấng sinh thành, chiếm số lượng đáng kể nhất. Bài thơ nào về đề tài này cũng thường gắn với lòng biết ơn; nỗi day dứt ân hận khi tự nhận ra những gì còn chưa làm đẹp lòng cha mẹ và niềm ước mong mẹ cha trường thọ giữa đời, hoặc thanh thản giữa miền mây trắng…Bài thơ thơ nào cũng không nhiều thì ít khắc tạc được vóc dáng, bóng hình của mẹ cha. Tôi lẩy ra đôi ba câu thơ rất bất kì, nhưng có nhiều như ba, ám ảnh. Ví như của nhà thơ Bùi Quảng Bạ trong “Gió qua đời mẹ”. Nỗi vất vả truân chuyên, cái tảo tần lam lũ của đời mẹ hiện lên qua tháng năm và thời vụ : “Tháng bảy bão giật, mưa giây / Nhà tranh tốc mái đêm ngày tả tơi / Nước dâng ngập nửa đời người / Ngổn ngang trăm nỗi đường đời đắng cay”. Nguyễn Thị Ngân, trong bài: “Cảm xúc tháng Ba”, những hình ảnh cánh hoa Gạo khẽ khàng rơi rơi, triền đê lẫn ánh trăng mờ, lênh đênh những chuyến đò đầy, cánh buồm nâu giữa sông Hồng xa xa, khói bếp lam chiều…ở đâu và bao giờ cũng lẫn vào trong đó bóng hình của người Mẹ nghèo lam lũ, thương lo cho chồng con. Nhà thơ mượn cái tên và sắc màu hoa Gạo để chơi chữ – có hoa Gạo đấy mà chẳng thấy gạo đâu, để diễn tả cái đói quay quắt kì giáp hạt và nỗi tất tả bươn trải của Mẹ: “Thương chồng đương buổi chợ đông / Thương con kiếm gạo ăn đong tháng ngày / Lênh đênh những chuyến đò đầy / Con đi đón mẹ bên này bờ sông”. Ai có đồng cảnh trải qua cái đận “tháng ba ngày tám”, mới thấu tận cảnh này: “Giáp hạt vào những tháng Ba / Hoa Gạo thì thắm, nhà ta thì nghèo / Nhiều khi khói bếp lam chiều / Nồi cơm độn với bao điều gian nan…” Nghe mà rưng rưng, xót buốt. Thì ra, thơ hay không phải kể tả mà là gợi tả. Chỉ khi nào, có những điều tưởng chôn sâu nén chặt trong lòng, mà nó vẫn bật ra thành lời, thì đó mới là thơ hay. Trong số các bài thơ về Mẹ, tôi có xúc động và thấy thú vị qua bài: “Cảm ơn con không gọi mẹ bằng bà” của Võ Thi Phượng. Thói thường, khi đã có con cháu, ta gọi mẹ bằng bà, kiểu như trong vai con cháu ta mà xưng hô, tưởng là tôn vinh mẹ cha ta lên một bậc. Nhưng kì thực, nào biết đâu lại khiến mẹ cha ta có chút nhói lòng (nhất là bây giờ, thời cơm no áo ấm, tiện nghi cũng khá đủ đầy, tứ thân phụ mẫu thường vẫn rất trẻ trung). Việc xưng hô như thế, vô tình tạo ra một khoảng xa cách mẹ - con. Mà trong lòng mẹ, con dẫu trưởng thành thế nào, thì cũng chỉ là một đứa trẻ thôi…Cho nên, ta đồng cảm với tác giả ở khía cạnh ý nhị, tinh tế này. Bậc sinh thành đâu có cần quà cáp cao sang, mà nhiều khi chỉ cần một lời gọi Mẹ: “Con không gọi mẹ là bà / Ấm lòng mẹ thấy như là trẻ ra”.

   Các bài thơ về tình nghĩa anh chị em trong mối quan hệ gia đình, trong tuyển tập cũng nhiều. Nhưng chỉ xin dừng lại đôi bài có những cảnh huống ít gặp. Hãy nghe Nguyễn Mạnh Khởi “Dặn em” khi em đi lấy chồng: “Mười hai bến nước em ơi / Khi trong khi đục ai người chẳng qua / Sắc hương đừng để phôi pha / Vườn xuân đừng để cánh hoa rã rời / Lòng đau miệng vẫn nên cười / Đôi khi có chín gọi mười cho nguôi / Dẫu rằng trống ngược kèn xuôi /Tình ca lỡ nhịp cũng thôi đừng buồn”. Thơ ca phải nói bằng hình ảnh và phải hiểu qua hình ảnh mới sâu sắc và sâu xa. Những “lời lận lưng” cho em gái về gánh vác giang san nhà chồng chẳng khác chi báu ngôn nhiệm màu, dạy em ứng xử để giữ lấy an vui. Còn Nguyễn Ngọc Tung trong “Niềm riêng cùng chị” lại là tình cảm của em gái với chị, khi mình xuống đò rẽ bước sang ngang. Nhân vật trữ tình vừa biết ơn chị: “Gối đôi chị tặng tơ lòng chị thêu”, vừa vương vấn, thương lo cho chị: “Ngày mai em đi lấy chồng / Đôi quang ở lại gánh gồng nắng mưa / Ngày mai em lên xe hoa / Gầu dai đây gác chị qua gầu sòng”. Phải là tấm chân thành “chị ngã em nâng” lắm, mới thốt lên những lời này “Niềm vui hoa thắm chỉ điều / Mà riêng phận chị bao nhiêu bão bùng”. Đúng là, thơ khởi phát tự lòng người. Thơ không có tình sâu và thật thì nó nông choèn như đĩa đèn, như Xuân Diệu đã nói!

   Trong thơ ca nói chung và tuyển thơ này nói riêng, tình yêu lứa đôi và tình cảm vợ chồng bao giờ cũng là đề tài, là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận, chiếm số lượng nhiều nhất, lại đa sắc đa hương, chẳng thể nói hết được. Nhưng tôi mê cái “Dải yếm”ở vùng cấm địa của Nguyễn Văn Bản. Nó có thể là “Kéo nhà nhà đổ, xích voi voi què / Làm dây câu mắc quyền uy”. Tuy vậy, với đôi ta thì: “Cũng vì dải yếm bắc cầu / Mà nên dùng dắng trao câu “đừng về”. Cũng cái dải yếm ấy, Vũ Thị Minh Thu vì “Lỡ rồi qua một khúc sông”, nên buồn tiếc: “Gói tình dải yếm đem trao / Để mây theo gió bay vào mênh mông”. Cũng cái buồn tiếc ấy, nhưng với Đỗ Trung Minh thì nó ảm ảnh bởi sắc “Màu mực tím đong đưa”. Một thời mộng mơ “Biết đâu đôi đũa ngắn dài mà mong / Giờ người ta đã lấy chồng / Tiếc thời mực tím mãi không hết buồn”. Đúng là muôn nhịp con tim, muôn nhịp nỗi niềm.

   Các bài: “Ru tình lục bát” của Lê Duyên và “Ru anh” của Lê Khánh Huyền, nằm trong nhóm tác phẩm lấy điệu ru làm trục cảm hứng. Họ ru nhau thật hay, khiến ta cũng thật say vì họ: “Vần đơm ngày lại nối ngày / Men thơ ai ủ mà say nghiêng trời”(Lê Duyên); “Khúc ru thơm thảo mát lành / Em gom nắng lại để dành ru nhau”(Lê Khánh Huyền). Tuy vậy, cũng có không ít bài thơ cảm động về cảnh dứt gánh tương tư, đứt gánh giữa đường, tan đàn sẻ nghé. Nguyễn Thị Vân Dung nghe hàng xóm gọi nhau hai tiếng “Chồng ơi” mà “Tự nhiên tôi thấy lòng tôi chạnh buồn”. Cái tôi trữ tình vẫn như còn ngỡ ngàng “Mà sao chồng lại không còn yêu tôi”. Và ta thương cảm với tâm trạng này “Thoảng nghe nũng nịu: Chồng ơi / Rưng rưng lệ tủi tôi rơi ướt chiều”.

   Như đã nói, dù có tự sự, hài hước châm biếm...,thì cuối cùng thơ cũng phải trở về với cái tôi nội cảm, với phương thức trữ tình. Cả tuyển tập này, đều là tiếng tơ lòng ngân nga đa sắc điệu. Nhưng tôi muốn nói tới nhóm rất nhiều những bài thơ chất chứa ưu tư, coi trọng sự đối diện – đàm tâm, phô diễn cái vi diệu của cõi lòng. Ví như, Trần Kim Ngọc với “Có nghe thu đã sang mùa”; Nguyễn Thị Điệp với “Rượu thu”; Vạn Lộc “Nợ ánh trăng”; Ngô Đình Ngọ “Tìm mộ chân tôi”; Vũ Thị Minh Thu với “Tự tình”; Thi Trà với “Giọt thu”; Trần Thưởng “Tiếng gà gáy ngã ba sông”; “Hồn quê” của Chu Cẩm Sơn; Hà Thúc Quả “Chiều vay chút nắng”; “Vọng khuya” của Hà Hưng; “Dọn” của Nguyễn Hường…Nhiều lắm! Nhưng xin cho tôi nói đôi lời về bài “Nghe ta” của Vũ Bá Lễ. Anh có giọng thơ hiện thực huyền ảo, phiêu bồng lãng đãng đến lạ. Anh lại có tài dùng từ láy, sáng tạo từ láy mới và có ý thức cách tân thơ lục bát. Trong bài thơ, Vũ Bá Lễ đã khách thể hóa cái tôi nội cảm của mình, để không phải là “ta nghe”mà là “ta nghe thấy ta”đang “nưng nức xuân sang”, đang “rần rật nhựa lên chồi…biêng biếc lá nõn ngời non tơ…Đồng quê vạn vật sinh sôi mùa màng / Nghe tôi xung giữa hội làng / Va đường cong lẳn / Căng tràn mùa xuân”. Viết được như thế không dễ dàng gì đâu. Trong cái tứ đàm tâm của nội cảm, tôi thật thích bài “Rượu thu” của Nguyễn Thị Điệp. Một chén thu độc ẩm mà chị không chỉ cảm nhận được “hương thu vời vợi đất trời” mà còn thấu đến tận cùng của nội tâm và bày tỏ khát khao “Chén này / Rửa sạch như lau / Bụi đời và những nhĩ nhàu thời gian”. Chao ôi, tôi mong thơ ca và con người ta nói chung, hãy luôn nhìn lại mình, nhìn vào mình nhiều hơn và sâu hơn để sống, để thật sự là người lớn…Và chúng ta rất nên trân quý, cổ vũ những nhân tố mới như thế trong đại gia đình thơ Lục bát Việt Nam.

   Khi tôi viết những câu chữ cuối cùng của bài này, thì báo Tuổi Trẻ ra ngày 3.3.2024 đưa tin, có một nhóm nhạc indie Việt 2024 đã thể nghiệm thành công dùng thơ lục bát trữ tình trong rock Nhật, thậm chí đã tận dụng cách xưng hô “mình – tôi”, “mình – ta” và thủ pháp đối ứng để soạn ca từ, kiểu như “Bên người ta có không gian / Bên người ta có cơ man bạt ngàn / Thương nhà tôi mỗi ba gian / Một gian đằng ấy, hai gian đằng này / Thương nhà tôi mỗi nhiêu đây / Hay là cứ nghĩ nhiêu đây được rồi”. Ôi, thơ lục bát trong một điệu thức âm nhạc mới, một phương thức trình diễn mới. Lại thêm một minh chứng về sức sống nội sinh bất tận của thể thơ lục bát. Nó sẽ đi cùng ta đến cùng trời cuối đất và giúp ta mơ những điều xa rộng,  lớn lao hơn.

   Bởi thế, chúng ta hãy cùng mừng vui với những gì ta vừa gặt hái được, trong “Lục bát VN” tập 9 này.
 

 
-----------------------------

 

Hương Ninh chọn và giới thiệu một số tác giả trong tập:
 
 
HÀ HƯNG
CLB thơ Lục bát Thanh Xuân
 
         
 
  SÔNG TÔ
 
  Sông Tô đêm vắng thở dài
 Dăm chùm sao lẻ
                    đan cài đáy sông
  Hình như Cống Mọc
                            Kén chồng
  Duyên xuyên đường Láng
                  khiến lòng ngẩn ngơ ...
 
  Thương dòng nước biếc
                         ngày xưa
 Nhớ tay sào nối
                 cập bờ thuyền trôi
Thẫn thờ nhặt ánh sao rơi
 Ngàn xưa thao thức
                  sông trôi dặt dờ
 
Thương cây câu vượt
                           mộng mơ
  Cống xưa- Cầu Mới
                     ai giờ lãng quên ?
  Người về mắt thức đêm đêm
  Có thương một khúc
                         trôi êm kiếp người ... ?
 
                              
 
NGÔ ĐÌNH NGỌ
CLB Thơ lục bát Hà Đông
 
 
CHỢ ĐỜI                                 
 
 Chợ đời kẻ đến người đi.  
 Bán rao tiếng khóc từ khi chào đời   
Trăm năm được mấy cuộc chơi
Mà đem thực giả lừa người bán mua.
                                
Chợ đời sớm nắng chiều mưa.     
 Quan tham bán tước, dân lừa buôn gian                                    
 Chợ tình buôn cái bẽ bàng.          
 Chợ người bán sức khoe sang nỗi gì.
                                         
 Tình nhẹ bấc, tiền nặng chì.          
 Cán cân công lý mấy khi được rành.                                              
Dại khôn, khôn dại mong manh
Mồ xanh liệm xác, hồn thành hư vô.
                                       
 Chợ đời cướp bán tranh mua.      
 Vãn chiều, tan chợ còn trơ rác người      
 
                                     
 
 
 
MINH THU
CLB thơ lục bát Thanh Xuân
 
 
HƯƠNG THU
 
Khẽ khàng gió gọi trời thu
Ngát hương hoa sữa mây ru nắng vàng
 
Cốm xanh mở mắt mơ màng
Núp sau chiếc lá sen vàng tỏa hương
 
Đất trời nghiêng ngả màu thương
Nhẹ bay chiếc lá trên đường em đi
 
Thu ơi ! Thu nói những gì ?
Mà em xao xuyến hàng mi chớp hoài .
 
 
 
THU MUỘN
 
Muộn mằn
                       giọt nắng cuối thu
Heo may gió thổi
                       sóng đu mặt hồ
 
Thương gì ?
                       ánh nguyệt ven bờ
Tiếc gì ?
                       chút nắng ngẩn ngơ cuối chiều...
 
Nồng nàn
                       còn một chút yêu...
Hong khô
                       em gửi cánh diều bay đi.
 
 
 
                                              
 
ĐÀO VĂN LIÊN
 CLB Thơ lục bát Sóc Sơn
 
 
 
ĐÂU CÓ PHẢI TẠI THU VỀ
 
 
Thu về…
                                         trao lá sắc vàng
Nhẹ nhàng …
                        trải nắng lên hàng cây xưa
Gió Thu…
                            rung lá…
                                                    chao đưa
Hân hoan nghênh đón…
                                      sớm trưa…
                                                     vẫy chào.
 
Chiều nay…
                        trong gió…
                                                       lao xao
Chia ly…
                 lá liệng…
                                  biệt chào…
                                                    buông rơi
Tháng năm…
                                             cây lá gắn đời
Giờ đây…
                              ly biệt về nơi cội nguồn.
 
Biết rằng…
                           đau xót…
                                                     sóng cồn ?
Nhưng…
             sinh…
                        lão…
                                  tử…
                                        bồn chồn làm chi
Nhẹ nhàng…
                           bay liệng…
                                                            ra đi
Yên lòng…
                           không phải sân si Thu về.
 
 
 
 
 
 
NGUYỄN VIỆT HẰNG
CLB Thơ lục bát Hà Đông
 
 
LẶNG LẼ SANG ĐÔNG
 
Thế là từ giã mùa thu
Thế là trời đất mịt mù gió đông
Con đò mắc cạn cuối sông
Phất phơ hoa cải không chồng ngẩn ngơ
 
Những năm chín đợi mười chờ
Thơ tình con chữ đã lờ mờ trôi
Chiến tranh đằng đẵng một thời
Một thời để lại rối bời nỗi đau
 
Bao mùa gió rụng tàu cau
Bao mùa trông đợi cơi trầu sang sông
Vọng phu hóa đá chờ chồng
Còn tôi hóa kiếp long đong phận người
 
Còn gì thu nữa,thu ơi !
Bâng khuâng câu đợi,rối bời câu thương
Tóc giờ nay đã pha sương
Bước chân lẻ bóng,con đường ngập mưa
 
Vô thường tan cõi hư vô
Một đời lặng lẽ ...để mùa sang đông.
 
                                             
 
 
 
CẢM NHẬN THU
 
Thế là lại một mùa thu
Lại bay bay lá lời ru trĩu lòng
Lại trời thăm thẳm xanh trong
Lại thơm thơm dịu, nắng hong hong vàng
Chợt mình mấy độ thu sang
Chạm vào thu lại xốn xang nỗi chiều...
Thu còn đếm được bao nhiêu
Để ta rót nốt lời yêu muộn màng
Tần ngần bến đỗ thời gian
Ta đi rắc cái thu vàng vào thu...
                                   
 
 
 
 
 
  NGUYỄN  KHOÁI
 CLB Thơ lục bát Hà Đông
 
 
 
HÌNH NHƯ
 
 Hình như mắc nợ cơn giông
Đoạn này khúc khuỷu
Dòng sông cạn nguồn
Đêm em , bán mấy canh buồn
Phập phồng áo mỏng
Đoạn trường cát bay
 
Giao thoa mờ tỏ ánh ngày
Sông không chảy đến vòng quay đảo chiều
Tơ vương đâu có chi nhiều
Ai buồn thì đến
Xanh yêu thì đừng
 
Hình như
Qua chút ngập ngừng
Lòng ta
Như gió cây rừng lại xanh
 
      
 
 
 
 
NGUYỄN THỊ ĐIỆP
CLB Cầu Giấy
 
 
SEN   (1)
 
Em ngồi
Gió tẩm hương Sen
Giữa vùng trời đất
dịu êm  cõi người
Sen theo em ...nở trên môi
Lá xanh ,xanh thắm đỡ trời nắng thiêu
Hương đồng, gió nội phiêu diêu
Ươp  thơm lên  tóc  ,nhuộm chiều hoàng hôn
Nhuộm xanh lên cái bồn chồn...
Hương quê ...cứ thế ...
 ru hồn  ....thảnh thơi !
 
 
 
SEN (2)
 
Nhỏ nhoi,mềm mại ,thẳng ngay
Búp sen em đội bùn lầy vươn lên
Lặng thầm... hương ủ bao đêm
Cánh hoa bừng nở, ngời lên nhị  vàng
Ngàn hoa nở lúc xuân sang
Sen em tươi giữa chói chang mùa hè !
 
                    
 
 
 
 
 
THUÝ HIỀN
CLB Thơ lục bát Thanh Xuân
 
                         
 
TRỞ VỀ
 
Hôm nay ngày lễ Quốc tang
Con về quê mẹ, Đình làng cổ xưa
Trời buồn từng đợt tuôn mưa
Người buồn trầm mặc, tiễn đưa, khóc thầm
 
Cây Bồ đề rủ tình thâm
Hương hoa ngát tỏa, hương trầm bay xa
Bi ai trong khúc nhạc hoà
Nhấp nhô như sóng cờ hoa theo dòng
 
Con đi bão lửa trong lòng
Tiếc thương vô hạn, níu mong Người về
Còn đây mãi đậm tình quê
“Dấu in bóng Bác, Bác về Bác ơi”
 
Trên cao Di ảnh Bác cười
Bác vì dân nước một đời hiến dâng
 
                                                 
 
 
 
 
BÙI THỊ KIM TIẾN
CLB Thơ lục bát Thanh Xuân
 
 
 
THĂM LĂNG BÁC HỒ
 
Hè này con lại vào Lăng
Trước là viếng Bác sau thăm nơi này
Cây cao bóng cả còn đây
Dưới kia ao cá vẫn đầy như xưa
Vào Lăng viếng Bác buổi trưa
Ngoài trời nắng gắt mà mưa trong lòng
Lệ tuôn lã chã hai hàng
Trong Lăng mà thấy mênh mang đất trời
Bác ơi, nay Bác đi rồi
Lòng con nhớ Bác đời đời không quên.
                                 
 
 
 
 
PHẠM HUY THUẬN
CLB Thơ lục bát Thanh Xuân
 
     
 
       TÂM TÌNH MÙA XUÂN
 
      Đã nghe náo nức xuân về
Tung tăng én liệng tràn trề sắc hoa
      Ngàn tia nắng ấm chan hòa
Đồng quê lúa tốt mượt mà tươi xanh
      Đào mai nở rộ trên cành
Chồi non lộc biếc long lanh sắc màu
      Đời người thấm thoát trôi mau
Mỗi xuân mỗi tuổi mái đầu bạc thêm
      Tuổi cao tâm sáng chí bền
Sum vầy mái ấm bình yên nếp nhà
      Xuân về rạo rực lòng ta
Niềm tin hy vọng bài ca rạng ngời
      Vẫn thầm ước nguyện khôn nguôi
Cùng xuân đi trọn cuộc đời mến yêu.
 
                    
 
 
                                       
                 
     PHẠM HỒNG ĐẠM
    CLB Thơ lục bát Sóc Sơn
 
 
 
THU HÃY XANH CAO
 
Thu đâu chỉ có lá vàng?!
Thu đâu chỉ có cốm rang thơm nồng
Đâu chỉ mặt nước gương trong
Lăn tăn gợn sóng ngắm trăng dưới hồ
Thu còn bão lũ sóng xô
Thiên tai tàn phá cơ đồ trắng tay
Miền Trung ơi, mảnh đất này!
Đông thì buốt giá nắng gay gắt hè
Đầu Thu, lũ bão tràn về
Lúa mùa, nhà cửa thân đê phập phồng
Thêm lo dịch dã lại bùng
Trời long đất lở khốn cùng lao đao
 
Thu trong giấc ngủ chiêm bao
Thu ơi hãy lại xanh cao hiền hòa.
 
                                  
 
 
 
NGÔ CẨM THÚY
         CLB Thơ lục bát Sóc Sơn
 
 
 
     NHỚ THU XƯA
 
Em ngồi đếm lá vàng rơi
Thả vào cõi nhớ bồi hồi  sắc...không!
Heo may nắng tắt trên đồng
Bước chân ai vọng giữa dòng nhân gian ?
 
Em ngồi nhặt lá mơ màng
Cánh chim lẻ bạn chiều tàn về đâu?
Câu thơ ai thả trên cầu
Để ai nhặt lấy trái sầu rụng rơi ?
 
Chiều thu nắng nhạt người ơi
Tơ tình ai rót những lời sầu than!
Vàng cây lá rụng ven đàng
Hanh hao ngọn gió ngập tràn tim côi.
 
Cánh chim tìm bạn cuối trời
Chơi vơi luyến tiếc nhớ lời thu xưa
Sông Ngân dòng nước xuôi đưa
Nhớ chăng tháng  Bảy giọt mưa ngâu về?
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây