CHIẾC ĐÒN GÁNH
Lê Minh Tý
Bước chân mòn vẹt Á- Âu
Nơi nào đòn gành giãi dầu như ta?
Thẳng cong thể đoạn tre già
Lằn vai gánh nước vào ra cổng làng
Mùa chiêm ai gánh lúa vàng
Đắp đê phòng lụt thiếp chàng cùng thi
Dẻo dai sâu nặng tình tre
Để người Thành phố chốn quê tin dùng
Bom cày nghẹn tắc giao thông
Vẫn là gồng gánh để cùng lên tay
Hành quân hun hút đèo mây
Lắc lư xoong chảo gấu tay vai sờn
Xưa kia bao trận xung đồn
Chỉ bằng đòn gánh địch dồn hàng ta
Xăm xăm hình bóng quê nhà
Vai tròn trĩu nặng chợ xa, chợ gần
Hay đâu chỉ gánh vài cân ?
Còn bao nặng gánh nợ nần nước non
Lưng còng dáng mẹ dẻo thon
Gánh cho đất nước… vẹn tròn núi sông.
Lời bình của Nguyễn Lâm Cẩn
Thể lục bát là một thể thơ dễ viết, nhưng viết cho hay quả không dễ chút nào.Viết về chiếc đòn gánh, Lê Minh Tý chọn thể lục bát là hợp lý nhưng đồng thời cũng là một thử thách đối với ông.
Mở đầu bài thơ, ông khái quát:
Bước chân mòn vẹt Á- Âu
Nơi nao đòn gánh giãi dầu như ta?
Cặp lục bát có thể coi như cái mở bài cho bài thơ. Một câu hỏi tu từ! Hỏi ai vậy? Ông hỏi mọi người! Hỏi bây giờ và hỏi cả mai sau! Hỏi đất nước và hỏi cả dân tộc! Nó độc đáo chăng? Khác lạ chăng? Đòn gánh có thể nhiều dân tộc có, nhưng “đòn gánh giãi dầu” có lẽ chỉ có ta và duy nhất chỉ có ta chăng? Ông không hẳn khẳng định, nhưng chính cái mơ hồ mới ấy gây nên sự tò mò, ám ảnh.
Vào thân bài, ông triển khai hàng loạt công việc của chiếc đòn gánh phải “gánh”.
Đoạn thơ như liệt kê: Gánh nước về làng, gánh lúa, gánh đất đắp đê, gánh đất đá đắp đường, gánh mọi thứ “hàng” ra tiền tuyến, gánh nồi niêu của anh quân nhu, đòn gánh là vũ khí đánh giặc, gánh hàng hoa, gánh chợ xa chợ gần…
Mỗi loại nhà thơ viết cụ thể một công việc, nhưng tính khái quát rất cao.
Viết về việc gánh nước:
Thẳng cong thể đoạn tre già
Lằn vai gánh nước vào ra cổng làng
Có phải một lần gánh đâu! Biết bao lần gánh nước qua cổng làng! Có phải một người đâu! Biết bao người! Có phải một làng gánh đâu! Biết bao làng! Hữu hạn là đoạn tre làm đòn gánh, nhưng vô hạn là gánh và gánh viết bao lần, bao người với thời gian và không gian không nghệ thuật xác định.
Hoặc nói về gánh hàng ra chợ, ông viết:
Xăm xăm hình bóng quê nhà
Vai tròn trĩu nặng chợ xa chợ gần
Hình ảnh cô thôn nữ xinh đẹp gánh hàng hoa ra chợ như một nét văn hóa làng, văn hóa chợ, văn hóa phố….Một nét vẽ trữ tình bằng thơ thật duyên dáng.
Những câu lục bát nối nhau liên tiếp liệt kê công việc, việc này tiếp việc kia không dứt. Nếu đếm, ta có thể thống kê được bằng con số cụ thể công việc mà chiếc đòn gánh đã làm, nhưng đâu dễ có thế. Nhà thơ dùng thủ pháp liệt kê ấy để nói cái vô cùng, vô hạn, không đếm đo được. Đòn gánh tham gia hầu hết các công việc nhân dân ta, dân tộc ta đã từng gánh chịu. Những công việc ấy đầy khó khăn, gian nan, vất vả….đòi hỏi tính cần cù, nhẫn nại, đức hy sinh, í chí kiên cường, bất khuất và cả lòng dũng cảm.
Đoạn lục bát vừa nói cái cụ thể, rất cụ thể, nhưng tính khái quát rất cao.
Đoạn kết bài thơ, ông viết:
Hay đâu chỉ gánh vài cân
Còn bao nặng gánh nợ nần nước non
Lưng còng dáng mẹ dẻo thon
Gánh cho đất nước vẹn tròn núi sông…
Bốn câu kết chuyển ý và nâng tầm vóc bài thơ lên. Không còn là chiếc đòn gánh thông thường như ta tưởng, mà đã được nâng lên một tầm cao mới, khó gì sánh được. Đó là: Sứ mệnh gánh đất nước, gánh vẹn tròn núi sông.
Đòn gánh nhỏ bé thế, đơn sơ thể, giản dị thế, nhưng tầm vóc của nó lớn vô cùng, vĩ đại vô cùng. Gánh cả nước non, gánh cho núi sông toàn vẹn, đất nước thống nhất, non sông liền một giải. Hình ảnh mẹ gắn với nước non tạo ra vẻ đẹp đầy chất lãng mạn và sử thi.
Bài thơ kết mà lại mở, tạo ra được những liên tưởng lớn lao, to đẹp.
Thơ viết về cái nhỏ nhất: chiếc đòn gánh! Nhưng nói được cái lớn nhất: Ý chí và tinh thần yêu nước! Thơ là thế và hay cũng vì thế. Nhiều khi ta nói cái rất lớn, nhưng non tay, bài thơ nhỏ bé đi và có khi yểu mệnh. Lê Minh Tý chọn cái đề tài nhỏ bé, bình dị thôi, nhưng ông đã thành công, đưa đến cho thơ một tầm vóc lớn, tư tưởng lớn.
Bài lục bát càng đọc càng ám ảnh.
N.L.C