Lâm Tuyền
Tôi ngừng lâu đọc dòng tít bài thơ ngồ ngộ của Nguyễn Hồng Vinh: “Thong thả nơi ở ẩn”, viết về mấy cảm nhận khi đọc tập thơ “Thong thả” của nhà văn, nhà báo Dương Kỳ Anh. Cuốn sách này cùng với hàng chục cuốn sách (thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn…) của Dương Kỳ Anh được hình thành ở nhà vườn Sóc Sơn - nơi ông coi đó là nơi “ở ẩn”: “Bây giờ ta đi ở ẩn/ Ẩn vào cây, ẩn vào hoa/ Ẩn vào sương, ẩn vào nắng/ Một bình minh với chiều tà”. Thật ra, đã có nhiều nhà báo, nhà phê bình viết sâu về một số bài mà mình thích trong tập sách này, nhưng với Hồng Vinh, ông muốn khắc họa cái chiều sâu của ý tưởng “ở ẩn” của Dương Kỳ Anh; sự đối lập giữa các ý muốn “ẩn dật” với con chữ cứ xôn xao trong đầu, thúc giục ông ngồi vào bàn viết về chuyện đời, chuyện nghệ sôi động. Vì vậy, tôi đồng tình với Hồng Vinh nhận xét: Dương Kỳ Anh “ở ẩn”, mà không “ẩn”! Có chăng, lúc ông cảm thấy “ẩn” là sớm dậy đi thể dục trong khuôn viên rộng thoáng, ríu rít tiếng chim chuyền cành; nhưng sau bữa ăn sáng, ăn trưa, ông lại ngồi vào bàn viết, bên giá sách ngồn ngộn hàng trăm tập, cả văn, cả báo đã nhuốm màu thời gian, tự nhiên cuốn hút ông lật giở từng trang và thấy “tiếng em như đồng vọng”. Một cuộc hành trình đầy tư liệu đời sống thực trong 40 năm làm báo với rất nhiều bài phóng sự điều tra lên án nạn quan liêu, tham nhũng (mà có lúc ông đã bị đó đây cảnh tỉnh, nhắn nhe). Say viết, say các hoạt động xã hội, trong đó có việc tổ chức những cuộc thi “Thanh niên với Đảng”, đặc biệt là cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của nước ta mang thương hiệu “báo Tiền Phong”. Những trang viết thấm đẫm mồ hôi và trí tuệ ấy, những việc làm có lúc bị gây áp lực, hiểu lầm, nhưng ông vẫn kiên định nuôi ý tưởng sáng trong: “làm cho cuộc đời đẹp lên, cái đẹp của con người Việt Nam phải vươn ra thế giới”. Và ông cùng tập thể báo đã thành công! Vậy sao ông có thể đồng nhất việc ông về “ở ẩn” với sự việc vẫn đang cất tiếng nói hôm nay cũng phải cùng “ở ẩn” với ông? Hồng Vinh tinh tế và sâu sắc khi khẳng định: “Muốn quên mà không thể/ “Ở ẩn” đâu dễ nhòa/ Những chữ, câu trang báo/ Gói vui - buồn đã qua!”. Cũng chính Dương Kỳ Anh trong một bài thơ, đã nhớ lời tâm sự của Nguyễn Trãi: “Ngỡ ngàng quên đi tất cả/ Ai hay, ta tự dối mình”; với ý tưởng ấy, Hồng Vinh cho rằng, đấy là “Câu thơ - đáy lòng Nguyễn Trãi / Tiếng đời vẫn vọng Côn Sơn”. Và bây giờ “tiếng đời” tiếp tục vọng vào nhà vườn Sóc Sơn bằng nhiều phương thức - nơi ông chọn “ở ẩn”. Theo “thuyết tương đối” của nhà bác học vĩ đại Anhxtanh, tôi đồng tình với đoạn kết của Hồng Vinh: “Muốn cuộc đời thong thả / Song trái tim cất lời / Giục ta ngồi bàn viết / Để tiếng đời sinh sôi!”.
Tưởng như đó là mâu thuẫn với sự nấu nung “ở ẩn” của ông, nhưng thực ra đó là quy luật về sự thống nhất giữa các mặt đối lập, mà chắc nhà văn, nhà báo họ Dương vốn thông minh và trí tuệ, khó có thể làm khác quy luật!
Trân trọng giới thiệu bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn