“Nguyên Tiêu”, một bài thơ đậm phong cách Bác Hồ

Thứ năm - 15/02/2024 20:46
Minh họa: ST
Minh họa: ST
        
        Nguyễn Kim Rẫn
   Lại sắp đến Nguyên Tiêu. Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về ta lại nhớ tới bài thơ bất hủ của Bác, bài “Nguyên Tiêu”. Tôi xin có đôi lời về bài thơ này, mong được bạn đọc chiếu cố!
XUÂN 1948, XUÂN có bước ngoặt mới của cuộC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP, do vậy, XUÂN 1948, Bác đã làm thơ chúc Tết đồng bào cả nước:
"... Kháng chiến được thắng lợi;
Toàn dân đại đoàn kết
Cả nước dốc một lòng;
Thống nhất chắc chắn được,
Độc lập quyết thành công".
Để biến ước mơ thành hiện thực, ngay từ những ngày đầu Xuân, Người đã với "cây gậy trúc và đôi dép cao su ...lên đường đi kháng chiến".
Đêm Rằm tháng Giêng, trên con thuyền, Bác cùng một số đồng chí đi khảo sát địa hình, họp bàn kháng chiến. Công việc xong, Người ứng khẩu đọc bài thơ Nguyên tiêu như sau:
Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, Xuân thuỷ tiếp Xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Đọc xong, Người thân mật bảo đồng chí Xuân Thuỷ dịch giùm. Xuân Thuỷ đã dịch thành thơ lục bát:
Rằm Xuân lồng lộng trăng soi,
Sụng Xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Bản dịch khá hay, gợi cảm nhưng chưa hẳn đã lột tả đầy đủ nghĩa từ và chất Đường thi trong "Nguyên tiêu" của Bác…
Chất Đường thi trước hết ở ngay âm điệu của câu thơ thất ngôn tứ tuyệt. Âm hưởng những câu thơ "Nguyên tiêu" có khác nào âm hưởng của "Phong kiều dạ bạc" (Trương Kế- nhà thơ đời Đường):
          Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
          Giang phong ngư hoả đối sầu miên,
          Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
          Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Chất Đường thi, chất cổ điển còn ở thi tứ, thi liệu như: Nguyên tiêu, khói sóng, thuyền, trăng, xuân, ...Nguyên tiêu là đêm Thượng nguyên, một Tết của Việt Nam. Nguyên tiêu là kết tinh vẻ đẹp của mùa Xuân, cũng như Trung thu là kết tinh vẻ đẹp của mùa Thu.
Khói sóng đó thấy nhiều ở thơ xưa:
          Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
                                      (Thôi Hiệu)
          Nước biếc trông như tầng khói phủ
                                      (Nguyễn Khuyến)
Ánh trăng thơ mộng các nhà thơ xưa đã khai thác nhiều:
(Nguyễn Trãi xưa viết: "Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc"; Nguyễn Công Trứ viết: "Gió trăng chứa một thuyền đầy, "; Trương Nhược Hư(TQ): Dợn dợn vời xa muôn dặm sóng, Sóng Xuân đâu chẳng sáng ngời trăng).
Bài thơ cũng đầy chất lãng mạn, nghệ sĩ: Ta có cảm giác đêm ấy trăng sáng, tròn đầy, viên mãn nhất, Bác ngồi trên thuyền ngửng đầu ngắm trăng, râu tóc, ánh mắt toả sáng giữa núi, rừng, sông, suối, và khói sóng... Thật chẳng khác nào một tiên ông giữa chốn non Bồng, nước Nhược. Trăng sáng làm cho cảnh xuân hiện ra từ lòng sông, dưới đất lên đến bầu trời. Hình ảnh thơ cổ điển, khoáng đạt và gợi cho người đọc cảm giác khoan khoái lâng lâng.
Đường thi đấy, lãng mạn đấy mà cũng rất hiện thực và rất chiến sĩ. Bởi vì, Người ngồi giữa "yên ba thâm xứ " kia không để "đàm thế sự", không để  dạo chơi, thưởng ngoạn phong cảnh mà là "đàm quân sự" cùng với một Bộ tư lệnh mặt trận để chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc chiến mới. Điều thú vị là ở đây không "đàm quân sự " ở một Đại bản doanh mà là trên một con thuyền bồng bềnh giữa khói sóng và nước trời ngập đầy ánh trăng, lồng lộng Xuân sắc. Câu "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền" quả là một "câu thơ mộng ảo nhất trong bài thơ đầy thơ mộng này" (GS. Nguyễn Hoành Khung). Nếu như lúc đầu chỉ là trăng tròn và sáng thì bây giờ là nửa đêm, trăng trên đỉnh đầu, trăng toả sáng đầy thuyền và cũng đầy cả lòng sông, trùm lên cả núi rừng Xuân đang đầy sương khói. Nếu tách khỏi bài thơ, câu này như một câu Đường thi trọn vẹn, nhân vật trữ tình là một nghệ sĩ lãng mạn, đi con thuyền mộng, thả hồn theo vầng trăng Xuân, vào cảnh sắc đầy Xuân.
Nhưng đặt trong toàn bài thơ, ta lại thấy đây là người chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người đó chỉ có thể là Hồ Chí Minh. Nhà văn Hoài Thanh đã bình rất hay: "Cảnh đêm rằm trong bài thơ thật đẹp. Nhưng đẹp nhất vẫn là phong thái ung dung của Bác giữa sóng to, gió lớn của cuộc chiến đấu, vẫn bình tĩnh và bình dị như không."
Bài thơ tuy có âm hưởng của thơ Trương Kế, có thi liệu như Thôi Hiệu, Nguyễn Khuyến, nhưng không buồn như thơ các cụ xưa mà lạc quan phơi phới. Bác Hồ là như thế! Năm 1946, tình thế nước ta nghìn cân treo sợi tóc, Bác đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Cố rán sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa Xuân". Năm 1947, giặc chiếm hầu hết các thành phố, bất ngờ nhảy dù xuống Bắc Cạn, hòng bắt gọn Trung ương, càn lớn định tiêu diệt chủ lực của ta. Bác xoè tay: "Giặc lan ra thì như bàn tay xoè ra, sức chúng yếu đi, ta dễ đánh." Bác còn nói: "Ta là trâu tơ, giặc Pháp như voi già". Người làm thơ:
"Nay tuy châu chấu đá voi,
Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra."
Mới bàn bạc việc quân trở về, còn bao nhiêu việc phải làm, còn phải ra "Lời kêu gọi thi đua yêu nước" (tháng 6- 1948), còn phải thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ, động viên mọi lực lượng để kháng chiến mau chóng thắng lợi nhưng Người đã rất sảng khoái, đã phơi phới lạc quan.
Có thể nói "Nguyên tiêu" là bài thơ vừa thể hiện cái tư chất nghệ sĩ của Bác Hồ, vừa thể hiện cái ung dung của nhà hiền triết phương Đông, cái bản lĩnh phi thường của người chiến sĩ cộng sản, người anh hùng cứu quốc Hồ Chí Minh.

N.K.R

 

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây