Nét riêng trong tập thơ “Sắc chiều” của tác giả Phạm Thị Hồng Thu

Thứ ba - 20/08/2024 10:49
Nét riêng trong tập thơ “Sắc chiều” của tác giả Phạm Thị Hồng Thu

 

 
 
    Thái Thị Hải  
   Cựu giáo viên Ngữ Văn, Trường Lomonoxop, Hà Nội.
 

    T ập thơ Sắc chiều của Phạm Thị Hồng Thu - do Nxb Hội Nhà văn ấn hành 2021, làm xuất hiện trong tôi những cảm nhận lạ. Ngay bức tranh ngoài bìa với màu nâu sáng tỏa ra, loang ra bởi vài ba luồng nắng chiều vàng nhẹ phản chiếu lên những dãy núi mây đang dâng cao tầng tầng lớp lớp, đã gợi lên một cảm giác về cái gì đó ấm ngọt như mật ong.

  Đặc biệt là cái tên Hồng Thu! Đối lập với hình ảnh lá vàng rơi gợi sự héo úa, tàn tạ, lạnh lẽo, buồn thương của mùa thu trong thơ ca cổ điển phương Đông, Hồng Thu lại cho tôi hình dung ra trái hồng đỏ mọng, căng tròn, chín ngọt của mùa thu. Và cùng với nó là những hương vị đầy quyến rũ của những trái cây quen thuộc như quả thị vàng, trái na chín, hương ổi thơm ngọt. Đúng là Thu quyến rũ - tên một bài hát của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn.

  Từ đó tôi phỏng đoán thi phẩm này không thể dạo một bản đàn xưa cũ, trái lại giai điệu mà nó ngân lên sẽ khác hẳn: thanh tân, trẻ trung, tươi tắn, ấm áp chăng? Và nhan đề “Sắc chiều” của tập thơ không không thể hiểu theo nghĩa là màu sắc thông thường. “Sắc chiều” phải chăng chính là sắc điệu tâm hồn của thi nhân - một hoàng hôn mật ong dịu dàng, đằm thắm, ngọt ngào, ấm áp.

  Toàn bộ tập “Sắc chiều” có 84 bài, được sáng tác từ năm 2020 - 2021. Hai cảm hứng chủ yếu toát lên từ thi phẩm. Thứ nhất là tình yêu thiên nhiên như các bài: Đợi xuân, Tình khúc giao thừa, Ngọt ngào tháng ba, Dịu dàng tháng tư, Rét ngọt…Thứ hai là nỗi xúc động, suy tư trước những tâm trạng chân thực, phong phú của con người thể hiện trong các bài: Đam mê, Yêu, Níu hoàng hôn, Tình ta như mưa ngâu, Cứ yêu đi…

Cảm hứng bốn mùa là nét nổi bật trong tình yêu thiên nhiên của nhà thơ. Ở đó, mùa xuân được nhân hóa thành hình tượng thiếu nữ duyên dáng trẻ trung tươi mới hứa hẹn tương lai sán lạn:

          Xuân tha thướt đến nhẹ nhàng đủng đỉnh,

          Nàng xuân xanh bất tận (Đợi xuân)

          Nàng xuân biêng biếc thẫn thờ chào đông (Xuân về)

         Xuân rạo rực trong nhành non lộc mới

        Xuân dịu ngọt trong má đào nhuận sắc

        Xuân đến đẹp tươi hồng náo nức (Tình xuân)

 Với cái nhìn đa tình ấy, nhà thơ khiến cho mùa xuân mất đi khái niệm thời gian khô khan, lý tính mà hoàn toàn hiện hữu như một giai nhân:

      Xuân sang tuyệt thế

      Đất trời

     Thăng hoa  (Tình khúc giao thừa)

 Tình cảm ngợi ca, yêu mến, nâng niu vẻ đẹp mùa xuân được bộc lộ trong những hình ảnh miêu tả chọn lọc tinh tế sinh động, các động thái thiên nhiên giàu tưởng tượng:

    Gió nhè nhẹ khe khẽ xao cành lá

    Mưa bay bay giăng mắc nở hoa trời

    Đất cựa mình nâng giấc lộc xinh tươi

    Đào run rẩy ủ mình mong ngóng đợi   (Đợi xuân)

 Những bài thơ về mùa hạ không nhiều song gây ấn tượng mạnh bởi hình tượng “Nắng”, “Mưa”. Vẻ đẹp rực rỡ chói chang quen thuộc không xuất hiện, ngược lại cái nắng đặc biệt gay gắt từ 37 - 40 độ giờ đây luôn đe dọa sự sống muôn loài. Cảm giác bức bối, nóng nực, “bí bách” “ngợp thở” do biến đổi khí hậu trong những thập kỷ gần đây khiến vẻ đẹp của phượng hồng, âm điệu của nhạc ve nhạt dần, tắt dần đi. Để lại trong cảm nhận của nhà thơ chỉ còn là ấn tượng về cái:

    Nóng hừng hực

                       Vàng một màu

                                       Đặc quánh

    Cây thẫn thờ

                 Gió trốn chạy

                                Tìm mưa

   Ngay cả khi cơn mưa mùa hạ đến thì nó không hề là sự chờ đợi, mong ngóng, hả hê sau những đợt nắng nóng kéo dài nữa. Trái với tình cảm vui mừng của chú bé Trần Đăng Khoa ngày trước đón mừng mưa tới:

    Muôn ngàn cây mía

    múa gươm

    Ngọn mồng tơi

    nhảy múa         (Mưa 1967)

  Mùa hạ trong thơ Hồng Thu nhanh mạnh dữ dội như một sự tàn phá, trừng phạt bởi tức giận của trời:

   Trời sầm sập mây đen giăng kín lối

   Gió ầm ào xoáy lốc mạnh từng cơn

   Cây ẩm ê cành rung lắc tủi hờn

   Lá đau đớn lìa cành rơi lả tả

  

   Mưa trút lệ ầm ầm xối xả

   Như bao ngày kìm nén được bung ra

   Thỏa cơn hờn ấm ức những ngày qua

   Hành vạn vật được một phen gột rửa

 Một cách gián tiếp, cảm xúc mùa hạ của nhà thơ hàm chứa phản ứng về sự thay đổi khí hậu trên trái đất. Trái đất ngày càng nóng lên bởi tác nhân có hại: nhiệt than đá, hiệu ứng nhà kính, nạn phá rừng, hóa chất của các nhà máy làm ô nhiễm nguồn nước, tầng ozon bị phá hủy, hạn hán, lụt lội, lũ quét, lũ ống, đất đai bị sa mạc hóa …Ước mơ được trở về với thời khí hậu tốt lành luôn tuân theo quy luật ngàn xưa được thốt lên trong câu hỏi không sao kìm giữ nổi:

      Người ngẩn ngơ

                        Ngày xưa ơi

                                        Bao giờ?

  Tình cảm với mùa thu gây ấn tượng nhất trong cặp bài “Đợi thu” và “Tình thu”. Tiếng thơ của hai bài thơ như lời tự hỏi - đáp của nhân vật trữ tình về mùa thu trong mộng tưởng. Vì quá mong đợi mùa thu đến nên nhà thơ trông ngóng khắc khoải trong những phỏng đoán của điệp ngữ lặp tới bốn lần:

   Có phải em chưa muốn sang...

   Có phải em chưa sẵn sàng...

   Có phải em vẫn mơ màng...

   Có phải em sợ trái ngang ...

  Chứng tỏ việc dõi theo, hình dung tưởng tượng những biểu hiện của mùa thu đã trở thành niềm say mê, thú vị và ý nghĩa sống của nhà thơ. Có điều dù suốt sốt ruột đến mấy, nhà thơ vẫn dành cho mùa thu vẻ đẹp đầy nữ tính: nhẫn nại, chậm rãi, chắt lọc sắc màu, hương vị tinh túy, thanh khiết đặc trưng của mùa thu - “cúc đủ độ vàng”, “cốm làng Vòng ngọt ngào” - để dâng hiến cho đời tất cả.

      Có phải là em vẫn mơ màng

      Nhẩn nha cho cúc đủ độ vàng

      Nhẩn nha chắt lọc hương đồng nội

      Cho cốm làng Vòng ngọt ngào tan

  Không chỉ thế nàng thu còn mang tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ luôn lo lắng cho những bất trắc trong tình yêu. Nên dù mùa thu đến chậm, nhà thơ vẫn thông cảm chia sẻ:

      Có phải là em sợ trái ngang

      Sợ ngâu tháng bảy quá phũ phàng

      Ngăn ngắt nhớ thương vời vợi đợi

      Em càng đủng đỉnh níu thời gian

  Nếu câu hỏi trong “Đợi thu” là nỗi mong nhớ trong thấu hiểu và bao dung thì lời đáp trong “Tình thu” là lời giãi bày của quy luật tình cảm. Bước giao mùa “chầm chậm” của lá, “dìu dịu” của gió, “rơi rơi ngâu” của mưa là khúc dạo đầu của bản nhạc mùa thu. Nó hứa hẹn giây phút trùng phùng gặp gỡ của những lứa đôi. Họ mong mùa thu - mùa yêu - mùa cưới để cùng xe duyên thắm”. Trước kia bây giờ và mãi mãi sau này muôn đời thu vẫn vậy. Điệp ngữ “Thu có bao giờ lỗi hẹn đâu là câu hỏi phủ định nhằm khẳng định một quy luật muôn đời. Thời gian tuần hoàn, thu sẽ đến như một lời thề ước làm yên lòng những người khao khát “Đợi thu”, “Luyến thu”. Vẻ đẹp của mùa thu, mong ước thầm kín để tình yêu đôi lứa khi mùa thu đến và ẩn sâu trong tất cả tình yêu của mùa thu của nhà thơ đều được thể hiện trong cặp đôi thơ này.

  Thơ về mùa đông số lượng ít hơn trong bốn mùa nhưng gây ấn tượng khá sâu bởi cái nhìn lạ. Mùa đông trong cái nhìn truyền thống của thơ văn thường gợi ra những hình tượng buồn: trời xám màu chì, mưa phùn, gió bấc, cây cối khẳng khiu trụi trơ cành lá, cái đói, cái rét dày vò vạn vật, tình người cô đơn lạnh lẽo trong giá buốt... Ngay cả nhà thơ Đường nổi tiếng Trung Quốc là Bạch Cư Dị cũng từng cảm nhận nỗi buồn thê thiết về tiếng côn trùng mùa đông:

        Tiếng trùng đông não hơn thu

        Người ngây thơ mấy nghe ru cũng sầu

        Ta già nghe chẳng sao đâu

        Tuổi xanh nghe dễ bạc đầu như chơi.

   Những thú vui quen thuộc cầm, kì, thi, họa, những cảnh đẹp đơn điệu trăng, hoa, tuyết, nguyệt ở chốn lầu xanh không hề làm giảm đi, thậm chí lại tăng thêm cái cảm giác ê chề buồn tủi của kiếp gái làng chơi nổi tiếng Thúy Kiều. Cảm giác cô đơn giữa chốn đông người khiến Kiều càng thấy thương mình hơn, đặc biệt vào những ngày đông tháng giá, đến mức Nguyễn Du phải cảm thán trong lời thơ khái quát:

         Đòi phen gió tựa hoa kề

         Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu

         Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

         Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

  Chính vì vậy “Rét ngọt của Hồng Thu đã tạo nên một cái nhìn hoàn toàn khác lạ. n dụ chuyển đổi cảm giác không hề gây ra sự quen thuộc như không còn gì để xúc động trong một từ ghép rét ngọt”. Mà “Rét ngọt trở thành nhan đề của bài thơ để rồi mở ra những cảm nhận phong phú của con người. Trong các tên gọi đáng sợ của cái rét mùa đông là rét buốt, rét giá, rét cắt da cắt thịt, rét căm căm, rét đậm, rét hại thì lạ thay lại có một thứ rất dễ chịu, thậm chí còn thú vị nữa đó là “rét ngọt ngào”. Điệp ngữ lặp bốn lần mở đầu cho mỗi khổ thơ đã lý giải cho ta cái nét đáng yêu đáng quý của cái gọi là rét ngọt”. Rét vốn là cảm nhận xúc giác nhưng lạ lùng thay ở khổ thơ thứ nhất nhỏ nó chuyển sang cảm nhận thị giác:

        t ngọt ngào cho hoa đẹp lung linh

        Muôn cánh ép đợi rét về tung sắc

 Sang khổ hai chuyển đến cảm giác vị giác và khứu giác:

        Rét ngọt ngào cho quả ngọt cành sai

     ...Bưởi dịu dàng e lệ đậm đà hương

  Tới khổ ba, rét trở thành sức sống vật chất như có thể tính đếm, cân đong, đo lường bằng mắt, bằng tay, bằng trí óc: “Rét ngọt ngào...

       Gom góp chắt chiu đợi chờ ngày bung lụa

       Dâng cho đời hương sắc khó phôi phai.

  Và đỉnh cao của rét ngọt ngào là sự bất ngờ bởi nét đối lập ngữ nghĩa trong câu kết bài thơ rét mà lại ấm:

       Rét ấm lòng lan tỏa mọi yêu thương.

  Bởi trong những ngày đông tháng giá, tình yêu thương của con người đã lan tỏa đến các em thơ, mẹ già, các chiến sĩ biên phòng qua bao tấm áo được khâu, may, đan, thêu gửi tới. Cảm giác đặc biệt, lạnh lùng, cô đơn không còn bao trùm họ nữa.  Tình yêu thương “lá lành đùm lá rách đối với những người kém may mắn, chịu nhiều khó khăn gian khổ trong đời chính là bếp lửa nồng ấm giữa đêm đông. Với bài thơ, ý nghĩa từ vựng rét ngọt như lùi sâu để nhường chỗ cho ý nghĩa nghệ thuật nhân sinh phong phú và sâu sắc. Tngọt trong rét ngọt không chỉ là cảm giác hưng phấn thích thú trong nhận thức về không khí đặc biệt giữa mùa đông; mà cũng không chỉ cho ta hình dung những hứa hẹn một mùa xuân tươi thắm sau ngày dài tích tụ dần nhựa sống; mà cao quý hơn tất cả đó là tình yêu thương gắn bó cảm thông, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong mọi khó khăn gian khổ giữa người với người. Chính chất ngọt ngào chân thành của tình người sẽ giúp ta chịu đựng và vượt qua mọi giá rét ngày đông. Phải chăng bài thơ còn thể hiện sâu xa một quan điểm triết học - Rét mà lại m chính là hai mặt đối lập của một tình cảm thống nhất: Tình yêu thương.

   Không chỉ ý nghĩa nghệ thuật bài thơ sâu sắc mà cái gây xúc động còn nằm ở cảm xúc nghệ thuật của nhà thơ. Trong những cái rét đáng ngại, đáng sợ của mùa đông, Hồng Thu vẫn trân trọng nét đáng quý, đáng yêu của “rét ngọt”. Đọc bài thơ, ta không cảm thấy buồn thương, cô đơn, hờn tủi giữa mùa đông băng giá. Trái lại ta thấy hạnh phúc biết bao nếu biết yêu thương và được yêu thương. Chính niềm tin yêu con người và cuộc đời của Hồng Thu đã khiến cô có cái nhìn và cảm xúc tươi trong “Rét ngọt”. Truyền đến cho chúng ta niềm tin yêu ấy là viên kim cương cảm xúc của nhà thơ. Đến đây tôi tôi chợt nhớ tới lời đánh giá của một nhà văn - nhà phê bình người viết truyện cổ tích nổi tiếng thế giới: Cái đáng quý nhất ở Andersen (Đan Mạch) chính là ngay cả trong cống rãnh, ông vẫn tìm thấy kim cương.

 

  Cảm hứng trước những tâm trạng phong phú của con người được thi nhân thể hiện trong nhiều cung bậc. Khi là tiếng kêu đau đớn Trời ơi!” trước dân:

       Miền Trung

                khổ ải nhọc nhằn

       Hạn hán bão lũ

               quanh năm dập dồn

  Chọn hình thức thơ bậc thang cũng làm tăng thêm chất gập ghềnh, trắc trở và nỗi cảm thông, thương xót cho cuộc sống đầy bất trắc vì thiên tai khắc nghiệt của nhà thơ đối với họ. Lúc thì hình dung tính chất nắng mưa bất kỳ của trời như một biểu hiện dễ thương đáng mến, đáng yêu nên:

        Yêu cô bé trời vẫn trẻ mãi luôn

        Nên đỏng đảnh nắng mưa là thường nhật

  Trời không còn là một lực lượng thiên nhiên kỳ vĩ, trang trọng, uy phong, lẫm liệt như thần Dớt trong thần thoại Hy Lạp hay Ngọc Hoàng trong trí tưởng tượng của Phương Đông. Cảm hứng yêu thiên nhiên, yêu con người trong bài “Yêu trời cho thấy tâm hồn nhà thơ rất hồn nhiên, trẻ trung, thậm chí ngây thơ nữa. Không còn ở dáng vẻ đáng thương của một thảo dân cất lời van xin thảm thiết trong Trời ơi”:

        Dân khổ mãi rồi

        Đừng hành dân nữa

                    lạy trời thương dân!

  Mà là một người bạn bé nhỏ của cô bé trời xinh xắn. Biểu hiện tính tình bất thường, đỏng đảnh, nắng mưa của cô bé trời và cô bé - nhà thơ là một. Đó là một nét của cuộc đời giữa những ai là tri âm tri kỷ. Tìm được một tình bạn như thế thật rất đáng quý và cũng thật rất khó trong cõi đời này. Vì vậy cô bé - nhà thơ khuyên nhủ chúng ta:

     Đã yêu nhau hãy hiểu nhau chân thật

     Chuyện thường tình đừng trách cứ nhau chi.

 

   Trong thơ ca cổ điển phương Đông, hoàng hôn là bức tranh tâm cảnh của nhiều nhà thơ nổi tiếng đã để lại những áng thơ tuyệt bút. Tình cảm nhớ quê hương của Thôi Hiệu đời Đường (Trung Quốc) khi nhìn khói sóng trên sông vào lúc hoàng hôn từng làm chạnh lòng bao người lữ thứ:

          Nhật mộ hương quan hà xứ thị

          Yên ba giang thượng sử nhân sầu  (Hoàng Hạc lâu)

  Tản Đà dịch:

         Quê hương khuất bóng hoàng hôn

         Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

   Hoàng hôn là khung cảnh gợi lên nỗi trống vắng, cô đơn, không tri âm, tri kỷ và cả cảm quan phủ nhận kín đáo triều đại mình đang sống của Bà Huyện Thanh Quan trong “Chiều hôm nhớ nhà”:

          Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn

    ...

          Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ

          Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

  Nếu trong thơ xưa, thi nhân thường viết hoàng hôn để gợi lên nỗi nhớ nhà, nỗi buồn của người xa xứ, thì đến nhà thơ mới Huy Cận thời hiện đại tâm trạng ấy còn da diết đến vô cùng. Trong một buổi chiều tà đứng trước Tràng giang”, trời rộng nhà thơ cảm thấy mình hoàn toàn bị dứt khỏi mọi liên hệ với không gian bởi cuộc đời của người dân mất nước vô định không bến đỗ, không mục đích. Vì thế sống giữa quê hương mà vẫn mang tâm trạng thiếu quê hương:

          Lòng quê dợn dợn vời con nước

          Không khỏi hoàng hôn cũng nhớ nhà

  Câu thơ heo hút một cái tôi hiu quạnh, bỗng cảm thấy bơ vơ trước không gian cao sâu, dài rộng của trời nước, muốn tìm về vin tựa, giao hòa với một cái ta rộng lớn hơn. Nỗi nhớ quê hương của Huy Cận còn ẩn giấu trong một ngọn Lửa thiêng” - nỗi nhớ nước.

   Nhưng “Níu hoàng hôn là một tứ thơ hoàn toàn khác. Không phải là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nỗi cô đơn trống vắng hay nhớ nước mà là nỗi nuối tiếc trong tình yêu của lứa đôi ở buổi xế chiều của cuộc đời.

  Người thơ ở đây là một người đàn ông, lần đầu tiên anh nhận ra vẻ đẹp của người mình yêu. Không phải là sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng của một thiếu nữ; cũng không phải là phong thái linh hoạt, sắc sảo, thông minh của một thiếu phụ; mà là vẻ đẹp của người phụ nữ bình lặng, chín chắn, có chiều sâu, từng trải, như một trái cây đỏ mọng, ngọt thơm, đậm đà hương vị. Đó là vẻ đẹp khiến người ta, nhất là đàn ông phải sững sờ trước sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ kỳ của nó - một Hoàng hôn mật ong - Tỉnh mộng đồng thời cũng là vỡ mộng vì:

         Hoàng hôn đẹp nhưng mà sao tàn khốc

         sáng chói lòa rồi phút chốc đêm đen

         cả một ngày cháy trọn vẹn đã quen

         đêm sắp xuống bỗng bàng hoàng chợt tỉnh.

  Anh nhận ra quy luật tàn nhẫn của Hoàng hôn mật ong: Thời gian tồn tại của cái Đẹp - tình yêu lứa đôi rất ngắn. Cũng là lần đầu tiên anh nhìn lại mình và tự trách sự vô tâm, bàng quan đến mức hờ hững, suýt để mất đi sức sống của tình yêu:

         Cả một đời anh say sưa đủng đỉnh

         nên chẳng buồn dòm ngó một chút em

         để chiều nay anh sửng sốt ngước nhìn

         em đẹp thế mà sao anh hờ hững.

    Có lẽ như phần đông đàn ông phương Đông, anh từng nghĩ vợ là sở hữu của mình việc gì phải quan tâm, phải giữ gìn, phải nâng niu vun đắp, hãy giành trí lực cho bao nhiêu việc khác cần thiết hơn! Để rồi đến hôm nay anh ân hận nhận ra: khi hiểu được vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, vô cùng đáng giá của vợ mình thì thời gian tình yêu của cả hai không còn nhiều nữa.

     Vậy vẻ đẹp của người phụ nữ anh yêu là gì khiến anh phải tự trách mình? Có phải chỉ là nhan sắc không? Người đời thường coi sắc đẹp của người phụ nữ giống như bông hoa sớm nở tối tàn, như nhà thơ Nguyễn Bính từng than tiếc trong “Viếng hồn trinh nữ”:

         Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

         Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

   (Hai câu thơ Đường Tạm dịch:

         Người đẹp từ xưa như tướng giỏi

         Chẳng hẹn cho ai thấy bạc đầu)

   Nên, mong muốn khẩn khoản của người đàn ông trong khổ cuối ẩn chứa một điều quý giá hơn tất cả. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn nhân hậu, vị tha, bao dung, của đức hi sinh thầm lặng cho chồng con, cho gia đình, cho cuộc đời của người phụ nữ. Vì vậy, dẫu muộn màng nhưng quãng thời gian còn lại dù ngắn ngủi cũng giúp anh đền đáp, dâng hiến một tình yêu chân thật, thủy chung quý giá cho người vợ, người tình, người phụ nữ anh yêu:

           Em ơi em cứ từ từ đủng đỉnh

           cho anh còn kịp níu chút thời gian

           cho hồn anh nhức nhối cõi mộng vàng

           dẫu tan biến trong anh em còn mãi.

   “Níu hoàng hôn”, níu giữ hạnh phúc trong tình yêu không chỉ là ước muốn của người đàn ông trong bài thơ mà còn chính là tiếng lòng thầm trách, thầm yêu và khát khao của “em” - người phụ nữ. Hiểu tấm lòng nhau, cả anh và em đã đạt tới đỉnh cao của hạnh phúc.

   Đọc lại toàn bộ bài thơ ta cảm thấy lời thơ ở đây không chỉ là của anh hay của em mà còn là của chính nhà thơ - một người phụ nữ đang yêu, được yêu và tự tin vào vẻ đẹp của mình. Nếu như Tản Đà kín đáo mượn hình tượng Non - Nước để ẩn dụ cho tình yêu giữa nàng chàng trong “Thề non nước”:

            Giời Tây chiếu bóng tà dương

            Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha

            Non cao tuổi vẫn chưa già

            Non thời nhớ nước, nước mà quên non!

    Thì nữ sĩ Hồng Thu kiêu hãnh yêu và nũng nịu hờn trách rất dễ thương:

            Em đẹp thế mà sao anh hờ hững.

    Cảm xúc của các nhân vật trữ tình trong bài thơ đã khiến “Níu hoàng hôn” là một thi phẩm đẹp, dễ chiếm cảm tình của người yêu thơ.

                                                         ***

  Những bài thơ tiêu biểu của tập “Sắc chiều” đã khẳng định chắc chắn hơn cảm nhận ban đầu của tôi. Hình tượng thiên nhiên, cảm xúc con người được khắc họa bằng những thi tứ khác lạ mang nét riêng của tác giả: nhân hậu, yêu đời, luôn hướng tới ngưỡng toàn thiện, toàn mĩ. Nét vui tươi, hóm hỉnh, trẻ trung trong cái nhìn, trong cảm xúc nhiều hơn nét buồn. Sự tự tin, lòng phấn chấn và tinh thần sống say mê của nhà thơ là điều đáng quý giá mà người đọc được tiếp sức qua các bài thơ.
 

                           Hà Nội ngày 8 tháng 3 năm 2022
                             T.T.H

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây