Nhà văn Trịnh Văn Túc: Những vần thơ mang hình viên đạn!
Thứ ba - 23/07/2024 17:45
Lê Tự
Dáng vẻ cao gầy, đầu gối quá tai, hơi giống một dị nhân chân đất, nếu gặp lần đầu không ai đoán được người này là một nhà văn. Ông là Trịnh văn Túc! Một kiểu cười hiền hậu, hơi méo mó mà bao dung, phảng phất chất “tự kỷ” nhưng thẳng thắn, ông đã làm nên phong cách riêng cho đường văn của mình, một phong cách không thỏa hiệp với cái xấu cái ác...
Một lần, lâu lắm rồi, chừng hơn 20 năm về trước, tôi vô tình gặp nhà văn Trịnh Văn Túc tại tư gia cụ Nguyễn Minh Thắng. Theo dõi hai người giao lưu với nhau, tôi hiểu đó là đôi bạn vong niên, mặc dù tuổi tác chênh khá nhiều.
Ông Túc trông rõ nhà quê, hình hài thong dong, đầu gối quá tai, thi thoảng lại rón rén nói một câu không gãy góc, văn ngôn và ngữ điệu nhẹ nhàng nghe hơi lạ tai bởi tôi quen ăn sóng nói gió. Tôi đoán thầm, chắc chắn ông này là tay “chăn vịt thứ hạng” ở một vùng quê nào đó thuộc đồng bưng chiêm trũng, phất cờ một phát, nghìn quân xung phong. Tôi ấn tượng điệu cười của ông, hiền từ nhưng có nét quyết đoán và mưu lược như thể Khổng Minh ngồi trước trận đồ bình thế chuẩn bị xuất binh tấn công quân Tào. Tôi tóm lược nhanh trong đầu, tự vấn với chính mình, không thể coi thường nhân vật này được.
Nhà thơ Nguyễn Minh Thắng chậm rãi pha trà, một ấm trà quý có tên San Tuyết gì đó, mùi thơm phảng phất bay lên theo làn khỏi mỏng manh ngoằn ngoèo. Tôi sốt ruột chờ cụ Thắng mở lời giới thiệu về gia thế của ông bạn “chăn vịt” hiệu “thần đồng” này. Cụ Thắng lại chơi nước ngược, giới thiệu tôi với ông Túc trước. Trịnh Văn Túc tiếp nhận thông tin mà nét mặt không thay đổi, chỉ nhìn thẳng vào mặt tôi nhếch mép cười, không ra hào hứng hân hạnh làm quen, mặc dù chưa biết tôi là ai. Tôi võ vẽ có tí kiến thức nhân tướng học nên đọc được suy nghĩ trong đầu ông: “Dào ơi, nhà báo ư? Nhà báo nói láo, nhà văn nói phét, vừa nhà báo vừa nhà văn thì vừa láo vừa phét!”.
Tôi chợt thấy có gì đó sai sái trong lòng, vẫn cố giữ thái độ bình tĩnh, đưa tay cầm chén nước chè nhấp một ngụm cho đỡ nhạt mồm. Mấy giây im lặng trôi qua, tôi ngẫm ngợi và rằng ông này thuộc típ người bí hiểm, lại đang viết văn làm thơ. Tôi bắt đầu cảnh giác nên không chia sẻ nhiều về văn chương, chỉ tập trung khen trà san tuyết và bánh đậu xanh bày trên bàn. Tuy nhiên trong tư duy, tôi ngầm đánh giá không cao văn chương ông Túc mặc dù chưa hề đọc tác phẩm nào của ông ta một cách trọn vẹn. Đó là sự ngây thơ mang chút ngạo mạn của một thằng là tôi. Một thằng cũng có gốc gác nhà quê chính hiệu như ông nhưng cư trú ở phố, trong khu ổ chuột không hơn không kém.
Ông này vừa chăn vịt vừa viết văn làm thơ ư? Không, không chăn vịt mà làm bảo vệ ở cổng trường cấp 3 Chương Mỹ. Tôi cười thầm trong bụng, chăn vịt và cầm “vũ khí nóng” ngồi ở cổng trường đập ruồi có gì khác nhau đâu!
Tàn cuộc hàn huyên, cạn mấy bình trà San Tuyết, ông Túc cáo từ và mở nhời mời tôi cùng cụ Thắng về Tốt Động chơi. Một lời mời thật lòng, không xương sáo, không mặc cảm đắn đo, khiến tôi xúc động. Hóa ra Khổng Minh cũng có chiêu mến khách và tinh thần cầu thị, ấy là tôi nghĩ thế. Tôi chợt thấy hối hận bởi chính suy nghĩ nông cạn hồ đồ của mình về một người đáng kính như ông Túc thông qua dáng vẻ bên ngoài. Chia tay ông, tôi muốn nói lời xin lỗi mà không thể tìm được câu nào hợp lý, đành thể hiện bằng cái bắt tay rất chặt, ngầm chúc ông thượng lộ bình an.
Một ngày đẹp trời đầu mùa hạ, tôi và nhà thơ Nguyễn Minh Thắng quyết lên đường về Tốt Động, di hành một chuyến. Chúng tôi đứng ở cầu Zét chờ ông Túc ra đón. Sông Bùi mùa cạn, nước chảy lơ thơ như thể sông Cầu. Cây cầu Zét bắc qua sông giống dải yếm bạc thắt ngang lưng cô gái đẹp, tuy nhiên vào mùa lũ thì sông lại trở mặt gầm gào như mụ phù thủy chột mắt, dâng nước lên ngập hết cánh đồng, ngập cả nhà cửa, thế nên người dân ở đây mới có câu cửa miệng “sống chung với lũ”.
Ông Túc xiêu vẹo ra đón chúng tôi, vẫn thế, méo mó một điệu cười nửa miệng. Tôi bắt đầu có cảm tình với ông, thậm chí quy chiếu ông chắc chắn là người tốt, lại ngẫm nghĩ, chẳng biết văn chương ông có xương xẩu như hình hài thế này không!
Nghèo quá! Cụ Thắng thốt lên một câu cảm thán tự nhiên khi nhìn thấy ngôi nhà cấp 4 cũ nát, sân vôi lổ trổ bong tróc, ngang tường có một vệt thâm khè, đó là ngấn ngập nước mùa lũ, ngâm mấy tháng giời bì bõm trong năm. Chỉ duy nhất một cảnh làm chúng tôi phấn chấn, đó là đàn gà rất đông, béo mầm, chạy tung tăng ngoài sân như thách thức sức nhậu của những tay bợm rượu. Đây là thôn Đồng Dâu thuộc xã Tốt Động huyện Chương Mỹ. Một vùng quê rất nghèo, tuy nhiên gia cảnh ông Túc còn nghèo hơn cả chính quê hương mình. Cám cảnh!
Đúng như hy vọng của tôi, một tay nhà báo có thân niên ăn cơm thiên hạ, một mâm gà luộc được bưng lên đãi khách Hà Đông. Toàn thể gia đình, vợ con ông cùng ngồi với chúng tôi trên manh chiếu hoa mới tinh trải giữa nhà, lũ trẻ con nhí nhố nhưng trật tự. Mâm gà luộc thời ấy có thể coi là đặc sản cao cấp nhất dành cho thượng khách. Nhấp ngụm rượu, bất chợt ông Túc lên giọng có khí phách hơn kể về quê hương mình: “Các bác biết không, nơi đây địa linh nhân kiệt, hào hùng ra phết. Trận Tốt Động lịch sử diễn ra từ ngày mồng 5 tháng 11 năm 1426 (thế kỳ 15), quân ta đã tiêu diệt 5 vạn quân nhà Minh do tướng Vương Thông cầm đầu”. Tôi thích thú với câu chuyện và cách trình diễn của nhà văn Trịnh Văn Túc khi trong người có chút men và muốn đi xem dấu tích trận đánh ấy ngay lập tức. Ông Túc dẫn chúng tôi ra cánh đồng, nơi diễn ra trận huyết chiến, chỉ còn lại một cái bia mờ ảo chữ nho, đặt trong cái chòi gạch cũ nát. Tôi thốt lên, giời ơi, chỉ có thế này thôi ư? Ông Túc cười nửa miệng nhạt thếch, việc này nhà báo phải hỏi bên văn hóa chứ, sao lại hỏi tôi!
Trong lần về thăm tư gia ông Túc ngày ấy, chúng tôi không nói nhiều về văn chương, không ai muốn nói trước, sợ bị hiểu lầm khoe khoang. Chính vì thế mà tôi và ông Túc chỉ đọc loáng thoáng bài viết của nhau thông qua tập san Tản Viên Sơn là chính. Cho tới năm 2019 tôi được ông tặng tập truyện dài có tựa đề “Phận lá Phải Xanh”. Tôi chính thức “ngỡ ngàng” thậm chí “thú vị” vì cái tít tập sách quá hay. Chỉ mấy chữ “Phận lá phải xanh” thôi mà người xem đã hình dung ra tác giả của nó là một người sống ở nhà quê, xung quanh nhà đầy hoa lá và tiếng chim ríu rít, tính cách chân quê nhưng chẳng quê mùa, có chính kiến và khảng khái, có trách nhiệm với đời với người. Đã là lá rồi thì phải xanh mới làm tròn bổn phận, đây chẳng phải là cái tít đậm tính ẩn dụ nói về phận đạo con người hay sao! Tôi xin khẳng định luôn, bản thân mình không thể nghĩ ra một cái tít sách hay như vậy!
Cho tới một ngày gần đây, trước khi quyết định làm hội nghị giới thiệu tác giả tác phẩm này, BCH mới tìm hiểu kỹ hơn về hội viên cảu mình, nhà văn Trịnh Văn Túc, một “nhân vật quý hiếm” của chi hội trong sáng tác cũng như trong đời sống hiện sinh.
Cũng như bao đứa trẻ nông thôn thời giữa thế kỷ 20, Trịnh Văn Túc sinh ra và ngoi lên từ một miền quê nghèo khó. Người dân nơi đây ngoài làm lụng vất vả kiếm cái ăn cái mặc, lại còn phải chống chọi với mùa lũ sông Bùi. Bây giờ thì nói thế thôi, chứ ngày ấy người nông dân cũng chẳng biết mình nghèo vì cả làng ai cũng ở nhà cấp 4, cơm trộn sắn khoai. Trịnh Văn Túc lớn lên trong rơm rạ, hai bàn tay trai sạn vì đánh dậm, nhổ mạ, đập lúa, chăn trâu và tồn tại bằng những bữa cơm độn, chan nước rau muống luộc. Năm 1975, tròn 25 tuổi, cậu thanh niên Trịnh Văn Túc quyết định rời bỏ cánh đồng, xin làm phu hồ cho một công trường xây dựng. Ban ngày đánh vữa, cầm bay, chuyển gạch, ban đêm mắc màn ngủ ngay trong công trường. Tuổi hai mươi yên dấu, tạm biết quê hương lên thành phố cũng chẳng sướng hơn là bao, thậm chí đánh vữa còn khổ hơn nhổ mạ. Đêm dài lắm mộng, Trịnh văn Túc nằm vắt tay lên trán suy ngẫm về sự đời, suy nghĩ về phận mình sao mãi khổ, chẳng chút le lói tương lai? Làm gì để thay đổi vận mệnh, một câu hỏi quá khó đối với một chàng thanh niên quê kệch, chưa được đào tạo bất cứ chuyên nghành nào về kỹ năng lao động. Bất lực với chính mình, Trịnh Văn Túc thấy thương thay cho bao phận đời yếu thế, mỗi người phải kiếm tìm cho mình một cách bươn chải mưu sinh. Đi đâu cũng thấy bất công, đè nén và phân biệt. Ở quê ngày ấy đã có thơ dân gian rằng: Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà xây sân...Ra thành phố mà chẳng thoát nghèo, thậm chí còn chứng kiến bao điều uất ức. Không có những ông chủ nhiệm, ông cán bộ xã thì lại có những gã chủ thầu hống hách, ăn bớt ăn xén tiền công của thợ bần cùng, thiên vị và tha hóa lối sống...
Nhà văn Trịnh Văn Túc (áo trắng) cùng các Nhà văn trong BCH Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây
Một đêm định mệnh, khuya lắm rồi, tiếng rao đêm của cô bé bán khoai luộc khắc khoải tâm can khiến thanh niên Trịnh văn Túc không sao ngủ được. Cô bé còn bị con chó đi hoang không rọ mõm chạy theo sủa gâu gâu...Cô bé cắp rổ khoai chạy thục mạng. Có lẽ con chó hoang kia cũng đang đói lắm, nói gào xin một củ khoai luộc đấy mà. Cô bé bán khoai đứng lại, con chó cũng dừng chân, ngước lên nhìn, cô vứt cho nó một củ khoai còn nóng hổi...Thức trắng đêm, thanh niên Trịnh Văn Túc miên man nghĩ về thời cuộc, về đời người, và tự nhiên thích viết một cái gì đó về nhân tình thế thái, mặc dù chẳng biết viết như thế nào. Ý nghĩ này cứ luẩn quẩn trong đầu khiến anh không sao cầm bay xây được nữa, người như mất hết sinh khí.
Trịnh Văn Túc âm thầm mua bút, giấy làm vũ khí, đêm đêm khêu đèn ngồi trong màn bắt đầu viết, mà chẳng biết viết gì, cứ viết thôi, sáng sớm lại xé bản thảo ném vào thùng rác. Việc làm lạ đời của chàng Túc đã bị gã bảo về công trường để ý, mới đầu hắn chỉ tò mò theo dõi cho vui thôi, sau thì hắn lại báo cáo lên cấp trên, rằng có một tên gián điệp đêm nào cũng viết tin tức gửi cho CIA. Ban chỉ huy công trường đã thành lập chuyên án theo dõi và xác minh nhân thân Trịnh Văn Túc, thậm chí cử cán bộ về quê xác minh họ hàng hai bên nội ngoại. Sau khi thu thập, nghin cứu những trang bản thảo do anh vứt ở thùng rác, ban chuyên án ra kết luận sơ bộ: “Công nhân Trịnh Văn Túc có dấu hiệu thần kinh phân liệt nhẹ!”.
Năm 1988, Trịnh Văn Túc quyết định rời bỏ thân phận công nhân gạch vữa, xin về làm bảo vệ tại trường cấp 3 Trúc Động huyện Chương Mỹ, ngay sát cạnh nhà mình. Thế là số anh không thể xuất ngoại, đúng như ông thầy tử vi đã dự đoán từ khi anh ra thành phố làm công nhân.
Công việc mới này khá thú vị, đặc biệt có nhiều thời gian cho anh suy nghĩ và viết những điều mình thích. Có bao nhiêu chuyện mới chuyện lạ cuộc đời lại diễn ra ngay bên cổng trường này khiến Trịnh Văn Túc càng quyết tâm viết, mặc dù chưa biết kết quả sẽ ra sao. Nơi đây thật tinh khiết với những tà áo trắng học trò nhưng cũng có rất nhiều điều bức bối xung quanh việc dạy và học trong thời kỳ “loạn dạy thêm học thêm, chạy điểm, chạy trường, thậm chí chuyện tình tiền...”
Trịnh Văn Túc ngồi đấy, ngắm nhìn, phán đoán và phân tích hiện thượng xã hội, tối về nhà lại viết, cứ viết như điên như cuồng. Thời khắc này anh đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm phân tích hiện tượng xã hội để hiểu đúng sai cũng như đã có ít nhiều kinh nghiệm viết văn thông qua tìm hiểu sách báo và được một vài người bạn là nhà văn chỉ giúp thủ pháp hư cấu một câu chuyện ngoài đời, nhân vật có thật đưa vào văn học, dựng dã thành truyện ngắn, truyện dài...
Có công mài sắt có ngày nên kim, năm 1988, truyện ngắn đầu tay của ông đã thành công, được đăng trên tạp chí Tản Viên Sơn, câu chuyện về số phận một con chó. Đã có không biết bao nhiêu nhà văn trên thế giới viết về loài chó rồi, trong đó không ít chuyện con chó phải chịu oan ức, thậm chí chết thảm vì không biết nói, không thể thanh minh khi bị hiểu lầm, vu oan. Khuyển mã chí tình, tuy trung thành với con người là thế nhưng số phận chó nhiều khi thật đớn đau. Hầu như trong ngôn ngữ của tất cả các dân tộc trên trần gian này đều có câu thành ngữ “ngu như chó”, mặc dù chó là loài rất thông minh và sống rất mực thủy chung với con người. Có nhẽ chính sự trung thành tuyệt đối quá mức với chủ mà loài chó bị coi là ngu si? Có thể lắm chứ!
Câu chuyện cảm động về con chó của nhà văn Trịnh Văn Túc cũng có cái kết rất thương tâm. Một kẻ quyền lực đã ra lệnh cho người có con chó, rằng ông và nó chỉ một được tồn tại mà thôi. Người chủ đành phải đem con chó đi rất xa, cách nhà mình mấy chục cây số với hy vọng nó không phải chết. Tuy nhiên con chó đã không hiểu mệnh lệnh sắc lẹm của kẻ quyền hành kia và đã lần mò tìm đường về với chủ. Con chó đâu có biết rằng, chính lòng thủy chung của nó đã dẫn tới kết cục bi thảm cho chình mình.
Khỏi phải nói, nhà văn trẻ Trịnh Văn Túc khi ấy đã phấn khích tới mức nào khi truyện ngắn đầu đời được ghi nhận và được trả công. Mấy đêm liền không ngủ, tâm trạng này thì bất cứ ai cầm bút đều trải qua. Trịnh Văn Túc tiếp tục theo đuổi đam mê, một thứ đam mê tốn tiền của vợ và hại não chính mình. Một khi con người đã bị nghiệp chướng trời đày thì khó có đường thoát ra lắm.
Nhà văn Trịnh Văn Túc chậm rãi lên gác bê xuống một bao tải tác phẩm đã in và những tập bản thảo chưa in cho chúng tôi mục sở thị, tổng số 18 cuốn, trong đó 16 tập văn xuôi, gồm truyện ngắn, tiểu thuyết... chỉ có 2 tập thơ. Làm một phép tính đơn giản, tính trung bình mỗi tập trên dưới 300 trang thôi, tổng lại, ông đã viết tới trên dưới 5.000 trang sách. Tôi thực sự bị choáng ngợp bởi số lượng tác phẩm mà ông đã cặm cụi viết ra trong mấy chục năm trời. Nếu bây giờ có cuộc “cải cách văn chương” thì chắc chắn ông Túc được quy thành phần địa chủ bởi số tài sản đồ sộ này. Còn tôi thì lại ví ông như một con ong chăm chỉ, chịu thương chịu khó bay đi mỗi ngày tới những bông hoa thơm mát cặm cụi hút mật cho đời.
Đề tài tác phẩm của nhà văn Trịnh Văn Túc chủ yếu tập trung vào những câu chuyện diễn ra trong đời thường ngoài xã hội, trong gia đình, trải dài theo thời gian lịch sử suốt từ những năm giữa thế kỷ 20 cho tới tận bây giờ. Nhân vật văn học hầu hết được mô phỏng, hư cấu từ những người thật mà ông quen biết, thậm chí là hình ảnh những người thân của chính ông. Cuốn tiểu thuyết “Người con gái làng Đoan Chính” được ông hư cấu từ một câu chuyện có thật tại một trường học trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Thủ pháp sáng tác này không phải là mới, đã được nhiều nhà văn trong nước và trên thế giới áp dụng rồi, tuy nhiên để tránh rắc rối và hiểu lầm lại cần tới kỹ năng hóa giải hình ảnh, điển hình hóa chân dung một cách hoàn thiện. Nhà văn Trịnh Văn Túc cơ bản đã làm được chuyện này, đó là một thành công. Nhân vật chính trong tác phẩm của ông thường là những người ở tầng đáy xã hội, những người bất hạnh yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí oan khiên trong cuộc sống hiện sinh. Tất nhiên rồi, bênh vực người yếu thế thì phải lên án kẻ bất nhân, quyền lực, vạch trần những thủ đoạn lưu manh của giới ăn trên ngồi chốc, bản chất tham lam vô nhân tính của kẻ có quyền thế trong xã hội. Ngòi bút của nhà văn Trịnh Văn Túc đã không nương tay với phe phản diện và có đủ bao dung với người chân chính, cứu vớt họ cả về tâm hồn lẫn ước mơ, mô típ cô gái nghèo chân quê bất ngờ gặp được chàng hoàng tử đã được ông xây dựng thành công trong tác phẩm của mình, một cái kết luôn có hậu...
Ngẫm nghĩ về nhà văn Trịnh Văn Túc tôi chợt thấy có gì đó giống với nhà văn Maxim Gorki thời Liên Xô. Hai nhà văn này có nét tương đồng, chưa được đào tạo cơ bản về văn chương, thậm chí chưa học qua đại học nhưng rất đa tài, bút lực tràn trề ma mãnh. Bút danh Gorki trong tiếng Nga có nghĩa là “cay đắng”, những nhân vật trong truyện của nhà văn Liên Xô này hầu hết đều là những người bần cùng thuộc tầng đáy xã hội đương thời. Ông đã lên án gay gắt chế độ Sa Hoàng không khoan nhượng, thậm chí vỗ thẳng vào mặt nhà vua độc tài này.
Văn là người, quả đúng như vậy, giọng văn của Trịnh văn Túc không quá gấp gáp, tình tiết câu chuyện diễn biến từ từ như chính phong thái của tác giả vậy.
Có thể nói, sáng tác thơ là thế mạnh thứ 2 của Trịnh Văn Túc. Bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên tạp chí Tản Viên Sơn có tít là “Tiếng hát trên công trường”, một cái tít đại chúng đậm nét phong trào, có tính cổ vũ cao, tư duy của một thanh niên đứng đắn. Nói về “quy trình” sáng tác thơ, ông Túc vỗ vào trán ngập ngừng như thể chuẩn bị trình bầy một luận án: “Mỗi khi nằm ngẫm thơ lại thấy mình cô đơn khủng khiếp, lại thấy mình nhỏ nhoi như cái kiến con sâu, bị vùi dập trong những cơn phong ba bão táp. Đề tài thơ như hòn đá tảng nặng nghìn cân, con kiến nhỏ nhoi làm sao vác đặng! Ông mặc cảm với chính mình, thế nên có những bài thơ viết xong liền dấu đi biệt tăm biệt tích.
Tính đến nay nhà văn Trịnh Văn Túc đã sáng tác được trên 300 bài thơ với đủ thể loại. Đọc hết tập thơ đã in và những bài còn nằm trong bản thảo, tôi chắt ra hai câu sau đây:
Những câu thơ mang hình viên đạn
Bắn vào kẻ thù mình lại thấy run đau...
Có thể nói, hai câu thơ này thuộc hàng tuyển, ngang tầm với bất cứ câu thơ nào được coi là hay nhất trên thế giới. Đó cũng là tuyên ngôn thơ của ông và cũng chính là chất văn con người Trịnh Văn Túc. Ông căm nghét kẻ bất nhân bất nghĩa nhưng cũng thương hại chúng, muốn bắn nát tim cho chúng chết đi nhưng lại không muốn nhìn thấy đồng loại đầu rơi máu chảy. Ông muốn vung gươm lên rồi mở cho chúng một con đường sám hối. Tôi cứ nghĩ, ông làm hai câu thơ này khi đang ngồi bắt chéo chân thiền sâu, trong đầu lởn vởn hình hài Đức Phật nhân từ đang đi khất thực cho ngày thành chính quả. Một sự dùng gằng, cắn xé, băm vằm và khoan dung cứ trộn lẫn vào nhau khiến câu thơ bật văng ra như thể dòng máu tuôn chảy từ động mạch chủ, lễnh loãng đỏ và đông cứng lại nhờ cơ chế sống mà thượng đế ban tặng cho loài người.
Đến bây giờ, sau mấy chục năm sáng tác, nhìn lại tác phẩm của mình, nhà văn Trịnh Văn Túc thấy không thật hài lòng. Ông tâm sự, nhiều lần muốn thay đổi giọng văn mà khó quá. Vẫn biết rằng văn là người, mỗi người có một giọng điệu riêng, không lẫn với người khác được. Tuy nhiên ông vẫn muốn thay đổi chính mình, vẫn muốn có một bước nhảy vọt thật cao thật xa, chỉ một nhịp thôi sẽ bay qua sông Bùi mà chưa thể...
Nhà văn Trịnh văn Túc có một gia đình thật hạnh phúc. Mối tình đầu của chàng Túc với người con gái tên Liên quê ở Chúc sơn thật lãng mạn. Một lần cô Liên đi buôn sắn, dắt xe đạp nặng trĩu, ì ạch xuống đò Zét qua sông. Bất ngờ cô bị trượt chân khiến cả xe hàng và người ngã quăng xuống sàn đò đau điếng, cánh tay rớm máu sưng vù. Chàng trai tên Túc đứng gần đó, liền lao tới đỡ cô gái và xe hàng, rồi đưa lên bờ sơ cứu. Cô gái cảm động trước việc làm cao thượng của chàng trai không quen biết và đã mời chàng về nhà mình chơi. Đêm ấy chàng Túc không sao chợp mắt, trong đầu lởn vởn hình ảnh cô gái nhỏ nhắn có đôi mắt hạt nhãn đi buôn sắn bị ngã trên chuyến đò chiều. Ngay sáng hôm sau chàng đạp xe về Chúc Sơn tìm tới địa chỉ nhà cô gái ấy với một túi khoai lang làm quà. Mấy tháng sau thôi, cô gái buôn sắn quê Chúc Sơn đã khăn gói quả mướp theo chàng về Tốt Động làm dâu. Bà Liên chia sẻ: “Ngay lần gặp đầu tiên, bố mẹ tôi đã có cảm tình với anh Túc rồi, người gì mà hiền lành như đất”. Một câu chuyện tình sét đánh có hậu. Ông Túc nói về vợ mình như sau: “Nếu không có bà ấy thì tôi không thể viết được dù chỉ một câu văn chứ đừng nói chi tới việc trở thành nhà văn như bây giờ”. Ông Túc muốn nói một câu gì đó cám ơn vợ mà không sao nói được. Ô hay, sao thế nhỉ, một người viết ra cả ngàn trang sách mà không thể nói dù chỉ một câu cám ơn người bạn đời đầu gối tay ấp mấy chục năm trời! Bà Liên thì nói về chồng mình thế này: “Dào ơi, ông ấy muốn viết gì thì viết, viết lúc nào thì viết, việc nhà một mình tôi làm hết!”. Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có đôi bàn tay hậu thuẫn của một người đàn bà là như thế đó! Bà Liên nói về chồng mình mấy câu đơn giản như vậy thôi, tuy nhiên mắt bà lại sáng lên trìu mến như thể công việc gia đình là bổn phận của mình. Đẹp mặt chồng thì thiếp cũng thơm lây. Tuy không đọc hết những tác phẩm của chồng nhưng bà Liên lại nhớ như in cuốn sách này viết năm nào khiến ông Túc rất khâm phục. Ông nói, bà ấy giống như thư ký của tôi...
Gia cảnh nhà văn Trịnh Văn Túc đã khác xưa nhiều lắm, không còn nghèo nữa, nhà cao cửa rộng, trong sân có xe bốn bánh đậu rồi. Các con của vợ chồng nhà văn đều đã phương trưởng, có công ăn việc làm ồn định, có thu nhập tươm tất, rất hiếu thảo với cha mẹ. Nhà văn Trịnh Văn Túc tâm sự: “Tôi bây giờ sướng lắm, chả phải làm gì, ngày 3 bữa, quần áo mặc cả ngày, chiều chiều đi thể dục và đón cháu thôi”. Đặc biệt nhất là các con nhà văn Trịnh Văn Túc đều đồng tâm ủng hộ bố sáng tác văn học, một công việc chỉ gây tốn thêm tiền. BCH chi hội tổ chức được hội nghị giới thiệu tác giả tác phẩm cho nhà văn Trịnh Văn Túc hôm nay một phần quan trọng cũng nhờ sự đồng hành của đệ nhất phu nhân nhà văn và các con yêu dấu.
Nhà văn Trịnh Văn Túc mới được bầu vào BCH Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây khóa 2024-2029 với phiếu cao tuyệt đối. Luôn luôn tự nhận mình còn “kém cỏi”, ông Túc sống rất chân thành và nhiệt tình với công việc của chi hội. Được BCH phân công theo dõi đời sống cũng như hoạt động của anh em hội viên khu vực Chương Mỹ, Xuân Mai, ông luôn thể hiện trách nhiệm với công việc, nếu hội viên nào cần chia sẻ, thăm hỏi là ông nổ máy xe phóng tới liền. Mỗi khi có họp BCH tại Hà Đông, mặc dù đường xá rất xa xôi, nắng mưa thất thường nhưng chưa một lần ông vắng mặt. Ông thuộc típ người kiệm lời, mà hành động là chính. Mỗi khi nói ra điều gì, tâm sự chia sẻ, nhận xét đánh giá... ông cũng cân nhắc rất kỹ, không bao giờ làm tổn thương ai.
Nhà thơ Phạm Đức cuối đời rơi vào hoàn cảnh cô đơn rất khó khăn, đã tìm về mảnh đất làng Đồng Dâu xã Tốt Động cư trú. Nhà văn Trịnh Văn Túc và họa sĩ Hà Huy Hiệp đã hết sức giúp đỡ để nhà thơ Phạm Đức sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời bình yên nơi thôn dã xã xôi mà mến khách này. Xin đã tạ tấm lòng quý hóa của hai nghệ sĩ làng Đồng Dâu.
Nhà văn Trịnh Văn Túc rất ít khi nói về mình nhưng lại tích cực tìm hiểu đời sống và tác phẩm của anh em trong Chi hội để viết chân dung đăng lên mạng xã hội, lên diễn đàn Tản Viên Sơn. Ông Túc phác thảo chân dung văn học khá hấp dẫn, không cần bố cục mạch lạc, không dùng từ ngữ đao búa mà thủ thỉ như thể tâm sự chia sẻ với người đọc. Bằng ngôn từ mộc mạc dí dỏm vẽ chân dung đồng nghiệp, khiến người được vẽ phấn khởi như thể nhận một món quà tinh thần vô giá.
Mừng cho nhà văn Trịnh Văn Túc nhân hội nghị trọng thể ngày hôm nay. Hội nghị ghi nhận và vinh danh một tác giả cả đời tâm huyết với nghiệp văn, cái nghiệp giời đày.
Mong rằng trong thời gian tới anh em trong chi hội còn được đọc thêm những tác phẩm mới nữa của nhà văn!
Chúc đại gia đình nhà văn Trịnh Văn Túc hạnh phúc!
L. T