Những thông điệp mới qua Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam

Chủ nhật - 27/08/2023 19:49
Những thông điệp mới qua Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam

   
     Nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thiện

     Nhà văn  Lê Hoài Nam đã từ lâu được nhiều người biết đến bởi sự đa dạng trong sáng tác. Với các thể loại  tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký... Tác phẩm của anh cuốn hút bạn đọc bởi lượng thông tin phong phú qua mấy chục đầu sách đến với bạn đọc. Nhiều truyện của anh được chuyển thể thành kịch bản phim, đã dàn dựng và phát sóng trên truyền hình cả nước như: “Trong nhà có chàng thiếu úy”, “Mãnh lực phố phường”, “Hương bạc hà”, “Thầy giáo dạy Văn”. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng, tiêu biểu như: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí VN Quân đội 1981 với Những phút đầu của mùa xuân. Giải thưởng báo Văn nghệ 2011 với: Vĩ nhân thời ốc đảo, năm 2012 với Phục sinh. Bên cạnh tiểu thuyết, nhà văn còn là cây bút truyện ngắn lão luyện. Tuyển tập Truyện ngắn Lê Hoài Nam do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý II năm 2022 là cuốn sách như thế.

Tuyển tập gồm 530 trang khổ 16 x 24cm, với
42 truyện. Mỗi truyện là một mảng màu cuộc sống được nhà văn tái hiện qua những lát cắt và góc nhìn, cách lý giải ý nghĩa riêng. Tất cả làm nên một bức tranh tổng hợp rực rỡ sắc màu chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam - Thống Nhất đất nước 30/4 (1975 - 2022). Ấn tượng đọng lại sâu sắc trong tôi sau khi đọc những trang cuối là: cuốn sách thực sự hấp dẫn với những thông điệp mới sâu sắc thể hiện qua giọng điệu riêng.

 Thông điệp chính trong Tuyển tập truyện ngắn Lê Hoài Nam

Nói đến thông điệp là nói đến những thông tin, điều quan trọng nhất, tâm đắc nhất nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc thông qua các nhân tố ngôn ngữ, hình ảnh, nhân vật, chi tiết... Ý đồ nghệ thuật tác giả truyền đi nếu lộ rõ qua câu chữ tác phẩm sẽ là thông điệp hiển ngôn, phần nổi. Nếu dụng ý nghệ thuật của nhà văn gửi gắm phía sau câu chữ hay nhân vật chính là thông điệp tiềm ẩn, phải tinh ý người đọc mới nhận ra. Những nhà văn có bút lực mạnh mẽ, khả năng phản ánh cuộc sống có sức khái quát cao thường gửi thông điệp rất sâu lắng và tinh tế. Lê Hoài Nam là cây bút như vậy.

Dòng chảy chủ lưu trong Tuyển tập là viết về người lính và cuộc chiến tranh chống Mỹ, chỉ có số ít truyện viết về cuộc chiến chống bọn Pol Pot vùng biên giới tây nam. Lê Hoài Nam nhập ngũ khi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, trực tiếp chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất như thành cổ Quảng Trị. Tác giả tâm sự cùng bạn đọc: Khi ấy cuộc chiến tranh chống Mỹ đã qua rồi, nhưng hai cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc thì chưa chấm dứt. Máu của những người lính vẫn đổ hàng ngày. Là một là sĩ quan Hải quân, cần phải viết những gì có khả năng động viên được bộ đội dám chiến đấu và hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế là trách nhiệm tối cao của những người cầm bút mặc áo lính như tôi” (trang 5). Chính vì thế, người đọc thấy được tâm thế và trách nhiệm của nhà văn ở mảng đề tài này. Dù xuất hiện trong hoàn cảnh, tình huống nào, người lính cũng đặt tình yêu nước sắt son lên hàng đầu. Đã chọn cuộc đời bộ đội, không ai là không chấp nhận hy sinh. Nhà văn xây dựng người lính thời kỳ chống Mỹ cứu nước có sự trải nghiệm và hóa thân của chính mình. Là lính đặc công, từng lăn lộn vào sinh ra tử tại một trong những tâm bão chiến sự khốc liệt nhất trong nhiều năm như mặt trận Quảng Trị, anh am hiểu tường tận cuộc sống người lính nơi chiến trường gian khổ nhưng hào hùng, đối diện với đạn bom, thương vong, chết chóc từng giờ từng phút. Những trang viết của nhà văn tươi rói sự chân thực. Xây dựng nhân vật chiến sĩ, không đi theo lối mòn các cây bút khác đã khai thác, trái lại, nhà văn luôn tìm tòi phản ánh những góc nhìn mới lạ.

Con người sống ở đời cần có tấm lòng độ lượng, bao dung là điều nhà văn muốn gửi gắm qua nhiều truyện. Ở “Cuộc gặp muộn mằn”, mở đầu là: “Sau mấy chục năm chiến tranh kết thúc, rong ruổi, hỏi han mãi Chương mới tìm đến được vùng ngoại ô của một thành phố, gặp được Nhàn, người con gái của tiểu đội trưởng Kha” (trang 139). Chương nguyên là chiến sĩ kể lại cho người thân của thủ trưởng cũ tường tận về nguyên nhân vì sao đồng đội báo cáo Kha mất tích. Chỉ vì điều này mà gia đình Kha phải chịu bao oan ức là có chồng, cha”chiêu hồi về phía địch”. Anh trai Nhàn là học sinh lớp 9 đã bỏ nhà quyết đi tìm bố. Mẹ Nhàn buồn khổ, mòn mỏi suy nhược mà chết. Nhàn tốt nghiệp cao đẳng sư phạm không được dạy học, không lấy được chồng vì bị người làng dè bỉu. Mãi sau cô nhận lời lấy một anh thợ điện vùng khác, phải đến nơi khác để mưu sinh. Chương đã nói với con gái người chỉ huy là Nhàn: “Nhưng tôi là người rất có lỗi”. “Vâng, nghe chú kể thế thì đúng là chú và chú Tảo có lỗi với bố cháu thật. Nhưng cái bồng bột của tuổi trẻ, người ta cũng dễ thể tất thôi, chú ạ. Bây giờ chú tìm về đây nói ra sự thật ấy thì lỗi của chú đã vơi nhẹ đi rất nhiều”… “Cháu hiểu được mà! - Nhìn thấy hai dòng lệ lăn hai bên gò má Chương, Nhàn nói, giọng nhẹ nhàng như an ủi lại Chương” (trang 146). Người đọc rưng rưng xúc động trước những con người là nạn nhân của sự oan khuất nhưng lại có tấm lòng độ lượng. Truyện “Triết luận hoa trà” bộc lộ cái nhìn lượng thứ và tấm lòng bao dung, dám chịu trách nhiệm về mình của tác giả, người đại đội trưởng, người cán bộ chỉ huy yêu thương cấp dưới, cảm thông với sai lầm họ đã mắc phải. Anh chấp nhận nộp bản cam kết của Hưởng và Trầm, ghi rõ ở
dưới lời cam đoan ”xin nhận hình thức kỷ luật cách chức, hạ quân hàm” nếu hai người còn tái phạm lỗi (trang 107). Sau đó họp đơn vị, anh quán triệt tư tưởng, dẹp dư luận xấu để hai chiến sĩ được ở lại đơn vị, tạo cho họ cơ hội tiến bộ về sau. Truyện có đoạn triết luận về hoa trà rất thú vị: ”Cái cây hoa trà kia mang vẻ đẹp hoàn bích đến thế thì phải thiếu đi một chút nhuỵ hương cũng là hợp lẽ âm dương, lẽ trời. Làm một con người cũng vậy, xin đừng ai cho mình là hoàn hảo hết mọi đường. Trước những lỗi lầm của người khác, nếu lỗi lầm đó không phương hại lắm đến cuộc sống cộng đồng thì nên có cái nhìn thể tất, lượng thứ...” (trang 108). Đây cũng chính là thông điệp thấm đượm lòng vị tha, nhân ái tác giả muốn gửi tới
bạn đọc.

Chơi hoa là một nghệ thuật thanh cao, chỉ những ai có tâm hồn, nhân cách trong sạch mới chơi được hoa quý, mới được tận hưởng mùi hương thanh khiết của vũ trụ cũng như của cây “Lan hoàng vũ”, hoa nhập nhân. Truyện “Lan hoàng vũ” (trang 177) cho thấy sự quan sát tinh tường và vốn sống phong phú của nhà văn qua việc phản ánh những sự vật bình thường nhưng làm bật lên bản chất sâu xa bên trong của con người. Đại úy Tường trong truyện khi về hưu non, làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Giáp Tết, Tường bán cây lan hoàng vũ - một giống lan quý”cánh hoa màu vàng cam phơn phớt tím ở mỗi cuống bông trông giống những nàng vũ nữ đang nhảy múa” - cho một người khách sang trọng. Chiều 30 Tết, ông ta điện tới yêu cầu đổi cây khác. Tuy rất vội nhưng Tường buộc lòng vượt mấy chục cây số bằng chiếc xe máy cũ đến tận nhà ông ta, đưa khách về đổi cây hoa khác. Nào ngờ khi mang trả về nhà chủ, cây hoa lại tỏa hương thơm thanh tao, quyến rũ. Vị khách kia cũng khó lòng tin. Trong lúc giải đáp câu hỏi của Tường, ông ta kể lại quá khứ và hiện nguyên hình là kẻ tham ô, sa đọa, háu gái, tâm hồn nhơ nhớp, trả thù người không vừa ý mình vô cùng hèn hạ và bần tiện. Gần những kẻ như vậy, lan hoàng vũ không tỏa hương. Hoa đã nhận rõ chân tướng của những ai là người đúng nghĩa Những kiến thức và am hiểu thấu đáo về hoa và cây cảnh như thế đâu phải nhà văn cũng có, cũng hiểu và còn sáng tạo nên hình tượng văn học để gửi gắm những ý tưởng đến bạn đọc.

Người có tài thường hay có tật, cần biết “dụng nhân như dụng mộc”. Hiện là nhân vật trung tâm trong “Lính bắn tỉa”. Khẩu súng do Nga sản xuất được anh quý như vợ con. Anh đã gia công thêm khiến súng có cái nòng dài khác thường, bên trên có mấy khía thoát khí, bắn chuẩn xác dường như bách bách trúng và”anh là nỗi hoang mang, kinh hãi tột cùng đối với địch” (tr 166). Nhóm gác đêm của Hiện và Bình lúc gần sáng nghe tiếng chân người, “cần phải cảnh giác cao độ”, “Bình quát - Ai? Nhòm người chững lại nhưng không có tiếng trả lời”, Hiện và Bình nổ súng, nhóm người nhảy nhào xuống mương và hút chết. Bị Trung đoàn trưởng Bùi Hạ túm ngực áo tổng xỉ vả. Không cam chịu, Hiện dùng Điều lệnh quân nhân thẳng thắn vặc lại thủ trưởng, khẳng định mình đúng khiến chỉ huy tức tối (trang 171). Sau này, Hiện là nạn nhân của thói thù lâu, nhớ dai ở ông ta. Người đọc hồi hộp dõi theo số phận của các nhân vật. Bọn giặc xảo quyệt gài mìn vào thi thể một tên lính trên bờ, lúc đi qua, Bùi Hạ đá xác chết xuống ruộng, mìn nổ khiến bị thương nặng. Khi anh em cáng đưa về trạm phẫu, gặp lại Hiện, Hiện đã xin lỗi thủ trưởng và Bùi Hạ cũng đã nhận ra được lỗi lầm của mình với thái độ chân thành khiến người đọc thú vị. Kết truyện có hậu như vậy rất hợp với quy luật cuộc sống.

Kiên cường và dũng cảm, dám hy sinh vì nhiệm vụ chị em nữ không thua nam giới. Ba nữ quân nhân Hát, Hảo, Hoan thuộc tổ thông tin 15 wat của Bộ Tư lệnh mặt trận trong “Tình yêu vỗ cánh” (trang 127) gắn bó bên nhau cùng làm nhiệm vụ. Các cô được thủ trưởng ghi nhận là”trung thực, chịu khó, xốc vác”, luôn dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên đặt biệt danh cho các cô là “Pháo đài 3H, vừa giữ được bí mật quân sự, vừa phản ánh đúng tầm quan trọng” (trang 128) của tổ thông tin. Tình yêu cô Hát kỳ vọng với anh trung đội trưởng đầu dây phía bên kia đã vỗ cánh song quan hệ tình cảm rất hứa hẹn giữa Hoan và Lượng ở cuối truyện cho thấy tâm hồn trong sáng và tình yêu đẹp của người lính.

Ở truyện “Thung lũng sỏi” (trang 110) nói về chuyến đi tìm mộ đồng đội cùng cuộc gặp trong mơ của cựu chiến binh Đính với cô gái ông đã chôn cất trước đây - nhà văn tái hiện nhân vật nữ bác sĩ quân y Nguyễn Thị Nhị Hà ở chiến trường rất sinh động. Cô là hiện thân của vẻ đẹp cả về ngoại hình, lòng dũng cảm và sự hy sinh. Tốt nghiệp Đại học
Y khoa, Nhị Hà nhập ngũ đảm dương việc của người trưởng trạm phẫu: xử lý vết thương, chăm sóc thương binh... và thầm yêu thương binh Đính, bệnh nhân của mình. Do mắc một sự cố kỹ thuật khi cắt amidan, cô tình nguyện vào chiến trường. Đoàn y bác sĩ điều bổ sung ra tiền phương vừa vượt qua đầu nguồn sông Bến Hải phải xé lẻ tỏa đi nhiều nơi. Biết rằng nếu đợi giao liên đưa sẽ phải lâu,
Nhị Hà nói với trạm trưởng: “Đồng chí vẽ đường, tôi tự đi được”, “cô xốc ba lô, cài súng vào thắt lưng, giấu bên trong vạt áo băng rừng, vượt suối”. Trưa hôm đó, cô vừa qua thung lũng sỏi thì hai tên thám báo xuất hiện, xông tới giở trò đồi bại. Cô vờ nghe theo và lừa lúc địch sơ hở “rút khẩu K59 nhả hai phát liền vào hai tên địch. Một thằng trúng ngực ngã đổ vật xuống. Một thằng đạn xuyên vào bụng, nó còn kịp chĩa tiểu liên vào phía tôi lia một loạt đạn rồi mới chịu gục xuống”. (trang 117). Thiếu úy Nhị Hà tắt thở nhưng “Nghe tiếng đạn nổ, toán thám báo khác xông ra, chúng gài một quả mìn vào bên dưới nách, dây mũ tai bèo nối với kíp mìn”. Nhóm bộ đội làm công tác thu dung khi thấy xác đồng đội liền nhấc mũ tai bèo thì mìn nổ, Luận hy sinh. Sự thâm độc và tàn ác của kẻ địch
đã khiến thi thể người chết một lần nữa bị tan xác… Người đọc căm phẫn tội ác của giặc, cảm phục và tự hào bởi đất nước ta có nhiều bác sĩ quân y phẩm chất cao đẹp, những phiên bản của nữ Anh hùng liệt sĩ Đặng Thị Thùy Trâm (Nhật ký Đặng Thị Thùy Trâm).

Bộ đội giải phóng quân Việt Nam giàu lòng nhân ái. Chiến tranh không phải trò đùa. Đâu chỉ người lớn anh dũng, chịu gian khổ, còn có bao cháu bé cũng kế thừa truyền thống của cha anh. “Sói con” (trang 148) là câu chuyện cảm động về thương đau, mất mát nhưng ấm áp tình người. Bố mẹ đều bị chết vì bom giặc, bé Độn chừng mười tuổi ngày ngày đi bới rác, lật tìm cả thi thể của những tên lính vừa chết để tìm đồ ăn vì đói quá. Trong cháu bé bị đói khổ cùng cực ấy tiềm tàng ngọn lửa sống mãnh liệt cho dù cháu hiện lên thật thương tâm: “Thằng bé cởi trần, chỉ mặc cái quần cộc lấm lem đất cát… trân trối nhìn bằng ánh mắt của loài sói: đói khát, cảnh giác và dữ dằn”(trang 151). Cháu Độn là bằng chứng sinh động lên án tội ác chiến tranh, đẩy em thơ vô tội vào vực thẳm đói khát và thương đau. Người đọc như cất đi gánh nặng khi cháu được chú đội Lê Thuyên cưu mang. Nhân chuyến công tác, anh đưa cháu ra Bắc, cắt tay lấy máu viết tờ cam kết bảo lãnh để thầy Hiệu trưởng nhận cháu vào học ở một trường liên cấp. Sau bốn mươi năm, Độn dần lớn lên, trở thành doanh nhân. Bức thư hẹn ước giữa Độn và Lê Tuyên hẹn cùng về thăm làng quê An Hội ở cuối truyện đáp ứng được mong mỏi của người đọc: “Điều mong muốn của cháu bây giờ là cùng chú về thăm lại làng An Hội đầy máu lửa và đau thương ấy để xin lỗi thằng Hợi và muốn giúp được gì đó cho quê hương... Chú đi cùng cháu nhé!” (trang 155) Qua những nhân vật ấy, nhà văn gửi thông điệp chỉ có tình yêu thương mới giúp được con người vượt qua mất mát.

Hòa hợp dân tộc là nguyện vọng thiết tha của con người ở hai chiến tuyến. Truyện “Bên hàng rào kẽm gai” (trang 156) với hai nhân vật chính Tư Bôn và Hai Quynh đều là những người yêu văn chương, ham hiểu và cùng yêu thích những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới. Văn chương đã có sức mạnh kỳ diệu kết nối những tâm hồn ở những chiến tuyến đối địch trở thành bạn hữu. Và tình cảm ấy còn được duy trì mãi nhiều năm sau. Chủ trương đoàn kết dân tộc không phải là khẩu hiệu chính trị mà là nguyện vọng chung của những người dân Việt. Và còn nhiều nhiều thông điệp khác nữa mà chỉ có trực tiếp đọc tác phẩm mỗi người mới thu hoạch được những bổ ích cho mình.

Là cây bút bản lĩnh có chủ kiến riêng, dấn thân trong cách nghĩ và viết, Lê Hoài Nam có lối kể chuyện đa giọng điệu, ngôn ngữ phong phú, tự nhiên, nhiều truyện có tình huống độc đáo, cuốn hút. Tuyển tập đã tái hiện được một bức tranh đa dạng về cuộc sống xã hội và con người Việt Nam với rất nhiều nhân vật phong phú. Qua đó, nhà
văn gửi tới bạn đọc những ý tưởng mới, trân trọng ngợi ca những con người dũng cảm, vị tha, nhân
ái. Tuyển tập truyện ngắn giúp người đọc cảm nhận được ý nghĩa nhân văn sâu xa: lòng tốt và tình yêu thương con người chính là vàng mười của cuộc sống.

 Hà Nội quý II năm 2022
N.T.T


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây