Tin, ảnh: DƯƠNG HÒA
Tiểu thuyết lịch sử nên viết theo theo dã sử hay chính sử? Có thể hư cấu hay không và mức độ hư cấu đến đâu? Những kinh nghiệm trong sáng tác tiểu thuyết lịch sử… là những nội dung được đưa ra trao đổi trong Tọa đàm “Tiểu thuyết lịch sử - những chuyển động” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức sáng 26-8.
Cùng hai khách mời giao lưu là nhà văn Hoàng Quốc Hải và Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tọa đàm đã trao đổi nhiều vấn đề của văn học lịch sử nói chung, tiểu thuyết lịch sử nói riêng ở Việt Nam hiện nay.
Giải đáp những câu hỏi đưa ra, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý”, cho rằng: Tiểu thuyết là sự hư cấu nhưng trên cơ sở nhà văn phải làm chủ lịch sử. Lịch sử là cái đinh mà trên đó nhà văn treo bức tranh là tác phẩm của mình. Tiểu thuyết lịch sử cũng không phụ thuộc vào chính sử, dã sử, hay bất cứ lối viết nào mà yếu tố quan trọng nhất phụ thuộc vào tài năng của nhà văn để vẽ nên gương mặt của thời đại mà tác phẩm phản ánh.
Đề cập đến yêu cầu của người viết, Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai cũng khẳng định, với nhiệm vụ giải mã lịch sử, người viết tiểu thuyết lịch sử phải có kiến thức sâu rộng.
Mối liên hệ giữa văn học và lịch sử và những yêu cầu đặt ra cho lý luận phê bình tiểu thuyết lịch sử đã được PGS, TS, nhà văn Vũ Nho đưa ra phân tích. Nhiều ý kiến cũng đề nghị các nhà lý luận phê bình, nhà văn, người yêu lịch sử và văn chương chỉ ra và lên án, phê phán mạnh mẽ những tác phẩm, tác giả nhân danh văn học nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử dân tộc.
Với sự tham gia trao đổi sôi nổi của các nhà văn và độc giả quan tâm tới tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, tọa đàm đã làm rõ hơn và gợi mở nhiều vấn đề xung quanh tiểu thuyết lịch sử và hoạt động sáng tác đang được công chúng và những nhà quản lý văn học nghệ thuật quan tâm.
D.H
Báo QĐND, 26/8/2023
Nhà văn Bùi Việt Mỹ
Về thời gian, chúng ta đang sống và sáng tác trong giai đoạn sau 13 năm kể từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long và sau hơn 20 năm cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến - TP HN phát động năm 2000 (tức 990 năm Thăng Long). Thành tựu to lớn của sáng tạo VHNT trong cuộc vận động ấy, có đóng góp của những bộ tiểu thuyết lịch sử, thậm chí có thể nói nó đã chiếm vị trí quan trọng trong sáng tác văn học những năm đầu thế kỷ này. Có thể kể ra những bộ lớn như: Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý của Nhà văn Hoàng Quốc Hải mà chúng tôi giới thiệu sau đây, cùng với Nắng Kinh thành của nhà văn Siêu Hải, 2 tập: Hồ Quý Ly và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên, Vằng vặc sao Khuê và 14 tập tiểu thuyết dã sử của Hoàng Công Khanh v.v..Các Nhà văn này đều được giải thưởng của Thủ đô và các giải văn chương khác. Ngoài đóng góp về giá trị văn chương, sáng tác của họ còn đóng góp với nghiên cứu tìm hiểu lịch sử và giáo dục, giảng dạy trong nhà trường, và như vậy nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của nhân dân ta trước yêu cầu bức thiết tăng cường bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người mới, người Hà nội thanh lịch, văn minh…
Những năm gần đây, vấn đề sáng tác, nghiên cứu văn học về đề tài lịch sử dân tộc đang ngày càng được quan tâm và trở thành v/đ lớn từ định hướng đến thực tiễn đời sống xã hội. Vậy nên, các vấn đề đặt ra với thể loại văn học này cũng ngày càng tăng lên. Từ khái niệm văn học sử và tiểu thuyết lịch sử, dã sử; từ nhận biết của tác giả mà xác định việc phản ánh sự thật và tạo dựng bố cục, đến các yếu tố hư cấu cũng như mức độ hư cấu của tiểu thuyết, hay sự khác nhau của giá trị dữ liệu trong tiểu thuyết và dữ liệu giảng dạy của giáo khoa v.v..Toạ đàm hôm nay, chúng tôi đi sâu vào trao đổi, nêu vấn đề, đối thoại và phân tích, cùng nhìn nhận phần nào về các vấn đề ấy, trước hết là chọn từ thực tế kinh nghiệm sáng tác của tác giả hai bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý - nhà văn Hoàng Quốc Hải - với những thành tựu nhất định trong các sáng tác văn học đề tài lịch sử dân tộc; Một tác giả thuộc thế hệ tiếp theo là Nhà văn Phùng Văn Khai với 7 cuốn tiểu thuyết lịch sử: Phùng Vương, Ngô Vương Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc, Trưng Nữ Vương. Hi vọng, từ góc nhìn của các nhà văn sẽ gợi mở thêm một số điều góp phần làm phong phú hơn việc sáng tác văn học về đề tài lịch sử dân tộc.
1 - Về phong cách, kinh nghiệm và thành tựu từ hai bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý của nhà văn Hoàng Quốc Hải
Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết ông đã viết bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Trần theo năm lát cắt. Mỗi lát cắt là một giai đoạn tiêu biểu. Vì vậy mới có các tựa sách khác nhau. Bão táp cung đình là giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, bằng cuộc hôn nhân của hai bé tám tuổi là Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng, tiếp đó, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Người đạo diễn thiên tài cho sân khấu chính trị này là Thái sư thống quốc Trần Thủ Độ. Công lao lớn nhất của ông là tránh được cuộc nội chiến đang có nguy cơ bùng phát, và vực dậy một xã hội ốm yếu, điêu tàn vào những năm cuối của triều Lý Cao Tông và kéo dài suốt triều Lý Huệ Tông, để chuẩn bị lực lượng chống các cuộc xâm lăng tàn bạo của đế quốc Nguyên - Mông vào mấy chục năm sau đó.
Thăng Long nổi giận phản ánh trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1284-1285).
Huyết chiến Bạch Đằng đi sâu phục dựng lại chiến thắng nổi tiếng Bạch Đằng trong lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 với những tái hiện lịch sử xuất sắc. Bộ sách được viết như một bản hùng ca thể hiện tinh thần hào hùng của một dân tộc anh hùng.
Huyền Trân công chúa thể hiện một đường lối kiên trì hòa bình của thượng hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời biểu dương tính nhân văn cao thượng của vị vua này.
Vương triều sụp đổ phản ánh cả một giai đoạn kéo dài suốt sáu mươi năm (1340-1400) suy thoái rồi sụp đổ của nhà Trần.
Mỗi tập, phản ánh trọn vẹn một chủ đề. Đọc bộ sách cho ta cái nhìn tổng thể xuyên suốt 175 tồn tại của nhà Trần, một triều đại điển hình với nhiều bài học thành bại cho hậu thế, những bài học hết sức sống động.
Đọc bộ tiểu thuyết này, chúng ta nhận thấy rất rõ nhiệm vụ đầu tiên của nhà văn là phải giải mã được lịch sử. Từ đó tạo ra được thế giới của riêng nhà văn. Giải mã lịch sử, phải thấu hiểu mọi sự đến tường tận, như nhìn vào xã hội đang sống. Vốn sống phong phú, thấu hiểu về văn hoá chính trị, cuộc sống người dân, phong tục, tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng...và thêm nữa là sự tương quan lịch sử các dân tộc, các quốc gia cùng thời...Tất cả những hiểu biết đó là bắt buộc, là chiếc chìa khóa của nhà văn trước lịch sử và trước trang giấy.
Xin nói thêm, nhà văn Hoàng Quốc Hải, với những thành tựu nổi trội (ngoài các giải thưởng văn học, ông còn được Hội NVHN trân trọng trao Tặng thưởng văn học trọn đời cách đây 2 năm). Qua từng trang viết, bạn đọc thấy sự tâm huyết với dân tộc, sự lao động nghiêm túc và quan điểm cá nhân của ông về văn chương - mảng tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam.
2 - Nhà văn Phùng Văn Khai với 7 cuốn Tiểu thuyết lịch sử: Phùng Vương, Ngô Vương Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc, Trưng Nữ Vương.
Luôn gần hai mươi năm, nhà văn Phùng Văn Khai một mực chuyên tâm lịch sử. Nhà văn hoặc cùng các đoàn nghiên cứu, văn nhân miệt mài điền dã đình, đền, chùa, miếu; hoặc mải miết bôn ba khắp nơi tham gia tổ chức các hội thảo khoa học đều là về danh nhân lịch sử.
Trong tâm thức và tinh thần ấy, Phùng Văn Khai đã giành toàn bộ trí tuệ, sức lực và thời gian của mình, từng bước, từng trang tường minh lịch sử bằng văn chương.
Về Phùng Vương và Ngô Vương, các nhà nghiên cứu, giới văn bút trưởng lão và bạn văn đồng thời đã có nhiều ý kiến, bài viết, nhiều bạn sinh viên, học viên cao học đã chọn để làm khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ...Đó cũng thể hiện sự ưu ái với lịch sử, với văn chương của Phùng Văn Khai.
Viết xong Phùng Vương, Ngô Vương, Bốn năm sau Phùng Văn Khai hoàn thành bộ Vương triều Tiền Lý 4 tập hơn 2000 trang.
Điều chính yếu cũng là văn mạch xuyên suốt của Vương triều Tiền Lý bao gồm: Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc chính là tinh thần Phật giáo hộ quốc đã được đóng đinh và nhất quán trong mấy nghìn trang sách của nhà văn Phùng Văn Khai. Tinh thần Phật giáo được thể hiện sinh động từ bước chân lẫm chẫm của cậu bé Lý Bí bảy tuổi trong đêm đông vắng lặng một mình trước mộ mẫu thân tới hình ảnh Triệu Việt Vương xuống tóc nơi chùa Bến trong đêm đông cổ trấn Luy Lâu. Các cuộc luận đàm Phật pháp diễn ra ngay giữa vương triều Vạn Xuân ngày khai quốc, khi nơi chiến trận muôn tên nghìn giáo. Với mạch truyện về hoàng đế, quân vương Vương triều Tiền Lý gắn với đối thoại về Phật giáo, Phùng Văn Khai đã mở rộng các vấn đề trọng đại trong lịch sử dân tộc khi nối kết vai trò của Phật giáo trong đời sống tinh thần người Việt. Những miêu tả về lịch sử, giáo lý, đặc biệt sự ảnh hưởng lớn của đạo Phật luôn thấm đẫm trong từng trang viết...
Bộ sách được viết liền một mạch, Phùng Văn Khai cho thấy công việc của người viết sử bằng văn chương là làm sống lại lịch sử, biến những sự kiện lịch sử vốn mang tính chất khô khan trong sử sách thành những câu chuyện lịch sử sống động và khơi mở, luận giải, đối thoại với những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc đối với độc giả. Bộ Vương triều Tiền Lý với 63 hồi trên 2.000 trang in thực sự là một trường thiên tiểu thuyết. Qua đây, độc giả như được sống lại một thời kỳ oanh liệt của lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. Dẫu câu chuyện đã qua từ rất lâu, song bài học về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, về tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, về ý chí, khát vọng hòa bình, về sức mạnh của sự đoàn kết, về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán… vẫn luôn đồng hành với nhiều thế hệ dù ở bất kỳ thời đại và sự chuyển vần nào. Bộ tiểu thuyết của Phùng Văn Khai xứng đáng có một vị trí trong tiến trình vận động, đổi mới thể loại với nỗ lực của chuyển động sáng tạo.
Bàn về Tiểu thuyết lịch sử nói chung là vấn đề rất lớn bởi từ đề tài, từ quan điểm, từ cách nhận diện sự thật, từ phương pháp sáng tạo của nhà văn. Khi Gt tập TTLS Thiên Mệnh, Nhà văn Nguyễn Trọng Tân với quan điểm trung tính: “Sử liệu thời kỳ Quang Trung và Triều đại Tây sơn bị nhà Nguyễn hủy họai hầu như không còn gì. Với mong muốn giải mã giai đoạn đặc biệt này, phải tìm các nguồn tư liệu khác nhau, có câu trích nguyên văn từ nguồn với ý thức không làm sai lạc lịch sử hoặc làm méo mó đi nhân vật của thời đại”. Ở đây chúng ta còn chưa nói đến các dạng thức của thể loại TTLS, hư cấu nghệ thuật, rồi còn cả về độ tuổi, vốn sống của tác giả trước cả một hoàn cảnh lịch sử, tâm lý lịch sử đã quá xa xưa... Chỉ qua 2, 3 thế hệ nhà văn thôi (chẳng hạn như 2 nhà văn nói trên và còn một số nhà văn trẻ đã và đang viết TTLS cũng đang tham dự hôm nay), tất cả những yếu tố ấy có thể cũng được chuyển động theo cách nhìn của riêng họ. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng trao đổi về những v/đ, những khái niệm chuyên biệt của thể loại tiểu thuyết này, v/đ đã tới mức trở thành nhu cầu quan tâm của khá nhiều các nhà văn và bạn đọc./.
BVM 25/8.
Tọa đàm thu hút đông đảo nhà văn và những người quan tâm tới tiểu thuyết lịch sử đến dự.
MẤY SUY NGHĨ VỀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ TỪ TÁC PHẨM
Tham luận của P. Gs, Ts Vũ Nho
Chúng tôi giới hạn từ tác phẩm bởi vì những suy nghĩ này được rút ra khi bản thân chúng tôi đã đọc và phần lớn đã viết những bình luận về một số tiểu tuyết Lịch sử sau đây:Xưa kia có thời kì văn - sử - triết bất phân. Rồi sau này mới tách riêng. Thế nhưng Văn với Sử vẫn duy trì sự gắn bó khá khăng khít.
Lịch sử cung cấp cho văn chương một nguồn tư liệu và cảm hứng dồi dào không bao giờ cạn. Văn chương viết về Lịch sử làm tăng tính thẩm mỹ, thêm phần mới mẻ và lãng mạn khi truyền tải thông điệp lịch sử. Các tác phẩm văn học viết về Lịch sử là những tác phẩm vừa truyền tải được thông điệp lịch sử vừa có tư tưởng, triết lý riêng của nhà văn.
Chính văn chương góp phần làm cho những giá trị lịch sử trở nên sâu sắc hơn, nhờ vào những khám phá của nhà văn, khi họ tự coi viết tiểu thuyết lịch sử là một hành trình thám hiểm cuộc sống, không chỉ của quá khứ mà chính là hiện tại và hướng đến tương lai.
Bàn về viết tiểu thuyết lịch sử, có nhiều quan điểm khác nhau.
Nhà thơ Nghiêm Thị Hằng về cơ bản đã chọn lọc những chi tiết đời sống, các bài thơ nôm truyền tụng, các dấu ấn lịch sử quan hệ với Nguyễn Du, với Chiêu Hổ, với Mai Sơn Phủ Trần Phúc Hiển để dựng lại chân dung một người phụ nữ tài hoa, thông minh, sắc sảo; cuộc đời vất vả, long đong trong tình duyên, hai lần lấy chồng hai lần đều làm lẽ,…
Nếu trong tiểu sử nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ là một số dòng ngắn ngủi thì đọc tiểu thuyết này, người đọc hiểu rõ về Hồ Xuân Hương với những chi tiết đời thường của một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh, nổi tiếng thơ hay. Và người đọc cũng rõ vì sao lại có tin đồn trong dân gian là Hồ Xuân Hương lấy thầy lang xóm Tây. Bà mẹ Xuân Hương có hứa gả. Nhà thơ Phạm Đình Hổ, bạn của Nguyễn Du viết bài thơ “Nhớ xưa”. Nên dân gian càng tin là Xuân Hương đã lấy thầy lang. Thật ra, bài thơ “Khóc chồng làm thuốc” không phải là Hồ Xuân Hương khóc chồng là anh thầy lang xóm Tây, mà là bài thơ nàng làm hộ người vợ anh thầy lang đó tên là Nguyệt! ( tr. 167 – 171).
Một số bài thơ của Hồ Xuân Hương được Nghiêm Thị Hằng dẫn vào trong tiểu thuyết, nhằm giải thích vì sao bài thơ đó ra đời. Đấy là một cố gắng rất lớn của người viết tiểu thuyết. Vì đa số các bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương đều không ghi năm tháng ở cuối bài. Đây là một điều mới mẻ chứng tỏ người viết rất tự tin vào khả năng thẩm thơ của mình. Chính tác giả Nghiêm Thị Hằng đã khá thành công vận dụng “khảo thơ tìm sử” trong cuốn “Giải mã bí ấn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết này không phải lúc nào nhà khảo cứu Nghiêm Thị Hằng cũng thành công. Chúng tôi xin lưu ý về mối tình của Xuân Hương với tổng Cóc. Tất cả những lí giải của người viết tiểu thuyết đều thuyết phục đối với câu đối giữa hai người và các bài thơ Trách Chiêu Hổ 1, 2, 3. Việc Đội Kình viết câu đổi xúc phạm nặng nề Hồ Xuân Hương với vế đối “Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm, Tốn, Li, Đoài, khéo nói rằng Khôn” đã rõ khi mối tình tan vỡ, chỉ còn lại sự thù hận ở Đội Kình. Tuy nhiên gán câu giai thoại “ Nay đã mần cha thằng xích tử, Rày thì đù mẹ cái hồng nhan” cho Đội Kình ( trang 235) lại tỏ ra không ổn và thiếu thuyết phục. Vì sao? Vì cũng chính trong tiểu thuyết này, trang 232 tác giả viết “Tháng trước nàng ấy đẻ non con gái, đứa trẻ xấu số đã yểu mệnh”. Thằng xích tử là thằng con đỏ. Con gái sao có thể gọi là thằng? Vả lại cũng không nên tô đậm sự cạn tàu ráo máng của Đội Kình như thế!
Ngoài nhân vật chính là Xuân Hương, tác giả cũng xây dựng thành công các nhân vật có liên quan trực tiếp đến nàng là cha ( cụ đồ Hồ Phi Diễn), mẹ ( bà Hà thị), và nhất là các nhân vật có liên quan đến Hồ Xuân Hương gồm Nguyễn Du, Chiêu Hổ, Tốn Phong, Mai Sơn Phủ tức Trần Phúc Hiển.
Điều mới về nhân vật Hồ Xuân Hương trong tiểu thuyết này là việc nàng Xuân Hương đã chạy đôn đáo để kêu oan cho chồng. Tác giả tiểu thuyết đã cắt nghĩa có sức thuyết phục vì sao Phúc Hiển lại bị kiện. Vì sao đơn kiện không được thẩm tra, xét xử công minh? Vì sao có sự giúp đỡ của Nguyễn Du, nhưng án Phúc Hiển vẫn không được giảm, mà chỉ được gia ân sống thêm sáu mươi ngày và được tự xử chết ở quê nhà? Đồng thời người viết cũng đoán định câu thơ “ Cán cân tạo hóa rơi đâu mất” trong bài “Khóc ông phủ Vĩnh Tường” của Hồ Xuân Hương là có ý nói đến việc “trời cao chẳng thấu oan chồng”, không xét xử minh bạch vụ án Trần Phúc Hiển. Phần này tác giả cũng làm sáng tỏ thêm bí ẩn về “Mộ giày thầy Lánh” được đề cập ở cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”.
Nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng không tuyên bố mình viết tiểu thuyết lịch sử theo trường phái nào. Chỉ với lòng tôn kính và ngưỡng mộ nhà thơ kì nữ, bà chúa thơ Nồm Hồ Xuân Hương mà tác giả cầm bút vượt qua mọi khó khăn để dựng lại chân dung cuộc đời của nữ sĩ. Lần đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử mà viết được thành công như Nghiêm Thị Hằng cũng là việc đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Tất nhiên, có thể có người băn khoăn vì một số chi tiết về năm tháng Nguyễn Du gắn bó với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du kết hôn với bà Đoàn Thị Huệ, Nguyễn Du viết Truyện Kiều tức “Đoạn trường tân thanh” vào thời gian nào và ở đâu chưa được khẳng định thống nhất. Nhưng không sao. Đây là tiểu thuyết chứ không phải là công trình biên khảo.
Hà Nội, 15 tháng 8 năm 2023. V.N
Hai thế hệ tác giả của tiểu thuyết lịch sử: Nhà văn Hoàng Quốc Hải và Phùng Văn Khai
Lại Ngọc Anh Thư
Tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai đã tạo được phong cách và tiếng nói nghệ thuật riêng đặc sắc, giàu giá trị thẩm mĩ; đã góp mặt trong dòng chảy chung đa giọng điệu của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Lựa chọn khuynh hướng “Lịch sử hóa tiểu thuyết” với lối viết chương hồi, nhà văn góp phần làm sống lại một thời lịch sử đã xa, từ ngôn ngữ, hình tượng nhân. Càng đọc tiểu thuyết lịch sử của ông, ta càng thấy sự cố gắng và khả năng trau dồi kĩ thuật viết được nâng lên qua từng tác phẩm.
Nghệ thuật xử lý chất liệu lịch sử
Lựa chọn viết về đề tài lịch sử là nhà văn phải lựa chọn cách xử lý mối quan hệ giữa hư cấu nghệ thuật và tính chân thực lịch sử. Hư cấu nghệ thuật ở đây là bồi đắp chỗ trống trong các trang chính sử. Đối với Phùng Văn Khai, ông rất tôn trọng tính chân thực lịch sử và cũng rất coi trọng phần hư cấu, tưởng tượng nghệ thuật bởi điều đó sẽ làm nên giá trị văn chương cho tác phẩm: “Văn học lịch sử của chúng ta bị chậm do chúng ta không dám hư cấu. Thực ra các vĩ nhân trong lịch sử cũng là con người, cũng có lúc sai, có điểm xấu nhưng khi viết về một vị vua thì nhà văn cầm bút có hư cấu gì cũng là để tôn vinh nhân vật, đưa nhân vật trở về đời thường nhưng không được thóa mạ, không bôi đen lịch sử, làm giảm nhuệ khí người Việt… Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử dù gì cũng phải hư cấu trên nền dân tộc, nền nhân dân và nền tiến bộ”.
Phùng Văn Khai có cách xử lí lịch sử rất đa dạng. Trên nền tiểu thuyết, lịch sử được khắc họa bởi bàn tay tinh tế, tài hoa của một người cầm bút tài năng. Những yếu tố cố định, yêu cầu nhà văn phải đảm bảo tính chính xác là các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, bối cảnh lịch sử đến cách ăn nói, trang phục, ngôn ngữ… của từng thời kì nhất định. Rõ ràng, tác giả không thể tùy tiện thay đổi phục trang của người hiện đại cho những người ở giai đoạn trước, cũng không thể có các từ ngữ quá tân thời cho con người trong quá khứ. Phùng Văn Khai đã rất cẩn trọng, kĩ lưỡng trong việc thể hiện tính chân xác lịch sử. Các nhân vật Lý Bí, Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương… đều có thật. Các sự kiện, địa danh được nhắc đến đều được ghi chép và diễn ra trong chính sử. Chính điều này góp phần đảm bảo tính xác thực của lịch sử, tạo nên độ tin cậy cao trong các tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai.
Bên cạnh đó, nhà văn cũng không coi nhẹ hư cấu, các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử đã được nhà văn sáng tạo một cách hợp lí. Lý Thiên Bảo hiện lên còn “chân thực” hơn cả Lý Thiên Bảo trong chính sử. Vì Lý Thiên Bảo trong lịch sử là đối tượng còn nhiều khoảng trống bỏ ngỏ. Chính sử nhắc đến ông khá ít, còn Lý Thiên Bảo dưới ngòi bút của Phùng Văn Khai là một con người đời thường với đầy tâm tư, hành động trong gần 500 trang tiểu thuyết.
Phùng Văn Khai còn có cách xử lí lịch sử đầy phóng khoáng. Bên cạnh tái hiện nhân vật có thật, tiểu thuyết gia không quên tô vẽ thêm nhân vật hư cấu bằng sự tưởng tượng của nhà văn. Ông đã đưa vào tác phẩm khá nhiều yếu tố tâm linh, kỳ ảo. Đây là nhân tố đã góp phần tạo nên diện mạo mới, sắc thái mới cho tiểu thuyết Phùng Văn Khai, giúp ông có thể phản ánh hiện thực đa dạng, phong phú, tinh tế, sâu sắc và biến ảo hơn.
Tính hư cấu ở trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử được nhà văn Phùng Văn Khai viết trên nguyên tắc nền tảng lịch sử, hư cấu trên một sự thật lịch sử, khoa học lịch sử. “Nam Đế Vạn Xuân” ra đời đã lý giải được tính khoa học lịch sử của việc Lý Nam Đế lên ngôi lập nhà nước Vạn Xuân, lập chùa Trấn Quốc. Tính tự chủ của người Việt hết sức mãnh liệt và không lệ thuộc vào phương Bắc. Với tư cách là người yêu thích lịch sử, nhà văn cho rằng: “triều chính Việt Nam không có việc giải trí. Chúng ta không có thời gian nhiều cho giải trí”.
Nếu đặt Phùng Văn Khai với Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải, ta thấy Phùng Văn Khai có hướng đi riêng của mình. Nguyễn Xuân Khánh luôn coi trọng chất tiểu thuyết trong tiểu thuyết lịch sử. “Tiểu thuyết lịch sử trước hết phải là tiểu thuyết, mang đầy đủ đặc trưng thể loại. Vì vậy một mặt nhà văn tôn trọng sự chân thực lịch sử mặt khác coi trọng sự hư cấu, sáng tạo”. Hoàng Quốc Hải quan niệm: “Tiểu thuyết nói chung kể cả tiểu thuyết lịch sử đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật và tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ. Vấn đề là phải hư cấu như thế nào đạt đến chân thực lịch sử và chân thực cuộc sống. Chân thực đến mức người đọc phải thừa nhận đây mới là lịch sử. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực”. Điều này hoàn toàn khác với tư tưởng tôn trọng lịch sử của Phùng Văn Khai, ông chấp nhận sự hư cấu nhưng phải có giới hạn và tuyệt đối không “bôi nhọ” lịch sử. Chính điều này đã mang lại sự đóng góp rất lớn của cây bút với lịch sử nước nhà.
Kết cấu và cốt truyện
Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai được triển khai theo kết cấu chương hồi. Ở một góc độ nào đó, có thể coi Phùng Văn Khai là người có công phục sinh và làm mới tiểu thuyết chương hồi, đưa chúng lại gần với độc giả đương đại. Tác giả chọn tiểu thuyết chương hồi vì thể loại này mang nhiều ưu điểm cho phép nhà văn đảm bảo nguyên tắc vừa tôn trọng lịch sử vừa thoát khỏi lịch sử để tự do sáng tạo; vừa bao quát được hiện thực lớn vừa quản lý được nhân vật, tường thuật một cách mạch lạc, đảm bảo cốt truyện phát triển hợp lô gíc. Theo mô hình tiểu thuyết chương hồi, mỗi cuốn sách của Phùng Văn Khai gồm nhiều hồi. Mỗi hồi kể về một chuyện và có thể tách ra thành từng truyện ngắn độc lập nhưng đều được triển khai xoay quanh nhân vật trung tâm.
Phùng Văn Khai đã kế thừa truyền thống của kết cấu tác phẩm. Nhưng trong tiểu thuyết của mình, nhà văn đã sử dụng hình thức kết cấu sự kiện, lấy nhân vật và sự kiện lịch sử làm trục chính. Tác giả đã sử dụng kết cấu theo kiểu này hết sức thành công đã lôi cuốn sự hấp dẫn của bạn đọc. Người đọc nếu chỉ đọc lướt qua sẽ không thể phát hiện cái hay của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai. Trong các tác phẩm của ông có rất nhiều tình tiết đáng nhớ. Đọc xong bộ bốn tác phẩm thời Tiền Lý, độc giả sẽ thấy được sự sắc sảo khi sử dụng các tình tiết, có sự sắp đặt hợp lí khiến bạn đọc thêm tò mò. Nếu độc giả đọc kĩ, độc giả sẽ thấy được các sự kiện nối tiếp nhau một cách sâu sắc và đầy đủ, thấy được toàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, đây là một giai đoạn lịch sử Bắc thuộc mà chính sử còn nhiều khoảng trống. Từ đó, giúp độc giả thấu hiểu và thêm yêu, thêm trân trọng công lao của ông cha ta.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Nhân vật là chủ thể làm nên các sự kiện, các diễn tiến của lịch sử. Để phản ánh bức tranh hiện thực lịch sử đương thời, tác giả Phùng Văn Khai đã thâu nạp số lượng đồ sộ nhân vật. Các nhân vật này đại diện khá đầy đủ các loại người, các tầng lớp, các kiểu nhân cách khác nhau. Các nhân vật đó chỉ cần nhắc tên là người đọc có thể hình dung ra điệu bộ, cử chỉ, quan điểm sống, nhân cách, như: Lý Bí, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử, Triệu Việt Vương, Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều, Phùng Thanh Hòa, Nhã Lang, Triệu Quốc Chính, Trần Bá Thường, Lý Thiệu Long, Trịnh Tông Hàn, Dương Đình Lập,… Có một số nhân vật được tác giả khắc họa kỹ như bốn vị hoàng đế, quân vương của Vương triều Tiền Lý nhưng cũng có các nhân vật chỉ xuất hiện qua một vài chi tiết mà khiến người ta nhớ mãi như Nhã Lang, Hoàng hậu Su Man Trinh, Từ sư phụ, Triệu Thái sư,… Đạt được điều đó là bởi tài khắc họa nhân vật của tác giả. Ông chứng tỏ những cố gắng và năng lực nghệ thuật của mình: ông đã đem đến trước mắt người đọc những bức tranh chân dung sinh động: đắp da đắp thịt cho nhân vật, để người đọc thấy những số phận, hình hài, tâm lí, tính cách, những hành động cùng chi tiết cụ thể trong cuộc sống, chứ không phải những tên người, tên việc trần trụi.
Các nhân vật lịch sử thông qua ngòi bút nhà văn trở thành hình tượng văn học với cá tính, phẩm chất riêng. Ở “Nam Đế Vạn Xuân”, qua lối kể chuyện hấp dẫn cùng mạch truyện uyển chuyển, với nhiều tình tiết đan xen nhưng vẫn trên một trật tự tuyến tính, không bị đứt gẫy, Phùng Văn Khai đã thể hiện sự tiến bộ nhuần nhuyễn trong bút pháp của mình.
Kết hợp đối thoại, Phùng Văn Khai sử dụng văn phong tiểu thuyết để miêu tả và dựng lại bối cảnh phù hợp. Bạn đọc có thể thấy ngôn ngữ và hành động thể hiện lên tính cách nhân vật và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cùng với văn phong miêu tả ấy kết hợp độc thoại nội tâm, Phùng Văn Khai còn tôn lên được đặc điểm tâm lí của nhân vật.
Có thể nói, bằng ngôn ngữ, Phùng Văn Khai đã phục dựng được cả không gian văn hóa của nhà nước Vạn Xuân. Ông đã đem đến cho bạn đọc những tri thức mới mẻ, hấp dẫn về đất nước và con người Việt Nam thời Tiền Lý và các thời đại trong tiểu thuyết lịch sử mà ông đã công bố.
L.N.A.T
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn