Tùy bút của Trần Trọng Giá
Đại tá, Nhà thơ Trần Trọng Giá - Chủ tịch CLB Trái tim người lính Thủ đô
Cứ mỗi dịp tháng bẩy, không chỉ riêng tôi mà tất cả những con dân đất Việt, nhất là những người lính lại thêm một lần tri ân, tưởng nhớ những người con đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, thêm một lần chúng tôi lại nhớ về đồng đội, những người lính chung chiến hào, cùng chung lý tưởng.
Để có được ngày hoà bình thống nhất, hàng triệu người con đã để lại một phần xương máu trên mọi nẻo đường ra trận, thân thể các anh còn hằn những dấu tích chiến tranh không dễ phai nhoà.
Là người lính, và sau này khi trở về với đời thường, tôi đã đi khắp mọi nẻo đường trên dải đất hình chữ S. Ở đâu cũng đẹp, nhưng ở đâu cũng bắt gặp những Nghĩa trang liệt sĩ, bắt gặp những thương binh, họ là đồng đội của chúng tôi, vẫn lặng lẽ sống, tuỳ theo tâm sức, biết vượt lên số phận để tiếp tục cống hiến cho quê hương và cho gia đình mình. Các anh là những tấm gương “tàn nhưng không phế”.
Gần đây trong một chuyến hành hương về với mảnh đất Quảng Trị, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị và đứng lặng bên cây cầu bắc qua dòng sông Thạch Hãn. Đồng đội tôi, một người con của Quảng Trị nói rằng: nơi đây mảnh đất đầy nắng và gió, diện tích không lớn nhưng có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ. Cứ mỗi lần có đồng đội đến viếng, mọi người xúc động lặng lẽ cắm nén nhang lên mộ đồng đội mà khói hương nhoà trong nước mắt. Không xúc động sao được khi tôi được “mắt thấy, tai nghe”, với hơn mười ngàn nấm mộ có tên, không tên của các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chiến trường Quảng Trị. Tôi thấy mình thật bé nhỏ trước những mất mát quá lớn bởi cuộc chiến đầy bi tráng này.
Nếu ai chưa có trong mình một hình dung trọn vẹn về hai chữ Tổ quốc, hãy một lần đứng trước bạt ngàn những nấm mộ liệt sĩ tại mảnh đất linh thiêng này, hãy lặng lẽ cúi đầu trước nấm mộ liệt sĩ chưa biết tên khổng lồ trong Thành cổ Quảng Trị. Nơi đây không chỉ cho chúng ta câu trả lời chân thực về hai chữ Tổ quốc, mà còn giúp mỗi người hôm nay thấu hiểu hơn sự vô giá của độc lập, sự vô giá của hoà bình, của hoà hợp dân tộc.
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”
Tôi là người lính tham gia hai cuộc chiến, chống Mỹ và chống Tàu. Là người may mắn được trở về. Nhưng đứng trước sự mất mát, hy sinh của đồng đội, lòng luôn thầm hỏi đằng sau mỗi tấm bia bạc màu nắng gió, ẩn sau cả những nấm mộ còn chưa biết tên kia, là một cuộc đời. Họ rất trẻ, quá trẻ, họ đã từng sống, từng yêu thương, ước vọng. Nếu không có chiến tranh, họ đã có một số phận khác. Nhưng khi đất nước có ngoại xâm, họ đã gác lại tất cả. Cũng như chúng tôi và đồng đội lúc ra đi, làm sao không day dứt khi biết rằng dõi theo người lính ra trận là ở quê nhà, mẹ già, người thương mỏi mắt ngóng trông, vợ trẻ, con thơ ngày đêm thẫn thờ tựa cửa… nhưng rồi họ vẫn đón nhận sự hy sinh mà không hề mảy may suy tính, bởi khát vọng Tổ quốc được thống nhất, đất nước sạch bóng thù.
Chỉ có ước mong vô cùng lớn lao đó mới khiến họ sẵn sàng đón nhận sự hy sinh nhẹ nhàng như thế, hiển nhiên như thế.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn