Cuốn sách “Lễ hội làng Thổ Hà” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Bắc xứng đáng được nhận Giải thưởng của Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, năm 2022. Dù đã biết lễ hội làng Thổ Hà nổi tiếng từ lâu, nhưng khi tiếp cận công trình sưu tầm này, tôi thật ngỡ ngàng. Càng đọc, tôi càng bị cuốn hút bởi năng lực quan sát, khả năng mô tả (như một cuốn phim quay chậm về những khuôn hình hoạt động lễ hội, có chất lượng), những nhận xét, đánh giá khá chuẩn xác và tinh tế, những dẫn chứng thuyết phục. Điều mà người đọc mong mỏi chờ đợi, chính là những kiến nghị về “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Lễ hội làng Thổ Hà gắn với phát triển du lịch”.
Là người con của quê hương Kinh Bắc, chị đã xuất bản mấy cuốn sách, đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành, để ca ngợi quê hương mình. Trong cuốn sách đầu tay “Thơ Hoàng Cầm với văn hóa Kinh Bắc”(2008), chị đã tái hiện một không gian Kinh Bắc đa chiều lộng lẫy bao gồm: dòng sông Kinh Bắc, núi đồi, chủa chiền, hội hè Kinh Bắc và những con người tài hoa, bất tử của quê hương. Đặc biệt là thi sỹ Hoàng Cầm – ngôi sao lạ của thơ ca Việt Nam hiện đại. Đến cuốn “Văn hóa Kinh Bắc qua hình ảnh cổng làng”(2017), một lần nữa chị đi sâu nghiên cứu vai trò, ý nghĩa của chiếc cổng gắn liền với những quần cư, phong tục, tập quán, lối sống của con người Kinh Bắc. Và giờ là cuốn sách thứ ba“Lễ hội làng Thổ Hà”, cùng nhiều bài báo, bài nghiên cứu in chung, các tác phẩm được giải thưởng... đều nói về quê hương Kinh Bắc, Tất cả đều xoay xung quanh những giá trị văn hóa con người và cộng đồng xã hội trên quê hương Bắc Giang.
Điều đó chứng tỏ, người con gái xứ Kinh Bắc ấy, từ một cô giáo dạy văn ở trường Trung học phổ thông, trường Cao đẳng sư phạm, chuyển sang làm chuyên viên chính, Phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, đã có thửa đất thâm canh. Tôi trân quý người sở tại, làm văn hóa sở tại (hoặc người “nằm vùng”, trở thành chuyên gia, địa phương học ở nơi ấy), chứ rất sợ những người “cưỡi ngựa xem hoa”, “cao đàm khoát luận…phán như đúng rồi”.
Nhờ thế, thành công trước hết của cuốn sách “Lễ hội làng Thổ Hà”, là đã tái hiện một không gian văn hóa – nơi lưu giữ Lễ hội, được mô tả khá tường tận, sinh động và ấn tượng về Lễ hội ấy.
Tác giả đem đến cho người đọc một cái nhìn bao quát mà cụ thể về làng Thổ Hà, thuộc vùng đất cổ của châu thổ sông Hồng. Tác giả đã mô tả nhiều đặc điểm riêng biệt, độc đáo về quần cư, cảnh quan, phong tục, hội hè, tín ngưỡng, tập quán sinh hoạt, y phục, kiến trúc và những thú ẩm thực…Thú vị nhất là nước ta, có rất nhiều làng quê gắn liền với một triền đê, một con sông, một bãi bờ cụ thể. Ở đây, Nguyễn Thị Minh Bắc nhìn thấy làng Thổ Hà như một bán đảo, được bao bọc ba bề bởi dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu) cùng các chi lưu của nó. Những con sông là dấu tích thuở xưa xa, về những lần biển tiến biển lùi, là kết quả chinh phục của con người dũng mãnh và tài hoa. Những con sông chuyên chở phù sa làm nên đồng bằng. Những con sông giao thương và giao lưu văn hóa: “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu / Mà về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát / Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác / Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi” (thơ Nguyễn Khoa Điềm). Con sông ấy làm nên nét duyên riêng của làng Thổ Hà và ngôi làng ấy “thực sự là làng Quan họ gốc”…Và rồi đến lượt nó, cũng in dấu ấn sóng sánh, lung linh trong biết bao bài ca dao và làn điệu dân ca của làng quê này. Không gian môi trường sinh tồn nào, thì văn hóa ấy. Chí ít, nó cũng tác động, ảnh hưởng tới tính cách, tâm hồn, đời sống sinh hoạt, thậm chí cả sắc diện ngoại hình của con người...
Phần công phu tìm hiểu, sưu tầm và ghi chép lại (có chỗ mô tả rất cặn kẽ) các nghi lễ, trò chơi dân gian và các hình thức diễn xướng dân gian ở lễ hội làng Thổ Hà trong cuốn sách là rất đáng ghi nhận. Tác giả còn sao chép được Khoán ước Ca trù từ năm Chính Hòa thứ 14(1693), ở tấm bia được lưu giữ cẩn trọng như bảo vật trong hậu cung đình làng, nhằm góp thêm minh chứng về di sản văn hóa làng Thổ Hà.
Riêng trò diễn Tuồng ở Thổ Hà đem đến cho độc giả chút thú vị bất ngờ. Xưa nay, vẫn nghĩ nguồn gốc và mảnh đất nuôi dưỡng thể loại sân khấu này là ở Trung Bộ. Không ngờ, theo tác giả, ở làng Thổ Hà từ bao đời nay“Hát Tuồng đã trở thành truyền thống không thể thiếu(…)bởi“phi Tuồng bất thành hội”(…) cho đến bây giờ lệ diễn Tuồng vẫn được bảo tồn (…)còn có cả ban thờ ông tổ của nghề Tuồng”. Làng có 2 đội Tuồng và tên tuổi của một số nghệ nhân tiêu biểu được nhắc tới. Và tự hào thay, trên đất nước ta, không có làng quê nào có nhiều phương thức trình diễn trong lễ hội làng như ở Thổ Hà: diễn Tuồng, diễn ca trù, chơi Quan họ trong những không gian khác nhau: trong đình, ngoài chùa, bên gốc đa, trên bến, dưới thuyền, trong các gia đình... Trong đó, có tới 2 hình thức diễn xướng dân gian (Ca trù và Quan họ) được vinh danh là di sản văn hóa nhân loại. Cho nên, nhà văn gọi dòng sông quê ấy, là “dòng sông Quan họ, ân nghĩa ân tình”- quả không sai!
Người đọc cũng rất thích thú, khi được chị Nguyễn Thị Minh Bắc như một chuyên gia âm nhạc phân chia, mô tả, đánh giá, thẩm bình khá tường tận và tinh tế “Tục chơi Quan họ trong ngày hội làng Thổ Hà”. Thể thức diễn xướng này “là điểm nhấn quan trọng - linh hồn của lễ hội”. Theo tác giả, đây là lối chơi “tinh tường, rất giầu biểu cảm (…) Âm hưởng của nó lan tỏa từ bến sông, qua con đường dẫn vào khu trung tâm đình, chùa, rồi giăng mắc tràn ngập vào các xóm ngõ, len lỏi vào tận các gia đình và bao trùm lên tất cả không gian làng, tạo thành không gian văn hóa xốn xang của lễ hội”. Thật kì diệu về một dấu ấn rất bản sắc văn hóa và thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, tự xưa xa đến bây giờ…Chưa dừng lại ở đó, tác giả còn rất công phu sưu tầm, lựa chọn nhiều bài hát, điệu hát tiêu biểu, cùng với những lời dẫn, lời bình sâu sắc, tỏ tường, tinh tế mà người Thổ Hà thường hát khi hát thờ (mời chào – mừng bạn đến), hát canh (là phần hát hấp dẫn nhất của Quan họ ngày hội làng), hát trên thuyền, hát giã bạn thật lưu luyến, quyến rũ.
Tôi rất thích thú với những bài, những điệu hát trên thuyền. Đúng là có một môi trường sông nước – một không gian văn hóa. Dòng sông Cầu đã “làm bao xanh /ngang lưng làng Quan họ xanh xanh”(thơ Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Trọng tạo phổ nhạc). Giờ nó lại làm không gian diễn xướng, thể hiện rất rõ mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, tình duyên và tình người trên không gian sông nước ấy…Nó bất giác khiến tôi nhớ lại, cũng đã từng tìm hiểu và viết về hình ảnh sông nước trong ca dao Đồng Tháp vậy.
Chương 3 của cuốn sách, cũng là phần cuối của chuyên luận, tác giả dành viết về “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa lễ hội làng Thổ Hà”. Bấy nay, tôi rất ngại và sợ những vị “cao đàm khoát luận” về văn hóa. Nói chung các vị định tính thì hay, nhưng định lượng thì dở. Ở nước ta, nói về truyền thống và hiện đại qua các thể loại biểu diễn và diễn xướng dân gian mà cặn kẽ, đến điều để bảo tồn và phát huy những giá trị ấy, được như nhà văn, nhà báo, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam - Nguyên Thế Khoa, thì rất hiếm.
Nhưng ở công trình này của Nguyễn Thị Minh Bắc, chúng ta thấy lại có thêm một người nữa trăn trở, đau đáu nuối tiếc di sản văn hóa. Chị cũng mạnh dạn nêu lên nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, sâu sắc và tâm huyết “Trước những rào cản ảnh hưởng đến lễ hội Thổ Hà”. Mở rộng ra, là nỗi xót tiếc trước những báu vật, những giá trị làm nên cốt cách – tâm hồn con người Việt Nam truyền thống…Cho nên tác giả không né tránh, khi nói về những hạn chế, những tồn đọng nhiều năm qua ở Thổ hà chưa được giải quyết, khắc phục. Chị đề nghị cần phải có nhận thức lại và phải có những đột phá thì mới mong bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa ở Thổ Hà. Trước mắt là, bảo tồn và phát huy nó gắn với phát triển du lịch. Từ đó, tác giả nêu lên “Một số giải pháp thiết yếu”, để mong sao những giá trị văn hóa ở Thổ Hà thực sự trở thành sức mạnh nội sinh trong thời đại mới vừa tiên tiến, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Hi vọng một ngày không xa, Lễ hội làng Thổ Hà sẽ khắc phục được những rào cản, lan tỏa nhiều thông điệp tích cực tới đời sống cộng đồng, luôn gìn giữ bản sắc truyền thống và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Nhìn chung, “Lễ hội làng Thổ Hà” là một cuốn sách đáng đọc, một công trình có ý nghĩa hữu ích và giá trị. Giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, năm 2022 là một minh chứng xác đáng. Cuốn sách là nguốn tư liệu quí cho những nhà nghiên cứu văn hóa, những cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ lãnh đạo các cấp của chính quyền địa phương và những ai tha thiết với văn hóa dân tộc.
12.2022
Đ.T.H