MÙA XUÂN TRONG TINH HOA THƠ CA MỘT THỜI
“Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim”
- Du Blly
( Tiếp theo kỳ trước)
Bài: Nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Tương Như
PHẦN BA
THƠ XUÂN CỦA TỐ HỮU VÀ CỦA BÁC HỒ THỜI ẤY
VI.- THƠ XUÂN CỦA TỐ HỮU (1920 – 2002)
Trong “Câu chuyện về thơ”, Tố Hữu đã tự bạch : “Đối với tôi, làm thơ là làm cách mạng bằng thơ” (“Tạp chí Văn học” số 9 năm 1995 . tr1).
Chính vì vậy mà đời cách mạng và đời thơ Tố Hữu là một. Bẩy tập thơ của Tố Hữu có thể coi là những cuốn biên niên sử bằng thơ ghi lại bẩy chặng đường của cách mạng Việt Nam, của đời sống dân tộc, tâm hồn dân tộc trong sự vận động đi lên của tiến trình lịch sử.
Tập thơ “Từ ấy” (1937 – 1946) với ba phần : “Xiềng xích” – “Máu lửa” – “Giải phóng” là chặng đường đầu mười năm thơ Tố Hữu, cũng là mười năm hoạt động sôi nổi, say mê từ giác ngộ qua thử thách đến trưởng thành của người thanh niên cách mạng trong những năm có nhiều biến cố to lớn làm thay đổi sâu sắc xã hội Việt Nam. Giá trị đặc sắc của tập thơ là ở chất lãng mạn trong trẻo, giọng điệu thiết tha chân thành, tâm hồn nhậy cảm, sôi nổi, trẻ trung của một “Cái Tôi” trữ tình mới.
Trong tập thơ có năm bài thơ viết về mùa xuân thể hiện giá trị đặc sắc ấy : “Xuân lòng” (xuân 1938”), “Ý xuân” (xuân 1939), “Đêm giao thừa” (xuân 1943”, “Xuân đến” (xuân 1945), “Xuân nhân loại” (xuân 1946).
1. XUÂN LÒNG
Nắng xuân tưới trên thân dừa xanh dịu
Tàu cau non lấp loáng muôn gươm xanh
Ánh nhởn nhơ đùa quả non trắng phếu
Và chảy tan qua kẽ lá vườn chanh
Gió nhẹ nhẹ, hương cỏ cây nhẹ nhẹ
Thoáng bay lên, hương mạ dưới đồng xa,
Từ đâu đó hương muôn hoa mới hé
Như khói trầm từ đỉnh rộng bao la
Hơi xuân ấm trả cho trời đất lặng
Tiếng reo ca nhí nhảnh và ngây thơ
Của đàn sáo say phơi mình dưới nắng
Chim nghệ vàng rỉa cánh trên nhành tơ . . .
Xuân trong sáng, xuân thơm, xuân ríu rít
Nhưng xuân đâu tươi đẹp, không xuân lòng ?
Ôi xuân nay chỉ là xuân lạnh chết
Trong hồn đau phẫn uất của công nông !
Xuân nay chỉ một màu tang đẫm máu
Lòng người đang thét nỗi bi ai
Đứng phắtt dậy ! Hỡi muôn hồn phấn đấu
Phá bất bình, mưu sống cho ngày mai . . .
Rồi xuân ấy, cả nhân quần vui vẻ
Nắm tay nhau, tuy khác tiếng, màu da
Giẫm chân lên những núi sông chia rẽ
Và ôm nhau thân ái, cùng vang ca . . .
(xuân 1938 - “Từ ấy”)
Trước sau sức hấp dẫn của thơ Tỗ Hữu nói chung, những bài thơ xuân nói riêng, bắt nguồn từ sức hấp dẫn của một lý tưỡng xã hội cao đẹp, sức hấp dẫn của một cách nhìn, cách nghĩ, cách xúc cảm và ước mơ, một thái độ trước cuộc sống, một cách sống say mê chân thực không theo cách say mộng ảo, viển vông.
Nếu Xuân Diệu say đắm với vườn thiên đàng thăng hoa trong cảm hứng lãng mạn bồng bột, thì ở tuổi thanh xuân 18 ấy, Tố Hữu mở lòng đón xuân tươi của quê hương lấp loáng trên “tàu cau”, “thân dừa”, “quả non trắng phếu”, “vườn chanh”, “hương mạ dưới đồng xanh”, nghiêng tai lắng nghe tiếng reo ca của đàn sáo, “Chim nghệ vàng rỉa cánh trên nhành tơ “. . . Không cần văn chương phải làm phép mỹ hóa, cảnh vật quê hương mình mỗi độ xuân về hiện lên rất đỗi gần gũi, thân quen mà vẫn đẹp một vẻ đẹp thân yêu, gần gũi, đơn sơ mà lộng lẫy, làm ấm lòng người. Nhà thơ cảm nhận một cách tinh tế “Gió nhẹ nhẹ, hương cỏ cây nhẹ nhẹ”, “Hơi xuân ấm trả cho trời đất lặng”, cứ “nhẹ nhẹ”, lặng lặng như thế mà thấm sâu vào lòng chàng trai trẻ một tình yêu vô bờ. Không có một tâm hồn chân thành, mộc mạc, sẽ không có những dòng thơ giản dị mà xúc động như thế.
Tố Hữu từ thuở là “một thi sĩ mới nhú mầm” đã nhận được lời răn dạy làm thơ của bậc đàn anh Phan Đăng Lưu : “Hãy ở gần với đời sống, với quần chúng lao động, với công nhân, với nông dân. Cậu phải lấy ngôn ngữ của quần chúng, cậu phải viết dễ đọc, dễ hiểu, và đừng quá dài, chớ có khó và đừng có dài, đừng dài quá” (Trích lời trò chuyện của Tố Hữu với Nữ thi sĩ Pháp Mireille Gansel do bà ghi lại). Ngay trong những vần thơ xuân thuở ban đầu “Từ ấy”, Tố Hữu cũng đã cảm nhận được một “mùa xuân lạnh chết – Trong hồn đau phẫn uất của công nông !” trên đất nước đang trong cơn quằn quại bấn loạn và đau thương :
Xuân nay chỉ một màu tang đẫm máu
Lòng người đang thét nỗi bi ai
Cảm nhận và cảm xúc ấy về mùa xuân không có trong Xuân Diệu, vì ông còn mải đắm đuối trong yêu, “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, ông đang “muốn cắn vào ngươi !” – “Hỡi xuân hồng,” ! và làm duyên cùng những nàng thu lộng lẫy “Vói áo mơ phai dệt lá vàng”, Lưu Trọng Lư mơ thu cùng cái ngơ ngác của chú nai vàng “Đạp trên lá vàng khô”; còn Chế Lan Viên đang mò mẫm trong cõi âm cùng những sọ người, máu và đống xương khô; Hàn Mặc Tử đang sống trong “Máu Cuồng – Hồn Điên” . . . Thì Tố Hữu 18 tuổi đời, “một thi sĩ mới nhú mầm” đã có thể để “Xuân lòng” dõng dạc cất lên tiếng gọi :
Đứng phắt dậy ! Hỡi muôn hồn chiến đấu
Phá bất bình, mưu sống cho ngày mai . . .
Điều gì khiến thi sĩ trẻ tuổi phải “hô to gọi giật” như thế ? Phải chăng một lẽ sống cao cả đã lên tiếng, bởi “Đời lạt mùi và đau đớn bất công – Là để việc cho mùa xuân sức khỏe”. Và một mùa xuân trong tương lai gần sẽ đến trong niềm tin bất diệt của anh :
Và xuân ấy, cả nhân quần vui vẻ
Nắm tay nhau, tuy khác tiếng, màu da
Giẫm chân lên những núi sông chia rẽ
Và ôm nhau thân ái cùng vang ca
Một thi sĩ không thể trở nên vĩ đại nếu chỉ quanh quẩn trong những đau khổ, sung sướng của riêng mình, cho dù những tình cảm ấy là chính đáng.
Một nghệ sĩ thực sự vĩ đại khi những niềm vui, nỗi buồn, những khát vọng, ước mơ của họ bắt rễ sâu trong cuộc sống vĩ đại của nhân dân mình. Họ là khí quan của cuộc sống, của dân tộc, của thời đại, là đại biểu của một thế hệ, giống nòi. Nghĩ về thơ Tố Hữu là nghĩ về cái gốc của thơ, vì từ mạch máu phun ra vẫn là máu, từ mạch nước phun ra vẫn là nước.
2. Ý XUÂN
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui chút với trời hồng !
Hết lạnh rồi, gió bắc với mưa đông
Đây nắng tới với chim ca lanh lảnh
Thì vui chút cho hồn thêm nhựa mạnh
Gân thêm săn và máu hận thêm nồng !
Đời lạt mùi và đau đớn bất công
Là để việc cho thời xuân sức khỏe
Kiêu hãnh chút, bạn đời ơi, tuổi trẻ
Say tương lai là tuổi của anh hùng !
Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ
Và tị hiềm, và gian dối, điêu vong !
Đứng lên đi, hỡi tuổi trẻ xung phong
Sóng cách mạng đang gầm rung thế giới !
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui lắm, cả trời hồng !
(xuân 1939- “Từ ấy”)
“ Ý xuân” của Tố Hữu vừa là tiếng nói của lí trí, vừa là tiếng nói của tình cảm nên rất thiết tha tìm đến bạn đồng tâm. Vì thế trong thơ Tố Hữu thường vang lên tiếng gọi bạn, như tiếng chim gọi bầy tha thiết trong mùa xuân. “Xuân trong sáng , xuân thơm, xuân ríu rít” gọi “Bạn đời ơi” ! Hô ngữ ấy vang vang suốt cả 64 mùa xuân làm thơ của Tố Hữu. Nếu là bạn tuổi thơ, Tố Hữu gọi “Thì em hỡi ! Đi đi đừng tiếc nữa”, là bạn tuổi thanh xuân, Tố Hữu gọi “Hỡi người bạn, vui lên đi Ất Dậu, sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công”, “”Bạn đời ơi, ta đã hiểu nhau rồi !”, với những cô gái trên sông Hương ông cũng cất lời gọi kêu, nhắn gửi ; “Cô ơi tháng rộng ngày dài. Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng”. Tố Hữu với tấm lòng như thế đã “Là con của vạn nhà – Là em của vạn kiếp phôi pha. Là anh của vạn đầu em nhỏ - Không áo cơm, cù bất cù bơ”.
Được sống và chiến đấu trong khối đời cần lao vĩ đại là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của tuổi trẻ. Con gái Các Mác có lần hỏi cha : “Cha hiểu Hạnh phúc là gì ? Các Mác không ngần ngại trả lời con : “Hạnh phúc là đấu tranh”. Tố Hữu lúc này đã là một đảng viên cộng sản, cho nên khi được chiến đấu cho lẽ sống cao quý ông thấy tràn ngập một niềm vui “Bạn đời ơi, vui lắm, cả trời hồng !”. Thi sĩ “mới nhú mầm” ấy thấy tự đáy lòng một mùa xuân đang nẩy búp non lá nõn : “Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới”. Thơ Tố Hữu có cái giọng nhỏ nhẹ, thủ thỉ tâm tình, nhưng nghe thật thấm thía. Nhà thơ đề nghị với bạn đời “vui chút”, ‘Thì vui chút”, “Kiêu hãnh chút” . . . Chỉ “một chút” vui, nhưng là một niềm vui đầy suy nghĩ. Sống là phải vui “Đã không biết sống là vui -Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương”. Bởi niềm vui xuân ấy gắn với một sứ mênh cao cả :
Đời lạt mùi và đau đớn bất công
Là để việc cho thời xuân sức khỏe.
Không dừng lại một chút vui dễ dãi, Tố Hữu đã nhẹ nhàng nâng niềm vui lên độ “Say”, lên tầm nhiệt huyết cách mạng vị sự nghiệp lớn đòi hỏi khí phách lớn của người anh hùng :
Say tương lai là tuổi của anh hùng !
Đứng lên đi, xây dựng cuộc đời chung
Nắm tay sắt quyết đồng tâm lật đổ
Cả chế độ hung tàn gây thống khổ
Và tị hiềm, và gian dối, điêu vong
Đó cũng chính là mùa xuân của nhân dân lao động với những khổ đau, ước vọng và cả khí phách anh hùng, là nguồn thi hứng không bao giờ vơi cạn của Tố Hữu, Bài thơ kết lại bằng thi hứng xuân tình mênh mông mà hồng tươi sáng của một trời hy vọng :
Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi, vui lắm, cả trời hồng.
3.- ĐÊM GIAO THỪA
Đêm nay pháo nổ giao thừa
Mà người chiến sĩ không nhà còn đi
Truông dài, bái rộng, đồng khuya
Người đi như chẳng nhớ gì tết xuân
Người đi quên hết gian truân
Say mê như một dân quân trên đường
Xóm làng phảng phất quê hương
Nước non man mác tình thương mặn nồng
Song trong mưa gió lạnh lùng
Tái tê chân cũng ngại ngùng bước gieo
Nép lưng vào mái tranh nghèo
Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng.
(Xuân 1943 – “Từ ấy”)
Tố Hữu lớn lên khi thời kì Mặt trận Bình dân ở bên Pháp thắng thế và Mặt trận dân chủ Đông dương với một bô phận của Đảng ra hoạt động công khai. Tố Hữu tham gia lãnh đạo Đoàn thanh niên dân chủ. Cuối tháng Tư năm 1939, ông đi nông thôn vận động tổ chức, khỏang hai, ba giờ đêm mới về. Giấc ngủ muộn kéo dài thì bọn mật thám đã mò đến bắt ông ở tại giường trước ngày 1 tháng 5 để ngăn chặn cuộc mít tinh, biểu tình lớn sửa soạn tổ chức cho ngày ấy. Và rồi từ ấy chàng trai 19 tuổi đời bắt đầu “quăng thân vào gió bụi”, anh bị giam trong hầu hết các nhà tù ở Nam Trung bộ ; chàng thi sĩ tuổi thanh xuân bắt đầu cất lên “Tiếng hát đi đày” :
Đường lên xứ lạ Kông Tum
Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao
. . . . . . . . . . . . . . .
Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao
Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh
(“Tiếng hát đi đày”- Tháng Giêng 1942 – “Từ ấy”)
Trên đường đi đày, Tố Hữu đã thấy con đường cách mạng là con đường đầy hi sinh gian khổ của bao thế hệ tiền bối, mà hôm nay ông là người tiếp bước “Dấn thân vô là phải chịu tù đày – Là gươm kề tận cổ, súng kề tai – Là thân sống chỉ coi còn một nửa” :
Mỗi hòn đá đó, bao hòn huyết
Mỗi khúc cầu đây, mấy khúc thây !
Hỡi những anh đầu qua trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đày !
Nhưng tuyệt nhiên chàng thi sĩ trẻ ấy không mềm lòng, mà muốn “Gầm một tiếng tan u uất – Hận bỗng tuôn theo gió thổi dài”, để tầm mắt từ trên đỉnh cao phóng ra xa mà đo “nỗi hờn ghê gớm”, đo con đường tới lúc phá gông xiềng tù hãm cho mình và cho dân tộc :
Có ai hiểu nỗi hờn ghê gớm
Trong mắt người trông với núi sương
Núi hỡi ! Từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường ?
Cuộc vượt ngục của Tố Hữu không chỉ có ý nghĩa với cuộc sống của một cá nhân Tố Hữu mà khách quan, ngày nay nhìn lại còn thấy ý nghĩa may mắn sâu sắc với nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Chút nữa thôi là toàn bộ thơ Tố Hữu đã bị vùi trong mả loạn cùng hồn thơ phong phú và trái tim nhậy cảm, khối óc mẫn tiệp của ông. May thay, khi mùa xuân 1943 về cũng là lúc Tố Hữu dũng cảm làm một cuộc vượt địa ngục trần gian để về với nước non ngàn dặm và nền thơ ca cách mạng :
Đêm nay pháo nổ giao thừa
Mà người chiến sĩ không nhà còn đi
Truông dài, bái rộng, đồng khuya
Người đi như chẳng nhớ gì tết xuân
Một đêm xuân “pháo nổ giao thừa.” không mái ấm gia đình riêng tư, nhưng không cô đơn vì Tố Hữu đã nguyện “là con của vạn nhà - Là em của vạn kiếp phôi pha – Là anh của vạn đầu em nhỏ - Không áo cơm, cù bất cù bơ” thì bốn bể là nhà. Là người chiến sĩ vô sản đã từng một lần phá gông xiềng, vượt tù ngục còn ngại gì “Truông dài, bái rộng, đồng khuya”, và cũng chẳng màng hưởng thụ, ăn tết, vui xuân : “Người đi như chẳng nhớ gì tết xuân”, khác xa với cảm xúc “xuân đến gợi thêm sầu” của Chế Lan Viên” khi thấy “tất cả như vô nghĩa – Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”. Niềm vui sướng vô biên của xuân tết này xuyên qua đêm ba mươi tối đen như mực mà về với nhân dân vĩ đại, về với Đảng muôn vàn niềm tin khi “Mặt trời chân lí chói qua tim” để làm một người lính quý trong đoàn quân chống bất công tàn ác:
Người đi quên hết gian truân,
Say mê như một dân quân trên đường
Xóm làng phảng phất quê hương
Nước non man mác tình thương mặn nồng
Đã là thi sĩ thì phải mộng mơ. Một chàng thi sĩ cũng đã xuất bản một tập thơ tên là “Gọi mơ”. Xuân Diệu đã định nghĩa :
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để tâm hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ với trăm tình yêu mến
(“Cảm xúc – “Thơ thơ”)
Những thần hứng “Gọi mơ”, những xúc cảm ru hồn thi sĩ đều vô cùng đáng trân quý, vì không có những khúc đàn Tương Như mơ mộng từ muôn thuở ấy sao có tình yêu kết tinh trong Tập đại thành thơ phú đầy châu báu ngọc ngà của nhân loại ! Người “chiến sĩ không nhà” Tố Hữu đêm giao thừa vượt ngục tù ấy mơ gì ? “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, một bóng giai nhân thường tình của trai trẻ ư ? Không, Tố Hữu mơ lá cờ hồng, lá cờ giải phóng cho những thân nô lệ lầm than :
Nép lưng vào miếu tranh nghèo
Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng
Tố Hữu đã nguyện gắn “hồn tôi với “bao hồn khổ - Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”, thì đêm nay ông “Nép lưng vào miếu tranh nghèo” để “mơ theo cờ hồng”. Không hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên, mà thật sự là một điểm gặp gỡ của lịch sứ, cái đêm giao thừa vượt ngục của Tố Hữu trùng hợp vởi đêm “Không ngủ được” của người tù vĩ đại Hồ Chí Minh trong nhà tù Quảng Tây bên Trung Quốc :
Một canh . . . hai canh . . . lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh
(Hồ Chí Minh – “Nhật ký trong tù”.)
Lá cờ hồng trong mơ của Tố Hữu, ngôi sao vàng năm cánh trong mộng của Hồ Chí Minh sẽ là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong khửi nghĩa Nam Kì, tung bay rợp trời suốt một giải non sông trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công :
Gió gió ơi ! Hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường ! Tai miên man lắng nhạc.
(“Huế tháng Tám”. 1945- “Từ ấy”)
4.- XUÂN ĐẾN
Hôm nay xuân ốm dậy
Buồn như đông, nhợt nhạt, mưa phùn
Trên đường quê nhớp nháp lầy bùn
Đôi bóng xám nghiêng nghiêng trong gió rét.
Ôi xuân đó, những mắt viền bóng chết
Những manh buồm xơ xác phủ vai gầy
Những chân run bấm ngón trên đường lầy
Không biết định về đâu, nơi sống sót !
- Hỡi người bạn đã bao ngày đau xót
Lòng ưu tư giá lạnh như chiều nay
Hãy đưa tôi nắm chặt lấy bàn tay
Của bạn ! Trong mưa phùn giá rét
Lòng sẽ ấm cùng nắm tay đoàn kết
Ta đi đi, tìm hạnh phúc từ đây !
Cùng những ai chán ngán cuộc đời nầy
Ta hớn hở riết bàn tay huynh đệ
Không gì mạnh bằng đoàn dân nô lệ
Mà hờn căm đã bốc lửa ran đầu
Cả loài người đau khổ đã kêu nhau
Vùng đứng dậy, nghiến chặt răng chiến đấu
= Hỡi người bạn ! Vui lên đi ! Ất Dậu !
Sẽ là năm khởi nghĩa, năm thành công !
Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông
Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng
Ai cản được đoàn chim quyết thắng
Sắp về đây tắm nắng xuân hồng !
(Xuân Ất Dậu - 1945)
Trước bài thơ “Xuân đến”, là bài thơ “Đói ! Đói !” Tố Hữu viết tháng Tư năm 1945, trong bài thỏ vang lên ba câu hỏi khẩn thiết :
Bà con ơi, tính sao đây ?
Bã nâu thính trấu nhét đầy bụng sao ?
Ăn xin, xin chẳng có nào
Nằm lăn mà khóc, mà gào ai thương ?
Há đành chết lặng trên giường
Há đành gục xuống bên đường chết queo !
( “Đói ! Đói !”, 4-1945. “Từ ấy”)
Bài thơ này ghi lại ấn tượng chói gắt về cái chết thê thảm của hơn hai triệu đồng bào mình trong nạn đói ghê rợn năm Ất Dậu, đồng thời cũng gióng lên hồi trống, hồi kèn thôi thúc chiến đấu để giành lấy quyền sống, quyền làm người :
Bà con ơi, chớ tần ngần
Cứu đời ta sống, phải cần tay ta !
Tiến lên hăng nữa, đừng tha
Cầm dao, cầm súng xông ra phen nầy !
Đánh cho giặc Nhật tan thây
Vằm cho nát mặt cả bầy Việt gian
Diệt trừ phát-xít dã man
Việt Nam độc lập hoàn toàn tự do
Đời dân ta mới ấm no !
Tiếp theo tiếng kêu “Đói ! Đói !” là tiếng thơ “Xuân đến”, nhưng không có tiếng pháo nổ, không tiếng reo vui, chỉ có một mùa xuân bệnh hoạn, ốm đau với tử thần đươc mùa gặt hái. Những vần thơ của Tố Hữu quằn quại nỗi đau trần thế, nỗi đau tê tái như mất người ruột thịt :
Hôm nay xuân ốm dậy
Buồn như đông, nhợt nhạt mưa phùn
Trên đường quê nhớp nháp lầy bùn
Đôi bóng xám nghiêng nghiêng trong gió rét,
Không hoa nở, không chim ca “há mỏ hót ra thơ”, mùa xuân Ất Dậu 1945 “Ôi xuân đó, những mắt viền bóng chết – Những manh buồm xơ xác phủ vai gầy”. Những nhà thơ lãng mạn đương thời hầu như im hơi lặng tiếng trước thân phận bi thảm của của đồng bào mình “không biết định về đâu, nơi sống sót !”. Họ còn mải ngắm :
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ
Ô tiên nương ! Nàng lại ngự nơi này ?
Nàng ở mô ! Xiêm áo bỏ đâu đây ?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?
(Bích Khê -“Tranh lõa thể”. “Tinh huyết”. 1939)
Văn Cao không kìm được lòng đau quằn quại trước cảnh đời tang tóc của dân mình, ông chỉ thấy “Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ- Kèn nhịp xa điệu múa vô luân”, ông dựng lên hình ảnh thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, một thứ “xe ma”, “quỷ xa” rùng rợn chở những “Kiếp người tang tóc - Loạn lạc đòi nơi xương chất lên xương” và ông cất lên câu hỏi ai oán :
- Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực
Nhà thơ Tố Hữu vượt ngục, thoát khỏi địa ngục của đế quốc liền lao vào cuộc đấu tranh với quần chúng lao khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những năm ấy mới 24, 25 tuổi, với tuổi trẻ say anh hùng, ông cùng các đồng chí cách mạng trung kiên trong ban lãnh đạo chuẩn bị cho cuộc Khới nghĩa giành chính quyền ở Huế, quê hương yêu dấu của ông. Trong cảm xúc say mê, niềm tin sắt đá, ông như Chim báo bão bay lên bầu trời báo cơn bão tố sắp nổi lên quét sạch đời nô lệ, lại như cánh én báo xuân hồng về với nước non muôn quý ngàn yêu:
Hỡi người bạn ! Vui lên đi ! Ất Dậu
Sẽ là năm khởi nghĩa , năm thành công !
Trời hôm nay dầu xám ngắt màu đông
Ai cản được mùa xuân xanh tươi sáng
Ai cản được đoàn chim quyết thắng
Sắp về đây tắm nắng xuân hồng !
Và đúng như sự mẫn cảm của một hồn thơ cách mạng quý hóa, hồn thơ của Chim báo bão, Cách mạng tháng Tám đã bùng nổ và thành công rực rỡ. Người tù năm xưa trong dêm xuân giao thừa “Nép lưng vào miếu tranh nghèo – Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng”, thì mùa xuân nay mãn nhãn nhìn cảnh :
Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao
Mở mắt trông : trời đất bốn phương chào
Một dân tộc đã ào ào đứng dậy !
Thần hứng của thi sĩ cách mạng thăng hoa đã thành cơn say”say thần thánh”, bay lên cùng “Sông núi của ta rồi” :
Chừ đây Huế, Huế ơi ! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên ! Sông núi của ta rồi !
Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi
Cổ ta ré trăm trận cười , trận khóc !
Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc
Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta ?
Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà
Ai dám cấm ta say, say thần thánh ?
Và mùa xuân tươi trẻ của Việt Nam đã hòa vào “Xuân nhân loại” :
V.- XUÂN NHÂN LOẠI
Mấy bữa trời chưa ngớt gió sương
Cành xoan chưa phủ lục bên đường
Song lòng ta đã nghe đâu đó
Có một mùa xuân phảng phất hương
Không phải mùa xuân mấy thuở sang
Lá xanh không mát dạ khô vàng
Hoa thơm không át mùi xương máu
Nắng chỉ lây buồn trên áo tang
Đây một mùa xuân tới tới gần
Đây mùa bất tuyệt của muôn xuân
Hương tình nhân loại bay man mác
Gió bốn phương truyền vang ý Dân
Ôi hài âm mạnh của nhân gian !
Mỗi giọng thân yêu, một tiếng đàn
Cao vút từng không, băng vượt núi
Trường Sơn, Hy-mã-lạp, U-ran
Lâu rồi, khao khát lắm, xuân ơi
Nhân loại vươn lên ánh mặt trời
Nhân loại trườn lên trên biển máu
Đang nghe xuân tới nở môi cười.
(Xuân 1946 . “Từ ấy”)
Thế chiến thứ hai do lũ phát-xít gây ra đã khiến “Nhân loại trườn lên trên biển máu”. Bè lũ phát-xít đã bị Đồng minh trừng phạt đích đáng phải đầu hàng vô điều kiện. Nhân loại đã “vươn lên ánh mặt trời” và “đang nghe xuân tới nở môi cười”, thỏa lòng “khao khát lắm, xuân ơi”. Thi sĩ Tố Hữu 26 tuổi xuân nhưng đã “quăng thân vào gió bụi”, có lúc “cái chết đã kề bên”, “thân sổng chỉ coi còn một nửa”, đã góp sức lực nhỏ bé, khiêm tốn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và toàn Dân. Niềm vui đón “Xuân đến” hòa vào với “Xuân nhân loại” đang “tới nở môi cười”. Ước mơ lớn sẽ có niềm vui lớn, niềm vui này vươt qua thời gian, không gian :
Cao vút từng không, băng vượt núi
Trường sơn, Hy-mã-lạp, U-ran
Chế Lan Viên đã từng than thở : “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp – Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Nhìn lại đời thơ của mình qua 64 mùa xuân, Tố Hữu có thể an lòng kiêu hãnh rằng ông đã sống trong ước mơ lớn của hàng triệu người dân Việt, vĩnh viễn ông sống trong Vườn Thơ xuân của non nước từng có Quốc hiệu VẠN XUÂN !
VII.- THƠ XUÂN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890 – 1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Anh hùng giải phóng dân tộc và là Danh nhân văn hóa thế giới. Nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới kính yêu Người vì sự nghiệp Cách mạng chói lọi của Người. Nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới thêm kính yêu Người vì Người còn là một nhà Văn hóa lớn. Những bài văn, bài thơ, những tác phẩm Người viết ra suốt cuộc đời hoạt động cách mạng là những đóng góp vô giá cho lịch sử, cho nền văn hóa, văn học dân tộc nước nhà. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương để toàn Đảng, toàn dân Việt Nam học tập và làm theo.
Những bài văn, bài thơ của Người thấm đượm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, thiết tha, ngời sáng như những viên ngọc long lanh lại là kết tinh của muôn vàn sự mộc mạc, giản dị. Phong cách văn chương Hồ Chí Minh hàng năm vẫn đến với toàn thể đồng bào Việt Nam từ Bắc vô Nam bằng bài thơ chúc Tết nôm na trong giờ phút đầu Xuân của dân tộc.
Trong phạm vi chuyên mục này, chỉ điểm qua một vài bài thơ Xuân Người viết ở chiến khu cách mạng và kháng chiến cũng thấy rõ những giá trị văn chương, văn hóa quý báu ấy.
1,- CẢNH RỪNG VIỆT BẮC
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay,
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.
(Việt Bác – Xuân 1947)
Sau khi ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ chỉ huy lên Việt Bắc lập chiến khu lãnh đạo cuộc trường kì kháng chiến. Đây là lần thứ hai Người đến với “Quê hương Cách mạng dựng nên cộng hòa”. Lần đầu, ấy là vào tháng 2 năm 1941, sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Bác sống và làm việc ở hang núi Pác Bó, bên dòng suối Lê-nin :
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang !
Đồng bào các dân tộc và núi rừng Việt Bắc hùng vĩ thơ mộng giang vòng tay đón Bác lần thứ hai để “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù – Mênh mông bốn mặt sương mù – Đất trời ta cả chiến khu một lòng”. Rời thủ đô Hà Nội hoa lệ, lên rừng núi hoang vu lập chiến khu vào đời trường kì gian khổ kháng chiến, nhiều cán bộ có tâm trạng e ngại nơi rừng rú ma thiêng nước độc. Thấu hiểu tâm lí ấy, Bác viết bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” với giọng vui đùa hóm hỉnh, xua tan đi nỗi e ngại ấy và cũng là để tự động viên mình. Bác luôn dặn anh chị em văn nghệ sĩ cần viết thiết thực và người luôn theo nguyên tắc ấy khi cầm bút. Nhưng khách quan, bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” đã vượt lên ý nghĩa “thiết thực” để trở thành một áng văn chương đích thực của một hồn thơ phong phú giàu chất nhân văn và trí tuệ của một bậc hiền triết. Đọc bài thơ ta như nghe hồn thơ Nguyễn Trãi phảng phất đâu đây với thú khâu hác lâm tuyền “Côn sơn ca”, như “Cò nằm, hạc lặn nên bè bạn - “Ấp ủ cùng ta làm cái con”, còn Bác Hồ của ta thì lắng nghe bản nhạc rừng với “Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”, thật thanh bình, rộn ràng, đây đâu phải là chốn “khỉ ho cò gáy” ! Hồn thơ của Bác vô cùng trẻ trung giao hòa cùng rừng núi bao la, cảnh rừng rất thực mà rất mộng mơ :
Cảnh rừng Việt Bắt thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,
Người xưa có câu rằng : “Bần cư trung thị vô nhân vấn – Phú tại sơn lâm hữu khách tầm” có nghĩa là : “Nghèo ở giữa chợ không người hỏi – Giàu tại núi rừng có khách tìm !”. Bác Hồ ở giữa chốn rừng sâu núi thẳm nhưng đâu có cô đơn, Bác có đông khách, rất rất đông khách, toàn là quý khách, đó là đông đảo các đồng chí cách mạng trung kiên, và đàn con chiến sĩ anh hùng cùng chung ý chí “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Bác giàu có vô cùng, và quê hương cách mạng có đủ “sơn hào hải vị” để Bác chiêu đãi đoàn khách quý của Bác :
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay,
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say.
Chủ nhà chốn núi rừng Việt Bắc thật hiếu khách, hào hiệp, sang trọng, thật là một bậc hiền nhân quân tử, hóm hỉnh. Từ “mời” thật trang trọng, làm cho bắp “ngô nếp nướng” thành vi ngọt ngào, hương thơm phức. Từ “chén” trong câu thơ “Săn về thường chén thịt rừng quay” là lời nói cửa miệng của những người thân tình, không khách khí xa lạ giữa lãnh tụ với quần chúng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người gần gũi gũi với Bác Hồ đã có nhận xét rất sâu sắc : “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc Việt Nam, là cái tầm của dân tộc. Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người”. Cuộc đời cách mạng cuộc sống kháng chiến “thật là sang” như thế đó, thật là : trong gian khó có phong lưu :
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say.
Những tính từ “tha hồ”, “mặc sức” giản dị mà hàm chứa sự thỏa chí tung hoành của “Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an – Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn” của những bậc chí sĩ năm nao. Cặp đôi câu kết đóng lại bài thơ thất ngôn bát cú này với giọng thơ trang trọng của thơ cổ điển, nhưng cũng mở ra niềm tin sắt son vào cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi :
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này !
Nhịp thơ chắc nịch như đinh đóng cột, cảm hứng thơ hạ xuống như bè trầm xao xuyến trong bản giao hưởng; thời gian, không gian đang ở thì hiện tại bỗng lùi vào quá khứ, một quá khứ êm đẹp như trong mơ, như trong huyền thoại : trăng là “trăng xưa”, hạc là “hạc cũ” của cõi thần tiên chiến khu kháng chiến Việt Bắc, Đó là những hình ảnh thơ quen thuộc trong thơ cổ diển, nhưng vào bài thơ này bỗng long lanh ý nghĩa hiện đại, và Người cũng rất linh hoạt gửi vào thể thơ cổ điển tư tưởng, tình cảm, ý chí, niềm lạc quan tin tưởng của cả một dân tộc biết “Vừa làm thơ vừa đánh giặc”, “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”.
2.- BÀI THƠ “NGUYÊN TIÊU” (1948)
a.- Phiên âm :
NGUYÊN TIÊU
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền,
b.- Dịch nghĩa :
RẰM THÁNG GIÊNG
Đêm nay rằm tháng giêng, trăng vừa tròn,
Sông xuân, nước xuân tiếp liền với trời xuân.
Giữa nơi khói sóng thăm thẳm, bàn bạc việc quân,
Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng.
c.- Dịch thơ :
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
( Xuân 1948)
Xuân Thủy dịch
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa đường lối cách mạng hiện đại vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời là người kế tục một cách xuất sắc truyền thống Nho học quý báu của các bậc tiền bối văn chương trung đai nước nhà. Các bài thơ chữ Hán của Người trong “Ngục trung nhật kí” và các bài thơ chữ Hán Người viết rải rác sau này có giá trị đặc biệt. Bài thơ “Nguyên tiêu” là một ví dụ tiêu biểu.
Về mặt hình thức, chữ là chữ Hán, “Nguyên tiêu” được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt cổ điển, nhưng nội dung cảm hứng lại bay lên từ cảnh, tình, con người và sự việc, sự kiện hoàn toàn thời sự Việt Nam. Ấy lá vì Người viết bài thơ này vào Rằm tháng Giêng năm 1948, một năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt trong chín năm trường ki kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Để giữ bí mật, Bác cùng các đồng chí trong ban chỉ huy đi thuyền ra một khúc sông Đáy mịt mờ sương khói bàn việc quân sự để chuyển giai đoạn từ cầm cự, phòng ngự sang phản công, tiến tới tổng phản công giành toàn thắng.
Câu “khai đề” mở ra không gian đêm “Rằm tháng Giêng” tuyệt vời thơ mộng :
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn)
Người xưa gọi Rằm tháng giêng là “Tết Nguyên tiêu” : “Cỗ hết năm không to bằng cỗ rằm tháng Giêng”. Người dân của đất nước trồng cây lúa nước ăn cỗ, ngắm vầng trăng rằm đầu tiên của một năm để đoán định mùa màng : “Muốn ăn lúa tháng Năm, xem trăng rằm tháng Giêng”.
Trong nguyên tác chữ Hán, “nguyệt chính viên” nên hiểu là : vầng trăng rằm tròn đầy và tỏa sáng nhất. Bản dịch thơ của Xuân Thủy : “Rằm xuân lồng lộng trăng soi” là dịch thóat, tiếc thay không nói hết được ý tiềm ẩn của câu thơ chữ Hán này, bỏ sót cả nghĩa của “nguyên tiêu” (rằm tháng giêng). Có thể cảm thông được, vì dịch thơ chữ Hán là khó lắm mà !
Câu ‘thừa” trong thơ Tứ tuyệt làm nhiệm vụ triển khai ý đã được khai mở, cảnh đêm nguyên tiêu mở ra vẻ đẹp xuân trải chiều rộng, rồi nâng lên chiều cao vời vợi :
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên.
(Sông xuân, nước xuân tiếp với trời xuân).
Trong nguyên tác, câu thơ thất ngôn có tới ba từ “xuân” với nhịp thơ nối tiếp đầy sắc xuân dần mở ra bát ngát trên sông, trong nước, lên trời cao nhờ ánh trăng rằm tháng giêng soi tỏ màu xanh cao lồng lộng. Cái Đẹp được đặt trong qua hệ tổng hòa trở nên lộng lẫy, đắm say. Cảnh thiên nhiên trời đất dù đẹp đến thế nào mà thiếu Con Người cũng vô nghĩa. Con Người hiện lên trong câu “chuyển”.
Câu “chuyển” trong Thất ngôn tứ tuyệt làm nhiệm vụ bản lề chuyển ý thơ, tình thơ :
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
(Sâu thẳm trong vùng khói sóng bàn việc quân sự)
Trong khung cảnh sông nước, bầu trời dâng đầy khí xuân, sức xuân, xuất hiện màn khói sóng (yên ba). Tiết trời tháng giêng ở Việt Bắc vào lúc đêm hôm khuya khoắt thường bảng lảng màn sương như khói phủ trên làn sóng biếc. Cảnh là cảnh thực phút trở nên huyền ảo, nên tác giả hạ bút đặt hai chữ “Yên ba” lên đầu câu “chuyển” rất đắc địa. Hình ảnh “yên ba” (khói sóng) là hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ điển của Trung Hoa và thơ Trung đại Việt Nam hàm nghĩa chỉ chốn thần tiên, thoát cõi đời trần tục, Hai chữ “thâm xứ” (chốn sâu thẳm) tiếp liền nơi “khói sóng” làm cho không gian có phần u tịch đầy bí hiểm. Những con người xuất hiện trong cảnh huyền ảo ấy không phải là các tiên ông, đạo cốt, mà là những con người của cõi đời thực đang “đàm quân sự” (bàn việc quân sự), một việc hệ trọng có ý nghĩa quyết định đến chiến cuộc, đến vận mệnh của quốc gia. Việc “bí mật quân sự” nên phải diễn ra nơi khói sóng sâu thẳm (“Yên ba thâm xứ”) cho thực sự an toàn. Nhà thơ tạm thời dừng việc “mơ theo trăng và vơ vản cùng”. . . “yên ba”, để thật tỉnh táo bàn việc quân sự. “Cái lớn lao của một nhà tư tưởng là tìm được đường lối giản dị soi sáng cả muôn ngàn sự việc rắc rối” (Nguyễn Đình Thi). Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, cục diện trên chiến trường đã thay đổi, cần kịp thời nắm bắt thời cơ chủ động tạo thế chiến lược, dồn quân thù vào thế bị động đối phó. “Rằm tháng Giêng” 1948 thành một bước ngoặt trong lịch sử quân sự của Việt Minh. Việc quân đã bàn xong, lòng người trở nên thư thái, tâm hồn thi sĩ hòa hợp với trí tuệ chiến sĩ, gặp bạn trăng rằm tri kỉ, phút bỗng thăng hoa :
Dạ bán quy lai nguỵệt mãn thuyền.
(Nửa đêm trở về trăng đầy tràn thuyền)
Ông Xuân Thủy dịch :
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Thần hứng thăng hoa ấy là của một tâm hồn Anh hùng và Nghệ sĩ tài hoa rất nhây cảm với Cái Đẹp, hệt như Nguyễn Trãi anh hùng và Danh nhân văn hóa:
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then
Câu “hợp” đã hoàn thành chức năng trong bài tứ tuyệt, tổng hợp lại cảnh tình, tâm tư, xúc cảm của nhân vật trữ tình, nâng bài thơ lên vẻ đẹp kinh điển, gieo vào lòng độc giả các thế hệ vang hưởng không dứt.
Theo vòng luân chuyển của thời gian, vầng trăng rằm tháng giêng tròn đầy và tỏa sáng đều đặn cùng mùa xuân, mùa thơ trở về với thi sĩ và độc giả yêu thơ. Hội Nhà văn Việt Nam đã lấy ngày Nguyên tiêu làm Ngày Thơ Việt Nam một phần do gợi ý từ “Nguyên tiêu” của Bác, mặt khác do xuân sắc mùa xuân tràn ngập sông núi, dân gian nô nức hội hè, đình đám mời gọi thi hứng. Đọc bài thơ “Nguyên tiêu” trong tiết xuân, câc thế hệ nghệ sĩ vẫn như nghe lời Người nhắc nhở : “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Thăng Long – ngày 20/4/2023
(Tức ngày mồng 1 tháng Ba năm quý Mão)
Viết nhân Thanh minh trong tiết tháng Ba
Nhà nghiên cứu và phê bình Văn học
ĐẶNG TƯƠNG NHƯ