Nhịp điệu Sóng của Nhà thơ Xuân Quỳnh

Thứ tư - 22/12/2021 19:51
Kim Sa
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 - 1988)
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 - 1988)
1-  Xuân Quỳnh sinh năm 1942 và mất năm 1988, tên khai sinh đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ở La Khê, thành phố Hà Đông, tỉnh Hà Tây ( nay là Phường La Khê, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội). Mồ côi mẹ từ nhỏ, Xuân Quỳnh ở với bà nội. Năm 1955, Xuân quỳnh là diễn viên múa của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Từ năm 1963, bà là biên tập viên báo Văn nghệ, từ năm 1980 làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.
   Xuân Quỳnh thuộc số những nhà thơ đầu tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tấm lòng của một phụ nữ có nhiều trắc ẩn, luôn da diết trong khát vọng về tình yêu và hạnh phúc bình dị đời thường. Bà được mệnh danh là Nữ hoàng thơ tình yêu của Việt Nam thời hiện đại. Năm 2001, Xuân Quỳnh  được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Năm. Năm 2017, Xuân Quỳnh được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
  Tác phẩm chính: các tập thơ  “Tơ tằm – Chồi biếc” (in chung, 1963), “Hoa dọc chiến hào” (1968), “Gió Lào cát trắng” (1974), “Lời ru trên mặt đất” (1978),”Tự hát” (1984), “Bầu trời trong quả trứng” (thơ viết cho thiếu nhi, 1982; truyện thơ “Truyện Lưu Nguyễn” (1985).
 
2- Bài thơ SÓNG, in trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968)
 
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
 
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
 
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
 
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
 
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ tới anh
Cả trong mơ còn thức
 
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
 
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù  muôn vời cách trở
 
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
 
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
 
 “ Sóng” được sáng tác năm 1967 trong một chuyến Xuân Quỳnh đi vùng biển Diêm Điền tỉnh Thái Bình. “Sóng’là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
  Xuân Quỳnh mượn hình tượng sóng để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú, phức tạp, vừa tha thiết sôi nổi của một phụ nữ khao khát yêu thương. Song hành, đồng hiện với hình tượng sóng là hình tượng “em” – “cái tôi” trữ tình của thi sĩ. “Sóng” là ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự  hóa thân và phân thân của “cái tôi” trữ tình. Hai “nhân vật” sóng và em tuy hai mà là một, có lúc phân đôi “để soi chiếu vào nhau, làm nổi bật sự tương đồng), có lúc lại hòa vào nhau để tạo thành sự âm vang, cộng hưởng). Hai hình tượng này song hành suốt tác phẩm diễn tả một cách mãnh liệt, thấm thía khát vọng tình yêu đang cuồn cuộn trào dâng trong lòng nữ thi sĩ.
    Hình tượng sóng được tạo ra từ âm điệu nhịp nhàng, từ âm hưởng dào dạt của bài thơ. Đó là nhịp sóng của  của biển cả hòa hợp với nhịp sóng lòng của nữ sĩ trong một tình yêu không bao giờ yên định. Thể thơ năm chữ rất đắc dụng trong việc tạo ra âm điệu, nhịp điệu ấy.
   Chi phối âm điệu, nhịp điệu của một bài thơ chính là điệu cảm xúc, là nét riêng trong tâm trạng, tâm tình của thi sĩ. Đó chính là điệu tâm hồn để phân biệt thi sĩ này với thi sĩ khác. Trong nghệ thuật thi ca và sự tiếp nhận thi ca, yếu tố tạo ấn tượng trước tiên và trực tiếp, yếu tố để lại dư âm sau cùng cho người đọc, chính là âm điệu, nhịp điệu của bài thơ đó.
   Nét đặc sắc đầu tiên của bài thơ “Sóng” chính là âm điệu, nhịp điệu tự nó tạo thành hình tượng sóng. Đó là âm điệu, nhịp điệu của muôn trùng con sóng trên biển cả và cũng là nhịp điệu, âm điệu của những đợt sóng trong lòng người với nhiều cung bậc, sắc thái cảm xúc. Âm điệu, nhịp điệu đó được tạo nên bởi hai yếu tố chính: thể thơ năm chữ và phương thức tổ chức ngôn từ, hình ảnh. Thể thơ năm chữ cùng với sự linh hoạt, phóng túng  khi ngắt nhịp, phối âm đã gợi lên đầy ấn tượng nhịp sóng biển, nhịp sóng lòng.: khi dịu êm, nhịp nhàng, khi dữ dội, trào dâng . . . Những câu thơ có vần nhưng liền mạch , các khổ thơ  được gắn kết bằng vần nối từ chữ cuối cùng của khổ thơ trên xuống chữ cuối câu thơ đầu của khổ thơ tiếp đó. Ví dụ:
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
   Bài thơ gồm chín khổ, chỉ có một khổ sáu dòng, còn lại mỗi khổ đều có bốn dòng. Về hình thức, cùng với vần điệu, nó cho ta hình dung mỗi câu thơ là một làn sóng, mỗi khổ thơ là một đợt sóng nối nhau vào – ra dào dạt, liên tục, không ngớt. Chính đặc điểm này tạo nên sự nhịp nhàng của âm điệu, nó vừa diễn tả nhịp điệu của sóng đại dương vừa mô phỏng nhịp điệu của tâm hồn, chủ yếu là nhịp điệu của một tâm trạng đang yêu tha thiết, dịu dàng. Nhịp điệu vào – ra đều đều vô tận của sóng còn được tạo ra bằng những đối sánh liên tiếp phân thành hai cực: dữ dội >< dịu êm, ồn ào >< lặng lẽ, sông>< biển, ngày xưa >< ngày sau, lòng sâu >< mặt nước, ngày >< đêm, xuôi >< ngược, phương bắc>< phương nam, dài>< rộng . . . Tất cả tập trung miêu tả nổi bật một trạng thái  không yên định trong tình yêu nhưng tràn đầy hạnh phúc.
  Bài thơ mở ra với một trạng thái tâm lí đặc biệt của một tâm hồn khao khát yêu đương đang hướng về một tình yêu lớn lao hơn. Đó là một trạng thái tâm lí, tâm hồn phong phú, phức tạp của người con gái đang yêu vốn mang nhiều đối cực:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
  Con sóng “Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ” cũng là tâm tính của người phụ nữ đang yêu: vẻ ngoài bình lặng chứa đựng bên trong những sức mạnh ẩn tàng, những khao khát mãnh liệt; vẻ ngoài sục sôi, mãnh liệt che phủ bên trong một trái tim nhân hậu, đằm thắm, yêu mến, chở che. Chính cái bí ẩn kì lạ đó khơi dậy những khát vọng lớn lao: “Sông không hiểu nổi mình – Sóng tìm ra tận bể”. Có thể thấy người phụ nữ không cam chịu an phận, nhẫn nhục mà dứt khoát và quyết liệt từ bỏ những cái tầm thường, nhỏ hẹp để đến với cái lớn lao, khoáng đạt, bao dung. Vượt qua những giới hạn chật chội, con sóng thật sự nhận thấy sức mạnh, nỗi khát khao, sôi sục của mình; cũng giống như người con gái khi đối diện với tình yêu mới hiểu nổi mình, hiểu được giá trị của mình, cảm nhận được sức mạnh và khát vọng tình yêu của mình.
  Chẳng khác gì sóng, khát vọng về một tình yêu bao la, mãi mãi tồn tại là chuyện của muôn đời. Đại dương tình yêu muôn năm luôn dào dạt sóng. Tình yêu vĩnh hằng cùng với thời gian vô thủy vô chung là báu vật mà Tạo hóa ban tặng cho con người, đặc biệt là cho tuổi trẻ:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
  Đã bao nhiêu đôi lứa, bao thế hệ yêu nhau đã tự tìm hiểu, cắt nghĩa về tình yêu. Tình yêu là gì? Nó bắt đầu từ đâu? Vì sao người ta yêu nhau? . . . Tình yêu là một hiện tượng tâm lí đặc biệt, đầy bí ẩn, và không có câu trả lời duy nhất, đầy đủ. Cái điều mà thi sĩ Xuân Diệu đã từng băn khoăn “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, thì đến nay đến lượt thế hệ thi sĩ như Xuân Quỳnh lại day dứt và cố gắng đi tìm lời giải đáp. Lời giải đáp cũng thật hồn nhiên, dễ thương và bất ngờ: nó giống như sóng biển, gió trời, không thể nào hiểu hết được; nó tự nhiên, hồn nhiên như thiên nhiên và cũng khó hiểu, lắm bát ngờ như thiên nhiên:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
  Đây là cách cắt nghĩa tình yêu rất nữ tính. , “rất Xuân Quỳnh”; nó xuất phát từ nhận thức về một quy luật tự nhiên. Thì ra  người phụ nữ ít khi triết lí trong tình yêu.  Họ thường yêu bằng cả trái tim với nhịp đập hồn nhiên muôn thuở, với lí trí – trái tim sáng suốt và nhân hậu mách bảo, họ sẵn sàng giơ tay đầu hàng sự duy lí khô khan, lạnh lùng để đổi lấy bao nhiêu thắm thiết ân tình, độ lượng, chở che cho tình yêu đích thực.
  Yêu gắn liền với nhớ và nhớ là thước đo của tình yêu. Đã yêu nhau thì nhớ nhau, yêu nhiều thì nhớ nhiều, nhớ mãnh liệt, ngẩn ngơ . . . Cách nói nhớ trong tình yêu của Xuân Quỳnh thật độc đáo, chắng giống ai: một nỗi nhớ thường trực cả khi thức, cả trong giấc ngủ, bao trùm cả thời gian và không gian, chiếm lĩnh cả ý thức và thấm sâu vào tiềm thức, nỗi nhớ cồn cào như sóng đại dương, cồn lên từ lòng sâu lên mặt nước:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
  Đến đây, hầu như con sóng không nói hết được nỗi nhớ trong tình yêu, “nhân vật” em phải xuất hiện để trực tiếp nói với anh về nỗi nhớ của riêng mình:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
  Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, lúc mà cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang ở gia đoạn khốc liệt nhất, còn bản thân nhà thơ cũng nếm trải vi đắng của một cuộc tình tan vỡ. Nhưng người phụ nữ giàu nghị lực ấy vững tin vào tình yêu con người, vào danh dự của người phụ nữ biết yêu – cũng như con sóng nhất định sẽ “tới bờ”, “dù muôn vời cách trở”; tình yêu chân thành cũng sẽ tới bến bờ của nó. Tình yêu đó luôn đòi hỏi sự thủy chung duy nhất, tuyệt đối. Quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh rất mới mẻ nhưng có gốc rễ rất sâu trong đạo lí truyền thống:
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh -  một phương
  Đáng trân trọng biết bao ước nguyện thủy chung như nhất trong tình yêu của Xuân Quỳnh. Dưới hình thức nói ngược, những câu thơ trên của Xuân Quỳnh như thoáng qua chút thách thức. Trong tiếng Việt, thông thường người ta nói “ngược về phương bắc, xuôi về phương nam”, Xuân Quỳnh nói ngược lại với hàm ý sâu xa: dù cuộc đời có đảo điên, dù vật đổi sao rời, dù xuôi hóa ngược, dù cho ở đâu, em vẫn như kim chỉ nam, em luôn “Hướng về anh – một phương”. Xuân Quỳnh rất hiếm khi quyết liệt trong thơ. Đây có lẽ là lần nhà thơ tỏ ra quyết liệt nhất để bảo vệ tình yêu chung thủy. Xuân Quỳnh luôn biết vun đắp, chắt chiu cho hạnh phúc đời thường. Nữ thi sĩ chưa bao giờ kiêu sa để triết lí về tình yêu. Trong sâu thẳm của ý thức , Xuân Quỳnh vẫn ngẫm tự biết mình cũng chỉ là “trăm ngàn con sóng nhỏ” bình dị “Ở ngoài kia đại dương” và cũng thấm thía sự hữu hạn của kiếp người:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
  Hành trình tâm tình của Xuân Quỳnh đã đi từ dòng sông chật chội, như sóng nước muôn dòng dồn về biển lớn để được sống hết mình trong đại dương tình yêu của nhân loại, để hóa thân vĩnh viễn vào tình yêu của muôn đời, muôn người.. nếu một đời người có giới hạn trăm năm, thì xuân Quỳnh muốn tan ra thành trăm con sóng nhỏ khiêm nhường để dào dạt vỗ tới ngàn năm:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
  Trên đời này chắc chỉ có tình yêu là vĩnh viễn? Chân lí ấy với Xuân Quỳnh là một trải nghiệm. “Sóng” của  Xuân Quỳnh mãi dào dạt trong lòng những người  biết sống vì tình yêu lớn.
  Trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữa “sóng” và “em”, bài thơ đã diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, thủy chung, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của một đời người. Tình yêu là một tình cảm cao đẹp, thiêng liêng, một nguồn hạnh phúc lớn của con người.
                                                       *
                                           *                     *
3. – Ngày 02 tháng 01 năm 1963, khi Xuân Quỳnh 25 tuổi, bà đã cảm nhận được mai sau của đời mình khi giã từ cõi dương thế:
Này anh, em biết
Rồi sẽ có ngày
Dưới hàng cây đây
Ta không còn bước
Như người lính gác
Đã hết phiên mình
Như lá vàng rụng
Cho chồi lên xanh
 
Và đời mai sau
 
Trên đường này nhỉ
Những đôi tri kỷ
Sóng bước qua đây
Lá vàng vẫn bay
Chồi non lại biếc
(Bài thơ “Chồi biếc” . 1963 )
 
  “Những đôi tri kỷ “ hôm nay và mai sau có thể được “sóng bước” trên đường phố mang tên vợ chồng cố nghệ sĩ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ. Thành phố Hà Nội sẽ đặt tên cho 38 đường phố mới, điều chỉnh độ dài 9 tuyến đường và phố. Nghị quyết sẽ được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kì họp tháng 12 – 2021. Trong đó, vợ chồng cố nghệ sĩ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ được đề xuất đặt tên cho hai con phố gần nhau tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Phố Xuân Quỳnh dự kiến sẽ bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28 – Phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m (lòng đường rộng 6m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m). Phố Lưu Quang Vũ dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430m, rộng 17,5 đến 26m (lòng đường 7,3 đến 13m, vỉa hè mỗi bên từ 5 đến 6,5m).
   Mong ước cho đôi lứa yêu nhau sóng bước trên đường phố có “chồi biếc” “xanh như là thương nhau” đã thành sự thật.

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây