NGƯỜI ĐÀN BÀ NGỒI ĐAN
Ý Nhi
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót
Không thở dài
Không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực
Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia li
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng
Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộn len như quả cầu xanh
Đang lăn những vòng chậm rãi.
1/1984
Lời bình :
Bài thơ của Ý Nhi đem ra cái lạnh của không gian đất trời và cái hạn hẹp của không-gian-nhà để mà tượng hình lên chân dung Người đàn bà ngồi đan. Tư thế và tâm thế của một nhân vật trữ tình cụ thể hiện lên trong công việc đời thường-công việc của người đàn bà rất Á Đông. Nếu kể cả tên bài thơ, hình ảnh đầy chất gợi cảm và gợi suy, được tác giả điệp lại tới ba lần. Và, hình ảnh ấy vừa chạm khắc nên hình,lại vừa tỏa lan tâm tình đi suốt bài thơ.
Ý Nhi như “bắt mạch” ra tâm tư nhân vật thơ của mình-ấy là những trạng thái nhất quán và trái chiều, đồng nhất và khác biệt của con người “ngồi đan bên cửa sổ” với vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã; cả niềm hân hoan hay nỗi lo âu; và, với cả Trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng…
Có một thời gian và không gian xác định của sự hiện diện hình ảnh Người đàn bà ngồi đan. Con người lặng thầm với công việc của mình kia giữa chiều lạnh. Một chiều lạnh hay nhiều buổi chiều như thế của đời người, làm sao mà đo đếm hết được !(?)
Bài thơ của Ý Nhi vẽ ra cảnh tượng con người trong đời sống lành thường, quen thuộc. Từ tả công việc ngồi đan của người đàn bà, nhà thơ với xúc cảm phụ nữ mà đan tiếp, dệt tiếp vào chiều sâu nội tâm của Người đàn bà ngồi đan. Bao nhiêu là chiều hướng tâm sự ẩn sâu bên trong cái vẻ ngoài nhẫn nại- Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời. Mượn cái không của vẻ ngoài người đàn bà: Không thở dài/ không mỉm cười/…không một lần chị ngẩng nhìn lên, để rồi nhà thơ gợi mở cho sự khám phá của người đọc thơ về khả năng vô tận, muôn chiều của cái có trong tâm tư nhân vật trữ tình.
Những cái có thực sự ắp đầy và trào dâng trong chiều sâu nội tâm của người đàn bà giữa đời thường. Song, điều đáng nói là ở chỗ những cái có trong tâm tư ấy, lại hiện hữu ở hai chiều tương phản, đối lập: đau thương hay hạnh phúc, nềm tin hay ngờ vực, gặp mặt hay chia li, hân hoan hay lo âu…
Những trạng thái tâm tư trái chiều ấy, có mặt ở mọi nơi từ phía người đàn bà ngồi đan. Từ tâm tư ẩn chứa mà chị đang giữ kín, từ trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng của chị, tâm tư bộn bề và phức điệu ấy dường như cũng nương náu, trú ngụ cả trong mũi kim kia ẩn giấu…
Hình anh Người đàn bà ngồi đan với cả hai tầng diện mạo : diện mạo bên ngoài và diện mạo nội tâm, được nhà thơ nữ lặng lẽ quan sát. Lặng lẽ ghi nhận và đồng cảm để rồi đan dệt nên những lời thơ bình dị mà rất đỗi sâu xa, gợi nghĩ như hơi thở của cuộc sống thường nhật :
Chị đang giữ kín đau thương
Hay hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay ngờ vực
…Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan
Hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hi vọng
Mượn hàng loạt những yếu tố không xác định, cứ chơi vơi, lửng lơ theo hai hướng: được-mất;buồn-vui;hợp-tan…, nhà thơ như muốn nhìn sâu vào hiện thực nhân sinh để khái quát về sự tất yếu khách quan-sự tất yếu nằm ngoài mọi toan tính chủ quan của chính con người. Bài thơ khép lại bằng một hình ảnh được ví như quả cầu xanh-Đanglăn những vòng chậm rãi- cuộn len lăn ngoài vòng đời !
Phải chăng những điều “ý tại ngôn ngoại” mà nhà thơ muốn tâm tình và nhắn nhủ : con người biết sống giữa cuộc đời bởi chính khả năng tự tại, tự ý thức của mình. Bài thơ của Ý Nhi dường như cũng giấu đi những lời khen, chê, bình luận về cuộc sống và phận người. Mà, để cho ta tự ngẫm thêm về hính ảnh Người đàn bà ngồi đan giữa chiều lạnh cuộc đời.
Hà Nội, 6/4/2007
.
Bài bình trích trong cuốn BÌNH THƠ TỪ 100 BÀI THƠ HAY THẾ KỈ XX
Trang 87-91-Nhà XBGD, Tập 2, năm 2008.