Nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Tương Như
Yến Lan (12.III.1916 - 5.X.1998), Nhà thơ Việt Nam, tên khai sinh là Lâm Thanh Lang, ông còn có bút danh là Xuân Khai (trước 1945). Sinh trưởng trong một gia đình nền nếp thuộc tầng lớp tiểu tư sản, thân phụ là kế toán hiệu buôn, quê quán ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thuở hoa niên trước Cách mạng tháng Tám-1945 ông vui đèn sách bút nghiên học hành chỉn chu rồi ra dạy học và si mê dan díu với Nàng Thơ. Năng khiếu thi ca nảy nở sớm, tuổi mới thanh xuân ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn hợp thành “Bàn thành tứ hữu” (bốn người bạn) lập ra trường phái thơ Bình Định và sáng tác theo tuyên ngôn Thơ Loạn (Thơ Điên) với những hình tượng thơ Trăng – Xương – Máu – Hồn ma . . .
Ông đã từng tham gia khởi nghĩa ở huyện An Nhơn, làm công tác thông tin tuyên truyền cho cách mạng. Sau cách mạng tháng Tám, ông là ủy viên Văn hóa Cứu quốc Bình Định (1947 – 1949), là Ủy viên Văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ, Trưởng đoàn kịch Kháng chiến. Từ 1950 đến 1954 ông làm công tác Văn hóa Văn nghệ ở quê dừa Bình Định.
Sau 1954, Yến Lan tập kết ra Bắc, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957, làm việc taị Nhà xuất bản Văn học và tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Sau khi thống nhất đất nước 1975, ông trở về công tác tại Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Định và từ thế tại quê hương ngày 05/10/1998.
Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Vào thế giới Thơ của Yến Lan, bạn đọc các thế hệ thường nghĩ ngay đến bài thơ “Bến My Lăng” tác giả viết khi mới ở độ tuổi 16 – 17, nhắc đến không gian nghệ thuật mộng mơ ấy bạn đọc như đắm đuối trong trong một hồn thơ trong trẻo, vi tế, chan chứa tình yêu với quê hương xứ sở an hòa. Yến Lan đã hơn một lần biện giải nguồn gốc bến My Lăng là bến đò Trường Thi trên sông Cửa Tiền, mà cái danh thơ My Lăng ấy vẫn cứ như mơ mòng, như một hồi ức được biến hóa, một Bến Mơ trên dòng Sông Thơ của bất cứ một ai. Cái tên ảo huyền, cái bến siêu thực ấy là cảm hứng sáng tạo của thi sĩ trong giờ phút thần hứng chói ngời đêm trăng “Bến My Lăng” chan chứa tình. Bến My Lăng vẫn vẹn nguyên trong hồn thơ chàng trai tuổi hoa niên cho đến giây phút cuối ông còn trên cõi trần ai. Cái tên My Lăng đầy u uẩn. Thông điệp tác giả gửi gấm từ “Bến My Lăng” lớn hơn nhiều ngôn từ trong văn bản, không dừng ở cái bến thông thường, như yến Lan đã có lần tâm tình cùng ta: “Những ai đã có một lần đứng đợi một chuyến đò ngang… và nhất là có nỗi hi vọng lớn lao phải chờ đợi… “Bến My Lăng” ở trong lòng tôi và có thể ở trong lòng bạn ...”
Nhà thơ Yến Lan ( 1916 - 1998 )
Thuở Yến Lan viết “Bến My Lăng”, ông đang ở trường Thơ Loạn (Thơ Điên) cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn mà tuyên ngôn là lời tựa tập thơ “Điêu tàn” (1947). Nhưng ông không “điên loạn” như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, mà “Yến Lan đi quá xa” trong miền mơ mộng, như ông Hoài Thanh, tác giả cuốn “Thi nhân Việt Nam” nhận xét. Bài thơ “Bến My Lăng” chính là “Cả trời thực, cả trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta”, theo hồn thơ say trăng, say Cái Đẹp trên bến My Lăng của Yến Lan.
Bài thơ mở ra với cái vô sự của tất cả, cả cảnh vật và con người đều vô sự. “Bến My Lăng nằm không”, một cái bến cô liêu, một không gian tịch liêu; một con thuyền “đợi khách”, con thuyền cũng nằm im trong cô đơn, vì chẳng có khách lụy đò sang sông. Vắng khách, ông lái chẳng chở đò đã đành, mà cũng “chẳng buông câu” kiếm dăm ba con cá ăn, hay để tiêu sầu. Ông lái đò không uống rượu vì “rượu hết rồi”, ông lái đò cũng không đọc sách, cứ để “Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách”. Ông lái đò không thổi sáo, không run người ra tiếng địch”, không nhờ tiếng sáo chở hồn “lên tắm bến trăng bến trăng cao”. Ông lái tôn trọng cái “đìu hiu” của đất, cái “tĩnh mịch” của trời, cứ để cho tất cả trời đất vạn vật trong trạng thái tự nhiên, như nhiên. Trời đêm ấy “võ vàng” như gầy hơn, tiều tụy hơn vì trăng tỏ, nhưng sao mờ “trời thiếu những vì sao”. Không gian có gió, nhưng gió quá nhẹ, gió mơ hồ chỉ đủ để khẽ “lén” lay động mấy sợi râu, gợi thêm chút buồn cho ông lái đò “Ông lái buồn vì gió lén mơn râu”. Dòng chảy dưới bến cũng chỉ là một dòng quẩn đưa những xác lá vàng “trôi quanh thuyền” vì chúng đã là những xác lá chết, đã lìa cành quẩn theo dòng nước lạnh. “Chiều” của Yến Lan không giống “Chiều” của Hồ Dzếnh như một tình nhân trong phút chia phôi lưu luyến, bịn rịn cứ muốn níu kéo “ngày” lại: “Trên đường về nhớ đầy – Chiều chậm đưa chân ngày”.. Còn “chiều “ của Yến Lan là thứ “chiều ngui ngút”, một thứ chiều vừa đơn côi, vừa tủi buồn, nó “dài trôi về nẻo quạnh”, để nhanh chóng bàn giao cho “đêm” quản lí toàn bộ không gian bến My Lăng: “Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng”. Yến Lan đã công phu chuẩn bị đến như thế để đắm mình trong đêm trăng huyền diệu bến My Lăng, ru hồn với trăng và bị trăng hút hồn.
Đây không phải là “nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự” (Trăng nhàn hạ soi người nhàn hạ) của Trần Nhân Tông khi ông về chơi ở Hành cung Thiên Trường; mà cũng không phải cái thứ môtip ông lão chài hóa đá trong “Vọng Trường Dụng” của Vương Xương Linh đời Đường bên Trung Hoa, đừng nhọc lòng đi tìm mối liên hệ xa xôi như thế làm gì. Đây hẳn là cảm xúc, cảm nhận của một hồn thơ lãng mạn mơ mộng bậc nhất, “đi quá xa” trong miền mộng mơ của Thơ mới đương thời.
Ông Hoài Thanh trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” đã rất tinh tế và nhậy cảm khi khái quát cái chất của các thi sĩ Bình Định là “cái vầng trăng vẫn thường ám ảnh” hồn thơ của họ. Nếu có mối liên hệ nào của Yến Lan với Hàn Mặc Tử trong Trường thơ loạn thì đó chính là cái bến sông trăng và con thuyền hồn, con thuyền chở trăng về với người, chở hồn người lên với trăng như thiết lập một giao thông huyết mạch cho THƠ. Nếu thiếu TRĂNG thì THƠ không chảy trong huyết quản của thi sĩ. Trăng là Khoảng vọng Mỹ Nhân của Hàn Mặc Tử:
Trăng bến My Lăng là những sợi tơ trời quấn quýt lấy hồn người:
“Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng . . . trăng”.
Cái đêm trăng vàng đầy tơ vương My Lăng đã làm một điều tội lỗi: nó quyện hồn Yến Lan vào hồn ông lái đò, rồi cả hai khua nhẹ mái chèo “Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng”, “Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao”.
Say trăng đến hồn lìa khỏi xác, say trăng đến chết là thứ say cao nhất rồi. Nhưng say trăng là ngất ngây CÁI ĐẸP, là say Mộng. Thiếu trăng, thiếu cái đẹp, cạn nguồn mộng mơ thì lấy gì làm máu chảy trong tim, trong huyết quản của Thi sĩ ?!
Thi sĩ tôn thờ CÁI ĐẸP, suốt đời đi tìm CÁI ĐẸP, gắn bó phần hồn tinh túy với TRĂNG, hiện thân của Cái Đẹp huyền diệu, đến chết vẫn vương sợi tơ trời. Khi đã nâng hồn lên tầm của Cái Đẹp vĩnh hằng thì sẽ bay sạch mùi độ nhật kiếm cơm của ông lái đò, mùi tanh của con cá câu trên bến My Lăng, bay sạch men rượu dễ làm người ta không tỉnh táo, sẽ không còn phải nghe tiếng hối thúc của chàng Kỵ mã hối hả cưỡi ngựa qua đò giang đi tìm hư danh trên những nẻo đường dương thế. Hồn thơ lãng mạn của Yến Lan có điểm tựa nhân bản vững chắc để bay bổng và rung động lòng người. Nó tạo ra “cái không khí lạ lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích” (Hoài Thanh – “Thi nhân Việt Nam”).
Hà Nội – Đêm Giáng sinh 2021. ĐTN
Nguồn tin: HNV.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn